Kẻ làm người chịu - Chương 6 (Hồ Biểu Chánh)

68 lượt xem
Lý Chánh Tâm muốn Cẩm Vân chàng buồn bực bao nhiêu, đến chừng chàng nghe Cẩm Vân ưng chàng thì chàng cũng hớn hở bấy nhiêu. Chàng mừng đến nỗi lộ sắc ra ngoài, ở trong nhà ai cũng thấy hết thảy, chàng xúi chị xin với mẹ cưới phứt cho chàng trong lúc còn bãi trường, đặng chừng khai trường chàng yên tâm mà học.

Bà Tổng chìu lòng con, nên bà vô Chợ Lớn tính việc ấy với cô ba Hài. Chẳng phải cô ba Hài ngăn trở, nhưng cô nói rằng, cưới gấp quá không thể nào cô sắm đồ đạc quần áo cho kịp. Cô lại khuyên bà Tổng phải cầu thầy coi ngày tốt tháng hạp rồi sẽ cưới, chớ việc cưới hỏi là việc hệ trọng, nếu làm bướng thì tội nghiệp cho sấp nhỏ ngày sau.

Bà Tổng nghe lời về đi coi thầy. Họ nói theo tuổi của Chánh Tâm với Cẩm Vân nếu cưới trong tháng giêng tháng hai thì tổn mạng, phải chờ qua tháng sáu mới cưới được. Bà Tổng trở về nói lại cho Chánh Tâm hay. Chánh Tâm tuy không vui nhưng vì thấy họ nói như vậy chàng cũng sợ, nên không dám đòi cưới gấp nữa.

Đến ngày khai trường Chánh Tâm đi học mà chàng dặn chị hễ chúa nhựt phải rủ Cẩm Vân ra nhà chơi và chàng hứa rằng, chúa nhựt nào chàng cũng về thăm nhà hết thảy.

Còn Thái Cẩm Vân khi nàng chịu lời với Tố Nga rồi thì nàng không lo sợ không bứt rứt nữa. Tuy nàng không lộ sắc mừng cho người ta thấy được, song bữa nào nàng cũng lo mua quần mua áo, sắm gối sắm mùng sửa soạn đồ về nhà chồng. Ðã biết cô ba Hài nghe giọng cao thấp của bà Tổng cô không ưa, nhưng mà cô thấy Tố Nga tử tế, cô thấy Chánh Tâm dễ thương nhứt là cô thấy Cẩm Vân có ý quyến luyến với nhà đó, nên cô đã không bàn ra, mà cô lại có hơi mừng cho cháu có chỗ giàu có sang trọng nữa.

Cẩm Vân giữ phận gái không dám ra nhà Tố Nga nữa. Chánh Tâm về nhà hai ba lần mà không được thấy mặt Cẩm Vân thì chàng buồn, bởi vậy một bữa chúa nhựt nọ chàng rủ chị đi Chợ Lớn mà thăm Cẩm Vân.

Chánh Tâm với Cẩm Vân mới thấy mặt nhau thì cả hai người đều thẹn thùa, bởi vậy Chánh Tâm thì ké né, còn Cẩm Vân thì xẻn lẻn chẳng dám ngó nhau chán chường mà cũng chẳng dám nói chuyện với nhau. Chánh Tâm vô được một lần rồi bắt bén vô hoài, chẳng có bữa chúa nhựt nào chàng về nhà mà chàng không đi Chợ Lớn, mà cũng chẳng bữa chúa nhựt nào mà chàng không về nhà. Lần đầu còn ngại, qua mấy lần sau chàng với nàng mới hết mắc cỡ, mới dám liếc ngó nhau, mới dám nói chuyện chút đỉnh.

Lật bật đã tới tháng sáu. Chánh Tâm tới kỳ bãi trường nửa năm nên về nhà. Cẩm Vân sắm sửa mùng mền quần áo đã đủ hết. Bà Tổng với cô ba Hài định ngày làm lễ cưới cho hai trẻ thành hôn.

Trót mấy tháng, trong đợi ngoài trông, trí nhớ não nề, tình thương lai láng. Kể từ nầy sum hiệp một nhà, được phụng loan đủ cặp bởi vậy đêm khuya vắng vẻ trên lầu, tay cầm tay, mặt nhìn mặt, trai say sưa vì sắc, gái mê mẩn vì tình.

Tuy vợ chồng mới cưới, dan díu với nhau mặc dầu, nhưng mà đến bữa khai trường Chánh Tâm cũng sốt sắng đi học, nghĩ vì còn có mấy tháng nữa tời kỳ thi, nếu mình hẩn hờ thì làm sao mà đậu được.

Cẩm Vân ở nhà tuy nàng không thông đạo làm dâu, song lo thức khuya dậy sớm lo rót nước têm trầu cho mẹ chồng. Thiệt bà Tổng không nói một tiếng chi, không ló cái mòi chi mà dám nói bà không ưa Cẩm Vân. Bà có một cái tánh nầy, là bà ít hay nói chuyện với dâu, mà dầu có nói cũng chẳng hề khi nào thấy bà cười, bởi vậy Cẩm Vân kiêng sợ bà lắm. Chồng không có ở nhà, mẹ chồng thì nghiêm nghị, may nhờ có chị chồng chuyện vãn hủ hỉ, khi dạy nhau may áo thêu khăn, khi dắt nhau mua đồ dạo chơi, bởi vậy tuy Cẩm Vân không được vui cho lắm, song nàng cũng không đến nỗi buồn rầu.

Chánh Tâm cưới vợ thì cưới, thương vợ thì thương, mà ở trong trường chàng lo học hết sức chớ không phải vì có vợ mà lo ra, hay là vì ỷ giàu mà biếng nhác. Ví dầu ở trong lớp học chàng không đứng được bực nhứt, nhưng mà kể phần đông thì chàng cũng được ở bực trung. Chẳng hiểu tại mạng số làm sao mà đến ngày thi có nhiều học trò học dở hơn chàng mà người ta đậu được, còn chàng thì rớt tuốt.

Chánh Tâm chở rương về nhà, phần thì bực tức, phần thì hổ thẹn, bởi vậy chàng bỏ bữa cơm chiều, lên lầu nằm dàu dàu, bà Tổng nghe con thi rớt bà cũng buồn lắm. Bà buồn ấy là lẽ tự nhiên, vì làm mẹ ai cũng vậy.

Bà ngồi ăn cơm với Tố Nga với Cẩm Vân bà không nói chi hết, một giây phút bà ngó Cẩm Vân một cái, mà lần nào bà ngó thì cặp mắt bà cũng lườm lườm, dường như tại Cẩm Vân làm cho con bà thi rớt vậy.

Tội nghiệp cho Cẩm Vân hoặc là tại vô ý hoặc là tại nàng buồn rầu, bởi vậy cho nên nàng ăn sơ sịa ba hột cơm rồi đi uống nước, nàng không dè việc chi hết. Nàng lo trầu nước cho mẹ chồng xong thì nàng lỏn lẻn lên lầu thăm chồng. Nàng thấy Chánh Tâm nằm chèo queo tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim, nàng lấy làm đau đớn trong lòng, nên ngồi ghé bên giường tính kiếm lời an ủi.

Chánh Tâm day qua ngó vợ và nói rằng:

- Qua thi rớt tức quá.

- Thi cử có mạng số; thuở nay thiếu gì người học giỏi mà không thi đậu, chớ phải có mình anh hay sao mà anh tức, xin anh đừng có buồn; hễ anh buồn thì má cũng buồn nữa, rồi má sanh bịnh đây khó lắm. Hồi nãy anh không ăn cơm, má buồn má ăn ít quá.

- Mình học mà thi rớt họ khi dễ mình chớ.

- Ai mà dám khi.

- Dầu họ không dám khi, song mình thấy chúng bạn mình cũng đủ mắc cỡ chớ.

- Đã biết nếu anh thi đậu, thì em mừng lắm, mà rủi có rớt thì thôi, chớ em cũng không buồn bao nhiêu. Anh nghĩ đó mà coi, anh thi đậu cũng vậy mà anh thi rớt cũng vậy; miễn là anh học đủ năm mãn hạn với người ta thì thôi chớ. Anh muốn có cái bằng cấp đặng xin làm việc làm văn gì hay sao nên anh vần thi cho đậu.

- Em nói phải lắm. Qua có tính làm thầy thông thầy ký gì đâu. Mình nghèo cực gì hay sao, nên cần phải đi làm việc đặng kiếm mỗi tháng vài chục đồng lương. Ối! Thây kệ, đậu rớt cũng vậy, không thèm buồn chi hết.

Chánh Tâm và nói và ngồi dậy, rót nước mà uống rồi vợ chồng những nói chuyện với nhau, tuy không được vui vẻ lung như lúc trước, song cũng không buồn thảm như hồi chiều nữa.

Qua ngày sau, Hương bộ Huỷnh, ở Láng Thé, là con nhà chú của bà Tổng, lãnh coi nhà coi ruộng cho bà, gởi thơ lên nói rằng, hồi lúa mới bị hạn, đến lúa trổ rồi bị háp, chắc mùa ruộng năm nay thất bát góp lúa không đủ, nên xin bà Tổng về coi đặng chừng góp lúa đặng chế giảm cho tá điền.

Bà Tổng nghe nói như vậy thì bà nóng nảy, muốn về Láng Thé mà thăm ruộng, ngặt gì hôm nay tay chơn bà nhức mỏi, nhắm đi xa không tiện, nên bà không dám đi. Chánh Tâm nhơn dịp ấy mới xin với mẹ để hai vợ chồng chàng đi thế, trước cho chàng biết ruộng đất, sau cho Cẩm Vân biết nhà cửa ở dưới Láng Thé. Bà Tổng cho đi. Vợ chồng Chánh Tâm sửa soạn xếp quần áo bỏ vô vali, rồi sáng bữa sau từ giã mẹ với chị, dắt nhau ra xe lửa mua giấy đi Mỹ Tho đặng ngồi tàu về Trà Vinh.

Từ Láng Thé đi qua Át Ếch, bây giờ có đấp một bờ lộ đá ngay bót, hai bên trồng cây gốc trống lổng mà tàn sum sê, che đường mát mẻ, ban ngày không nắng dọi còn ban đêm thì có thú thanh tịnh im lìm. Ai ngồi xe đi qua đường ấy ngó trước mặt như thấy một cái hang dài gần năm ngàn thước, ngó hai bên thấy hai cách đồng rộng lớn minh mông, mùa cấy nhuộm màu xanh, mùa gặt nhuộm màu vàng, thì dầu trong lòng có đa đoan tâm sự cho mấy đi nữa, cũng bắt thơ thới mà khen cái cảnh nhờ trời sắp đặt sẵn rồi nhờ người sửa sang thêm, nên mới được hữu tình hữu thú như vậy.

Ở trong chợ Láng Thé mới quanh qua cái đường ấy, phía bên tay mặt, lại có một con giồng cát, giồng tuy không lớn, song nhà cửa vườn tược chen chúc với nhau chật cứng. Ở cuối giồng lại có một cái chùa phật của người thổ, kêu là chùa Phang Sắc, cất giữa một vườn trồng những cây sao cây dầu[1], hàng rào coi cũng ngay thẳng băng, mà cây nào coi cũng cao vòi vọi.

Cách mười mấy năm trước, nếu vợ chồng Chánh Tâm về Láng Thé mà thăm nhà xét ruộng, thì bờ lộ Ất Ếch, chưa trải đá! Chỉ có một cái bờ đất để cho nhân dân đi bộ mà thôi. Còn cảnh chùa Phang Sắc thì đá có rồi, tuy cây cối chưa được cao lớn như bây giờ, song nhánh lá sum sê sầm uất hơn bây giờ nhiều lắm. Cái nhà ngói lớn của ông Tổng Hiền, vì cũ quá, cây mụt gói dột, nên đã dỡ rồi, hồi trước cất giữa con giồng mới tả đó.

Chánh Tâm với Cẩm Vân về tới Láng Thé, xe ngừng ngoài chợ, thì mặt trời đã chen lặn, Chánh Tân biểu một đứa nhỏ vác va ly, rồi vợ chồng dắt nhau về nhà.

Cẩm Vân sanh đẻ tại Chợ Lớn, hồi nhỏ có một hai khi mẹ dắt về thăm bên ngoại, ở miệt Cần Giuộc, hoặc dắt đi thăm dì ở Rạch Kiến, nên nàng có thấy đồng ruộng chút đỉnh rồi, nhưng hồi nhỏ đi ra đồng ruộng thì đi, vì tình chưa đầy đủ, nên chưa biết cảm xúc. Hôm nay nàng đi với chồng, mà lại đi xa quá, thấy tư bề cảnh vật đều lạ mắt hết thảy, bởi vậy nàng khấp khởi trong lòng, lúc bước xuống xe nàng liền nắm tay chồng mà đi, làm cho Chánh Tâm hớn hở vô cùng, mà cũng làm cho người trong xóm ai thấy cũng ngó.

Bước vô cửa ngõ rồi, nàng hỏi chồng rằng: “Nhà mình đây hay sao?” Chánh Tâm gật đầu ngó vợ mà cười. Cẩm Vân thấy một cái nhà ngói lớn cất ba căn hai chái, cửa ván, vách tường, mà nhà đóng cửa bít bùng. Trước cửa có một cái sân nhỏ cỏ mọc tàm làm[2]. Dựa thêm có mấy bụi nở ngày[3] trổ bông bụi thì trắng, bụi thì tím. Bên tay mặt có cái chuồng trâu, thấy trong chuồng trâu đứng một bầy, lại có một đứa nhỏ ở truồng ở trần, vác một bó rơm chạy lăng xăng. Bên tay trái có một miếng đất rộng lớn mà trống lổng, ấy là sân đạp lúa, vì chưa tới kỳ nên chưa dọn dẹp, bởi vậy heo ủi có lỗ có hang.

Vợ chồng Chánh Tâm vừa vô tới sân, thì có một con chó vàng ở phía sau chạy ra, đứng sủa om sòm.Vợ Hương Bộ Huỷnh đương lo nhốt vịt, bỗng nghe chó sủa, tưởng có khách nào lạ, nên lật đật chạy ra, áo xăn ngang, đầu bịt trùm khăn, miệng nhai trầu nhóc nhách. Chị ta thấy Chánh Tâm thì mừng quýnh vội vã chạy vòng ra phía sau vô nhà mà mở cửa.

Vợ chồng Chánh Tâm vô nhà. Vợ Hương Bộ Huỷnh ngó Cẩm Vân trân trân và hỏi rằng: “Con ba đây phải hôn?”. Chánh Tâm đáp rằng:

- Phải. Vợ tôi đó.

- Hôm tháng sáu nghe nói cháu cưới vợ. Mà hồi đó tới bây giờ có dắt nhau về dưới nầy lần nào đâu mà biết. Chị Tổng với con hai ở trển mạnh cháu há? Sao chị Tổng không về chơi?

- Má tôi mắc nhức mỏi tay chưn hổm nay, nên đi không được. Tôi mới tiếp được thơ của cậu Tư nên vợ chồng tôi đi đây. Cậu Tư đâu mợ?

- Nó đi ra ngoài Hương giáo. Ăn cơm rồi mới đi đa. Một chút đây nó về bây giờ.

Vợ Hương Bộ Huỷnh lấy chổi quét ván sạch sẽ rồi trải chiếu bông mà mời Cẩm Vân ngồi. Cẩm Vân đi vòng vòng trong nhà mà coi từ trước ra sau không sót chỗ nào hết. Chánh Tâm cũng đi theo vợ đặng chỉ chỗ nầy vật nọ cho vợ coi. Vợ Hương Bộ Huỷnh nói rằng: ”Bất nhơn quá! Cháu về mà không đánh dây thép, đặng cho người ta mua đồ sẵn, để về thình lình, bây giờ có giống gì đâu mà ăn cơm. Thôi, để mợ làm vịt dọn cơm cho hai cháu ăn”. Chị ta nói và bỏ đi xuống nhà sau.

Thằng Thu là bạn[4] trong nhà, nó đi ngoài ruộng mới về, nghe nói vợ chồng Chánh Tâm, nó lật đật chạy lên nhà trên chào mừng. Nó thấy trời tối rồi, nên lo đốt đèn. Chánh Tâm biểu nó dọn dẹp trong buồng cho sạch sẽ, và mở tủ lấy mùng ra giăng.

Vợ chồng Chánh Tâm thay áo thay quần, rửa mặt rửa mày, rồi mới ngồi với nhau tại bộ ghế giữa mà chơi. Thằng Thu lo quét tước dọn dẹp lăng xăng. Trong nhà đèn dầu lửa đốt không được sáng nên coi chỗ mờ chỗ tỏ. Ngoài sân bóng trăng dọi chập chòa lại thêm ngọn gió thổi lao xao. Cẩm Vân ngồi ngó chồng miệng chúm chím cười. Chánh Tâm cũng ngó vợ mà cười và hỏi rằng:

- Em buồn hay không?

- Không.

- Ở dưới ruộng, nhà cửa lôi thôi, đường sá dơ dáy em không quen, chắc là em buồn lắm.

- Có anh mà em buồn giống gì.

- Ví như má bắt hai đứa mình ở luôn dưới nầy em chịu hay không?

- Như má bắt ở thì mình phải ở chớ không chịu sao được.

- Qua nói chơi vậy chớ ở sao cho được.

- Sao vậy?

- Mình ở Sài Gòn sung sướng quen rồi bây giờ ở đây ăn cực ăn khổ, ban đêm lại còn sợ ăn trộm ăn cướp nữa, ở sao cho nổi.

- Ở đâu em cũng chịu được hết thảy, miễn là có anh ở với em thì thôi.

Chánh Tâm nghe vợ nói như vậy thì chàng đắc ý, nên đứng dậy rủ vợ ra trước sân chơi. Trên trời bóng trăng vặc vặc, trong cỏ tiếng dế kêu ngâm nga. Vợ chồng Chánh Tâm dắt nhau đi qua đi lại, khi nắm tay mà hỏi, khi vịn vai mà cười, cảnh thanh tịnh im lìm, tình đầy vơi lai láng. Chàng với nàng đương to nhỏ dan díu, ở đâu Hương Bộ Huỷnh đi xóm về. Anh ta ngó thấy Chánh Tâm thì mừng rỡ dắt nhau trở vô nhà.

Hương Bộ Huỷnh kêu vợ om xòm mà hỏi có lo dọn cơm cho vợ chồng Chánh Tâm ăn hay không. Người vợ chạy lên đáp rằng, cơm đã gần chín. Thiệt quả cách chẳng bao lâu thằng Thu bưng cơm lên dọn một mâm trên bàn cho vợ chồng Chánh Tâm ăn.

Trong lúc Chánh Tâm ăn cơm. Hương Bộ Huỷnh mới nói rằng:

- Sẵn có cháu về đây, vậy để mai rồi cậu dắt cháu ra ngoài ruộng cho cháu coi ruộng năm nay thất quá. Cậu sợ góp không được phân nửa.

- Má tôi nói cậu làm sao thì làm, phải cho có đủ số lúa mười chín ngàn giạ cho má tôi mới được. Nếu cậu không góp được thì cậu phải thường.

- Chị Tổng nói như vậy chắc chết cậu còn gì.

- Mấy năm nay trúng mùa hoài thì cậu có lời nhiều như năm nay có thất thì tự nhiên cậu phải chịu lỗ chớ.

- Cháu nói như vậy tội nghiệp cho cậu lắm. Cậu coi nhà cửa ruộng đất giùm cho chị Tổng, có lương hướng gì đâu, mà mùa thất cháu bắt cậu thường. Cháu còn nhỏ, cháu không hiểu biết việc ruộng đất. Phàm làm chủ điền hễ gặp mùa thất thì mình phải chế giảm cho tá điền chớ.

- Chế giảm cái gì! Vậy chớ mấy năm trúng mùa, mình có bắt nó đóng thêm hay sao, nên gặp mùa thất mình phải chế giảm.

- Nếu cháu đòi cho đủ, tá điền đâu có lúa mà đong cho cháu.

- Thây kệ, nó bán vợ đợ con, làm sao thì làm biết đâu. Cậu phải cho bạn đến nhà tá điền mà giữ lúa. Hễ họ đập được bao nhiêu lúa hột, cậu lấy lúa ruộng trước đi, phải lấy cho đủ số lúa của mình, như còn dư thì họ nhờ bằng không dư thì họ chịu.

Cẩm Vân không thông thạo việc ruộng đất, nên nãy giờ nàng lóng tai mà nghe hai người nói chuyện, nàng không dám xen vô. Tuy vậy mà nếu ai ngó mặt nàng cho kỹ thì ắt thấy nàng suy nghĩ lung lắm. Đến chừng nàng nghe Chánh tâm nói tới mấy câu chót rồi nàng thấy Hương Bộ Huỷnh day mặt ra ngoài cửa mà không trả lời thì nàng ngó chồng mà nói rằng:

- Anh nói như vậy thì tội nghiệp cho tá điền lắm.

- Em đừng có nói tội nghiệp. Tụi nó là quân ăn cướp hết thảy. Vậy chớ bữa hổm má nói đó em không nghe hay sao? Má nói hễ mình tử tế với nó thì nó lột da mình.

- Em tưởng dầu ở hạng nào cũng vậy, sao cho khỏi có kẻ quấy. Em chưa biết tá điền là ai, em chưa thấy mặt người nào hết mà em chắc sao cũng có người thiệt thà chơn chất lo củi lục[5] làm ăn. Nếu năm nay thất mùa, họ làm có lúa bao nhiêu thì anh góp hết rồi còn đâu cho vợ con họ ăn.

- Họ làm sao họ làm chớ. Cần gì em phải lo.

Cẩm Vân ngó chồng mà sắc mặt không vui. Hương Bộ Huỷnh day vô nói với Cẩm Vân rằng, để cậu cắt nghĩa cho cháu hiểu việc cho mướn ruộng ở xứ nầy. Có một tên tá điền nó lại hỏi mình mà mướn một trăm công đất. Nó phải làm tờ tá cho mình mà giao kết tới ngày gặt nó phải đong đủ ba trăm giạ lúa mướn. Mà nó nghèo, có cơm tiền đâu mà ăn mà làm. Nó phải vay lúa của mình mà ăn. Như nó vay năm chục giạ lúa thì tới ngày nó phải đong một trăm giạ. Còn hỏi bạc đặng mướn công phát, công mạ, công cấy, công gặt, hễ mình ra mười đồng bạc cho nó thì tới ngày nó phải đong cho mình ba chục giạ lúa. Một người tá điền mướn một trăm công ruộng, thế nào nó cũng phải vay của mình bốn chục giạ lúa với hai chục đồng bạc. Vậy thì tới ngày nó phải đong ba trăm lúa mướn, tám chục giạ lúa vay với sáu chục giạ lúa lấy bạc trước đó nữa, cộng là bốn trăm bốn chục giạ. Một trăm công ruộng nó làm đó như may gặp trúng mùa thì gặt được một ngàn giạ. Đó là nói số cao hơn hết, mà lại đất thiệt tốt, chớ thường thường thì chừng bảy tám trăm giạ. Mình là chủ điền mình thâu bốn trăm giạ rồi thì nó còn té cũng được vài ba trăm giạ. Mà năm nay thất quá, sợ một trăm công đất không gặt được bốn trăm giạ, mà lúc gặt đạp sao cũng hao hết một mớ, nếu mình làm gắt, buộc phải đong cho đủ số lúa của mình, thì tá điền còn đâu mà đong lúa trâu, lúa gặt, lúa đạp.

Cẩm Vân ngồi trầm ngâm một hồi rồi nói: ”Cho vay một giạ lúa tới ngày phải trả hai giạ, một đồng tới ngay phải đông ba giạ, thì mắc quá! Làm như vậy chết nhà nghèo còn gì!”.

Hương bộ Huỷnh cười mà đáp rằng:

- Không mắc gì lắm. Ở đất nầy, có nhiều chủ họ còn cho mắc hơn nữa chớ.

- Trời ơi! Cho vay như vậy mà cậu còn gọi rằng chưa mắc.

- Cậu thay mặt cho chị Tổng cậu cho như vậy là rẻ đa. Họ cho một giạ lúa phải trả hai giạ rưởi hoặc bốn giạ. Theo cậu đây ai hỏi vay thì cậu cho bằng không hỏi thì thôi, còn họ thì họ buộc tá điền phải vay, nếu không vay thì họ không cho mướn ruộng. Mà ở làng nầy dân thổ nhiều, nó nghèo quá nên có đứa nào mà khỏi vay.

- Chết con nhà nghèo hết!

Vợ chồng Chánh Tâm ăm cơm rồi thì trời đã khuya, nên biểu đóng cửa đi ngủ. Chánh Tâm đi đường bị nắng gió trọn một ngày nên mệt mỏi, bởi vậy vừa nằm xuống thì chàng ngủ liền. Cẩm Vân tuy cũng hơi mệt song một là vì nhà lạ chỗ, hai là vì nàng nghe nói hồi hôm đó hoài, nên nàng nằm thao thức cho đến quá nửa đêm mệt mỏi quá rồi nàng mới ngủ quên được.

Sáng bữa sau, lối tám giờ vợ chồng anh Chánh Tâm mới thức dậy mà rửa mặt gỡ đầu rồi thấy vợ chồng Hương bộ Huỷnh đã dọn cơm ăn. Cẩm Vân cười mà nói rằng: ”Ăn cơm gì mà sớm dữ vậy!” Vợ Hương bộ Huỷnh đáp rằng: ”Trưa rồi chớ sớm. Mợ nấu rồi nãy giờ, mắc đợi hai cháu thức dậy, chớ mỗi bữa thì đã ăn cơm lâu rồi“.

Chánh Tâm cũng cười và ngó vợ mà nói rằng: “Ở ruộng họ ăn cơm sớm lắm“, sớm mai ăn lối bảy giờ rưỡi tám giờ“.

Món ăn không nhiều, lại kho, nấu không giống như trên Sài Gòn, Chợ Lớn, gạo không trắng, cá không lớn nhưng vợ chồng Chánh Tâm ăn cũng ngon. Ăn cơm rồi Hương bộ Huỷnh với Chánh Tâm rủ nhau đi coi ruộng. Cẩm Vân đòi đi theo, Chánh Tâm không cho chàng nói rằng: ”Trời nắng quá, lại phải đi bộ theo bờ ruộng, có chỗ phải lội sao nổi.”

Cẩm Vân ở nhà buồn, nàng bèn đi vòng ra sau vườn mà chơi. Xuống tới nhà dưới nàng thấy thằng Thu với một đứa nhỏ, chừng mười ba mười bốn tuổi, là đứa mà nàng đã thấy ôm rơm đi trong chuồng trâu chiều hôm qua, đương ngồi ăn cơm. Nàng bước lại gần thì thấy hai đứa đang ăn cơm với mắm cá sặt, chớ không có vật chi hết, mà chúng nó ăn coi ngon lắm. Nàng hỏi thằng Thu rằng:

- Anh ăn cơm mà không có cá thịt chi hết thì no sao được?

- Bẩm no chớ. Thuở nay ăn cơm cũng như vầy, nếu không no thì chết còn gì.

- Vậy hồi nãy đồ ăn còn nhiều quá. Sao anh lại không lấy mà ăn?

- Bẩm không được. Thím Hương rầy chết, ai dám lấy.

Cẩm Vân đi nới ra cửa sau nữa, thì thấy hai bên có hai vựa lúa lớn, lợp bằng ngói, vì chưa tới mùa, nên vựa trống trơn. Nàng đứng mà nhắm ra sau vườn thì vườn không bao lớn, chung quanh trồng tre, ở giữa trồng lộn xộn, chuối có, cau có, cam xành có, mà thứ nào cũng xơ rơ xác rác, không hàng không liếp.

Nàng đứng chơi một hồi, rồi trở vô nhà, cậy vợ Hương bộ Huỷnh dắt đi chơi lối xóm đặng cho nàng thấy bề ăn chốn ở của kẻ thôn quê. Vừa mới ra khỏi cửa ngỏ, thì nàng thấy có hai người đàn bà Thổ với ba đứa con nít đang nhoi dưới vũng nước mà bắt cá, đàn bà thì mặt mày đen thui, mình mẩy lắm lem, còn con nít thì ở truồng ở lổ, tay chơn ốm nhách, cặp mắt chau vau[6]. Đi khỏi cái vũng ấy, thì tới một cái nhà lá nhỏ, trong nhà có một bà già chừng sáu chục tuổi, tóc bạc da dúm ở trần trùi trụi, đang đứng giả gạo. Cẩm Vân thấy vậy bèn chắc lưỡi lắc đầu mà than rằng: ”Già đến từng tuổi đó mà còn cực khổ quá!”.

Đi được một khúc đường nữa, lại có một nhà lá ba căn, cửa xệu xạo, vách xịch xạt. Trước sân có chất một đống chà khô, có một người đàn bà, mặc áo vải mốc mốc[7] không biết cho màu gì, mà tay áo cụt tới cánh chỏ, vạt áo rách ten ben, đang đứng bẻ chà đặng ôm vô mà chụm. Gần đó một con gà mái ô[8], dắt một bầy gà con, chơn bươi gốc chuối, miệng kêu túc túc, dựa cửa có bốn đứa con nít, đứa lớn hơn hết chừng mười tuổi, đứa ngồi đứa đứng mà chơi, đứa ở truồng, đứa ở trần, mà đứa nào mặt mày cũng tèm lem. Trong nhà có một người đàn ông, trạc chừng bốn chục tuổi, đầu tóc rối nùi, mặt mày nhăn nhíu, quần áo lang thang đương ngồi tại đầu ván mà coi sắp nhỏ chơi. Ngươi ấy thấy vợ Hương bộ Huỷnh đi ngang, thì lật đật đứng dậy bước ra cửa mà chào.

Vợ bộ Huỷnh day lại nói với Cẩm Vân rằng: “Thằng nầy là thằng tá điền của cháu. Nó làm một trăm công“. Cẩm Vân đứng lại ngó vô nhà, thì thấy trong nhà có cái bàn thờ mà trên bàn trống trơn không có chơn đèn lục bình chi hết. Chính giữa có lót một miếng ván dầu, bên tay mặt có để một cái chõng, còn bên tay trái thì có giăng một cái vỏng, gần đó thì lại có chất cày bừa lộn xộn. Sấp nhỏ đứng dậy hết mà ngó Cẩm Vân. Người đàn bà để chà đó lần lần đi vô nhà. Vợ Hương bộ Huỷnh chỉ Cẩm Vân mà nói với người tá điền ấy rằng: ”Dâu của chị Tổng đó đa. Vợ chồng nó mới xuống hồi hôm.“

Người tá điền bước ra sân chắp tay xá Cẩm Vân và mời nàng vô nhà. Cẩm Vân cười và chỉ mấy đứa nhỏ mà nói rằng:

- Con của chú đó phải hôn?

- Thưa phải.

- Sao chú không bận áo bận quần, tắm rửa sạch sẽ, để chúng nó ở trần truồng dơ dáy dữ vậy?

- Thưa, nghèo quá, vợ chồng tôi mắc lo làm ăn, có ở không đâu mà săn sóc.

Mấy dứa nhỏ nghe hỏi tới chúng nó, đứa thì đi lại đứng bên cha, đứa thì chạy ra nắm áo mẹ. Cẩm Vân thò tay lấy tiền ra phát cho mỗi đứa một cắc bạc. Đứa lớn đưa tay mà lấy, mặt mày vui cười; đứa nhỏ thì sợ, nên thụt tay rút cổ. Người mẹ xúi sấp con rằng: ”Cám ơn cô đi con“. Sấp nhỏ cứ đứng lặng thinh. Cẩm Vân cười rồi từ mà đi.

Cẩm Vân muốn đi nữa, ngặt vì trời nắng gắt mà nàng quên đem dù nên phải đi về.

Hồi chiều hôm qua, mới xuống tới nhà cũ của cha mẹ chồng, thì nàng vui mừng lắm. Bữa nay nàng đi chơi nàng thấy bầy ăn ở của con nhà nghèo ở ruộng, thì nàng cảm xúc, nên trong lòng rất bàng hoàng. Nàng nằm chèo queo gác tay lên trán mà suy nghĩ hoài. Đến trưa Hương bộ Huỷnh với Chánh Tâm đi về, Hương bộ Huỷnh nói với Chánh Tâm rằng: ”Cháu thấy ruộng nương như vậy đó. Thiệt là thất, chớ phải cậu nói thêm hay sao. Ruộng như vậy, làm sao mà góp lúa cho đủ được“.

Chánh Tâm châu mày mà đáp rằng: ”Cậu nói kỳ quá! Làm tá điền may trúng mùa thì nhờ, rủi thất mùa thì chịu, chớ trúng mùa họ ăn rồi thất mùa họ bắt mình chịu hay sao? Không được đâu. Cậu phải ráng mà góp cho đủ; nếu cậu góp thiếu má tôi rầy chết đa”. Hương bộ Huỷnh ngồi buồn xo.

Mới bốn giờ chiều, mà ăn cơm nước đã xong rồi hết. Chánh Tâm rủ vợ đi ra ngoài ruộng chơi. Hai vợ chồng thủng thẳng dắt nhau đi theo bờ qua Át Ếch. Cẩm Vân ngó lên phía đồng Cây Cách thì đồng ruộng minh mông, chạy dài lên cho tới mé giồng An Trường Định. Chỗ đất sâu lúa chưa trổ thì màu xanh lặc lìa. Chỗ lúa đương trổ thì coi màu xám xám. Còn mấy đám lúa sớm, đã chín rồi, nên màu coi vàng vàng. Cách xa xa, thấy có một người đầu đội nón lá đi thăm ruộng về, mình mẩy lấm lem. Ở đầu giồng, có một đứa nhỏ ngồi trên lưng trâu hát nghe ráo rích.

Cẩm Vân ngắm cảnh động lòng nên nàng đứng buồn hiu. Chánh Tâm ngó mặt vợ rồi nắm tay mà hỏi rằng:

- Sao em buồn dữ vậy?

- Thuở nay em không có xuống ruộng. Em xuống đây từ hồi sớm mơi đến bây giờ em buồn quá.

- Em có buồn, thôi thì sáng mai mình về.

- Không phải tại ruộng làm cho em buồn đâu. Ở đây có các cảnh thanh tịnh em ưa lắm chớ.

- Vậy chớ em buồn giống gì?

- Em buồn là vì em thấy con nhà nghèo họ cực khổ em thương quá. Họ cũng là người như mình, mà mình ăn sung mặc sướng nhà cao áo tốt, còn họ quần áo lang thang, nhà rách vách nát, em thấy bề ăn ở của họ em chịu không được.

- Tại họ nghèo thì họ phải cực chớ.

- Bởi vậy nên em mới thương họ. Chớ chi em giàu có lớn, em cho họ tiền bạc đặng họ cất nhà cất cửa, may áo quần tử tế hết thảy em mới vui.

- Trời ôi! Chính phủ kia làm cũng không được huống chi là mình. Em giàu đến bực nào em cũng không nuôi hết dân trong nước nổi.

- Nếu nuôi hết không nổi thì em nuôi nội mấy người trong xóm, trong làng của em. Từ nhỏ chí lớn anh có đi đến nhà mấy người tá điền anh chơi lần nào hay không?

- Có chớ.

- Hồi sớm mơi em đi chơi với mợ Hương bộ, em có ghé nhà một người tá điền của mình. Em thấy hai vợ chồng người ấy ăn nói thiệt thà quá, mà vì nghèo khổ quần áo rách rưới, còn sấp con một bầy thì ở truồng ở trần, thiệt em đứt ruột. Người ta như vậy đó rủi năm nay gặp thất mùa, mà anh làm gắt, hễ gặt được bao nhiêu anh lấy hết, rồi vợ con người ta biết lấy chi mà ăn.

Chánh Tâm đứng suy nghĩ một hồi rồi vỗ vai vợ mà nói rằng: “Thôi em đừng có buồn. Để chừng tới mùa góp lúa, qua liệu mà xin với má chế giảm cho họ”.

Cẩm Vân đương buồn, mà nàng nghe chồng nói như vậy, thì nàng đổi buồn ra vui, liếc mắt ngó chồng rất hữu tình và đáp rằng: “Anh ở được như vậy, thì em vui lắm“.

Vợ chồng thơ thẩn ngoài đồng mà hứng gió nhắm cảnh cho đến gần tối mới trở về.

Cẩm Vân ý muốn ở dưới ruộng mà chơi, ngặt vì khi ra đi mẹ chồng không mạnh giỏi nên chơi có vài bữa rồi nàng thúc chồng về. Khi sửa soạn đồ đạc mà về. Cẩm Vân kêu thằng Thu với thằng nhỏ giữ trâu mà cho mỗi đứa hai đồng bạc. Hai đứa nhỏ nó mừng quýnh. Vợ Hương bộ Huỷnh ngó trân trân rồi nói với hai đứa bé rằng: “Nè, để dành, chớ đừng có xài bậy hết đa. Thằng Thu cười và nói rằng, để dành đặng may quần áo mới ăn Tết, chớ dễ xài hôn”.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×