LỀU CHÕNG - Chương 5 (Ngô Tất Tố)
Đỗ Phương Lam | Chat Online | |
20/06/2019 22:59:58 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * LỀU CHÕNG - Chương 6 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
- * LỀU CHÕNG - Chương 7 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
- * LỀU CHÕNG - Chương 4 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
- * LỀU CHÕNG - Chương 3 (Ngô Tất Tố) (Văn học trong nước)
Một hồi gà gáy âm ô, làm cho Vân Hạc giật mình thức giấc. Ngọn đèn trên quang lù mù sắp tắt, đọi dầu đã gần cạn khô. Không muốn làm phiền thằng nhỏ, chàng tự đứng lên rót dầu vào đèn, và dụi cái tàn đỏ ối ở đầu sợi bấc. Rồi chàng mở cửa ra sân.
Trăng chưa lặn. Ánh vàng chênh chếch nhòm vào giàn hoa. Những bóng cây nhài, cây mộc dương leo lên thềm. Mặt thềm khoang khua như một bức tranh thủy mặc.
Trời hãy còn sớm. Trống ngoài điếm mới điểm canh tư. Các nhà láng giềng vẫn im phăng phắc.
Chàng toan vào phòng ngủ thêm. Sực nhớ hôm nay là kỳ bình văn, phải đến trường sớm hơn mọi ngày, ngủ nữa, e rằng quá giấc, quá trưa, thì đi không kịp. Chàng bèn súc miệng, rửa mặt, rồi một mình đủng đỉnh dạo dưới bóng trăng.
Trong đám ánh trăng trong vắt, thỉnh thoảng điểm một luồng gió hiu hiu, hết thảy bóng cây trước sân đều bị rung động. Chàng bỗng tưởng đến cái cảnh Trương Sinh đợi Thôi Oanh Oanh trong truyện Tây Sương liền ngâm:
"Đãi nguyệt Tây sương hạ.
Nghênh phong hộ bán khai.
Cách tường hoa ảnh động.
Nghi thị ngọc nhân lai".
Thế rồi hình ảnh cô Ngọc tức thì hiện ra trong óc Chàng khen ông đồ Vân Trình cũng khéo tìm chữ đặt tên cho con. Với cái nước da trắng nõn, với cái khuôn mặt trái xoan và cái dáng bộ yểu điệu, nàng thật đáng gọi là ngọc nhân lắm. Chàng nhớ những hôm qua chợ Kim Bảng, tình cờ nhìn hàng nàng, bao giờ nàng cũng tươi như bông hoa, và không bao giờ mà nàng có vẻ ngoa ngoắt, trai lơ như bọn con gái kẻ chợ. Chàng tự cho rằng mình lấy được nàng, tức là danh sĩ sánh với giai nhân, chăng kém gì những cặp vợ chồng trong tiểu thuyết.
Nhưng chàng lại băn khoăn rằng trước kia nàng đã đính hôn với Trần Đằng Long, thì với chàng, nàng đã là vợ chưa cưới của một người bạn. Bây giờ nếu chàng kết duyên với nàng, hoặc giả cũng bị thiên hạ chê cười. Rồi chàng tự an ủi rằng việc này do ở cụ bảng ép chàng, không phải tự chàng mà ra. Một người đạo mạo nghiêm nghị và yêu chàng, quý chàng như cụ bảng Tiên Kiều, không lẽ lại dạy học trò làm điều trái với danh giáo? Song chàng vẫn không hiểu vì sao cụ bảng lại cô ghép nàng với chàng, vì sao hôm nọ, trong khi khuyên chàng lấy nàng, cụ lại bảo rằng nếu chàng bằng lòng cưới nàng làm vợ, tức là cứu cái đời nàng, tức là làm ơn cho Trần Đằng Long? "Hay là nàng với nghè Long ngày xưa đã có gì ám muội?" Chàng nghĩ như thế, rồi chàng lại tự hối hận, cho là mình đã vô lễ với nàng. Chàng tin nàng là con nhà gia giáo, không khi nào lại làm những việc bất chính.
Mặt trăng từ tử luồn vào bóng mây, bầu trời dần dần vẩn đục. Chàng bèn lững thững bước vào trong phòng. Vừa đi, chàng vừa lẩm bẩm một mình. “Có lẽ vợ chồng là duyên số thật. Ừ, xưa kia mình tuy biết nàng, nhưng vẫn chẳng hề nghĩ đến nàng. Thế mà từ bữa nghe đồ Mẫn nói, nhất là từ bữa nghe cụ bảng nói đến giờ, không phút nào mà ta quên nàng. Cái đó mới lạ cho chứ! Không biết trong những lúc này, nàng có nghĩ gì đến ta không? Chắc có! Ta nhớ nàng, tất nhiên nàng cũng nhớ ta, nếu như cụ bảng đã ngỏ cho nàng biết cái ý định của cụ.”
Trời sáng, Vân Hạc cắp nón vừa ra đến cổng, thì gặp Khắc Mẫn. Hai chàng liền sánh vai cùng tới trường học.
Trong các lò "rèn đúc nhân tài" bấy giờ, trường của cụ bảng Tiên Kiều là lớn hơn hết. Trừ ra mươi cậu đồng sinh là những con cháu trong nhà, học trò cụ bảng chỉ có hai lớp đại tập và trung tập. Trung tập hàng ngày phải đến nghe sách, hàng tuần phải học làm văn. Còn đại tập thì mỗi tháng tập văn hai kỳ. Kể cả đại tập và trung tập, học trò trong trường có tới gần ba trăm người. Vân Hạc và Khắc Mẫn đi đến cửa trường thì các cậu học trò trung tập cũng vừa kéo đến.
Sau những chiếc nón sơn quai chuỗi lần lượt úp lên các tường, cả mấy trăm người nghiêm trang ngồi sắp hàng ở các dãy ghế. Cụ bảng còn ở nhà trong chưa ra. Một cậu học trò bé con chạy đến rỉ tai Vân Hạc:
- Thầy bảo anh bình văn xong rồi, phải ở lại đây, để thầy còn dặn gì đấy.
Rồi thì học trò đại tập lục tục đến dần. Rồi thì, năm gian tiền tế thênh thang như năm gian đình dần dần hiện ra quang cảnh chật hẹp, kẻ ngồi người đứng lố nhố khắp trong nhà ngoài thềm.
Trống cái thong thá điểm một hồi ba tiếng.
Học trò trên các phản ghế hết thảy trở lại hàng lối nghiêm chinh. Hai cậu nhỏ tuổi lễ mễ bưng điếu bưng tráp và mang giỏ ấm, khay chén đặt lên án thư.
Những tiếng thì thầm xôn xao nhất tề im bặt. Cụ bảng từ nhà trong ra với một bộ khăn áo chỉnh tề. Trên các phản ghế, học trò răm rắp đứng dậy khắp lượt.
Khoán thai cụ ngồi vào tấm ghế sau chiếc án thư và mở nắp tráp lấy gói thuốc lá ra cuộn. Tất cả học trò lại cùng răm rắp ngồi xuống. Một cậu nhó tuổi lễ phép đến trước án thư sẽ bưng bộ đồ đánh lửa ra thềm.
Qua một hồi kỳ cạch của hòn đá lửa đập vào thỏi sắt, lửa ở trong đá đã bắt ra lớp bùi nhùi trong cái hộp gỗ và bén vào đó, cậu ấy rón rén nhón lấy một ít bùi nhùi có lửa, tiếp vào mồi giấy, phì phò thổi cho thành ngọn, để châm sang sợi ruột gà và châm lửa vào mồi thuốc lá đã cuộn, cụ bảng ra hiệu cho các học trò đọc sách.
Một câu trung tập cung kính đệ một chồng sách in lên án. Bằng một câu xin phép rất lễ độ và mấy tiếng đằng hắng rất dõng dạc, một cậu tốt giọng nhanh nhẹn mở sách ra đọc.
Tất cả học trò cặm cụi mở sách ra coi.
Theo lệ hàng ngày, mỗi buổi đều đọc đủ ba thứ sách: kinh, truyện và sử.
Hôm nay bắt đầu đọc Kinh dịch, rồi đến sách Trung dung rồi đến cuốn Tống sử. Mỗi khi đọc hết bài cái, bài bàn của một chương nào trong sách, cả trường im lặng như tờ. Mấy trăm con.mắt đều chăm chỉ ngó vào cuốn sách của mình. Mấy trăm lỗ tai đều bình tĩnh đợi nghe lời giảng của thầy. Bằng cái giọng sang sảng như tiếng chuông đồng, cụ bảng giảng rất rành mạch từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gần đến nghĩa xa, cụ chỉ rõ ràng lời bàn nào là phải, lời bàn nào là quấy. Cụ nói như rót vào tai học trò. Khi giảng đến hào lục tam của quẻ Khôn Kinh dịch, cụ đặt nồi thuốc xuống án và hỏi một cách sửng sốt:
- Các anh nghe chương này có thấy gì không.
Các cậu học trò đều không trả lời, vì không hiếu ý cụ hỏi ra sao. Cụ liền nhìn vào cuốn sách và cất cao giọng:
- "Lục tam, hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự, vô thành, hữu chung.”
Và cụ lại gặng:
- Các anh tưởng nó có đúng với điệu lục bát trong các ca dao của ta hay không? Rồi cầm mồi thuốc hút thêm một hơi, cụ vừa rung đùi vừa tiếp:
- Trong kinh, truyện, sử, mỗi bộ đều có một câu lục bát. Ở kinh là câu ấy rồi, còn ở truyện thì là câu gì?
Các cậu học trò cố sức lục hết trí nhớ để tìm lấy câu trả lời. Nhưng không ai nói câu nào. Cụ vuột chòm râu bạc phơ và ngâm:
"Phù thủy, nhất thước chi đa.
"Cập kỳ bất trắc ngoan đà giao long..."
Rồi cụ lại hỏi:
- Phải câu ấy ở sách Trung dung, các anh mới đọc hôm qua đó không? Sao mà chóng quên vậy? Nếu như trời cho đỗ đạt, được sang sứ Tầu, các anh sẽ đối đáp làm sao cho khỏi nhục đến quân mệnh!
Các câu học trỏ đều cúi gầm mặt, tỏ ra dáng bộ bẽ bàng. Cụ ngửng một lát rồi thêm:
- Còn câu ở sử, chắc chắn các anh cũng không thể nhớ.
Và cụ ngân giọng:
”Đế sĩ Sái Xác hữu công,
"Sử chi tòng tự Triết tông miếu đình..."
Rồi cụ ngẩng lên nhìn các học trò và nói:
- Các anh thử giở cuốn Tống Cao Tôn mà xem, câu đó ở ngay đầu sách đấy mà.
Các câu học trò im lặng phục thầy là bậc nhớ sách. Cụ bảng mở giỏ, rót một chén nước nhấp giong, rồi cụ cắt nghĩa:
- Cũng vì có mấy câu đó cho nên từ xưa đến nay đã có nhiều người cho rằng: lối văn trên sáu dưới tám của ta gốc ở kinh, truyện và sử mà ra. Nhưng theo ý ta, thì nói như vậy có lẽ cũng quá khiên cưỡng. Trời đã sinh ra mỗi nước có một thứ tiếng, thì tất nhiên mỗi nước cũng phải có một điệu hát. Nếu bảo điệu hát lục bát gốc ở kinh, truyện và sử, thì sao ở Tầu lại không có cái thể văn ấy? Tuy vậy, các cụ đời trước nói thế, bây giờ mình cũng hãy hay rằng thế, để rồi kê cứu dần dần, không nên vội vàng bài bác.
Hết cuộc chuyệnn phiếm, một cậu học trò thay lượt cậu trước đọc cuốn Trung dung. Rồi một cậu nữa lại tiếp cậu này đọc cuốn Tống sử. Mặt trời đã cao, cuộc nghe sách của học trò trung tập mới hết. Lúc này học trò đại tập đã đến đông đủ. Trong năm gian nhà ngột những hơi người. Cụ bảng tạm nghỉ để quạt cho ráo mồ hôi.
Học trò lác đác đứng dạy ra sân hóng mát.
Khắc Mẫn dắt Vân Hạc và mấy người nữa đến ngồi túm tụm ở dưới gốc nhãn, rồi họ thi nhau bắt Vân Hạc phải đọc những bài văn của chàng trong kỳ này cho họ nghe trước. Một cậu học trò đủng đỉnh đến trước Vân Hạc nhìn chàng bằng con mắt ranh mảnh và tủm tỉm cười. Vân Hạc đoán là hắn đã hiểu biết việc riêng của mình, liền hỏi:
- Mày cười cái gì, thằng Cung?
Người ấy vẫn cười:
- Mai kia tao sẽ cho mày bài thơ.
Vân Hạc cũng cười:
- Được! Có giỏi mày cứ làm! Nếu thơ không hay, tao sẽ nọc cổ đánh cho ba chục.
Ngoài cổng có tiếng cười nói giòn giã. Một lũ nón dứa quai lụa bạch lần lượt từ cổng tiến vào trong sân. Các cụ nghè, cử, bạn thân của cụ bảng và là sơ khảo, phúc khảo của các quyển tập đến dự bình văn.
Cụ bảng lật đật đứng dậy đón khách.
Sau mấy cái vái trịnh trọng rước mấy ông khách lên thềm, cụ bảng vui vẻ nói:
- Chết chửa nắng quá! Các bác đi sớm ít nữa, có mát hơn không?
Cụ nghè Quỳnh Lâm chỉ vào cụ cử Liên Trì và đáp:
- Nếu tôi không cố phá đám, thì ông lão này còn ngồi ngất ngưởng với nai rượu thuốc, chứ đã chịu đi cho đâu.
Cụ cử Liên Trì mỉm cười đế đưa hai câu thơ cổ:
”Bách niên tam vạn lục thiên nhật,
Nhất ẩm tu khuynh tam bách bôi".
Các cụ cùng ngồi lên chiếc phản giữa. Ai nấy phì phạch quạt lấy quạt để. Nhưng vẫn không ai chịu bỏ khăn áo Cụ bảng phải sai hai cậu bé con cầm đôi quạt lông đứng hai đầu phản phẩy vào.
Cạn ba tuần chè tầu, cụ bảng lục lại tập văn của học trò và chọn mấy quyển được bình để riêng một chồng.
Hôm nay là kỳ tứ lục: một bài chiếu và một bài biểu. Tất cả độ hơn mười quyển được đọc. Chỉ có một quyển của Đào Vân Hạc dấu sơ dấu phúc phê ưu, dấu ngoại phê "bình", và năm quyển nữa ba dấu đều phê “bình", được đọc từ đầu đến cuối. Còn các quyển khác, hoặc "bình thứ", hoặc "thứ mác" chỉ được đọc lỏi từng đoạn. Những quyển được đọc, mặt quyển đều có đề một chữ "bình". Những đoạn được đọc thì ở cạnh các dòng chữ đều có đánh dấu bằng "chấm mắt ngỗng". Soạn xong tập quyển, cụ bảng cầm trao cho mấy ông bạn:
- Các bác coi lại. Nếu có quyển nào không đáng cho đọc, thì xin bỏ đi.
Mỗi cụ đón lấy vài quyển, coi qua một lượt, rồi:
- Được cả không có quyển nào phải loại.
Cụ nghè Quỳnh Lâm cầm quyển của Đào Vân Hạc chìa hỏi cụ bảng:
- Quyển này chúng tôi đã phê "ưu” cả, sao bác lại đánh xuống "bình”?
Cụ bảng rẽ ràng đáp:
- "Bình" là phải! Các bác cho "ưu” cũng khí quá đáng. Vả lại hắn còn ít tuổi, phải cần mài dũa cái tính hiếu thắng. Nếu như kỳ nào cũng "ưu”, e rằng hắn sẽ coi mình là thánh là trạng, không chịu học hành, ấy là có hại cho hắn.
Rồi cụ trông xuống đám học trò ngồi cạnh:
- Trưa lắm rồi, ai lên đem quyển xuống đọc đi chứ!
Khắc Mẫn lễ phép đứng lên và tiến đến trước án thư. Cụ nghè Quỳnh Lâm đưa cho thầy cuốn văn của Đào Vân Hạc và dặn:
- Đọc quyển này trước!
Khắc Mẫn lĩnh quyển văn đi xuống chỗ cũ. Mài mực, tẩm một ngòi bút thật đẫm. Một tay cầm bút, một tay. cầm quyển, thầy bắt đầu đọc bài chiếu trước. Tất cả học trò đều giở một tập giấy bán đặt lên đầu gối. Tai nghe văn, tay thì viết lia viết lịa. Văn đọc đến đâu, họ phải cố viết cho kịp đến đây. Chữ thảo một lối lòi tói như sợi xích chó. Với một giọng vừa kêu vừa trong, Khắc Mẫn đọc rất dại dễ, gãy gọn, từ đoạn nọ đến đoạn kia, mạch lạc cực kỳ phân minh. Nhất là những lúc lên giọng, xuống giọng, tiếng thày càng réo rắt dịp dàng, khiến cho câu văn càng nổi.
Cái nhà chứa gần ba trăm con người lúc ấy có vẻ nghiêm tĩnh của một tòa cổ miếu. Ngoài tiếng bình văn của Khắc Mẫn và tiếng khen hay của các khảo quan, cơ hồ không còn có gì khác nữa.
Hết bài chiếu đọc đến bài biểu. Mở đầu hai câu “phục dĩ", cụ cử Liên Trì và cụ nghè Quỷnh Lâm rối rít giục điểm, giục khuyên. Khắc Mẫn miệng đọc tay chép, mắt thì nhìn vào quyển văn, cuống quít như người phường trò vừa hát vừa phải đánh tiếng gõ mõ.
Đọc xong quyển của Vân. Hạc, cụ bảng lại bảo tạm nghỉ để các học trò uổng nước và hút thuốc lào. Những người viết chậm, tranh nhau mượn quyển Vân Hạc để họ chép lại những đoạn lúc nãy phải bỏ cách quãng vì viết không kịp. Như quên cả sự oi bức, ngườii ta xúm nhau đến hơn chục người ngó vào quyển văn.
Cụ nghè Quỳnh Lâm sai người lấy chiếc ghế đẩu bắc ở bên cạnh, gọi Vân Hạc cho ngồi ở đó, tự mình rót một chén nước trao cho Vân Hạc, và cụ tấm tắc khen ngợi:
- Văn cậu khá lắm! Đỗ đến nơi rồi. Cậu phải cố đi, khoa hương này hãy lấy cho bác cái thủ khoa, rồi hội sau thì lấy cho bác cái đình nguyên nữa. Tiền trình của cạu có cơ viễn đạt, bác lấy làm mừng!
Vân Hạc chỉ lễ phép đón lấy chén nước, không dám trả lời, vì chàng không biết trả lời thế nào. Cụ nghè quay mặt sang phía cụ bảng và thêm:
- May được người con nối nghiệp, bác cống Đào Nguyên tuy mất cũng như còn sống.
Cụ báng ngần ngừ lắc đầu:
- Tôi chưa dám chắc như vậy. Là vì văn chương của hắn tuy có lỗi lạc, nhưng vẫn không khỏi có chỗ cầu kỳ sính tài, lại thường vượt ra ngoài qui củ. Nếu gặp quan trường thì hắn có thể đỗ cao. Nhưng nếu không gặp, tất nhiên sẽ bị hỏng tuột. Bao giờ hắn chừa được cái tật ấy, thì mới có thể chắc được!
Rồi cụ gọi các học trò và hỏi:
- Các anh nghe quyển Vân Hạc thế nào? Có thấy cái bệnh gì không?
Hết thảy im lặng, không có ai đáp. Cụ tiếp:
- Văn chương anh ta tuy cũng khá đấy, nhưng phải cái tật rất lớn là có nhiều đoạn rắc rối, bướng bỉnh, không chịu theo đúng khuôn phép. Đó là một điều tối kỵ trong các lối văn cử nghiệp, nhất là thể văn tứ lục.
Cụ cử Liên Trì nói xen:
- Phải! Văn chương cầu thị bất cầu kỳ, nếu quá cầu kỳ tất nhiên không lợi trường ốc. Bởi vì, trong lúc quan trường chấm văn, người ta chấm như ăn cướp, một khắc phải chấm đến mấy chục quyển, còn thì giờ đâu mà nghĩ ngấm nghĩ nghía cho mình? Thói thường hễ mà dấu "sơ” đã chấm thế nào, ấy là dấu "phúc", dấu “giám" lại chấm thế ấy, nếu như mình đặt một câu cầu kỳ, hoặc là ý nghĩa quá ư sâu xa, mà trong lúc vội vàng, ông sơ khảo không kịp hiểu hết, ông ấy sổ cho vài chiếc và phê cho một chữ "liệt”, thì rồi những ông phúc khảo, giám khảo cũng lại sổ theo, và cũng phê cho vài chữ "liệt" nữa. Cái quyển đã đến ba "liệt”, ông phân khảo khó lòng mà giám phê "bình" phê "ưu”. Thế là hỏng oan chứ gì.
Cụ nghè Quỳnh Lâm nối lời:
- Ấy, cụ Nguyễn Công Hoàn ngày xưa suốt đời thi hỏng cũng chỉ vì có tật ấy.
Hồi cụ quay ra hỏi các học trò:
- Các thầy đã nghe chuyện cha con cụ Nguyễn dành nhau về một câu tứ lục hay chưa?
Rồi không đợi học trò trả lời, cụ kể:
- Cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc danh sĩ đời Lê, văn hay, học rất uẩn súc, chỉ phải cái tật đặt cậu cầu kỳ, thành ra thi mãi không đỗ. Ông Nguyễn Công Lân là con, sức học tuy còn kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát, ngoài hai mươi tuổi đã đỗ hương cống, rồi lại đỗ luôn tiến sĩ. Khoa ấy, tôi không nhớ là khoa nào, ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Nguyễn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước...
Nói đến đấy, cụ nghè ngừng lại, để uống hớp nước nhấp giọng, rồi tiếp:.
- Thế rồi đến khi việc trường đã xong, ông Lân về nhà thăm cha. Đầu tiên, cụ Nguyễn hỏi ngay:
”Khoa này có được quyển nào khá không?”. Ông con ngay thật thưa rằng: "Có một quyển khá, chỉ vì phải câu tứ lục thất niêm., không thể lấy đỗ". Cụ Nguyễn liền gặng. "Câu tứ lục ấy thế nào? Có nhớ không?" Ông con thưa rằng có nhớ và đọc như vầy:
”Lưu hành chi hóa tự tây đông, nam bắc vô tư bất phụ.
"Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".
Rồi thì ông ấy lại tiếc ngậm ngùi mà rằng: “Nếu như câu dưới, họ đảo hai chữ "Cảo Mân" ra làm "Mân Cảo", cho đúng niêm luật, thì hai câu ấy hay biết chừng nào". Cụ Nguyễn không đợi cho con hết lời, vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy. Và cụ nghiến răng nghiến lợi, chửi mắng tàn nhẫn. Cụ bảo ông con dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người...".
Cụ nghè lại nhìn học trò và hỏi:
- Các thầy có biết tại sao cụ Nguyễn phải đánh một ông chủ khảo như vậy?
Học trò còn đương im lặng suy nghĩ, cụ nghè lại tự cắt nghĩa:
- Thì ra hai câu tứ lục ấy chính của cụ Nguyễn, ý cụ đặt như thế này:
”Lưu hành chi hóa tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất phục,
Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".
Học trò nghe rồi, ai nấy sung sướng như nghĩ ra một điều mới lạ. Cụ cử Liên Trì nói thêm:
- Nếu như nghĩ một chút, chắc ai cũng nhận thấy rằng: trong hai cấu đó, câu trên tất phải ngắt đến chứ "Tây", câu dưới tất phải ngắt đến chữ "Cảo". Chứ nếu chấm như kiểu ông Lân, một đằng ngắt đến chứ "Đông", một đằng ngắt đến chữ “Mân" thì không có nghĩa gì cả. Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Đông Nam Bắc đâu đâu cũng phục. Cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân Kỳ Phong đều cũng dấy theo”. Chứ ai lại nói: "Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây phương Đông... cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, xứ Mân?" Nhưng vì bốn chữ Tây Đông Nam Bắc và bốn chữ Cảo Mân Kỳ Phong đặt liền với nhau, trong lúc vội vàng, câu trên người ta ngắt đến chữ Đông, thì câu dưới người ta cũng lại ngắt đến chữ Mân, như thế, chẳng những thất niêm mà còn vô nghĩa nữa chứ! Ấy đó là văn chương cầu kỳ có hại như vậy. Các thầy nên biết mà tránh.
Dứt mạnh hiểu dụ của cụ cử, mấy cậu nhỏ tuổi ngoan ngãn tiệp tuần chè tầu thứ hai. Công việc bình văn lại sốt sắng đi theo thứ tự cua nó. Lần này cụ bảng cho đọc đến quyển của Bùi Đốc Cung, cái người trêu ghẹo Vân Hạc lúc nãy. Văn của Đốc Cung tuy không xuất sắc bằng của Vân Hạc, nhưng cũng vào bậc học cứng, lời tươi và kêu như chuông, các cụ sơ khảo, phúc khảo luôn khen “được".
Gần trưa, tan cuộc bình văn.
Cụ bảng giở dần tập quyển còn lại trên án, gọi tên từng người học trò, quyển của người nào trao trả người ấy.
Bộ điệu khác nhau của từng người trong lúc lĩnh quyển như muốn tỏ cho kẻ ngoài biết sự hơn kém cua các học trò. Có ông hớn hở tươi cười với cái "thứ mác" con con. Cũng có ông vội vàng gấp tư quyển văn và bỏ vào túi một cách vội vàng để giấu cho kín cái "liệt" hay cái "thứ cộc" ở mặt quyển. Chồng quyển trên án phân phát đã hết, học trò lũ lượt cắp nón đi ra, để lại một mình Vân Hạc vì có lời dặn của cụ bảng phải đợi ở đó.
Mấy cậu nhỏ tuổi rón rén lấy chậu vẩy nước, quét cho sạch cát bụi và những bã điếu, tàn đóm trong năm gian nhà. Nhà trường dần trở lại quang cảnh thanh vắng như một nơi toàn thạch. Bao nhiêu ánh nắng đều bị ngăn lại trên đám lá um tùm của mấy cây nhãn và giàn thiên lý trước thềm, trong nhà lúc nào cũng mát rời rợi.
Sau nhà có tiếng lạch cạch.
Một mâm đồ rượu ngất nghểu ngự trên đầu anh bếp từ từ tiến vào phản giữa. Cụ bảng mời mấy ông bạn uống rượu và cho Vân Hạc bắc ghế ngồi hầu bên cạnh. Cụ cử Liên trì quay lại mâm rượu và nói khôi hài:
- Hữu tửu thực tiên sinh soạn, hữu sự đệ tử phục kỳ lão.
Rồi cụ cầm luôn bầu rượu đưa cho Vân Hạc để chàng rót ra các chén. Các cụ cất chén khắp lượt. Vân Hạc vẫn rụt rè giữ lễ chưa dám uống. Cụ nghè Quỳnh Lâm nhất định bắt chàng phải uống. và cũng nói giọng khôi hài:
- ”Đương nhân bất nhượng ư sư". Cụ Khổng đã dạy như thế, cái đức "nhân" còn không nhường thầy, huống chi một vài chén rượu lại phải sợ thầy hay sao? Cậu cứ uống. Làm đấng tài trai, cần phải ngang tàng mới được, không nên e lệ như bọn con gái.
Cụ cử Liên Trì mỉm cười:
- Ấy, họ cũng chí làm gái ở trước mặt chúng mình đó thôi. Khi mà ngồi cạnh nhà trò, tôi chắc mép ấy phái hết hàng hũ.
Vân Hạc giả vờ cúi mặt để giấu cái bộ buồn cười của mình. Rồi chàng xin phép các cụ và nhắc chén rượu nhấp một hớp nhỏ. Cụ bảng bắt đầu đem chuyện nhân duyên của chàng nói cho mấy cụ kia nghe và thêm:
- Sở dĩ tôi phải ra công khuôn xếp việc này, cũng vì áy náy cái cảnh vợ chồng anh đồ Vân Trình vầ thương con bé cái Ngọc. Các bác có lẽ chưa rõ đâu đuôi. Con bé ấy trước kia đã nhận lấy Trần Đãng Long, về sau không hiểu vì sao bên này lại thôi không cưới. Thế rồi cái hôm nghè Lòng vinh qui, con Ngọc tình cờ đi qua, nó tiếc cái ngôi bà nghè đến nỗi ngất đi như đứa ngộ gió. Tôi đã chữa bệnh cho nó, phải dùng đến hơn mười thang "khai uất" mới khỏi. Nhưng khỏi là khỏi tạm thời mà thôi, nêu không lấy được người chồng vừa ý thì có ngày nó sẽ phát điên phát rồ. Vợ chông bác đồ Vân Trình chỉ được hai đứa con gái, nó là lớn, nếu nó mà hỏng một đời, thì cảnh già của ông bà ấy cũng đau đớn lắm. Bởi vậy, tôi phải tình nguyện đi làm mối chồng cho nó.
Cụ nghè, cụ cử tấm tắc khen là mối lương duyên và khuyên Vân Hạc nên mau mau lo việc cưới hỏi, không nên để chậm. Cụ bảng ngắt lời:
- Cái đó đã ở tôi cả, không việc gì đến hắn.
Rồi cụ nhìn sang Vân Hạc:
- Hôm qua thầy cũng cất công sang chơi ông Vân Trình nói về chuyên này. Ông đồ, bà đồ đều bằng lòng. Công việc thế là xong. Ngày mai anh phải về quê thưa với bác cống và anh cả, anh hai...
Vân Hạc hết sức giữ cho vẻ mặt tự nhiên, chàng chỉ im lặng mà nghe và thỉnh thoảng điểm một tiếng dạ rất khẽ, chứ không nói đi nói lại. Cụ bảng lại ngó mặt chàng:
- Nhưng phải gửi rể kia đấy. Vì bác đồ gái chê quê nhà anh ở xa quá, có ý ngần ngừ không thuận, nên thầy phải hứa như thế.
Cụ nghè Quỳnh Lâm tạt ngang:
- Thế thì cậu khóa sướng bằng vua Thuấn mất rồi. Nhưng mà cháu có muốn học ông Thuấn, chỉ nên học đến cái chỗ gửi rể ấy thôi, chớ có học hơn. Để cho vợ chồng bác đồ Vân Trình kiếm lấy người rể nữa chứ. Cả nhà cười ầm, làm cho Vân Hạc xấu hổ đỏ mặt. Lâu lâu cụ bảng lại quay sang phía Vân Hạc:
- Còn một điều này, thầy phải nói trước để cho anh liệu: cái chí con Ngọc nó chỉ thích làm bà thám, bà bảng chứ không phải nó muôn làm cô khóa quèn. Vì thế, khi nó nói mê nói sảng, luôn luôn tự xưng mình là cô thám, cô bảng. Rồi khi vợ chồng lấy nhau, anh phải nghĩ vào chỗ đó, làm sao cho khỏi phụ lòng cháu tôi thì làm.
Cả nhà lại cùng cười vang.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!