Kẻ làm người chịu - Chương 11 (Hồ Biểu Chánh)
Hope Star | Chat Online | |
04/08/2019 14:43:15 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Kẻ làm người chịu - Chương 12 (Hồ biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Kẻ làm người chịu - Chương 9 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Kẻ làm người chịu - Chương 10 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Kẻ làm người chịu - Chương 8 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Chiều bữa ấy, cơm dọn xong rồi, Tố Nga, Cẩm Vân với Phùng Xuân ngồi lại bàn mà ăn. Tố Nga ôm ấp sầu não trong lòng, nên lơ lơ lửng lửng, cứ ngồi chống đũa mà ngó, chớ ăn không đặng, Cẩm Vân quyết thi kế, nên nhơn dịp ấy nàng mới rủ Tố Nga mướn xe hơi về Láng Thé thăm mẹ một bữa rồi sẽ trở lên sửa soạn xuống tàu. Tố Nga chịu đi. Phùng Xuân thiệt không dè kế sắp đặt, nhưng vì chàng sợ Tố Nga về Láng Thé rồi ở trẩn lại cho trễ tàu, nên chàng cản trở không chịu cho đi. Tố Nga biến sắc nói rằng: ”Thầy ở với tôi khốn nạn lắm. Thầy bắt tôi phải bỏ mẹ mà theo thầy; bây giờ tôi về tôi lạy mẹ tôi đặng tôi đi, thì cũng không cho nữa hay sao?” Phùng Xuân cười gằn mà nói rằng: ”Mình muốn đi thì mướn xe hơi mà đi. Tôi cũng đi nữa. Tôi đi theo đặng tôi giã từ má luôn thể“.
Cẩm Vân thấy kế đã hư rồi, nàng lấy làm bối rối nên ngó Tố Nga rồi buông đũa đi uống nước. Đêm ấy hai nàng to nhỏ bàn tính với nhau thế nào không biết mà sáng bữa sau Tố Nga không chịu đi Láng Thé lại biểu cẩm Vân mướn xe hơi đi một mình xuống năn nỉ rước dùm mẹ lên Sài Gòn đặng cho mẹ con gặp nhau đôi bữa rồi nàng xuống tàu. Phùng Xuân thấy Tố Nga không đi thì chàng làm lơ, không tính tới chuyện đi từ giã mẹ vợ nữa.
Cẩm Vân biểu thằng Điệu đi mướn một cái xe hơi đem lại rồi nàng mặc áo xuyến đẹp, quần lãnh đen, đi giày nhung đen, đầu cũng choàng khăn màu đen, leo lên xe đi một mình để con ở tại nhà, mà cũng không đem vật chi hết. Xe chạy ra khỏi Chợ Lớn rồi nàng mới tính để đi thẳng xuống Cần Thơ mà nói giùm việc của Tố Nga cho xong chừng trở về sẽ qua Trà Vinh mà rước mẹ. Nàng kêu sớp phơ mà dặn đi Cần Thơ, rồi ngồi khoanh tay mà lo tính coi chừng giáp mặt với Trọng Quí phải nói thế nào cho chàng xiêu lòng đặng cứu danh dự cho chị chồng.
Xe chạy thiệt mau, mà gần 1 giờ mới tới Cần Thơ, Cẩm Vân vừa đói bụng, nên biểu sốp phơ kiếm nhà hàng mà ghé đặng cho nàng ăn cơm. Xe ghé ngay một tiệm bán cơm Tây, Cẩm Vân vô ngồi rồi kêu bồi biểu đem vài trứng gà với một tách sô cô la. Lúc thằng bồi đem ra nàng mới hỏi rằng:
- Thầy Lữ Trọng Quí mấy năm trước thẩy buôn bán lúa, không biết nhà thẩy ở đâu anh há?
- Cô hỏi ông Bác Vật Quí phải hôn?
- Phải.
- Thưa, nhà ổng ở trên kia, ở dựa đường đi Bình Thủy.
- Ở đây lên đó xa hay gần?
- Gần mà. Xe kéo nó đi chừng một cắc rưỡi bạc.
- Mấy người kéo xe họ biết nhà ổng hôn?
- Thưa biết hết. Cô muốn đi, để rồi tôi kêu xe kéo cho. Như nó không biết tôi chỉ đường cho đi
Lúc ấy có một xe kéo đi vởn vơ ngoài đường. Thằng bồi ngoắt người xe kéo vô rồi hỏi có biết nhà ông Bác vật Quí hay không. Người kéo xe nói biết. Cẩm Vân bèn biểu ở chờ một lát đặng kéo nàng đi.
Ăn uống xong rồi, Cẩm Vân bước ra dặn sốp phơ đậu xe hơi tại đó mà chờ nàng rồi nàng lên xe kéo mà đi. Xe chạy lên đường Bình Thủy, khỏi châu thành chừng ít trăm thước rồi ngừng ngay một cái nhà ngói lớn. Người kéo xe day lại nói rằng: ”Thưa cô, nhà ông Bác vật là nhà nầy đây”.
Cẩm Vân bước xuống xe đứng dòm vô nhà thì thấy ngôi ở kinh dinh, chính giữa một tòa nhà lớn, bên tay mặt một lẫm[1] lúa dài hơn mười mấy căn, vườn trồng cây trái thạnh mậu, phía trước sân trồng bông hoa ê hề, dọc theo con đường lại có rào song sắt, rõ ràng là một cuộc ở của người đại phú. Nàng thấy cửa ngỏ thì mở chàng hoạt mà nhà lớn cửa lại đóng bịt bùng. Nàng nghĩ Trọng Quí đi khỏi nên trong trí có hơi lo. Nàng lấy làm ái ngại, song đã đến đây rồi, không lẽ còn dụ dự được, nên nàng sửa soạn khăn rồi thủng thẳng bước vô.
Có một đứa con trai, đứng trước cửa nhà bếp ngó thấy Cẩm Vân vô sân, không biết ai, nên chong mắt mà ngó. Cẩm Vân cũng ngó nó, rồi phăng phăng đi vô. Chừng lại gần nó, nàng bèn hỏi rằng:
- Phải nhà ông Bác vật đây hôn?
- Thưa phải.
- Ông Bác vật với bà Bác vật có ở nhà hôn?
- Thưa ông tôi đi khỏi. Cô ở đâu xa lắm hay sao mà cô không biết? Ông tôi có một mình chớ có bà nào đâu.
- Tôi tưởng ông đã cưới vợ rồi chớ.
- Thưa không. Hồi ông tôi ở bên Tây về, ông tôi có cưới vợ rồi bà tôi mất. Từ mấy năm nay ông tôi không có cưới vợ khác.
- Ông Bác vật đi khỏi, mà anh có biết ông đi đâu, ông có nói đi chừng nào về hay không anh?
- Thưa, ông tôi đi vô trong chành lúa[2]. Ông tôi có nói chiều nay ông tôi về đặng đi Sài Gòn.
- Chành lúa ở đâu?
- Thưa, ở đường vô Cái Răng.
- Xa hay là gần?
- Thưa, gần. Ở chợ vô đó chừng vài cây số.
Cẩm Vân đứng suy nghĩ một hồi rồi hỏi nữa rằng:
- Đường ở trong chành lúa đi xe hơi được không ?
- Thưa được. Từ hồi năm ngoái đến nay ông tôi sắm xe hơi đặng ra vô chành lúa cho mau. Đây vô đó xe hơi chạy chừng năm bảy phút.
- Tôi có việc cần muốn nói với ông Bác vật gấp bây giờ đây. Anh làm ơn ngồi xe kéo của tôi kia mà đi mời ổng về đặng cho tôi hỏi chuyện một chút được hôn? Mắc tôi không biết đường, chớ không thì tôi đi thẳng vô trỏng, khỏi mất công anh.
- Thưa được. Vậy thì cô viết cho tôi ba chữ, tôi cầm vô cho ông tôi coi, đặng ông tôi liệu như về được thì ông tôi về.
Thằng bồi trai ấy kêu hai đứa nữa biểu mở cửa nhà trên, mời Cẩm Vân lên rồi chỉ bàn viết mà xin nàng ngồi mà viết ít chữ cho nó cầm đi. Cẩm Vân lấy giấy viết mấy chữ như vầy:
"Tôi là Cẩm Vân, em dâu chị Tố Nga ở trên Sài Gòn, có việc gấp muốn tỏ với ông. Vậy xin mời ông về cho tôi nói chuyện một chút, vì tôi không thể đợi lâu được".
Cẩm Vân viết rồi trao cái giấy cho thằng bồi. Nó mời nàng ngồi chơi, rồi đội nón lên xe kéo mà đi. Cẩm Vân ngó cùng trong nhà thì thấy nhà cất theo kiểu Việt Nam, ở trong có ba bàn thờ, song phía ngoài lại dọn bàn ghế theo cách Tây, mà chỗ nào cũng lau chùi quét tước sạch sẽ, không có một chút bụi. Nàng coi trong nhà rồi, ra đứng dựa cửa mà xem bông hoa kiểng vật.
Cách chẳng bao lâu, có một thằng bồi ra mời nàng vô uống nước. Nàng vừa bước vô nhà thì nghe tiếng kèn xe hơi bóp van rân, rồi kế ấy một cái xe quẹo vô cửa ngỏ. Thằng bồi đứng ngó ra và nói: ”Xe ông tôi về.“
Cẩm Vân thấy một người mặc đồ tây cầm tay bánh, dựa bên có một tên trai ngồi, còn phía sau thì bỏ trống. Nàng nghi người cầm tay bánh đó là Trọng Quí, song xe vô sân rồi chạy tuốt ra phía sau, nên nàng coi mặt không kịp, nàng trở ra cửa đứng mà chờ. Trọng Quí đi giầy cao su trắng, đầu đội nón trắng, mình mặc quần áo cũng trắng mà áo sơ mi cổ lật, áo u học không gài nút ngừng xe rồi liền nhảy xuống xăm xăm trở ra phía trước thềm. Chàng vừa thấy Cẩm Vân thì lột nón mà chào. Cẩm Vân liền đáp lễ và hỏi rằng:
- Bẩm ông, phải ông là ông Bác vật hôn?
- Thưa phải. Xin mời cô vô nhà.
- Vì tôi có chuyện gấp nên tôi mới dám làm rộn ông, xin ông miễn phiền.
- Thưa, có chi rộn đâu. Xin cô chớ ngại. Mời cô vô.
Cẩm Vân vô trước, Trọng Quí theo sau, chàng mời nàng ngồi tại bộ ghế sa lông giữa, rồi kêu bồi om sòm. Cẩm Vân liền nói rằng: ”Xin ông chớ nhọc lòng. Tôi mới uống nước, để tôi nói chuyện riêng với ông một chút rồi tôi về“.
Trọng Quí châu mày và ngó ngay Cẩm Vân mà hỏi rằng:
- Cô xuống có một mình hay là có cô chị hai đi với cô?
- Thưa, tôi có đi một mình.
- Cô hai có được thơ của tôi hôn?
- Thưa có.
- Ðược thơ mà sao không xuống? Nếu vậy thì cổ nhứt định theo chồng cổ hay sao?
Cẩn Vân chưa kịp mở chuyện mà nói, bị Trọng Quí giành nói trước, mà chàng nói nghe chẩm hẩm quá, bởi vậy nàng bối rối ngồi khưng lại đó, không biết làm sao mà trả lời cho xuôi. Trọng Quí rùn vai, thò tay vào túi móc gói thuốc ra, đốt một điếu mà hút và nói tiếp rằng: “Tôi tức quá! Tôi không hiểu cô hai ý muốn làm sao. Cổ gặp một người chồng làm cho cực lòng nhọc trí hết sức. Cổ nói cổ không thương nữa, không thương mà sao mấy năm nay còn để cho nó đeo đuổi theo làm chi rồi bây giờ nó bắt đi với nó, lại còn chịu đi theo nó nữa? Kỳ quá! Tôi cậy cô, chừng cô về làm ơn nói giùm lại với cô hai rằng, tôi khuyên cổ xuống đây mà ở với tôi, hay là cổ muốn tôi đi rước cổ thì cổ cho tôi biết ngày nào, giờ nào tôi sẽ đem xe đến đó mà rước cổ. Tôi hứa chắc rằng nếu cổ bằng lòng làm vợ chồng với tôi, hễ cổ bước chân về nhà tôi rồi thì sự nghiệp của tôi đây là sự nghiệp của cổ, danh giá của cổ tức là danh giá của tôi. Tôi đủ sức bào chữa cho cổ, dù chồng cổ có nói tiếng chi, có làm dữ thế nào tôi chịu hết thảy cho. Cô nói giùm với cô hai, từ nay cho tới bữa tàu chạy, cổ xuống nhà tôi giờ nào cũng được hết thảy. Nếu cổ không nghe lời tôi thì bữa cổ xuống tàu sẽ có tôi đón tại cầu tàu mà bắt cổ lại.”
Trọng Quí càng nói thì môi càng tái, mặt càng xanh. Cẩm Vân đợi chàng nói dứt lời mới hỏi rằng:
- Thưa ông, vậy chớ ông có thiệt lòng thương chị hai tôi không?
- Nếu tôi không thương thì tôi đã cưới vợ rồi, chớ có lý nào tôi ở như vầy mà chờ đợi cổ hoài cho đến năm năm nay.
- Nếu ông thương thì ông phải xét giùm cho phận của chị hai tôi chớ. Ông thương mà ông làm cho chị hai tôi phải mang tiếng nhơ nhuốc, ông làm cho cả tông môn của chị hai tôi phải bị người ta khinh bỉ, thế thì ông báo hại, chớ có phải thương đâu.
- Tôi làm việc gì mà nhơ nhuốc cô hai, tôi làm sao mà báo hại cổ?
- Ông nghĩ đó mà coi. Chị hai tôi vì ông mà phải thất trinh thất tiết với chồng. Bao nhiêu đó đủ xấu hổ rồi, dầu thiên hạ họ không hay, chớ anh hai tôi ảnh ngu dại gì mà ảnh không biết. Tại ông mà năm năm nay chị hai sầu não, thất thơ thất nghiệp như người không hồn. Bây giờ chỉ muốn cứu danh giá cho tông môn, chỉ muốn đền bồi cái tội thất tiết của chỉ nên chỉ nhứt định bỏ mẹ lìa quê mà vùi lấp cái thân vô duyên vô phước của chỉ, ông lại ngăn trở, ông muốn làm lở vỡ ra cho xấu chỉ, rồi xấu luôn tới cha mẹ chị em nữa. Ông làm như vậy không phải là báo hại hay sao? Chị hai tôi sai tôi xuống đây mà xin với ông hãy thương giùm thân phận của chỉ, dầu chỉ không còn danh giá chi nữa, thì ông gìn giữ giùm danh giá cho tông môn của chỉ. Chỉ có nói rằng: "Chỉ xét phận chỉ là gái thất tiết không xứng đáng kết nghĩa trăm năm với ông". Vậy ông có thương nhau, thì để kiếp khác sẽ gặp nhau, chớ kiếp nầy nếu chị hai tôi bỏ chồng mà ở với ông, dầu ông không chê cười, chớ chị hai tôi cũng hổ thẹn với ông lắm.
Trọng Quí đổ mồ hôi ướt áo ướt mặt. Chàng lấy khăn mà lau rồi ngồi chống tay trên trán mà suy nghĩ. Cẩm Vân liếc mắt ngó chừng, song nàng lặng thinh, có ý để coi chàng liệu lẽ nào, cách một hồi Trọng Quí thở ra và nói rằng:
- Cô hai cứ nói danh tiết hoài! Cũng vì danh tiết mà 5 năm nay cổ ngậm thảm nuốt sầu. Cũng vì danh tiết mà 5 năm nay tôi đêm trông ngày đợi. Danh tiết! Người có tình thì kể chi là danh tiết. Bây giờ tôi mới biết cô hai không có tình với tôi chút nào hết.
- Ông nói sao vậy?
- Tôi nói phải lắm chớ. Nếu thiệt cổ có tình với tôi, cổ mắc say sưa nỗi tình, thì cổ kể chi là chồng, cổ kể chi là danh giá, tôi không dám phiền cổ, song tôi buồn cho phận tôi...
Trọng Quí nói tới đó rồi chàng thở ra, hai hàng nước mắt tuôn ròng ròng. Cẩm Vân thấy chàng đương cảm xúc, nàng muốn nhơn dịp ấy mà khuyên giải nên nói rằng:
- Thưa ông, ông giàu có mà lại học giỏi, còn chị hai tôi nghiêm chỉnh mà lại hiền hòa, chớ chi hồi còn con trai con gái, hai người gặp nhau thì xứng biết chừng nào, ông có người nội trợ như chị hai có lẽ ông vui lòng, mà chị hai tôi được người bảo hộ như ông chắc chị hai tôi cũng đẹp ý lắm. Tại ông trời đã định như vậy; ông trời khiến chị hai tôi phải bị một người chồng vô tâm bất nghĩa chớ không được nương dựa với ông mà hưởng chút phước dư, vậy thôi ông cũng chẳng nên buồn làm chi. Nếu ông có tình với chị hai tôi thì ông cầu trời khẩn phật đặng kiếp khác hội hiệp với nhau.
- Cô biểu tôi đừng buồn, đừng buồn sao được. Cô là người bàn quan, cô không rõ thấu cái tình của tôi, nên cô nói nghe dễ như chơi.
- Tôi cũng hiểu ông thương chị hai tôi lắm chớ. Mà duyên nợ của chị hai tôi trắc trở như vậy, biết làm sao bây giờ. Tôi xin ông quên phứt chị hai tôi đi. Ông đừng thèm nhớ tới chỉ nữa, ông cưới vợ khác mà lập gia thất, rồi trong năm bảy tháng hoặc một đôi năm nguôi ngoai chớ không khó chi đâu.
- Ngày nào tôi chết rồi thì tôi mới quên cô hai được. Cô nói tại ông trời khiến tôi với cô hai không được kết nghĩa vợ chồng. Tôi xin lỗi cô mà đáp rằng, tôi chắc ông trời khiến tôi phải làm chồng cô hai, song cái số của hai đứa tôi phải chịu mang tiếng mang tăm một chút rồi hiệp với nhau mới được. Nếu số của hai đứa tôi không được làm vợ chồng với nhau, thì ông trời có khiến cô hai gặp tôi, cứu tôi, rồi sao lại ân ái với nhau cho có con làm chi ?
Cẩm Vân nghẹn ngào không biết lấy lời chi mà cãi với Trọng Quí được. Nàng đương bối rối, Trọng Quí lại nói tiếp rằng: ”Tôi chắc cô hai không có tình với tôi, chớ không phải sợ xấu hổ, hay sợ chồng chi hết. Xầu hổ nỗi gì? Phải tôi làm cho vỡ lỡ rồi bỏ cổ hay sao mà sợ xấu? Cổ sợ mang tiếng bỏ chồng mà theo trai phải hôn? Vậy chớ tôi giựt vợ của người ta tôi lại tốt lắm hay sao? Vì cái tình tôi nặng lắm, nên tôi không kể chi hết. Miễn là tôi được sum hiệp một nhà với cổ thì thôi, ai cười mặc ai. Nếu tình cổ nặng như tôi, thì cổ sá gì miệng thiên hạ, còn cổ sợ chồng cổ, sợ nỗi gì? Cổ bỏ chồng về ở với tôi, chồng cổ có giận thì xin phá hôn thú, chớ làm giống gì được. Nếu nó muốn buộc tôi về tội dâm hôn, thì nó phải dủ bằng cớ. Tòa mới buộc chớ mà việc đến Tòa thì tôi mướn hết thảy trạng sư cãi lẽ, tốn mấy muôn thì tốn. Tòa bỏ tù rạt gì mà sợ“.
Trọng Quí lấy khăn lau nước mắt. Cẩm Vân nhơn dịp ấy mới đáp rằng:
- Ông nói như vậy, tôi xin lỗi ông để cho tôi trả lời; chị hai tôi sợ hư danh giá rồi nhục tông môn chớ không có ý chi khác đâu. Xin ông nghĩ cho kỹ mà coi, làm thân đàn bà con gái phải lấy danh tiết làm trọng. Nếu để hư danh tiết rồi thì thiên hạ coi ra gì.
- Cô hai đã ân ái với tôi có một đứa con rồi; còn danh tiết gì nữa mà giữ?
- Bởi lỡ thất tiết trước đó, nên bây giờ chị hai tôi hổ thầm, không dám bước vào nhà ông, không xứng đáng làm vợ ông là người đứng đắn.
- Tại tôi nên cổ mới thất tiết, bây giờ tôi quyết gánh cái xấu hổ thế cho cổ, sao cổ không chịu?
- Dầu ông thương ông không chấp, song chị hai tôi hổ thầm với ông chớ. Thưa ông, còn một việc nầy nữa; má tôi năm nay già nhiều mà lại hay bịnh hoạn nữa, nếu ông vì chút tình nặng của ông, miễn là ông được sum hiệp với chị hai tôi thì thôi ông không kể chi hết, ông ngăn cản làm cho vỡ lỡ ra, má tôi xấu hổ thì má tôi buồn rầu chắc phải chết gấp. Ông là người có học thức, ông nỡ giết má tôi cho phỉ cái ái tình của ông hay sao!
Cẩm Vân nói tới đó, nàng bắt đầu cảm động, nên nàng cũng ứa nước mắt. Trọng Quí ngồi chống tay ngó ra sân giọt lụy nhểu ròng ròng. Hai người ngồi nín khe, không ai nói chi nữa hết. Cách một hồi lâu, Trọng Quí mới day vô mà nói chẫm rãi rằng: "Thưa cô, nãy giờ cô nói với tôi đã nhiều rồi, tuy lời nào cô nói cũng là chánh đáng hết thảy, song tôi nghĩ lại cô hai đành dứt tôi, ấy là cái tình của cổ đối với tôi lợt lạt lắm, cổ không thương tôi, chớ không phải tại lẽ chi khác. Tôi xin cô về trao lời lại với cô hai rằng, dầu cổ ít thương tôi, song tôi cũng không có thể mà bớt thương cổ được. Thôi, cổ muốn theo chồng thì tự ý cổ. Song cổ phải biết giùm cho tôi rằng, chừng nào cổ vì chồng cổ làm cho cổ buồn mà phải chết rồi, thì có lẽ tôi mới chịu cưới vợ khác, chớ cổ còn sống, dầu cổ ở xứ nào, tôi cũng chờ cổ luôn luôn. Cái lòng tôi thương cổ thì tôi thương hoài hoài. Ngày nào cổ nghĩ lại cổ biết thương tôi chút đỉnh thì cổ cho tôi hay, tôi sẽ đến mà rước cổ, dầu phải cực khổ thế nào, dầu phải tốn hao bao nhiêu, dầu phải xong tên lướt đạn, tôi cũng không sợ. Thôi cổ muốn theo chồng thì đi đi; vì tôi thương cổ quá nên tôi không dám trái ý cổ. Tôi không dám cản cổ nữa, mà tôi cũng không dám giành thằng con của tôi. Xin cô làm ơn nói dùm với cổ rằng, tôi gởi lời xin cổ dầu không thương tôi cũng ráng nuôi dùm thằng con cho tôi. Hay là cổ muốn giao lại cho tôi lãnh".
Trọng Quí lấy làm đau đớn mà dứt tình Tố Nga, bởi vậy chàng nói tới đó thì chàng khóc tấm tức tấm tửi. Cẩm Vân thấy vậy lấy làm tội nghiệp, tuy nàng đi nói đã thành công, mà trong lòng nàng không mừng chút nào. Nàng bước trái ra cửa mà đứng, để Trọng Quí khóc đặng bớt buồn. Trọng Quí kêu bồi biểu làm hai ly sữa bò nước đá rồi bước ra mời Cẩm Vân vô uống.
Cẩm Vân uống hết ly sữa rồi nàng đứng dậy nói rằng:
- Thưa ông, để tôi về tôi đọc rõ các lời của ông nói đó cho chị hai nghe. Ông dằn lòng, không nỡ làm vỡ lỡ xấu hổ, thì chị hai tôi cảm ơn ông lắm mà tôi chắc chị hai tôi cũng đang đứt ruột nát gan, chớ không phải vui vẻ chi đâu.
- Cô hai buồn rầu cho bằng tôi hay sao? Tôi chưa biết cổ đi rồi, cái thân của tôi đây trở ra thế nào!
- Thưa ông, chị hai tôi có dặn xin ông cho mấy thơ của chị lại đặng tôi đem, về cho chỉ.
- Cổ dặn đòi mấy cái thơ nữa sao? Ứ hự! Thiệt rõ ràng cổ dứt tình tôi mà! Thưa cô, xin cô về nói với cô hai rằng, cổ dứt tình tôi, chớ tôi không thể dứt tình cổ được. Tôi gặp gỡ cổ chỉ có bao nhiêu đó dấu tích. Mấy năm nay tôi nhờ mấy cái thơ đó mà giải buồn, vì hễ tôi nhớ cổ thì tôi lấy ra mà đọc, thấy chữ của cổ cũng như cổ. Nếu tôi trả thơ lại cho cổ, rồi lúc tôi buồn tôi biết phải làm sao.
- Ông nói như vậy cũng phải. Thôi để tôi về tôi thưa lại với chị hai tôi.
Đồng hồ đã gõ 3 giờ. Cẩm Vân bèn từ Trọng Quí mà về. Trọng Quí hỏi nàng đi cách nào mà xuống đây, rồi bây giờ đi cách nào mà về. Nàng nói rằng, nàng mướn xe hơi riêng mà xuống, xe đâu chờ dưới chợ, nàng ngồi xe kéo mà lên đây. Trọng Quí kêu sốp phơ biểu đem xe hơi nhà ra đặng đưa nàng xuống chợ. Cẩm Vân xin từ nói rằng, xe kéo còn chờ nàng ngoài lộ. Trọng Quí không chịu nói rằng, để chàng đưa nàng xuống chợ rồi chàng đi vô chành lúa luôn thể.
Trọng Quí kêu bồi biểu trả tiền xe kéo của Cẩm Vân. Lúc đứng chờ sốp phơ đem xe hơi ra thì chàng nói với nàng rằng: "Để tôi viết cho cô hai một cái thơ mà tỏ cái tình của tôi cho cổ biết". Cẩm Vân đáp rằng: "Ông gởi thơ tôi sợ khó lắm. Lúc nầy có anh hai tôi ở nhà đó luôn luôn. Ông gởi thơ, tôi sợ ảnh gặp ảnh lấy, rồi sanh chuyện ra nữa". Trọng Quí châu mày suy nghĩ rồi nói rằng: ”Thôi để tôi gởi thơ đề tên cô hễ cô được thơ thì cô trao cho cô hai”.
Sốp phơ đã đem xe hơi ra. Trọng Quí mời Cẩm Vân lên xe, rồi chàng lên phía trước cầm bánh mà đưa nàng xuống chợ, sau khi nàng qua xe của nàng rồi, chàng mới từ mà đi vô chành lúa.
Cẩm Vân lo việc cho chị chồng mà được thành công thì nàng mừng thầm, nên lên xe đi về nàng chúm chím cười hoài. Tuy vậy mà hễ nàng nhớ tới bộ sầu não thất vọng, hễ nàng nhớ tới lời tha thiết hữu tình của Trọng Quí, thì nàng lấy làm tội nghiệp cho phận chàng, nàng tiếc giùm cho Tố Nga sao ngày trước không gặp Trọng Quí mà kết đôi, lại gặp chi Phùng Xuân cho khốn khổ tấm thân như vậy.
Vì nàng chắc ý Trọng Quí đã êm rồi nên nàng biểu sốp phơ lên Vĩnh Long rồi chạy qua Trà Vinh đặng nàng năn nỉ rước mẹ chồng lên Sài Gòn.
Mặt trời lặn rồi, xe mới qua tới Láng Thé. Cẩm Vân ngủ ở đó một đêm, năn nỉ với mẹ chồng hết sức, nàng xin bà lên Sài Gòn đặng chơi với Tố Nga đôi ba ngày rồi Tố Nga có xuống tàu, và luôn dịp đón rước Chánh Tâm luôn thể. Bà Tổng nhứt định không chịu đi. Bà khóc và nói rằng, vì bà thương Tố Nga nên bà không dám thấy mặt nàng nữa, Cẩm Vân nói không được, nên sáng bữa sau nàng lên xe mà về một mình.
Xe đò qua Mỹ Thuận rồi, máy trục trặc sao đó không biết, mà sốp phơ phải đậu lại đó mà sửa, Cẩm Vân leo xuống mua một chục cam sành với một chục quít đường. Đến 11 giờ trưa xe mới về tới nhà.
Cẩm Vân bước vô sân thì Chánh Hội mừng quýnh chạy ra ôm chơn nàng. Nàng cúi xuống bồng con mà hun rồi đi vô. Phùng Xuân với Tố Nga đứng tại cửa đón hỏi rằng: ”Sao má không lên? Má mạnh hôn?” Cẩm Vân đáp rằng: ”Má mạnh, mà tôi nói hết sức má cũng không chịu đi“
Cẩm Vân bồng con đi tuốt ra phía sau. Tố Nga buồn xo đi theo hỏi nho nhỏ rằng:
- Sao? Việc đó em nói được hôn?
- Được. Xin chị yên tâm. Em nói êm rồi. Thẩy chịu mà đau đớn cho thẩy lắm. Để tối rồi em sẽ đọc rõ chuyện cho chị nghe.
Tố Nga gặc đầu rồi thở ra, không đi theo Cẩm Vân nữa.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!