Khóc thầm - Chương 1 (Hồ Biểu Chánh)

82 lượt xem
Em ơi, em! Huệ với lài bữa nay trổ bông hết, thiệt là đẹp ra đây coi chơi, em!”
Ấy là mấy lời của một cô mỹ nữ, mới mười chín tuổi tên là Ðoàn Thu Hà, lối bốn giờ chiều, đứng giữa vườn hoa trước nhà, kêu mà nói với em trai Ðoàn Công Cẩn.
Công Cẩn đã được mười lăm tuổi rồi, nhưng vì trò nhỏ xương, nhỏ vóc nên người không quen biết, ai thấy trò cũng tưởng trò chừng lối mười ba tuổi mà thôi. Trò chống tay đứng dựa lan can trước cửa, đương nhịp chân hút gió, bỗng nghe chị kêu, liền day qua ngó chị mà cười, rồi thủng thẳng bước xuống thềm đi ra sân.
Thu Hà với Công Cẩn là con của thầy Hội đồng Ðoàn Công Chánh ở Mỹ Thạnh, nhà cất dựa đường Thốt Nốt đi Long Xuyên, Thu Hà học trường Nữ học đường trên Sài Gòn, hôm tháng trước thi đậu luôn hai khoa, lấy được Diplôme và Brevet Élémentaire. Còn Công Cẩn thì học trường Chasseloup Laubat, đã được một năm thứ nhứt rồi. Vì chị đã thi đậu rồi, em lại gặp dịp bãi trường nên chị em dắt nhau về nhà mấy tuần nay mà vui chơi với cha mẹ.
Trời chiều man mác, ngọn gió lao rao. Trong vườn hoa, đầu này bông phấn khoe màu nâu, đầu kia lài khoe màu trắng, bông nâu coi thiệt đẹp mà bông trắng coi càng xinh. Ðã vậy mà tại cửa ngõ có xẻ hai bên hai cái đường nhỏ chạy dài vô sân rồi giáp nhau ở trước thềm nhà. Dọc theo hai đường ấy, một mé thì trồng lan, một mé thì trồng huệ đều trổ bông, nên ngồi trong nhà ngó ra thì thấy mỗi bên một lằn đỏ lòm đối với một lằn trắng nõn.
Tuy cái sân của thầy Hội đồng Chánh kêu là vườn hoa, nhưng mà vườn hoa khác trong Nam Việt, nghĩa là có trồng bông, mà cũng có trồng cây trái nhiều thứ nữa. Trước thềm nhà có để hai hàng đôn[1] trên mỗi cái đều có một chậu kiểng, kim quýt, sơn tùng, cần lăng, bùm sụm, bụi thì uốn nhánh kỳ khôi, bụi thì tỉa lá yểu điệu. Hai bên thì cam mật, quýt đường trồng ngay hàng, nhánh lá sum sê, mà bông trái chưa trổ. Phía ngoài thì lý trồng xen với mận dày bịt, lại thêm trồng một hàng rào bằng bông lồng đèn[2], nên hễ đóng chặt cửa ngõ rồi, thì người đi ngoài đường không thấy trong vườn được.
Thu Hà mình mặc áo tím quần trắng, chơn mang giày nhung xanh, tay trái đeo một chiếc huyền[3], tay mặt đeo một chiếc vàng hột xoàn, tai đeo một đôi bông cũng nhận hột xoàn, cổ đeo một sợi dây chuyền nhỏ, tuy không có trang điểm như mấy con gái nhà giàu có học kia, nhưng cô vừa có sắc vừa có đức, lại thêm có vẻ thiện chơn, nên gương mặt coi vừa nghiêm trang vừa thanh lịch, ít cô gái nào bì kịp.
Cô nắm chùm bông huệ rồi cô cúi xuống, kê mặt vô mà hửi, bàn tay cô dịu nhiểu, da mặt cô trắng ngần. Bông kề mặt cô bông lúc lắc oặt òa, còn cô hửi bông rồi, cô vừa lòng nên cô cười chúm chím. Cô thấy Công Cẩn ra gần tới, cô buông chùm bông ra mà nói:
- Bông tốt mà lại thơm quá.
Công Cẩn cười và đáp rằng:
- Chắc là bông nghe chị thi đậu, nên rủ nhau nở hết thảy đặng mừng chị đó đa chị Hai.
Thu Hà liền trả lời rằng:
- Em nói đó có lẽ phải đa. Thuở nay chị thương bông lắm, hễ bãi trường ở nhà chị vô phân tưới nước cho nó hoài, nay chị thi đậu tự nhiên nó phải mừng chị chớ.
Thu Hà nói và cười, núng hai bên gò má hai đồng tiền, bày hai hàm răng trắng trong và khít rịt, mắt ngó thiệt là có đức, miệng nói thiệt là có duyên. Ðã vậy mà lại thêm gió phất cái áo tím mỏng của cô bó sát trong mình, làm cho thấy rõ cái vóc của cô yểu điệu thanh tao, rồi bay hai lai quần lên, làm cho lòi hai bàn chơn no vun, bày hai cườm chơn tròn no và trắng nõn.
Vì Công Cẩn là em, nên trò không thấy dung nhan tuấn tú của chị, lại trò còn khờ, nghe chị nói chơi như vậy, trò không biết lời chi mà đối đáp, trò mới lựa một chùm bông huệ nở đều, trò nắm mà hửi rồi bỏ đi tới. Thu Hà đi theo sau, gió phất mái tóc làm cho năm ba sợi phủ xuống mặt, cô lấy tay mà vén, ngón tay dịu dàng, đầu tóc đen mướt.
Hai chị em đi tới đám bông lài, bèn đứng lại mà trầm trồ. Công Cẩn với tay ngắt một bông. Thu Hà la lên rằng:
- Ý! Ðừng có hái, em. Ðừng có hái, hái chi vậy? Uổng quá.
Công Cẩn hửi bông rồi trao lại cho chị, Thu Hà lấy bông lại cầm mà coi, sắc mặt buồn hiu, mà nét buồn coi còn xinh đẹp hơn hồi nãy nữa. Cô ngó cái bông rồi trách em rằng:
- Bông tốt như vậy mà em hái chi vậy. Chị tiếc quá. Ðừng có hái nữa nghe hôn em.
Công Cẩn gật đầu cười và nói rằng:
- Chị không cho tôi hái bông, để tôi kiếm trái lý ăn chơi.
Trò nói dứt lời thì bươn bả đi tới mấy cây lý. Thu Hà thủng thẳng đi theo em. Cô ngoái lại trong nhà rồi kêu em mà nói:
- Có ba với má kia, em. Em hái đừng có làm gãy nhánh ba rầy đa.
Vừa lúc ấy hai vợ chồng thầy Hội đồng Chánh đương bước xuống thềm mà ra sân. Ông Hương chủ Lung là chú ruột của thầy Hội đồng, nhà ở dưới phía Bò Ót, ông lên thăm hồi trưa, vì vợ chồng thầy Hội đồng cầm quá, nên ông phải ở lại chơi với cháu, ông cũng đi theo ra trước thềm mà hứng mát.
Thầy Hội đồng Ðoàn Công Chánh năm nay đã được bốn mươi lăm tuổi. Thầy gốc gác ở Mỹ Thạnh, cha mẹ khuất hết, trong thân tộc duy còn có một người chú là ông Hương chủ Lung đó mà thôi. Còn vợ là cô Lý Thị Cơ, nhỏ hơn thầy hai tuổi, vốn là con của một bà Cai tổng cựu ở dưới Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ.
Hai vợ chồng có danh giàu có và nhơn đức ở miệt Cái Sao, Cái Sắn. Cái danh ấy không phải là danh giả, bởi vì thầy Hội đồng đứng bộ hơn năm trăm mẫu điền hạng nhứt, mỗi năm thầy thâu huê lợi gần hai chục ngàn giạ lúa, mà vợ chồng thầy ở rộng rãi, tá điền, tá thổ đứa nào túng tiền hoặc là túng lúa thì thầy cho mượn chớ chẳng hề thầy chịu cho vay, còn trong làng trong xóm ai gặp hoạn nạn thì thầy cứu giúp cho hết thảy.
Thầy Hội đồng Chánh không biết chữ Tây, mà thầy thông chữ Tàu; những sách Tàu gọi là tân thơ, thì chẳng có bộ nào trong nhà thầy không có. Lại các thứ tạp chí, nhựt báo quốc âm, thầy mua đủ hết, thứ hay cũng mua mà thứ dở cũng mua; thầy nói rằng nếu người ta nghị luận đúng thì mình phải biết mà khen, còn nếu người ta nghị luận sai thì mình cũng phải biết mà cãi chớ mình chê dở mà không đọc, thì mình có biết dở chỗ nào mà tránh.
Vì thầy đọc tân thơ và nhựt báo nhiều, nên tuy thầy không học chữ Tây, song kiến thức của thầy cũng rộng rãi như người có học. Thiệt thầy không chịu can dự đến quốc sự, nhưng mà thầy tôn trọng quê hương, thầy yêu mến đồng chủng, lại thầy hay chăm nom những vấn đề thuộc về khai thông dân trí, hoặc bảo thủ lợi quyền cho người Việt Nam. Hội nào lập ra cũng có thầy hùn hết thảy. Có hội bị lỗ, nên tan rã, thầy mất hết vốn hùn mà thầy không giận, lại nói rằng: "Vạn sự khởi đầu nan; mới tập đi thì phải vấp té nhiều lần, rồi mới đi vững được chớ."
Thầy đã biết lo giúp đỡ, mà may lại được gặp một người vợ hiền. Mấy năm sau đây, thị Cơ mang lấy bịnh ho, thầy thuốc cấm lo đến việc nhà, chẳng làm chi; hồi trước cô còn mạnh mẽ, cô thế cho chồng mà xem xét trong nhà ra đến ngoài ruộng đi nữa, mà chồng làm việc chi, dầu tổn hao bao nhiêu cô cũng chẳng có một lời phiền trách. Cô Hội đồng thuộc về hạng đàn bà biết kính trọng chồng, biết trưởng chí[4] cho chồng, nên chẳng hề khi nào có ngăn trở việc của chồng làm. Mà thầy Hội đồng thuộc về hạng đàn ông thương yêu vợ, biết lo việc nhà, nên chẳng hề bao giờ thầy làm cho vợ buồn, mà cũng chẳng hề khi nào thầy để phạm danh giá.
Vợ chồng sanh có một đứa con trai với một đứa con gái đó mà thôi. Lúc con còn nhỏ thì vợ chồng đã ước nguyện cho chúng nó ăn học cho đến cùng, đặng chúng nó đủ tư cách, đủ trí thức mà đảm đương với thế cuộc. Phận Thu Hà là gái nên học trong nước cũng đủ rồi, còn phận Công Cẩn là trai phải học cho cao mới được. Năm ngoái Công Cẩn thi lấy bằng sơ học xong rồi thì thầy Hội đồng Chánh muốn cho trò qua Tây mà học. Vì bởi thị Cơ than cô bịnh hoạn, lại con còn nhỏ quá, nên thầy Hội đồng sợ vợ buồn, mà phải dằn lòng để cho con học tập theo trí thức hạ lại như người.
Mà cha mẹ biết lo lắng cho con, lại gặp con cũng biết làm vừa lòng cha mẹ. Thu Hà thuở nay cần cố[5] lắm, nên bây giờ mới thi đậu lấy luôn hai bằng cấp trong một năm. Còn Công Cẩn mới vào trường lớn năm đầu, mà hôm bãi trường được thưởng năm cuốn sách tốt.
Về sự ăn học thì hai trẻ đã làm cho cha mẹ vui lòng rồi, mà về sự ăn ở thì chúng nó cũng làm vừa ý cha mẹ lắm. Công Cẩn còn nhỏ nên về nhà cứ lo chơi mà thôi, song cách chơi của trò thường êm thắm, thấy nguời lớn biết cung kính, thấy kẻ nghèo biết thương yêu chớ không phải vúc vắc[6] ngang tàng như con nhà giàu khác. Còn Thu Hà, cô đã nếm chút đỉnh mùi tân học, mà cô không chịu làm theo những thói tân nữ nhi. Cô ghét những gái hớt tóc cụt, đi giày cao gót, mặc y phục theo đầm, cô chê những gái cạo chơn mày, môi thoa son đỏ lòm, tay xách bóp nhỏng nhảnh. Thuở nay hễ bãi trường thì cô về nhà, lo coi sóc miếng ăn miếng uống cho cha mẹ, cô cắt lụa may áo may quần cho em. Cô chẳng hề nói nặng tiếng với trẻ ở trong nhà, cô thường hay cho tiền những con nít nghèo trong xóm. Cô có một tật mà thôi, cái tật ấy là cái tật khinh bỉ những kẻ mưu lợi cầu danh, chiết báng[7] những người nịnh hót giả dối. Thầy Hội đồng thường nói với con:
- Cái tật của con đó không phải là xấu, song không thích hợp với thời thế. Ba coi đời bây giờ, ai giả dối nịnh hót thì mới sang, ai giỏi mưu lợi cầu danh thì người ta cho là trí. Nếu con nghịch những người ấy thì còn ai đâu mà con ưa?
Hễ Thu Hà nghe cha nói vậy, thì cười và đáp:
- Không còn ai thì thôi, chớ thứ đồ giả dối nịnh hót, ỷ thế hiếp cô, biểu con ưa sao cho được.
Chiều hôm ấy, hai chị em Thu Hà dắt nhau ra ngoài cửa ngõ, chị xem bông, em hái trái. Thầy Hội đông xuống thềm rồi kêu trẻ ở nhắc ghế ra, đặng thầy ngồi chơi với ông Hương chủ Lung. Chú cháu nói chuyện cây trái một hồi, rồi ông Hương chủ Lung hỏi:
- Con Thu Hà nó thi đậu rồi, thôi, vợ chồng bây coi chỗ nào phải gả phứt nó đi. Con gái đời nay để nó lớn tuổi quá không nên.
Thầy Hội đồng cười và đáp:
- Vợ chồng cháu cũng tính có chỗ nào phải thì gả, chớ để làm chi, ông Huyện hàm Hạ, ở Lai Vung, ổng có cậy người ta nói đó, mà để thủng thẳng ít bữa rồi hỏi dọ ý nó coi.
Ông Hương chủ lấy cái khăn rằn[8] vắt trên vai xuống mà lau miệng, vuốt râu rồi nói:
- Tưởng là ai, chớ ông Huyện hàm Hạ tao biết. Ông là người giàu có mà nhơn đức. Mầy làm sui với ổng thì xứng lắm. Như ổng có cậy nói con Thu Hà cho con ổng, thôi thì gả đi.
Thầy Hội đồng làm lơ không nói nữa, mà coi sắc mặt thì biết thầy suy nghĩ trong trí lắm. Cô Hội đồng nhả trầu quăng dưới gốc cây, rồi cô nói:
- Hồi hôm tôi có nói với nó chuyện đó, nó nghe thằng nọ có bằng cấp sơ học mà thôi, còn ông già nó làm Huyện hàm, thì nó cười ngất. Tôi coi ý nó chê thằng nọ học ít, mà nhứt là nó ngạo chức Huyện hàm lắm.
Ông Hương chủ châu mày mà hỏi rằng:
- Người ta làm Huyện hàm, sao lại ngạo người ta?
Ông hỏi chưa dứt lời, bỗng nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Hai vợ chồng thầy Hội đồng ngó ra, thì thấy hai người bận đồ Tây bước vô, người đi trước, mặc quần áo tussor, là thầy Từ Bá Hỉ, chủ hãng sửa xe hơi ở Cần Thơ, kêu cô Hội đồng bằng dì, còn người đi sau, mặc quần trắng áo nỉ xạm, tay có tang, đi giày đen, đội kết rằn, trạc chừng hai mươi lăm tuổi, gương mặt sáng sủa, tướng đi khoan thai, thì lạ hoắc không biết là ai. Bá Hỉ vô khỏi cửa ngõ rồi, thấy hai chị em Thu Hà đứng dựa cây lý bên phía tay mặt thì giở nón mà chào và nói:
- Nghe em thi đậu, nên có dịp đi Long Xuyên qua ghé mừng cho em.
Thu Hà cúi đầu và đáp:
- Cám ơn anh Hai. Chị Hai mạnh phải hôn anh Hai? Sao anh không cho chị Hai đi với?
Bá Hỉ nói:
- Qua đi thình lình, để khi khác rồi qua dắt chị Hai em lên thăm.
Bá Hỉ dắt người lạ ấy đi vòng theo cái đường bên tả mà vô nhà. Hai chị em Thu Hà hưỡn bước noi cái đường bên hữu mà vô. Tới thềm Bá Hỉ chào mừng ông chủ với dì và dượng, rồi trình điện người đi theo mà nói:
- Người bạn cháu đây là Mông xừ[9] Lê Vĩnh Thái du học bên Tây, thi đậu tú tài đã hai khoa rồi, mới về chừng một tháng nay.
Thầy Hội đồng Chánh bắt tay Vĩnh Thái và nói:
- Tôi lấy làm may mắn mà được cậu Tú tài đến nhà, vậy tôi xin thỉnh cậu vô.
Vĩnh Thái cúi đầu một cái rất thanh nhã, rồi chơn bước lên thềm, miệng chúm chím cười mà đáp rằng:
- Cháu được biết ông, cháu cũng vinh hạnh lắm. Cháu đến làm rộn cho ông bà, xin ông bà tha lỗi.
Thầy Hội đồng lật đật nói:
- Không, không, tôi vui lắm chớ! Có rộn chi đâu.
Hai người khách theo chủ nhà mà vô cửa, ông Hương chủ với cô Hội đồng cũng thủng thẳng theo sau. Còn Thu Hà và Công Cẩn thì dắt nhau đi bét qua góc vựa lúa, rồi vô nhà cầu, Thu Hà còn giắt cái bông lài trên đầu tóc.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×