Cha con nghĩa nặng - Chương IV: Quan làng tra xét (Hồ Biểu Chánh)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
04/07/2019 12:45:12 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Cha con nghĩa nặng - Chương V: Anh em thương nhau (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cha con nghĩa nặng - Chương VI: Anh em một nhà (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cha con nghĩa nặng - Chương III: Rủi tay rồi ăn năn (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cha con nghĩa nặng - Chương II: Tức mà hỏi vợ (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Con nít nhà nào cũng vậy, hễ thấy cha mẹ đánh lộn thì thường hay binh mẹ la khóc om sòm. Chẳng phải chúng nó làm như vậy là vì thương mẹ nhiều hơn thương cha. Không, cha với mẹ chúng nó đồng thương; nếu chúng nó binh mẹ có lẽ tại chúng nó gần gũi mẹ nhiều hơn, hoặc chúng nó thấy mẹ yếu đuối, nên sợ mẹ chúng nó bị hại.
Thằng Tý với con Quyên lại không giống con nít khác. Chúng nó thấy cha mẹ rầy lộn lại bỏ chạy ra sau cối xay mà núp. Chừng cha mẹ đánh lộn, chúng nó không la không khóc, lại ló đầu mà dòm. Cử chỉ như vậy, chắc là tại bình nhựt Trần Văn Sửu thường hay săn sóc chúng nó, và thường hay nhịn thua Thị Lựu, bởi vậy thấy đánh lộn, chúng nó đã không binh mẹ, mà lại tưởng cha sẽ thua nữa.
Khi Trần Văn Sửu dở cửa chạy mất rồi, thằng Tý sẻ lén bước ra và lại đứng gần mẹ nó mà coi. Con Quyên cũng đi theo đứng một bên đó. Chừng nó thấy Thị Lựu mở cặp mắt trao tráo mà nằm im lìm thì thấy làm lạ, không dè đã chết rồi. Con Quyên nắm tay mẹ nó và lúc lắc kêu rằng: “Má ơi! Má. Sao má nằm hoài đó má? Dậy vô buồng mà ngủ với em chớ. Cha đi nữa rồi”. Thị Lựu nằm trơ trơ. Thằng Tý bưng đèn lại coi, thấy máu chảy dưới cổ dầm dề, nó rờ mặt mẹ nó thì lạnh ngắt, nó nhớ lại hồi nãy cha nó có nói mẹ nó chết rồi, nên nó sợ, lật đật để đèn trên ghế, kéo tay em nó mà dắt ra cửa và nói rằng: “Má chết rồi, đi kêu ông ngoại đi em”.
Hai đứa nhỏ ra sân. Trời sáng trăng như ban ngày. Thằng Tý muốn chạy cho mau, ngặt vì con Quyên chạy không mau được, nên nó phải chậm chậm lại mà dắt. Chừng qua tới nhà Hương thị Tào, thằng Tý vỗ cửa kêu ông ngoại om sòm.
Hương thị Tào thức dậy đi thầm ra mở cửa và hỏi rằng: “Thằng Tý phải hôn cháu? Kêu giống gì mà khuya dữ vậy?”. Thằng Tý đáp rằng: “Ông ngoại lại đằng nhà tôi ông ngoại coi”. Hương thị Tào hỏi:
- Coi giống gì mà chừng nầy nè? Vậy chớ sáng không được hay sao?
- Không được. Ông ngoại phải đi liền bây giờ.
- Đi làm gì chớ?
Thằng Tý nín thinh, không chịu nói nữa. Con Quyên vùng nói rằng: “Má chết rồi, ông ngoại à”.
Hương thị Tào nghe nói thất kinh, lật đật dở cửa chun ra sân và hỏi rằng: “Má bây chết sao? Chết hồi nào? Sao mà chết? Cha bây đâu?”. Thằng Tý không chịu trả lời, mà nó giựt tay em nó và nói rằng: “Nói bậy hoài! Giống gì mà chết, để ông ngoại lại coi mà”.
Hương thị Tào hỏi nữa rằng:
- Sao đó Tý?
- Không biết. Ông ngoại lại đó mà coi.
- Chuyện gì mà tao hỏi mầy không chịu nói vậy hử? Sao đó Quyên?
Thằng Tý nín khe, con Quyên mới bị anh nó rầy nên nó cũng không dám nói. Hương thị Tào không thèm hỏi nữa, bỏ đi riết qua nhà con rể. Con Quyên với thằng Tý lóc thóc chạy theo sau. Hương thị Tào bước vô sân thì nghe tiếng thằng Sung khóc vang rần ở trong buồng. Ông ta dở cửa chun vô nhà, thấy Thị Lựu nằm ngay đơ trên ván, xét coi đã chết ngắt rồi, mà trên đầu lại có thương tích, thì kinh hãi, nên lật đật hỏi thằng Tý rằng:
- Sao vậy Tý? Ai dám đánh má mầy chết như vậy hử?
- Má té.
- Té đâu?
- Té đụng vô bộ ván đó.
- Tại sao mà té?
- Ai biết đâu nà.
- Sao lại không biết? Mầy phải nói cho mau. Cha chả! Phải đi báo với làng mới được. Quân nào nó giết con tôi như vầy, trời đất ôi! Cha mầy đâu, Tý?
- Cha ngủ giữ lúa ngoài ruộng.
- Hèn chi.
Thằng Sung nằm trong buồng, càng khóc lớn hơn nữa.
Hương thị Tào chạy vô buồng bồng nó, rồi trở ra hỏi con Quyên rằng:
- Ai đánh má mầy như vầy, Quyên?
- Cha với má đánh lộn mà.
- Đánh hồi nào? Sao nói cha mầy đi ngủ giữ lúa?
- Cha về, má rầy cha, nên cha giận cha đánh chớ.
- Trời ơi! Té ra thằng Sửu nó giết vợ nó chớ! Ở nhà đó, để tao đi báo với Hương quản đặng còng đầu nó.
Hương thị Tào bồng thằng Sung, dợm bước ra cửa. Thằng Tý níu lại và nói rằng: “Đừng đi báo với Hương quản, ông ngoại. Không phải cha tôi đánh má tôi đâu”.
Hương thị Tào trợn mắt hỏi rằng:
- Không đánh chớ sao mà bể đầu nằm chết đó? Mầy kiếm chuyện mà bào chữa cho cha mầy, phải hôn? Nó giết má mầy, để tao thưa với làng bắt giải cho Tòa chém nó, mầy còn cản nỗi gì?
- Không phải cha tôi đánh mà bắt cha tôi giống gì?
- Sao con Quyên nó mới nói đó?
- Nó nói bậy. Để tôi nói cho ông ngoại nghe. Má tôi trai gái với Hương hào Hội. Cha tôi về bắt được. Hương hào sợ chạy, nên xô má tôi té nhằm bộ ván chết đó. Phải bắt Hương hào, chớ sao lại bắt cha tôi. Tại Hương hào mà.
Hương thị Tào nghe nói chưng hửng, đứng ngó thằng Tý trân trân. Ông ta rưng rưng nước mắt mà hỏi thằng Tý rằng: “Thiệt như vậy hay sao cháu?”. Thằng Tý gục gặc đầu. Hương thị Tào thở dài và nói rằng: “Nếu thiệt vậy thì khốn nạn lắm. Tôi vô phước quá, trời đất ôi!”. Hương thị Tào châu mày nhăn mặt, đứng suy nghĩ một hồi lâu, chẳng hiểu ông ta tính lẽ nào mà bồng thằng Sung bước ra sân và nói rằng: “Bề nào cũng phải đi báo với làng, đặng người ta tra xét cho ra lẽ, chớ nín thinh sao được”.
Hương thị Tào đi rồi, con Quyên đứng ngó thây mẹ nó và khóc thút thít. Thằng Tý không khóc mà mặt nó buồn lắm.
Gió tạt ngọn đèn leo lét, canh khuya tư bề vắng teo, thây của Thị Lựu nằm trơ trơ, mà mắt mở trao tráo. Có lẽ hai đứa nhỏ thấy cảnh như vậy chúng nó sợ hay sao nên không dám ở trong nhà, dắt nhau ra lộ đứng mà chờ ông ngoại. Cách một hồi lâu, Hương thị Tào bồng thằng Sung lơn tơn đi về, lại có chánh Hương quản Sum với Phó lý Hề đi theo.
Chánh Hương quản Sum bận quần lãnh đen, áo bành tô trắng, chơn mang giày hàm ếch, đầu đội kết có rằn, tay cầm ba ton, miệng ngậm điếu thuốc, vừa bước vô sân thì nói lớn lên rằng: “Chống cửa lên coi nào”. Phó lý Hề lật đật vô chống cửa. Chánh Hương quản bước vô trước, ngó thấy thây Thị Lựu nằm trơ trơ trên ván thì đứng khựng lại và biểu rằng: “Phó lý Hề, mầy cầm đèn rọi coi mậy”.
Phó lý Hề cầm đèn lại rọi Thị Lựu. Chánh Hương quản vói lấy cái đèn biểu Phó lý Hề lăn Thị Lựu đặng cho anh ta khám vết tích. Anh ta coi cùng mình thì không có bầm, hoặc sưng, hoặc trầy chỗ nào hết, duy có bể óc phía sau mà thôi. Anh ta rọi trong nhà thì không có máu chỗ nào hết, duy dưới đất gần chỗ Thị Lựu nằm có máu chút đỉnh mà thôi.
Chánh Hương quản khám thương tích xong rồi, bèn day lại hỏi Hương thị Tào rằng: “Chú nói thằng rể ngủ giữ lúa ngoài ruộng, vậy chớ đêm nay có ai ở nhà đây với Thị Lựu? Đâu chú kêu hết ra tôi tra coi”.
Hương thị Tào chỉ thằng Tý với con Quyên mà nói rằng: “Thưa thầy Hương quản, chồng nó mắc đi ngủ giữ lúa, nó ở nhà với ba đứa con nó, chớ có ai nữa đâu”.
Chánh Hương quản trợn mắt ngó thằng Tý và hỏi rằng:
- Thằng nhỏ nầy, ai đánh má mầy chết đó? Mầy phải khai thiệt, bằng khai gian thì ở tù chết bây giờ.
- Hương hào xô má tôi té, nên đập đầu vô ván chết đó a.
- Hương hào nào?
- Hương hào Hội.
- Húy! Cha chả! Thiệt hôn?
- Thiệt.
- Sao mà Hương hào Hội xô má mầy?
- Hổng biết nữa.
- Có lý nào mà không biết.
Chánh Hương quản liền sai Phó lý Hề chạy đi đòi Hương hào Hội lập tức. Anh ta day qua thấy con Quyên đứng dựa bên đó bèn hỏi nó rằng: “Còn con nhỏ nầy, sao má mầy chết đó vậy hử?”. Con Quyên ngó Hương quản rồi ngó anh nó, mà nó không chịu trả lời. Chánh Hương quản thấy vậy bèn nắm tay bom ngọt, dỗ nó mà hỏi nữa. Nó giựt tay chạy lại đứng dựa bên thằng Tý, mà nó cũng không chịu nói.
Trùm Sốc, Phó thôn Keo và đàn bà lối xóm nghe lộn xộn nên tựu đến mà coi. Chánh Hương quản hỏi con Quyên không được bèn bỏ nó mà hỏi Hương thị Tào rằng:
- Chú có đi kêu thằng rể chú hay chưa?
- Thưa, chưa.
- Sao không mượn người ta đi kêu nó đi.
Hương thị Tào bèn cậy Trùm Sốc ra ruộng mà kêu Trần Văn Sửu.
Chánh Hương quản biểu Phó thôn Keo cầm đèn cho anh ta đi coi trong nhà. Vô trong buồng, anh ta dở mùng lên, thấy có sợi dây nịt da để trên đầu nằm. Anh ta mở túi dây nịt thì thấy có bảy đồng bạc giấy với một cái giấy thuế thân tên Nguyễn Văn Hội. Anh ta cuốn sợi dây nịt cầm trong tay mà miệng chúm chím cười. Đi rọi tới nhà bếp thì thấy cửa sau mở bét. Rọi ra trước sân, thì thấy có một cây cóc bỏ nằm đó, anh ta mới lượm cây cóc đem vô nhà.
Phó lý Hề về tới, có Hương hào Hội đi theo. Hương hào Hội bước vô, mặt mày xanh dờn, bộ đi lóm khóm, vừa thấy chánh Hương quản thì hỏi rằng: “Cậu cho đòi tôi chi vậy, cậu Sáu?”.
Chánh Hương quản chỉ thây Thị Lựu và đáp rằng: “Ban đêm, mầy đến hãm người ta không được, rồi mầy giết người ta đây, tao bắt còng mầy, chớ đòi làm chi”.
Hương hào Hội run bây bẩy, mắt ngó thây Thị Lựu mà miệng trả lời rằng:
- Bẩm cậu, tôi ngủ ở nhà từ hồi hôm cho đến bây giờ, tôi có biết chuyện gì đâu. Thằng Phó lý lại kêu thì tôi đương ngủ, cậu hỏi nó thử coi.
- É, đừng có chối. Thằng nhỏ đã khai rõ ràng, hết thảy mấy người ở đây đều nghe. Lại tao có bằng cớ khác nữa, mầy chối sao được.
- Bẩm cậu, thiệt là oan cho tôi quá.
- Ứ, oan. Phó lý Hề, mầy còng Hương hào lại, rồi dắt trước về bên nhà việc mà chờ tao. Coi chừng đa mầy, mầy để nó trốn đây, mầy chết a.
Phó lý Hề còng Hương hào Hội mà dắt đi, thằng Tý ngó theo coi bộ ghét lắm. Hương hào Hội vừa bước ra khỏi nhà, thì Trùm Sốc về tới, tay có ôm cái nóp. Nó bước vô nói rằng: “Thằng Hai Sửu đi đâu không biết, không có ngủ ngoài ruộng, nó bỏ cái nóp trên bờ, nên tôi ôm về đây”.
Chánh Hương quản liền biểu Phó thôn Keo với Trùm Sốc ở đây coi chừng thây Thị Lựu, đừng cho ai động tới. Anh ta cầm sợi dây nịt với cây cóc mà đi qua nhà việc biểu thằng Tý với con Quyên đi theo.
Bộ chánh Hương quản coi hầm hừ lắm, bước vô nhà việc không thèm ngó tới Hương hào Hội, kêu rân sắp dân canh mà biểu đốt đèn măn-sông, rồi mang kiếng lại ngồi bu-rô mà làm rặp-bo. Thằng Tý với con Quyên ngồi bộ ván phía sau mà chờ, chúng nó chờ lâu quá nên con Quyên buồn ngủ, nằm ngoẻo xuống đó mà ngủ.
Hương hào Hội bị còng, ngồi xo rỏ tại bộ ván kia, mặt mày buồn hiu. Chẳng hiểu Hương quản đặt rặp-bo thế nào, mà chừng làm xong rồi bèn kêu Phó lý Hề biểu dẫn Hương hào Hội lên để lấy ăn kết. Hương hào Hội vào lạy Hương quản và khóc mà nói rằng: “Bẩm cậu xin thương giùm tôi. Cậu làm gắt chắc tôi phải chết”.
Chánh Hương quản lấy kiếng xuống, nhíu mắt châu mày ngó Hương hào Hội, song không nói chi hết. Hương hào Hội cứ khóc và lạy hoài. Chánh Hương quản thấy Phó lý Hề đứng xớ rớ gần đó, bèn dạy ra sau coi chừng hai đứa nhỏ, đừng cho chúng nó đi đâu.
Phó lý Hề đi rồi, chánh Hương quản mới biểu Hương hào Hội lại đứng gần một bên, lại chỉ sợi dây nịt. Cách một hồi lâu, rồi chánh Hương quản đứng dậy mở còng cho Hương hào Hội và để cho nó đi về.
Chánh Hương quản bước vô cái phòng một bên đó mà nằm. Chừng trời hừng sáng, Hương hào Hội trở lên nhà việc, vô phòng nói nho nhỏ rồi đưa cho chánh Hương quản một xấp giấy bạc. Chánh Hương quản đếm sơ sịa, rồi bỏ vô túi và nói với Hương hào Hội rằng: “Tuy vậy mà mầy phải ở đây, chớ đừng có đi đâu đa. Để sáng rồi tao lấy lời khai. Như Ông Quận hay là quan Biện lý có xuống tra xét, thì tao lập thế tao đỡ cho”.
Vừa mới sáng thiệt mặt, thì Chánh Hương quản cho đòi phó Hương quản Thâu đến mà biểu đem rặp-bo lên báo việc nhơn mạng cho Chủ quận lập tức. Anh ta dặn rằng: “Như quan Chủ quận có hỏi sao tao không đi lại sai mầy, thì mầy bẩm tao mắc ăn kết, nghe hôn”.
Chánh Hương quản lấy khai thằng Tý thì nó cũng cứ nói Hương hào Hội vô nhà, làm giống gì không biết mà xô má nó té bể đầu. Hỏi cha nó có về hay không, thì nó nói nó không thấy. Chánh Hương quản la rầy, trộ trạo, hâm dọa nó đủ cách, mà nó cũng khai như vậy hoài. Anh ta giận, mới biểu Phó lý Hề đem đóng trăng nó lại và biểu dẫn con Quyên lên. Anh ta o bế bom ngọt con nhỏ một hồi, con nhỏ mới chịu khai rằng: “Cha với má tôi đánh lộn, cha tôi xô má tôi té”.
Chánh Hương quản mừng quá, lật đật lấy lời sao khẩu con Quyên, rồi biểu dẫn thằng Tý lên. Anh ta đọc lời khai của con Quyên lại cho nó nghe. Thằng Tý cãi cứ nói em nó nói bậy. Chánh Hương quản đánh nó hai ba bạt tai, mà nó cũng cứ khai Hương hào Hội xô má nó té. Chánh Hương quản đuổi hai đứa nhỏ về, rồi dạy Hương hào Hội làm khai nói đêm hồi hôm ngủ tại nhà, có chứng vợ con với hai tên bạn là thằng Di với thằng Lăng. Đòi hai tên bạn tới cũng dạy chúng nó làm khai, nói thấy Hương hào ngủ ở nhà từ đầu hôm cho đến chừng Phó lý Hề tới đòi, chớ không có đi đâu hết.
Lối mười giờ sáng mai, khai báo vừa xong, thì quan Chủ quận tới nhà việc. Chánh Hương quản tiếp rước quan Chủ quận, trình các lời khai cho ngài xem và bẩm rằng: “Bẩm quan lớn, tên Sửu với Thị Lựu ở chung một nhà với mấy đứa con, chớ không ai khác.Theo lời khai của con Quyên thì cha mẹ nó đánh lộn, cha nó xô má nó té bể đầu mà chết. Còn thằng Tý thì nó khai cha nó mắc đi ngủ giữ lúa ngoài ruộng, Hương hào Hội vô nhà làm giống gì không biết mà xô má nó té đụng đầu vô cạnh ván nên bể đầu. Lời khai của thằng Tý nghe phi lý lắm, bởi vì có chứng cớ rõ ràng, trọn đêm hồi hôm Hương hào Hội ở nhà chớ không có đi đâu hết. Đã vậy mà tên Sửu trốn đi đâu mất, hồi khuya ra ruộng kiếm nó không có, mà từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ cũng không thấy nó về. Theo ý tôi, thì chắc tên Sửu giết vợ nó, chớ Hương hào Hội không có can phạm gì đến vụ nhơn mạng nầy”. Chánh Hương quản bào chữa cho Hương hào Hội bo bo, mà cũng giấu biệt, không nói đến sự mình lấy được sợi dây nịt của Hương hào Hội tại trong buồng ngủ của Thị Lựu.
Quan Chủ quận nghe rồi, ngài lặng thinh, lấy mấy lá khai bỏ vào cặp da và biểu Hương quản dắt đến nhà Thị Lựu. Ngài khám thương tích, xem xét từ trong nhà ra ngoài sân rồi trở qua nhà việc đòi Hương thị Tào, thằng Tý, con Quyên, Hương hào Hội mà tra hỏi lại. Mỗi người đều khai y như đã khai với Hương quản. Quan Chủ quận đến nhà Hương hào Hội mà lấy khai vợ con bạn bè trong nhà. Hai tên bạn thì khai Hương hào Hội ngủ nhà chớ không có đi đâu hết. Còn vợ Hương hào Hội khai rằng chị ta ngủ sớm, nên không biết chồng có đi đâu hay không.
Lối ba giờ chiều, quan Biện lý với quan thầy thuốc ở Vĩnh Long xuống tới. Quan Chủ quận dắt đi mổ tử thi mà khám nghiệm, cắt nghĩa sơ qua cho quan Biện lý hiểu mấy lời khai, rồi quan Biện lý cho phép chôn Thị Lựu và dạy quan Chủ quận tra xét cho ra lẽ, rồi sẽ giải nội vụ đến Tòa.
Quan Biện lý với quan thầy thuốc lên xe về rồi, thì quan Chủ quận truyền cho Hương quản phải kiếm bắt cho được Trần Văn Sửu mà giải nạp. Tuy vậy mà ngài đi về, ngài cũng còng Hương hào Hội mà dắt về Vũng Liêm.
Quan Chủ quận còn đang tra xét việc nầy thì Hương chức làng Trung Hậu chạy tờ bẩm rằng có xí được một cái áo treo trên nhánh bần gần vàm rạch Nàng Âm, trong vạt áo lại có buộc một cái hộp đựng giấy thuế thân tên Trần Văn Sửu, ba mươi lăm tuổi đứng bộ làng Trung Nghĩa. Đến chiều lại báo có một thằng chổng không có áo, mặt bị cá ăn hết, trôi tấp vào vàm rạch Vũng Liêm. Quan Chủ quận đoán chắc là Hương hào Hội thừa dịp tên Sửu mắc đi ngủ giữ lúa, lén đến trai gái với Thị Lựu, tên Sửu về bắt được, đánh vợ chết rồi sợ tội nên nhào xuống sông lớn mà tự vận. Ngài làm rặp-bo giải nội vụ đến Tòa, Quan Biện lý thấy lời khai của thằng Tý thì hồ nghi, nên làm giấy giam Hương hào Hội.
Hương hào Hội lo sợ hết sức, nhắn vợ con mướn trạng sư, mua chứng cớ, làm đủ cách, mà phải bị giam gần hai tháng rồi Tòa mới thả về. Anh ta về nhà, hình dạng ốm nhách, nợ nần lút đầu, có mười bốn mẫu ruộng phải bán cho bà Hương quản Tồn đặng lấy bạc trả nợ. Sự sản đã tiêu hết, mà vợ cứ theo gây gổ hoài, anh ta buồn rầu bỏ nhà cửa vợ con mà đi mất, trong làng không ai biết đi đâu.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!