Người thất chí - Chương 3 (Hồ Biểu Chánh)
Hope Star | Chat Online | |
04/08/2019 09:49:46 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Người thất chí - Chương 4 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Người thất chí - Chương 5 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Người thất chí - Chương 2 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Người thất chí - Chương 1 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Lối 3 giờ chều, trời đã dịu nắng. Phụng mặc y phục đàng-hoàng, rồi thủng-thẳng đi bộ ra đường Kinh Lấp[1]. Chàng đi tới một căn phố lầu, trên cửa có một tấm bảng sơn màu đề mấy chữ lớn:
Tân Đợi
Báo xuất bản hằng ngày
Phụng đứng dụ-dự một chút rồi mới mạnh dạn bước vô cửa, móc túi lấy một tấm danh-thiệp đưa cho người đi giấy ngồi tại đó mà cậy đưa cho ông Tổng-lý[2] nhựt báo. Chàng đứng chẳng bao lâu, thì người đi giấy trở ra mới chàng đi theo mà lên lầu. Chàng vừa tới cửa môt cái phòng thì ông Tổng-lý báo Tân-Đợi bước ra tiếp rước vui vẻ, nắm tay dắt vô phòng rồi kéo ghế mời chàng ngồi.
Ông Tổng-lý ngồi ngang mặt Phung, ông vừa cười vừa hỏi:
- Tôi muốn biết coi ông đến viếng tôi, ông có điều chi dạy bảo tôi chăng?
- Tôi ở Sài-gòn mấy tháng nay, tôi nghe danh ông là người có chí tân tấn, quyết đánh đổ nền phong-hóa hủ bại, rồi xây một nền phong-hóa mới-mẻ, để cho xã-hội nương theo đó mà tấn-bộ cho khỏi thua sút người ta. Tôi lấy làm ái mộ cái tôn chỉ quý báu ấy, và tuy tôi bất tài, song tôi muốn làm tay chơn cho ông đặng giúp ông chút ít cho mau đạt đến mục-đích. Hôm nay tôi đến đây là có ý xin ông nghĩ thử coi, ông có thể dùng vào chỗ nào được hay không. Tôi chảng nệ cao thấp, dầu viết bài để đăng báo hay là làm băng để gởi báo cũng được, miễn là tôi được giúp trong báo quán thì thôi.
Ông Tổng-lý châu mày, nhìn kỹ Phụng rồi mới trả lời:
- Ông có cảm tình với tờ báo của tôi, thiệt tôi cám ơn ông lắm. Nghe mấy lời ông nói dường như tôi được nước mát xối xuống trong lòng tôi. Những lời ấy có tánh-chất thúc giục tôi phài hăng-hái mà đuổi theo cái mục-đích của tôi định mà bọn thủ cựu họ ghét lắm. Có lẽ trước khi đến đây, ông vẫn biết tờ báo của tôi mới lập, nên số người mua chưa được đông. Đã vậy mà tôn chỉ của tờ báo không thích-hợp với trí ý của hạng lão-thành trong xứ, nên họ cứ vận động phá tôi hoài. Tại hai cớ ấy mà bề tài chánh của bổn báo không được phát-đạt. Còn người giúp việc trong báo quán thì hiện nay đủ dùng. Ông sẵn lòng giúp tôi, mà tôi không thế nạp-dụng được, thiệt đáng tiếc lắm…Ông học ở trường nào mà xuất thân?
- Tôi ở bên Pháp 6 năm. Có bằng Tú-tài rồi tôi học trường bá-nghệ được 1 năm.
- Ạ! Ông có học bên Pháp?
- Phải.
- Nếu trong tòa soạn có được ông thì quí biết chừng nào. Thuở nay ông có phụ bút cho tờ báo nào hay chưa?
- Chưa.
- Ông có viết một bài luận rồì đăng báo chơi hay không?
- Tôi mới viết thử một bài nhưng mà không biết có đáng đăng cho công chúng đọc hay không nên tôi chưa dám cho đăng.
- Ông viết bài luận về vấn-đề gì đó?
- Bài tôi luận về sự khờ-khạo của người mê nhơn-đức.
- Húy! Cha chả! Ông luận như thế mấy ông lão thành đạo-đức họ càng ghét nhiều hơn nữa. Ông có thể gới bài ấy lại cho tôi xem thử hay không?
- Tôì có đem theo trong túi đây.
- Ạ! Nếu được vậy thì may lăm. Xin ông cho tôi đọc sơ một chút.
Phụng móc trong túi lấy ra một tờ giấy ngồi viết đêm nọ mà trao cho ông Tổng-lý.
Ông Tổng-lý dở ra mà đọc: “Nhơn đức nghĩa là ngu dại.” Ông ngó Phụng rồi cười mà nói: “Nội thấy chữ tựa cũng đủ làm cho bon lão thành nhảy nhởm. Viết báo phải viết như vậy, phải chọc giận độc-giả họ mới chịu đọc”. Ông ngồi coi trọn bài từ đầu chí cuối. Chừng coi hết rồi ông nghiêm sắc mặt mà nói:
- Ông nói ông chưa viết báo mà ông viết như vậy dầu nhà nghề cũng khó bì kịp. Hay quá! Hay mà lại thích hiệp với tôn chỉ của tờ báo “Tân-Đợi” lắm.
- Ông khen tôi quá, ông làm cho tôi ái ngại khó chịu hết sức…
- Không. Tôi khen thiệt, chớ không phải vị tình. Luận như vậy mà không khen sao được. Tôi lấy làm tiếc trong tòa soạn có đủ người …Tôi xin lỗi ông, tôi tính như vầy, không biết ông có vui lòng hay không …
- Ông tính thế nào ông cứ nói rõ ra, chẳng cần phải ái-ngại.
- Tôi muốn xin ông có rảnh ông viết bài gởi lại cho tôi đăng báo. Tôi sẽ trả tiền công từ bài để ông uống cà phê mà viết. Làm như vậy tuy ông không ngồi trong tòa soạn, song ông cũng có thể giúp cho tờ báo “Tân-Đợi” được. Tôi tính như vậy ông có vui lòng hay không?
- Được. Mà tôi xin nói trước với ông, tôi là người thất chí, nên tư-tưởng của tôi trái với phong-hóa của xã-hội hiện thời lắm. Tôi sợ e lời luận của tôi có thể làm hại cho tờ báo của ông chăng.
- Xin ông đừng ngại chỗ đó. Tôn-chỉ của tờ “Tân-Đợi” là đánh đổ nền phong-hóa cũ rồi xây nền phong-nóa mới. Ông công-kích phong-hóa cũ thì hiệp lắm, chớ có hại chỗ nào đâu.
- Tôi phải nói trước cho ông rõ trí ý của tôi.
- Cám ơn. Ông có vui lòng cho phép tôi đăng báo bài nầy hay không?
- Tùy ý ông liệu định.
- Nếu vậy thì tôi sẽ đăng liền trong số báo ngày mai.
- Tôi sẽ viết bài khác mà đem lại cho ông nữa… Thôi, tôi xin từ mà về, để cho ông làm việc.
- Xin ông chờ tôi một chút,
Ông Tổng-lý mở tủ lấy 3 đồng bạc mà đưa cho Phụng và nói: “Xin ông vui lòng lấy ít đồng bạc để uống cà-phê chơi. Nếu mỗi tuần ông viết cho tôi được hai hoặc ba bài thì tốt lắm”.
Phụng lấy bạc bỏ túi mà trong lòng hổ thẹn hết sức. Chàng bắt tay ông Tổng-lý rồi xuống thang lầu mà đi.
Về tới chợ, mới Bến Thành, Phụng ngó đồng hồ gắn trên đầu chợ thì thấy đã 4 giờ rưỡi. Chàng mua một ổ bánh mì 4 xu với một cắc bạc thịt xá-xiếu, xin giấy gói lại kín đáo, rồi cầm đi qua đại-lộ Galliéni mà về nhà.
Chàng đi thủng-thẳng dựa lề đường, thấy phía trước mặt chừng 10 thước, có môt cô gái chừng 17, hoặc l8 tuổi mặc quần vải đen, áo vải trắng, quần áo cũ xì, dơ dáy, lại có vá mấy miếng, tay cô bưng một cái rổ, cũng đương đi một hướng với chàng. Khi gần tới ngã tư đường Galliéni gặp đường (đường Nguyễn Thái Học), bỗng nghe phía sau lưng có tiếng kèn xe hơi, rồi một chiếc xe hơi thoát qua nghe một cái vù, mau như tên bắn. Lúc tới ngã tư, thình-lình thấy một chiếc xe hơi khác do đường chạy xuống phía Cầu Ông Lãnh.
Chiếc xe chạy đường Galliéni vì chạy mau quá, không kịp, nên sớp-phơ phải bẻ tay lái quẹo qua phía tay mặt đặng tránh chiếc xe kia. Chánh lúc ấy cô gái nọ bưng cái rổ đương đi lững-thững dựa bên lề đường, chỗ xe quẹo. Cô thấy xe muốn tuôn ngang mình cô, cô lật đật nhảy lên lề gọn-gàng, mà xe cũng theo cô leo lên lề, cái vè trước đụng cô té lăn cù, xe chạy luôn, quanh quẹo lộn xộn đến năm sáu chục thước đường mới ngừng được.
Tai nạn nầy xảy ra mau lẹ, như chớp nháng, song Phụng đi gần đó không đầy mười thước, lại sự rủi ở ngay trước mặt chàng, nên chàng ngó thấy rõ ràng. Cô gái nọ vừa té thì chàng vội-vàng chạy lại, đỡ cô ngồi dậy, mặt cô xanh dờn, đầu tóc xổ ra, nơi ống chư có vài giột máu, còn cái rổ thì văng xa với năm sáu lon sữa bò nằm tràn lan trên mặt đất.
Phụng đứng ngó quanh quất, thấy chiếc xe gây tai-nạn ấy nằm phía đường, sớp-phơ leo xuống rồi đi vòng chung quanh xe mà coi vè, coi bánh, không thèm để ý tới người mình đụng té, thì chàng nổi giận, nói với cô gái: “Cô ngồi đây đặng tôi đi kêu lính”.
Phụng dòm trước ngó sau không thấy lính, duy có những người đi đường áp chạy lại đứng bao chung qưanh cô gái. Phụng vẹt người ta mà đi lại chỗ xe gây tai-nạn; thấy sớp-phơ đương đứng lúc-lắc cái đèn xe thì nạt tằng: “Mầy chạy mau, tuôn lên lề cán người ta, rồi bây giờ mầy lo cái xe của mầy, mầy khồng kể mạng người hả?” Nói có mấy lời, kế thấy một người mặc âu phục, râu cá chốt, ngồi tỉnh queo trên xe, thì chàng càng thêm giận nên bỏ sớp phơ day qua nói với người ấy: “Chú dã-man lắm, không đáng ngồi xe hơi. Xe chú cán người ta, sao chú không lo cứu cấp, cứ ngồi đó? Leo xuống! Sớp phơ đem xe lại đặng chở người bịnh xuống nhà thương. A lê! Mau lên!
Người mặc âu-phục ríu-ríu leo xuống xe, mặt mày tái lét. Sốp phơ thụt xe trở lại chỗ cô gái ngồi.
Phụng thấy một thầy đội tuần cảnh đạp xe máy chạy lại thì nói: “Xin thầy đội làm vi-bằng giùm cho rõ-ràng. Thầy thấy hôn? Cô gái nầy đi trên lề, xe hơi leo lên mà cán cô trên lề chớ không phải giữa lộ”.
Trong đám đứng coi có một người nói lớn: “Vậy mà chủ xe với sớp-phơ muốn chạy luôn, không thèm cứu người ta chớ!”
Một người khác nói: “Chạy đâu cho khỏi. Hết thảy ai cũng thấy số xe, nếu đi luôn thì ở tù càng thêm nặng”.
Phụng choàn tay đỡ cô gái và hỏi: “Cô đứng dậy đi lại xe được hôn?” Cô nọ gật đầu. Phụng dìu dắt đem cô lên xe. Cô nói: “Ai đó làm ơn lấy cái rổ với mấy hộp sữa bò giùm cho tôi”. Có một người lượm hộp lon bỏ vô rổ rồi đem đê trên xe.
Phụng nắm cánh tay người chủ xe mà nói: “Chú leo lên xe đi. Phải chở người bịnh xuống nhà thương coi bịnh tình thế nào rồi sẽ hay. Tôi cũng đi theo nữa”. Chàng lại nói với thầy đội: “Xín thầy đội biên số xe, tên chủ xe, tên sớp-phơ cho đủ đặng lập vi bằng”.
Xe hơi chở người bịnh với Phụng trở lại nhà thương thí trước Chợ Bến-thành. Quan thầy thuốc khám nghiệm rồi nói: “May quá, bịnh không có chi nặng, chỉ trầy đầu gối, bầm chã vai, chớ không có gãy một cái xương nào hết”. Ông thoa thuốc mấy chỗ trầy và bầm, rồi biểu bịnh nhơn về, khỏi nằm nhà thương.
Cô gái nhúc nhắc đi ra. Phụng nói với chủ xe: “Bây giờ phải đi xuống bót đặng khai với ông Cò cho ông lập vi-bằng rồi mới đi được”.
Người chủ xe nhỏ-nhẹ nói: “Rủi đụng cô em té, nên trầy trụa chút đỉnh, chớ không phải cán. Thôi, để tôi cho cô em 10 đồng bạc mà uống thuốc, tới cò bót lòng dòng thất công, chớ có ích gì”.
Phụng trợn mắt đáp:
- Được đâu! Ỷ có tiền chạy lên trên lề đặng cán người ta mà chơi, rồi cho 10 đồng bạc đặng huề hay sao?
- Ấy là việc tủi ro sốp phơ tránh chiếc xe kia, nên leo lên lề, chớ có lẽ nào nó cố ý chạy kỳ-cục như vậy.
- Không được. Việc nầy phải tới Tòa …Có tôi thấy rõ-ràng tôi sẽ làm chứng cho bịnh nhơn kiện đến cùng.
- Thôi, để tôi cho cô em 20 đồng.
Thầy đội hồi nãy cạy xe máy đã lại tới. Thầy nghe nói như vậy thì khuyên rằng: “Rủi đụng sơ sịa, chịu tiền cơm thuốc 20 đồng cũng vừa; xuống bót hay lên tòa cũng vậy, lòng dòng thất công, chớ có ích gì. Người ta chịu cho 20 đồng đó con em chịu huề hay không?”
Cô gái gật đầu và chúm-chím cười và đáp: “Tôi chịu, mà phải đưa bạc liền bây giờ”.
Thầy đội ngó Phụng mà nói: “Bịnh nhơn chịu rồi. Thôi thầy còn kêu nài chi nữa. Huề thì tốt hơn. Chủ xe đưa tiền đi, tôi làm chứng cho”.
Người chủ xe lộ sắc vui mừng, lật-đật móc bóp phơ ra lấy một tấm giấy bạc 20$ mà đưa cho cô gái bị nạn và nói: Em mua vài cắc bạc dầu em thoa, trong ít bữa lành mạnh có gì đâu”.
Cô gái lấy tấm giấy bạc cầm trong tay, miệng chúm-chím cười.
Phụng rùn vai coi bộ không vừa lòng.
Người chủ xe dở nón chào, biểu sớp-phơ giao cái rổ lại cho cô nọ, rồi bước lên xe hơi mà đi, thầy đội cũng đi, tay dắt xe máy.
Phụng ngó cô gái mà hỏi:
- Nhà cô ở đâu?
- Em ở đường Galliéni.
- Ủa! Té ra cô ở một đường với tôi.
- Em ở dãy nhà lá gần trong ga d’.
- Bây giờ cô đi bộ mà về nhà được hay không?
Cô gái đi nhúc-nhắc và nói: “Chưn em đau quá”.
Phụng biểu: Thôi, cô ngồi đây, để tôi kêu một cỗ xe thổ mộ tôi đưa cô về”.
May lúc ây có một chiếc xe thổ mộ đương đi nghểu-nghến gần đó mà kiếm mối. Phụng kêu lại, trả giá 2 người một cắc rồi giúp với cô gái đem cái rổ đựng hộp lon lên xe mà đi.
Ngồi chung trên xe, bấy giờ Phụng ngó cô nọ kỹ-lưỡng, mới thấy cô tuy y-phục rách-rưới, song mặt mày sáng rỡ, tay chân dịu dàng, mái tóc đen huyền, nước da trắng đỏ, miệng cười có duyên như hao vừa nở, mắt ngó có tình như mây mùa thu. Phụng bèn hỏi:
- Cô tên chi?
- Em tên Tâm
- Cô ở với ai trong đường Galliéni?
- Em ở với ba em.
- Cô bưng hộp lon đi đâu mà bị xe đụng đó?
- Em đi kiếp hộp lon, em lượm đặng bán cho chệc lấy tiền mua gạo ăn.
- Trời ơi! Làm như vậy thế nào có tiền cho nhiều được!
- Bữa nào lượm được nhiều em bán tới một cắc, còn bữa nào ít thì năm bảy xu. Có thằng em của em nó cũng đi kiếm đồ nó lượm nữa.
- Ba của cô làm nghề gì?
- Hồi trước làm việc ở ngoài Catinat, mà lãnh coi kho hàng bên xóm chiếu. Từ hồi năm ngoái có bịnh nên ở nhà, không có đi làm việc được nữa.
- Xe chạy vô gần tới dãy nhà lá gần gare d’ Arras, cô Tâm kêu người đánh xe mà nói: “Tới nhà em rồi. Tới cây trụ đèn thứ nhì trước kia, anh nghe hông anh?”
Xe ngừng, Phụng nhảy xuống, móc túi lấy một cắc bạc đưa cho người đánh xe rồi đưa tay cho cô gái nọ vịn mà leo xuống. Một tay cầm tấm giấy bạc chặt cứng, một tay bưng cái rổ hộp lon, cô Tâm ngó Phụng mà cười và hỏi: “Còn nhà thầy ở đâu?”
Phụng chỉ tay ra phía Sài-gòn mà đáp:
- Tôi ở phía ngoài kia.
- Sao hồi nãy tới nhà thầy không ghé?
- Tôi muốn đưa cô về tới nhà. Nhà cô là nhà nào?
- Căn nhà ở bìa kia.
- Cô đi trước. Tôi sẽ đi theo mà đưa cô về tới nhà.
- Cám ơn thầy. Em vô một mình được. Thầy vô làm chi? Nhà em dơ dáy chật hẹp lắm.
- Không hại gì, xin cô đừng ngại. Để tôi vô đặng tôi cắt nghĩa cuộc xe đụng rõ ràng cho ba cô hiểu.
- Thầy muốn vô thì vô, song nhà em dơ lắm, mà ba em lại có bịnh nữa.
Cô Tâm nhúc-nhắc đi trước, Phụng thủng-thẳng theo sau, đi vô tới một khúc bờ nhỏ rồi tới một dãy nhà lá mười mấy căn, căn nào cũng túm húm, trong nhà trống lỗng, trước sau hào vũng đọng nước dơ-dáy hết sức. Đi tới căn bìa, cô Tâm bước vô và nói : “Con bị xe đụng ba à!”
Phụng đứng ngoài cửa dòm vô, thấy có một người đàn-ông mặc một cái áo lá vải trắng cũ mèm lại rách nát với một cái quần vải đen cũng rách, đương nằm trên một cái sạp, vừa nghe cô Tâm nói thì lồm-cồm ngồi dậy và hỏi:
- Trời đất ôi! Đụng ở đâu? Có sao không con?
- Đụng chỗ ngã tư đường xuống lò heo đó. Xe đụng con té lăn cù, mà không có sao hết, con bị bầm vai và trầy đầu gối mà thôi.
- May dữ hông! Ba thường dặn con đi đường phải coi chừng, đất nầy xe nhiều lắm.
- Con đi trên lề chớ; tại xe tránh nhau nó leo lên lề nó đụng con đó.
Người đàn ông ấy ngó ra cửa thấy Phụng thì nói với con:
- Có ai kia.
- Thầy đó cứu con, đem con đi lại nhà thương cho quan thầy thuốc coi; quan thầy thuốc nói con không có gãy xương, không có bịnh chi hết, rồi thầy kêu xe thổ-mộ đưa con về đây.
Cha của cô Tâm cứ ngồi trên sạp, chấp hai tay lại mà xá và nói: “Tôi cám ơn thầy. Tôi có bịnh, tôi đau bại đi đứng không được, lại nhà không có ván ghế chi hết mà dám mời thầy vô, xin thầy tha lỗi.”
Phụng dở nón mà chào rồi bước vô, tay cầm nón, tay cầm gói bánh thịt, thấy cha của tâm tóc râu xờm-xàm, thân thể ốm nhách, thì châu mày mà hỏi:
- Ông đau bại đã bao lâu rồi?
- Từ hồi năm ngoái, tôi ngồi một chỗ không đi đâu được hết.
- Ông bịnh không làm việc được, làm sao mà chi độ vợ con?
- Bởi vậy tôi nghèo dữ quá, cơm bữa đói bữa no, tôi nghiệp hết sức.
Ông nói tới đó nghẹn cổ, nước mắt chảy rưng rưng, nói không được nữa.
Lúc ấy có 3 đứa nhỏ chừng năm bảy tuổi, đứa ở trần, đứa ở truồng, ở ngoài dắt nhau đi vô, thấy Phụng lạ nên ngó trân-trân.
Cô Tâm để cái rổ dựa vách rồi nói với cha:
- Ba đừng có buồn, ba. Con có 20$ đây.
- Bạc đâu mà có nhiều vậy?
- Nhờ thầy đây làm lung quá, biểu con phải xuống bót mà thưa rồi nài giải tòa, nên chủ xe hơi sợ, họ chịu cho con 20$ đặng uống thuốc. Ba cất đi ba, để con giữ con sợ làm mất mà mang khốn.
Cô Tâm đưa tấm giấy bạc cho cha.
Cha của cô Tâm mừng quá, ngó Phụng mà nói:
- Thầy giúp-đỡ con nhà nghèo như vậy, ơn của thầy trọng biết chừng nào. Nếu không có thầy thì chắc họ cho vài đồng bạc là nhiều.
- Hồi tôi thấy xe đụng, tôi lật đật chạy lại đỡ cô em dậy. Tôi thấy chưn có máu, tôi tưởng bịnh nặng lắm, nên tôi mới làm dữ. Té ra quan thầy thuốc khán nghiệm, nói trầy sưng sơ sài, tôi mới mừng. Mà hồi nãy tôi dặn chủ xe, tôi muốn làm khó, tôi không cho cô em huề. Thiệt, nếu tôi biết gia đình của cô em như vầy, chắc tôi xụi lơ, rồi họ cho 10 đồng chớ đâu tới 20.
- Cám ơn thầy quá. Con nhỏ tôi bị xe đụng mà khỏi chết, lại được 20 đồng bạc thì may lắm. Nếu nó chết thì sắp em nó cũng phải chết hết. Từ ngày tôi có bịnh, tôi nhờ có nó cào-cấu[3] bươn-chải mà nuôi cả nhà, chớ tôi đau có làm việc gì được đâu.
- Còn bà ở đâu?
- Vợ tôi chết đã ba năm nay rồi, để lại cho tôi tới 5 đứa con. Con Tâm đây là lớn, còn một thằng nữa 13 tuổi, với 3 đứa con nhỏ lụn vụn[4] nầy đây. Con Tâm lãnh bánh ếch, bánh dừa và kiếm hộp lon, ve chai nó bán, còn thằng 13 tuổi thì làm ba-nhe (bagne: khổ cực) ngoài chợ, hai đứa nó kiếm tiền mua gạo nuôi tôi với sắp nhỏ, có bữa kiếm không đủ thì nhịn đói.
- Nếu vậy thì gia đình của ông khổ lắm.
Khổ lắm, thầy ôi! Hồi trước tôi làm việc ăn lương mỗi tháng tới 60 đồng, tôi khá lắm. Con người ta hễ tới nguy thì tai nạn dồn dập tới hoài. Vợ tôi chết làm tôi phải tốn hao mắc nợ. Chưa mãn tang vợ, kế tôi xán bịnh[5], uống htuốc tốn hao bạc trăm nữa. Bịnh không hết mà tiền lại hết. Không đi làm việc nữa được, tôi bán đồ đạc mà ăn lần lần, rồi bây giờ mới ra như vầy đây. Tôi nghĩ lại, thuở nay tôi có làm việc chi ác đâu không biết sao hành phạt tôi nặng nề quá.
Phụng nghe mấy lời than ấy thì động lòng, nên thở dài rồi nói: „Rõ ràng ông trời không công bình“.
Phụng từ mà về. Cha của cô Tâm nói: „Xin thầy vui lòng cho tôi biết coi nhà thầy ở đâu, quí danh là chi, đặng tôi dặn con tôi nó nhớ mà cung kính thầy.“
Phụng lắc đầu đáp: „Không cần. Sự tôi giúp cô Tâm trong lúc tai nạn là tự nhiên, ai cũng phải làm như vậy, không có ơn nghĩa chi hết. Tôi chúc thánh thần trời phật, nếu có linh, thì làm cho ông lành mạnh đặng ông nuôi con. Nếu được vậy thì tôi vui hơn hết“.
Cha của cô Tâm chấp tay xá Phụng và nói: „Tôi là Nguyễn văn Khoa, 45 tuổi cũng cầu chúc trời phật thánh thần phò hộ cho thầy, biết thương con nhà nghèo, được bình an, mạnh giỏi, giàu có đời đời.“
Phụng thủng thẳng đi bộ trở về nhà. Trời đã tối rồi, chàng vặn đèn lên, vô buồng thay đồ rồi mở gói bành mì với thịt ra ngồi ăn. Ăn uống no rồi chàng nằm trên ghế bố mà nghỉ lưng, nhớ câu chuyện ông Tổng lý báo „Tân Ðợi“ rồi nhớ cảnh gia đình ông Nguyễn văn Khoa thì trong trí chàng bàng hoàng, thêm buồn, thêm tiếc. Chàng đứng dậy đi lại bàn viết, tính viết một bài luận đặng đăng báo. Chàng lấy một tờ giấy, viết tựa 5 chữ lớn: „Ông trời không công bình“. Chàng ngồi một hồi, chắc là định thần chưa được, nên đứng dậy đi qua đi lại mà kiếm tư tưởng.
[1] nay là đại lộ Nguyễn Huệ
[2] chủ nhiệm
[3] Vơ vét
[4] vụn vặt, không đáng kể tới
[5] ngã bịnh, nằm bịnh. (Mắc cây mưa, xán bịnh nằm vùi. CD)
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!