Một chữ tình - Chương 4 (Hồ Biểu Chánh)

87 lượt xem
Bực thanh niên tân học đã từng xem những chuyện kỳ duyên, đã có đọc nhiều bài xảo ngộ, đến lúc tuổi được vài mươi rồi, thì phần nhiều thấy gái hay động tình, nằm đêm tư tưởng. Có người cũng vì ái tình tràn trề lai láng trong lòng không ngăn được nên đánh quần đánh áo rồi đi tìm hoa đợi nguyệt, sớm trong vườn mận, tối núp cội đào, làm cho có khi phải hại nghĩa dơ danh, lắm lúc phải đeo sầu nuốt thảm.

Lê Bác Ái cũng là một trai thanh niên ham đọc tiểu thuyết, nhứt là ưa đọc tiểu thuyết nói về ái tình, nhưng anh ta có một cái chủ ý khác hơn các bạn đồng song, là anh ta đọc tiểu thuyết thì lựa mấy quyển của đại gia văn chương đặt mà thôi, chớ không chịu xem những truyện gió trăng thô tục.

Có lẽ vì anh ta đọc tiểu thuyết nhiều, nên ái tình của anh ta lần lần dồn dập trong lòng, rồi có đêm nằm một mình vắng vẻ, nghe chim kêu trên cội, nghe dế gáy bên màn, thì bồi hồi dạ ngọc, tư tưởng bạn vàng. Mà có lẽ nhờ anh đọc tiểu thuyết thanh cao, nên ái tình của anh ta dồn dập mặc dầu, song chẳng hề tràn ra đến ngoài rồi đụng đâu vướng đó, như nhiều ái tình của bạn thanh niên khác. Ấy vậy Bác Ái chẳng phải là chẳng có ái tình, nhưng vì ái tình anh ta cao sâu nên về nhà ở đã mấy tháng rồi chưa ai thấy mở miệng ghẹo nguyệt trêu hoa một lần nào hết.

Chiều bữa đó, Bác Ái tình cờ gặp Xuân Hoa lại may mắn được chuyện vãn, đã xem thấy rõ ràng môi son má phấn, tướng yểu điệu, dạng ngồi đoan trang, mà lại còn được nghe tiếng nói thanh như hơi đờn, giọng cười êm như nước chảy, nhưng mà anh ta lần bước trở về nhà cũng không để ý đến, trông ra chẳng khác nào như đã gặp mấy cô bần hàn lam lụ ở quanh quất trong làng.

Chiều ăn cơm rồi anh ta cũng vào thơ phòng đọc sách. Anh ta đương đọc quyển tiểu thuyết của Honoré de Balzac đề tựa là Eugénie Grandet . Đêm ấy anh ta đọc tới đoạn chàng Charles với cô Eugénie dắt nhau ra sau vườn ngồi núp dưới nhánh cây mà hẹn hò vàng đá, thì anh ta trong lòng ngơ ngẩn rồi lại châu mày, mới xếp quyển tiểu thuyết để trên bàn, rồi nằm ngay ghế dài, mắt ngó ngọn đèn mà tư tưởng. Trong nhà ai nấy đều ngủ hết, anh ta nằm suy nghĩ một hồi lâu, nghe tứ bề vắng vẻ im lìm, mới thở dài một cái rồi ngồi dậy đi lại đứng dựa cửa sổ mà ngó ra ngoài vườn. Bóng trăng rọi mấy nhành cây chấp chóa, ngọn gió đưa mùi bông sứ thơm tho. Người đương bận vì tình, mà cảnh lại giục động tình, bởi vậy nên Bác Ái chẳng vui, lật đật khép cửa sổ rồi tắt đèn đi ngủ.

Nằm mắt nhắm trót một giờ mà không ngủ, ban đầu mơ màng thấy nàng Eugénie với chàng Charles đương kề vai dưới cội, thì thầm tâm sự với nhau, rồi nhớ đến cô Xuân Hoa gặp hồi chiều thì lại hồi hợp trong lòng, muốn bỏ qua để tưởng tới chuyện khác mà không bỏ qua được. Anh ta nhớ từ tướng ngồi, bộ đứng cho đến tiếng nói giọng cười, nhớ cô ngồi chỗ nào, nhớ cô hỏi làm sao, mình đáp lại làm sao, nhớ nước da cô trắng, gương mặt cô tròn, nhớ ngón tay cô dài, hàm răng cô khít. Bác Ái tưởng tượng những chuyện hồi chiều thì thấy cũng như đương có trước mặt, nhưng mà nhớ vậy, tưởng như vậy, chớ chẳng hề có ngụ đến cảnh hoa nguyệt chút nào. Lòng ngổn ngang trí lôn xộn, tưởng việc nầy nhớ chuyện nọ, đến 11 giờ khuya mòn mỏi rồi mới ngủ quên.

Rạng ngày sau Bác Ái thức dậy ăn cháo rồi bơi xuồng đi thăm ruộng như thường. Lên tới vàm xẻo Ông Thục anh ta ngó thấy chiếc cầu chỗ mình đứng chơi rồi gặp cô Xuân Hoa hồi chiều hôm qua, thì trong trí lại bắt gặp cô ta, nên tính bữa nào rảnh sẽ lên thăm mợ Hương sư chơi một lát. Gần tới vàm kinh Chà Và là chỗ đi vô ruộng, anh ta ngó tới trước, thấy nhà bà Hương sư Thể ló nóc đỏ lòm. Anh ta muốn bơi thẳng lên đó, rồi lại nghĩ thầm rằng: “Bây giờ nước ngược bơi lên đó thêm mệt, chi bằng mình vô thăm ruộng rồi bận về nước xuôi mình sẽ lên chơi chẳng muộn gì”. Nghĩ như vậy rồi rẽ vô kinh Chà Và.

Đến trưa Bác Ái trở về, ra tới vàm kinh anh ta cũng muốn lên thăm bà Hương sư nữa, song mới vừa day xuồng bơi lên được vài dầm rồi anh ta lại nghĩ thầm rằng: “Mình bận áo quần không được sạch, nếu lên thăm mợ mà y phục như vầy thì khó coi, thôi để bữa khác sẽ thăm không gấp gì lắm”. Nghĩ thầm như vậy nên quày xuồng mà về.

Chiều lại Bác Ái cũng tắm gội rồi thay quần áo sạch sẻ đi chơi. Khi trong thơ phòng lấy nón bước ra, anh ta tính bữa nay anh đi trở xuống phía dưới, mà chừng ra đến ngõ rồi lại đổi ý nên lần bước đi lên phía trên như hôm qua. Lên tới cầu xẻo Ông Thục anh ta đứng lặng thinh ngó vô đồng, nhưng nếu có ai cố ý coi thì một lát anh ta day mặt ngó lên phía trên một cái, dường như trông chừng coi có ai trên đó đi xuống hay không vậy. Anh ta đứng một hồi rồi thủng thẳng đi lần lên nhà, tới ngay vàm kinh Chà Và thì đã thấy nhà bà Hương sư Thể. Anh ta móc đồng hồ vàng trong túi ra coi, thì mới bốn giờ rưỡi, nên men men đi lên hoài, tính thừa dịp nầy lên thăm mợ Hương sư chơi coi nhà cửa dọn dẹp thế nào mà cha mẹ mình thường hay ngợi khen mợ là người vén khéo.

Bác Ái vừa bước vô sân, ba con chó ở trong nhà chạy ra sủa vang rân. Anh ta đứng lại. Xuân Hoa bước ra cửa la chó rồi chào hỏi và mời vô nhà. Xuân Hoa mời Bác Ái ngồi rồi nói rằng: “Anh Tư ngồi chơi, má tôi mới đi ra sau vườn. Để tôi biểu ra mời má tôi vô”.

Xuân Hoa vừa nói vừa cười mặt vui vẻ, bộ gọn gàng lắm. Cô ta kêu đứa ở biểu ra sau vườn mời mẹ, rồi day lại hầu chuyện với Bác Ái, chẳng có một chút chi bợ ngợ hết. Bác Ái ngồi ngó cùng trong nhà coi dọn dẹp thế nào, mà ngó quanh ngó quất rồi thì cũng ngó lại Xuân Hoa hoài. Bà Hương sư bước vô mừng rỡ hỏi thăm lăng xăng rồi biểu Xuân Hoa coi hái quít, hái mận đem cho Bác Ái ăn chơi. Xuân Hoa đi xuống nhà sau một hồi rồi bưng lên một dĩa quít với một dĩa mận để trên bàn, ngay trước mặt Bác Ái vừa cười vừa nói rằng: “Ở đồng ở ruộng chẳng có chi quí, vậy mời anh ăn thử ít trái cây trồng trong vườn”.

Bà Hương sư lại tiếp mà nói rằng:

- Ăn chơi cháu. Mận của mợ trồng tuy coi không được tốt trái song nước nhiều là lại ngọt hơn mận của người ta lắm.

Lúc Xuân Hoa bưng trái cây lên, Bác Ái ngồi mắt thì ngó dĩa mận với dĩa quít mà lại thấy luôn hai bàn tay của Xuân Hoa trắng trong, hai cườm tay tròn vình. Anh ta ăn một trái quít và một trái mận rồi kiếu ra về.

Bà Hương sư nói rằng:

- Cháu từ nhỏ tới lớn mắc đi học nên ở theo chợ búa quen rồi, bây giờ ở đồng có lẽ buồn lắm há? Cháu có buồn thì đi lên trên nầy mà chơi. Mợ vô tình quá, cháu về mấy tháng nay rồi mà mợ chưa đi thăm được.

Bác Ái ra ngoài đường rồi ngó ngoái lộn vô nhà thấy Xuân Hoa còn đứng tại cửa ngó theo.

Đêm ấy Bác Ái nằm thấy Xuân Hoa đứng trước mặt, nghe Xuân Hoa nói bên tai hoài, đọc sách mà không hiểu nghĩa, nhắm mắt mà không ngủ được.

Anh ta nhớ lời bà Hương sư mời ăn mận nói rằng: “Mận của bà tuy coi không được tốt trái song nước nhiều là lại ngọt hơn mận của người ta” thì anh ta nghi cho bà Hương sư có ý muốn nói xa nói gần mà khoe đức hạnh của con, rồi anh ta lại nhớ khi từ giã ra về, Xuân Hoa đứng tại cửa ngó theo thì anh ta lại nghi Xuân Hoa có ý gì với mình đây chớ chẳng không. Tuy Bác Ái nhớ mấy việc ấy thì mừng thầm, nhưng mà anh ta nghi mà thôi, chớ chưa dám chắc bà Hương sư đã sẵn lòng mà Xuân Hoa đã chú ý.

Ông Hội Đồng còn một sở ruộng nữa ở trên làng Kiến An, nếu đi lên đó thì phải đi ngang nhà Xuân Hoa. Sáng bữa sau Bác Ái không đi thăm ruộng trong kinh Chà Và nữa, lại bơi xuồng đi, mà đi lên ruộng Kiến An hoài, không vào kinh Chà Và nữa. Hễ đi ngang qua nhà bà Hương sư thì anh ta liếc mắt dòm chừng coi có Xuân Hoa đứng trước cửa hay không. Ngày nào ngó thấy Xuân Hoa thì vui vẻ vô cùng, còn ngày nào không ngó thấy thì về nhà ăn không biết ngon, nằm không ngủ được. Có bữa gặp Xuân Hoa ngồi giặt áo, hoặc rửa rau dựa mé sông thì anh ta lật đật chào hỏi, rồi về nhà ngủ không được, cứ nằm trăn trở thao thức hoài. Nếu không thấy mặt luôn hai bữa thì chiều anh ta đi chơi ắt đi lên thẳng nhà mà thăm.

Người trong nhà nếu ai có ý cũng đều thấy Bác Ái quyến luyến Xuân Hoa. Đã vậy mà anh ta thường khen ngợi bà Hương sư, lại hễ nói chuyện gì với ai anh ta cũng kiếm thế mà xen bà Hương sư Thể vô hết thảy.

Có lẽ bà Hội đồng hiểu ý con và muốn thử coi nó có tình ý gì với Xuân Hoa hay không, nên đêm nọ bà đương ngồi nói chuyện với chồng con, bà mới nói rằng:

- Mợ Hương sư có một đứa con gái đích đáng quá. Thằng chồng nào gặp vợ như con Xuân Hoa đó thiệt là có phước lắm.

Bà liếc mắt dòm coi thì thấy Bác Ái mắc cở, cúi mặt xuống ghế không nói chi hết, mà bộ suy nghĩ lắm.

Bà liền nói tiếp rằng:

- À, con coi Xuân Hoa vừa ý con hay không? Nếu con chịu má đi nói cho.

Bà vừa nói cừa cười. Bác Ái đứng dậy đi vô buồng, vừa đi vừa nói rằng:

- Thủng thẳng vậy chớ. Để con dọ coi ý tứ nó thế nào đã.

Cách ít ngày Bác Ái đi chơi chiều, lên tới ngang vườn chuối cai tuần Bộn, may gặp Xuân Hoa ở trên đi xuống. Bác Ái vừa ngó thấy thì trong lòng hồi hộp, ngực nhảy thình thịch, tính thừa chỗ vắng vẻ nầy tỏ tình dan díu của mình rồi dọ thử coi cô nọ có ý gì với mình chăng. Tính như vậy mà chừng Xuân Hoa đi tới thì nghẹn ngào không nói được.

Xuân Hoa thấy Bác Ái thì chúm chím cười và hỏi rằng:

- Thưa anh Tư đi chơi. Anh đi chơi xa dữ há.

Bác Ái bợ ngợ, hỏi cô nọ đi đâu rồi để cô đi tuốt không tỏ tình dọ ý chi hết.

Xuân Hoa đi khỏi rồi, Bác Ái đứng ngó theo tức giận thầm trong bụng, tức là vì mình chẳng phải đứa quê mùa dốt nát mà sao gặp một cô gái như vậy lại hồi hộp nói không ra lời, còn giận là vì có cơ hội may mắn đặng cho mình tỏ tình riêng của mình với cô ta, nếu mình để cho cô ta đi tuốt rồi thì biết ngày nào mới có dịp tốt như vầy nữa. Anh ta đứng ấm ức một hồi rồi nghĩ rằng cô nầy cổ đi xuống chắc sau một lát nữa cổ cũng trở về, vậy thì mình thơ thẩn ở đây mà chờ, đặng bận về mình nói. Anh ta đứng chấp tay sau đít ngó mông ra sông, sắp ý lựa lời đặng chờ Xuân Hoa trở lên, anh ta vừa ngó thấy thì trong lòng lại bối rối nữa, quên hết mấy lời đã đã lựa, mấy ý đã tính, nên chừng cô ta đi tới anh ta chẳng nói chi được, duy nói có mấy tiếng nầy mà thôi: “Cô Hai, cô đứng lại tôi nói chuyện nầy một chút”.

Xuân Hoa đứng lại rồi cười hỏi rằng:

- Anh nói chuyện chi?

Bác Ái nói:

- Chẳng dấu chi cô, tôi thấy cô tôi thương quá.

Xuân Hoa nói:

- Ê! Anh quỉ nà.

Nói rồi Xuân Hoa bỏ đi, cách ít bước lại ngó lại và cười và nói rằng:

- Bữa nào có rảnh lên nhà chơi nghe hôn anh Tư.

Bác Ái đứng trân trân, nửa hổ thẹn nửa thảm sầu, nên lần bước trở về ăn cơm rồi rút vô thơ phòng nằm dàu dàu, không đọc sách mà cũng không nói chuyện với ai hết. Mấy bữa sau anh ta không đi thăm ruộng nữa, mà cũng không đi chơi, cứ nằm trong phòng, tay cầm sách hoặc nhựt trình, mà trí thì suy nghĩ mấy lời của Xuân Hoa hoài chớ không đọc được gì hết. Cha mẹ thấy cử chỉ khác thường, sợ con đau nên hỏi thăm, thì Bác Ái dối lời rằng nhức đầu nên đi ruộng không được.

Ngày Bác Ái mới gặp Xuân Hoa một lần đầu rồi về nằm đêm nhớ tới cô ta, thì Bác Ái không dè cuộc hội ngộ thình lình như vậy mà kết thành mối ái tình trong lòng mình được. Ngày qua đêm lại lần lần anh ta cứ nhớ Xuân Hoa hoài, nhứt là ban đêm vắng vẻ, nằm trong phòng một bóng đèn, thì lòng lại thường hoài vọng trí lại hay tương tư, rồi lúc đi ruộng hoặc đi chơi thì ý lại muốn ghé nhà bà Hương sư đặng thấy mặt Xuân Hoa nữa, chừng ấy anh ta mới biết cô Xuân Hoa đã khêu lửa lòng của anh ta rồi. Mà chừng anh ta biết như vậy thì lại càng xốn xang thao thức chịu không được, ngày như đêm, trong trí cứ tưởng nhớ tới Xuân Hoa, cứ trông mong cho gặp Xuân Hoa, có khi lại ước phải chi ai xuôi khiến cho gặp Xuân Hoa vào chốn phòng riêng của mình rồi giao mặt kề vai mà dọ thử tình nhau cũng như chàng Charles với Eugénie trong quyển tiểu thuyết Eugénie Grandet của Honoré de Balzac vậy. Có đêm anh ta suy nghĩ rồi tính tỏ thiệt niềm riêng với cha mẹ đặng xin cha mẹ cậy mai đến nói mà cưới Xuân Hoa. Nhưng mà tính như vậy rồi anh ta lại nghĩ mình thương Xuân Hoa không biết cô ta có tình gì hay không, nên dục dặc không dám hở môi, muốn để dọ coi như ý hiệp tâm đầu rồi sẽ tỏ bày với cha mẹ.

Buổi chiều nọ Bác Ái gặp Xuân Hoa ngang vườn chuối cai tuần Bổn, phân tỏ mấy lời, đó là có ý muốn ướm thử lòng Xuân Hoa, chẳng dè Xuân Hoa đối đáp rất vô tình, làm cho anh về thối chí, tưởng cô ta không có tình chi với mình hết. Anh ta quyết lắp vùi tình ái cho thảnh thơi mà chờ khách đồng tâm, nào dè làm quên chừng nào lại càng nhớ thêm chừng ấy, lòng bắt buồn, trí bắt lảng, ngẩn ngơ dã dượi như người thất chí, như kẻ không hồn. Anh ta tính giận Xuân Hoa mà giận không đành, rồi tính thương Xuân Hoa mà thương không đặng. Nỗi niềm đến thế anh ta mới biết dây ái tình đã buộc anh ta vào cô Xuân Hoa chặt rồi, chắc là khó bứt dứt cho được. Anh ta nghĩ như vậy mới tính lập thế khác dọ ý Xuân Hoa nữa. Anh ta nghĩ Xuân Hoa tuổi còn nhỏ mà lại tánh quê mùa, chắc là tại mắc cở nên không chịu tỏ tình dan díu. Vậy thì mình phải giả chước đi xa không ở nhà nữa coi Xuân Hoa hay việc như vậy có tỏ sắc buồn hay không. Nếu cô nghe mình đi mà buồn thì lòng đã trìu mến mình rồi, còn như nghe mà không buồn thì chẳng có ý chi với mình hết.

Bữa nọ Bác Ái gặp Xuân Hoa liền nói rằng:

- Em Hai, em ở nhà mạnh giỏi nghe hôn.

Xuân Hoa mới nghe thì chưng hửng nên hỏi rằng:

- Anh đi đâu?

Bác Ái làm mặt buồn hết sức mà nói rằng:

- Qua đi Bắc Kỳ!

Xuân Hoa ngó ngay mà hỏi nữa rằng:

- Anh đi chi vậy?

Bác Ái nói:

- Ở nhà buồn quá chịu không được, nên tính đi học thêm ít năm.

Xuân Hoa vừa cười vừa nói:

- Từ nhỏ tới lớn anh ở chợ quen rồi nên về ở đồng anh chịu không được. Thôi anh đi mạnh giỏi nhé.

Xuân Hoa nói mấy lời rồi kiếu mà đi, chẳng tỏ ý dan díu chi hết.

Bác Ái về nhà nằm nghĩ thầm, chắc là tại Xuân Hoa còn nhỏ nên chưa kết được ái tình, bởi vậy mới xin cha mẹ cho đi Bắc Kỳ chơi ít tháng đặng dọ coi mấy trường Cao Đẳng ngoài Hà Nội dạy dỗ như thế nào, rồi lựa coi nên học trường nào đặng qua năm tới sẽ xin học. Cha mẹ tin như lời, nên cũng vui lòng để cho Bác Ái đi chơi.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×