LỀU CHÕNG - Chương 3 (Ngô Tất Tố)
Đỗ Phương Lam | Chat Online | |
20/06/2019 22:51:28 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * LỀU CHÕNG - Chương 4 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
- * LỀU CHÕNG - Chương 5 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
- * LỀU CHÕNG - Chương 2 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
- * LỀU CHÕNG - Chương 1 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
Đêm qua, trời lại nực hơn mấy đêm trước, Vân Hạc không thể ngồi yên xem sách. Với một chiếc gối và một chiếc chiếu, chàng lủng củng đổi chỗ khắp cả khu vực trong nhà để tìm một nơi mát mẻ nhưng trong bầu nung nấu của trời tháng năm, đâu cũng như đâu, ngọn cây, ngọn cối đều đứng chăm chắm, không đâu có một tí gió. Từ thềm ra sân, từ sân ra vườn, rồi từ vườn ra bờ ao, mỗi chỗ chàng chỉ trải chiếu nằm được giây lát, liền thấy hơi nóng như từ gầm chiếu bốc lên, lại phải cuốn chiếu cắp gối chạy đi nơi khác, y như một người hóa dại.
Mãi đến "gà gáy thứ hai", trời mới hơi dịu, ngoài sân, ngoài vườn, hơi sương tỏa ra mù mù chàng bèn vào buồng học, ngả lưng trên một chiếc ghế ngựa, thiu thiu nhắm mắt. Mới chợp đi được một lúc, thì một tiếng kẹt cửa đã làm cho chàng thức dậy. Trời vừa sáng rõ. Mấy con chim sẻ ríu rít kêu trên giàn hoa. Cánh cửa mở to, một cậu học trò và chiếc nón son úp ở sau lưng theo chân thằng nhỏ khép nép bước đến trước án thư, vái một vái, rồi đặt một chiếc phong bì lên án:
- Thưa bác, thầy con sai con trình bác cái thư.
Cậu ấy lui ra, khoanh đứng tựa vào cửa. Sau một cái ngáp thật dài, chàng oằn oại ngồi dậy bằng một điệu mệt nhọc. Rồi chàng cầm lấy phong thư và mở ra đọc:
“Trình trước văn kỷ anh Đào Vân Hạc.
Độ này chắc anh để hết thì giờ vào việc quyết đoạt thủ khoa, cho nên sao lãng cả tình bè bạn. Hơn một tháng nay, không được gặp anh, cỗ kiệu đã mốc, bàn cờ đã bị cát bụi phủ đầy. Tôi vẫn khao khát tôn nhan, như lúc nắng cạn khao khát trận mưa rào. Nay nhân dậy sớm, ra thăm vườn hoa thấy một giò lan bạch ngọc mới nở, sự khao khát ấy lại càng bồn chồn. Vậy xin anh hãy phí một chút quang âm, tạm dời gót ngọc đến túp lều tranh, ta cùng xem hoa nghe chim hót, để tiêu ngày dài của mùa hè.
Tôi đương quét lối "hoa trắng" đợi anh, mong rằng anh đến ngay cho.
Hoa sen đương nở, kính chúc vạn an. Còn nhiều chuyện khác, để lúc gặp nhau sẽ nói.
Sao Tuế ở ngôi Qúy Dậu, trước tết Hạ chí năm ngày (*)
Đệ Nguyễn Khắc Mẫn
Bái thư.”
Đọc xong, chàng để mảnh thư xuống án mỉm cười và nhìn vào mặt cậu học trò kia:
- Cháu về thưa với thầy rằng: bác bảo cho người mua rượu và làm đồ chén ngay đi. Bác sẽ sang bây giờ.
Dạ một tiếng rất lễ phép, cậu học trò ấy lại vái Vân Hạc một vái rồi ra. Vân Hạc đứng dậy ra sân, chàng vừa múc nước rửa mặt vừa lẩm bẩm nghĩ thầm: "Hôm nay anh chàng tự nhiên cao hứng thế này, chắc có việc gì quan hệ. Ta phải sang ngay kẻo hắn mong đợi".
Rồi chàng lững thững trở vào buồng học sắm sửa khăn áo. Thằng nhỏ lệch kệch để lên án thư bộ khay chén và ấm nước sôi; đặt trên mảnh gỗ có chuôi như cái bê đựng vôi của thợ nề. Chàng vừa pha nước vừa lẩm bẩm đoán thử câu chuyện chốc nữa Khắc Mẫn sẽ nói với mình. Nhưng mà không sao đoán được. Là vì từ trước đến giờ, ở giữa hai người không có việc gì có thể dùng làm manh mối cho sự suy nghĩ. Uống tàn ấm nước, chàng liền cắp nón ra cổng.
Ngoài đồng, người làm đã đông. Trên các ruộng nước đục, lổm chồm những mô đất cày, trâu bò đang gò lưng tôm kéo bửa theo hiệu lệnh hùng dũng của tiếng "vặt diệt".
Mặt trời lên khỏi ngọn tre, chàng mới đến làng Bình Khê, chỗ dạy học của Nguyên Khắc Mẫn, cái làng chỉ cách chỗ ở của chàng độ một thôi đường. Lớp học buổi sáng chưa xong, trong nhà Khắc Mẫn tiếng ê a vẫn còn ầm ĩ. Chàng vừa bước vào khỏi cổng, Khắc Mẫn lật đật đứng dậy đón chào bằng dáng điệu vồn vã đon đả.
Những tiếng ê a trong nhà tự nhiên im bặt. Một lũ học trò lố nhố đứng dậy với những khóm hồng mao ngất nghểu trên đâu. Rồi cậu nào cậu nấy chắp tay vái như bổ củi:
- Lạy bác ạ!
- Lạy bác ạ!
Gần hai chục tiếng "lạy bác" lao xao theo nhau thành một dây dài, khiến cho Vân Hạc lia lịa gật đầu không kịp. Chàng phải xua tay ngăn lại:
- Các cậu cứ ngồi yên mà học.
Cả bọn học trò lần lượt ngồi xuống. Rồi thì những tiếng ê a lại thi nhau nổi lên. Khắc Mẫn vui vẻ mời Vân Hạc ngồi vào bộ phản chính giữa, cái phản cao nhất các phản trong nhà. Thầy sẽ sàng mở nắp giỏ, rót một chén nước chè nụ đưa đến trước mặt Vân Hạc. Mùi hoa sói theo làn khói nước bay lên ngạt ngào. Khắc Mẫn vừa cười tủm tỉm vừa hỏi:
- Đêm qua huynh ông đã đi hát nhà trò, thế mà không rủ tiểu đệ đi với?
Với Khắc Mẫn, Vân Hạc tuy kém đến hai chục tuổi nhưng vẫn được nhận là bạn vong niên, cho nên mỗi lúc nói chuyện, hết sức suồng sã, không cần phải giữ ý tứ. Hai người vẫn thường gọi nhau là anh, có khi đến mày tao nữa. Lần này tự nhiên thấy Khắc Mẫn tôn mình là huynh ông, Vân Hạc không khỏi ngạc nhiên, song chàng cũng cứ làm lơ và vẫn trả lời như lối mọi ngày:
- Ai bảo anh thế?
Khắc Mẫn ra vẻ đắc ý:
- Nếu không đi hát, làm sao huynh ông ngủ đến bạch nhật chưa dậy?
Vân Hạc chừng không chịu nổi cái lối kiểu cách của bạn, chàng liền nói nửa thật nứa bỡn:
- Nếu anh không vứt hai tiếng huynh ông vào lọ mắm thối của anh, thì tôi đứng dậy lập tức, không thèm nói với anh một câu nào nữa.
Khắc Mẫn bèn cười khì khì:
- Thế thì đêm qua anh đi hát với những thằng nào, phải thú tội ngay đi đã!
Vân Hạc uống cạn chén nước rồi đáp:
- Chẳng đi hát với thằng nào cả. Vì lúc chập tối nực quá, mãi tới gần sáng mọi ngủ, cho nên dậy trưa. Anh bảo đương lúc trời nắng như nung thế này, ai có động dại mà chui đầu vào nhà trò?
Khắc Mẫn vẫn cười giòn giã:
- Té ra anh bị ngờ oan. Thế mà từ nãy đến giờ, tôi cứ oán anh đi chơi không rủ anh em.
Một cậu học trò cắp sách đứng lên với đôi ống mũi thập thò bò xuống gần miệng, song song đo nhau như đôi ngà voi. Khép nép tựa lưng vào tấm cánh cửa, cậu ấy nói bằng tiếng mũi:
- Thưa thầy xin đọc!
Khắc Mẫn sẽ giương đôi mắt:
- Hãy đi hỉ mũi đi đã! Có một bài học, đọc đi đọc lại mấy lần không trơn. Ngày mai còn mà thế nữa, thì mày chết đòn!
Hình như sợ rằng bước đi chỗ khác, mấy chữ trong bụng sẽ bị rơi mất, cậu ấy liền giơ tay áo quệt ngang lỗ mũi, cho "ngòi mũi" nguệch sang một bên, rồi cất giọng ề à:
"Hỗn mang chi sơ,
Vị phân thiên địa.
Bàn cổ thủ xuất.
Thủy phán âm dương..."
vừa dứt hai tiếng "âm dương", cậu ấy sung sướng như đã trút được gánh nặng trên vai, liền kết một câu gọn tách:
- Thưa thầy xin hết.
Rồi cậu ấy nhanh nhầu lui ra, nhường tấm cánh cửa cho một cậu khác tựa hồng mao vào. Sau khi đã chiếu lệ xin phép thầy đồ, cậu này đãng hắng ba tiếng để đưa ở cuống họng ra một câu ngắc ngứ:
"Thiên tử trọng hiền hào,
"Văn chương giáo nhĩ tào.
Nhai mãi hai chữ "nhĩ tào" đến bốn, năm lượt, cậu bé đáng thương vẫn không nghĩ ra được câu tiếp theo. Trước cái cau mày dữ dội của thầy đồ; cậu đó như đã hết cả hồn vía, sắc mặt tự nhiên tái đi và cứ đứng im, không thể đọc nốt và cũng không dám cựa quậy, chẳng khác một pho tượng gỗ. Vân Hạc có ý thương hại con trẻ, muốn cho cậu ta thoát được ngọn roi thị oai của Khắc Mẫn, chàng vội nhắc:
- Đọc luôn đi chứ! "Vạn ban...!".
Giống như con ếch đớp được cái hoa mướp, cậu đó mừng rỡ đớp lấy hai tiếng "vạn ban" và tiếp:
"Vạn ban giải hạ phẩm
"Duy hữu độc thư cao".
Và cũng thêm vào đó bốn tiếng "thưa thầy xin hết", cậu bé đáng thương vui vẻ đi đến chỗ ngồi của mình.
Vân Hạc lẩm bẩm nghĩ thầm: "Không hiểu vì sao người ta lại cứ bắt tội trẻ con phải học những sách quái gở? Những đứa độ tám, chín. tuổi, mới vỡ lòng được vài bốn tháng, còn biết đời "hỗn mang" là cái gì, kẻ "hiền hào" là người như thế nào, vậy mà chúng nó cứ phải học cho thuộc lòng, thật.là một sự khổ cho con trẻ".
Mối dây tư tưởng của chàng còn đương vẩn vơ, chợt thấy Khắc Mẫn quát lớn:
-Vẫn chưa đứa nào đi mài son à?
Một cậu học trò lễ phép tiến đến bên cạnh án thư, để bưng lấy chiếc nghiên son và đem ra sân. Rồi vục luôn đĩa son vào đám bèo tấm trong cái bể cạn trồng cây si con, cậu đó múc lấy chừng lưng đĩa nước và liên ngồi thụp xuống sân. Ngón chân cái bên phải đè vào miệng đĩa phía trong và ngón tay cái bên trái giữ lấy miệng đĩa phía ngoài, cậu bé ngoan ngoãn mắm môi, cầm hòn son xoay tít trong lòng trôn đĩa. Bèo tấm bị nghiền nát biến. Nước trong đĩa hóa ra một chất đo đỏ và đặc như keo. Cậu ấy lễ phép bưng vào trong nhà rồi đặt lên mặt án thư.
Cả lũ học trò mở sách chồng làm một chồng giao cho một cậu đệ lên cạnh cái ông bút trên án. Khắc Mẫn mở tủ lấy ra một pho sách trao cho Vân Hạc và nói:
- Bộ sách này quý lắm, tôi mới mượn được của một chú khách. Anh coi đi. Để tôi chấm sách cho chúng nó học. Rồi sau ta sẽ nói chuyện.
Vân Hạc vội đón tập sách và sẽ hé mở để coi những chữ in ở mép các tờ. Tưởng là gì, té ra bộ truyện « Bình sơn lãnh yến ».
Chàng đặt cả tập xuống chiếu và nhìn ra bọn học trò:
- Cậu nào có sách tô thì đem vào đây để ta viết cho mà tô.
Khắc Mẫn ngạc nhiên:
- Sao anh không đọc? "Tứ tài tử" đây mà! Hay lắm anh ạ!
Vân lạc mỉm cười:
- Tôi đã coi từ năm lên mười tuổi rồi. Nó cũng xoàng xoàng vậy thôi!
Khắc Mẫn ra ý bẽn lẽn:
- Thế thì anh viết giúp tôi mấy cái phóng vậy.
Rồi thầy ngoảnh mặt vào bọn học trò trồng trộng:
- Phóng của chúng bay lèm nhèm cả rồi, phải không? Đem giấy đem bút để bác viết cho mỗi đứa một cái.
Mấy cậu thi nhau "vâng ạ". Rồi họ chọn bút, mài mực, tháo sách lấy giấy đưa lên trước mặt Vân Hạc. Liền đó, học trò chia làm hai toán. Một toán vây quanh án thư, nhòm thầy chấm sách. Một toán nữa vịn vai nhau đứng ở đâu phản để xem ông khách viết phóng. Chồng sách trên án chấm xong, phóng của Vân Hạc cũng viết được năm, sáu cái. Khắc Mẫn cầm lấy tập phóng bày ra mặt chiếu, ngắm đi ngắm lại từng tờ, và khen tâm tắc:
- Chữ anh tốt thật, nét sắc như cắt và tươi như hoa.
Rồi thầy lại tiếp:
- Văn hay chữ tốt như anh, thế mà thi cứ hỏng mãi, có lẽ chỉ tại cái tội láo quá. Nếu anh chừa được cái láo, tôi chắc là sẽ đỗ ngay.
Vân Hạc chỉ cười ngặt nghẽo, không trả lời. Khắc Mẫn xếp tập phóng lại, phân phát cho lũ học trò và giục:
- Đem sách ra mà học đi!
Tức thì cả đám học trò mỗi người vác một cuốn sách nhốn nháo chạy quanh cùng nhà: cậu này tựa vào cạnh cột, câu kia ghé lên bậc cửa, một vài cậu nữa quì gối xuống đất để ngồi chầu lên tấm phản của thầy. Một sạp ê a theo nhau nổi lên. Trong nhà ồn ào như đám chẵn lẻ. Những câu "thưa thầy chữ gì", luôn luôn thúc vào lỗ tai Khắc Mẫn, khiến thầy cứ phải quay bên nọ, ngoảnh bên kia, mỏi miệng trả lời không kịp. Nhiều lúc Vân Hạc phải bảo giúp. Tiếng học dần dần uể oải. Dãy phản bên cạnh xen vào mấy tiếng ấm óe. Một cậu học trò với bộ mặt bò nhếch bò nhác tiến đến trước án thư:
- Thưa thầy anh Thận chen con!
Khắc Mẫn chỉ tay và quát:
- Thằng Thận ra đây! Ra ngay đây!
Cậu học trò nữa suýt soát đứng dậy đi đến cạnh án thư và núc hai tay vào nhau như thầy phù thủy bắt quyết:
- Thưa thầy anh ấy beo con.
Sẵn cây roi mây nằm chờ trên án, Khắc Mẫn không kịp phân xử, phạt luôn mỗi cậu mấy roi. Cái roi như cũng thích ra oai với lũ trẻ con, mỗi lần được giáng hạ vào đầu vào cổ hai kẻ bị tội, nó lại kêu một tiếng đánh "vút". Hai cậu bé con so vai, rụt cổ, van như tế sao, vẻ mặt không còn sắc máu. Khắc Mẫn hằm hè tuyên án:
- Học không học. Chỉ chòng nhau. Sao mà những của khó dạy làm vậy! Thôi cho ra phản. Mỗi đứa ngồi riêng một xó.
Hai cậu ấy mếu máo lui ra. Lại một cậu khác khép nép tiến vào:
- Thưa thầy hôm qua anh Ất ra đường chửi nhau để cho chúng nó...
Khắc Mẫn đương cơn thịnh nộ, liền dồn:
- Chúng nó làm gì?
Cậu đó rụt rè ra bộ sợ hãi:
- Chúng nó chửi thầy ạ!
Vân Hạc phì cười và hỏi:
- Chúng nó chửi thầy thế nào? Phải nói lại cho thầy nghe chứ.
Khắc Mẫn cũng cười và ngó sang phía Vân Hạc:
- Anh đừng chơi cái kiểu ấy! Chỉ tổ hư cho trẻ con.
Rồi thầy phát cậu học trò:
- Tứ rày muốn sống không được mách nhảm! Nếu còn mách nhảm sẽ được đủ một trăm roi.
Trước sự lườm nguýt của chúng bạn, cậu ấy len lét trở ra, rồi bẽn lẽn ngồi vào chỗ cũ. Khắc Mẫn ra lệnh cho các học trò:
- Đứa nào thuộc bài vào mà kể đi!
Mấy cậu nhỏ tuổi láu táu đem sách đến trước mặt thầy, rồi thì các cậu chen nhau, đẩy nhau, tranh nhau kể trước. Cuộc kể nghĩa bắt đầu. Những tiếng ê a ở hai gian bên cạnh đều phải hạ xuống thành tiếng lầm rầm, để cho mấy cậu bên này cắt nghĩa chứ "chi" là 'chưng", chữ "ky" là "thửa". Vân Hạc đứng đậy ra sân đủng đỉnh dạo thăm hoa cảnh. Bóng nắng vừa đến nửa thềm, cuộc kể nghĩa đã xong. Khắc Mẫn lúi húi đưa ngọn bút son vào tập sách tô, sách phóng và sách câu đối, bài đoạn. Vân Hạc thình linh trở vào vừa cười vừa hỏi:
- Giò lan bạch ngọc mới nở ở đâu? Hoa rụng anh quét đổ vào chỗ nào? Sao tôi không thấy?
Khắc Mẫn ngơ ngác:
- Mùa này làm gì có lan, lây đâu ra hoa mà rụng.
- Thế thì sao trong thư, anh lại dám nói là "thấy lan nở" và "quét hoa rụng"?
- Thì cũng nói thế cho đẹp câu văn, cần gì phải có hoa, có lan mới được? Tôi thấy cổ nhân thường thường viết như vậy cả.
Vân Hạc khôi hài:
- Nhưng tôi không thích.kiểu đó. Nếu anh còn chơi với tôi, thì phải chừa lối văn sáo bã ấy đi.
Hai người cùng phá lên cười. Buổi học đến đây là hết. Các cậu học trò tấp nập cắp sách ra đi, sau khi đã chào khách của thầy bằng những cái lạy không ngoảnh cổ trở lại.
Thằng ở nhà chủ lễ mễ bưng mâm rượu đặt vào phản của thầy đồ, rồi nó lễ phép đi ra. Ông chủ với bộ khăn áo chỉnh tề và một nai rượu cầm tay, lật đật từ trên nhà khách đi xuống. Sẽ sàng để nai rượu vào chỗ cạnh mâm, ông ấy gãi tai nói với Vân Hạc:
- Không mấy khi ông sang chơi đây với thầy đồ tôi thấy rất làm hân hạnh. Gọi là có chén rượu nhạt mời ông xơi tạm.
Vân Hạc và Khắc Mẫn mời.ông ta cùng ngồi uống rượu với mình. Nhưng ông ấy nhất định từ chối, vì đã ăn cơm từ lúc thợ cày đánh trâu ra đồng. Rồi ông chủ cáo biệt lên nhà trên. Để mặc thầy thù tiếp ông khách.
Lượng ruợu Khắc Mẫn tuy không theo kịp Vân Hạc, song vì ở vào ngôi chủ, lễ phép bắt thầy cứ phải nhấc chén lên lại đặt chén xuống, thỉnh thoảng nhấp cho ướt môi. Sau vài lần chén tạc, chén thù, những chuyện thi cử văn chương đã thấy càn cạn. Khắc Mẫn bỗng làm ra bộ nghiêm nghị và hỏi:
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
Vân Hạc biết thầy bắt đầu vào đề, nhưng chàng vẫn trả lời một cách thản nhiên:
- Hăm hai tuổi rồi, anh ạ!
Khác Mẫn tiếp theo một câu văn hoa:
- Câu thơ lá thắm đã định thả vào ngòi nào hay chưa?
- Tôi chưa dám nghĩ gì đến chuyện đó.
Khắc Mẫn rót cho Vân Hạc một chén rượu đầy, rồi thầy vừa cười vừa nói:
- Vậy thì tôi kính mừng anh.
Vân Hạc ngơ ngác:
- Mừng tôi cái gì? Anh hãy nói cho tôi biết.
Khắc Mẫn cười hỏi tiếp:
- Anh biết cô Ngọc đấy chứ ?
- Có phải cái cô vẫn bán giấy bút ở chợ Kim Bảng đó không?
- Phải đó.
- Tôi biết lắm, cô ấy năm nay độ mười tám tuổi, con ông đồ Vân Trình chứ gì?
- Phải rồi! Nhưng anh có chịu cô ấy là bậc tuyệt sắc hay không?
- Vùng khác không biết thế nào. Nội trong vùng này, có lẽ tôi chưa thấy ai đẹp hơn người ấy. Nhưng anh hỏi tôi như vậy để làm gì?
- Là vì cô ấy sắp sửa làm người gánh gạo cho anh đi học. Tôi muốn biết trước ý anh đối với cô ta như thế nào?
Vân Hạc vội vàng xua tay:
- Anh đừng nói vậy mang tiếng. Hình như trước kia cô ta đã nhận trầu cau của anh nghè Long đấy mà.
Khắc Mẫn rót thêm rượu vào chén Vân Hạc rồi nói:
- Phải. Có! Năm xưa cụ đồ Văn Khoa đã có cậy mối đến hỏi cô ấy cho ông nghè Long. Đó là gượng theo ý muốn của ông ta. Thực ra cụ ông, cụ bà đều không thuận cả. Các cụ cho rằng hồng nhan phần nhiều bạc mệnh, nếu lấy cô ấy về làm nàng dâu, tất nhiên sau này sẽ không hay cho con trai mình. Vì vậy, các cụ cứ dùng dằng mãi không cưới. Nhân được một người thày số đoán rằng cô ấy với ông nghè Long khắc tuổi, không lấy được nhau, các cụ mới cả quyết thôi không đi sêu cô này, rồi mượn người sang hỏi cô Thúy. Vậy thì bây giờ cô ấy với ông nghè Long có dính dáng gì nữa đâu mà anh phải kiềng?
Vân Hạc nói giọng nghiêm trang:
- Đành rằng thế. Nhưng chúng mình với anh nghè Long là chỗ đồng song, thì dẫu cho cô ta không lấy anh ta đi nữa, chúng ta cũng vẫn phải coi như vợ người bạn, không nên nói chuyện bông đùa mà đem cô ấy ra làm đầu đề, thì trông thấy nghè Long, mặt mũi sẽ ra thế nào?
Khắc Mẫn cũng đổi ra vẻ đứng đắn:
- Tôi nói thật đấy. Không phải nói đùa. Anh đứng tưởng rằng nếu anh lấy cô Ngọc sẽ là bất nghĩa với ông nghè Long. Câu chuyện không như thế đâu. Giả sử anh chịu kết duyên với cô ấy, thì ông nghè Long cảm ơn anh lắm.
Vân Hạc chưa kịp nói sao, Khắc Mẫn lại tiếp:
- Anh có nghe chuyện cô Ngọc phải gió trong khi gặp ông nghè Long vinh quy hay không?
Vân Hạc lắc đầu:
- Tôi không nghe biết gì cả..
Khắc Mẫn gật đầu:
.- Ừ tôi cũng đoán rằng anh chưa biết. Nếu anh có biết chuyện đó, chắc anh sẽ thương cô ấy vô cùng.
Vân Hạc điểm một nụ cười:
- Anh định múa cái mép ông mối để kiếm chè của tôi chăng? Khó lắm. Cái giọng mối lái, tôi chán lắm rồi. Chúng ta hãy nói chuyện khác.
Khắc Mẫn nói giọng nghiêm nghị:
- Tôi không thèm chè của anh. Và cũng không phải là kẻ mối lái. Nhưng tôi nói để anh biết rằng: cái mối nhân duyên giữa anh với cô Ngọc đã có một ông tơ hồng sẽ xe cho anh. Dù anh muốn chối cũng không thể được.
Vân Hạc có ý nửa ngờ nửa tin:
- Ông tơ hồng ấy là ông nào thế? Anh thử nói cho tôi nghe.
Khắc Mẫn mỉm cười:
- Anh đã muốn nghe rồi ư? Tôi không nói vội. Nếu anh muốn nghe, đêm nay phải ngủ lại đây với tôi. Bây giờ chúng ta cứ việc đánh chén đi đã. Bữa rượu hôm nay chính là cái tiệc đầu tiên của tôi mừng anh.
Vân Hạc cố gặng lần nữa, Khắc Mẫn chỉ đáp một câu rất vắn:
- Thầy? Thầy chứ còn ai!
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!