GIÔNG TỐ - Chương 13 (Vũ Trọng Phụng)
Đỗ Phương Lam | Chat Online | |
07/07/2019 23:05:05 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * GIÔNG TỐ - Chương 14 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * GIÔNG TỐ - Chương 15 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * GIÔNG TỐ - Chương 12 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * GIÔNG TỐ - Chương 11 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
Thưa ông.
“Tôi ở Hải Phòng về tối hôm qua, chờ ông mãi đến 12 giờ khuya không được, nên tôi đã quay về cái gian nhà trọ lạnh lùng của tôi. Giá tôi được gặp ngay ông hôm qua, thì tôi đã được một lúc sung sướng, vì ông sẽ tỏ lời ngợi khen tôi cũng như xưa nay ông vẫn bắt tay tôi một cách thân yêu cảm động, mỗi khi tôi, người làm công cho ông, đã giúp được ông một việc mà ông cho là khó khăn. Tôi lại cần nói thêm rằng nếu tôi đã được hưởng cái phút sung sướng ấy, chắc tôi sẽ phải bối rối vì tôi có nhiều chuyện phải nói ngay với ông, và chắc những chuyện tôi sẽ nói dưới đây không thể khiến ông được vui lòng. Nghĩ thế, tôi đã không phàn nàn gì, về ngay nhà trọ để viết lá thư này là vì bần cùng. Xin ông đừng cho là kiểu cách.
“Thưa ông, cái việc ông bảo tôi làm thì đã kết quả như ý ông muốn. Như vậy là đủ phận sự của một kẻ làm công. Bổn phận đủ rồi, vai trò đóng xong rồi, nay thì tôi xin rửa sạch những lớp phấn son trên mặt tôi đi để nói chuyện với ông bằng một người, một người như mọi người thường vậy.
“Hiện nay tôi là một người khốn khổ, trong một tình thế rất khó xử. Tôi chỉ vụng dại trong một phút, nhỡ tay một cái, là tôi sẽ trở nên một kẻ vô ơn đối với ông, mặc lòng những ơn kia tôi vẫn canh cánh bên lòng. Muốn tỏ cái lòng nhớ ơn ấy tôi xin kể ra đây những điều tâm sự của tôi một việc mà ngoài những người thân yêu nhất đời của tôi ra, chỉ có ông được rõ.
“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Khi hãy còn ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác được bố mẹ chiều chuộng, nâng niu, ẵm bế, riêng tôi là một đứa bé một mình phải chịu nhiều nỗi gian nan. Bố mẹ tôi qua đời từ trước khi tôi có đủ trí khôn để nhận thấy rằng không có bố mẹ là điều rất khổ. Đến khi tôi đã 12 tuổi rồi, tôi hãy còn sống sót vì hội Bảo anh, cái hội từ thiện mà xã hội lập ra để nuôi nấng những đứa trẻ không bố mẹ, trong số đó có tôi. Như thế, cả cái tuổi trẻ của tôi đã trôi bên những cái đầu xanh cùng một số phận như tôi, dưới sự săn sóc của những bà sơ giàu lòng từ thiện thật đấy, nhưng mà chỉ biết thương hại chúng tôi vì bổn phận, chớ không biết yêu chúng tôi theo lẽ tự nhiên, một điều rất quý mà một người không cùng máu mủ thì không thể nào cầu được ở một người không cùng máu mủ.
“Không bao giờ tôi quên được những buổi học êm ả một cách đáng chán, những bữa ăn kham khổ, những giờ đi ngủ theo tiếng trống, mà cả mấy trăm đứa chúng tôi lên giường, bắt tay ngang trán, không phải để yên nghỉ, không phải để ngủ, không phải để được hưởng những giấc mộng của tuổi trẻ, nhưng mà là để tủi thân để xót phận, để thèm thuồng khao khát cuộc đời của những đứa trẻ có bố có mẹ, được hiểu rõ nghĩa chữ: gia đình. Không bao giờ tôi quên được những cuộc vui làm phúc, những ngày tết Trung thu, tết Nguyên đán, mà một bà thống sư hoặc một bà đốc lý đến với chúng tôi với những đồ chơi rẻ tiền, những hoa quả bánh trái rẻ tiền, tưởng là làm phúc, mà té ra chỉ bắt cho chúng tôi hiểu rõ một cách thấm thía cảnh đau khổ chung. Cũng không bao giờ tôi quên những buổi đi chơi hàng đàn, hàng lũ, đứa nào cũng ăn vận như đứa nào, một cái áo vải thâm, chân giẫm đất, đi hàng hai một đứa bé nhất đi đầu, đứa to đầu nhất đi cuối cùng, chúng tôi diễu các phố xá để cho xã hội nhìn chúng tôi như nhìn những con vật kỳ lạ, hoặc là lấy làm tự hào rằng đã vê tròn được cái quả phúc cứu sống chúng tôi. Thôi, tôi cũng chẳng nên dài dòng làm chi cho lắm.
“Năm 13 tuổi, tôi xin ra khỏi nhà trường. Tôi thấy rằng dù còn trẻ người, non dạ, thì tôi cũng đã đủ tư cách kiếm lấy mà ăn. Tôi nên biết tự trọng mà đừng có trông vào xã hội nữa. Người ta đã làm khó dễ trăm chiều rồi mới cho tôi thân tự lập thân.
“Thế rồi tôi không lập được thân, không kiếm được việc làm như sự kiêu ngạo của tôi đã tưởng. Tuy vậy, cũng may cho tôi là trong sự thất bại kiếm được cái sống tự lập thì cũng kiếm nổi một sự quý hóa khác là lòng yêu của một ông cụ già. Ông cụ này làm nghề thợ chạm, nghĩa là thuộc hạng bình dân. Nhờ ông, tôi đã được người đời coi là một thiếu niên có gia đình cẩn thận. Từ khi sống với người bố hờ ấy, tôi thấy như đã rửa được cái nhục không cha không mẹ trên trán tôi. Bỗng đâu tôi thấy lòng tôi ấm áp, đầy những nghị lực để chống chọi với đời, và để có thể yêu được đời, nhất là yêu được đời. Ấy đó, thưa ông chủ rất kính mến, ông là người thứ nhất ở đời, và có lẽ cũng là người cuối cùng, mà cùng ai, tôi đã hé mở cho nom thấy rõ lấy một vài trong trăm nghìn phần bí mật của đời tôi.
“Rồi tôi học nghề thợ chạm. Rồi tôi được sống với ông bố nuôi vài ba năm. Rồi tôi lại chìm nổi, vất vưởng mãi, cho đến khi cầm lá đơn đến xin việc trong cái trường tư có ông dạy học. Từ bữa ấy cho đến hôm nay, cuộc đời của tôi ra sao chắc ông cũng rõ rồi.
“Sự tình cờ làm cho tôi biết được rằng tôi cũng có họ hàng, rồi gặp một người anh em họ ngoại rất xa. Do người này, tôi biết em gái người ta, một cô gái quê mà tôi dám khoe với ông rằng đẹp, rằng ngoan, rằng có đủ phép tiên ban cho một người đàn ông lấy chút ít hạnh phúc ở đời.
“Thời gian ấy là một chặng đường tốt đẹp nhất trong con đường đời gập gềnh, khuất khúc của tôi. Tôi đã trông thấy người con gái quê mùa ấy làm lụng rất vất vả, vui lòng mà chịu đựng sự nghèo khổ, buổi sáng dậy từ lúc mặt trời mới hửng, rét như cắt ruột cũng đã lội xuống ao vớt bèo, hoặc tiếng trống canh khuya đã đổ hồi, vẫn còn ngồi thức để làm vàng, kiếm mấy đồng xu. Người gái quê ấy, thưa ông, là người yêu quí nhất đời của tôi, là người tôi coi như một vị ân nhân vì đã có công to xóa sạch được hết những vết đau khổ nó khảm vào ký ức tôi từ lúc tôi chưa có cái trán ghi những nét phong trần. Người ân nhân ấy, thưa ông, tôi còn quí mến hơn ông nhiều vì người ta đã làm cho tôi thấy đời là đáng sống lắm, vì người ta cho tôi ái tình trong khi ông, ông chỉ cho tôi việc làm, sự kiến thức, trong khi ông mới chỉ cho tôi thấy rằng trong đời này vẫn có người tử tế mà thôi. Tôi đã coi ông là một vị ân nhân thì đối với ông, tôi phải thành thực lắm. Vì người gái quê ấy, tôi đã xây đắp biết bao nhiêu là mộng đẹp trong đầu.
“Người gái quê ấy, thưa ông, một đêm khuya kia, đã bị người ta đè cổ xuống, mà lấy sự yêu quí nhất của đàn bà là sự tiết trinh. Tôi tưởng tôi không cần nói rõ người làm cái việc nài hoa ép liễu kia tên là gì nữa.
Thưa ông chủ, đọc lá thư của tôi đến đây chắc ông lấy làm sửng sốt lắm. Chắc ông sửng sốt trong năm phút, rồi ông không dám tin ngay. Ông tất nhiên không thể tin được rằng sự tình cờ lại dun dủi đến cho tôi, đến cho vợ chưa cưới của tôi, đến cho cụ nghị, đến cho ông, một việc quái lạ đến như thế được. Nhất là thái độ khó hiểu của tôi. Tất ông lấy làm lạ rằng một việc xảy ra như thế, cớ sao tôi lại không phàn nàn, không oán giận, không khóc lóc, không gào thét, mà lại cứ bình tâm coi việc mình như của thiên hạ. Rồi ông lại nghĩ rằng có lẽ vì tôi làm công việc cho ông nên tôi phải cắn răng... Sự thật thì chỉ tại cái lòng quân tử của ông mà thôi.
“Khi ấy, tôi đau khổ lắm. Cái khổ của tôi, tôi không thể dùng lời mà tả được. Nếu ông muốn hiểu cái khổ của tôi là thế nào, thiết tưởng ông cứ đứng thử vào địa vị tôi. Mà tôi tưởng cái đau khổ của tôi, ông cứ đọc lá thư đến đây thôi, ông cũng đủ đoán được ra rồi. Cả cái tiểu sử của tôi, ông vừa rõ đấy. Vậy mà người yêu của tôi bị như thế! Vậy mà cuộc tình ái trong sạch của chúng tôi bị thương tổn bằng cách ấy! Thế là hết, thật là hết, có thế không, thưa ông?
“Vậy mà tôi đã im lặng. Mặc dầu chính ông, ông cũng không có dung thứ gì cái việc càn rỡ của ông cụ nghị, tôi cũng không nhân cơ hội ấy mà kêu gào rửa hờn, lẽ nhân đạo, sự cứu chữa, công lý, ở nơi ông.
“Hồi ấy, mấy tờ nhật báo đã tranh nhau mà đăng tin. Tôi đọc các tin sét đánh ấy ở báo rồi, tôi lại còn nhận được tin của gia đình nhà vợ tôi. Cái lòng căm hờn giận dữ của tôi cũng đã như của kẻ nào vào một trường hợp đại để như vậy. Nhưng mà tôi vẫn để trí để xét ông, dò ông, rình mò ông từng cử chỉ một. Tôi đã thường đứng sau tấm bình phong, đứng sau một lỗ khóa để ngắm nghía ông, hưởng những cái nghiến răng, những cái bứt tóc, những cái thở dài của ông trước một điều lầm lỗi không do ông gây ra. Và, nếu tôi không nhầm, thì hình như có một lần tôi thấy ông khóc nữa. Thì ra ông cũng đau đớn như tôi! Ông là con kẻ đã gây ra họa nhưng ông cũng đã đau khổ như tôi, hoặc vợ tôi, những kẻ chịu họa. Cũng như máu gọi máu, nước mắt cũng gọi nước mắt. Máu do một kẻ giết người tưới ra, vẫn gọi sự khát máu của thần công lý, thì nước mắt của người nghĩa sĩ cũng dễ hợp với nước mắt của kẻ chịu đau thương. Thế là tôi quí trọng ông, rất cảm xúc vì cử chỉ ấy, và, xin phép ông, tôi lại thương ông nữa.
“Rồi, trước khi tôi kịp mở mồm thì ý muốn tìm phương cứu chữa, sự săn sóc rất chu đáo của ông làm cho tôi lại phải im đi. Đáng lẽ cứ thản nhiên lãnh đạm như trăm nghìn người khác, thì ông đã suy nghĩ mãi, bận tâm, bận chí mãi. Từ một cuộc cưỡng bức, ông muốn việc trở nên một cuộc kết hôn. Từ một cô gái quê mùa, ông muốn làm ra một người vợ của một bậc phú gia địch quốc. Ai mà lại còn không phục cái việc sâu xa ấy, cái cách xử sự tài tình, êm thấm ấy? Cho nên từ kẻ chịu thiệt hại, tôi đã phải giữ địa vị khách quan. Cái cử chỉ của ông nó quân tử quá, nó tha thiết quá, nó lịch sự quá, nên, dù sao đi nữa, tôi cũng không dám nghĩ đến cách ngăn trở. Rồi ông lại phái ngay chính tôi đi lo hộ việc! Thật là oái oăm. Nhưng mà tôi cứ nhận lời. Vì lẽ lúc ấy, có nhận lời cũng không can hệ, gì, vì tôi còn tin ở nơi cửa ông, và dù sao, thì cũng còn do gia đình nhà vợ tôi nữa. Nói cho thật thì tôi chỉ muốn nhân cơ hội mà thôi. Thật vậy, tôi đã có lỗi lớn với ông, cái lỗi lợi dụng địa vị, manh tâm làm hại ông, đem sự xảo quyệt ra để đáp lại một việc nhân nghĩa.
“Nhưng tôi tưởng là có thế mới lo tròn bổn phận được. Ý ông đã muốn, tôi không dám trái ý. Ông đương muốn nói, tôi hãy để ông nói nốt đã, rồi tôi sẽ xin nói sau ông. Bây giờ thì đến tôi vậy.
Hai lá thư kèm đây, một là lá của ông, một lá nữa của cụ. Ông cứ việc đọc xong rồi thấy những công trạng của tôi. Cuộc cờ như đã kết liễu rồi, ta xóa ván ấy đi để bày một cuộc cờ khác. Tôi nói đây không phải với tư cách kẻ dưới quyền ông, nhưng bằng địa vị một kẻ nam nhi.
“Bây giờ thì ông đã rõ hết mọi sự.
“Tôi xin lỗi ông, nếu ông thấy tôi là có lỗi.
“Tôi đã được dịp tai nghe mắt thấy cái thế lực của ông cụ, cái ấp đồ sộ, những tòa nhà nguy nga, bề thế như những cung điện, với bọn nàng hầu như trong nhà vua, với hàng nghìn mẫu đồng điền, với hàng nghìn người làm công. Tôi đã trông thấy rõ những cử chỉ của phái tư bản mà ông cụ nghị làm tiêu biểu, đã nghe thấy những phút chuông điện thoại gọi, do đó số phận hàng nghìn người bị định đoạt qua một cơn giận dữ. Những điều ấy, thưa ông, đã khiến tôi phải coi ông là kẻ thù, vì những kẻ khác mà thù, cũng như những điều nhân nghĩa của ông bắt tôi phải vì cả những người khác mà nhớ ơn ông.
“Bây giờ, ông đã trông thấy rõ tôi rồi thì phải.
“Vậy thì từ nay mà đi, có lẽ trên đường đời, ông sẽ không cùng tôi mà bước đi nữa. Tôi lại cảm ơn những điều tử tế ông đã thí cho tôi.
“Người làm công của ông kính thư”
Long
Tú Anh đọc xong lá thư, mồ hôi toát ra đầy cả trán. Chàng bấm cái chuông ở bàn. Người gác trường chạy vào:
- Bẩm ông bảo gì?
- Bảo tài xế đánh ngay xe ra cửa chờ tôi.
- Bẩm tài xế đương ăn cơm trưa.
- Thì bảo ăn nhanh lên.
Trong khi chờ xe. Anh lại bóc nốt hai lá thư kia. Rồi chàng đứng lên, hai tay bỏ vào túi quần đi đi, lại lại, cái đầu cúi xuống. Một lúc lâu mới thấy tiếng động cơ xe hơi kêu lên sình sịch... Chàng đi theo xe ra khỏi trường, lên xe.
Đến nhà Long, Tú Anh bước vào, lên thẳng gác. Thấy cửa gác đóng chặt, Tú Anh đập mạnh mấy cái thì Long mở cửa ra.
- Ông làm gì thế?
- Không, tôi không bận gì cả.
- Tôi đã đọc hết cái thư của ông.
- Dạ...
- Tôi thật không ngờ sự tình lại như thế.
- Xưa kia, không bao giờ tôi lại ngờ sự tình như thế.
- Tôi buồn rầu lắm, ông Long ạ.
- Mời ông hãy vào trong này.
Hai người vào phòng, Long kéo ghế mời chủ ngồi, rót ra mấy chén nước, để hộp thuốc lá và bao diêm lại gần tay Tú Anh. Rồi cùng ngồi xuống ôm đầu ủ rũ.
Tú Anh nói:
- Tôi thật lấy làm phục cái lòng thẳng của ông.
- Cái nhân phẩm của ông bắt tôi phải đối với ông như vậy.
- Thế bây giờ ông nghĩ thế nào?
Long ngơ ngác hồi lâu, đáp một cách uể oải:
- Tôi... tôi không nghĩ gì cả, vì có muốn nghĩ cũng không nổi.
- Như ông, thế thì đáng thương lắm. Tội nghiệp!
- Xin đa tạ.
- Vậy ông muốn gì?
- Có lẽ tôi không nên muốn gì. Tôi để ông định cho thì hơn. Vì ở cảnh ngộ như tôi là nguy hiểm lắm.
- Ông yêu cô gái quê ấy lắm?
Long gật đầu.
- Thật thế?
Long lại gật đầu.
- Ông không thể lấy người khác được?
- Không thể được.
- Nếu vậy thì chỉ còn một cách...
Tú Anh nói đến đấy thì thôi, Long ngước lên hỏi.
- Cách gì ạ?
- Lấy người ta làm vợ...
- Cái ấy thì đã hẳn.
- Và quên cái thù kia đi.
- Tôi muốn thế lắm.
Tú Anh đứng lên, lại gần Long, vuốt ve Long, rồi tiếp:
- Phải đó, thù mà làm gì? Đó là những sự nhỏ nhen của đời người, ta nên cao hơn đời một chút. Ông hứa với tôi đi...
Long lắc đầu, buồn bã:
- Nào chắc đâu giữ được lời hứa?
- Người gái quê ấy...
Tú Anh nói đến đấy rồi lại thôi. Long nhìn lên hỏi thì Anh chỉ ngập ngừng. Sau cùng Anh tiếp:
- Thật đáng tiếc! Tôi quí ông, muốn coi như người nhà...
- ?
- Thật thế, thấy ông là người ngay thẳng có một, lại nhiều tính tốt, nên tôi vẫn định bụng...
- Ô? Không!
- Vẫn định mai sau thì ông sẽ là người nhà tôi. Bây giờ cơ sự thế này, tôi không biết nghĩ ra sao nữa.
Thốt nhiên thấy Long gục mặt xuống tay. Rồi Long cứ dụi mãi tay áo vào mắt. Đến lúc Long ngửng lên cả tay áo thấy ướt mềm. Long khóc thật. Rồi Long bỗng đứng phắt lên, trỏ tay ra cửa:
- Ông đi đi! Ông đi ngay đi!
Tú Anh đứng lên ngơ ngác. Long lại gắt, nhưng trong câu gắt vẫn có giọng nể:
- Tôi đã bảo xin ông đi ngay đi cho mà!
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!