GIÔNG TỐ - Chương 8 (Vũ Trọng Phụng)
Đỗ Phương Lam | Chat Online | |
07/07/2019 23:04:11 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * GIÔNG TỐ - Chương 9 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * GIÔNG TỐ - Chương 10 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * GIÔNG TỐ - Chương 7 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * GIÔNG TỐ - Chương 6 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
Từ khi xảy ra cái việc không may cho cô gái quê làng Quỳnh Thôn, tính đến hôm nay đã được 20 hôm. Trong khoảng hơn nửa tháng trôi, cả làng, từ trẻ đến già, từ nhớn đến bé, đã sống qua những ngày giờ nặng trình trịch, rất hỗn loạn.
Ngoài gia đình ông đồ Uẩn, còn liên can tới vụ kiện đó mất năm lý dịch, với một ông cụ già, và hai người đàn bà đã cùng cô Mịch đi gánh rạ đêm.
Hai lá đơn kiện đệ lên huyện đường, thế là trong cái làng chỉ có độ hai trăm người thì hơn 10 người, cứ nay bị trát quan gọi, mai bị trát quan gọi. Những việc như thế đã đủ làm cho cả làng nhộn nhạo lên. Người bàn ra, kẻ tán vào, người hăng hái, kẻ nhút nhát, mỗi người có một ý kiến mà những dư luận ấy tất nhiên là phải trái ngược nhau, nên chỉ người nọ vặc người kia, rồi sự đời cứ thêm điều, đẻ chuyện mãi ra, làm cho cả một làng, không còn một ai giữ được hòa khí với một ai nữa.
Người ta đã nhãng bỏ những việc tơ, tằm, đồng áng, để mà kháo chuyện nhau, chén chế nhau, khích bác nhau, chửi bới nhau. Nửa tháng sau khi có cái tấn kịch cưỡng dâm kia, người ta đã đếm được trong làng có ba mươi nhăm vụ xung đột, trong số đó có một đám ăn vạ, hai đám có kẻ bươu trán, vỡ đầu. Sự im lặng, sự hòa bình, sự trật tự trong làng bị phá hoại, bị đảo lộn ngược cả. Bọn giai làng thì ùa nhau cũng học ăn học nói, cũng bắt chước cái giọng phệnh phạo của bọn đàn anh; bọn đàn anh thì lý sự cùn giở ra chọi nhau bắt chước các cụ già bét nhè và lẩm cẩm; và các cụ già thì đâm ra vô nghĩa lý y như bọn trẻ con trẻ đổi làm già, già hóa ra trẻ ngần ấy khối óc ngu dại, ngần ấy cái miệng hương ẩm đều chỉ cùng một ý nghĩ, cùng một câu nói: “Vô phúc thì đáo tụng đình”. Những người về phe ông đồ cho cái kiện ấy là phải lẽ, cũng nói đi nói lại một cách vô nghĩa lý đại khái rằng, “Phen này thì có lẽ cả làng cứ tù đến mọt gông!”.
Người ta đếm ra thì trung bình mỗi ngày có hai đám cãi nhau hoặc chửi nhau vậy.
Đến hôm quan huyện và quan đồn về khám xét cả làng thì sự khủng bố lại càng hoàn toàn, lại càng đầy đủ. Bầu không khí hầu như không thở được nữa. Trẻ già lớn bé đều đã tái xanh mặt mũi khi thấy ông chánh hội, ông phó hội, ông phó lý trưởng, ông lý, người nào cũng run như cầy sấy ở trong phòng hội đồng của làng, trước một bộ râu vênh vểnh quắc ở miệng súng của bốn bác lính khố xanh ông đồn giơ miếng vải đỏ và những mẩu giấy trắng chữ tím ra, để mắng bọn lý dịch như tát nước vào mặt họ. Trẻ con người lớn đứng xem đen ngòm. Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái dòng người tò mò ấy tan tác ra như một đàn ruồi ở sau mông con bò, lúc bị cái đuôi bò đập một cái vậy. Tối mặt tối mũi lại, một đứa trẻ hoảng hốt cắm cổ chạy, thế nào ngã đánh bõm một cái xuống ngay ao. Tuy vậy mà bọn người lớn, sợ sệt quá, cũng không dám vớt. Khi quan huyện phải quát xuống vớt, mới có một anh chàng lực điền chắp tay vái mấy cái rồi cởi áo ra, nhảy xuống ao mò đứa bé con...
Rồi bọn lý dịch phải theo ông đồn và ông huyện ra xe hơi lên tỉnh. Hôm sau, họ được về thì lại đến lượt ông đồ phải gọi lên tỉnh có việc quan. Rồi ông đồ cũng về. Thế là cả bọn đều là những cái trứng để đầu đẳng.
Ngoài cái kiện đua hơi với ông Nghị giàu có, hách dịch nhất, chưa biết thua được thế nào, mấy người còn lo sốt vó về tội canh phòng bất cẩn, dung túng kẻ phản nghịch trong làng, hoặc ở ngoài đến tuyên truyền ở làng, và dạy học trò mà không có phép mở trường tư. Cả làng đều nằm mê thấy toàn những ngục tù, những hình phạt.
Lại đến hôm thấy cái tin ông huyện cũ phải đi, để cho ông khác về thay, thì cả làng ai cũng tin chắc chắn, y như được ông thành hoàng báo mộng cho vậy, là ông đồ và bọn lý dịch đã ký vào đơn kiện thế nào rồi cũng vì một việc cô Mịch bị hiếp mà mất chức, mà ngồi tù!..
Là vì dân làng không hiểu rõ là chính ông huyện tự ý từ chức, nhưng nghe phong phanh rằng vì kình địch với bên bị mà phải đổi đi, hoặc bị bắt buộc phải từ chức. Người ta lại đồn rằng ông huyện già này ác lắm, chứ không được phụ mẫu như ông quan trẻ tuổi kia. Chỉ bởi một mối lo sợ ấy thôi, mà sự hoạt động của cả một làng ngừng trệ hẳn lại. Ông nhà giàu không bỏ tiền ra làm màu nữa. Bác thợ cày không ra đồng nữa. Cô gái chăn tằm cũng nghĩ vài buổi hái dâu.
Buổi chiều hôm ấy, các cụ họp việc ở làng. Người ta lo đối phó với cái kiện hiếp dâm. Người ta lo vì có một ít truyền đơn không biết kẻ nào bậy bạ và táo tợn rắc ra để cho dân làng phải lo sẽ bị triệt hạ. Vả lại những sự cố đó cũng đã đủ khiến cho một số đông người hèn nhát không bao giờ dám đương đầu với một việc gì nhưng gặp lúc tai biến thì lại là những người can trường nhất, bướng bỉnh nhất trong cái sự sợ hãi, và cái sự chửi bới những người đứng chung quanh!
Như ba tội nhân đứng trước máy chém, ông lão già và hai người đàn bà bậm bực khóc mà rằng:
- Thưa các cụ, thưa các quan, ngày mai thì xin các cụ các quan ai đi thì đi, chứ chúng con không lên huyện.
Ông chánh hội đỏ mặt đập bàn, quát:
- Ông cụ Đồ với hai bà này đã đi gánh rạ đêm vụ cô Mịch, đã trông thấy rõ cái tấn kịch ấy, mà đã có khai ở huyện rồi mà lại bảo không đi là nghĩa lý thế nào?
Ông cụ già vẫn hậm hực: - Thôi, lạy ông, tôi già cả, ngộ quan bỏ tù tôi thì tôi chết mất. Tôi không hề kiện ai cả, mà bây giờ ông khai thì mặc ông với quan.
Ông lý trưởng người xưa kia đã đâm ngang vào việc, lúc ấy lại được thể đâm ngang vào một lần nữa bằng một câu:
- Ấy đấy! Tôi đã bảo mà! Việc kiện cáo là lôi thôi lắm. Rồi thì còn là tai họa nữa ấy.
Ông phó hội lườm dài ông lý trưởng rồi đưa đón. - Thôi đi, ông im ngay! ông càng nói bao nhiêu thì lại càng hỏng việc bây nhiêu. Cứ biết hôm nay lên huyện thì ông cụ Đô, bà cụ Nháy với bà đám Nhen đều đã khai chứng cớ và điểm chỉ vào lá đơn kiện của làng rồi. Ngày mai, nếu ông cụ Đô với hai bà này không theo như trát quan gọi mà cứ ở nhà thì rồi sẽ phải tù, cái khoản ấy đã kê rành rành trong trát. Tùy các người đấy việc quan đòi hỏi không phải chuyện chơi!
Ông phó lý cũng khề khà thêm:
- Phải! Đã trót thì ắt phải trét! Đã đâm lao thì phải theo lao! Mà dù có thua thì cũng phải theo kiện đến chỗ các quan lớn ba tòa! Dù có thua cũng chẳng đời nào tù mà sợ.
Ông chánh hội nói:
- Cần nhất là những người làm chứng đã khai thế nào thì mai cứ thế mà nói! Tiền hậu bất nhất thì tù! Chẳng phải chuyện thường đâu!
Nghe đến đấy, ông lão và hai người đàn bà đứng ngẩn người ra như những người ngủ mê mà chợt tỉnh giấc. Cả ba người thẫn thờ ra ngồi ở vệ hè, vẻ thất vọng lộ ra đến nỗi hầu như không còn ai có xương sống nữa, cái đầu gục vào chỗ giữa hai đầu gối cứ trĩu hẳn xuống như bị có kẻ nào giúi xuống để ngồi lên trên.
Một ông cụ già trong bọn sáu ông, đầu râu tóc bạc, cũng ngồi ở “bàn trên”, khoan thai nói:
- Phải, đã trót thì phải trét, ông phó hội nói có lý lắm.
Tóm lấy câu tán thành ấy, ông chánh hội lại hùng hồn:
- Có phải thế không các cụ? Người ta đã làm nhục mất một người trong làng kia mà! Những khi có những giai làng khác đến bờm xơm con gái làng thì tuần làng đã phải trói chúng nó vào cột đình... Bây giờ có kẻ cậy thế giàu có hiếp con gái làng, không nhẽ mình lại làm ngơ đi được! Ngơ đi thì không còn thể thống gì nữa, rồi thiên hạ nó cũng chửi cho cả làng! Chúng tôi đứng lên kiện với ông đồ, như thế là phải lắm, chứ còn trách móc cái gì nữa?
Một ông cụ họa theo:
- Như thế là phải.
Ông chánh hội, mặt lầm lầm, nhìn một người ngồi ở chiếc chiếu gần đấy rồi đứng dậy, đập vào ngực thình thịch một cách đáng sợ, lại nói:
- Thằng này đã đem công tâm ra để giữ thể diện cho làng, thằng này đã mất ăn mất ngủ vì nay quan đòi, mai quan hỏi, mà lại còn không biết cho, thế thì có thằng nào muốn bắt bẻ, muốn chê bai, muốn đâm ba, chẻ bảy vào thì nói ngay đi! Nào có thằng nào muốn gây sự với thằng này thì cứ nói ngay đi! Nói ngay ở đây, ông xem cái gan của nó có to không nào!
Sau câu nói ấy, cả phòng hội đồng làng im phăng phắc, dễ thường có con muỗi bay người ta cũng thấy tiếng vo vo. Trong một lúc lâu, bầu không khí hóa ra nặng nề. Các ông đàn anh đưa mắt nhìn ông chánh hội rồi đưa mắt nhìn một người bị ám chỉ. Người thì lộ ra vẻ sung sướng, người thì lộ ra vẻ cay đắng xót xa. Một ông đứng dậy đón đỡ:
- Vâng quan bác ra gánh vác việc công mà như thế là can trường lắm rồi, nào có ai dám nói ra, nói vào gì mà quan bác phải nổi cơn thịnh nộ thế! Nào chúng tôi ai là người phàn nàn việc của quan bác đâu?
- Vả lại tôi có vì bên bị quyền thế quá mà đến mất chánh hội thì cũng không hại gì đến đứa nào kia nào!
Một cụ cười mà rằng:
- Chính thế! Vả lại giai khôn đòn quan, gái ngoan đòn chồng. Người ta có gan chịu đòn quan cho cả làng rồi, không được ai nói gì vào đấy nữa!
Rồi, quay lại nhìn ông đồ, ông cụ hỏi: - Thế bây giờ ông đồ nghĩ sao nữa đây?
Ông đồ Uẩn, từ nãy đến giờ vẫn ngồi co ro vào một xó, như muốn cho thiên hạ quên khuấy mình đi, lúc ấy đành phải đứng lên ra chỗ bục:
- Thưa các cụ và thưa các quan thôi thì tôi cũng chỉ còn trông mong vào sự săn sóc của các ông gánh vào việc công của làng. Nếu may ra mà làng được người ta, thì chắc tôi cũng phải được người ta. Còn nếu quan trên xét ra bên bị là vô can, thì rồi mình có sao sẽ liệu vậy.
Lúc ấy có một ông ra vẻ thạo đời, từ chỗ ngồi nghển cổ nói lên:
- Dám chắc thế nào cũng xử hòa là cùng.
Tức thì cái bè đảng ông chánh hội nhao nhao lên hỏi vặn cái người táo tợn ấy. Trước những câu hỏi vặn, người kia điềm nhiên cãi.
- Thì các cụ phải cho tôi nói mới được chứ! Ai cũng hỏi, cũng bắt trả lời một lúc, thì tôi còn biết trả lời ai và không trả lời ai? Tôi tin trước vụ kiện này, chỉ đến hòa là cùng, là vì tôi đã được biết ông huyện, từ khi tôi còn bán kẹo ở huyện Lô. Một phần vì lẽ các làng này vừa rồi bị cái họa truyền đơn cờ đỏ, nên lý dịch của làng đã có lỗi to với nhà nước. Hai nữa là vì quan mới đến nhậm huyện Lô mới có sáu tháng mà trong huyện có đến tám chín nhà giàu bị cướp vu cho là tòng đảng, rồi thì quan tậu ngay xe ô tô.
Câu nói ấy khiến cho ngần ấy người nhao nhao lên. Vì chưng dân quê có cái chứng nói chuyện mà như cãi nhau, nên người ta tưởng đến vỡ mất phòng hội đồng làng.
Trong lúc ấy, ông đồ Uẩn đã quay về góc chiếu mình ngồi, tay bưng lấy trán.
Ông đồ phân vân lo nghĩ, không phải vì sợ thua kiện, nhưng là vì trông thấy cuộc đời không còn có tương lai.
Sau hôm có giấy gọi của quan sứ, bố mẹ mấy đứa học trò của ông, được tin ông báo cho, đã lập tức bắt con cháu phải thôi học. Có người kỹ lưỡng quá lại đem đốt ngay sách vở của một đứa bé đi, y như người ta đốt những quyển sách cấm trong lúc đó những vụ bắt bớ về chính trị. Người ta không muốn trong nhà còn có chứng cớ gì khả dĩ buộc tội là đứa bé đã học ông đồ. Người ta sợ cho con cháu đi học dăm ba chữ như thế cũng đủ phải tù!
Hốt nhiên, cả một gia đình đã mất sinh kế. Bấm đốt ngón tay, tính lại cuộc đời mình, ông đồ chỉ thấy có: ba lần lều chõng cùng trượt cả, một ông con giai làm thợ vẽ truyền thần kiếm mỗi tháng được hơn chục bạc, thì phải thua tổ tôm hết một nửa lương, một cô giáo ngoan sắp gả chồng thì bị hiếp... sáu đứa học trò thì lại bị một đạo nghị định cay nghiệt bắt thôi học, một vụ kiện chưa biết thua được, một việc trái phép chưa biết mấy tháng tù.
Ông đồ nhớ lại cái thái độ khoan hồng đại độ của quan công sứ... Mặc lòng cái cơn thịnh nộ của quan tổng đốc bữa ấy cũng đã đáng sợ lắm, quan công sứ cũng vẫn ôn tồn nói bằng thứ tiếng của dân bảo hộ, đại khái:
- Tôi rất thương các ông có chữ Hán như ông. Nhưng tôi phàn nàn rằng đã là người có học thức như ông mà lại cũng không hiểu những pháp luật hiện hành trong xứ. Vẫn biết không được vào quan trường như ông thì cũng chỉ còn nghề dạy học mà thôi. Nhưng sao các ông lại dạy một số học trò quá với số nhà nước đã cho phép? Nếu ông chỉ dạy có năm đứa bé thôi, thì việc gì bị đòi hỏi như thế này?
Lúc ấy, ông đồ dã phải khúm núm thưa lên.
- Bẩm cụ lớn, thật quả chúng tôi không biết luật, nên mới trái phép như thế, dám mong cụ lớn soi xét khoan dung mà ban ơn cho chúng tôi.
Quan công sứ đã gật gù ra vẻ hài lòng:
- Tôi biết! Tôi biết... Đáng lẽ ra thì phải bắt giam ông ngay. Nhưng mà nhà nước cũng sẵn lòng tha thứ cho những người biết nhận lỗi và biết hối hận. Vậy thì nay tôi cứ ký giấy tạm tha cho ông. Ngay từ hôm nay, ông phải đuổi một đứa học trò thừa số đi, rồi liệu nay mai lên hầu tòa. Như thế cũng đủ là một cái đặc ân rồi đó. Nếu tôi là chính phủ thì tôi không truy tố ông. Nhưng mà tôi cũng chỉ là một người thừa hành pháp luật, chứ không thể tự ý làm trái với cả một chế độ được.
Rồi quan sứ cho về. Khi về làng, cái lòng khí khái thẳng thắn của ông đồ đã buộc ông đồ đem hết sự thực nói chuyện cho cả làng nghe. Ông cam đoan rằng ông vẫn có thể theo đuổi được nghề cũ, miễn là ông phải thôi không nhận dạy một đứa trẻ trong bọn sáu đứa trẻ ấy.
Nhưng khốn thay, cái lo về truyền đơn, cờ đỏ, cái lo cả làng sẽ bị triệt hạ nữa, đã khiến cho cha mẹ cả sáu đứa trẻ kia phải nhất loạt bắt con em thôi học, mà không cần báo cho thầy đồ.
Giận dỗi, giận cả mình, lại giận cả thằng con giai vô hạnh ngồi cạnh đấy, ông đồ gắt với nó.
- Mày thật là đứa bất hiếu! Gia đình gặp cơn tai biến như thế mà năm tin, mười tin, mày mới dẫn xác về, mà mày về rồi thì mày cũng cứ bằng chân như vại mà coi việc nhà như việc người khác ấy thôi! Mày chỉ được cái bộ ngồi ỳ mặt ra, chứ không còn trông cậy được việc gì cả!
Cải Phái - tên thằng con ấy - lúc ấy đương ngồi phịu mặt ra mà tiếc cái thì giờ đáng lẽ được dùng để đánh tổ tôm, tức khắc cũng phát cáu mà cự lại bố rằng:
- Thì tôi biết làm thế nào bây giờ? Đến thày cũng vậy, đến cả làng cũng chả biết làm gì cả thì một tôi, tôi làm cái gì mới được chứ?
Ông đồ Uẩn lườm con rồi chán đời, ông tức đến nỗi không nói được một câu nào nữa.
Lúc ấy các cụ trong làng chỉ ngồi cắt lượt nhau hút thuốc lào cho hại thuốc, hại đóm, cho phòng hội đồng bẩn vì những đống đờm rãi, và cho khổ thằng mõ phải chạy nhanh.
Bọn lý dịch và bọn đàn anh thì bàn tán huyên thuyên, chỉ còn rặt những chuyện không nên nói một tý nào cả.
Sốt ruột như điên như cuồng mà không biết làm sao được, ông đồ lại nghiến con: “Mày là con tao mà mày như thế thì mày không sợ thằng em rể mày nó sẽ nhổ vào mặt mày à?”
Ngay lúc đó có một thằng bé len lét bước vào, đến bên ông đồ, nói thầm vào tai ông:
- Cụ xin phép về ngay cho, có người của bên bị về chơi, nói gì về vụ kiện.
- Thật không? Khuya khoắt thế này mà họ còn về à?
- Vậy, cả cậu Long cũng về. Chính cậu Long bảo con ra đây nói nhỏ với cụ như thế. Sáng mai phải lên hầu quan rồi, thì bây giờ cụ phải về ngay cho.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!