KỸ NGHỆ LẤY TÂY - Chương 1: Đầu Và Tai (Vũ Trọng Phụng)
Đỗ Phương Lam | Chat Online | |
08/07/2019 10:23:53 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * KỸ NGHỆ LẤY TÂY - Chương 2: Cự Môn Thê Thiếp (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * KỸ NGHỆ LẤY TÂY - Chương 3: Mày Không Muốn Nhận Tao Là Chồng? (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * KỸ NGHỆ LẤY TÂY - Tựa (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * Chú Chó (Văn học trong nước)
Nhà bà bán hàng nước ấy đã bắt đầu run…
Trước một cơn thịnh nộ vô nghĩa lý của một kẻ sức lực hơn mình, tôi vội phải đứng ngay lên và lùi mấy bước để giữ thế thủ. Giữ một cách kể cũng hèn, vì cái thế mình đúng là mình không dám để lộ, mình vẫn cứ phải làm như chỉ nhượng bộ, và sợ sệt, và khuất phục nữa, vì sợ cái thế thủ của mình cũng đủ khiêu khích cho bên địch lại càng khởi thế công!
Những lời doạ nạt vẫn không thôi hắt vào mặt tôi như một cơn mưa nặng hạt:
- Phải! Một trăm thằng thì đều lấy cớ là đến du lịch cả trăm. Nhưng bọn chúng ta không còn ai lạ gì! Cái đất Thị Cầu này vẫn là chỗ để cho bọn trẻ tuổi nhàn cư đến ăn trộm ái tình hoặc giở giói những thủ đoạn hèn mạt khác, bọn người bản xứ khốn nạn ấy thường cũng có những bộ dạng khả nghi y như anh 1.
Kẻ gây sự như thế với tôi vừa la xong thì hai bàn tay hộ pháp của va đã nắm tròn. Cái mặt va khiến tôi phải nhớ đến một vài vai trò trong phim Big House. Mép, cằm và quai hàm của va tua tủa những sợi râu mới đâm ra vài hôm làm cho va có cái vẻ ngang tàng của Jean Valjean khi mới vượt ngục.
Chừng như nước mật của va chỉ có đến thế, và chỉ còn cách nhổ xuống đất một cái tỏ ý khinh bỉ và dồn cả sự căm hờn vào đôi mắt đe doạ tôi. Trước mắt tôi là một con hổ đang muốn gầm. Nhưng trước mắt con hổ lại có sự thản nhiên bình tĩnh của tôi – lớp rào sắt ngăn nó vậy. Tôi đợi va căm tức tôi chán chê đi rồi mới đáp:
- Tôi đây không thuộc hạng người mà các ông chồng ghen tuông phải gặp mặt thì mới xong đâu! Anh đừng vội nhầm.
Sau cùng, va lầu nhầu:
- Tôi rất hy vọng thế đó. Và tôi xin báo trước anh rằng, nếu tôi sẽ bắt được quả tang anh làm một chuyện bất lịch sự gì thì mặc lòng là thiệt hại cho tôi hoặc chỉ thiệt hại cho ông bạn đồng ngũ của tôi ở đây, tôi cũng sẵn lòng “hầu hạ” anh ngay!
Tôi đáp gọn:
- Xin vâng. Và cảm tạ.
Thế xong va mới chịu quay đi, lộp cộp in xuống mặt đường lầy bùn dấu giày đầy những vết đanh khuy to tướng.
Đó là một dân nước nào bên Tây phương? Người Đức hay người Nga? Người Ý hay người Bỉ? Hay một người Ba Lan?
Tôi không biết và có lẽ cũng không cần biết rõ đến thế. Điều tôi cầm chắc là bác lính lê dương ấy, thấy một người trẻ tuổi lạ mặt ở giang sơn mình mà đã nổi nóng, tất nhiên có phen bị vợ, hạng phụ nữ Việt Nam đi lấy Tây 2 lừa dối hẳn hoi rồi. Nghĩ kỹ ra người ta cũng có quyền nghi ngờ mình và sinh sự với mình. Lẽ thứ nhất vì người Âu ở Đông Dương có cái thói quen hễ cứ thấy một người bản xứ làm báo thì nghi cho là làm hội kín cũng như thấy một người ăn vận âu phục lại gần nhà mình là chỉ có một nghề đi chim vợ Tây!
Và lẽ thứ hai là vì ở cái… “Kỹ nghệ lấy Tây” nữa.
Những cuộc phối hợp của một số đông phụ nữ nước nhà với những người Tây phương liệu có đáng là những cuộc nhân duyên hẳn hoi không? Hay đó chỉ là, chỉ như…, chỉ hao hao giống… chỉ phảng phất… đáng gọi là một thứ “kỹ nghệ”?
Trước khi nêu lên đây những việc có thể đáp lời cho câu hỏi ấy, tôi hãy xin kể qua mấy cảnh mà, nhờ đó, tôi thấy ra trong cái óc cái câu hỏi kỳ lạ trên kia.
Trước nhà thờ chính, Hà Nội…
Buổi sáng, tiếng chuông đương khua động cả kinh thành.
Bốn chục chiếc xe hơi từ thềm nhà thờ nối nhau một hàng dài vắt ra phố Lagisquet như một con rắn bể kỳ quái nằm vươn mình: một đám cưới Tây. Mặt trời tươi tỉnh rọi ánh sáng để điểm thêm cho những bộ áo của những ngày đại tiệc. Hàng đám người ta đón chào vồn vã nhau, ồ ạt kéo nhau vào nhà thờ. Tại một góc thềm nọ, hai nhà, một gia đình Pháp một trăm phần trăm và một gia đình Pháp – Việt đương tưng bừng trò chuyện với nhau. Cái gia đình Pháp chỉ có hai người: bà vợ trẻ và rất đẹp, còn ông chồng đã già, tóc đã bạc phơ, tinh thần trông oai nghiêm sang trọng như một ông công sứ nào vậy. Còn cái gia đình Pháp – Việt thì có bốn người: ông chồng Pháp, bà vợ Nam, với hai con (tất nhiên là lai) trai và gái. Cặp vợ chồng quý phái người Pháp trăm phần trăm kia đã bắt tay bà “đầm ta” một cách kính cẩn không ngờ. Bà này cứ khanh khách cả cười, tiếng Pháp làu làu, tiếp chuyện đã tự nhiên, mà bệ vệ, mà sang trọng!
Một cảnh như thế khiến ta có cái cảm tưởng dễ chịu khi thấy một người đàn bà là dân một nước còn “dã man”, lấy chồng người bảo hộ mình hẳn hoi mà cũng không lép vế. Lấy tây như thế hẳn là không phải làm một kỹ nghệ.
Một cảnh khác nữa…
Một cái nhà tây nhỏ ở vùng châu thành.
Ngoài sân.
Dân quê qua đường thường phải ngạc nhiên mà dừng chậm đà chân mỗi khi thấy một ông Tây chân đi guốc mộc quai cao su lúi húi cầm bồ cào san một luống rau giữa lúc vợ ông ngồi chễm chệ trên ghế mây ở dưới hiên, đan một cái áo len và tặng cho mấy đứa con lai nghịch ngợm những tiếng nói cả Pháp lẫn Nam, thứ thì để chỉ tên súc vật, với thứ nữa, chuyên chỉ để réo đến năm đời, mười đời. Đó tưởng cũng là một bức tranh về hạnh phúc gia đình, mặc lòng có những lời nguyền rủa tục tằn của người đàn bà An-nam. Người chồng vốn là cựu chiến binh, có lẽ đã quen tai với những tiếng súng đại bác ở Verdun, nên cũng không chấp chi ngôn ngữ mọi rợ của một mụ đàn bà mọi rợ.
Nếu chỉ thấy toàn những cảnh như thế, tôi đã chẳng dám nghĩ đến sự viết một thiên phóng sự với cái nhan đề “Kỹ nghệ lấy Tây”.
Nhưng, một buổi sáng kia, một me Tây trước vành móng ngựa toà trừng trị đã nói một câu khiến cho công chúng quên khuấy ngay mình đang ở chỗ trang nghiêm, tưởng dè lúc đó đương xem hát bội mà thích chí cười ồ.
Viên thông ngôn vừa dứt tiếng gọi. Một thị khua rộn gót giày mang cá đỏng đảnh dẫn xác lên. Cử chỉ tuy vô lễ, khả ố, song cái mặt trông lại khả ái.
- Tên là gì?
- Nguyễn Thị Ba.
- Bao nhiêu tuổi?
- Hăm nhăm.
- Làm nghề gì?
- Trước lấy một ông phó đoan, sau lại lấy một ông…
- Im! Nghề gì chứ ai hỏi chồng!
- Sau lấy một ông cập-ten.
Viên thông ngôn cáu kỉnh làm luôn:
- Không có nghề phải không? Vô nghề nghiệp (quay lên quan toà). Sans profession.
- Việc gì mà vô nghề nghiệp?
- Thế làm nghề gì?
- Làm nghề gì? Làm nghề… làm nghề lấy Tây!
Công chúng cười ồ. Viên mõ toà đứng lên suỵt suỵt hoài mà ở cuối toà vẫn có tiếng cười khúc khích. Đáp một câu hỏi của quan biện lý, viên thông ngôn bực mình cứ việc:
- Elle déclare exercer le métier d’épouser les Européens!
Ông biện lý ngẩn người ra nhìn ông chánh án. Ông chánh án cũng ngẩn người ra nhìn ông biện lý. Rồi hai ông mỉm cười.
Lời khai nọ cũng đã ngộ nghĩnh, cũng đã táo tợn thay. Nhưng sao thị kia dám sưng sưng như thế? Hay là có nghề lấy Tây thật? Mà sao hai ông quan toà lại chỉ mỉm cười? Chỉ tha thứ, hay là hai Ngài đã hiểu lời khai ấy không sai với sự thực đó chăng?
Tôi muốn hiểu sự mỉm cười tha thứ của hai ông quan toà.
Cho nên buổi sáng mưa phùn gió bấc, tôi đã đội vào đầu một cái cát-két, ôm dưới nách một cái cặp nhỏ, đáp chuyến xe hơi thứ nhất đi Thị Cầu.
Các me đã chia chồng Tây ra làm ba hạng: xi-vin, cô-lô-nhần và lê dương.
Tôi muốn đến chỗ có thứ hàng hạ giá nhất đã.
Trước khi thẳng tiến trên con đường vào làng Cổ Mễ nó dắt tôi qua xóm các me, tôi mới kịp ngồi tránh mưa tại một hàng nước có một bà “nguyên vợ Tây” ngồi bán, thì thình lình bác lính nọ đến gây sự với tôi.
Một anh làm báo trẻ tuổi và yếu ớt, lại lăn lóc ở chỗ có những ông chồng cả ghen người Âu châu thì cũng là một sự nguy hiểm đấy.
Khốn nỗi, tôi chỉ muốn hiểu nghĩa lý cái mỉm cười của hai ông quan toà.
° ° °
Bóng người lính lê dương ấy đã khuất sau bức tường của Nhà Ngựa, bà hàng nước mới hết tái mặt hộ người khác (là tôi) và hỏi:
- Anh chàng cà cái gì thế ông?
- Có gì đâu: họ ghen tôi đấy. Sao bà lại cười?
Bà hàng nước vẫn cười, cười mãi, rồi mới nói:
- Biết mà! Anh chàng ghen là phải. Vừa mới chủ nhật tuần trước, anh chàng bắt được quả tang vợ đi chơi với giai.
- Thế à!
Bà hàng tiếp:
- Hôm ấy chẳng may hắn lại săng-ty-nền nên không làm gì được vợ. Về sau chị vợ chối mà bảo đấy là đi với em họ sang có việc nhà. Phúc làm sao nó chỉ cho mấy cái tát.
Bị mấy cái tát mà còn nói là có phúc! Độc giả nên cố hiểu đi, chứ người nói thế không hoá dại một tí nào. Nếu mình đi tưởng rằng ấy là câu pha trò thì lại là không tri kỷ với bà ta.
- Thế ông ở đâu, đến đây làm gì?
- Nguyên tôi làm nghề nhật trình, đi chơi lang thang, có gì hay thì viết.
- Thôi chết tôi rồi. Còn trách gì bác lính kia?
Bà hàng cứ gật gù cười một cách tinh quái làm sao! Bà ta cũng nghi tôi nốt!
Vội vàng tôi phải nói một cách rất đứng đắn cho bà ta nghe là tôi không có nhân tình nhân ngãi với ai ở đây, và hỏi bà ta những điều cần hỏi. Nhờ cuộc trò chuyện, tôi mới biết đại khái đồn Thị Cầu.
Trời vẫn rả rích mưa to, nhưng vũ vô kiềm toả… Cho nên bà hàng nước cũng buồn, chẳng còn cách gì khác là kể hết, kể hết cho tôi.
Tuy chỉ có vài ngọn đồi, một nhà ga với vài trại lính, Thị Cầu cũng đáng gọi là một tỉnh “quốc tế”, cũng như Chùa Thông, Tuyên Quang hay Việt Trì. Bề ngoài thì nó còn có gì tỏ ra cái tính cách quốc tế được! Nhưng ta thử ngẫm về cái tinh thần nó xem! Ba trăm lính lê dương đóng đồn tại đó thì biết bao nhiêu thứ người các nước bên Tây phương? Trong các hàng ngũ người Đức đứng cạnh một người Nga, một người Lỗ đứng cạnh một người Bồ đào, nhưng ai cũng đều bập bẹ nói tiếng Pháp cả. Trong 300 người, mỗi khối óc là một thế giới riêng. Ba trăm cái tiểu sử hoặc lâm ly hoặc bi hùng trộn lẫn nhau tại đó. Muốn tưởng tượng ra được những cuộc đời của họ, ta cần phải đã có xem chiếu những phim: Le grand jeu, Je suis un évadé, Le passager v.v… Người này có lẽ đã chọc một mũi dao nhọn vào cái cổ trắng nõn như ngà của một người đàn bà đã phụ bạc… Kẻ kia có lẽ bắn súng lục vào ngực một người mẹ đã cho bố mình mọc sừng. Một kẻ khác nữa có lẽ đã đâm chết vài thằng phản đảng một đảng quá khích.
Rồi họ đăng lính, đến đây để tìm sự sống còn, hay tìm cái Quên.
Dù xưa kia là (…) một kẻ sát nhân xoàng, một người lê dương thì ít ra cũng đã là một ông cọp. Họ thường có những lá gan, quả mật to phi thường. Nếu họ phải lấy một người vợ đất Nam Việt thì đó là hùm thiêng khi đã sa cơ.
Mà 300 lính ít ra cũng phải chế tạo được 350 me Tây và vì bao giờ cũng phải có một số các me nghỉ việc. Thí dụ cứ cho là 50 me “thất nghiệp” thôi, ta cũng đã có thể đoán trước được những sự cạnh tranh hèn hạ, phỗng tay trên nhau, phá giá nhau. Một người chồng không mỗi lúc đã trở mặt hoá ngay ra được một bạc tình lang, nếu luật cung không quá luật cầu.
Trước, tôi chỉ muốn hỏi: lấy Tây có thể gọi được là một kỹ nghệ không thì sau khi trò chuyện với bà hàng, tôi thấy rằng kỹ nghệ ấy đã đến hồi suy đốn nữa!
Vì rằng bà ấy đã nói:
- Tuần lễ trước có cả mấy cô thiếu nữ Hà thành cũng sang đây để kiếm chồng! Có chồng rồi, vì không biết nên cho được đồng lương cao, thành ra không đủ tiền mua rượu, thuốc lá, đồ hộp cho chúng nó. Thiếu thốn, bị chồng vặc, chưa chi đã sợ, ấy thế là bảo nhau tìm đường chuồn. Thành thử lấy chồng lỗ vốn! Rõ khốn nạn! Tài có, sắc có, chữ nghĩa cũng có mà thế đấy! Bảo via như tôi thì đã đành. Nghe đâu bây giờ có một cô ả trong bọn ấy sang một tiệm nhảy ở Đáp Cầu xin vào làm ca-va-li-e.
Nào cô Nguyễn Thị Kiêm đâu?
Đó, một tài liệu cho cô để diễn thuyết về vấn đề chức nghiệp của phụ nữ!
Tự nhiên bà hàng lại mách:
- Lại còn điều này mới chua chát: bây giờ vô số anh không chịu lấy vợ, chỉ rượu và quây quần nhau lại một chỗ để bẹp tai.
Sẵn dịp, tôi liền hỏi:
- Bà có biết anh nào hiện không vợ và dễ dãi, thích nói chuyện, có thể nhận lời mời của tôi không?
Bà ta:
- Có! Tôi quen thì nhiều.
- Không cần nhiều. Chỉ cần một người, nhưng mà dễ dãi.
- À, thế thì có lão cai Đi-mi-tốp.
- Làm cách nào bén chuyện làm quen được?
- Đến chiều, hết giờ la-gát thì thế nào anh chàng cũng đi qua đây.
- Thì bà mách cho tôi nhé?
- Được. Khó gì điều ấy? Lão ta đã lấy nhiều vợ lắm, mà gặp phải những đứa không ra gì cả nên lão bây giờ lử đử lù đù như người chán đời, chỉ thích trò. Ông muốn lão cởi hết ruột gan ra thì cứ việc nói xấu người đàn bà nước ông cho nó nhiều vào! Nhiều vào! Và mời lão đi cát-cút 3 hay là đi chén rượu ty với phở tái cũng được cả.
Tôi hẹn giờ quay lại rồi đứng lên cáo từ.
Bà hàng thế mà là người tốt, mặc lòng tôi thường thấy rợn cả tóc gáy mỗi khi bà ta cười mà để lộ hai hàm răng trắng nhởn ra.
--------------------------------
1Nếu độc giả thấy câu văn là ngây ngô thì xin nhớ cho rằng tôi cố dịch những lời nói tiếng Pháp đúng từng chữ một để khỏi sai lạc tinh thần những người nói.2Chữ Tây ở đây xin độc giả hiểu cho là Tây phương, lấy Tây là lấy người Tây phương (Occidentaux) chứ người Tây không chỉ là người Pháp.
3Cát-cút theo chữ casse-croutte, nghĩa là bóp vỡ cùi bánh, nghĩa là ăn bánh với các thức ăn nguội.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!