Dứt tình - Chương 5 (Vũ Trọng Phụng)
Ngọc Châu | Chat Online | |
10/07/2019 10:28:25 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Dứt tình - Chương 6 (Vũ Trọng phụng) (Văn học trong nước)
- * Dứt Tình - Chương 8 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * Dứt tình - Chương 4 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
- * Dứt tình - Chương 3 (Vũ Trọng Phụng) (Văn học trong nước)
Một tòa nhà ba tầng ở cách biệt hẳn đường hỏa xa và đường thuộc địa đến nửa cây số. Chung quanh tòa nhà là khu vườn rộng bốn mẫu, có trồng nhãn, muỗm, mận, ổi, cau, mai. Bốn dãy găng um tùm bao bọc cả hai dinh cơ đẹp mắt ấy. Đó, chỗ ở dưỡng lão của hai thân Tiết Hằng.
Ông cụ bây giờ về nơi này sống như người ẩn dật. Cái tài kinh doanh hiển hách thuở trước, nay ông cụ đem dùng vào việc hớt bọ gậy cho mấy con cá vàng, cắt, xén vài cái lá hồng, hoặc thay lồng cho vài con chim sơn ca. Cuộc đời yên tĩnh của một người đã được đầy đủ bổn phận, được toại chí về đủ phương diện: sức khỏe, danh vọng, tiền tài.
Từ sau ngày có cái tai nạn nó làm cho nàng thành góa chồng, Tiết Hằng cũng bỏ cuộc đời xã giao hoạt động mà về hầu hạ dưới gối hai thân. Nàng đã tâm tâm niệm niệm quyết sau khi đoạn tang sẽ dâng cho Việt Anh cái hạnh phúc là chồng. Đào Quân bất hạnh lâm nạn, cái chết không có chúc thư đi sau. Xưa kia món hồi môn của Hằng đem góp về cái cơ nghiệp của Quân cũng chẳng nhỏ - đã của vợ cũng như của chồng thì nay của chồng là của vợ - Hằng định để cả cho Anh, mai sau được tự ý muốn làm gì thì làm.
Nàng đã để hỏng mất gần nửa đời người, lẽ nào bây giờ lại chẳng hết lòng phụng sự ái tình để cuộc nhân duyên sắp bén có thể chữa được hết những vết thương trầm trọng về tinh thần thuở xưa.
Dù sao, việc của Anh và Hằng, đến lần thứ hai, cũng không thoát qua một trở lực. Quân mất. Việc giao quyền trông nom những công cuộc đang theo đuổi tình cờ về tay một người anh họ của Hằng là Huỳnh Đức, ở Huế vừa ra ngoài này kinh doanh. Đức là con một quan thượng đã về hưu, cũng có tài doanh nghiệp lại cũng góa vợ. Cho nên… cho nên ông thân ra Hằng những rắp muốn để Huỳnh Đức chiếm cái địa vị qui tế chớ chẳng muốn con mình về tay một người ngang tàng và bị các nhà cầm quyền ghét, là Việt Anh.
Nàng đã đem hết bao nỗi phẫn uất của một người đàn bà, của một cô con gái trẻ trung, ra phấn đấu với ý định của bố. Nàng vẫn tự nhủ một cách có nghị lực: “Không, không đời nào! Đã một lần rồi, Việt Anh đã chịu thiệt. Không đời nào ta lại chịu để Anh phải khốn khổ vì ta lần thứ nhì”. Trái lời cha mẹ là bất hiếu, nàng vẫn biết thế. Nhưng nàng đã có lần cúi đầu trước lệnh song đường thì không thể bảo nàng là kẻ chỉ vị kỷ và không có dạ hy sinh. Thôi, đừng ai nên quá tay. Hy sinh nàng đã hy sinh cả cái xuân lộng lẫy, nghĩa là cả tuổi trẻ. Mà nàng còn hối hận bởi lẽ chỉ còn có thể đem cho kẻ tình chung một chút hương thừa!
– Con nên nghĩ cho chín. Hằng! Việt Anh là người có nhiều nét khác thường, bị Chính phủ ghét. Cơ nghiệp của con ta sợ rồi sẽ đổ sụp, nếu mai sau vào tay y.
– Không, con sẽ có cách làm cho Anh sẽ đi con đường khác. Chàng đã chẳng là kẻ thất phu vô học thì rồi cũng dễ vừa lòng được cha.
– Huỳnh Đức đã có lần ngỏ ý với cha… Con nghĩ xem: Đức là người hiền hậu, tài giỏi, lại sẵn vốn. Ông cụ ấy là ông anh họ mẹ mày. Con nghĩ xem, cân nhắc xem… vợ một cậu ấm, con dâu cụ thượng nhất phẩm triều đình…
– Giời ơi, nếu sống ở đời chỉ vì thế!
– Hai nữa, Anh với Quân vốn là đôi bạn thân. Lấy vợ bạn, hẳn lẽ nào không sợ lời dị nghị? Mà con, lẽ nào con không sợ thiên hạ…
– Thế con sống cho con hay sống cho thiên hạ?
Giữa Hằng với cha nàng, sự xung đột về tư tưởng đại khái như vậy mà thôi. Ý muốn của một người bố không phải sự có thể coi thường. Việc chưa ngã ngũ ra sao, Hằng vì lo mà lâm bệnh. Nhưng hai tháng ốm kịch liệt đã cứu khỏi Tiết Hằng, may thay! Vì rằng trước lời phán của bác sĩ: “Bệnh này thuộc về tâm bệnh, phải tránh mọi sự ưu phiền, thất vọng, cho bệnh nhân”, thì cha nàng đã cho nàng toàn quyền cải giá! Người ta chẳng thể để chết mất cô con gái quí, khi người ta không có mống con trai nào.
***
Từ ngày Đào Quân bất hạnh, tính đến nay đã hơn một năm trời mà mãi đến nay, Hằng mới khỏi phải lo âu, đau khổ. Là vì mãi đến hôm nay, nàng mới được phép đánh cho Việt Anh mấy dòng điện tín báo cho nhau cuộc tương lai với hẹn tình quân phải về ra mắt cha nàng. Tiện thể, nàng cũng mời cả mẹ con bà Năm. Thế là những ai đã được mục kích cái tai họa của Hằng tại Đồ Sơn hôm ấy cũng có về chứng kiến cho nàng khi nàng cần phải báo hai tin mừng: đã bình phục, sắp bước đi một bước nữa.
Bà Năm đương đứng xem ông cụ tỉa hoa dưới vườn. Yvonne lên phòng riêng của Hằng, mách:
– Này chị, lúc nãy tôi đã được nghe hết cả bao nhiêu chuyện về chị giữa ông cụ với me tôi.
– Thế nào?
– Nguyên me tôi đứng xem ông cụ tỉa hoa, có đả động đến lẽ vì sao có thư mời về chơi. Thì ông cụ nói: “Mời về để nói đến việc tôi cho nó tái giá”. Me tôi hỏi ai thì ông cụ bảo chị sẽ lấy Việt Anh. Thật thế không, chị Hằng?
– Chính thế, Yvonne có điều gì phê phán vào việc này không?
– Tôi ấy à? Tôi hoan nghênh lắm. Việt Anh kể mới xứng đáng là chồng Tiết Hằng.
Hằng mỉm cười:
– Cám ơn!
Yvonne thêm:
– Nhưng chị phải biết: ông cụ bất đắc dĩ mà phải ưng thuận việc ấy đấy.
– Cái đó thì đã hẳn.
– Ông cụ phải bằng lòng là vì sợ chị chết mất. Rồi ông cụ phàn nàn với me tôi: “Thời buổi ngày nay người ta chỉ biết có ái tình”. Ông cụ lại lấy làm lạ rằng sao bọn trẻ trung chúng ta hình như không có ái tình thì không sống được!
– Chúng mình chỉ biết có ái tình, thế là phạm một tội ác ư?
Yvonne cười:
– Chị hỏi tôi? Không. Đâu tôi lại nghĩ như vậy.
– Yvonne xem hộ mấy giờ?
– Năm giờ hơn.
– Việt Anh sắp đến…
– Thế thì chị phải dậy sửa soạn tiếp anh ấy đi chứ!
– Được… Có gì mà phải vội.
– Chị đã được mạnh khỏe hẳn chưa?
– Cũng có thể gọi là khỏi?
Hằng nói rồi bỏ chăn, ngồi lên. Bắt đầu lập đông, tiết trời đã lạnh, nên ngày nào có mặt trời là ngày người ta hầu như thấy sự an ủi. Hôm nay cũng có mặt trời. Hằng ra bàn rửa mặt chải đầu, xoa một ít phấn để che đậy màu da hơi xanh. Nàng khoác thêm cái áo phủ ngoài rồi bảo Yvonne:
– Ta xuống vườn một lát.
Khi trông thấy con gái, ông cụ bèn ngắt câu chuyện đang nói với bà Năm. Bà này quay lại đon đả hỏi:
– Bà đã bình phục hẳn?
– Bẩm vâng!
– Bà cho gọi mẹ con tôi về chơi có tin mừng, mừng gì thế?
Hằng đỏ mặt, còn lúng túng thì bà Năm đã nói một cách tinh quái:
– Vậy tôi xin ngỏ lời trân trọng mừng bà.
– Xin đa tạ.
– Thế còn bao lâu nữa nhỉ?
– Còn hai tháng nữa thôi ạ.
Bà Năm ngơ ngác hỏi:
– Sao lại chỉ còn hai tháng nhỉ?
– Vâng, chính thế. Tôi để tang theo người Âu.
Bà Năm gật gù.
– Ừ, thế cũng tiện! Chứ mà ba năm đúng lối An Nam mình, còn gì là xuân.
Chợt có tiếng máy chạy của xe hơi. Ba người vừa kịp quay nhìn ra thì Việt Anh đã từ cái xe con hai chỗ ngồi, bước xuống. Chàng đóng cửa xe ngả mũ thoăn thoắt bước vào. Lời chào hỏi và vấn an đâu đấy xong. Hằng ra hiệu cho Anh chỗ ông cụ đã bỏ kéo xuống đất, đứng dậy:
– Thầy cứ lên phòng khách, tôi cũng lên ngay đây.
Việt Anh còn lúng túng thì ông cụ lại giơ tay ra bắt. Yvonne quay mặt mỉm cười, vì một ông cụ đầu râu, tóc bạc bắt tay một thanh niên lúng túng là một sự ít thấy xưa nay.
Một cách bất ngờ, ông cụ vừa dẫn Anh lên, vừa vỗ vào vai chàng một cách thân yêu và nói:
– Dễ ba năm nay, con không đến thăm bác đấy nhỉ?
Việt Anh đỏ mặt, ấp úng:
– Vâng.
Chàng chưa biết nên thưa gửi với ông cụ thế nào, nhưng ông cụ đã tự nhận là bác trước khi nhận là nhạc phụ, đã nhắc tới tình đi lại thuở xưa thì việc gì chàng chẳng lợi dụng ngay lối xưng hô đó.
– Bẩm bác cũng tha cho con, vì sinh kế phải bôn tẩu, con cũng không được rảnh lúc nào.
Ông cụ chép miệng:
– Khốn nạn! Nếu chỉ vì sinh kế mà anh phải lao đao vất vả!
Thấy ông bố vợ muốn than trách cho chí hướng với số phận của mình, chàng cũng đã liệu lời đối đáp, phải đề phòng ngay. Nhưng vừa tới phòng khách, sự người nọ mời kẻ kia ngồi đã đánh lảng mất ý trên và khiến chàng không phải đáp nữa.
Người bồi mang khay trà ra rồi, ông cụ lại hỏi Anh:
– Bà vẫn được vô sự đấy chứ?
– Cảm ơn bác, mẹ con vẫn được như thường.
– Nghe nói bây giờ bà lại kém mắt lắm?
– Bẩm vâng, bây giờ lóa, không trông rõ cái gì cả.
Ông cụ chép miệng thở dài, hồi lâu lại nói tiếp:
– Ấy ông nghè nhà mất đi là bà ở vậy nuôi con đấy. Thế mà chỉ có một anh, anh chớ nên làm những việc đến nỗi khiến bà phải mang lo vào lòng thì hơn.
Anh chưa biết đáp ra sao, ông già đã nói:
– Bác mong rằng nay mai, anh sẽ đổi chí hướng.
May quá, chàng vội đáp:
– Bẩm vâng. Người ta đổi chí hướng cũng dễ ạ. Miễn là địa vị và cảnh ngộ thay đổi được. Xin bác cứ an lòng.
Từ trước còn là vấn an với câu chuyện ngoài đầu đề nên ông cụ nói khẽ:
– Bây giờ đã là vào việc hẳn hoi, - rồi ông cụ đổi ra giọng đài các dõng dạc hơn. - Hôm nay, anh về chơi, bác lấy làm đẹp lòng lắm. Vì rằng bác tiện dịp nói anh biết cái tin về việc trăm năm của anh với em Hằng. Bên nhà bà có lòng thương đến em nó, kể là may cho em nó lắm, tôi và mẹ nó xin ký cả hai tay. Còn việc bà Nghè nhà ta, vì mắt kém không tiện đi thì đã có anh, anh cứ về thưa chuyện với bà là bà cứ an tâm, bên này chúng tôi không dám trách lấy nửa lời, đừng ngại gì cả.
– Con xin thay me con cảm tạ bác.
– Mà việc này tôi cũng muốn chóng thành, không nên để lâu. Tôi đã cho phép em Hằng nó để tang có một năm thôi, phải theo lối Tây, chứ không thì, em nó là đàn bà, tôi già cả, mọi việc không ai trông nom cả.
– Bẩm để con về thưa chuyện với me con xem sao, rồi chúng con xin lĩnh ý.
Đến đây, ông cụ đứng dậy, nhìn bà Năm tới Yvonne:
– Bà với cô sẵn lòng bỏ thời giờ về chơi, tôi xin đa tạ. Ấy chỉ có bà với cô là thân thiết với em nó hơn cả. Mà ngày xưa lại biết cả anh Quân, nên tôi mới dám mời. Chứ thật ra, mấy việc hỉ tôi đã kể và sắp kể đây, tôi không báo tin cho ai biết nữa. Nhân tiện em Hằng nó vừa bình phục, tôi muốn bàn tới việc tái giá của nó, mà ngày mai lại là ngày sinh nhật của tôi. Vậy thì, bắt đầu từ hôm nay, gọi là xin có chén rượu.
Bà Năm đón lời:
– Bẩm được ạ, cái gì chứ cái cụ gọi đến để cho chè chén thì con rất hoan nghênh.
Ông cụ nhìn Yvonne, cười khà khà:
– Còn cô nữa? Bao giờ mới tính cuộc trăm năm?
Bà Năm cau mày:
– Bẩm đã mấy đám danh giá hỏi mà nó không ưng đấy ạ. Con cháu nó cứ kêu rằng: “Me không còn con giai, nay con lại lấy chồng Pháp thì không tiện cho me về sau, ngộ chúng con bắt buộc phải về Tây thì me ở với ai bên này, mà sang Tây thế nào?”. Con nghĩ nó nói cũng phải, nhưng tìm một người chồng An Nam có Pháp tịch và xứng đáng cho nó cũng không dễ ạ.
– Chả khó lắm, bà ạ. Để tôi mách mối cho. Tôi biết mấy ông đốc tờ, mấy ông luật khoa, bác sĩ… Kìa bà đấy là tôi tưởng bà tra thuốc nên không bảo nó lên mời. Sao bà không vào đây lại đứng dòm, lẩm cẩm thế?
Tiết Hằng vội đứng dậy đi ra. Trừ ông cụ, cả bọn đều đứng lên. Đó là mẫu thân Tiết Hằng. Bà cụ vịn vai con gái lọm khọm bước vào, hỏi:
– Thế cậu nào là Việt Anh?
Việt Anh nghiêng mình cúi chào. Mọi người lại an vị. Bà cụ hỏi ông cụ:
– Thế nào? Đã chuyện trò gì về việc ấy chưa?
– Đã.
Bà cụ ngồi yên một lúc rồi đột ngột hỏi Anh.
– Độ này cậu làm ăn có phát tài không? Nghe nói hình như lôi thôi lắm phỏng? Mỗi chuyến phải Tòa phạt hàng mấy trăm bạc thế, còn gì là lãi nữa? Tôi tưởng chả nên làm cái nghề báo chí ấy nữa, ăn thua gì. Có bần cùng mới phải làm thế, chứ giá có vốn, chả thiếu gì những việc lợi hơn.
Anh nghiêng đầu nhìn xuống mũi giày không đáp. Thì lại vẫn cái ý buộc chàng, nếu muốn làm con rể sẽ phải cúi đầu trước những lệnh của bố mẹ vợ giàu chứ gì! Được, thế nào cũng được, miễn Hằng sẽ về tay chàng thì thôi. Rồi sau có sao sẽ liệu.
Việt Anh vừa ngửng đầu thì gặp tầm mắt của Yvonne. Đôi mắt xanh đen chăm chú nhìn chàng, nhìn lâu một cách khó chịu. Anh không thể đoán nổi đó là đôi mắt tỏ ý công phẫn hay mỉa mai chàng.
Từ từ, đồng hồ điểm bảy tiếng. Mọi người sang phòng ăn. Giữa bữa tiệc. Hằng ngỏ ý với cha muốn về Hà thành điều dưỡng tại bệnh viện St. Paul cho chóng lại sức, chứ cứ ở nơi xa lánh này, hai ngày lại một lần bác sĩ về, tiền cũng tốn mà kết quả rất chậm.
Bữa tiệc tan thì vừa 9 giờ. Việt Anh nhắc nhỏm hai ba lần đến việc xin ra đi. Ông cụ và bà cụ đã cáo lui rồi, nhưng bà Năm còn ngồi nói huyên thuyên chuyện “Tam Quốc” mãi. Cũng may Yvonne tinh ý đã giục bà mẹ đi nghỉ để cặp vợ chồng sắp cưới có dịp đôi lời tâm sự với nhau. Hằng hỏi Anh:
– Có xe hơi, làm gì mà mình vội vàng thế?
Anh cười:
– Mình tối tăm quá! Tôi chỉ nóng được tâm sự với mình. Hằng! Đêm hôm nay là đêm gì nhỉ? Mà vầng trăng bạc kia là của vợ chồng nhà ai?
– Đích là của đôi ta.
– Vầng trăng đương tò mò nhòm chúng mình.
Hằng cười say sưa, khẽ nói:
– Chị Hằng nhìn… Hằng! Không có gì đáng thẹn.
Việt Anh đến ngồi vào thành ghế của bạn, cúi xuống:
– Hằng! Nói đi, em… Nói lại bao nhiêu cơn đau khổ ta đã qua cho cái hạnh phúc bây giờ tăng lên chút nữa.
– Không, chả nói. Không nên gợi đống tro tàn. Sự đã qua là sự đã qua.
– Thì nói những lời ái ân vậy. Hằng! Có ai dám ngờ lại có ngày nay? Tội gì ta chẳng gảy cho nhau những tiếng đàn của tâm hồn mà xưa kia ta không dám màng tưởng đến.
Hằng để ngón tay trỏ lên miệng:
– Nên để hạnh phúc được tĩnh trong sự im lặng thì hơn.
– Nhưng tôi yêu mình!
– Biết rồi! Biết đã tự bao giờ rồi… À mình về đi chứ?
– Mình điên à? Giữa lúc này mà đuổi tôi!
– Thế nhưng lúc nãy sôi sùng sục lên đòi đi mà lại ở lại lâu, sao không sợ người ta cười chết!
– Ừ nhỉ! Thôi, thế tôi xin đi. Mình nên mau về Hà Nội nhé. Thôi không phải tiễn, đừng xuống nữa mà sương lạnh.
Anh nói rồi rảo bước qua sân. Mãi tới đến chỗ cái xe hơi đỗ gần cổng. Chàng vừa lên xe chợt có tiếng hỏi:
– Đã đi đấy à?
Nhìn lại thì, Yvonne. Việt Anh hỏi bằng tiếng Pháp:
– Tôi tưởng cô đã đi nghỉ?
– Không, tôi còn đi bách bộ và ngắm trăng…
– Sao độ này cô không cho tờ Độc lập bài nào?
– Làm gì nhỉ? Ông chủ tờ Độc lập liệu rồi có… độc lập chăng? Người ta ở đời, giả dối cả. Đáng chán!
Việt Anh ngạc nhiên quá, đoán ngay cặp mắt đã mỉa mai chàng:
– Xin cô đừng để ý đến việc tư của tôi thì hơn.
– Tôi mừng cho ông lắm!
– Đối với kẻ đã cứu cô khỏi một cái nạn, thế tôi tưởng là vô ơn.
Yvonne so vai:
– Tôi chưa quên đâu. Ông đã cứu tôi. Nhưng người ta không phải chỉ có xác thịt còn có linh hồn. Ông chỉ mới vớt được cái… xác!
Việt Anh cúi đầu lặng im. Chàng đã hiểu. Chàng ngây người ra một lúc rồi quay lại, giọng khổ não:
– Tôi biết làm thế nào? Chậm mất rồi!
Trong tối lòe hai đường ánh sáng. Chiếc xe hơi giật lùi rồi vòng ra. Tiếng động cơ cứ khẽ dần. Sau cùng thì lại là sự im lặng.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!