Bỏ chồng - Chương 8 (Hồ Biểu Chánh)
Phương Như | Chat Online | |
19/06/2019 23:01:49 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Bỏ chồng - Chương 9 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Bỏ chồng - Chương 10 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Bỏ chồng - Chương 7 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Bỏ chồng - Chương 6 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Lúc tám giờ sớm mơi, cô Oanh mặc một bộ đồ pyjama hàng màu nước biển, cổ áo, tay áo và ống quần lại viền hàng màu bông hường, mà cô nằm dã dượi trên divan, ngoài phòng khách, mắt lim dim, trí vơ vẩn.
Trong nhà từ trước ra sau đều vắng hoe. Cách một hồi lâu thấy dạng có một người bồi chừng 17, 18 tuổi lấp ló trước thềm, cô bèn kêu mà hỏi:
- Thằng Thặng hay đứa nào đó?
- Thưa, phải. Tôi đây.
- Về biểu một chút.
Thằng Thặng thủng thẳng đi vô. Cô Oanh cứ nằm mà hỏi:
- Chiều hôm qua mầy đem thơ vô Chợ Quán, không có ông Hội đồng ở nhà, mà rồi mầy đưa cho ai?
- Thưa, tôi đưa cho một anh bồi ở trong nhà.
- Mầy đưa thơ mà mầy có dặn chừng nào ông Hội đồng về phải trao lại cho tới tay ông hay không?
- Thưa có. Tôi hỏi ông có ở nhà hay không. Anh bồi nói ổng mới đi ra ngoài Sài Gòn. Tôi dặn phải cất lá thơ, chờ ổng về sẽ đưa cho tới tay ổng, chớ đừng có đưa cho ai.
- Không biết nó đưa lại cho ổng hay không.
- Chắc là có. Tôi dặn kỹ, có lẽ nào ảnh quên.
- Thôi, đi ra sau giặt đồ đi.
Cô Oanh ngồi dậy, bước lại đứng trước tấm kiếng lớn mà soi mặt và vuốt tóc. Cô ngấm nghía một lát rồi đi lại cái bàn viết ngồi, lấy giấy mực ra như muốn viết thơ. Mà cô vừa cầm cây viết, thì cô nghe có tiếng xe hơi quanh vô sân. Cô lật đật buông cây viết rồi đi lại đứng ngay cửa mà ngó coi xe của ai.
Cô đương trông ông Hội đồng Đàng, mà lại thấy thầy Bảy. Thầy Bảy xuống xe, ngó thấy dạng cô Oanh cười cười và phăng phăng đi vô nhà và nói: “Xưa rày, tôi lâu vô trong nầy quá...Cô mạnh giỏi hả cô Hai?”.
Cô châu mày, không chịu trả lời, đợi thầy vô nhà rồi cô mới nói:
- Mời thầy ngồi. Thầy đi đâu vô tới trong nầy?
- Lâu quá không gặp cô. Bữa nay rảnh, nên chạy vô thăm cô một chút.
- Tại thầy lâu gặp tôi rồi thầy quên, nên thầy kêu tôi bằng cô Hai chớ không kêu bằng bà nữa phải không?
Thầy Bảy ngồi một cái ghế phía trong, rồi đưa tay chỉ cái ghế khác để ngang đó, tỏ ý mời cô Oanh ngồi. Cô Oanh ngồi rồi, thầy mới nói nhỏ nhỏ:
- Trước mặt thiên hạ, tôi muốn nưng cô lên cao, nên tôi kêu bằng bà nghe cho rôm, đặng họ bắt chước. Bây giờ có hai anh em mình mà thôi, cô đáng em út thôi, cô buộc tôi cũng phải kêu bằng bà như thiên hạ, thì mất đức cho cô hết sức, chớ có ích gì. Cô hiểu hay chưa?
- Hiểu.
- Cô còn muốn tôi kêu bằng bà nữa hay thôi? Như muốn thì tôi kêu, muốn kêu bằng “bà lớn” hay là “bà bự” cũng được, kêu chơi có tốn bao gì mà sợ.
- Thôi, thầy muốn kêu bằng gì cũng được.
- Ạ! Vậy hả? Kêu bằng em được hôn?
- Thầy quỉ nầy muốn có sừng chớ.
- Quỉ sao lại có sừng?
- Thôi thì dê.
- Cô Hai nói oan cho tôi! Tôi hỏi cô vậy chớ kêu bằng em được hôn mà dê nỗi gì? Chớ chi tôi muốn kêu ”mình” thì cô nói tôi dê mới đáng.
- Xin thầy đừng có diễu cợt nữa. Bữa nay tôi buồn lắm nên tôi không muốn nói chơi.
- Trời ơi! Sao mà buồn? Người có sắc, có duyên như cô, thì không được phép buồn. Phải vui đặng làm vui thiên hạ chớ.
- Tại ông lớn của thầy làm cho tôi buồn đó!
- Ông lớn tôi làm sao mà cô buồn đó?
- Ông lớn thầy trốn mất, gần hai tuần lễ nay không léo hánh tới đây nữa. Tôi đi kiếm cùng hết mà không gặp. Tôi gởi mấy lá thơ mà cũng không thấy trả lời. Chắc là ổng chết rồi.
- Không phải. Tuần trước mới đi xuống dưới Sóc Trăng nghe nói mới về mấy bữa rày đây. Tôi biết lúc nầy ông lớn bận việc lung lắm, nên vô thăm cô không được.
- Ở ngoài Chợ Quán vô đây, xe hơi chạy gần một khắc đồng hồ chớ lâu lắc gì, mắc việc gì đến mấy bữa rày không rảnh được chừng chừng nửa giờ mà vô đây.
- Oái, không vô thì thôi, cô phiền chi cho mệt trí. Ông lớn có xa thì có ông nhỏ xin gần, cần gì cô!
- Thầy nói cái gì nghe trái tai quá vậy? Thầy là anh em thân thiết của ổng, sao thầy lại nói như thế.
- Bởi là anh em tôi mới dám nói như vậy chớ.
- Lời thầy nói tôi không hiểu nổi.
- Như cô muốn tôi nói chuyện mà cô dễ hiểu, thì xin phép cô cho phép tôi hỏi câu này: cô được gần gũi với ông lớn gần một năm nay, có khi nào cô tính cô sẽ kết tóc trăm năm với ông lớn hay không?
- Thầy hỏi kỳ qua! Vì ổng muốn tính việc vợ chồng nên tôi mới chịu lấy ổng chớ.
- Không, tôi không hiểu ổng. Ổng muốn hay là ổng nói thì không có ý nghĩa gì. Tôi muốn biết coi về phần cô, có khi nào cô tính làm vợ chồng với ổng hay không kia.
- Từ ngày gặp ổng, thì tôi tính như vậy luôn luôn. Bởi tôi tính vậy nên tôi mớ lấy ổng chớ.
- Nếu vậy thì cô ở trong chốn làng chơi mà cô thiệt thà quá, hèn chi hồi nãy cô không hiểu câu tôi nói đó, nghĩ cũng phải. Đờn ông hễ muốn giao tình với đờn bà, thì tự nhiên phải nói dóc, phải nói chuyện lâu dài, đờn bà họ mới chịu, chớ tính chuyện chơi ngày chơi bữa thì làm sao cho được việc. Làm đờn bà mình phải dè dặt, muốn bắt lươn thì phải nắm đầu, chớ sao lại nhè đuôi mà nắm. Người tình của cô tuy có chức phận, tuy đứng vào hàng thượng lưu, song cũng là một người đờn ông như muôn ngàn người đờn ông khác, chớ nào phải thánh thần gì đó hay sao. Hồi mới gặp cô, chắc ổng cũng nói với cô, ổng tính việc trăm năm phải không?
- Phải.
- Tôi đoán giỏi hay không hử? Nếu ổng nói như vậy sao cô không buộc ổng cưới liền đi?
- Ổng nói để thủng thẳng, ổng tính việc nhà rồi ổng đem tôi về ở chung.
- Nếu ổng nói như vậy, thì sao cô không nói để thủng chừng nào ổng cưới cô rành rẽ rồi cô sẽ ăn nằm với ổng?
- Vì tôi thấy ổng thương tôi quá, nên tôi xiêu lòng.
- Cái dở của đờn bà là cái chỗ đó, nhẹ trí nên xiêu lòng luôn luôn. Có lẽ cô cũng biết, có lẽ thuở nay ông lớn mới thương một mình cô là thứ nhứt đâu. Những người ổng thương biết làm sao mà kể cho hết. Thiệt ổng thường nói với tôi, thuở nay ổng thương nhiều người, song có một mình cô, ổng thương nhiều hơn hết. Tại ổng thương nhiều, nên ổng mới gần gũi với cô trót một năm nay đó, chớ với mấy người khác thì chừng một hoặc hai tháng rồi ổng bỏ.
- Người gì mà kỳ cục vậy!
- Người đờn ông chớ người gì. Tôi nói cô thiệt thà quá mà. Ổng sang trọng như vậy, có lẽ nào ổng tính cưới cô đặng làm vợ chính thức hay sao mà cô mong? Xin cô đừng có mơ mộng như vậy mà uổng công. Tôi thấy có nhiều “ông nhỏ” tò vè theo cô hoài. Tôi khuyên cô bắt đầu lựa coi ông nào hiệp ý thì níu lần lần đi, chớ tôi thấy ông lớn bộ muốn dang xa rồi đa.
Cô Oanh ngồi lặng thinh mà nghe, song hai hàng nước mắt rưng rưng chảy.
- Thầy Bảy thấy vậy thì chúm chím cười rồi nói tiếp: “Xin cô đừng thèm buồn. Ái tình là vậy, cô lạ gì. Cô còn trẻ, cô nếm chưa đủ mùi đời, nên cô nghe tôi nói chuyện rồi buồn. Để thủng thẳng cô trọng tuổi rồi, cô thấy rõ nhân tình thế thái, tự nhiên cô không biết giận, biết buồn nữa”.
Cô Oanh châu mày, trợn mắt, ngó thầy Bảy mà đáp:
- Làm sao mà không giận cho được. Tôi có chồng có con. Ổng biểu tôi bỏ chồng bỏ con mà theo ổng, rồi bây giờ ổng bỏ tôi bơ vơ như vầy, tôi làm sao?
- Cái đó cũng tại nơi cô, chớ ổng biểu sao được.
- Phải. Tại tôi dại, nên ổng mới gạt tôi được.
- Hễ mang bệnh ái tình rồi kể gì là khôn dại. Theo ý tôi, bây giờ cô nên tỉnh trí mà lo việc tương lai, chẳng cần nhắc những chuyện quá vãng mà làm gì.
- Tôi không thèm lo gì hết. Nếu ổng bỏ tôi thì tôi sẽ trả thù cho ổng coi.
- Cô làm sao mà trả thù?
- Bây giờ tôi chưa biết, hễ ổng hại tôi thì tự nhiên tôi phải hại ổng lại.
- Tôi khuyên cô hãy định trí mà lo tính cho số phận của cô, đừng có nóng nảy rồi sanh chuyện không tốt.
- Đến nước nầy còn tốt xấu gì nữa!
- Xin cô đừng nói như vậy. Cô có sắc, mà lại thêm có duyên, tôi thấy rõ những người biết cô, ai cũng gắm ghé quyến luyến hết thẩy. Nếu thiệt ông lớn không lui tới với cô nữa, thì thiếu gì người khác họ giành nhau mà nuôi cô.
- Trời ơi! Thầy tính cho cái đời tôi bây giờ phải buôn hương bán phấn, nay người nầy, mai người khác hay sao?
- Ý tôi không phải nói như vậy. Tôi muốn nói cô là người có sắc đẹp thì không thiếu gì chồng. Nếu chồng nầy ở không phải thì bỏ, lấy chồng khác, có hại gì đâu. Ở đời nầy, mình phải có trí theo vật chất mới được. Tôi nhớ lúc ông lớn đương yêu cô, tôi có xúi cô muốn mua sắm vật gì thì cô cứ đòi riết, đừng ngại chi hết. Ấy là vì tôi thương cô, nên tôi muốn cho cô dự phòng cái ngày người ta hết yêu chuộng nữa. Cô có nghe lời tôi hay không?
- Tôi tưởng vợ chồng lâu dài, nên tôi đâu có nỡ tính việc nhỏ mọn như vậy.
- Rõ ràng cô thiệt thà quá. Cái xe hơi nhỏ còn để ngoài nầy cho cô hay không?
- Hôm trước xe hư, ổng biểu đem về trỏng đặng mướn thợ sửa. Không biết sửa rồi hay chưa mà sớp - phơ chưa đem vô.
- Cái nhà với đồ đạc đây, tôi biết ông lớn có làm giấy mướn trọn một năm để cho cô ở. Nay cũng gần mãn hạn rồi, không biết có làm giấy mướn thêm hay không... Ối, mà không hại gì. Nếu có ai nói chuyện tới nhà cửa, thì xin cô cho tôi hay, rồi tôi sẽ tính cho.
Thầy Bảy đứng dậy lấy nón, tính đi về.
Cô Oanh cũng đứng dậy mà nói: “Thầy có gặp ổng, xin thầy nói tôi trông ổng lung lắm. Dẫu ổng hết thương tôi đi nữa thì ổng cũng phải vô mà nói cho dứt, chớ đừng có trốn tránh như vậy coi kỳ lắm. Thầy làm ơn nói giùm một chút”.
Thầy Bảy liếc mắt cười mơn trớn mà nói: “Nếu ổng vô không được, chắc là tại ổng bận việc, chớ có tội gì mà trốn... Mà cô đừng buồn, đừng lo chi hết. Nếu ngài không nghĩ tới tình cô nữa, ngài không tới lui, thì có tôi đây. Tôi sẽ tính cho, không có sao đâu mà sợ”.
Cô Oanh đương buồn, không để ý đến lời nói lờ mờ có hai ý nghĩa ấy, nên cô không kháng cự, mà cũng không tỏ dấu vừa lòng. Thầy Bảy lên xe đi về rồi, cô mới lại bàn, viết một cái thơ vắn tắt có mấy hàng chữ thôi. Cô niêm lại rồi kêu thằng Thặng cầm ra Tân Định đưa cho cô Tuyết.
Cô trở vô phòng nằm dàu dàu. Đến trưa cô không ăn cơm chỉ uống một ly sữa mà thôi.
Đến 3 giờ chiều, cô Tuyết ngồi xe kéo vô thăm Oanh. Bước vô nhà, cô thấy thằng Thặng thì hỏi:
- Cô mầy đâu?
- Thưa, cô con đang nằm trong phòng.
Cô Tuyết đi thẳng vô phòng, thấy cô Oanh nằm co ro, gát tay qua trán, day mặt vô vách; thì hỏi: “Sao chừng nầy mà chị còn nằm trong phòng? Chị đau hay sao?”
Cô Oanh lồm cồm ngồi dậy, tóc tai dã dượi, thủng thẳng đáp rằng: “Không. Tôi buồn rầu quá, nên không muốn ra ngoài. Xin mời chị ra ngoài nầy ngồi nói chuyện chơi cho mát”.
Hai người dắt nhau ra phòng khách, cô Tuyết vừa đi vừa nói: “Tôi cũng tính chiều nay vô thăm chị, kế tiếp được thơ của chị đó. Chị cũng hay chuyện đó rồi hay sao, nên cho kêu tôi?”.
Cô Oanh mời cô Tuyết ngồi trên divan rồi cô ngồi một bên rồi hỏi:
- Hay chuyện gì?
- Chuyện ông Hội đồng sửa soạn cưới vợ đó.
- Cưới vợ ở đâu? Tôi không hay... Ai nói với chị như vậy?
- Thiệt chị chưa hay à?
- Thiệt chưa hay. Sao chị hay? Đâu chị nói nghe thử coi.
- Hồi sớm mơi này, tôi đi xuống Catinat mua đồ. Tôi gặp quan Phủ Tư, đứng nói chuyện chơi. Thình lình ổng hỏi tôi có hay vụ ông Hội đồng sửa soạn cưới vợ hay không. Tôi nói không hay. Ổng mới nói rõ đầu đuôi cho tôi nghe.
- Mà cưới ai, ở đâu chớ?
- Cưới dưới Sóc Trăng, cưới một người góa chồng. Người ấy giàu lắm, mỗi năm góp lúa ruộng tới ba bốn chục ngàn giạ, hồi trước có chồng Chệc, mà chồng đã chết hơn hai năm nay.
- Chừng nào cưới?
- Nghe nói nội tháng nầy... Thiệt chị chưa hay sao? Vậy chớ ổng tính cưới vợ, ổng không nói với chị à?
Cô Oanh lắc đầu, thở dài, rồi rưng rưng nước mắt mà đáp:
- Nếu vậy thì thầy Bảy vô hồi sớm mơi đó là ổng sai vô đặng dọn đường dọn sá cho ổng thối lui, khỏi mắc gai góc chớ gì!
- Thầy Bảy vô nói chuyện gì?
- Thầy vô làm bộ hỏi chuyện lơ là, rồi lần lần nói ông Hội đồng bận việc, sợ tới lui nữa không được. thầy khuyên tôi kiếm chồng khác, đừng có trông đợi ông Hội đồng nữa.
- Có nói ông Hội đồng sửa soạn cưới vợ hay không?
- Không.
- Đờn ông thiệt họ điếm đàmg quá! Chừng họ muốn mình thì họ nói cố mạng, rồi họ muốn bỏ, không thèm nói một tiếng. Chị coi họ sắp kế xảo hay không? Ham giàu, tính bỏ chị đặng cưới vợ, họ sai thầy Bảy vô nói hơi hám cho chị hết trông đợi, còn họ cậy người khác nói với tôi cũng như nhắn cho chị hay vậy. Thiệt họ khốn nạn quá.
Cô Oanh ngồi lặng thinh một hồi cô lau nước mắt và đứng dậy nói sẳng sớm:
- Nếu thiệt ông Hội đồng bạc tôi, thì tôi phải đâm ổng chết tôi mới vừa lòng.
- Đâm người ta thì chị ở tù. Mà chị yếu quá, đâm ai được.
- Ở tù hay đày tôi cũng chịu. Miễn là tôi trả thù cho được, tôi mới nghe.
- Thôi, nói chuyện hung dữ làm chi. Chồng nầy có bạc, thì chị kiếm chồng khác, cần gì. Chị ăn ở với ông Hội đồng gần một năm nay, vậy mà chị có vốn liếng gì hay không?
- Ổng cho tiền bao nhiêu tôi xài hết, có còn giống gì đâu.
- Tệ dữ hôn! Đồ nữ trang thì tôi thấy chị đeo có một đôi bông, một chiếc cà rá với một chiếc vàng đó, còn vật gì nữa hay không?
- Có bao nhiêu đó mà thôi, chớ có giống gì nữa đâu.
- Vậy thì phải tính kiếm chồng khác, chớ lấy gì mà ăn xài.
- Chắc là tôi phải chết. Mà trước khi chết, tôi phải làm cho lợi gan, rồi tôi mới chết.
- Tôi khuyên chị đừng nóng nảy, để thủng thẳng mà tính.
- Không nóng thì làm sao được chị. Hại tôi bỏ chồng bỏ con, rồi bây giờ ở bức quá như vậy có được đâu.
- Giận thì làm cho có lợi kìa, chớ giận thì làm hại cho mình thì bậy quá.
- Từ hồi sớm mơi tới bây giờ, tôi nằm suy nghĩ, tôi thấy cái đời của tôi tới đây đã cùng đường rồi. Chị nghĩ lại mà coi hồi trước chồng tôi trọng tôi, con tôi thương tôi mà tôi phủi hết thảy, đặng đi theo nó. Bây giờ nó bỏ tôi, thì có thể nào mà sống được!
Cô Oanh nói dứt lời rồi ngã lăn trên divan nằm khóc tức tưởi.
Cô Tuyết kiếm lời an ủi, cô viện đủ lý, cô nói đủ cách cô Oanh mới hết khóc, song trong lòng cô vẫn còn sầu não, nên sắc mặt coi không vui. Cô Tuyết muốn cô Oanh khuây lãng nên biểu cô sửa soạn đi ra nhà cô, mà tối đi coi hát. Cô Oanh từ hẳn, không chịu đi.
Đến chiều, cô Tuyết về rồi, thì cô Oanh vô phòng khép cửa lại mà nằm, không chịu ăn uống chi hết.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!