Bỏ vợ - Chương 1 (Hồ Biểu Chánh)
Quỳnh Anh Đỗ | Chat Online | |
04/07/2019 16:58:56 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Bỏ vợ - Chương 2 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Bỏ vợ - Chương 3 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Bỏ chồng - Chương 12 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
- * Bỏ chồng - Chương 11 (Hồ Biểu Chánh) (Văn học trong nước)
Cách hai mươi mấy năm trước, dựa bên đường quản hạt Sài Gòn đi Tây Ninh, ở giữa đường Chí Hòa, có một có một cái nhà ba căn xông(1), lợp lá, vách ván: nhà cất tuy nhỏ, song cao ráo khoảng khoát. Trong nhà dọn dẹp sạch sẽ, trước sân trồng bông đỏ vàng, một bên có trồng một đám đậu đủa, còn một bên có trồng mấy giòng khoai lang; phía sau hè lại có năm sáu gốc xoài lớn, nhánh lá sum sê, che đất mát mẻ. Người lạ đi ngang qua cuộc ở nầy, ai cũng đoán chắc chủ nhà tuy không được đứng vào hạng người giàu có, những có lẽ cũng không phải ở trong đám dân nghèo cực.
Thiệt như vậy, nhà nầy chưa đáng gọi là nhà giàu, mà cũng không phải là nhà nghèo: Ấy là nhà của ông Ba Chánh, làm nghề thầy thuốc Bắc. Ở vùng Chí Hòa, Bà Quẹo ai cũng biết ông và thường kêu ông là "Thầy Ba".
Ông Ba Chánh năm nay vừa quá 50 tuổi, tóc đã bạc hoa râm, nhưng răng còn chắc chắn, sức còn mạnh mẽ. Ông góa vợ đã hơn 6 năm rồi. Trong nhà chỉ có một đứa con gái, là cô Huyền, được 21 tuổi. Ông quen với thầy Thanh, nhà ở một xóm, mà làm việc dưới Sài Gòn, thường hay tới lui đàm luận với nhau chơi. Cách vài năm trước, vì thầy Thanh làm mai nói dẻo dai quá, nên ông mới gã cô Huyền cho thầy Võ Như Bình, người mồ côi, gốc ở đâu dưới Hậu Giang, thi đậu bằng thành chung(2) rồi làm việc trong một hãng buôn dưới Sài Gòn. Ông nghĩ thầy Bình thân phận côi cút tại là người có học thức, nên gã con ông cũng không đòi hỏi vật chi hết, đám cưới làm sơ sài, mời năm ba người quen đến ăn uống một bữa mà thôi, mà cũng không cần rước Chánh lục bộ đến lập hôn thú.
Từ ngày cưới rồi thì thầy Bình về ở theo bên vợ. Thầy có sắm một cái xe máy, để mỗi buổi sớm mai thầy đạp đi xuống Sài Gòn làm việc, trưa thầy ăn cơm quán và ở nghỉ tạm tại nhà của người làm chung một hãng, đến chiều tối thầy mới về Chí Hòa.
Thầy Bình ở với cô Huyền đã sanh được một chút con trai, đặt tên là Nghiệp, mới 10 tháng mà sổ sữa, ngộ nghĩnh, chẳm hẳm(3) lắm.
Ông Ba Chánh mỗi ngày coi mạch hốt thuốc cũng được năm bảy thang, lại nhờ có bán thuốc hoàn thuốc tán thêm nữa, nên ông đủ sức chịu các tổn phí về ăn uống trong nhà, rễ ông làm việc lãnh lương bao nhiêu thì vợ chồng nó để riêng mà xài, ông chẳng hề biết tới.
Gặp khi Nhà nước mở hội thi, để chọn 20 thầy ký lục, thầy Bình hăm hở xin nghỉ làm việc một tuần lễ mà đi thi hổm nay(4). Vì hồi sớm mai thầy có nói chắc chiều nữa nầy thì xong rồi hết, bởi vậy lúc mặt trời chen lặn, cô Huyền nấu cơm và hâm thịt cá rồi cô giao cho con Tý là đứa ở giữ em, coi chừng mèo chó, cô bồng thằng Nghiệp ra lộ đi thơ thẩn mà đợi chồng.
Trời tối lần lần, thầy thợ đi làm về nói chuyện om sòm. Cô Huyền ngóng trông mà không thấy dạng chồng. Cách một hồi thầy Thanh đạp xe máy về ngang thầy thấy cô Huyền thì hỏi:
- Mông xừ(5) Bình về chưa? Thi Đậu hay không? - Thưa, chưa về nên em không biết có đậu hay không. Sao tối rồi mà biệt mất vậy không biết!
- Thôi, để qua về ăn cơm rồi tối qua sẽ lại thăm.
Cô Huyền thấy cha đã đốt đèn trong nhà rồi, cô mới bồng con trở vô và hỏi:
- Tối rồi, thôi để con dọn cơm cho cha ăn trước nghe hôn cha?
- Thôi, để đợi nó về ăn rồi sẽ ăn luôn thể.
- Sợ về trễ rồi cha đói bụng chớ.
- Không có đói đâu.
- Sao mà về trễ dữ vậy không biết?
- Có lẽ quan chấm bài vở lâu, nên nó phải ở chờ chớ sao. Vái trời Phật phò hộ cho nó thi đậu đặng vô làm việc nhà nước cho chắc chắn một chút.
- Con cũng vái van dữ lắm. Hổm nay cha thằng Nghiệp cứ nói chắc đậu hoài. Tuy nói như vậy, song con cũng lo quá. Con vái nếu thi đậu thì con ăn chay một năm, ăn ngày mùng một với ngày rằm.
- Có chồng mà con biết lo cho chồng như vậy là phải lắm. Ở đời giàu nghèo tại mạng, không cần gì, giàu càng tốt, mà không giàu cũng chẳng hại gì, miễn là vợ chồng thương nhau, biết lo cho nhau là qúy hơn hết.
Cô Huyền ôm con mà hun, rồi bước ra sân có ý đi đón chồng nữa. Cô chưa ra với lộ thì thầy Bình cởi xe máy về tới. Thầy quẹo vô sân nhảy suống xe nghe một cái rột, coi bộ chẳm hẳm lắm. Cô Huyền lật đật bước lại và hỏi:
- Sao? đậu hay không?
- Sao lại không đậu! Đậu số một nữa cả.
- Đậu số một là sao?
- Là đậu đầu, đậu trên người ta hết thẩy chớ sao.
- May dữ há!
- May cái gì? Phải giỏi nên mới đậu số một đó chớ.
- Tôi vái dữ lắm. Thôi, mùng một tháng tới bắt đầu ăn lạt mà trả lễ.
Thầy Bình dắt xe vô nhà. Cô Huyền bồng con đi theo, mặt mày hớn hở. Ông Ba Chánh cũng đắc ý nên tay gãi đầu, miệng chúm chím cười. Cô Huyền đưa con cho chồng và nói:
- Thôi chơi với em một chút đặng tôi đi dọn cơm ăn.
Thầy Bình châu mày mà đáp:
- Để người ta thay đồ chớ. Mệt muốn chết mà con bắt bồng em nữa sao?
Ông Ba Chánh nói:
-Đưa em đây cho tao, để nó đi thay đồ chớ!
Ông rước bồng thằng Nghiệp mà nựng và nói đả đớt:
- Ba con thi đậu rồi, con mừng hôn? Lớn riết rồi học đặng thi đậu làm thầy thông thầy ký như ba vậy, nghe hôn con.
Cơm dọn xong rồi, cô Huyền kêu con Tý ra bồng em và cô ngồi lại ăn với chồng và cha.
Ông Ba chánh hỏi rể:
- Con thi đậu, vậy mà chừng nào họ mới kêu con đi làm?
- Tôi đậu số một, chắc mai mốt gì đây quan trên cấp bằng liền, chớ không lâu đâu.
- Còn dưới hãng con tính làm sao?
- Tôi xin phép nghỉ một tuần, để chừng mãn phép tôi xuống tôi xin thôi luôn.
- Con tính như vậy thì gấp quá. Con cứ đi làm dưới hãng, chừng nào nhà nước cấp bằng rồi con sẽ xin thôi hãng, không được hay sao?
- Tôi chắc cấp bằng mau mà. Ðể tôi xin thôi trước dưới hãng đặng ở nhà nghỉ ít ngày.
- Tự ý con. Không biết đây rồi nhà nước sai cắt con đi làm việc sở nào?
- Hoặc làm việc tại Soái phủ hoặc đi xuống mấy tỉnh.
- Ði làm trong Lục tỉnh nữa hay sao?
- Thưa phải. Làm với các quan tham biện.
- Cha chả! Nếu quan trên sai con đi tỉnh thì bất tiện dữ há!
- Có bất tiện gì đâu?
- Bây dắt nhau đi xa, tao ở nhà có một mình tao buồn lắm chớ.
Cô Huyền cười mà nói pha lửng:
- Con để thằng Nghiệp ở nhà với cha.
Ông Ba Chánh chưa kịp trả lời, kế thầy Thanh bước vô thầy hỏi:
- Toa thi đậu hay không, Bình?
Thầy Bình gật đầu mà đáp:
- Hễ thi thì đậu, làm sao mà rớt được kìa.
Ông Ba chánh nói tiếp:
- Nó đậu số một nữa chớ. Giỏi hôn? Ngồi đó chơi thầy Hai.
Thầy Thanh kéo ghế ngồi và nói:
- Giỏi thiệt. Coi bộ cô thông khoái dữ há?
Cô Huyền chúm chím cười.
Ăn cơm rồi ông Ba chánh với thầy Bình lại ngồi chung một bàn với thầy Thanh mà uống nước.
Thầy Thanh nói với thầy Bình:
- Toa thi đậu moa sợ quan trên cấp bằng cho toa đi tỉnh quá.
- Ði tỉnh thì sướng, chớ sao lại sợ.
- Toa đi tỉnh tự nhiên toa phải dắt vợ con theo, rồi toa bỏ ông Ba ở nhà quạnh hiu có một mình ông buồn chớ.
- Thuở nay người mình không nở mặt nở mày được như người ta là tại cái tánh bo bo ở nhà giữ ông Táo hoài đó. Ở đời phải bay nhảy đặng lập công danh chớ. Tôi thi đậu ký lục thì trên đường công danh tôi đã bước lên được nấc thang đầu rồi. Vậy tôi phải chen lấn bước riết mà lên tới bực tột cho mau. Tôi nói thiệt, nếu chừng cấp bằng mà quan trên sai tôi đi xuống Lục Tỉnh thì tôi chịu lắm.
- Có chí lập công danh. Ở Sài Gòn cũng lập được, cần gì phải đi xa. Tại sao mà toa lại chịu đi tỉnh lắm vậy?
- Thầy không biết hay sao? Làm việc ở dưới tỉnh, trước hết mình được làng dân kính trọng, sau nữa bề tiền bạc rộng rãi. Nếu mình siêng năng bặt thiệp, được lòng thương yêu tin cậy của quan bề trên thì mình muốn việc gì cũng được hết thảy, sự giàu sang sẽ thấy trước mắt.
- Trời ơi! Moa(6) không dè toa(7) có cái óc hối lộ đến thế! Chưa có gì hết mà toa đã muốn sắm dao cạo đặng cạo thiên hạ chớ!
- Hứ! Hối lộ nghĩa là gì? Mình khôn ngoan, người ta muốn việc gì mình tráo trở làm cho người ta được việc, người ta thưởng công cho mình, mấy việc ơn nghĩa, chớ có phải hối lộ đâu.
- Nhà nước phát lương tháng cho toa đặng toa làm việc cho dân. Nếu toa làm mà toa còn lấy tiền của dân nữa thì toa hối lộ chớ sao.
- Tôi nói người ta đền ơn, chớ không phải mình hối lộ. Nếu thầy buộc gắt, không cho lãnh của thiên hạ đền ơn thì vô làm việc nhà nước có ích gì, làm sao mà sắm ruộng vườn, làm sao mà cất nhà tốt, làm sao mà ngồi xe hơi... Lương sợ không đủ ăn xài, có thể nào làm giàu được?
- Toa học giỏi, mà toa cãi như vậy, thiệt moa lấy làm lạ lắm. Người có học thức phải thương yêu dìu dắt kẻ dốt nát quê mùa. Nếu dùng học thức để kiếm tiền, không kể nhơn nghĩa chi hết thì vô nhơn đạo quá!
- Thầy học theo trường cũ nên thầy nói chuyện xưa quá. Sanh đời nầy mà theo thời thượng cổ, thì làm sao mà lập công danh được. Đời nầy là đời kim tiền, chớ không phải đời nhơn nghĩa. Ấy vậy dù làm việc gì cũng phải chú tâm về tiền bạc mới được; vì hễ có tiền nhiều thì thiên hạ mới kiêng nể, mới kính trọng mới ngợi khen. Thiên hạ ai cũng lo kiếm tiền hết thẩy, mình dại gì mà còn đeo theo nhơn với nghĩa, đạo với đức, không chịu làm như họ. Ai nói tham danh tham lợi thì tôi chịu hết thẩy, tôi sẽ cứ một đường mà bước hoài là làm có nhiều tiền, dầu làm phương pháp nào cũng được. Chẳng cần chọn lựa. Để chừng tôi giàu sang rồi thầy sẽ thấy thiên hạ họ kính trọng tôi hay là họ khinh bĩ tôi.
- Theo thái độ của toa đó, moa sợ toa ở tù trước khi làm giàu chớ!
- Có lẽ. Mà đó là sự rủi ro của đường công danh. Nếu mình biết tránh cho khỏi rủi ro ấy thì mới gọi là có tài trí chứ.
- Thôi đi, toa! Toa nói tiếng "công danh ", tiếng "tài trí", moa nghe sao khó chịu quá.
- Tại sao vậy?
- Toa không muốn hiểu thì thôi, cần gì moa phải cắt nghĩa nữa. Moa cầu chúc cho tài trí của toa đó giúp mở đường công danh của toa cho được rỡ ràng.
Thầy Bình cười, còn thầy Thanh thì lộ sắc bất bình. Ông Ba Chánh thấy vậy bèn nói :
- Sắp nhỏ bây giờ nói chuyện nghe khác hơn lớp già quá! Hễ mở miệng thì chỉ biết nói tiền bạc, bạc tiền. Tại cái đời kỳ cục như vậy, biết làm sao!
Thầy Bình nói:
- Đời tiến hóa mấy là lẽ tự nhiên có gì đâu, cha.
- Phải. Tại đời tiến hóa nên lòng người mới đổi dời.
- Phải đổi dời mới được chớ. Cha nghĩ đó mà coi, đời xưa là đời nhơn nghĩa, thì thiên hạ ai cũng làm nhơn nghĩa hết thảy, đời nay là đời tiền bạc, thì thiên hạ ai cũng ham tiền bạc hết thảy,đời nào cũng xuôi thuận quá, có nghịch đâu. Mình sanh đời tiền bạc mà mình làm nhơn nghĩa, đó mới thiệt là nghịch.
Thầy Thành cười ngắt mà nói:
- Toa nói câu nào nghe cũng có lý hết thảy. Toa luận riết rồi moa sợ quân ăn trộm, ăn cướp đều trở ra hiền nhơn, quân tử hết.
Ông Ba Chánh chúm chím cười, còn thầy Bình thì run vai đứng dậy không muốn cãi nữa.
Thầy Thành từ giả ra về.
Cách mười bữa sau, thầy Bình tiếp được giấy cho hay rằng thầy được cấp bằng chức ký lục, bổ thầy tùng sự tại Tòa bố Cần Thơ và dạy thầy phải lập tức đi lãnh giấy tờ mà tựu chức.
Ông Ba Chánh với cô Huyền hay tin quan trên sai thầy Bình đi Cần Thơ thì buồn hiu, cha buồn vì sợ phân cách con, con buồn vì lo cha quạnh quẽ. Còn thầy Bình thì vui vẻ lắm, lật đật lo đi nhận giấy tờ để có đi làm việc.
Ông Ba Chánh thấy rể thay đồ thì nói:
- Con xuống Cần Thơ chắc phải kiếm nhà mấy thầy mà ở đâu đó ít ngày, rồi lẽ mướn phố sắm đồ mà dọn nhà. Nếu con đem vợ con đi theo một lượt cha coi có chỗ bất tiện. Cha muốn con đi trước một mình, chừng nào con dọn nhà rồi con sẽ về mà rước mẹ con thằng Nghiệp, được hay không?
- Ý tôi cũng muốn vậy đó. Bây giờ chưa có nhà cửa, đem vợ con theo khó quá.
- Vậy thì xong lắm, thôi, con lo lãnh giấy tờ mà đi trước đi, để ít ngày rồi mẹ con nó xuống sau.
Cô Huyền thuở nay chỉ biết Sài Gòn, Gia định với Chợ lớn mà thôi, chớ chưa biết xứ nào khác, thừa dịp nầy cô mới hỏi chồng:
- Cần Thơ ở đâu lận, mình?
- Ở dưới Hậu Giang.
- đi ngả nào mà xuống đó?
- Ở Sài Gòn mình đi tàu Lục Tĩnh, nó chạy qua Mỹ Tho, lên Vĩnh Long, Sa đéc, Châu đốc, rồi Đổ xuống Long Xuyên, Cần Thơ hay là mình đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi đi tàu nhỏ qua Cần Thơ cũng được.
- Đường xa cách trở quá há.
- Có xa gì đâu.
- Sau mình phải về mà rước tôi, chớ tôi có biết đâu mà đi.
- Để ở yên chỗ rồi tôi sẽ xin phép về rước.
Thầy Bình lấy giấy tờ xong rồi, thầy mua một cái rương đặng đựng quần áo, sắp đặt đàng hoàng để tới bữa sau xuống tàu Lục Tỉnh mà đi.
Chiều bữa sau, ăn cơm rồi, ông Ba Chánh kêu hai cỗ xe ngựa, ông ngồi một cỗ với cái rương, còn vợ chồng thầy Bình với con ngồi một cỗ mà đi xuống bến tàu Lục Tỉnh. Thầy Thanh hay tin trước nên bữa đó, mãn giờ làm việc, thầy ở luôn dưới Sài gòn mà đưa thầy Bình đi.
- Em đây nè, bồng chơi với nó cho đã rồi có đi. Mình đi đây đố khỏi ở nhà nó nhớ nó khóc đêm cho mà coi.
Thầy Bình bồng con mà cứ lo nói chuyện với thầy Thanh hoặc với cha vợ, bộ vui vẻ như thường, không bịn rịn vợ con chút nào hết.
Tàu gần mở dây nên súp lê(8) kêu giục hành khách xuống đặng nó chạy. Thầy Bình trả lại con cho vợ, giã từ cha vợ và thầy Thanh rồi xây lưng đi xuống tàu.
Cô Huyền đi theo và dặn:
- Xuống dưới, mình lo kiếm phố mướn cho mau rồi về rước, nghe hôn. Đồ đạc để tôi xuống rồi tôi sẽ mua sắm cũng được, mà bữa nào mình xuống tới, mình gởi thơ về liền cho tôi mừng, ở nhà tôi trông dữ lắm.
Thầy Bình gục gặc đầu mà thôi, chớ không nói tiếng chi hết. Tàu rút chạy, chưn vịt quay nước đùng đùng, súp lê thổi nghe inh ỏi. Cô Huyền đứng ngó theo chiếc tàu rồi ôm con mà hun, nước mắt rưng rưng chảy.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!