Cha con nghĩa nặng - Chương V: Anh em thương nhau (Hồ Biểu Chánh)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
04/07/2019 12:45:16 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Cha con nghĩa nặng - Chương VI: Anh em một nhà (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cha con nghĩa nặng - Chương VII: Anh vô tình, em có nghĩa (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cha con nghĩa nặng - Chương IV: Quan làng tra xét (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Cha con nghĩa nặng - Chương III: Rủi tay rồi ăn năn (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Hương thị Tào tẩn liệm chôn cất Thị Lựu rồi, bèn đóng cửa trước cửa sau nhà con rể lại chặc chịa và đem sắp cháu về bên nhà. Ông ta còn phải lo mướn xe trâu chở lúa của Trần Văn Sửu về sân mà đạp. Vì mấy bữa lộn xộn, không ai gìn giữ, ăn trộm gánh lúa bó hết một mớ, nên ruộng của Trần Văn Sửu tuy làm trúng, song đạp rồi lường thử thì lúa hột có một trăm năm chục giạ mà thôi. Trả lúa mướn xe, mướn đạp rồi thì còn có một trăm mười giạ, mà trong số ấy phải đong cho chủ điền chín chục giạ còn dư được hai chục giạ.
Hương thị Tào xuống nhà bà Hương quản Tồn, là chủ ruộng, mà xin bà cho người lên lấy lúa ruộng. Bà Hương quản Tồn vừa nhó thấy Hương thị Tào bước vô cửa thì hỏi rằng:
- Nghe nói thằng rể chú nó đánh con gái chú chết, sao đó vậy chú Hương?
- Thưa, con gái tôi nó bị đánh chết, mà sắp nhỏ nói mờ-ớ nên không dám chắc ai đánh.
- Người ta nói thằng rể chú nó gây lộn với vợ nó rồi nó đánh con nọ chết. Sao mà chú nói không chắc.
- Thưa bà, họ nói như vậy đó mà tôi không thấy nên tôi không dám nói chắc.
- Nó chớ ai. Thằng coi bộ núc ních mà nó hung dữ há? Chú đừng có nghe lời người ta mà nghi cho Hương hào Hội như vậy tội nghiệp nó. Hương hào Hội nó thù oán gì với con gái chú mà nó giết con nọ.
- Thưa bà, thằng cháu tôi nó khai sao với quan với làng mà họ bắt Hương hào Hội đó, tôi có biết đâu.
- Nghe nói thằng rể chú nó nhào xuống sông cái tự vận rồi phải hôn?
- Dạ thưa phải. Họ vớt thây nó trên vàm Vũng Liêm, quan có đòi tôi lên mà nhìn, mà cái mặt nó cá ăn sứt hết, tôi có biết sao mà nhìn, tôi nói bướng đặng cho làng cho chôn nó cho rồi.
- Đáng kiếp lắm! Hung dữ thì phải chết chớ sống làm sao được. Còn nó làm mấy chục công ruộng của tôi, bây giờ tính sao đây?
- Thưa bà, tôi xe lúa về đạp xong rồi hết, xin bà cho người lên lấy.
- Chú đong lúa ruộng rồi còn dư được chút đỉnh gì hôn?
- Thưa, dư được vài chục giạ.
- Ủa! Nghe nói ruộng nó làm đó năm nay trúng lắm mà.
- Dạ trúng. Mà đều mấy bữa lộn xộn họ gánh lúa bó hết bộn.
- Ờ, thằng rể chú nó có con hay không?
- Thưa có, vợ chồng nó để lại ba đứa, hổm nay tôi đem về nuôi.
- Có đứa nào lớn hôn?
- Thưa, thằng lớn được mười hai tuổi.
- Chú nghèo mà chú nuôi tới ba đứa cháu ngoại sao cho nổi.
- Thưa, tôi phải ráng, chớ bỏ cho ai bây giờ.
- Thôi, ta đợ thằng lớn đặng nuôi hai đứa nhỏ.
- Vợ chồng nó mới chết, mà đợ con nó như vậy, nghĩ cũng tội nghiệp.
- Nghèo thì phải vậy, chớ tội nghiệp giống gì?
- Thưa, để thủng thẳng coi.
- Như chú tính cho ở, thì tôi mướn giùm cho. Tôi cũng cần dùng mướn thêm một đứa nhỏ coi trâu.
Hương thị Tào nín thinh không trả lời. Uống nước ăn trầu rồi, ông ta từ mà về. Bà Hương quản nói để sáng bữa sau sẽ cho người lên lấy lúa và căn dặn như có tính cho cháu ở coi trâu thì bữa nào dắt nó xuống cũng được.
Đong lúa ruộng rồi còn dư được hai chục giạ, Hương thị Tào ví để dành mà nuôi sắp cháu.
Cái nhà của Trần Văn Sửu bỏ hoang, con nít lối xóm lén tới phá, làm đứt vách hư cửa hết, Hương thị Tào giận, mới kêu Trùm Sốc mà bán lại mười lăm đồng bạc. Ông ta lấy số tiền ấy làm vốn mua đồ thêm mà bán, trong trí thầm tính làm như vậy đặng té lời chút đỉnh mà sắm ăn sắm mặc cho mấy đứa cháu.
Năm nay Hương thị Tào đã năm mươi tuổi rồi, tóc đã bạc hoa râm, răng đã rụng hết vài cái. Ông ta lăn lóc làm nuôi sắp cháu ngoại, khi bồng thằng Sung đút cơm, khi dắt con Quyên đi tắm, ai thấy như vậy cũng động lòng thương. Hồi trước ông ta cũng có hay Thị Lựu tư tình với Hương hào Hội, ông ta thường có dứt bẩn con, mà hễ nói ra thì con nó mắng tướt, bởi vậy ông ta ghét không thèm nói nữa. Đến chừng ông ta thấy thây con chết nằm trơ trơ, mà lại nghe con chết vì cái thói gian dâm ấy, thì ông ta đã không thương tiếc nỗi con, mà cũng không phiền trách thằng rể. Có đêm sắp cháu ngủ, ông ta chong đèn ngồi một mình, ông ta dòm thấy chúng nó thì động lòng nên rưng rưng nước mắt. Ông ta khóc đó là tại ông ta buồn tủi đạo nhà, chớ không phải thương nhớ con hư.
Thằng Tý lớn hơn hết, ông ngoại nó mắc mua bán, tự nhiên nó phải săn sóc hai đứa em nó. Tuy là em cũng đồng em, song ý nó lại thương con Quyên nhiều hơn, nên nó tắm rửa, giặt áo giặt quần cho con Quyên thường hơn. Bổn tánh nó trầm tịnh, ít hay nói, ít hay cười, mà từ ngày mẹ nó chết, cha nó mất rồi, thì nó càng chim bỉm, không chịu chơi bời với con nít lối xóm. Phận nó như vậy, mà thấy con Quyên đi chơi nó cũng không cho, nó thường nói với em nó rằng: “Em là con gái, đi chơi làm gì. Đờn bà con gái mà hư, là tại đi chơi đó a, nói cho em biết”.
Tội nghiệp cho thân Hương thị Tào, không rượu trà, không bài bạc, cứ lo mua bán hằng ngày, nhưng vì cái vận không có, nên mua không gặp chiều, bán không gặp giá, lẩn quẩn làm ít tháng thì cụt vốn. Trong nhà tiền bạc eo hẹp, sắp nhỏ quần áo lang thang. Lại rủi thêm thằng Sung đau ban, thầy cho uống thuốc lầm, nên ban nhập cốt, thằng nhỏ chết. Tuy Hương thị Tào biết là dấu tích nhuốc nhơ của Thị Lựu, nhưng vì ông ta nghĩ nó là con nít không có tội lỗi chi, nên ông cũng thương nó như hai đứa lớn, nên nó chết ông ta cũng thương tiếc lắm.
Nhà càng ngày càng nghèo, thằng Tý tuy còn nhỏ, song nó thấy gia đạo của ông ngoại nó bẩn chật, nó cũng buồn. Một buổi chiều ăn cơm rồi, nó nói với Hương thị Tào rằng: “Không biết ai chịu mướn đặng tôi đi ở với họ”. Hương thị Tào nghe cháu khi không mà nói như vậy thì lấy làm lạ, nên ngó trân trân mà hỏi rằng:
- Tại sao cháu nói như vậy?
- Có tại sao đâu. Tôi muốn đi ở đợ cho họ đặng ông ngoại lấy tiền mua quần áo cho con Quyên nó bận.
- Ông nghèo thì ông chịu, chớ ông đem cháu mà đợ cho người ta sao đành.
- Mình ở làm công việc cho người ta thì mình ăn tiền, có sao đâu mà không đành.
- Ở đợ cực lắm, cháu tưởng sướng hay sao? Ăn đồng tiền của họ, họ bắt làm lả da, mà họ còn đánh chửi nữa, có dễ gì đâu.
- Tôi không sợ. Mình ở cho người ta thì phải lo làm công chuyện, ai biểu làm biếng mà chi cho họ đánh chửi. Tôi lớn rồi, mà ở nhà không có làm việc chi hết, nên tôi muốn đi ở với họ đặng khỏi tốn cơm ông ngoại mà ông ngoại còn được lấy tiền nữa.
Hương thị Tào ứa nước mắt, bỏ đi ra đàng sau, không nói chuyện nữa. Thằng Tý châu mày, ngồi ngó theo, mặt buồn hiu.
Trong mấy ngày sau, thằng Tý cứ theo năn nỉ với ông ngoại nó đi kiếm chỗ cho nó ở. Hương thị Tào thiệt không nỡ đợ cháu đặng lấy tiền mà ăn, nhưng vì trong nhà túng rối quá, mà cháu cứ theo thôi thúc hoài, nên cực chẳng đã ông ta mới nói với nó rằng: “Hôm tháng hai, bà Hương quản Tồn có hỏi ông mà mướn cháu ở coi trâu. Thôi để trưa ông xuống ông hỏi coi bả còn muốn mướn nữa hay không?”.
Hương thị Tào đi xuống Phú Tiên, đến chiều ông ta về nói rằng: “Bà Hương quản chịu mướn cháu ở đặng coi trâu, mà bả cho một năm có mười hai đồng. Ông năn nỉ xin thêm, bả mới chịu tăng lên mười lăm đồng. Cha chả, mà coi trâu tuy là không cực, song dan nắng dầm mưa tối ngày ngoài đồng, cháu chịu nổi hôn?”.
- Sao lại chịu không nổi. Ở ngoài đồng chơi vui chớ. Mà dầu có buồn cũng không hại gì, cháu buồn mà ông ngoại mỗi năm lấy được mười lăm đồng bạc.
- Cháu tưởng ăn mười lăm đồng bạc của người ta dễ lắm sao? Cực chẳng đã, chớ ông có muốn chi vậy đâu.
Hương thị Tào nói mà ứa nước mắt. Thằng Tý đứng suy nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:
- Bà Hương quản đó già hay trẻ vậy, ông ngoại?
- Sồn sồn.
- Bà có dặn bữa nào xuống ở hay không?
- Bà biểu ngày mai đem cháu xuống.
- Rồi chừng nào ông ngoại lấy được bạc?
- Bà có nói hễ làm giấy ở xong rồi, thì bà cho lãnh bạc trước.
- Ờ, được đa. Ông lấy tiền rồi mua vải may cho con Quyên một cái áo, một cái quần đặng nó bận, còn bao nhiêu thì ông để mua đồ mà bán, nghe hôn ông ngoại.
Mấy lời nói chẳng phải cao xa chi đó, nhưng mà ý trung chứa nhiều nghĩa, làm cho Hương thị Tào nghe thì cảm xúc vô cùng. Ông ta bỏ đi ra đằng sau, không thể nói chuyện với cháu nữa được.
Nãy giờ con Quyên đứng nghe ông ngoại nó nói chuyện với anh nó, tuy nó không hiểu chi hết, song nó cũng biết ông ngoại tính đem anh nó đi ở với người ta mà giữ trâu, như sắp chăn trâu lối xóm nó vậy, nên chừng Hương thị Tào đi ra đằng sau, thì nó nắm tay thằng Tý mà hỏi rằng:
- Anh đi ở đâu anh Hai?
- Ở dưới nhà bà Hương quản.
- Bà Hương quản ở gần hay xa?
- Không xa gì. Ở dưới xóm Phú Tiên, ra khỏi đây dòm theo bờ lộ thấy xóm ở phía dưới đó.
- Anh đi rồi chừng nào anh về?
- Một năm lận.
- Một năm là bao lâu?
- Một năm là mười hai tháng.
- Mười hai tháng hả?
- Ừ.
- Tôi đi theo ở với anh được hôn?
- Sao được. Qua mắc giữ trâu, làm sao qua coi chừng em.
Con Quyên đứng suy nghĩ, bộ mặt coi buồn hiu, thằng Tý thấy vậy bèn nói rằng:
- Em ở nhà với ông ngoại, để qua đi ở với người ta đặng lấy tiền mua bánh cho em ăn, may quần áo cho em bận, nghe hôn.
- Tôi ở nhà chơi với ai?
- Có ông ngoại đó chi? Em nhớ hễ qua đi rồi, em ở nhà đừng có chơi với đứa nào hết. Nếu em không nghe lời qua, thì qua giận lắm đa.
- Tôi chơi với thằng Ngò được hôn?
- Đừng. Không được. Nó là con trai mà chơi với nó làm gì.
- Ở nhà buồn quá, tôi muốn đi với anh.
- Không được đâu. Em ở nhà, hễ ít bữa qua về qua thăm, qua kiếm ổi mận, qua cho em ăn.
- Anh giữ trâu hả?
- Ừ
- Anh cỡi trâu được hay sao?
- Được chớ, qua cỡi trâu của thằng Cộ hoài, em không thấy hay sao?
Hai đứa nhỏ nói chuyện tới đó, kế Hương thị Tào kêu thằng Tý mà sai đi mua tương đặng ăn cơm.
Đêm ấy thằng Tý nằm trằn trọc hoài, ngủ không được, một lát nó vuốt ve mặt con Quyên, trong trí lộn xộn, đã lo về nỗi không biết ở đợ với người ta ra thể nào, mà lại buồn về nỗi để em ở nhà bơ vơ nữa.
Qua ngày sau, ăn cơm buổi mai rồi, Hương thị Tào gởi con Quyên cho thiếm Dậu ở một bên đó, rồi đóng cửa lại mà dắt thằng Tý xuống Phú Tiên. Lúc ra đi, thằng Tý hun em nó hai cái và nói rằng: “Thôi, em ở nhà cho qua đi, nghe hôn em. Ít bữa rồi qua về qua thăm”. Nó và nói và cười, mà nước mắt chảy rưng rưng. Con Quyên đứng ngó anh nó, tuy nó không khóc, song mặt nó buồn nghiến.
Trong làng Trung Nghĩa, từ Giồng Ké xuống Phú Tiên, có một mình bà Hương quản Tồn là giàu lớn hơn hết. Năm nay bà mới bốn mươi tám tuổi, mà bà góa chồng đã được mười năm rồi. Hồi chồng bà chết thì để lại cho bà có một trăm năm chục mẫu ruộng, mà bây giờ ruộng của bà và của chồng bà đứng bộ cộng hết thảy trên hai trăm mẫu, bà để làm ba trăm công, còn bao nhiêu bà cho mướn, mỗi năm bà góp lúa thường thường từ năm ngàn rưởi tới sáu ngàn giạ.
Bà đã dở cái nhà cũ, cột cây, ván vách, mà cất lại làm nhà dưới, và bà cất cái nhà trên ba căn, nền đúc vách gạch, giá đáng năm sáu ngàn đồng. Nhà bà trở cửa ra lộ Vĩnh Long đi Trà Vinh, trước nhà có một sân lớn, bên tay mặt có một cái nhà vựa năm căn đủ đựng sáu ngàn giạ lúa, bên tay trái có một cái chuồng trâu ba căn đủ nhốt sáu con trâu lớn với hai con nghé. Tuy cái sân bà bỏ trống chớ không có trồng cây chi hết, nhưng mà phía ngoài, dựa theo lộ, bà có trồng một hàng keo cắt ngọn bằng thẳng để làm rào, phía sau, kế nhà dưới, bà có trồng mấy liếp rau, mấy hàng chuối, mấy cây ổi, mấy nọc trầu, còn hai bên chái nhà thì một bên bà trồng ba cây mận trái sai oằn, một bên bà trồng hai gốc xoài, năm nào cũng trổ bông mà không đậu.
Bà Hương quản Tồn giàu có, mà không khổ khắc, tuy bà không tín ngưỡng đạo nào, song bà biết thương kẻ nghèo hèn, bà hay giúp người hoạn nạn. Tánh tình bà như vậy, mà chẳng hiểu vì cớ nào bà có hai người con, người con lớn là cô hai Phiên, bà gả cho thầy thông Cam, làm sở Bách Phần bên Mỹ Tho, cô xuất giá đã bảy năm rồi mà không có thai nghén lần nào hết, còn người nhỏ là cậu ba Giai, năm nay mười bảy tuổi, bà cho lên Sài Gòn học, cậu cứ bỏ trường đi chơi hoài, bà giận bắt cậu về cậu lại ăn cắp ba ngàn đồng bạc rồi đi mất gần một năm rồi, không thèm gởi về nhà một bức thơ nào hết.
Hương thị Tào dắt cháu xuống ở đợ với bà Hương quản, khi bước vô tới sân, thằng Tý thấy cảnh vật lạ hoắc, nhà cửa cao, thì trong ngực nó hồi hộp, cặp mắt ngó dáo dác, nên chưn vấp nhằm cục đất, may nó níu ông ngoại nó kịp, chớ không thì phải té nhủi. Hương thị Tào không dám vô cửa trước, bắt đi dọc theo hè, chỗ mấy cây mận đó mà vô nhà sau.
Bà Hương quản đương nằm trên võng, ngó thấy ông cháu Hương thị Tào bước vô nhà thì bà ngồi dậy mà chào hỏi rằng: “Chú Hương nó xuống đây. Thằng nhỏ nầy phải hôn?”.
Hương thị Tào cóm róm xá bà và đáp rằng:
- Thưa phải. Hôm qua bà biểu bữa nay đem nó xuống ở, nên tôi dắt nó.
- Còn nhỏ dữ há? Năm nay nó mấy tuổi?
- Thưa, mười hai tuổi.
Bà bước lại ván ngồi têm trầu mà ăn, rồi bà ngó thằng Tý mà hỏi rằng:
- Thằng nhỏ nầy, mầy tên gì vậy mậy?
- Thưa, tên Tý.
- Ở với tao thì phải ở cho tử tế, đừng có gian tham, đừng có liến xáo, tao đánh chết đa, nghe hôn?
- Dạ.
- Tao có sáu con trâu, mà một mình thằng Học nó coi không xiết. Từ rày sắp lên, mầy chia với nó, mỗi đứa ba con mà coi. Bữa nay trâu mắc đi đục đất cày, để chiều thằng Học nó lùa về rồi mầy coi. Thuở nay mầy có giữ trâu cho ai hôn?
- Thưa, không.
- Trâu tao dễ lắm, phải cần ăn cho mập, hễ bỏ ốm thì phải đòn đa.
Bà Hương quản kêu con Ngói, là đứa ở nấu ăn mà biểu nó chạy lại đằng xóm mượn Biện Thi qua làm giấy giùm cho Hương thị Tào. Giấy làm rồi, Hương thị Tào điểm chỉ cũng xong rồi, bà Hương quản mới lên nhà trên mở tủ sắt cất giấy và lấy mười lăm đồng bạc mà đưa cho Hương thị Tào.
Hương thị Tào ngồi chơi một lát rồi từ tạ mà về. Ông ta thấy thằng Tý đứng xớ rớ dựa cửa, mặt mày buồn xo, thì thưa với bà Hương quản rằng:
- Thưa bà, nó còn có hai anh em mà nó thương nhau lắm. Nó xuống đây ở với bà đây, chắc là con em nó nhớ nó. Vậy lâu lâu có rảnh xin bà làm phước cho phép nó về thăm em nó.
- Ờ được. Em nó bao lớn?
- Thưa, sáu tuổi.
- Không hại gì. Bữa nào rảnh nó muốn về giây lát mà thăm em nó, thì tôi cho phép nó đi.
Hương thị Tào xá bà rồi bước ra cửa, mà nói với theo thằng Tý giọng bệu bạo rằng: “Thôi, cháu ở đó nghe. Ông về đa”.
Thằng Tý ngó theo ông ngoại nó, muốn gởi lời về dặn em nó đừng đi chơi, mà nó nghẹn trong cổ, không nói được.
Bà Hương quản bước lên nhà trên, rồi kêu con Ngói lên nhổ tóc ngứa cho bà. Thằng Tý ở dưới nhà sau có một mình, nó buồn nên đi ra sau vườn rồi đi vòng ngoài sân mà chơi. Nó ngó thấy cái chuồng trâu là chỗ từ rày sắp lên nó phải lân la hằng ngày, nó phải dọn dẹp hốt quét cho sạch sẽ, thì trong lòng nó không vui, nhưng mà nhớ tới ông ngoại nó mới lấy của người ta hết mười lăm đồng bạc, thì nó nói thầm trong trí rằng: “Mình nghèo phải cực chớ. Mình cực, em mình mới có quần áo mà bận, ông ngoại mình mới có tiền mua gạo nấu cơm cho nó ăn. Nếu mình muốn sướng, ở nhà thả đi chơi như bầy trẻ, thì lấy chi mà nuôi em mình. Cha mẹ mình chết hết rồi, ông ngoại mình thì già yếu, mình là lớn, mình phải làm mà nuôi em”.
Thằng Tý đương ngồi dựa cửa chuồng trâu mà suy nghĩ như vậy, thình lình con Ngói cất tiếng kêu nó om sòm ở phía sau. Nó lật đậy chạy vô. Con Ngói nói rằng: “Tao tưởng mầy trốn rồi chớ. Bà biểu mầy lên quét nhà trên. Kia kìa, lấy cây chổi dưới sàn kia, lên mà quét đi”. Thằng Tý riu ríu lấy chổi đi quét nhà.
Mặt trời gần lặn, hai người bạn lớn ở ngoài ruộng đi về, quần áo ướt loi ngoi. Cách một lát, thằng Học, lối mười ba, mười bốn tuổi, lùa bầy trâu về nữa. Nó vừa thấy thằng Tý, thì hỏi rằng: “Mầy ở coi trâu với tao, phải hôn mậy? Được a, để tao chia ba con trâu đi trước đó cho mầy, nghe hôn. Ba con đó hiền lắm”. Nó và nói và cười, chằn cái miệng, lòi hai hàm răng trắng xát.
Thằng Học bổn tánh vui vẻ, nên thằng Tý mới gần nó một lát mà đã ưa nó rồi. Sáng bữa sau, hai đứa nó thả trâu đi ăn, thằng Học phụ đỡ thằng Tý cỡi con đực Pháo, còn nó cỡi con cái Chim. Trâu ăn dọc theo bờ ruộng, thằng Học ngồi trên lưng trâu hò hát nghêu ngao, còn thằng Tý thì ngó mông lên phía Giồng Ké, trí nó tưởng tới em nó hoài.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!