LỀU CHÕNG - Chương 19 (Ngô Tất Tố)

109 lượt xem

Lần này cái việc đi thì đối với Vân Hạc đã thành một việc rất thường, không hơn gì việc vợ chàng đi chợ. Vì đã hỏng đến ba khoa liền, chàng không dám coi là việc !ong trọng. Tuy rằng trước ngày khởi hành, họ nội họ ngoại cũng vẫn tiễn tặng cầu chúc như xưa, nhưng mà người ta ân cần với chàng bao nhiêu, chàng càng tự thẹn bấy nhiêu.

Cái đáng cho chàng áy náy hơn hết là sự săn sóc chu đáo của cô Ngọc. Trong bộ hành trang của chàng, nào tiền bạc, nào áo quần, nào đồ dùng lặt vặt, nào lọ thuốc gió để phòng giữ mình trong khi trái tiết trở trời, cái hôm chàng sắp trẩy trường, cô đã sắp sửa cho nữa. Chính tự tay cô bó buộc lều chõng, kiểm soát bút mực giấy má của chàng khi chàng bước chân ra đi. Sự chu trí ấy nó đã khiến chàng cảm động bồi hồi, và tự nghĩ thầm: "Tội nghiệp, đàn bà cũng thích công danh đến vậy? Khoa này nếu mình hỏng nữa, thì phụ lòng vợ biết chừng nào?"

Nghĩ vậy, chàng phải từ chối tất cả những món tiền tặng của họ xa họ gần. Với các thức của vợ dự bị, chàng đã lủi thủi lên đường một cách không trống không kèn. Bấy giờ Đoàn Bằng đã chán trường ốc, Tiêm Hồng thì đương bị bệnh, cả hai đều cáo không thi. Trong nhà trọ chỉ có chàng và Đốc Cung, Khắc Mẫn, ông chủ nhà trọ tuy vẫn hết sức qúy trọng, nhưng quang cảnh vẫn không vui bằng năm xưa.

Ở trọ thấm thoắt đã gần hai tháng, chàng không về quê lần nào.

Mọi khoa, mỗi kỳ thi xong, chàng đều vững chắc trong lòng, khoa này mỗi lần ở trong trường ra, chàng lại băn khoăn lo ngại, không biết kỳ sau có được vào không?

May sao trong ba kỳ trước ba người đều được vào cả. Đến kỳ thứ tư, Khắc Mẫn bị hỏng, chàng và Đốc Cung hết sức ngậm ngùi. Vì có Đốc Cung với chàng cố tình chèo kéo, khuyên bày ở lại xem bảng tú tài, cho nên Khắc Mẫn cũng không về vội.

Nhiều lần Đốc Cung, Khắc Mẫn dắt nhau đi chơi bê tha họ cũng rủ chàng, nhưng chàng nhất định không đi. Những lúc đó một mình nằm buồn, nhẩm lại văn bài các kỳ, và thấy kỳ nào của mình cũng rất xuất sắc chàng cũng tự phụ: "Không lẽ văn chương thế này mà còn hỏng nữa". Nhưng cái tự phụ chỉ là chuyện trong chốc lát, còn sự lo hỏng thì vẫn quanh quẩn đeo chàng suốt ngày suốt đêm. Không phải chàng quá mê man về đường công danh. Nhiều khi chàng đã tự hỏi. "Đỗ để làm gì?". Ngoài cái ý định làm sướng lòng người vợ thân yêu, chàng không nhận thấy sự thi đỗ đối với đời ấy còn có ý nghĩa gì khác. Thế mà không hiểu vì sao chàng chỉ mơn nớp sợ rằng không đỗ. Tuy chàng luôn luôn lo ngại, nhưng ở quanh chàng anh em họ mạc đều rất vui mừng. Từ khi được tin chàng vào phúc hạch, Hải Âu, Đoàn Bằng, Tường Loan, Cương Phượng tức thì rủ nhau ra chơi. Rồi thì bà con của Đốc Cung, Vân Hạc cũng đều lục tục kéo đến để mừng người nhà của họ. Nhà trọ lúc nào cũng đầy những người.

Sau khi coi những bản giáp các kỳ của chàng, mọi người đều phải tấm tắc khen ngợi. Hải Âu, Đoàn Bằng cho là hai kỳ thơ phú, văn sách phê ưu được cả. Rồi cả nhà đều nhắc đến đạo chỉ dụ khoa trước, ai cũng quyết là chàng đỗ thủ khoa.

Nhưng, sự dự đoán ấy vẫn không thể làm cho chàng vui lòng tuy là nó rất có lý.

Vì chàng tự biết chàng hơn ai hết. Trước kia chàng vẫn tin ở tài học. Có học, có tài, tự nhiên phải đỗ, mọi năm chàng vẫn nghĩ thế. Song từ trận hỏng khoa trước, chàng thấy cái học cái tài không đủ bảo đảm cho việc khoa trường, thì chàng lại tin ở số mệnh. Và chàng cho rằng hỏng hay đỗ chẳng qua là sự may rủi. Nếu như học giỏi văn hay mà đỗ thì năm ngoái mình đã đỗ rồi. Chỉ của triều đình năm ngoái tuy có hứa cho mình đỗ thủ khoa thật đấy, nhưng năm ngoái một ông chủ khảo, năm nay một ông chủ khảo, biết rằng người ta có nhớ nhời cũ mà nhắc lại cho không?

Ấy cũng vì thế mà ai rằng đỗ mặc ai, chàng vẫn gờm gờm trong bụng.

Tóm lại, lúc ấy chàng cũng giống như con chim đã hai ba lần phải cung, bây giờ lại thấy cây cong, tự nhiên là phải chột dạ, cho nên những khi cả nhà chè chén cười đùa, chàng cũng cố làm ra bộ vui vẻ, nhưng hễ chợt nghĩ đến nạn khoa cử, nét mặt lại hiện ra vẻ bần thần.

Nhất là từ đêm đến giờ, tim chàng thấy hồi hộp hơn nữa.

Vì ngày nay là ngày xướng danh, cái ngày quyết định sự thắng bại của chàng.

Từ lúc trống canh mới điểm bốn tiếng, chàng đã trằn trọc không thể nằm yên, hình như Đốc Cung cùng một tâm trạng như chàng cho nên cũng thấy luôn luôn cựa cậy.

Con gà hàng xóm mới cất tiếng gáy, ông chủ nhà trọ đã khua thằng nhỏ dậy đốt đèn đun nước. Ánh sáng chói vàng của ngọn lửa đóm lùa vào trong nhà làm cho cả nhà đều phải thức giấc và đều ngồi dậy.

Ngoài sân còn tối như bưng. Gió bấc vật các tầu cau phành phạch. Hơi lạnh của những giọt sương mới dong theo các khe cửa thun thút lùa vào trong nhà. Mọi người đều thít tha kêu rét. Vân Hạc, Đốc Cung dường như cảm thấy sự rét nhiều hơn. Cả hai đều run cầm cập, tuy ở sau lưng vẫn quàng bức chăn sù sù.

Với bộ mặt tươi như con rói, ông chủ nhà trọ tay xách siêu nước, tay bưng khay chén, đặt vào giữa phản và bảo người em Đốc Cung:

- Cậu pha nước giùm, để tôi chạy lên cửa trường xem sao.

Và không đợi ai trả lời, ông ấy nhanh nhảu quay ra, và nhanh nhảu xuống thềm đi thẳng.

Trời rạng đông. Hồi trống tan canh lần lượt dồn nhau ở các đầu phố. Mấy chị hàng quà õng ẹo rao bằng những tiếng chua lòm. Bấy giờ Vân Hạc, Đốc Cung ruột gan càng nóng hôi hổi, thì giờ của hai chàng lúc ấy mỗi phút mỗi thấy quan hệ.

Dưới ánh đèn le lói, trong nhà như vẽ ra một cảnh tượng hỗn tạp. Hải Âu, Đoàn Bằng thản nhiên như thường, Khắc Mẫn buồn như chấu cắn, Vân Hạc, Đốc Cung luôn luôn có vẻ băn khoăn. Các ông họ Nguyễn, các ông họ Bùi cũng như Cương Phượng, Tường Loan ai nấy cười cười nói nói vui như tết.

Tuần chè thứ nhất đã cạn khắp lượt. Hải Âu rẽ ràng bảo Vân Hạc, Đốc Cung:

- Bác và chú đừng lo, tôi chắc thế nào cũng đỗ.

Rồi thày tiếp:

- Tôi tính trên đời không gì sướng bằng lúc bắt đầu biết mình thi đỗ. Vì sự thi đỗ đối với học trò giống như một cuộc đổi lốt, nó đã làm cho người ta trút hết những hoàn cảnh cũ, đi đến hoàn cảnh mới.

Đốc Cung cười:

- Thế sao bác không đi thi?

Hải Âu cũng khôi hài:

- Tôi phải nhường cho bác chứ sao!

Trời mờ sáng, ngoài phố xôn xao tiếng người. ông chủ nhà trọ tất tả chạy về.

- Thưa các quan, cửa trường đã mở rồi ạ! Lính tráng đã khiêng hai chiếc ghế tréo ra đấy rồi ạ. Hai ông quản tượng đã dắt hai ông voi già đợi ở ngoài trường rồi.

Rồi quay thẳng xuống phía nhà dưới, ông ấy quát tháo người nhà:

- Chúng bay làm cơm mau lên, để hai quan tân khoa xơi rượu, rồi các ngài còn phải đi lĩnh mũ áo.

Đốc Cùng phì cười:

- Có lẽ ông này sẽ lấy hai thằng đỗ cả đây chắc? Sao mà quyết đoán như vậy?

Ông chủ nhà trọ nghe thoảng vào tai, liền đáp:

- Vâng cháu quyết lắm. Cháu quyết ba quan năm nay đỗ cả, hai quan cử nhân, một quan tú tài. Bởi vì hồi đầu tháng mười, cháu đã ba lần mơ thấy nhà cháu bị cháy, hai lần cháy to, lừa bốc rực trời, và một lần cháy nhỏ. Đấy là điểm hai quan cử và một quan tú chứ gì.

Cố nhiên Vân Hạc vẫn không tin gì cái mộng của ông chủ nhà. Nhưng giọng nói sôi nổi của ông ấy cũng làm cho chàng cảm xúc rất mạnh, mất cả cơn lo. Và cũng không mừng. Chính chàng cũng không thể tả được tâm trạng của chàng lúc ấy ra sao, chỉ thấy trống ngực mỗi lúc một mạnh, tưởng như ngồi cạnh mấy thước cũng nghe rõ những tiếng thình thịch.

Tường Loan, Cương Phượng, người nhà Đốc Cung, người nhà Khắc Mẫn đều rối rít sắm sửa quần áo để lên cửa trường.

Trời sáng rõ, ngoài đường hàng xứ lũ lượt đi xem xướng danh. Vân Hạc, Đốc Cung đều không dám lộ mặt ra khỏi cửa, tuy rằng trong lòng cực kỳ náo nức, chỉ muốn ra xem ngoài ấy thế nào? Tiêm Hồng rẽ ràng hỏi Đốc Cung, Vân Hạc:

- Bác và chú chắc đều chưa có áo tấc?

Đốc Cung khiêm tốn:

- Chắc gì chúng tôi đỗ được, mà bác hỏi đến cái đó?

Hải Âu xen:

- Kể ra cũng nên dự bị thì phải. Nếu không lúc cần đến thì tìm đâu ra?

Ông chủ nhà trọ ở đâu chạy vào:

- Thưa các quan, nhà cháu có chiếc áo tấc mới may tháng tám vừa rồi. Nếu các quan dùng, cháu xin đưa ra và xin mượn thêm của cụ Bát bên kia chiếc nữa.

Khắc Mẫn hỏi:

- Tôi tưởng các anh ấy đỗ sẽ có mũ áo Vua ban?

Tiêm Hồng đáp:

- Nhưng trước khi lãnh của nhà vua, nghĩa là sau khi người lính xướng danh gọi đến tên mình, mình đã phải mặc áo tấc kia mà! Vả lại, nhà vua ban mũ và áo cho các cống sĩ, là để các ông ấy mặc trong khi thi đình, không phải để dùng trong lúc xướng danh. Nếu mình không sẵn áo nhà thì làm thế nào?

Ông chủ nhà trọ đã toan đi xuống, lại quay mặt lại:

- Thưa các quan, cháu đã dự sẵn con lợn rồi ạ. Khoa này quyết là các quan phải khao nhà trọ.

Rồi, ông ấy cười giòn khanh khách.

Vân Hạc vội ngăn:

- Ấy chết. Chắc về cái gì mà ông mua non mua già như thế? Nếu mà tủi thân con lợn là tại ông đấy.

Trời loe nắng, mấy con chào mào trên ngọn cau thi nhau đưa những tiếng hót đắc ý, như muốn chào ánh sáng tươi đẹp của trời mai.

Ngoài cổng có tiếng người chạy huỳnh huỵch, Tường Loan nhảy chân sáo từ ngoài tiến vào và thở hồng hộc:

- Anh Hạc đỗ...! Anh Hạc đỗ thủ khoa!

Nói hết một câu, Tường Loan như bị đứt hơi, anh ta ngồi phịch xuống phản để thở một hồi dài nữa. Vân Hạc lúc ấy trong mình không thấy cảm tưởng gì khác, nhưng trống ngực thì càng thúc già. Chàng muốn hỏi Tường Loan tại sao biết là mình đỗ mà vẫn không hỏi được. Đốc Cung bấy giờ mới thấy nóng lòng nóng ruột.

Ngực chàng như muốn thi với ngực Vân Hạc, nó phát những nhịp thình thịch dữ dội như trống hộ thủy.

Ngoài cửa lại có tiếng chân huỳnh huỵch chạy vào, Cương Phượng múa cả hai tay và nói bằng giọng hổn hển:

- Thủ khoa về anh Hạc rồi!

Tiêm Hồng đầy nét vui vẻ trên mặt:

- Ừ, có thế chứ? Khi nào triều định lại quên lời hứa.

Rồi thày hỏi bọn Cương Phượng, Tường Loan:

- Nhưng đích là tai các chú nghe tiếng, hay mới thấy người ta kháo nhau?

Tường Loan đã bớt thở, liền thưa:

- Đích là tai em nghe tiếng! Bấy giờ em lên đến nơi, cửa trường đã đông ngậm nghịt, thiên hạ hàng xứ đứng chật vòng trong vòng ngoài. Thấy người ta reo quan chánh chủ khảo và quan đề điệu đã ra, em cố len vào trong lớp trong cùng, quả nhiên thấy có hai ông cầm hốt, đi hia, đội mũ cánh chuồn, mặc áo thủy ba, đương xúng xính trèo lên hai chiếc ghế tréo. Đấy hẳn là quan đề điệu và quan chủ khảo. Em đứng một lát, thì thấy một người ăn mặc giống như thầy thông.

Cương Phượng xen:

- Đấy là người lại phòng. Cái người cầm quyển sổ ấy chứ gì. Lúc ấy tôi cũng ở đấy.

Tường Loan vội đón:

- Phải. Cái người cầm quyển ấy. Ông ta nhìn vào quyển sổ, rồi nói nhỏ với người lính mặc áo nẹp đỏ sau đó, người lính ấy liền trông ra ngoài và gân cổ xướng một câu thật lớn như vầy:

"Cử nhân đệ nhất danh, Đào Vân Hạc. Niên canh nhị thập tam tuế, quán tại Sơn Tây, Đào Nguyên xã".

Em nghe thấy tên anh Hạc, sướng quá đi mất, đương sắp lách ra, thì ở phía ngoài lại có người lính cũng áo nẹp đỏ, cầm loa ngửa mặt lên trời và lại gọi thêm một lần nữa. Lúc em ra được bên ngoài, thì thấy hai người quản tượng cưỡi hai con voi đi ra hai ngả.

- Người ta bảo họ đi tìm ông thủ khoa, không biết có phải hay không?

Ông chủ nhà trọ lính quýnh chạy vào và góp một câu:

- Bẩm phải đấy ạ! Các ông quản tượng đi xướng danh ở các phố đấy ạ! Bẩm các quan, cháu nói có sai đâu. Các ngài đỗ cả ạ?

Rồi ông ta lập tức chạy xuống nhà dưới, rối rít giục người nhà bưng mâm để quan thủ khoa xơi rượu.

Vân Hạc lúc ấy không khác một người trong mộng, ruột gan tưởng như trăm hoa đua nở, đời chàng chưa có lúc nào thấy sự kích thích lạ lùng như lúc này.

Chàng muốn cố giữ nét mặt bình tĩnh cho khỏi lộ vẻ mừng rỡ, nhưng mà không sao giữ được những sự đắc ý như cứ thi nhau hiện trên đôi mắt đôi môi và nó bắt chàng đi đi lại lại khắp mấy gian nhà mà không tự biết.

Thằng nhỏ đã bưng mâm lên. ông chủ nhà trọ cúi đầu chắp tay tỏ vẻ cung kính.

- Bẩm xin rước quan thủ khoa và các quan xơi tạm chén rượu.

Khắc Mẫn nhìn Hải Âu và nói:

- Tôi tưởng hãy để anh Hạc đi lĩnh mũ rồi về uống rượu cũng vừa. Hôm nay anh ấy phải tiếp chúng mình một bữa thật lâu, chứ nếu ăn chập, ăn chuội thì còn thú gì?

Ông chủ nhà trọ tỏ ra một người quen việc:

- Bẩm cuộc xướng danh còn mãi đến chiều mới xong kia ạ! Nếu quan thủ khoa không xơi cơm tạm, e rằng đói quá.

Hải Âu nối lời:

- Phải, ở trường thi cứ gọi được người này, mới lại xướng tên người khác. Thế mà các quan tân khoa, nghe đến tên mình đã chịu ra ngay cho đâu? Các ngài còn trùng trình chán. Gọi hết hai nhăm ông cử, có lẽ phải đến chiều thật.

Hải Âu liền giục Vân Hạc, Đốc Cung và tất cả nhà cùng đi uống rượu, ai nấy vừa ngồi yên chỗ, bỗng thấy có tiếng ầm ầm. Rồi đến tiếng trẻ con hò reo:

- Ô kìa ông voi!

- À voi đi gọi các ông cử nhân mới đỗ.

Tường Loan, Cương Phượng và nhiều người khác vội bỏ mâm rượu đùng đùng chạy ra.

Một con voi già lụ khụ như dáng bà cụ đương ở đầu phố khệnh khạng đi lại với người quản tượng bệ vệ ngồi trên chiếc bành. Nghênh ngang giơ cái loa đồng lên trời, người quản tượng lấy hết hơi sức và xướng:

"Cử nhân đệ nhất danh Đào Vân Hạc! Niên canh nhị thập tam tuế, quán tại Sơn Tây tỉnh, Đào Nguyên xã?" Nhờ con voi già lệch thếch kéo đi, hồi loa ấm óe chạy từ đầu phố mãi đến cuối phố mới hết. Người quản tượng tạm nghỉ giây lát, rồi lại chiếu lại một hồi loa khác.

Chờ cho con vật theo lũ trẻ con hàng xứ rẽ sang phố khác. Tường Loan, Cương Phượng và các người kia mới cùng trở vào. Mâm cơm vẫn còn chờ đợi, Vân Hạc nhìn Đốc Cung và nói một cách đắc ý:

- Bây giờ tao quyết là không hỏng nữa.

Đốc Cung ra bộ lo ngại:

- Còn tao không biết thế nào.

Rồi đó, ai ngồi vào chỗ của nấy, Vân Hạc cũng như Đốc Cung, chẳng thiết gì sự ăn uống. Bữa cơm chỉ trong chốc lát thì xong.

Ông chủ nhà trọ đệ lên hai chiếc ảo tấc xếp trong khăn gói:

- Thưa các quan, tôi đã sắp sẵn đôi áo, để quan thủ khoa và quan cử mới dùng tạm.

Đốc Cung xua tay:

- Cái nào của quan thủ khoa thì để lại đấy, còn cái nào ông mượn cho tôi thì xin cất đi, chưa chắc tôi có dùng đến hay không.

Ông chủ nhà trọ tươi cười:

- Bẩm có ạ. Cháu chắc thế nào lát nữa ngài cũng phải dùng.

Hải Âu pha trò:

- Thôi thì cứ đem đi cả, hễ bác Cung không mặc thì tôi mặc?

Rồi Hải Âu bảo ông chủ nhà trọ cho thằng nhỏ cắp chiếc khăn gói theo hầu. Mọi người lũ lượt kéo đi, ở nhà chỉ còn Đốc Cung với bộ ruột gan nóng như lò lửa.

Trẻ con hàng phố sao mà tinh quá? Vân Hạc vừa nhô ra cửa, chúng đã vỗ tay bảo nhau:

- A, ông thủ khoa đây rồi?

- Ồ ông thủ khoa trẻ nhỉ?

- Không biết ông thủ khoa đã có vợ chưa?

Hàng trăm con mắt chòng chọc trông vào, kẻ khen ông thủ khoa đẹp, người bảo ông thủ khoa tươi.

Giữa sự chỉ trỏ nhìn ngắm của hàng xứ, Vân Hạc theo bọn Hải Âu đủng đỉnh lên phố Trường Thi. Khi sắp tới nơi, ở nẻo xa xa có tiếng thỏ thẻ đưa lại:

- Ai muốn xem mặt ông thủ khoa mới thì ra, ông ấy đã đến kia kìa!

Theo sau mấy tiếng õng ẹo, đào Phượng, đào Cúc thướt tha dẫn lại với một bộ điệu õng ẹo.

Tới gần Vân Hạc, hai ả chắp tay vái dài và cười bằng nụ cười của nhà nghề:

- Bẩm quan thủ khoa đã lên ạ! Một năm trời nay mất quan thủ khoa, chúng em tưởng...

Vân Hạc sẽ hỏi:

- Tưởng chết mất rồi, phải không?

Hai ả cùng đáp:

- Đâu dám thế. Chúng em tưởng rằng ngài bán cái xới Hà Nội.

Vân Hạc vội vàng lảng ra:

- Thôi hãy hãm các chuyện lại, để dành đến hôm tôi khao nhà trọ. Bây giờ lỗ tai người ta còn nghe xướng danh.

Và chàng đưa mắt cho cả hai ả, như muốn tỏ rằng có các ông anh cùng đi, không tiện nói chuyện.

Đào Phượng cố ý hỏi thêm câu nữa:

- Thế còn anh Cung đâu mất?

Vân Hạc sẽ đáp:

- Anh ấy sắp lên bây giờ.

Đào Cúc vỗ tay:

- Thế thì sung sướng quá nhỉ! Chúng tôi đi đón anh Cung.

Hai ả tiến xuống nẻo dưới, Vân Hạc và bọn Hải Âu thì đi lại phía cửa trường.

Người ở đâu đến mà nhiều như vậy? Trên một khu đất ở ngoài cửa tiền, đầu người lố nhố như một đám nấm sau trận mưa xuân, kẻ lách ra, người cố chen vào, không biết họ xem cái gì.

Vân Hạc đứng chờ một hồi khá lâu, chàng đã bồn chồn nóng ruột, bỗng có tiếng loa ậm ọe đưa ra cũng đúng như tiếng lúc nãy:

-Cử nhân đệ nhất danh Đào Vân Hạc? Niên canh nhị thập tam tuế, quán tại Sơn Tây tỉnh, Đào Nguyên Tiếng "xã" vừa dứt, Vân Hạc liền bảo thằng nhỏ nhà trọ:

- Mày to tiếng, dạ đi hộ tao.

Thằng nhỏ quay mặt trở vào, ưỡn ngực dạ một tiếng thật lớn.

Như đoàn tên của toán lính cung nỏ chĩa vào quân địch, trong đám đông có bao nhiêu mặt đều xô về phía Vân Hạc. Người ta ồn ào hỏi nhau:

- Không biết ông nào là ông thủ khoa?

Thằng nhỏ nhà trọ liền mở khăn gói lấy chiếc áo tấc cho Vân Hạc.

Với một dáng bộ hùng dũng như ông mãnh tướng phá vòng vây, người lính áo nẹp theo chỗ tiếng dạ múa roi dẹp đánh hàng xứ, để cho khu đất cửa trường có một lối đi. Theo người lính ấy, Vân Hạc lính xính đi vào với Cương Phượng.

Trên chiếc ghế tréo kê ở phía hữu, ông chánh chủ khảo với chiếc mũ cánh chuồn đương ôm cây hốt ở ngực, đối nhau với ông chánh đề điệu và chiếc mũ võ ngồi ở mặt ghế phía tả.

Sau khi vái chào quan chánh chủ khảo, Vân Hạc quay sang vái chào quan chánh đề điệu.

Bằng một giọng trọ trẹ khó nghe, ông chánh chủ khảo nói những câu gì không rõ, rồi ông chánh đề điệu chỉ đám mũ áo để trên một chiếc án thư cạnh đó, bảo người lính hầu chọn cho Vân Hạc mỗi thứ một chiếc.

Vân Hạc đón áo và mũ đưa cho Cương Phượng, một lần nữa chàng cúi chào hai vị quan trường tỏ ý cám ơn. Hai tên lính đưa chàng đi thẳng vào nhà Thập đạo.

Bấy giờ trong nhà Thập đạo, các ông sơ khảo, phúc khảo, các ông đề điệu đã họp đông đủ.

Hôm nay quang cảnh khác hẳn mọi ngày. Trước nhà Thập đạo, một tòa rạp cót chạy dọc, tênh hênh dựng ở giữa trời. Hai bên cạnh rạp, hai bức chấn song tre tươi hững hờ ngăn khu lòng rạp với phía ngoài rạp.

Dưới rạp hai dãy chiếu hoa cạp đỏ sàm sạp trải trên mặt đất.

Theo lời chỉ dẫn của người lính đưa đường, Vân Hạc ngồi vào chiếc chiếu đầu hàng bên lẻ, Cương Phượng cắp gói mũ áo trang nghiêm đứng ở đằng sau.

Vân Hạc còn đương phân vân không biết đã nên đội mũ và mặc ảo mới hay chưa, một ông sơ khảo vừa xuống bảo cho chàng biết những mũ áo đó ngày mai làm lễ tạ ân mới phải dùng đến.

Rồi các khảo quan lần tới đó hỏi chuyện. Các ngài nhắc lại văn bài các kỳ và khen Vân Hạc là bậc tài hoa.

Ngoài trường lúc ấy đã xướng đến tên ông cử thứ hai.

Chừng một giờ sau, thì ông á nguyên đi với người lính áo nẹp vào rạp và ngồi góc chiếu ở đầu hàng chẵn.

Với ông đó, Vân Hạc tuy chưa quen thuộc bao giờ, nhưng ngay lúc đó, cái nghĩa đồng khoa, đã làm cho hai người coi nhau rất thân và rất tương đắc.

Từ đó trở đi, cứ chừng mỗi giờ, trong rạp lại thêm một ông cử nữa.

Mặt trời ở mái Thập đạo nhòm xuống, ánh nắng xuyên qua lỗ cót, khoang khua in vào mặt chiếu, ngoài cứa văng vẳng có tiếng "Đốc Cung", Vân Hạc vội để ý nghe, tiếng loa vừa ậm ọe gọi:

"Cử nhân đệ bát danh Bùi Đốc Cung. Niên canh nhị thập nhị tuế, quán tại Hà Nội tỉnh. Trúc Lâm xă".

Văn Hạc mừng quá, chàng liền đem hết gia thế, tính tình, tài học của Đốc Cung kể với các bạn đồng niên.

Một hồi khá lâu mới thấy Đốc Cung ve vẩy đôi tay khấu của chiếc áo tấc lụng thụng đi vào với người cháu họ cắp bộ mũ áo của chàng vừa lĩnh. Người chàng khi ấy đã thành một thiên trào phúng rất có ý vị, khiến cho Vân Hạc không thể nín cười.

Các ông vào trước lần lượt khai tên họ với ông vào sau. Giữa cuộc gặp gỡ của cửa Không sân Trình, câu chuyện thanh khí mỗi lúc mỗi nồng nàn đằm thắm.

Mặt trời tà tà, hai nhăm ông cử đến đã đủ mặt.

Trong đó có đến bảy ông đều là học trò cụ bảng Tiên Kiều.

Sau khi bảng cử nhân và bảng tú tài đã yết ở ngoài cửa trường, hai ông chủ khảo đề điệu lại về trong nhà Thập đạo. Lúc ấy quan tổng đốc Hà Nội mới vào trong trường chúc mừng các ông tân khoa và hẹn giờ mão ngày mai đến đây ăn yến.

Rồi đó các ông tân khoa đồng thời đứng dậy và cùng giải tán theo mệnh lệnh của quan chủ khảo.

Ra khỏi cửa trường, Vân Hạc, Đốc Cung liền cởi áo tấc trao cho thằng nhỏ nhà trọ. Hai chàng định cố len vào xem bảng tú tài: vừa thấy Tường Loan đi tìm và nó cho biết Khắc Mẫu được đỗ tú tài đội bảng.

Đốc Cung vui cười:

- Cứ như sức học anh ta thi đỗ đội bảng tú tài cũng phải. Nhưng giá được trên một người thì danh giá hơn.

Vân Hạc cũng cười:

- Đến anh Bằng tao năm ngoái cũng chỉ đỗ trên hai người, huống chi thằng Mẫn. Thôi thì đội bảng cũng được, miễn làm được là ông tú cũng sướng cho nó lắm rồi.

Đi vài bước nữa thì gặp Hải Âu, Đoàn Bằng.

Không hiểu đã ai báo tin cho biết, Khắc Mẫn lúc ấy cũng đã tới đó. Cả bọn nghênh ngang trở về với sự hoan hỉ của một toán quân thắng trận.

Tường Loan vừa đi, vừa kể:

- Lúc nãy có một ông cử lạ quá. Người lính xướng danh vừa bắc loa gọi, ông ta liền nắm hai tay đấm mãi vào chiếc nón sơn để trước ngực. rồi nhảy như con choi choi và reo một thôi "sỏ lợn về ai". Lúc đầu ai cũng tưởng là người điên. Về sau có người nhắc rằng: "Sao không dạ đi", ông ta mới dạ một tiếng rất lớn, bấy giờ hàng xứ mới biết đó là ông cử.

Hải Âu bật cười:

- Chắc là ông đó đã hỏng nhiều khoa, cho nên bây giờ được đỗ mới sướng như thế.

Mặt trời sắp lặn, cả bọn mới về đến nhà.

Quang cảnh nhà trọ đêm ấy cố nhiên phải cực náo nhiệt, sự vui vẻ có phần còn hơn đám hội. Ông chủ nhà trọ và nhiều người khác đều phải thức đến sáng bạch.

Hôm sau, vào khoảng nủa buổi, Vân Hạc, Đốc Cung, sắm sửa khăn áo chỉnh tề rồi mồi chàng đem một người xách gói mũ áo đến trường thi.

Bấy giờ quan trường đều đã tề tựu ở nhà Thí viện. Cụ bảng Tiên Kiều, cụ nghè Quỳnh Lâm, cụ cử Mai Đình và nhiều văn thân các tỉnh cùng được mời đến.

Sau khi hai chàng vái chào khắp lượt, cụ cử Mai Đình liền nói cho các quan biết khoa này học trò cụ bảng Tiên Kiều chiếm một góc bảng cử nhân. Cử tọa đều hết sức ca tụng, phục cụ là bậc sư biểu của sỹ lâm.

Một lát sau, các ông cử mới lục tục đến dần. Theo lệnh quan chánh chủ khảo, hết thảy mọi người đều lên nhà Thí viện làm lễ.

Chinh giữa Thí viện vừa mới thiết lập một chiếc hương án. Tán vàng, tán tía phấp phới giường trên những ngọn bạch lạp sáng rực. Cảnh tượng khi ấy mới đẹp làm sao! Hàng mấy chục mũ cánh chuồn nghênh ngang, hàng mấy chục áo đại trào khoang khua, rồi hàng mấy chục áo tấc mầu lam tha thướt như lưới đánh cá.

Khói trầm nghi ngút bốc trên hương án, chiêng trống theo nhau đưa ra những tiếng tùng bu.

Cuộc hành lễ bắt đầu.

Đấy mới là lễ bái vọng. Quan chánh chủ khảo xúng xính vào trước. Qua năm lần hưng bái, ngài đi lùi ra và đứng sang phía bên hữu.

Đến quan phó chủ khảo. Cũng đủ hưng bái năm lần, rồi ngài cũng lui xuống đứng sang phía bên tả.

Rồi đến các ông ngự sử, đề điệu, phân khảo, giám khảo, phúc khảo, sơ khảo, ai lớn vào trước, ai nhỏ vào sau, mỗi ông cũng phải hàng năm lần và bái năm lần.

Hết bộ quan trường, đến lượt quan tổng đốc sở tại và văn thần các tỉnh.

Cũng như hai ông chánh phó chủ khảo, các ông sau này lễ xong cũng phải đứng ra hai bên. Ông nào ông ấy, hai tay chắp ngực, nét mặt nghiêm trang...

Bây giờ mới đến các ông cử mới.

Đây là lễ tạ ơn nhà vua lấy đỗ. Cố nhiên mỗi người cũng phải năm lễ.

Hết hai trăm rưởi cái lên gối, xuống gối, các ông tân khoa cũng đứng dàn ra hai dãy.

Bây giờ đến lễ tạ ân mũ áo. Hai nhăm các ông tân khoa phải sì sụp một trăm hai mươi nhăm cái.

Lần này đến lễ tạ ơn cho yến. Mỗi vị tân khoa lại phải phủ phục thêm năm lượt nữa.

Xong cuộc tạ ân nhà vua, đến cuộc tạ ân phòng sư. Những ông tân khoa đều tạ quan trường hai lễ.

Lúc này mới thật là hỗn độn, ông thì lễ sang phía tả, ông thì lễ sang phía hữu, có ông lễ vung tàn tán, chẳng biết mình lễ ai.

Tan các cuộc lễ, các quan và các ông cử đều ra ngoài rạp dự yến.

Tiệc này là yến ìộc mình, do quan tổng đốc sở tại lĩnh tiền trong kho giao cho đội tuần sửa soạn.

Theo lệ, các cỗ chĩa làm ba hạng, hạng nhất, mỗi cỗ ba quan, hạng nhì kém đi năm tiền, hạng ba thì chẵn hai quan một cỗ.

Bấy giờ ở ngoài rạp cỗ bàn đã bày la liệt. Các quan khách và các cống sĩ rồi các lại phòng, ai nấy cứ theo ngôi thứ mà ngồi.

Hai ông chánh phó chủ khảo ngồi riêng một bàn.

Ông chánh đề điệu ngồi với các ông giám khảo. Quan tổng đốc sở tại ngồi với các khách văn thân. Đấy là những cỗ hạng nhất, số người không nhất định.

Mấy ông phân khảo, ngự sử, và phó đề điệu ngồi với các ông phúc khảo, sơ khảo. Đây là cỗ hạng nhì, mỗi bàn bốn người. Các ông cử mới và các lại phòng đều ngồi vào cỗ hạng ba. Cử nhân mỗi bàn cũng bốn người, lại phòng thì phải sáu người một bàn. Các bàn ngồi vào vừa yên chỗ, ngoài cửa nghe có tiếng dép lẹp kẹp. Một lũ đào kép lố nhố tiến vào trước rạp với các sênh phách, đàn trống.

Thì ra hôm ấy là ngày đại yến, bao nhiêu danh ca trong tỉnh đều bị gọi đến hầu tiệc. Đào Phượng, đào Cúc cũng có ở đó.

Sau khi vái chào các quan, hai đào một kép xin phép ngồi xuống chiếc chiếu trải ngoài cửa rạp, còn các ả khác thì đến các mâm rót rượu.

Theo lời đề cử của quan tổng đốc sở tại, ông thủ khoa mới phải đánh chầu. Người kép liền đệ trống và roi chầu đến chỗ Vân Hạc.

Trống điểm, đàn dạo, phách giục chát chát, tiếng hát bắt đầu ngân dài, các bàn lần lượt lên chén.

Lúc ấy người ta mới kịp ngó tới các món trong mâm. Đại để gần giống những món trong các đám khao, đám cưới, cũng giò chả, cũng ninh nấu cũng yến xào, vây cá, bào ngư, long tu... chỉ hơn bốn bát trên mặt có cài những mảnh trang kim trổ hoa vẽ thuốc, sặc sỡ như tờ trang kim ở hòm pháo.

ĐÓ là mấy món tứ linh, món "long" nấu bằng cá chép, giấy trang kim trổ hình vây rồng vẩy rồng, món "phượng" nấu bằng con gà, giấy trang kim trổ hình cánh phượng, đuôi phượng; món "quy" nấu bằng con vịt giấy trang kim trổ hình mai rùa, đuôi rùa, món "ly" thì là một chiếc chân lợn, giấy trang kim làm ra đầu, đuôi và bờm kỳ lân.

Đàn càng réo rắt, phách càng giòn giã, tiếng hát càng lên cao giọng, cuộc rượu mỗi lúc mồi thêm vẻ nồng nan.

Vân Hạc đánh hết hai khổ, chàng liền nhường trống cho ông á nguyên.

Theo lệnh quan chánh chủ khảo, một tên hình hầu đệ bút mực và bức hoa tiên đến chỗ Vân Hạc để chàng làm thơ niên nghị.

Việc này chàng đã dự bị từ đêm hôm qua, bây giờ chỉ phải soát lại một lượt xem có chữ nào đáng chữa hay không, rồi chàng viết luôn một bài ngũ ngôn Đường luật đưa sang trình quan chủ khảo.

Với những chữ nét sắc như cắt và tươi như hoa viết trên một bức hoa tiên bóng bẩy, bài thơ như càng thêm vẻ xuất sắc, ông chánh chủ khảo coi rồi mỉm cười khen được và gọi một người lê sinh ngâm cho cử tọa cùng nghe.

Bằng một giọng kêu như tiếng chuông, người lễ sinh đọc:

"Thịnh thế văn phong uất,

"Thu vi sỹ lộ hoành,

"Long môn tân điểm ngạch,

"Hòe thị cựu tri danh.

"Hồng bạch hoa tranh diệm,

"Bình cao lộc cộng minh

"Như hà tương miễn lệ?

"Vạn lý khán bằng trình?

Trên tiệc, ai nấy đều phục là giọng thủ khoa. Rồi bức hoa tiên lại trở về chỗ các ông cử mới. Mỗi ông liền sao một bản để làm kỷ niệm. Cuộc rượu thêm vài tuần nữa, cả đám đều có vẻ say, tiếng cười nói không lúc nào ngớt. Bấy giờ bao nhiêu ả đào đổ xô cả đến chỗ mấy ông cử trẻ. Chung quanh Vân Hạc, Đốc Cung, ngoài đào Phượng và đào Cúc ra, lại có bốn năm ả khác xoắn lại như nhựa. Mấy cụ cử già đành chịu ngồi trơ với nhau.

Cuộc yên kéo dài đến cuối giờ ngọ mới tan. Các món tứ linh đâu vẫn nguyên đó, không ai động đũa.

Mỗi ông cừ mới nhận lấy một món và vài ba thứ bánh trái, giao cho đầy tới gói lại làm phần, để đem về biếu người nhà, gọi là chút ơn vua lộc nước.

Trước khi mọi người ra về, quan tổng đốc sở tại tặng cho mỗi ông cử mới một chiếc lọng xanh chóp bạc, sai lính đưa về tận nhà trọ cho các ông ấy.

Vân Hạc, Đốc Cung ra khỏi cửa dinh, đào Phượng, đào Cúc tranh nhau che lọng đi hầu. Hai ả đã đưa hai chàng đến quá nửa đường, rồi mới trở lại.

Lại một đêm nữa, nhà trọ phải làm đám hội.

Rồi Vân Hạc, Đốc Cung, Khắc Mẫn và cả ba toán họ hàng đồng thời đưa việc vui mừng về quê sau khi đã an ủi ông chủ nhà trọ bằng một tiếc khao rất long trọng.

Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×