Bỉ vỏ - Chương 15 (Nguyên Hồng)

150 lượt xem
Thôi chị còn khóc gì nữa! Thế là chị giết tôi!
- Mình, sao mình lạ thế!
- Lạ cái gì? Lạ là tôi không còn nhiều tiền như trước, và tình nghĩa của chị đối với tôi ngày nay cạn tàu ráo máng phải không?
Năm Sài Gòn chấm nốt câu hằn học bằng một cái đập mạnh xuống bàn.
- Thế là hết!
Tám Bính ngồi ở góc giường gục mặt vào lòng nức nở. Trước sự rã rượi ấy, Năm Sài Gòn càng gai mắt, càng tức bực. Hắn nắm chặt hai bàn tay đấm thinh không, vừa nghiến răng nói:
- Chị ác quá! Nếu chị không bằng lòng tôi, muốn bỏ tôi đi lấy người khác thì cứ nói phăng ngay với tôi việc gì chị lại lừa dối tôi, giết tôi một cách từ từ độc ác như thế? Giời ơi, cái "cá" ngon làm vậy, thằng "vỏ lỏi" nó còn "mõi"(1) được huống chi chị đã thập thành!
Năm Sài Gòn nói xong, vò đầu vò tai:
- Tôi vẫn biết, biết lắm, chị Tám Bính ạ, chị có nhan sắc, chị khôn ngoan thì chị còn thiết gì một thằng chồng khốn nạn như tôi. Chả có thế trước kia, nay chị đòi đi buôn bán, mai chị đòi đi buôn bán, kiếm lãi nuôi thân. Chị thâm hiểm vô cùng, chị ghét cay ghét đắng cái quân "chạy" xấu xa này, chị ghét ngon ghét ngọt cái thằng Năm Sài Gòn này, bị mọi người ghê sợ, nguyền rủa, nhưng chị không hé răng nói qua nửa nhời. Sao chị mặt sứa gan lim thế?
Năm Sài Gòn nói xong lại gầm hét. Tối hôm qua Bính để "xổng" món tiền, đối với hắn là một chứng cớ chắc chắn rằng Tám Bính phụ chồng mà nhời Ba Bay là thật. Năm Sài Gòn không còn ngờ vực gì nữa. Hắn hoàn toàn tin Bính phải lòng Tư-lập-lơ, và yêu thương Tư-lập-lơ nồng nàn lắm, nên mới vượt cả mọi sự dị nghị cưu mang Tư, giúp đỡ Tư nhiều lần, giữa lúc chồng mình cũng cùng túng.
Năm Sài Gòn cười nhạt:
- Thế mà xoen xoét thủy chung hết bụng hết dạ với nhau đấy!
Cực chẳng đã Tám Bính phải đáp:
- Phải tôi không thương yêu anh, tôi là người tệ bạc, mà tôi đã ăn ở với anh non ba năm trời, tại số kiếp chứ không đã vài ba mặt con.
o O o
1. Cái ví tiền dễ lấy như vậy, thằng ăn cắp nhãi con nó còn móc được.
Câu nói ấy vừa lọt vào tai, Năm Sài Gòn rùng cả mình, hắn kinh tởm cho sự hèn hạ của hạng gái bán trôn nuôi miệng: còn tiền, còn bạc, còn chồng...
- Thôi tôi van chị. Tại mấy năm trước đây tôi "trùng bướu"(1) luôn, tôi không nghiện hút, không sao tôi bỏ ra một lúc hàng tiền trăm xé giấy cho chị, rồi rước chị về phục dịch thuốc thang quá mẹ đẻ, chứ đâu tôi xác xơ như ngày nay, ai ai cũng khinh bỉ được.
Tám Bính tê dại ngồi nghe. Phút chốc cả một thời quá vãng nặng nề, ê chề lại từ từ hiện ra trước mắt Bính, lờ mờ âm u với cái ánh đèn nhơ nhớp ở nhà mụ Tài-sế-cấu. Lòng Bính càng ran lên những xót xa cay đắng, những quyến luyến Năm, yêu thương Năm.
- Kìa chị nghĩ gì thế? Chị Tám Bính à? à bà Tám Bính, chắc bà đương nguyền rủa tôi đấy?
Ngước cặp mắt đầm đìa, Tám Bính nghẹn ngào nhìn Năm Sài Gòn ngồi chênh vênh trên góc bàn kê gần đấy, Bính lại chực muốn phân trần thì Năm lại rít lên:
- Chị Tám Bính ơi! Chị lại khóc rồi! Nước mắt của các chị bây giờ làm tôi khiếp sợ lắm! Các chị chỉ dùng để che đậy những gươm trăm giáo mớ của mình thôi. Trước kia tôi hớ hênh ngu ngốc, say mê điên cuồng lên vì chị ở nhà mụ Tài-sế-cấu để chị lừa tôi, nhưng bây giờ chị lừa lần nữa sao được cái thằng Năm Sài Gòn này không bao giờ thèm dùng nước mắt để lừa dối người.
Năm Sài Gòn nghiến răng dằn từng lời một. Mỗi một lời của Năm càng như một mũi kim sắc thâu qua lòng Bính. Bính đau đớn quá chừng, gạt nước mắt, cố cất tiếng ngắt lời Năm:
o O o
1. Trúng bướu: ăn cắp được nhiều tiền
- Anh Năm sao anh nghĩ thế? Có đời nào tôi phụ anh! Làm hại anh! Chẳng qua thấy anh thua nhiều tiền quá, mà số tiền đó cả vợ chồng đều khó nhọc, gian nan mới kiếm được, nên tôi lo buồn bối rối, anh đã không biết cho tôi lại còn đay nghiến tôi phải lòng giai như thế còn giời đất nào nữa?
Tức thì Năm Sài Gòn đỏ bừng mặt, gầm vang nhà:
- Giời nào? Đất nào? Chả có giời đất nào hết! Bây giờ chỉ có tiền thôi, đẹp giai thôi, hai thứ ấy, giời đất cũng không đáng sợ, đáng trọng bằng.
Dứt lời, Năm Sài Gòn nhảy phắt xuống bàn, chắp hai tay sau lưng, đi đi lại lại chung quanh nhà. Tám Bính chỉ ngồi rũ rượi khóc.
Không khí nặng nề và khó thở như ở một lò than đương cháy rực bỗng ai đó dội nước lên. Năm Sài Gòn luôn luôn vung tay thở hắt ra thật mạnh, như muốn trút hết mọi sự nung nấu trong người, thì càng thấy tâm trí ngùn ngụt. Đưa mắt trông hai gian nhà thu hẹp lại với những đồ vật lổng chổng Năm Sài Gòn lại càng nhận thấy rõ sự cùng quẫn xác xơ của mình.
Cái bàn rửa mặt đánh si bóng đã bán đi rồi thay bằng cái ghế đẩu cao lênh khênh trên có một chiếc chậu bong sơn xám xì. Cái tủ áo Năm cũng bán đi, quần áo thì treo lên trên mấy con bướm gỗ. Đến cả tranh ảnh cũng đâu gần hết. Tấm hình Năm Sài Gòn chụp nửa người phóng đại thì lắp trong chiếc khung vuông gỗ tạp, vừa bụi vừa mốc.
Những ngày oanh liệt đã tan nát không còn chút gì vớt vát, thất vọng. Năm lợm giọng, ghê tởm cho sự giáo giở của vợ. Năm nhổ bọt bảo Tám Bính.
- Thôi chị ạ, công tôi gắn bó với chị chỉ là công cốc, nhưng tôi cũng đành rầu lòng chịu cái cảnh trơ trọi mà vui lòng để chị đi lấy người khác, vì còn dây dưa với chị không khéo một ngày kia tôi lại đi đày một lần nữa mất. Vì chị mà phải đeo số đỏ, săn cọp ở Hà Giang hay câu cá ở Côn Lôn, anh em họ sẽ ỉa vào mặt tôi, và lúc ấy tôi cũng sẽ chẳng để chị yên nào. Vậy chi bằng ngay hôm nay chị cút đường chị, tôi xéo đường tôi, chị buôn bán hay lấy vua quan tôi cũng mặc, tôi ăn cắp, tôi giết người rồi lên ngồi máy chém tôi cũng chẳng cần chị thăm nom.
Năm Sài Gòn chỉ cái hòm đằng cuối giường:
- Như thế chị xem có thức gì của chị trong đó thì lấy hết đi đem hết đi, đi ngay cho.
Bính tái mặt, run rẩy:
- Anh quyết tâm bỏ tôi?
- Phải, tôi phải bỏ chị, vì chị muốn bỏ tôi!
- Giời ơi!
Năm nhại:
- Tiền ơi!
Nước mắt Bính chan hòa, Năm uất ức càng thét lên. Bỗng Năm Sài Gòn lầm lầm nét mắt, trườn người kéo cái hòm đằng sau lưng Bính xuống nền nhà. Hắn lục tung các sống áo, vừa vứt từng cái một lên bàn, vừa kể vanh vách những kỷ niệm có liên lạc tới những thứ ấy. Nào cái áo nhiễu tây màu cà phê sữa Năm may ngày mới lấy nhau; nào chiếc quần nái mới và cặp áo the một phen đã nằm ở hiệu cầm đồ dạo Bính có mang đứa con trai đẻ sẩy; nào đôi dép Nhật bản và đôi bít tất phin hồng mua ngày hăm chín tháng chạp năm xưa.
Bính đương tê tái thì Năm Sài Gòn dồn tất cả quần áo ấy vào một cái thúng to, đậy vỉ buồm lại, rồi quăng đánh phịch ra tận cửa, đoạn mím môi giơ tay chỏ:
- Thôi chị đi đi. Một giây ở nhà tôi cũng không được.
Bính choáng người, cuống quít:
- Mình ơi! Anh Năm ơi!
- Đi ngay!
- Em van mình mà!
- Bước ngay!
Giọng Năm rắn như đanh như thép, mắt Năm quắc lên long sòng sọc những căm hờn. Bính run rẩy, tối tăm cả mặt mày. Bính lả ra, giơ tay chới với bíu lấy thành giường. Năm liền nắm lấy cổ tay kéo Bính sềnh sệch xuống thềm nhà:
- Có xéo hay không? Đồ chó đểu nào!
Tám Bính cố chùn người lại, nắm riệt lấy tà áo Năm, Năm đã hoa mắt hắt bắn Bính đi...
Sự tủi cực của Bính đã đến cực điểm. Sắc mặt đương tái mét đỏ bừng lên, Bính nghiến răng, thoáng đưa mắt ướt đằm nhìn Năm.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×