Đôi lứa xứng đôi - Ma đưa (Nam Cao)

175 lượt xem
Hai đứa trẻ, lê la trong vườn, vừa làm cỏ vừa nói chuyện. Hai đứa cùng gầy còm, cùng đen đủi, tóc mới nuôi chẳng sửa chăm, quần áo rách vá nhiều chỗ và bẩn thỉu. Nhưng nhìn kỹ, cả hai cùng rất có thể xinh xẳn được: chỉ cần thêm cơm và sạch sẽ. Trinh, mười bốn tuổi. Hai mắt tròn, đen và dịu dưới hai nét lông mày thiên nhiên nhỏ tắp, cong và dài, như tỉa và vẽ lại; miệng nó nhỏ, múm mím, trông như hơi thụt vào bên cạnh cái cằm nhô ra và đôi má tròn; trán nó dâm dấp bồ hôi, cái cười của nó rất lành, giọng nói chậm và cung bực đều đều; nó hiền, hiền đến hơi ngờ nghệch. Trạch kém chị hai tuổi, nhưng có vẻ tinh hơn. Người nhỏ nhưng có thịt lẳn, da nhẵn, mỏng mặc dầu đen, đôi mắt nhanh nhẹn đáng nhẽ sắc sảo, tiếc thay! Bệnh đau mắt hột làm cho những mí co hẹp lại và lòng đen, lòng trắng lờ lờ ra nhiều rồi. Nó nói cười đều có chút mỉa mai: một đôi khi, người ta ngạc nhiên vì những sự nhận xét của nó, rất ngộ nghĩnh mà rất đúng.
Trạch ở chơi nhà dì ngoài bốn tháng nay, mới về quê chưa đầy tuần. Hai chị em, lâu ngày xa cách bây giờ gần gũi, thấy yêu nhau tha thiết lắm. Làm hay chơi chúng quấn quýt nhau suốt ngày. Trinh đã nghe chuyện tỉnh thành rồi. Bây giờ đến lượt nó kể chuyện ở nhà cho Trạch. Có gì đáng nói? Phải đòn phải chửi lắm cũng quen đi, không còn phải là những cái Trinh cho là quan trọng; rước xách thì lâu nay chẳng có; Trinh hấp tấp đến ngay cái chuyện từ trước đến nay chưa từng thấy: bà chúng suýt bị ma dìm xuống ao. Quả nhiên, Trạch ngừng ngay chép 1 lại: nó mở to đôi mắt, "hừ" một tiếng, như là không tin. Trinh đắc chí, nhe răng cười:
- Thật đấy. Không tin cứ hỏi bà mà xem!
Đêm hôm ấy không có giăng, nhưng giời cũng không tối lắm. Thức giấc, bà chúng nó ra ngoài đi tiểu. Đêm nào bà cũng phải dậy đi một lần. Hôm ấy, đi xong bà thấy mắt hoa lên và người hơi bủn rủn. Không khéo bà lại cảm! Bà vội quay vào nhà. Giời tối thêm hay mắt bà mờ? Cái hè nhà đâu, bà chẳng còn trông rõ nữa. Nhưng mà có cần gì phải trông; mọi lần đều thế, có lần giời đen như mực, bà cứ nhắm mắt lại cũng không nhầm đường; cái việc ấy thuộc quá rồi, bà có thể làm như một cái máy. Nhưng chết nỗi! Bà đi mãi mà chưa thấy đầu hè đâu. Bà đưa tay quơ ra trước mặt. Ô hay! Cái gì tròn, nhẵn... à này cái mấu, thôi đây là bụi tre. Bà giật mình đến thót một cái; chân trước bà thụt ngay xuống bùn. Hỏng mất! Đây là vườn trước, bà đã đến tận bờ ao nhà bà phó Sầm. Sao thế nhỉ? Bà nhớ rõ ràng bà có quay người lại, mà sao không trở vào lại đi ra thế này! Bà muốn lộn lại, nhưng lúng túng, cứ một bước lại gặp tre, lại thụt một chân xuống nước. Không dám đi nữa, bà ôm chặt lấy một cây tre, mở to mắt ra, cố nhìn. Ở đằng xa, chín mười người cầm đóm thấp thoáng trên bờ nước; có người cúi xuống; tay họ cắp rá, có lẽ họ đi xóc gạo... Quái! Nhà bà phó Sâm có công việc gì mà đi xóc gạo sớm thế, mà lại nhiều người thế? Chó bốn bên đổ xô vào, xao lên. Chết thật! Ở nhà bà, chúng nó ngủ sao mà mệt thế! Giá trộm nó vào nó dỡ nhà đi cũng không biết gì. Bà cất tiếng gọi Trinh. Nó ngủ say. Bà gọi Kính: không thưa nốt! Bà gọi Đạt. Rồi bà gọi Khiết. Gọi lâu lắm, lần lượt gọi tên cả nhà. Chó xung quanh rú cả lên. Ở nhà vẫn không ai nghe thấy. Ngủ gì mà như chết vậy? Hàng xóm nghe thấy cả; có người ở rất xa cũng nghe thấy có tiếng người gọi rất lâu; họ thức dậy lắng tai nghe; tiếng gì mà lạ quá, lúc run run, lúc ú ớ, có lúc tru lên như tiếng hú, nghe mà rợn! Anh Luân, nhà gần đấy, thấy khang khác, chạy ra nghe ngóng, và khi đã chắc chắn người ta gọi nhà bà lý, liền gọi hộ. Anh mới gọi hai ba tiếng, trong nhà đã thưa. Trinh và Khiết đốt đèn, chạy ra. Chúng thấy bà đang đứng tận dưới vệ ao nhà ông chánh hội. Đây là cái ao ở đằng sau nhà, đâu có phải ao nhà bà phó Sâm. Mà cũng chẳng có ai vác đóm đi xóc gạo; cả nhà ông chánh hội thấy động chạy ra; họ bảo họ vẫn nằm nghe ngóng, chứ có đóm đèn gì đâu? Bà bị ma đưa rồi. Nó định dìm kia đấy, nhưng số bà chưa chết. Hú vía! Kể cũng còn là may!...
Trạch mỗi lúc một thêm kinh ngạc; nó lo lắng bảo chị:
- Thế ra vườn nhà ta cũng có ma, chị nhỉ?
Trinh làm ra vẻ thành thạo:
- Chỗ nào mà chẳng có ma! Ngày xưa nó cũng đã chực dìm bà chánh hội, chỉ một ly nữa là chết đấy.
- Thế hở, chị?
- Ừ. Mà cũng chỉ vừa chập tối đấy thôi. Bà ấy cắp rá gạo và xách cái nồi ra ao. Xóc gạo, rửa nồi xong rồi, bà đặt cái rá gạo trên miệng nồi, định rửa tay một cái rồi về. Tự nhiên cái nồi quay long lóc, cứ vừa quay vừa xa ra. Bà đưa tay với. Nó buột đi mất. Sợ hãi, bà vội vàng xắn quần lội xuống đuổi theo. Nó xa hơn. Bà đuổi mãi. Nó cứ cách tay bà độ một gang, nhưng bà không sao với kịp. Nó cứ quay tít mãi, mà ra đã đến gần giữa ao. Nước đã lên đến cổ, bà chánh vẫn còn đuổi mãi. May lúc ấy người nhà ra trông thấy. Người ta nhảy bổ xuống, phải ba người mới kéo được bà lên: bà mê man, cứ nhất định đòi ra vớt nồi. Chậm một phút nữa là bà chết.
Trạch lè lưỡi ra, mắt sợ hãi, lắc lắc cái đầu:
- Ghê quá nhỉ? Nghĩ mà lại lo.
- Việc chó gì mà lo! Số mình chưa chết thì bố nó cũng không làm gì nổi. Có điều nó chỉ trêu ghẹo mình thế thôi. Tháng trước nhà nấu một nồi năm canh bánh đa. Nó lẻn vào ăn lúc nào chả biết, thành ra lúc mình ăn, cá thì vừa nhũn vừa tanh, bánh thì rản ra, như là canh thiu. Thế mà chỉ vừa múc ra bát có một lúc, chỉ độ ăn giập bã trầu chứ có để lâu la gì đâu.
Trạch cứ ngớ người ra. Trinh nuốt bọt, cười, nhìn em. Trạch hỏi:
- Cái gì thế, chị?
- Nói đến canh bánh đa mà thèm!
Trạch cũng thấy mồm dần dần đầy nước dãi. Chúng nhịn đói từ trưa hôm qua đến giờ. Giời làm đói kém, nhà nào cũng thế thôi: trưa nay một lùm lùm bát, đợi đến trưa mai mới lại được một lùm lùm bát. Trạch, mấy tháng ở nhà dì, cứ mỗi ngày ba bữa ăn đến tròn cái bụng, bây giờ đói quá. Càng đói nó càng thương chị: chị nó chưa được ăn no bao giờ. Nhưng thương hại thế thôi, chứ biết làm sao được? Bà thì già, mẹ thì túng, chúng nó còn lau nhau cả, chỉ biết ăn không biết làm, đào đâu ra tiền mà ăn no? Nó bảo Trinh:
- Thôi, chúng ta cố làm xong chỗ này đi; đến trưa, rồi ăn cơm.
Trinh, an phận:
- Phải đấy. Bây giờ mà ước canh bánh đa thì còn là treo mõm!
Rồi nó cúi xuống, loay hoay giẫy cỏ. Nhưng cái thèm ăn chưa chịu rời khỏi óc; nó lại bảo:
- Hãy ước một tấm bánh đa thật giòn mà nhai cho sướng mồm.
Trạch nghĩ ngợi một thoáng, rồi bảo:
- Thế thì được.
- Không biết lấy tiền đâu mà được?
- Tôi hãy còn một xu.
Đó là tiền dì nó cho, đi xe còn thừa. Nó định để bỏ ống, nhưng nghĩ thương chị quá, không nỡ để. Nó bàn với chị:
- Ta đi ra chợ hàng mua tấm bánh đa, chị em mình ăn chơi.
Trinh cảm động. Một xu đối với nó thật là to tát. Nếu nó có, nó chỉ đùm thật kỹ, chẳng chịu bỏ ra bao giờ. Nó biết Trạch cũng quý tiền ngang ngang với nó. Trạch có muốn đãi chị, mới chịu bỏ đồng xu ra. Nó không muốn phá hại em như thế ấy...
- Thôi, Trạch ạ. Đừng ăn nữa hoài tiền. Để dành rồi tiêu gì thì tiêu. Bây giờ cũng gần ăn cơm rồi.
- Không, tôi đói lắm, không làm được nữa.
- Cố mà nhịn, cho quen, em ạ.
- Tội gì có tiền mà nhịn! Rõ ra người giời đày. Ta đi nào.
Nói rồi nó đi ngay. Trinh khoác cái rổ sề 2 lên vai, chạy theo em. Nó cẩn thận thế, để nếu có gặp bà hay mẹ hỏi, thì sẽ nói: đi hót rác. Nhưng chẳng ai trông thấy chúng. Hai đứa dắt tay nhau ra chợ hàng.
Giời nắng chói. Cây cối đứng im như bằng sắt. Lá hơi rũ xuống, tựa nóng quá mà mềm ra. Trinh và Trạch thấy đường làng vắng ngắt. Bóng chúng nó đã thu gọn vào dưới chân. Trưa rồi đây. Chả biết người hàng bánh có còn đấy không?
Trinh bảo Trạch:
- Hàng hết người rồi, em ạ.
- Thì cứ lại.
- Trông kia kìa: có còn ma nào ở đâu?
- Thì cứ lại. Ngộ họ ngồi trong quán.
- Họ ngồi đấy bán cho ma nào, vào lúc này? Người ta đang ăn cơm cả rồi.
- Thì cứ lại. Đã đi đến đây rồi, còn mấy bước nữa, sao lại về?
- Lại thì lại nhưng cũng bằng công toi!
- Công toi thì công toi!
Chúng đi thẳng ngay vào quán. Sắp bước vào Trạch bỗng hoảng hốt quay ra, chạy: nó thấy một con trâu đen, to, dữ dội, sừng cong và nhọn hoắt, xộc ra đuổi nó. Trinh chẳng trông thấy gì, nhưng thấy em chạy, thì cũng chạy theo em. Chúng dắt díu nhau cùng chạy. (Những người gặp chúng kể lại rằng chúng chỉ đi rảo bước chứ không phải chạy). Chạy một lúc thì chúng quên hẳn con trâu. Quên cả việc đi mua bánh đa ăn cho đỡ đói. Mà chúng cũng không đói nữa. Chúng thấy người nhẹ nhõm, lòng vui vui. Chúng định đi đâu? Chúng không biết. Mà cũng không biết con đường đang đi là đường nào. Cảnh hai bên khoáng đãng và tươi đẹp. Những đồng lúa bát ngát dải màu xanh non đến tận chân giời; một vài cái ao, nước lấp lánh dưới những tia nắng đẹp; một xóm rất nhiều nhà gạch, san sát như ngoài phố; một cái đền, đầu mái cong chọc thủng đám lá si; một cái cầu gỗ; lại một cái đền như cái trước, một xóm nhà gạch như xóm trước, rồi ao, rồi ruộng, rồi một xóm nhà gạch, một cái đền, một cái cầu gỗ nữa... Cảnh không thay đổi mấy, quanh quẩn chỉ mấy thứ đó, nhưng chúng đi không biết chán...
Bỗng Trinh níu em, đứng dừng lại trên bờ một cái lạch, nước trong veo. Tôm tép nhiều quá, lúc nhúc, giá lấy rổ chao cũng được vài, ba bát. Hai đứa vén quần lội xuống. Trinh lấy rổ sề chao. Tôm tép ngầu ngầu trong rổ, nó thích quá! Thích quá! Giời ơi! Nhiều biết bao! Nhưng đến lúc nhấc rổ lên thì tôm tép lọt ra ngoài mất cả. Những nan rổ sê thưa, mắt rổ to lọt là phải lắm. Bỏ thì tiếc. Tìm đâu được cái gì mà chao bây giờ? Trạch cúi xuống, lấy bàn tay vót cái vạt áo trước của nó phè xuống nước. Trinh bỗng nghĩ ra một cách: lấy vạt áo của Trạch làm vó chao. Nó bảo Trạch xè vạt áo ra, cúi xuống. Trạch cúi, cố cúi nhưng vẫn chưa chao được. Trinh bỗng quắc mắt lên. Nó nắm lấy cái cổ tròn tròn của em, dúi xuống. Trạch thét lên, Trinh cười sằng sặc, càng dúi mạnh. Trạch chống lại. Trinh bóp cổ. Trạch lảo đảo. Đầu nó gần sát nước. Nó vùng vẫy. Vô ích: Trinh khỏe quá, mà bùn thì sâu.
Nhưng có tiếng người láo quáo. Trinh giật mình, quay lại: một người đàn bà vạt áo che đầu, đang thoăn thoắt đi về phía chúng. Trinh hoảng hốt dắt tay em trèo lên đường, bảo nhau cùng chạy trốn. Trạch lờ mờ thấy một chút băn khoăn; nó thoảng nhớ đến nhà, bảo chị:
- Đi về đi, chị Trinh đi.
Trinh vênh mặt lên, mắng nó:
- Thế thì mày hèn lắm! Thế thì mày hèn lắm!
Trạch sợ chị giận, im không nói nữa. Nó cúi đầu đi theo. Rồi bước chân nó nhẹ thêm. Nó lại vui như trước. Chúng vừa đi vừa hát những câu hay quá, chưa bao giờ chúng hát. Chúng hát đi hát lại, chỉ sợ rồi lại quên.
Bây giờ đến một cây vam. Thân thẳng và to, lá um tùm, ánh nắng không lọt qua kẽ được. Trinh đứng lại. Trạch làm theo. Hai đứa cùng ngắm nghía:
- Cái cây này đẹp nhỉ!
- Ta trèo lên đây.
- Ừ, ta trèo lên cây vam này.
- Rúc vào đám lá kia thì thật mát.
- Mà kín đáo, đố còn ai trông thấy.
- Đố còn ai trông thấy!
- Chui giậu vào.
- Chui giậu vào, trèo lên.
Nhưng ba con chó rất to, xộc ra, nhe những cái răng trắng hớn. Chúng sủa ầm ĩ, cắn những cái cột giậu tre sồn sột. Có con lấy chân trước cào cào đất. Con nào cũng chực nhảy xổ vào chúng nó. Lại có tiếng người trong nhà chạy ra. Trinh và Trạch sợ hãi, bỏ cây vam, chạy...
Bây giờ chúng ngừng lại trước một cái vườn tĩnh mịch. Giậu rất thưa, chỉ khẽ rạch là chui vào được. Qua lỗ giậu, chúng thấy một cái nhà gianh, nhỏ bé. Không thấy chó. Hình như cũng chẳng có ai ở nhà. Vừa tiện! Chúng lẳng lặng ra hiệu cho nhau chui vào. Chúng nhìn ngơ ngác một lúc, rồi lại một gốc chuối kín đáo hơn tất cả. Trinh hạ cái rổ sề. Hai đứa bước vào, ngồi khoanh chân lại, quay mặt vào với nhau. Chúng nói khe khẽ như sợ có người nghe thấy. Hai đứa cùng lo lắng. Chúng chỉ lo gặp người ta vào.
Cơm dọn xong rồi. Người ta gọi Trinh và Trạch. Không thấy đứa nào thưa. Chết thật! Hay rơi xuống ao cả rồi? Người ta tìm khắp vườn. Chẳng thấy đâu. Người nọ hỏi người kia. Mẹ chúng đã rưng rưng nước mắt. Cả nhà nhớn nhác, mỗi người chạy một ngả, đi tìm.
Khiết, chị lớn của Trinh và Trạch, đi ra phía hàng. Hàng không có người. Khiết đang phân vân chưa biết đi ngả nào thì gặp bà Lai. Bà này bảo gặp chúng khoác cái rổ đi trong quãng đền Nhà Quan:
- Tôi tưởng chúng nó đi lấy ngọn mía ở nhà bà phó Nhuận. Cứ thấy chúng nó giở đi giở lại ba bốn lần ở quãng từ tha ma đến cầu gỗ.
Khiết chạy một mạch đến nhà bà phó Nhuận. Im ắng cả. Không chừng bà lại khóa cửa đi đầu rồi. Khiết gọi. Khiết mới gọi một tiếng, đã thấy trong vườn lắc rắc. Chắc con chó chạy ra cắn trộm. Khiết cúi xuống, phòng bị sẵn. Nhưng không, Khiết thoáng thấy hai đứa trẻ chạy về phía sân. Một đứa cầm rổ sề úp lên đầu. Đích là chúng nó! Chúng nó vào làm gì đây?
Bà phó Nhuận, đang bế con, thiu thiu ngủ, mơ màng như có tiếng ai gọi ngoài ngõ. Bà vừa mở mắt, thì thấy Trinh và Trạch vào. Mắt chúng dại hẳn ra; mặt chúng xám ngắt. Chắc là chúng phải đòn, trốn vào đây. Trạch chạy nép vào một xó nhà. Trinh luống cuống, lại ra ngoài xuống bếp. Nghe Khiết gọi, bà muốn giấu cho hai cháu, không lên tiếng. Không thấy thưa, Khiết vào. Trạch cuống quýt, chạy vù ra. Khiết đuổi theo. Trạch hoảng hốt ôm chầm lấy cây cau, mắt long lên, thét thật to như sợ đánh. Bà phó Nhuận nắm tay Khiết lại:
- Chị tha cho em. Đánh mãi nó sợ thất tinh lạc đi thì chết.
- Nào có ai đánh nó!
Trạch chạy vào trong bếp. Bà phó Nhuận ái ngại:
- Tội nghiệp! Chúng nó là trẻ con; đe chúng nó qua loa, ai lại làm chúng nó thất kinh như thế ấy?
Khiết chạy theo vào bếp. Cả Trinh, cả Trạch, đang cuống cuồng chui đầu vào đống gio. Khiết nắm chúng lôi ra. Chúng run rẩy và mắt nháo nhác như sợ lắm. Đứa nào cũng xo người lại. Khiết quát to ba bốn tiếng. Chúng dần dần ngây người, đờ mặt ra. Một lúc lâu, Trạch tỉnh dần. Nó bẽn lẽn, khe khẽ kêu:
- Chị Khiết.
- Chúng mày đi đâu đấy.
Nó ngơ ngác như không hiểu. Khiết hỏi:
- Chúng mày vào nhà bà phó làm gì đây?
Nó nhìn bà phó Nhuận, khe khẽ chào:
- Bà.
- Sao đang làm cỏ, chúng mày bỏ đi như thế?
Trạch ngẩn mặt ra như cố nhớ. Nó lắc đầu...
- Không khéo chúng bị ma đưa rồi.
- Phải đấy. Chúng nó bị ma đưa đây mà.
Chú thích
1.Chép: đồ dùng bằng sắt, lưỡi mỏng, nhỏ, dùng để giãy cỏ.
2.Rổ sề: rổ to, chắc.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×