Ngọn cỏ gió đùa - Chương 21(hết) (Hồ Biểu Chánh)
Hope Star | Chat Online | |
04/08/2019 09:59:26 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Áo em vàng góc phố sydney (Hùng võ) (Văn học trong nước)
- * Bài ca dao của K (Hùng võ) (Văn học trong nước)
- * Ngọn cỏ gió đùa - Chương 20 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Ngọn cỏ gió đùa - Chương 19 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Từ khi Lê-văn-Ðó nặng lời ước nguyện với Ánh-Nguyệt trong lúc nàng gần tắt hơi, nên ông lập thế chuộc Thu-Vân về mà nuôi, tuy ông đã nghe thấy tánh tình bạc bẽo của Từ-hài-Yến, nhưng mà ông nghĩ nghĩa cha con là đạo trọng, nếu ông dứt cái nghĩa ấy chẳng những là tội nghiệp cho phận Thu-Vân mà lại còn trái đạo trời, bởi vậy ông lần lựa nuôi Thu-Vân lớn khôn, kiếm chỗ dạy Thu-Vân ăn học, thầm tính sẽ liều thân mà làm cho phụ tử tương phùng, rồi ông kiếm nơi yên tịnh mà ẩn mình, đặng có vùi lấp cái kiếp phong trần cho rảnh.
Nay ông thấy rõ Haỉ-Yền quyền cao chức lớn, mặt mũi cũng như người, mà lòng dạ không giống người, trước đã phụ rảy vợ hiền, sau lại không biết thương con thảo, thì ông ngao-ngán thói đời, ông dửng dưng phong tục, bởi vậy lúc còn đứng trước mặt Hải-Yến thì ông vừa mới phiền muộn mà thôi, mà đến chừng phải bỏ mà dắt Thu-Vân ra đi, thì trong lòng ông sụt sùi, ông càng nghĩ ông càng oán hận Hải-Yến. Không phải tại ông nhớ ngày nọ Hải-Yến bắt ông, hay là ông tức vì Ánh-Nguyệt thấy Hải-Yến nên nàng mới chết, mà bây giờ ông động lòng nên sanh oán hận. Ông oán đây là vì ông nghĩ Hải-Yến là người học giỏi, học đã có khoa mục, lên ngồi cái địa-vị cha mẹ dân, người dường ấy có lý nào lại không hiểu nghĩa cang thường luân ly. Nếu Hải-Yến mà bạc vợ phụ con, ấy là tại cái tâm tánh của anh ta là tâm tánh tiểu nhơn. Mà người tâm tánh như vậy, sao lại cho làm quan lớn cai trị đến một tỉnh. Vợ con chẳng biết thương, thì làm sao mà biết thương chúng dân. Người nầy đã không nên cho sống lâu, mà cũng không nên cho làm quan. Sống thêm một ngày thì hại cho dân thêm một ngày, còn làm quan bao lớn thì hại cho dân cũng bao lớn.
Tuy lúc gần xuống ghe mà đi, ông Lê-văn-Ðó có hứa với Thu-Vân rằng ông đi qua miệt Vũng-Gù, và tuy ông cũng biết Thu-Vân tríu mến Thể-Phụng nên nàng muốn cho ông đi kiếm chàng, nhưng mà ông xuống ghe rồi ông thầm nghĩ rất đổ là cha ruột kia còn không ra gì huống chi là chồng, trong đời ông biết chắc ông thương Thu-Vân mà thôi, chớ ông không dám tin còn ai thương nàng nữa, bởi vậy ông đổi ý. Ông không qua Vũng-Gù, ông lại biểu ghe đưa ông trở về chùa Bình-An-Tự.
Cũng ở trong chùa nầy, mà lần trước Lê-văn-Ðó vì cái chủ nghĩa cao thượng, còn Thu-Vân vì tánh tình non nớt, nên ông cháu vui vẻ an phận trót mười năm. Cũng trở về chùa nầy, mà hôm nay Lê-văn-Ðó ôm lòng oán hận, còn Thu-Vân thì luống bận tình riêng, bởi vậy ông cháu dàu dàu, ai thấy cũng biết thất tình thất chí. Từ sớm cho tới tối Lê-văn-Ðó cứ ở ngoài vườn kiếm việc mà làm hoài, ông không muốn nói chuyện với ai hết. Còn Thu-Vân nấu nước cúng Phật rồi thì nàng xẩn-bẩn trong bếp, khi ngồi khoanh tay trên ván ngó tấm vách tả-tơi, khi đứng dựa vai vô cửa ngó mấy lùm cây rậm-rợm.
Ông cháu đều buồn, mà có lẽ tại hiểu ý nhau, nên ông lánh mặt không muốn gặp cháu, mà cháu cũng xây lưng không dám ngó ông. Ông cháu ở trong chùa được vài tháng. Một buổi trưa kia Lê-văn-Ðó dẩy cỏ[1] đã mệt rồi nên ngồi bẹp dưới gốc một cây da lớn mà nghỉ mát. Thình-lình ông thấy Thu-Vân ở trong nhà bếp đi ra vườn, nàng đi chậm rãi, cúi mặt xuống đất, chơn bước từ bước. Ông ngó châm bẩm mới thấy nàng hình dạng khô héo, mặt mày ưa sầu, cặp mắt sâu, gò má thỏn, bộ như người đau mới mạnh vậy. Ông châu mày suy nghĩ một hồi rồi rồi đứng dậy kêu nàng.
Thu-Vân giựt mình, ngó lại thấy ông đứng dựa gốc cây da thì nàng biến sắc. Ông đưa tay mà ngoắt nàng, bởi vậy nàng phải đi lại. Khi nàng đi gần tới, ông bèn ngồi xuống rồi thở ra mà hỏi rằng: “Tại sao cháu buồn dữ vậy?”
Nàng ứa nước mắt, song nàng cười và đáp rằng:
- Cháu có buồn việc chi đâu.
- Trong đời nầy chẳng còn ai thương cháu cho bằng ông được. Cháu có việc chi úc-uất buồn rầu, sao cháu không nói cho ông biết? Cháu phải nói cho ông hiểu đặng ông lo liệu chớ nếu cháu giấu ông cháu để ôm ấp cái buồn trong lòng hoài, rồi cháu sanh bịnh ông biết làm sao!
Thu-Vân ngồi xuống, rồi lượm một lá da khô mà xé nhỏ nhỏ; nàng lặng thinh không trả lời, mà cái mặt nàng coi sầu thảm lắm. Lê-văn-Ðó cũng ngồi im lìm một hồi rồi ông mới hỏi nữa rằng:
- Cháu buồn vì sự cha cháu phụ rảy cháu phải hôn?
- Không … Cháu có buồn về việc đó đâu. Chớ chi cha cháu nghèo hèn mà cháu không tìm cha cháu được thì cháu buồn, cái nầy cha cháu giàu sang, mà cha cháu không thèm nhìn cháu, thì cháu vui lắm chớ buồn là sao.
- Hay là tại ông thuật chuyện mẹ cháu gian nan hồi trước cho cháu hiểu, rồi cháu cảm thương thân phận của mẹ cháu mà cháu buồn?
- Thưa, hễ cháu nhớ tới chuyện của mẹ cháu, thì cháu thương mẹ cháu thiệt. Nhưng mà ngày nay mẹ cháu đã trả xong nợ trần ai rồi, dầu cháu có thương thì cháu kính trọng trong lòng vậy thôi, chớ phải buồn rồi mẹ cháu sống lại được cho cháu nuôi dưỡng hay sao mà buồn.
- Vậy chớ cháu buồn việc gì?
- Thưa, không có buồn việc chi hết.
- Hay là cháu không muốn ở trong chùa nữa? Cháu muốn đi phải hôn?
- Ði đâu bây giờ!
Ông hỏi thì nàng nói xuôi, mà chừng nàng hỏi ông lại thì ông không biết sao mà trả lời. Ông ngồi ngẫm-nghĩ giây lâu rồi đáp rằng:
- Như cháu muốn đi qua Vũng-Gù thì ông dắt đi.
- Tự ý ông.
Nàng nói ba tiếng “tự ý ông” mà nàng châu mày ủ mặt, giọng nói nghe thảm thiết, hột lụy tấy rưng-rưng. Ông nghe thấy như vậy thì ông đã hiểu rõ ý nàng buồn là vì phân cách Thể-Phụng, chớ không phải buồn việc chi khác.
Tự ý ông! Nếu thiệt nàng để tự ý ông liệu định, thì thà là ông giết nàng chết rồi ông tự vận mà chết luôn, chớ ông không đành gả nàng cho ai hết. Một máu một thịt là cha với con mà cha còn chẳng biết thương con, huống chi là khác giống khác dòng là vợ với chồng, chồng thương vợ nỗi gì mà ông gây cuộc vợ chồng cho nàng. Cũng vì cuộc vợ chồng mà mẹ nàng ngày trước phải dày gió dạn sương, phải trêu cay nuốt đắng. Bức tranh thê-thảm còn treo trước mắt sờ-sờ, cái đường chông gai lẽ nào ông nỡ xuôi nàng xông pha vào đó. Nếu để tự ý ông liệu định, thì chắc là ông khuyên nàng lánh xa trần tục, khinh bỉ loài người, chớ thếc tục bất lương lân cận càng nhuốc nhơ, người phi nghĩa chung chạ càng phiền não.
Ngặt vì miệng nói tự ý ông, mà lòng muốn theo ý nàng; lại lòng vì thương nàng nên ông không nỡ cãi, bởi vậy ông phải nhứt định dắt nàng qua Vũng-Gù mà dọ tin tức Thể-Phụng.
Lê-văn-Ðó gởi hết tài vật cho Hòa-Thượng rồi dắt Thu-Vân ra đi. Nàng đã hết buồn mà ông biểu đi, coi bộ nàng lại phấn-chấn lắm.
Ghe đi ngang qua chợ Bến-Tranh nhằm lúc ban đêm, trời có trăng mà bị mây án nên tứ phía coi lờ mờ. Vừa qua khỏi chợ, bỗng thấy dựa mé sông, bên tay mặt đèn đuốc sáng lòa, người ta đương lao-nhao lố-nhố. Có hai tên lính kêu ghe ghé lại rồi bắt hết những người dưới ghe mà dắt lên một cái nhà lớn dựa mé sông.
Lê-văn-Ðó dắt Thu-Vân vô nhà, thấy có một người, tuổi chừng 50, đương ngồi tại bộ ván giữa, còn hai bên thì người ta đứng đông nức. Người ấy hỏi ông rằng:
- Ghe đi đâu mà đi đêm hôm vậy hử?
- Tôi đi qua Vũng-Gù.
- Chi vậy?
- Tôi dắt cháu tôi đi qua bển thăm bà con.
- Không được, phải ở lại đây.
- Thưa cậu, tôi có việc gấp xin cậu làm phước thả cho tôi đi. Tôi có tội lỗi gì đâu mà cậu bắt tôi.
- É! Quan trên dạy ta hễ ai đi ngang qua đây thì bắt hết thảy. Cho mi đi sao đặng. Quan trên mộ lính mà dẹp giặc, dạy ta sáng mai nầy phải nạp cho đủ một trăm. Mi phải ở đây đặng ta dẫn đi nạp.
- Thưa cậu, mộ lính thì mộ người trai tráng chớ tôi già cả, cậu bắt tôi vậy thì tội nghiệp cho tôi lắm cậu.
- Ối! Già trẻ gì cũng bắt hết thảy. Nếu kén trai tráng thì làm sao cho đủ số.
- Cậu bắt tôi đi lính, rồi con cháu tôi đây nó bơ vơ tôi nghiệp lắm cậu.
- Nếu nó bơ vơ thì nó ở đây. Chừng nào yên giặc rồi mi trở lại đây mà rước nó.
- Tội nghiệp tôi lắm cậu.
- Thôi, đừng có nói nhây. Ở đó đặng khuya ta đi cấp.
Lê-văn-Ðó với Thu-Vân ngó nhau mà khóc. Ông hỏi thăm người ta thì mới hay người bắt ông đây là Lý-Trưởng. Vì Ðoàn-Hùng dấy loạn trong phía rừng Bình-Cách, quan Bố-Chánh Ðịnh-Tường vưng lịnh quan Tổng-Ðốc đem binh qua dẹp loạn. Mới giáp chiến một trận đầu, quan Bố-Chánh thua, binh hao gần phân nửa, nên phải truyền lịnh cho các xã thôn phải chiêu binh mà cấp thêm cho ngài. Lê-văn-Ðó hỏi rồi mới hiểu người ta bắt ông đây là bắt làm lính đặng đi dẹp loạn Ðoàn-Hùng.
Ông liệu thế năn-nỉ cũng không khỏi mà chống cự cũng không được, cùng đường rồi ông phải chịu phép xin tạm gởi cháu ở lại nhà Lý-Trưởng, đặng rảnh chơn cho ông đi, Lý-Trưởng chịu cho, và kêu vợ mà biểu đem Thu-Vân vô trong cho nàng nghỉ.
Ðến khuya Lý-Trưởng điểm lính mà rồi dắt đi cấp cho quan Bố. Lê-văn-Ðó căn dặn Thu-Vân phải ở đây mà chờ ông. Nàng lo sợ nên khóc dầm.
Lê-văn-Ðó vào ở trong đại trại 3 ngày mà không được thấy mặt quan Bố-Chánh Hải-Yến. Qua bữa thứ tư, lối tảng sáng ông thấy binh lính lao-nhao lố-nhố trước trại một tốp đông chừng lối bốn năm trăm người, kéo nhau mà đi. Tốp đó đi rồi, người ta lại điểm những binh lính còn lại. Người ta lựa lính trai tráng mạnh mẽ mà gom trước cửa trại. Còn Lê-văn-Ðó với một tốp chừng lối năm sáu chục người toàn là lính già cả yếu đuối, thì người ta bỏ lại giữ trại. Cách một lát, Lê-văn-Ðó ngó thấy quan Bố Chánh Từ-hải-Yến, đầu bịt khăn đen, mình mặc áo rộng xanh, ở trong trại bước ra rồi leo lên kiệu mà ngồi, có một tên lính che một cây lộng đứng một bên cái kiệu.
Trống giống 3 hồi rồi tốp lính trai tráng ấy, kẻ xách roi trường, người vát mác thông, kéo nhau mà đi trước, kiệu của quan Bố đi theo sau. Lê-văn-Ðó đứng trong trại mà ngó, miệng chúm-chím cười, song không ai hiểu ông cười việc chi.
Mặt trời vùa xế bóng, Lê-văn-Ðó với mấy tên lính ở trong trại đương bàn luận với nhau về sự chinh chiến, bỗng nghe trong rừng phía bên tay mặt có trống giống vang-vầy, rồi lại nghe có tiếng bỏi. Cách chẳng bao lâu, rải rác có mấy tên quân hào hễn chạy về trại và la rằng: “Binh của mình đổ rồi. Thế giặc mạnh lắm! Chạy, chạy!”
Mấy mươi lính giữ trại đều biến sắc, phân nửa bỏ mà chạy, còn phân nủa lao xao trước cửa trại, song không chịu đào tỵ. Lê-văn-Ðó tỉnh táo như thường, ai lộn xộn mặc ai, ông cứ đứng giữa trại mà ngó. Thình-lình ông thấy quan Bố-Chánh Hải-Yến ở trong rừng chạy ra, đầu rớt mất khăn, tay ôm áo rộng, và nhắm hướng trại mà chạy về. Phía sau lưng ngài thì có một tốp người ở trần đưa lưng trụi tay cầm côn cầm mác mà rượt theo ngài và la hét om sòm.
Lê-văn-Ðó thấy rõ ràng quan Bố ra khỏi rừng chưa bao xa, kế bọn ấy rượt theo kịp, chém ngài một mác té sấp, rồi hai ba đứa áp lại cắt cổ lấy đầu mà bêu lên. Tuy ông oán hận Hải-Yến, nhưng mà ông thấy ông ta chết một cách rất ghê-gớm như vậy ông cũng động lòng, nên ông hét lên rằng: “Bọn ta phải ra tiếp quan lớn chớ.” Trong trại im-lìm, ông ngó lại thì quân lính đã chạy hết, duy còn có một mình ông đó mà thôi.
Quân giặc tràn vô trại bắt trói ông, rồi phân ra một tốp ở chiếm trại, còn một tốp dắt Lê-văn-Ðó và đem đầu quan Bố về nạp cho Nguyên-Soái. Khi đi gần tới cửa trại của Ðoàn-Hùng, Lê-văn-Ðó dòm thấy có hơn một trăm binh bị trói để ngồi sắp hàng tại đó mà chờ lịnh.
Nguyên-Soái Ðoàn-Hùng ngó thấy đầu của quan Bố Chánh Hải-Yến thì mừng rỡ, liền hối quân đem bêu trước cửa đại trại mà thị oai. Người mới được đại thắng, trong lòng còn khoái huợt, không nỡ tàn hại sanh linh, bởi vậy ngài sai bộ hạ bước ra hỏi những quân nghịch bị bắt coi như ai chịu hàng đầu thì tha, còn ai không chịu thì xử trảm. Những quân lính bị bắt, kể số hơn một trăm, vừa nghe lịnh thì ứng lên xin hàng đầu hết thảy, duy có hai người là Lê-văn-Ðó với một người nữa, ngồi trơ-trơ không chịu qui hàng.
Ðoàn-Hùng dạy dẫn hai người ấy vô trại, nộ nạt om-sòm, rồi truyền lịnh dẫn đem giao cho quan Tham-Tá trị tội. Lúc quân dẫn đi, Lê-văn-Ðó dòm coi mới hay người không chịu đầu hàng với mình đó là Ðội-trưởng Phạm-Kỳ.
Vương-thể-Phụng đương ngồi trong trại, bỗng có quân vào báo rằng quan Nguyên-Soái xuất trận được toàn thắng, lại có bắt 2 người già, một người tóc cụt mà bạc trắng, còn một người râu tóc còn đen thui, hai người ấy cứng cỏi không chịu hàng đầu, nên quan Nguyên-Soái dạy dẫn giao cho chàng định đoạt.
Thể-Phụng châu mày và dạy dắt người già tóc bạc mà cụt đó vào trại cho chàng xem trước. Quân dẫn Lê-văn-Ðó vô và biểu quì trước án. Thể-Phụng vừa ngó thấy ông thì chàng biến sắc, lật đật chạy lại mở trói và mời ông ngồi. Lê-văn-Ðó chưng hửng, không hiểu vì cớ nào Thể-Phụng mới cách ông hai tháng nay, mà bây giờ trở nên một tướng giặc. Hai người đều bợ-ngợ và cũng hỏi nhau tại làm sao mà ra đến nỗi nầy. Thể-Phụng tỏ trước rằng chàng về Vũng-Gù thưa việc hôn nhơn cho ngoại nghe, ông ngoại đã không bằng lòng mà còn nhục mạ Thu-Vân nữa. Chàng tức giận bỏ trở qua Ðịnh-Tường thì ông với Thu-Vân đã trốn chàng mà đi mất. Chàng nói tới đó coi bộ chàng buồn lắm, chàng ngẫm nghĩ một lát rồi nói nữa rằng: “ Người đời không còn tình nghĩa chi hết, ở chung chạ với họ nữa mà làm gì. Tôi làm giặc đây, là tính giết cho sạch những kẻ vô tâm vô đạo phi nghĩa bạc ân đặng lập một đời mới cho nhơn dân hưởng mùi đạo nghĩa.”
Lê-văn-Ðó hiểu Thể-Phụng trách ông với Thu-Vân. Ông ngồi lặng thinh, cứ ngó chàng mà ứa nước mắt. Ông suy nghĩ giây lâu rồi mới nói rằng: “Cậu không rõ công việc, nên cậu hờn tôi cũng phải. Song tôi bỏ Ðịnh-Tường mà đi, nào có phải tôi trốn cậu đâu. Nếu tôi trốn cậu thì làm sao mà ngày nay tôi gặp cậu đây.” Ông ngần ngại một hồi nữa rồi mới chịu tỏ thiệt sự Hải-Yến là cha ruột Thu-Vân, mới thuật chuyện Hải-Yến phũ rảy con, đã không chịu nhìn con, mà còn đuổi đi ra cho khỏi tỉnh nữa. Trở về chùa Bình-An-Tự Thu-Vân thương nhớ chàng, nên gầy mòn khô héo, túng thế ông phải dắt qua Vũng-Gù mà tìm chàng, chẳng dè đi đến Bến-Tranh bị Lý-Trường bắt ông mà điền lính.
Thể-Phụng nghe rõ đầu đuôi mới hết giận nên hỏi ông rằng:
- Vậy chớ nàng Thu-Vân bây giờ ở đâu?
- Tôi gởi nó ở nhà Lý-Trưởng.
Thể-Phụng ngồi suy nghĩ một hồi nữa rồi nói một mình rằng: “Bây giờ đi rước nàng đem về đây cũng bất tiện. Thôi để nàng ở đó ít bữa rồi sẽ tính. Cha chả! Mà quan Bố văn học cao lắm, sao cách cư xử của ngài lại đê tiện qua như vậy kia.”
Lê-văn-Ðó nói rằng:
- Có phải hễ học giỏi thì biết nhơn nghĩa đâu. Người như vậy hèn chi bị giết, đáng lắm.
- Ai giết?
- Cầm binh đánh giặc nên bị giặc giết, chớ ai.
- Giết hồi nào?
- Hồi trưa nầy. Quân cắt đầu về nạp bây giờ còn đương bêu trước của trại.
Thể-Phụng nghe nói biến sắc. Chàng vùng đứng dậy rồi chàng lại ngồi xuống mà nói rằng: “Thôi, ông ở đây với tôi, rồi thủng thẳng sẽ tính. Còn người nào bị bắt với ông mà không chịu đầu đó? Ông biết hôn?”
Lê-văn-Ðó đáp rằng:
- Biết. Người đó là Ðội-trưởng Phạm-Kỳ.
- Vậy sao! Tôi nghe tên, mà không biết mặt anh ta. Bây giờ giết nó thì tội nghiêp, mà thả nó thì hiểm nghèo, vì nó cũng là người lợi hại lắm. Dụ nó đầu được hôn?
- Chắc là không được.
- Nếu vậy thì phải giết. Bây giờ tôi phải đi liền ra đại trại mà xin cái đầu của quan Bố đặng chôn cất cho tử-tế, vì tuy người ở quấy với vợ con, song người là cha của Thu-Vân, nên không lẽ tôi để vậy được. Vậy tôi giao cây gươm nầy cho ông, ông biểu quân dẫn Phạm-Kỳ ra mé rừng mà chém nó đi.
Thể-Phụng dạy 5 tên quân dắt Phạm-Kỳ đi và đưa một cây gươm cho Lê-văn-Ðó mà hối đi theo. Chàng sắp đạt an bài rồi chàng mới đi ra đại trại.
Quân dẫn Phạm-Kỳ đi ra mé rừng, Lê-văn-Ðó cầm gươm đi theo, ông liếc mắt coi thì thấy anh ta không có chút chi sợ-sệt hết. Khi đi tới chỗ rồi, Lê-văn-Ðó bước lại hỏi Phạm-Kỳ rằng:
- Mi biết đem mi đi đâu đây không?
- Ðem đi giết, chớ đem đi đâu.
- Mi không sợ chết sao?
- Chết vì bổn phận mà sợ gì.
- Mi biết ta hôn? Mi nhìn cho kỹ đi, rồi có chết.
Phạm-Kỳ trợn mắt ngó ngay Lê-văn-Ðó rồi mặt biến sắc, chơn thối lui hai ba bước và nói rằng: „Lê-văn-Ðó!“
Lê-văn-Ðó gặt đầu và cười và nói rằng: „Phải. Ta đây. Mi tưởng ta chết rồi há? Té ra ta không chết, mà bây giờ mi phải chết. Mi coi đó thì biết Trời Phật hại kẻ làm quấy, chớ chẳng hề khi nào giết người làm phải bao giờ.“
Phạm-Kỳ cúi mặt xuống đất, không nói chi hết. Lê-văn-Ðó bước lại mở trói cho anh ta rồi nói rằng: „Tuy ta là quân trộm cướp, song ta có nhơn, chớ không phải độc ác như các quan của mi vậy đâu. Ta tha mi đa, mi muốn đi đâu thì đi đi.“
Phạm-Kỳ riu-ríu bước vào rừng. Lê-văn-Ðó dắt 5 tên quân trở về trại, ông và đi và cười chúm-chím.
*
* *
Vương-thể-Phụng biết rõ được tình của Thu-Vân và hay Thu-Vân đi tìm chàng, thì chàng lấy làm bối rối lắm. Nếu bỏ Ðoàn-Hùng mà đi theo Thu-Vân thì thành ra mình là người phản bạn, khinh nghĩa trọng tình; còn nếu đem Thu-Vân vào trại thì chẳng những là bất tiện cho nàng, mà còn sợ e có xảy đều chi nguy hiểm nàng phải liên lụy nữa. Chàng suy tới tính lui hoài, không biết liệu lẽ nào. Cùng thế rồi chàng mới khuyên Lê-văn-Ðó trở ra Bến-Tranh dắt Thu-Vân đi kiếm chỗ nương ngụ, đợi ít ngày coi thế cuộc may rủi lẽ nào rồi chàng sẽ liệu định.
Lê-văn-Ðó đi ít ngày rồi trở về trại mà nói rằng Thu-Vân ở yên nơi nhà Lý-Trưởng ngoài Bến-Tranh. Nàng muốn ở đó cho gần đặng nghe tin tức của chàng, chớ không chịu đi đâu hết. Nàng khuyên chàng phải lo làm cho rỡ-ràng cái phận sự nam-nhi, còn phận nàng thì dầu nguy biến thế nào, nàng cũng giữ chặc một lòng một dạ.
Lê-văn-Ðó lại cho Thể-Phụng hay rằng quan Tổng-Ðốc quyết báo thù cho Bố-Chánh Hải-Yến, nên sắp kéo đại binh đến Bình-Cách. Thể-Phụng gặt đầu mà cười, coi bộ chàng không lo sợ chi hết.
Cuộc dẹp loạn Bình-Cách chẳng cần phải nói dài, vì ai cũng biết số ít thì phải thua số nhiều, thế yếu thì phải thua thế mạnh. Ấy là lẽ tự nhiên, chớ không phải hay dỡ. Binh của Ðoàn-Hùng kể chừng hơn một ngàn, còn binh của Tổng-Ðốc gần tới 5 ngàn. Ðã biết binh của Ðoàn-Hùng thảy đều là người cảm tử, nhưng mà một người phải cự đến 5 người, dầu hay dầu giỏi thế nào cũng không thắng nổi.
Hai bên giáp chiến với nhau, bữa đầu Ðoàn-Hùng tuy yếu thế, song ráng sức chống cự, bởi vậy quan Tổng-Ðốc không đoạt được. Qua bữa sau binh Ðoàn-Hùng bị hao nhiều nên đã mỏng rồi. Tuy vậy mà Ðoàn-Hùng cũng nỗ lực chống cự từ sớm mai cho đến mặt trời lặn. Quan Tổng-Ðốc biết giặc thế đã yếu rồi, bởi vậy trời gần tối mà ngài không chịu thâu binh cứ giống trống thúc binh hãm trại.
Ðến đỏ đèn Ðoàn-Hùng còn đứng giữa giòng binh mà đốc chiến. Thình-lình quân báo rằng đại trại đã bị cướp rồi. Ðoàn-Hùng cất tiếng than rằng: „Nếu vậy thì mạng ta đã hết rồi.“ Anh ta nói có mấy lời rồi rút gươm đâm họng mà chết tại mặt trận. Binh tướng thấy Nguyên-Soái đã tự vận thì vở tan, mạnh ai nấy kiếm đường mà thoát thân.
Thể-Phụng với Lê-văn-Ðó ở trại sau mà coi lương thực. Hai người nghe nói đại trại bị cướp, liền dắt binh đến tiếp cứu. Ði được nửa đường, xảy gặp binh giặc, hai bên hỗn chiến với nhau. Lê-văn-Ðó cứ đi một bên Thể-Phụng mà tiếp chàng. Trời tối mà lại đường rừng, bởi vậy hai bên đánh nhau, mà không thấy nhau cho rõ.
Thể-Phụng thấy binh của chàng muốn thối, chàng bèn xốc tới mà đốc chiến. Thình-lình có một người cao lớn cầm một cây mác thong nhảy đâm chàng. Tuy trời tối mà nhờ lưỡi mác sáng sáng, nên chàng ngó thấy, bởi vậy chàng lách mình mà tránh.
Chàng thiệt là lẹ, nhưng mà tránh cũng không khỏi. Lưỡi mác trật cái ngực, rồi nó lại đâm ngay vào vai tay mặt của chàng làm cho chàng té sấp. Lê-văn-Ðó vội-vàng muốn đỡ mà ông đỡ không kịp. Tuy vậy mà ông cũng lẹ trí, ông đập người cao lớn ấy một cây ngay trên đầu, người ấy lúc-lắc rồi buông cây mác nhào ngửa nằm ngay đó.
Lê-văn-Ðó bước lại coi thì lưỡi mác còn mắc trong vai Thể-Phụng. Ông lật đật rút ra, máu tuôn theo như xối. Thể-Phụng thở è-è, không nói chi được hết. Ông liền kề vai cõng chàng rồi băng qua rừng, kiếm đường mà chạy ra Bến-Tranh. Cõng nặng, trời tối, đường khó đi, bởi vậy ông lẩn-quẩn trong rừng, chờ tới sáng, ông thấy mặt trời mới nhắm hướng mà đi được.
Ðến trưa, ông ra gần tới Bến-Tranh, ông bèn kiếm chỗ khô ráo sầm uất mà để chàng nằm xuống. Ông coi kỹ lại thì thấy chàng bị có một mũi mắc tại vai mà thôi. Tuy vậy mà vì bị máu ra nhiều quá, nên mặt chàng xanh dờn, lại chàng bất tỉnh, cứ nằm thở è-è hoài không nói chi được hết.
Ông nhắm nhía một hồi rồi ông để chàng nằm tại đó, ông chạy riết lại nhà Lý-Trưởng lén thông tin cho Thu-Vân hay. Thu-Vân nghe nói thì khóc dầm. Nàng trốn vợ chồng Lý-Trưởng mà đi với ông, đặng có lo mưu cứu Thể-Phụng. Khi đến nới, nàng thấy chàng như vậy thì nàng càng lo sợ, bởi vậy nàng xin ông phải lập thế cứu chàng chớ nếu để chàng ở trong rừng không có thuốc men chi hết, thì chắc chàng phải chết.
Ông suy nghĩ một hồi rồi ông biểu nàng ở đó để ông đi mướn một chiếc ghe lườn mà đem chàng về Vũng-Gù.
Trời chạng vạng tối, Lê-văn-Ðó trở lại nói rằng ông đã mướn ghe xong rồi, đợi tối một lát rồi ông sẽ đem chàng xuống ghe mà đi. Ông coi lại thì Thu-Vân đã xé hết nửa vạt áo mà nịt cái vít của Thể-Phụng.
Lê-văn-Ðó đợi nhà họ tắt đèn ngủ hết rồi ông lén cõng Thể-Phụng mà đem xuống ghe, ông cõng đi trước, Thu-Vân đi theo sau. Ðem xuống ghe rồi, ông để Thể-Phụng nằm trong khoang giữa, ông biểu Thu-Vân ngồi một bên mà coi chừng, rồi ông lấy một cây giầm ra ngồi phía trước mũi mà bơi phụ đặng ghe đi cho mau.
Ði chưa được bao lâu, xảy gặp một chiếc ghe lớn cản ngang sông, có tiếng người bên chiếc ghe ấy nói rằng: „Ghe lườn đi đâu đây? Vô đặng cho ta xét coi nào“.
Lê-văn-Ðó muốn bơi lách mà đi. Ngặc vì chủ ghe chèo lái sợ quá, nên rà mái chèo mà cặp một bên chiếc ghe lớn ấy, trong ghe vùng nổi lên hai cây đuốc lên sáng lòa. Lê-văn-Ðó dòm thấy Phạm-Kỳ đứng dựa mui ghe thì ông biến sắc.
Phạm-Kỳ hỏi rằng: „Ghe đi đâu mà đông dữ vậy?“ Lê-văn-Ðó vừa muốn trả lời, thì Phạm-Kỳ ngó thấy ông, nên anh ta nói tiếp rằng: „Ủa! Lê-văn-Ðó đây mà! Mi gặp ta rồi! Rủi cho mi quá!
Lê-văn-Ðó đứng dậy đáp rằng:
- Phải. Lê-văn-Ðó là ta đây. Trời khiến hôm trước ta thương mi, ta không nỡ giết mi, nên ngày nay ta bị mi hại lại thì ta cam chịu, ta không cãi chối gì.
- Nếu mi biết như vậy thì leo qua đây cho lính nó trói cho mau.
- Mi muốn ta nạp mình cho mi thì ta nạp. Song ta xin mi một đều nầy. Cháu của ta bị bịnh nặng nên ta phải đưa nó về nhà. Vậy xin mi cho ta kỳ 3 ngày rồi ta sẽ nạp mình. Trong 3 ngày nữa mi ở chỗ nào mi nói cho ta biết trước, rồi đúng kỳ ta sẽ đến đó mà thọ tội.
Phạm-Kỳ đứng trầm ngâm, chẳng hiểu anh ta tính việc gì mà cách một hồi anh ta lại nói rằng : « Hôm trước mi tha ta không lẽ bữa nay ta lại bắt mi. Vậy ta cũng tha mi mà trừ cái nghĩa nọ. Song ta nói cho mi biết rằng làm quan cũng có kẻ quấy người phải, cũng có người biết ơn biết nghĩa chớ không phải mi có nhơn, còn ta đây không biết nhơn nghĩa đâu. Thôi mi đi đi. Ta không bắt mi đâu. Ta khuyên mi một đều nầy, là phải lánh thân, đừng có gặp ta nữa, bởi vì hễ gặp ta nữa, thì ta vì phận sự ta không thế nào dung mi nữa được.“
Lê-văn-Ðó xô ghe ra mà đi, ông không tạ ơn, mà cũng không từ giả.
Tảng sáng ghe qua tới sông Vũng-Gù. Lê-văn-Ðó hỏi thăm lần lần mới tìm được bến ông Ðàm-tự-Chấn. Ông để Thu-Vân ở dưới ghe với Thể-Phụng, còn ông leo lên bờ mà đi thẳng vô nhà.
Ông Ðàm-tự-Chấn đương đứng trước cửa, bỗng thấy Lê-văn-Ðó bước vô sân, chó sủa om sòm. Ông la chó, rồi đứng chờ coi người lạ ấy đến có việc gì.
Lê-văn-Ðó vô tới trước mặt ông rồi hỏi rằng:
- Có phải là ông Tự-Chấn hôn?
- Phải. Ông ở đâu?
- Phải Thể-Phụng là cháu ngoại của ông hôn?
- Phải. Hỏi chi vậy?
- Thể-Phụng bị bịnh nặng lắm. Tôi làm ơn chở giùm chàng về cho ông đây. Chàng ở dưới ghe. Xin ông cho phép đem chàng lên.
Tự-Chấn nghe nói Thể-Phụng bịnh nặng thì ông kinh tâm, lật đật chạy ra mé sông, không thèm hỏi đều chi hết. Ông thấy Thể-Phụng nằm dưới ghe, ông nhảy đại xuống ôm chàng mà khóc, ông tối tăm mày mặt đến nỗi không thấy Thu-Vân ngồi một bên đó. Kim-Huê và bạn bè trong nhà nghe tin cũng chạy túa ra. Tự-Chấn muốn ôm Thể-Phụng mà đem lên nhà, Lê văn Ðó cản ông, biểu ông lên trước, đặng cho nhẹ ghe rồi sẽ lập thế đem Thể-Phụng lên sau.
Tự-Chấn với Thu-Vân leo lên bờ, Lê-văn-Ðó đỡ Thể-Phụng ngồi dậy rồi kề vai cõng chàng đem lên. Ông cõng đi thẳng vào nhà để nằm ngay trên ván. Tự-Chấn, Kim-Huê với Thu-Vân xúm lại đứng chung quanh, kẻ kêu người khóc om sòm mà Thể-Phụng nằm im lìm, không nói chi hết, mắt nhắm hí hí, mũi thở hoi hóp mà thôi.
Kim-Huê hối bạn đi rước thầy thuốc. Lê-văn-Ðó xin một chén nước nóng rồi biểu Thu-Vân vạch miệng đổ từ giọt cho chàng uống. Kim-Huê lại nhúng nước khăn đem lau mặt cho chàng. Chẳng hiểu là nhờ nước nhễu thắm giọng hay là nhờ khăn lau mát mặt, mà cách một lát Thể-Phụng mở mắt ngó thấy Thu-Vân ngồi bên tay trái, Kim-Huê ngồi bên tay mặt thì chàng cười. Thu-Vân với Kim-Huê mừng quýnh nên kẻ kêu ông người kêu cha lại mà coi.
Thể-Phụng nói nhỏ nhỏ rằng: “Khát nước lắm. Cho tôi xin một chén nước uống.” Kim-Huê lật đật đi rót nước. Tự-Chấn với Lê-văn-Ðó thấy Thể-Phụng đã tỉnh lại rồi, thì hai ông mừng, nên ngó nhau mà cười. Thể-Phụng uống nửa chén nước chàng đổ mồ hôi rồi mới thiệt tỉnh. Chàng ngó ông ngoại, rồi ngó Lê-văn-Ðó mà hỏi rằng: “Ông đưa tôi về nhà ông ngoại tôi đây phải hôn?” Lê-văn-Ðó gặt đầu. Thể-Phụng day qua ngó ông ngoại mà nói nữa rằng: “Nếu không có ông đây cứu tôi thì tôi có thấy mặt ông ngoại với dì đâu.”
Ông Tự-Chấn thương cháu quá nên ông chảy nước mắt mà nói rằng: “Hồi nãy ông sợ cháu chết, nên ông khóc dữ. Thôi, cháu nằm nghỉ, đừng có nói nhiều mà mệt. Ðể một lát ông thầy thuốc đến ổng coi mạch rồi hốt thuốc cho cháu uống.”
Thể-Phụng gặt đầu rồi nhắm mắt nằm nghỉ. Lê-văn-Ðó nói với ông Tự-Chấn rằng trọn hai đêm một ngày Thể-Phụng không có ăn cơm ăn cháo chi hết. Tự-Chấn nghe như vậy bèn hối Kim-Huê đi nấu cháo cho thiệt lỏng đặng cho Thể-Phụng ăn.
Kim-Huê đi nấu cháo. Thu-Vân thấy Thể-Phụng nghỉ rồi nên nàng cũng đi theo Kim-Huê xuống bếp. Tự-Chấn với Lê-văn-Ðó muốn để cho Thể-Phụng nằm êm cho khỏe, nên hai ông dắt nhau ra phía trước mà uống nước.
Tự-Chấn hỏi Lê-văn-Ðó ràng:
- Cháu tôi nó đau sao vậy ông? Sao tôi thấy chỗ vai nó máu đóng khô queo vậy? Ông gặp nó ở đâu mà ông cứu nó đó?
- Ðể cậu tỉnh lại rồi cậu nói cho ông nghe. Tôi không hiểu chi hết.
- Có lẽ nào ông không hiểu. Ông nói sơ cho tôi nghe một chút coi mà.
- Thiệt tôi không hiểu. Nếu tôi hiểu thì tôi nói, chớ giấu ông làm chi.
Ông Tự-Chấn ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi nữa rằng:
- Con nhỏ nhỏ đó phải vợ nó không?
- Không phải.
- Vậy chớ nó là ai? Sao nó lại theo thằng nọ?
- Con đó là cháu của tôi. Nó đi với tôi chớ.
- Nó tên gì?
- Tên Thu-Vân.
- Thu-Vân … Té ra con nầy là Thu-Vân. Phải rồi.
Tự-Chấn mới nói tới đó, kế ông thầy thuốc bước vô. Ông lật-đật tiếp chào rồi dắt vô coi mạch cho Thể-Phụng liền. Ông thầy thuốc vừa nắm tay thì Thể-Phụng giựt mình mở mắt. Ông chẩn mạch và coi luôn cái vít đâm nơi vai rồi ngó Ðàm-tự-Chấn mà nói rằng: “Tâm can phế phủ chẳng có chi hết. Tại cái vít đó làm cho máu ra nhiều quá nên cậu Tú mất sức. Ðể tôi hốt ít thang thuốc cho cậu uống mà lấy sức lại và tôi cho thuốc dán cái vít đó cho mau lành. Trong một tháng thì cậu mạnh như xưa, không hại gì đâu mà ông sợ.”
Tự-Chấn với Lê-văn-Ðó nghe nói như vậy thì mừng hết sức, nên mời ông thầy thuốc lại ván giữa ngồi ăn trầu. Làm thầy thuốc phải lo cứu bịnh, chớ không nên ham nói chuyện nhiều, bởi vậy ông thầy thuốc ăn một miếng trầu rồi từ mà về và xin cho một đứa đưa ông đặng lấy thuốc luôn thể.
Kim-Huê với Thu-Vân nấu cháo rồi bèn múc bưng lên cho Thể-Phụng ăn, một người ngồi một bên mà ép mời. Thể-Phụng ngồi dậy không nổi, còn nằm ngửa thì khó ăn. Lê-văn-Ðó thấy vậy bèn đỡ chàng nằm nghiêng qua phía tay trái là mé Thu-Vân ngồi. Thu-Vân mới múc cháo đút cho chàng ăn. Kim-Huê với Tự-Chấn ngó nàng trân-trân rồi lại ngó nhau mà cười chúm-chím.
Thể-Phụng ăn cháo rồi nằm nghỉ. Ông Tự-Chấn mời Lê-văn-Ðó với Thu-Vân đi ăn cơm. Ông ngồi ăn mà ông nói chuyện vui vẻ lắm, ông cứ tạ ơn Lê-văn-Ðó hoài. Còn Kim-Huê thì theo nói chuyện với Thu-Vân, hỏi tuổi, hỏi mẹ cha, hỏi cửa nhà, hỏi quê quán. Hỏi tuổi thì nàng nói thiệt, còn mấy đều kia thì nàng nói dối rằng nàng ở vàm Kỳ-Hôn, mẹ cha khuất sớm, từ nhỏ chí lớn nàng nhờ ông chú, là Lê-văn-Ðó, nuôi nàng.
Ðến xế, Lê-văn-Ðó thấy Thể-Phụng đã khoẻ rồi, ông bèn nói với ông Tự-Chấn và Thể-Phụng đặng ông đi. Thể-Phụng hỏi ông rằng:
- Ông đi đâu?
- Tôi về bển.
- Bên nào?
- Về bên Kỳ-Hôn, hoặc là về bên Ðịnh-Tường cũng được, bây giờ còn ai ngăn cấm nữa mà sợ.
Thể-Phụng nằm suy nghĩ một chút rồi xin ông ngoại bước lại gần mà nói rằng:
- Cháu muốn xin với ông một đều, không biết được hôn?
- Ðược, được. Cháu muốn xin một chục điều ông cũng cho, chẳng luận là một đều. Miễn là cháu mạnh thì thôi, cháu muốn việc chi cũng được hết. Cháu làm ông sợ quá. Cháu muốn xin ông đứng cưới Thu-Vân cho cháu phải hôn?
- Thưa không.
- Ủa! Vậy chớ xin việc gì? Cháu muốn cưới thì ông cưới cho, bây giờ ông không cãi nữa đâu.
- Thưa, không. Việc ấy là việc trọng, để thủng thẳng chớ, cháu mạnh rồi sẽ tính. Bây giờ cháu xin ông một đều nầy: cháu còn sống mà thấy mặt ông, ấy là nhờ có ông đây cứu cháu, đã cứu cháu khỏi chết, mà lại còn chở mà đưa cháu về đây nữa. Cháu không biết lấy chi mà đền ơn, vậy xin ông cầm ân-nhơn của cháu ở lại đây cho tới ngày cháu lành mạnh rồi cháu sẽ liệu.
Tự-Chấn day qua ngó Lê-văn-Ðó mà nói rằng: “Cháu tôi nó muốn như vậy đó, xin ông làm ơn ở lại đây đặng cho nó vui lòng mà uống thuốc. Hôm trước tôi không biết ông với con cháu kia, nên thằng cháu tôi nó về nó nói, tôi tưởng nó khờ dại bị người ta dụ-dỗ, bởi vậy tôi có nói một hai tiếng không phải. Tôi xin ông đừng có phiền. Vì tôi thương cháu nên tôi lo cho nó, chớ không phải tôi hờn giận chi ông. Nay tôi biết ông với con cháu rồi, ông lại có ơn cứu cháu tôi, cũng như ông đã đẻ nó một lần nữa, vậy tôi muốn ông gả cháu ông cho cháu tôi phứt cho rồi, đặng hai anh em mình gần-gũi với nhau mà chuyện vãn cho vui.”
Kim-Huê nghe nói chuyện hôn nhơn mà như nói chuyện pha lững, không đợi mai mối chi hết, thì nàng che miệng mà cười. Còn Thu-Vân thì nàng thẹn thùa, nên bước trái ra ngoài cửa mà đứng.
Lê-văn-Ðó ngó ngay Tự-Chấn mà nói rằng: “Vì cậu Thể-Phụng có bịnh nhiều, nếu không chiều lòng cậu, sợ e cậu buồn mà sanh bịnh nữa. Vả ngày trước cậu cũng có cứu tôi rồi cậu cũng săn sóc tôi. Vậy thì bây giờ tôi sẵn lòng ở lại đây trước cho cậu vui, sau tôi đền ơn cho cậu. Còn việc hôn nhơn, thì tôi xin ông huởn-huởn, ông chẳng nên tính vội, bởi vì ông mới gặp tôi từ hồi sớm mơi tới bây giờ, ông chưa biết tôi cho lắm, mà ông cũng chưa biết tánh nết của cháu tôi, nếu ông vội quá, sợ e ngày sau ông không vui.”
Tự-Chấn nắm tay Lê-văn-Ðó lại ván ngồi và nói lia-lịa rằng: “Không, không. Hễ cháu tôi nó vui, thì tôi vui. Bây giờ nó đành ai thì tôi cưới nấy cho nó. Ông đừng có ngại chi hết.”
Lê-văn-Ðó kêu người chèo ghe lên rồi trả tiền cho người ấy về.
Tuy Thể-Phụng bi thương nặng mà chàng trai tráng, khí bẩm mạnh mẽ, nên máu ra nhiều mà chàng chịu nổi, rồi lấy sức lại cũng mau. Ðã vậy mà chàng lại mừng hiệp với Thu-Vân một nhà, vui thấy ông ngoại thuận ý, bởi vậy chàng uống có 5 thang thuốc thì ngồi dậy được, còn cái vít thì dán thuốc lần lần cũng gần lành.
Ông Tự-Chấn theo hỏi duyên cớ làm sao mà chàng bị vít thương. Mỗi lần ông hỏi thì chàng châu mày, lắc đầu không chịu nói, lần chót chàng đáp rằng: “Tại ông nên cháu mới có cái họa ấy. Bây giờ đã được sum hiệp thuận hòa rồi ông còn nhắc chuyện buồn làm chi nữa.” Ông nghe như vậy mới bỏ biệt không hỏi tới việc ấy nữa.
Thu-Vân thấy Thể-Phụng gần mạnh rồi thì nàng không gần gũi với chàng nữa, tối ngày nàng cứ lúc-thúc dưới bếp mà giúp Kim-Huê hoặc nấu cơm chế nước hoặc may áo vá quần. Kim-Huê dòm thấy dung nhan nàng đã tuấn tú, mà tánh nết lại hiền hòa, văn nói có lễ nghĩa, lòng dạ giữ ngay thẳng thì khen Thể-Phụng biết lựa người, mừng cháu trăm năm được hạnh phước. Mới ở chung có ít bữa mà Kim-Huê đem lòng thương Thu-Vân cũng như gần nhau đã mấy năm. Ông Tự-Chấn cũng vậy, tuy ông không nói ra song hễ ông thấy mặt Thu-Vân thì ông ngó rồi vuốt râu mà cười, coi bộ ông vừa lòng đẹp ý lắm.
Cả nhà ai cũng vui hết, duy có một mình ông Lê-văn-Ðó tối ngày ông cứ đi thơ-thẩn hoặc sau vườn, hoặc dựa mé sông, ông cố ý tránh không muốn giáp mặt Tự-Chấn với Thể-Phụng. Bữa nào trẻ ở trong nhà đi kiếm mà mời ông về ăn cơm, thì cũng thấy ông chấp tay sau đít, cúi mặt xuống đất, chậm-rãi bước từ bước, khi khoanh tay ngồi dựa bực sông, ngó rác trôi nước chảy. Tại sao ông buồn? Ông tính việc gì?
Ai làm Lê-văn-Ðó mà gặp cái cảnh như vầy cũng buồn, phải tính. Từ nhỏ chí lớn ông không có vợ con. Ông vì cái nghĩa mà cực khổ lo lắng nuôi Thu-Vân trót 10 năm; cái tình thương của ông bao nhiêu ông căm chú cho nàng Thu-Vân hết thảy. Thuở nay ông thương nàng, mà vì sự thương ấy nên ông lo hoặc làm cho nàng được hiệp với cha, hoặc kiếm nơi xứng-đáng mà gả nàng, đặng khi ông chết rồi nàng có nơi nương dựa, sum hiệp với cha, tại Hải-Yến làm cha vô đạo, nên đã chẳng thành rồi. Còn sự gả lấy chồng, may gặp Thể-Phụng làm chồng xứng-đáng, ông an lòng phỉ dạ lắm. Tuy vậy mà công dưỡng nuôi dạy dỗ, tình gần gũi thương yêu hơn 10 năm, ngày nay nàng lấy chồng, tự nhiên nàng phải phân cách ông, nghĩ tới việc đó làm sao mà không buồn cho được.
Còn ông tính là tính coi hễ gả Thu-Vân lấy chồng rồi ông làm gì. Ngày nọ ông có hứa với Ánh-Nguyệt rằng ông sẽ hết lòng lo bảo bọc Thu-Vân. Nay Thu-Vân đã khôn lớn, đã lấy chồng, thì cái trách nhậm của ông cũng đã hoàn toàn rồi. Ông là người não nề phong tục, ngao-ngán cuộc đời; bấy lâu nay ông nhờ lãnh cái trách nhậm nuôi Thu-Vân, nên ông mới vui lòng mà lăn lộn với trần tục. Hôm nay cái trách nhậm ấy đã hết rồi, thì có cái gì chủ-hướng nữa mà vui được. Ban đầu ông tính ở chung với vợ chồng Thu-Vân, mà rồi ông nghĩ thuở nay ông quen thấy Thu-Vân thương yêu có một mình ông, nếu nàng có chồng rồi mà ông còn ở chung nữa, thì ông sẽ thấy cái tình thương của nàng nó sẽ chia bớt cho một người khác, dường ấy chắc là ông phải đau đớn lắm, bởi vậy thà là ông xa lánh trước thì hay hơn. Ông muốn trở về chùa Bình-An-Tự mà tu, mà ông lại nghĩ ở đó xa Thu-Vân quá, đến lúc nhớ nàng không biết làm sao mà thăm được. Vì vậy nên mấy bữa rày ông lo tính hoài, mà ông chưa nhứt định.
Thể-Phụng nằm đúng 20 ngày cái vít mới thiệt lành. Tự-Chấn thấy chàng ra vô trong nhà được thì mừng rỡ, nên biểu Kim-Huê làm một con vịt nấu cháo cho ông cúng các đảng.
Ðến chiều Thể-Phụng thấy ông ngoại đương ngồi nói chuyện với Lê-văn-Ðó, chàng bèn bước lại nói rằng:
- Thưa ông, bữa nay cháu đã mạnh rồi, vậy xin ông cho phép cháu tỏ việc của cháu một chút.
- Ừ, cháu muốn nói việc gì thì nói. Nói việc cưới vợ phải hôn?
- Thưa phải.
- Việc đó thì ông chịu rồi. Bây giờ cháu có nói thì nói với ông chú đây. Hễ ông bằng lòng cho cưới ngày nào thì ông cưới ngày nấy.
- Thưa ông, về phần ông chú về sau cháu sẽ nói. Bây giờ cháu xin thưa với ông rằng ngày trước cháu xin cưới nàng Thu-Vân thì ông rầy la, nói cháu ngu dại bị người ta dụ dỗ. Ngày nay ông đã thấy mặt, ông đã biết tánh nàng rồi, nếu cháu xin cưới nàng chẳng biết ông có vừa lòng hay không?
- Ông đã nói hễ cháu muốn chỗ nào thì ông cưới chỗ nấy, ông không ngăn cãn nữa mà.
- Ðã biết ông không ngăn cãn, mà cháu cưới nàng Thu-Vân ông có vui lòng hay không chớ?
- Ông còn kén chọn ai hơn nữa? Hôm trước ông không biết nàng nên ông rầy-rà; bây giờ ông biết rồi, nếu cháu được vợ như vậy thì cháu có phước lắm, sao mà ông không vui lòng.
Ông Tự-Chấn day qua nói với ông Lê-văn-Ðó rằng: “Bữa nay cháu tôi nó mạnh rồi. Vậy xin anh định coi ngày nào làm lễ cho hai trẻ thành hôn với nhau. Tôi xin anh thương cháu tôi, anh cho phép tôi làm đơn sơ vậy thôi, chớ đừng có mai dong lục lễ rình quá. Chẳng biết anh có chịu vậy hay không.”
Lê-văn-Ðó ứa nước mắt mà đáp rằng: “Anh với cậu Thể-Phụng sẵn lòng thương cháu tôi, muốn thế tôi bảo bọc nó, thiệt tôi cảm ơn lắm. Tuy vậy mà tôi còn ngại một đều.”
Ông Tự-Chấn liền hỏi:
- Anh ngại việc gì?
- Con cháu tôi côi-cúc. Vì mẹ nó khuất sơm, nên từ nhỏ chí lớn không có ai dạy nữ-công nữ-hạnh. Tôi nuôi nó thì nuôi cho nó nên vai nên vóc vậy thôi, chớ tôi làm sao mà dạy con gái cho được. Ngày nay nó lấy chồng tôi sợ e nó thưa thớt trong đạo làm dâu lắm. Ðã vậy mà anh là bực giàu có, còn tôi đây là kẻ ngèo hèn, tôi còn ngại nỗi sui gia không xứng với nhau nữa.
- Anh đừng có lo. Như con cháu còn khờ dại, thì thủng thẳng con gái tôi dạy dỗ nó. Còn việc giàu nghèo, cái đó tại trời, có lẽ nào tôi thấy anh nghèo hơn tôi mà tôi khinh anh hay sao. Anh có công cứu mạng thằng cháu tôi, cái ơn ấy dầu tiền muôn bạc vạn cũng khó sánh kịp. Xin anh đừng có ngại chi hết.
Thể-Phụng lại tiếp nói rằng: “ Thưa ông, tôi với ông đã biết bụng nhau rồi. Tôi xin ông đừng có lấy cái thói thường của thiên-hạ mà tưởng tôi cũng như họ. Ông đã biết tôi chuộng nàng Thu-Vân, tôi kính trọng ông, ấy là tôi vì cái nghĩa chớ không phải tôi vì đều[2] chi khác. Mà tôi tưởng bấy lâu nay ông thương tôi, nàng Thu-Vân không chê tôi, ấy cũng là vì cái chi khác chớ không phải vì đồng tiền. Vậy tôi xin ông sớm liệu cho hai cháu kết tóc trăm năm với nhau, chớ đừng có kiên dè ái-ngại chi nữa.”
Ông Lê-văn-Ðó ngồi lặng thinh, cứ ngó ngay ra ngoài sân, mà hai hàng nước mắt chảy ròng-ròng. Ông tính với Tự-Chấn và Thể-Phụng để ông cất một cái nhà nhỏ-nhỏ ở gần rồi sẽ định ngày làm lễ cưới.
Ông Tự-Chấn liền nói rằng ông nhiêu Khoa chết một năm rồi, ông không có con cháu chi hết, nên cái nhà bỏ hoang từ ấy đến nay. Ông lại nói cái nhà ấy còn tốt, nếu lợp sử chút đỉnh thì ở được.
Sáng bữa sau ông Tự-Chấn dắt ông Lê-văn-Ðó đi coi cái nhà của ông nhiêu Khoa. Ông Lê-văn-Ðó coi rồi thì ông vừa ý lắm. Ông Tự-Chấn liền hối bạn đốn tre lá mà sắp nóc cặp vách làm cửa lại cho chắc chắn.
Cái nhà sửa gần rồi, ông Lê-văn-Ðó mới xin gởi Thu-Vân ở lại, đặng ông mướn ghe đi chở đồ đạc đem qua dọn mà ở. Ông đi không đầy 10 ngày thì ông trở qua, có đồ đạc đủ hết. Ông dọn dẹp xong rồi, mới đem Thu-Vân về nhà mới mà ở.
Thể-Phụng đã lành cái vít rồi, trong mình đã mạnh mẽ lại như xưa. Một buổi sớm mơi, chàng đi với ông ngoại lại nhà Lê-văn-Ðó mà thăm và xin ông định ngày làm lễ cưới. Lê-văn-Ðó không dục-dặc nữa; ông lại định cho cưới một lần mà ông cũng không đòi tiền bạc chi hết.
Gần đến ngày cưới, ông bèn nói với Thu-Vân rằng: “Việc gả cháu lấy chồng là phận sự của cha mẹ cháu, chớ không phải phận sự của ông. Rủi thay, cháu không có cha mẹ, nên ông phải thế đó. Vậy ông khuyên cháu hễ về nhà chồng rồi thì phải lo thờ chồng, phải cung kỉnh ông cô, phải liệu làm thế nào cho một ngày kia ông chết xuống cửu tuyền, ông gặp mẹ của cháu, ông khỏi hổ ngươi, và ông dám nói chắc với mẹ của cháu rằng: “Cái kiếp của cháu thung-dung, chớ không phải khổ não như kiếp của mẹ cháu hồi trước.”
Thu-Vân nghe nhắc tới mẹ thì nàng động lòng nên ngồi khóc thúc-thích. Nàng khóc một hồi rồi nàng vùng nói rằng: “Cháu nhớ tới mẹ cháu chừng nào, cháu càng oán cha cháu chừng nấy.”
Ông ngó ngay nàng mà đáp rằng:
- Làm con không nên oán cha mẹ. Nếu cha mẹ có quấy thì cha mẹ chịu hình phạt, phận làm con phải kính trọng kẻ sanh thành. Dầu cha cháu có ở bậy cho mấy đi nữa, thì cháu cũng nhờ có người đó nên mới sanh được, sao cháu không biết ơn, lại trở mà oán.
- Cháu có cầu sanh cháu làm chi đâu! Sanh cháu đặng ô danh xủ tiết của mẹ cháu, chớ sanh mà ích gì. Ông muốn lấy chánh đạo ông dạy cháu, nên nói như vậy, chớ theo ý cháu nghĩ thì cha cháu không có ý muốn sanh cháu chút nào hết. Người quyết mua vui mà thôi, không kể việc chi khác nữa. Mua vui rồi để cho một người đờn-bà phải nhơ-nhuốt, để cho một đứa con-nít phải bơ-vơ, người bất nhơn đến thế, cháu oán chưa đáng hay sao?
- Bởi bất nhơn nên mới táng mạng.
- Ông nói ai táng mạng?
- Từ-hải-Yến chớ ai.
- Úy! Chết hồi nào? Sao ông hay?
- Lãnh dẹp giặc Bình-Cách, bị giặc giết ….
- Thiệt vậy hay sao? Té ra cha tôi chết rồi?
Thu-Vân biến sắc, ngồi ngó Lê-văn-Ðó trân-trân. Cách một hồi lâu nàng hỏi nữa rằng:
- Hồi quân giết cha tôi đó, chồng tôi có hay không?
- Không. Hải-Yến bị binh của Ðoàn-Hùng giết rồi cắt đầu bêu trước trại. Chừng ông gặp Thể-Phụng ông cho cậu hay, cậu lật-đật đi xin Ðoàn-Hùng mà lãnh đầu rồi đem chôn cất.
- Nếu vậy chồng tôi không có can thiệp chi đến sự giết cha tôi há? Xin ông nói thiệt giùm việc đó cho tôi rõ.
- Không. Thể-Phụng không hay. Chừng chàng hay thì việc đã lỡ rồi. Ông chắc trời phạt Hải-Yến nên mới khiến như vậy, chớ chi mà gặp Thể-Phụng, thì chàng nỡ nào mà giết quan thầy của chàng.
Thu-Vân nghe nói như vậy thì an lòng, song nàng ngồi buồn so, tuy không tỏ dấu thương tiếc cha nhưng mà nàng cũng không nói chuyện oán hận cha nữa.
Ðến ngày cưới, giữa đám có đủ mặt hai họ, Lê-văn-Ðó đem ra một trăm chín chục nén bạc mà sắp trên ghế nghi[3] rồi nói với Thể-Phụng và Thu-Vân rằng: “Ngày mẹ của con Thu-Vân chết, có cậy ông nuôi giùm con Thu-Vân, nó lại giao cho ông 200 nén bạc. Trong mười năm nay ông lo nuôi dưỡng con Thu-Vân nên hao mòn hết mười nén, còn có 190 nén mà thôi. Ngày nay hai cháu đã thành hôn rồi, vậy ông giao số bạc của mẹ cháu gởi hồi trước lại cho hai cháu, chớ ông không phép giữ nữa.”
Ông Ðàm-tự-Chấn chưng-hửng, vì ông tưởng Thu-Vân bần cùng, không dè có của nhiều như vậy. Những người đến dự đám cưới ai thấy nàng có bạc nhiều cũng trầm trồ.
Thu-Vân vẫn biết mẹ mình hồi trước nghèo khổ, đến nỗi gởi mình cho Ðỗ-Cẩm nuôi rồi không có tiền mà chuộc, có lý nào bạc nhiều như vậy mà gởi cho ông, bởi vậy nàng nghe ông nói mấy lời thì biết ông nói dối, nên nàng thưa rằng: “Thưa ông, cháu biết mẹ cháu đâu có tiền bạc mà gởi cho ông nhiều dữ vậy. Cháu chắc ông thương vợ chồng cháu, ông muốn cho, song ông sợ vợ chồng cháu không lãnh, nên ông nói như vậy chớ.”
Lê-văn-Ðó ứa nước mắt, ông chưa kịp trả lời, thì Thể-Phụng tiếp mà nói rằng: “Thưa ông, bạc nầy cháu không dám lãnh. Xin ông để mà dùng. Ví dầu bạc nầy thiệt của nhạc mẫu cháu để lại đi nữa, thì cái công ông nuôi dưỡng vợ cháu cho đến khôn lớn đây há không hơn của ấy hay sao. Ông già yếu rồi, vậy xin ông giữ số bạc đó mà dùng. Vợ chồng cháu còn trẻ, để vợ chồng cháu lo làm ăn, không nên giúp bạc tiền nhiều quá như vậy.”
Lê-văn-Ðó cứ chối cãi, nói rằng bạc ấy thiệt của Ánh-Nguyệt để lại. Ông ép vợ chồng Thể-Phụng phải lãnh, nếu không chịu lãnh thì ông đi biệt, không cho gặp mặt ông nữa. Vợ chồng Thể-Phụng sợ trái ý ông rồi ông phiền, nên cực chẳng đã phải lấy bạc mà cất.
Thu-Vân có chồng đi theo chồng. Lê-văn-Ðó ở một mình quạnh hiu. Thể-Phụng thấy vậy mới mướn một đứa con trai 15 tuổi, tên thằng Quít, để ở nấu cơm nấu nước cho ông.
Mỗi buổi sơm mơi, hễ ăn cơm rồi thì Lê-văn-Ðó lại nhà ông Tự-Chấn mà thăm ông một lát. Mỗi buổi chiều Thể-Phụng cũng qua nhà ông mà nói chuyện chơi cho ông giải buồn. Vì ông qua lại hoài, nên năm bảy bữa Thu-Vân mới về thăm nhà ông một lần mà lần nào về cũng thấy ông vui vẻ như thường.
Thiệt Lê-văn-Ðó làm hoàn toàn trách nhậm, thì trong lòng ông vui vẻ lắm. Nhưng mà chẳng hiểu vì cớ nào, từ ngày ông gả Thu-Vân lấy chồng rồi, lần lần thân thể ông ốm o gầy mòn. Vợ chồng Thể-Phụng thấy vậy sợ ông bịnh, nên tính rước thầy hốt thuốc cho ông uống. Ông kháng cự không chịu uống thuốc, cứ nói ông không có bịnh chi hết.
Cách vài tháng ông không đi thăm vợ chồng Thể-Phụng được nữa, ráng lắm thì ra vô trong nhà mà thôi. Vợ chồng Thể-Phụng lo sợ nên xin phép ông Tư-Chấn rồi về ở chung mà nuôi dưỡng ông.
Lê-văn-Ðó không có bịnh, song thân thể càng ngày càng khô lần lần, khô riết rồi ngồi không nổi, cứ nằm ngửa trên giường hoài. Tuy vậy mà ông tỉnh-táo, chớ không mê-muội chút nào hết.
Một đêm nọ Thể-Phụng với Thu-Vân ngồi bên ông mà đút cháo cho ông ăn. Ông biểu Thu-Vân lấy bộ chén với cái bình trà của Hòa-Thượng Chánh-Tâm hồi trước mà để bên mình ông. Ông day mặt ngó mấy vật ấy một hồi rồi nói rằng: “Ông nhờ vật nầy nên mới trở ra người phải. Vậy ông giao lại cho hai cháu giữ lấy. Ông biết nay đã tới ngày ông qui thiên rồi. Vậy ông khuyên hai cháu ở lại dương trần phải thương yêu nhau.”
Ông nói tới đó rồi ông ngừng lại, chắp hai tay trên ngực, mắt ngó sững trên mái nhà. Thu-Vân cảm động trong lòng nên nước mắt tuôn dầm-dề. Ðêm khuya thanh tịnh tư bề vắng tanh. Vợ chồng Thể-Phụng cứ ngồi nhìn mặt ông mà khóc, chớ không nói chi được hết. Ông ngó trên mái nhà một hồi rồi ông ngó Thu-Vân, coi bộ ông muốn nói chuyện chi nữa, mà ông nói không được.
Cách một hồi lâu ông ráng mà nói mấy tiếng: “Thôi, ông đi.” rồi ông nhắm mắt. Thể-Phụng với Thu-Vân rờ mình ông thì tay chơn đều lạnh ngắt, kê tay vào lỗ mũi thì hơi thở của ông cũng đã dứt rồi. Vợ chồng vùng khóc rống lên và kêu ông om sòm.
Lê-văn-Ðó mở mắt ngó Thu-Vân với Thể-Phụng miệng chúm-chím cười rồi nhắm mắt lại mới chịu tắt hơi luôn.
Thôi rồi một đời người hảo tâm mà chịu khốn khổ!
Thể-Phụng với Thu-Vân vì cái tình tríu mến nên thương tiếc mà khóc chớ không dè Lê-văn-Ðó là người gì.
Saigon, Octobre 1926, Cànglong, Août 1928 Chung
[1] nhổ bỏ cỏ dại
[2] điều
[3] một loại bàn nhỏ, cao hơn bàn thường, dùng làm chỗ để khai trầu hay để món ăn trong lúc dọn tiệc
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!