Tuổi Thơ Dữ Dội - Chương 2: Phần thứ hai (Phùng Quán)

136 lượt xem
Sáng hôm sau.

Không đợi còi báo thức của đội trưởng, cả Đội đã hò nhau thức dậy từ lúc trời chưa tờ mờ sáng. Ngôi lầu doanh trại lập tức ồn ào nhốn nháo tưởng như có cả một tiểu đoàn bộ đội đóng, chứ không phải chỉ có ba mươi hai đội viên thiếu niên.

Các em gấp chăn, giũ chiếu, buộc ba lô, tìm ca bát, tìm mũ... đi lại, chạy lên chạy xuống chóng cả mặt, gọi nhau í a í ới. Quỳnh, quản ca của đội, được các bạn đặt cho biệt hiệu là Quỳnh-sơn-ca, vai khoác ba lô cóc, nhảy đứng lên trên cái bàn kê chính giữa phòng, nó trạc tuổi Mừng, tóc óng mượt như tơ, da trắng mịn như trứng gà bóc, môi đỏ như son tươi. Nó là đội viên độc nhất trong đội biét đọc các bản nhạc, biết chơi đàn măng đô lin, piano. Nó là con viên quan tuần Phủ, có ngôi biệt thự hai tầng đẹp nhất ở vùng Vĩ Dạ. Trước Cách Mạng, những người trong vùng thường kính cẩn gọi cha mẹ nó là cụ Tuần Vi. Ngày đó, Mừng còn đi lang thang tìm thuốc cho mạ, nhiều lần đã đi qua ngôi biệt thự của Quỳnh. Mỗi lần ngang qua đây, thế nào nó cũng dừng lại một lúc, nép mình bên hàng rào sắt sơn xanh, lắng nghe tiếng đàn thánh thót vọng qua khung cửa sở trên tầng gác hai. Khung cửa sổ mở rộng, trên hành cửa có đặt những chậu hoa hồng nở đầy hoa. Thỉnh thoảng tiếng đàn chợt ngừng lại và Quỳnh bước tựa ngực vào thành cửa sổ nhìn xuống đường... Mừng vội nép kín dưới chân rào nhìn lên. Nó tưởng như Quỳnh là một hoàng tử hiện ra từ các chuyện đời xưa mà cụ Ba Trà thường kể. và không hiểu sao lúc đó một cảm giác buồn tủi không cùng dâng lên nghẹn cả cổ, làm nó muốn khóc... Bây giờ Quỳnh và Mừng trở thành dôi bạn thân. Những buổi nghỉ tập hai đứa thường rủ nhau chơi bi, chơi dế... hoặc chơi trốn tìm đuổi bắt, khoác tay nhau đi tha thẩn trong khu vườn đằng sau doanh trại. Nhiều buổi tối, hai đứa ôm nhau ngủ trên cái bàn, đắp chung nhau chiếc chăn trấn thủ... Cái ba lô cóc của Quỳnh rất to, nhưng chỉ đựng vài bộ quần áo trể con nên lép kẹp như quả banh xì hơi. Nó nhún nhún thuẻ mấy cái xem ba lô đã chắc chưa, rồi bất ngờ nó vươn thẳng người lên, hơi đưa ngực về phía trước, cất cao giọng hát:

”Bao chiến sĩ anh hùng...”

Giọng Quỳnh trong vắt, cao vút, vang ngân... Ôi, từ giọng hát đến dáng điệu của nó lúc này sao giống hệt con chim sơn ca đang lao thẳng lên giữa bầu trời lồng lộng chớm hồng, cất tiếng hát theo đà bay, để chào mừng những tia nắng đầu tiên...

Thế là đội từ bốn phía góc nhà, ngừng tay, đứng yên, cùng ưỡn ngực vươn cổ hát tiếp theo Quỳnh:

“...Lạnh lùng vung gươm ra sa trường... Quân xung phong nước non đang chờ...”

Cả ngôi lầu phút chốc tràn ngập tiếng hát tười non mà không kém phần hùng tráng của đoàn quân tí hon sắp lên đường ra trận.

”Bao chiến sĩ anh hùng” là bài hát tủ của Đội. Không ngày nào các em không hát năm bảy lần. Nhưng chưa bao giờ chúng hát say sưa, hào hững như sáng nay. chúng tưởng như những lời sục sôi nghĩa khí, hào hùng, quyết liệt, chúng đang hát, chính là để nói về mình.

“... Là trang nam nhi... Quyết chiến sa trường... sống thác coi thường...”

Tiếng còi của Đội trưởng giục giã nổi lên.

Toàn đội tập họp ngay ngắn trước sân doanh trại. Tất cả đều gọn ghẽ, chỉnh tề, mũ trên đầu, ba lô trên lưng, túi dết bên vai.

Đội trưởng hô đội đứng nghiêm, đọc danh sách các tổ mới được sắp xếp, phiên chế lại. Đội được chia thành tám tổ, mỗi tổ bốn đội viên. Tổ của Vịnh-sưa bây giờ gồm có: Vệ to đầu, Quỳnh và Mừng.

Một hồi còi dại. Đội từ giã doanh trại, dàn thành hàng một, đi về phía Mặt trận.

Trời mưa bụi lất phất. Bầu trời lớp lớp mây chi.

Càng đi gần về phía Mặt trận đường sá càng bừa bộn ngổn ngang, như thành phố vừa trải qua trận bão năm Thìn. Cây to, cột điện, quân ta hạ gục nằm chồng chất lên nhau kín cả mặt đường để ngăn chặn xe tăng giặc. Dây điện từng búi lớn loằng ngoăng như tóc rối. Những ụ súng xây bằng bao cát, những chướng ngại vật làm bằng giường tủ, chum vại, cánh cửa, sắt đường tàu... Phải đi vòng, phải trèo qua.

Con sông Hương thân thiết xanh ngăn ngắt hiện ra trước mắt, mờ ảo trong màn mưa bụi như bột rây. Hai nhịp cầu Tràng Tiền chính giữa bị chặt đứt, gục xuống sông, sắt cầu vặn xoáy vỏ đỗ. Cả đội tự nhiên đi chậm lại. Đứa nào cũng cố nhón chân, nghểnh cổ nhìn cái cầu thân quen gãy gục. Chúng đều tặc lưỡi xuýt xoa nhưng không phải vì tiếc chiếc cầu đẹp bị phá huỷ. Hũng chỉ trầm trồ thán phục sức mạnh trái bom đã “chơi” nổi cái “anh cầu” sắt thép đồ sộ kia.

Mừng quay lại hỏi Tư dát đi đằng sau:

-Quả bom ni chắc phải to lắm anh hè?

-To cóc cih! Hai trăm cân chứ mấy!

Tiếng anh đội trưởng đi cuối hàng hô vọng lên.

-Tản khai thành hàng một, cự ly cách nhau mười bước.

Bọn trẻ vội vàng xa nhau ra, đúng cự ly quy định, me theo hè phố, qua Phu Văn Lâu, qua cửa Thượng Tứ, Cột Cờ... đi về phía cầu Bạch Hổ.

Cầu sắt Bạch Hổ bắc ngang sông Hương là chiếc cầu độc nhất của Huế chưa bị giật sập. Nhưng hai mái cậu đã được bố trí sẵn hai quả bom, chỉ chờ lệnh là nổ.

Khi cả đội đi đến đầu cầu, một trong hai anh Vệ Quốc Quân công binh phụ trách cầu bước ra khỏi công sự đào sát mép sông. Anh cao lớn lực lưỡng, nước da đen cháy, mặt vuông chữ điền, lông mày mũi mác, miệng rộng đến mang tai. Hai ngón tay kẹp điếu thuốc lá quấn kiểu xì gà, to bằng ngón chân cái. Một tay chống nạnh, anh cười cười hỏi:

- Mấy chú em đi mô mà kéo đoàn kéo lũ đi đông rứa?

Tư dát liến thoắng chỉ tay sang bên kia sông đáp:

-Bọn em qua bên tê sông chơi nhau với tụi Tây mũi lõ coi ai được anh ạ.

anh công binh nheo mắt nhìn Tư-dát cười để lộ hai hàm răng bàn cuối vàng kè nhựa thuốc lá.

-Nhất định là các chú mình được rồi!-Anh nói. - Các chú chỉ cần hỉ mũi, bốc ghèn (Rỉ mắt) mà quăng, tụi Tây cũng đủ chết lăn cu quay, chứ cần chi đến bom đạn như các anh đây!

Cả đội cười rân:

-Ha ha ha! Chuyến ni Tư dát bí rồi nghe! Cậu ta tự cho mình là tay mồm mép đối đáp ghê nhất đội đó anh ạ.

Anh công binh đua điếu thuốc lá lên hút, điếu thuốc cháy ngờ ngợ như bó đuốc. Anh phà khói thuốc, nháy mắt nói:

-Vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn!

Đội trưởng đi đến chào anh công binh, nói:

-Đề nghị đồng chí cho đội chúng tôi qua cầu.

-Các đồng chí cứ việc qua. Các đồng chí thuộc đơn vị mô mà coi bộ to lớn, già lụ khụ rứa?

-Chúng tôi là đội Thiếu niên trinh sát của Trung đoàn.

-Hay! - Anh công binh tự nhiên buột miệng khen. - Lúc qua cầu các đồng chí nhớ cúi thấy người xuống, mà đi xa xa nhau ra nghe. Tụi tây đóng bên trường Thiên Hữu mà ngó thấy là câu móoc chê qua liền. Lúc đó thì cũng hơi mệt!

Tư dát bị anh chơi cho câu ''bốc ghèn mà quăng'! ức từ nãy đến giờ, chỉ lăm lăm chờ dịp trả miếng. Nó nói:

-Anh đừng chơi xỏ chúng em, chờ cho chúng em ra đến giữa cầu giật bom nghe?

Anh công binh trả lời mặt tỉnh khô:

-Đây mà ngứa tay thì cũng chưa biết chừng!
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo