Xóm ế (ma mi ma)

205 lượt xem
Đây là một câu chuyện mà ngoài đời bạn có thể bắt gặp được ở đâu đó hoặc được nghe ai đó kể lại.
Các nhân vật của tôi cũng không phải hoàn toàn hư cấu, mà có thể bạn đã bắt gặp được bóng dáng họ ở đâu đấy ngoài đời thật.
Tôi chỉ là một người muốn truyền tải một thông điệp “Chiến tranh" - Đó là thảm họa của loài người. Nó không chỉ gây bao mất mát, đau thương, tổn thất cho đất nước, cho những thế hệ sống trong thời kì đó mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của những thế hệ đi tiếp sau đó, hệ lụy biết bao con người. Vì vậy, ta còn sống trong hòa bình, hãy cố gắng bảo vệ hòa bình.
**
Vào những năm đầu sau đổi mới…
Nhà nước tích cực thực hiện phong trào phổ cập giáo dục trên cả nước, phấn đấu chống lại giặc dốt.
Tại một làng quê heo hút, nằm cách xa thị trấn, hôm nay người ta dậy từ rất sớm chào đón một sự kiện tương đối đặc biệt. Họ kháo nhau rằng, hôm nay có một thầy giáo từ trên thị trấn tình nguyện chuyển về nơi đây dạy học.
Còn vì sao lại là sự kiện đặc biệt thì đó là vì trong xóm bây giờ hiện tại chỉ có hai người là nam giới trên tổng số hai mươi hộ dân, nếu tính trung bình mỗi hộ dân chỉ có ba người, thì bạn đã thấy sự chênh lệch dân số ở đây như thế nào.
Cũng chính vì vậy, xóm này có một cái tên khá chua chát và dễ nhớ:"Xóm ế".
Phần lớn hộ dân ở đây đều là những bà mẹ đơn thân, những cô gái đã quá lứa lỡ thì, một số ít còn lại là những người có chồng nhưng đã hi sinh trong chiến tranh.
Họ không phải xấu xí, không phải dở hơi, đừng nghi ngờ mà mang tiếng họ.
Chỉ là, thời kì chiến tranh, trai làng đã xung phong ra chiến trường gần hết, hòa bình lập lại, những người con đó đều đã anh dũng ngã xuống, để lại một phần máu thịt của mình cho tổ quốc.
Xóm này chỉ còn lại đơn sơ, tan tác với những hậu quả của tàn dư chiến tranh.
Thầy giáo Văn theo lời chỉ dẫn của thầy hiệu trưởng chẳng khó mà tìm thấy "Xóm ế".
Tất nhiên, tên thật xóm này là xóm C, chỉ là dù có hỏi thế nào người ta vẫn chỉ nhớ đến cái tên "Xóm ế".
Chỉ cần đi qua đầu xóm thôi, thầy Văn đã thấy người ta chỉ chỉ trỏ trỏ, người người nhìn anh bằng con mắt hiếu kì, đi vào sâu chút nữa mới thấy có người hỏi to:"Thầy giáo mới về đấy hả ?". Anh chắp tay lễ phép:"Vâng, chào cụ".
Vào đến trường học, thầy hiệu trưởng niềm nở ra đón anh. Mái tóc ông đã bạc hết nửa. Ông mỉm cười vui vẻ, mang hành lí của anh đến chỗ ở mới.
- Thầy giáo sẽ ở đây, còn dạy học ở gian bên kia nhé.
Ông vừa nói dứt câu, đã thấy từ đàng xa có một cô gái chạy lại. Cô ta ôm một cái rổ, bên trong đựng đầy ổi chín, cô nàng cất giọng lanh lảnh từ đầu ngõ:
- Bác Ba ơi, mẹ cháu bảo cháu mang ổi sang mời bác với thầy giáo mới.
Cô gái đó chỉ tầm độ mười tám đôi mươi, đang độ xuân sắc, liếc mắt nhìn thầy giáo mới, rồi tươi cười chào ra về.
Ông hiệu trưởng lắc đầu cười. Thầy Văn còn ngơ ngác chưa hiểu tại sao.
Tối đến, đang thu dọn đồ đạc, anh lại thấy có người sang tìm: Lúc đầu, anh còn tưởng họ tìm ông Ba, nào ngờ tìm anh.
Lần này là người phụ nữ tầm ngoài ba mươi, cô ta chưa cần anh hỏi đã tự giới thiệu :
- Chào thầy, tôi tên Cúc, nhà tôi ở đối diện trường này, hôm nay thấy thầy lặn lội đường xa đến đây thật cảm kích vô cùng nên tôi thay mặt người dân trong xóm sang hỏi thăm thầy.
- Cảm ơn chị, có gì đâu, tôi tình nguyện về đây mong dạy cho các cháu cái chữ, để các cháu sau này nên người. Đây cũng là việc nên làm mà.
Chị ta mỉm cười nhìn thầy giáo, cố ý lại gần giường thầy ngồi, hỏi:
- Thầy có cần tôi giúp gì không ?
- Không cần đâu chị ạ.
- Nếu cần gì cứ nói nhé, nhà tôi ở bên kia kìa.
Chị ta chỉ tay về phía đối diện cổng trường, trong khi thầy giáo đang mải tập trung dọn đồ, dường như chẳng nghe thấy những gì chị ta vừa nói.
- Thầy này.
- Dạ vâng,
- Buổi tối tôi thường ở nhà một mình, nếu hôm nào thầy có rảnh thì sang chơi.
- Vâng.
**
Ngày hôm sau thầy Văn cũng bắt đầu buổi học đầu tiên. Thầy thật sự kinh ngạc, trong lớp toàn là học sinh nữ. Ngoài ra còn rất nhiều người lớn khác đã xúm lại quanh lớp học, họ bảo muốn đến xem qua thầy dạy thế nào.
Tất nhiên, thầy đuổi tất cả họ về để tập trung dạy học.
Thầy hiệu trưởng ghé mắt nhìn vào, lộ rõ nụ cười đầy hàm ý.
Buổi chiều, thầy ngồi nói chuyện với hiệu trưởng. Ông ấy tất nhiên ôm bụng cười, không ngừng trêu chọc.
- Cậu thấu hiểu cho nỗi khổ của tôi trước khi cậu về rồi đó.
Thầy dạy học được một thời gian mới được phát hiện hết những nỗi phiền muộn, bế tắc ở nơi này.
Thầy dạy học được một tuần, thấy một cô học trò cầm cành hoa hồng đưa thầy :
- Thầy ơi, có cô X gửi cho thầy ạ.
Thầy dạy được tuần thứ hai, ở lớp thấy mấy cô học trò chuyền tay nhau mảnh giấy. Thầy thu lại thì đọc được toàn là thơ tình, dưới cùng là dòng chữ "Gửi anh Văn, em yêu anh nhiều".
Một cô học trò đứng lên nói :
- Là của cô L gửi cho thầy đấy ạ.
Cả lớp lại khúc khích cười. Mặt thầy đỏ gắt.
Mấy ngày đầu tiên hầu như tối nào thầy cũng có khách, giờ tối nào cũng thấy thầy đóng cửa, tắt đèn từ sớm.
Có những người tha thiết bày tỏ với thầy muốn xin một đứa con, thầy từ chối thẳng. Họ lầm lũi đi về, thầy cũng thấy tội nghiệp, nhưng lương tâm thầy không cho phép làm vậy.
Ngày hôm nay, mới sáng sớm, người ta đã quây đông nghịt quanh một ngôi nhà cũ kĩ, mục nát.
Đó là nhà của một người phụ nữ đã quá tuổi tên Khoai. Bà ta sống một mình, không người thân thích, ngày ngày mò cua bắt ốc kiếm ăn. Nghe đâu vài hôm rồi người trong xóm không thấy mặt bà ta ra đường, hôm nay chị Tươi là cháu bà ta qua xem thì phát hiện bà ta đã chết trong nhà. Có lẽ do cảm. Xác chết đã phân hủy bốc mùi thối rữa. Ai ai nhìn thấy cũng xót xa đau lòng.
Mấy người phụ nữ trạc trung niên đứng đó, chợt òa lên khóc:
- Ông trời ơi, sao thân phận chúng tôi lại khổ thế này.
Thầy Văn đứng đó chợt có người phụ nữ lên tiếng:
- Thầy thấy đó, chị em chúng tôi bằng này tuổi đầu, không chồng không con, đến khi chết cũng không ai hay. Cả đời chỉ khao khát có một mụn con, đến cuối đời còn có người nương tựa, vậy mà cũng không nổi.
**
Sau đám tang, thầy trở về nhà trầm tư suy nghĩ. Thầy hiệu trưởng hiểu liền đến bên, đặt tay lên vai anh:
- Văn à. Trước đây tôi cũng ở hoàn cảnh của cậu, tôi hiểu. Những người phụ nữ ở đây trong chiến tranh họ rất kiên cường, nhưng cuối cùng đến bây giờ lại sống vô cùng khổ sở. Bọn họ chỉ mong sau này về già có người nương tựa đỡ đần. Nếu cứ cứng nhắc thì xóm này vài năm nữa có lẽ chẳng còn ai.
Thầy tất nhiên hiểu ý hiệu trưởng.
Tối hôm đó, một người phụ nữ đến gặp thầy, thầy hiểu mục đích của người ta, nhưng thầy thật sự cảm thấy rất khó xử. Chị ta khóc lóc, nức nở, thậm chí lạy van tha thiết, thầy không đành lòng. Tối đó, thầy ngủ với người ta.
Người ta nói “Đã lỡ chân đi thì không còn đường quay lại”. Sau buổi tối hôm đó, mỗi ngày thầy lại có khách. Ai ai cũng khóc lóc, van xin, rồi bảo thầy đã giúp cô X, cô L thì giúp đỡ thêm một người nữa cũng có gì đâu. Thật sự là quá chua chát!
Thầy Văn ở xóm X ba năm thì quay về thành phố, cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng giống như được giải thoát.
Sau đó thầy cũng lấy vợ, sinh con. Thầy có hai người con trai.
Một ngày, con trai thầy dẫn về một cô gái, xin phép được cưới vợ.
Cô gái ngoan ngoãn, lễ phép. Gia đình thầy đều rất quý, nhưng khi đến nhà cô ta hỏi thăm, ông giáo chợt ngã quỵ, cấm con trai tuyệt đối không được quan hệ với cô gái đó nữa.
Lúc đầu, cả gia đình không tán thành sự phản đối kịch liệt của ông, nhất là cậu con trai. Cuối cùng ông phải nói: "Nó là em gái mày".
Đến hai năm sau, người con thứ hai của ông lại dẫn về một cô gái, ông hỏi nguồn gốc ngay từ đầu, vừa may không phải người xóm C.
Nào ngờ, đến nhà cô ta mới biết, cô ta cũng là con gái ông, sau khi bà mẹ có thai, rời khỏi làng đến sống ở một nơi khác nên cô ta không biết mình ở xóm C.
Vợ ông, con trai ông lúc đầu không biết đều trách móc ông thậm tệ, sau khi hiểu rõ mọi chuyện cũng thông cảm cho ông, không trách cứ gì nữa.
Ông giáo sống thêm được vài năm nữa, trước khi "nhắm mắt xuôi tay", ông nắm lấy tay hai con dặn dò: "Có lấy vợ, hãy lấy người gốc ở thị trấn, tuyệt đối không bao giờ được dính dáng gì đến xóm C".
**
Đó là một câu chuyện cười ra nước mắt. Chiến tranh mang đến những nỗi bất hạnh, mất mát không chỉ về thể xác mà còn cả tinh thần. Tôi chỉ đề cập đến một vấn đề, một khía cạnh tương đối nhỏ của những hậu quả tàn dư sau chiến tranh, nhưng người ta vẫn thấy trong lòng dâng lên một chút cảm giác cồn cào, day dứt, đầy dư vị chua xót, đắng cay.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×