Nỗi buồn chiến tranh - Chương 2 (Bảo Ninh)
Phương Như | Chat Online | |
10/07/2019 10:33:41 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
166 lượt xem
- * PHƯỢNG VĨ ĐỎ (Văn học trong nước)
- * Nỗi buồn chiến tranh - Chương 3 (Bảo Ninh) (Văn học trong nước)
- * Nỗi buồn chiến tranh - Chương 1 (Bảo Ninh) (Văn học trong nước)
- * Cánh đồng bất tận - Bài viết: Đọc Nguyễn Ngọc Tư qua cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) (Văn học trong nước)
Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như là bản thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ vẫn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang lên trên hè phố lát đá.
Đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại là trong tôi lập tức ký ức tự nó xoay mình lui về theo lối cũ, gạt toàn bộ cõi đời thực hôm nay ra rìa cỏ. Biết bao kỷ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu lòng đã nhủ lòng là phải gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên tưởng tuồng như là không đâu nảy sinh một cách khôn lường từ muôn vàn những chi tiết tầm thường, rời rạc và vô vị nhất có thể có trong chuỗi bất tận ngày qua ngày nhạt thếch, buồn tẻ và êm đềm đến phát ốm này.
Cách đây không lâu trong mơ tôi đã trở lại với truông Gọi Hồn. Dòng suối, con đường mòn, những tràng trống và những bìa rừng xưa lấp loáng nắng pha mưa. Và xa xa ở trời Tây Nam bốn mỏm cao màu rêu đá của Ngọc Bơ Rẫy sừng sững. Từ bức sơn thủy tĩnh lặng ấy giấc mơ lần mở từng trang. Suốt đêm tôi sống lại với cuộc đời của trung đội trinh sát, từng ngày một, từng kỷ niệm một, từng người một, lần lượt từ từ rành rọt như những thước phim quay chậm. Và cảnh chót là cảnh ven suối, toàn trung đội tập hợp trước nấm mồ của Thịnh "con", vào buổi chiều trước lúc nhổ neo rời Cánh Bắc.
- Thịnh ơi, nằm lại nhé với đại ngàn thân yêu. Bọn mình ra đi để bước vào trận mới - văng vẳng tôi nghe giọng nói của chính mình chiều hôm xưa ấy, thay mặt toàn trung đội nói lời từ biệt hương hồn Thịnh - từ lòng sâu đất ẩm xin bạn thân yêu hãy nghe thấu lời anh em vĩnh biệt. Xin hãy chứng giám và phù hộ cho anh em tung hoành trong đồn bốt quân địch hoàn thành nhiệm vụ. Xin hãy lắng nghe tiếng súng anh em rửa thù cho bạn rồi đây sẽ rung chuyển đất trời...".
Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi thương tiếc và cay đắng ngậm ngùi. Một đêm khác, cũng trong mơ, tôi nhìn thấy truông Gọi Hồn và mơ thấy Hòa, cô giao liên xinh tươi, người Hải Hậu đã hy sinh vào thuở tối tăm mù mịt năm 68, và lần gặp gỡ trong mơ này hầu như là lần duy nhất chúng tôi thoáng bóng nhau sau ngần ấy năm trời người còn kẻ mất. Trong màn sương mù đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hòa thấp thoáng, xa vời nhưng với một tình yêu, một niềm đắm say và cảm giác gần gũi da diết mà ngay hồi đó tôi không hề cảm thấy.
Hồi đó chỉ có nỗi sợ hãi, sự bất lực đầy nhục nhã, cảm giác chiến bại và trạng thái rã rời tuyệt vọng. Suốt đêm tôi trôi dạt trong bể khổ thời Mậu Thân. Khi tỉnh dậy thì ngoài cửa sổ trời đã tảng sáng, và lưu ảnh cuối cùng đọng trong tâm trí là cảnh tượng đau thương rùng rợn ấy:
Hòa gục ngã giữa tráng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng giật, nặng nề hộc rống lên... Toàn thân tôi lạnh giá nhưng đẫm mồ hôi, cổ họng đau rát vì mê hoảng la hét, môi rớm máu, cúc áo ngủ đứt tung, ngực bị móng tay cào xoạc da. Và trái tim tôi run rẩy nhói đau, hồi hộp đập dồn như treo trên đầu sợi chỉ.
Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng?
Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối rữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi "Xáo Thịt" la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72. Tử khí xộc lên từ vỉa hè nồng nặc đến nỗi tôi phải vội đưa tay lên bịt mũi như kẻ hóa rồ trước mắt người qua đường. Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang. Thót người lại trên giường tôi nín thở đợi một trái hỏa tiễn từ tàu rà phụt xuống. "Chéo-éo-éo... Đoành!" Và tôi không thể nào bình tâm nổi trước cảnh bọn lính Mỹ mặc áo giáp đang gào lên xung trận trên màn ảnh truyền hình.
Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Y chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá. Tôi chóng mặt choáng hồn đi vì niềm hưng phấn man rợ khi bật sống dậy trước mắt một trận cận chiến bằng báng súng và lưỡi lê. Và trống ngực nện thùm thùm, tôi nhìn chằm chằm vào các góc tối cầu thang nơi các hồn ma rách nát thường vẫn hiện hình, ôm theo những vết thương đỏ lòm, toác hoác. Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng.
Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. Và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng. Tuy nhiên, mặc dù rất đỗi mù quáng tôi vẫn không thể không biết rằng không thể trông đợi gì vào những điều nhớ lại, rằng từ lâu đã không còn gì nữa cả, tất cả đã tắt hẳn và mất hút một cách không thương tiếc.
Tôi cũng không thể không hiểu rằng ngôi sao chiếu mệnh của thời tôi đã vĩnh viễn lụi tắt. Vinh quang của cái thời đã qua ấy dầu rằng tột đỉnh nhưng chỉ một sớm một chiều. Hào quang choáng ngợp buổi đầu sau chiến tranh đã chóng vánh mai một trong từng thân phận. Những người đã chết đã chết cả rồi, người được sống tiếp tục sống song những khát vọng nồng cháy từng là cứu cánh của cả một thời, từng soi rọi cho chúng tôi nội dung lịch sử, thiên chức và vận hội của thế hệ mình, rủi thay đã không thể thành ngay hiện thực cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến như chúng tôi hằng tưởng. Đến bây giờ, đến lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến?
Và như thế là đằng đẵng bao nhiêu năm trời rồi trôi qua? Mười năm. Rồi mười một. Rồi mười hai, mười ba năm. Ngay cả cái tuổi bốn mươi ngày nào xa lạ và khó tin biết mấy cũng chỉ còn lại nốt mùa đông này. Từ chân trời dĩ vãng ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do như là niềm tiếc nuối không nguôi cứ mãi hoài thổi mãi qua thành phố, qua làng mạc, và trong đời tôi.
Kiên buông bút, đưa tay tắt ngọn đèn bàn khẽ ẩy ghế ra đứng dậy, lặng lẽ đến bên cửa sổ. Trong phòng rất lạnh nhưng anh thấy tức thở, oi bức, khó chịu như thể đang trước một cơn giông giữa một đêm hè. Cảm giác không toại nguyện đắng ngắt. Dường như cứ càng nhích gần tới thì ngòi bút của anh càng chệch xa khỏi cốt lõi của điều cần đạt tới trong tác phẩm.
Mỗi buổi tối, trước khi ngồi vào bàn giở bản thảo ra bao giờ Kiên cũng gắng chuẩn bị cho mình một tâm trạng thích hợp - anh cố tách bạch từng cảm xúc, cố định hình các vấn đề phức tạp như là phác sẵn ra trong đầu từng trang và từng trường đoạn cần phải viết xong trong thời gian nhất định. Đại để nhân vật của anh sẽ làm gì, nói gì, sẽ gặp những cảnh huống nào đều phải có tính trước. Thế nhưng thường thường đà viết đã cuốn trôi đi hết mọi dự định hoặc xáo trộn lên làm mất trình tự và mạch lạc mà Kiên mong muốn. Khi đọc lướt lại bản thảo, anh ngỡ ngàng và kinh hãi thấy điều mà mình vừa khẳng định ở trang trước đã bị phủ định ở trang này. Và các nhân vật của anh không ngừng tự mâu thuẫn.
Tuồng như càng trăn trở anh càng trượt nhanh khỏi vấn đề làm anh trăn trở. Nhiều đêm ngồi bên bàn viết anh miệt mài theo đuổi một ý tưởng nào đó, bám theo nó từng dòng, từng trang vật vã với nó, dằn vặt đầu óc bởi nó, để rồi rốt cuộc chợt nhận thấy rằng hóa ra là nói chung mình chẳng có một ý tưởng nào cả, hoặc giả có thì ý tưởng ấy vẫn là một cái gì hoàn toàn mờ mịt, vẫn nằm ở ngoài bản thảo, ở ngoài tầm với của tâm hồn anh, tuồng như nó còn lạc sâu trong miền bất khả trì của cõi lòng, miền của những bí quyết và năng lực tinh thần có thể là bẩm sinh song rất có thể chẳng bao giờ bộc lộ, mãi mãi chỉ là tiềm ẩn.
Anh viết ra dường như chỉ để mà hủy. Nỗi xót xa tiếc rẻ công sức và tâm lực bị phí hoài cùng nỗi lo sợ mãi mãi giẫm chân tại chỗ không thắng nổi bệnh cầu toàn đầy oan nghiệt. Gạch, xóa, gạch, xóa, và xé, xé sạch, rồi lại cặm cụi viết, nhích dần từng chữ như thể một gã i tờ đang học đánh vần. Nhưng dù sao Kiên cũng chưa bao giờ sẵn sàng đón nhận cái khả năng là mình chẳng hề có chút tài năng nào, thậm chí cả năng khiếu cũng không. Anh tuyệt vọng nhưng không khi nào là hoàn toàn tuyệt vọng. Anh viết, anh chờ đợi, rồi lại viết, lại chờ đợi, nôn nóng, căng thẳng, đầy những kích động thái quá của nội tâm, sống một mình với những cảm xúc của mình, anh lao động, lao động không ngừng và già đi trông thấy. Có lẽ chỉ nhờ mềm tin kỳ quái vào bản thân mà Kiên vẫn đứng ng sau chừng ấy thất bại, vẫn kiên trì nuôi giữ cái linh cảm về những thành quả sẽ tới với quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tuy nhiên từ khi bắt tay vào tiểu thuyết tâm trạng Kiên như mấp mé bờ vực. Bên cạnh niềm hy vọng và lòng tin vào thiên chức của mình, anh như luôn ngờ vực sự sáng suốt của chính mình. Anh không còn dám chắc vào bản ngã trong anh nữa. Mặc dù hết trang này sang trang khác, chương này sang chương khác, song càng viết Kiên càng âm thầm nhận thấy rằng, tuồng như không phải là anh mà là một cái gì đấy đối lập, thậm chí thù nghịch với anh đang viết, đang không ngừng vi phạm, không ngừng lật ngược tất cả những giáo điều cùng tất cả những tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất của anh.
Và hoàn toàn không cưỡng nổi, mỗi ngày Kiên một dấn mình thêm vào vòng xoáy của nghịch lý hiểm nghèo ấy của bút pháp. Ngay từ chương đẩu tiên cuốn tiểu thuyết của anh đã buông lơi cốt truyện truyền thống, không gian và thời gian tự ý khuấy đảo không kể gì đến tính hợp lý, bố cục bấn loạn, dòng đời các nhân vật bị phó mặc cho ngẫu hứng. Trong từng chương một Kiên viết về chiến tranh một cách rất tùy ý như thể ấy là một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể đó là cuộc chiến của riêng anh. Và cứ thế, nửa điên rồ Kiên lao vào chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình, một cách đơn độc, phi hiện thực, một cách cay đắng, đầy rẫy va vấp và lầm lạc.
Thế nhưng dẫu có biết mười mươi là rồi sẽ đại bại Kiên cũng chẳng sao dừng được. Sau những truyện ngắn và những truyện a, giờ đây cuốn tiểu thuyết dầu tay cực kỳ bấp bênh và còn vô cùng dang dở này như là một cuộc phiêu lưu cuối cùng trong cả cuộc đời làm lính của anh, đồng thời cũng là một sự thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự sinh tồn của anh không chỉ trên tư cách là một người cầm bút. Sự nghiệp bút nghiên đã đưa thẳng Kiên tới bờ cao dốc đứng của cuộc sống, không còn cách gì lẩn tránh hoặc lần lữa, cũng không hề có một phép màu, một cứu cánh nào...
Nhưng trên tất cả mọi lý do, thú thật còn phải kể tới một ý tưởng lạ lùng đã ăn vào Kiên từ nhiều năm. Ngấm ngầm anh tin mình tồn tại ở đời này với một thiên mệnh vô danh, thiêng liêng và cao cả, song tuyệt đối bí ẩn. Chính bởi thiên mệnh ấy mà anh có một tuổi thơ như thế, một tuổi hoa mền, một thời chiến trận như thế và tóm lại một cuộc sống như đã sống suất bốn chục năm qua với những đau khổ và hạnh phúc như thế. Cũng vì mang trong đời một định mệnh huyền cơ nào đấy nên anh mới có thể sống sót qua cuộc chiến tranh với những hoàn cảnh mà bình thường ra không thể có cơ hội thoát chết. ánh sáng trong suốt và hình bóng vô hình của một thiên mệnh như thế thực ra đã từng biểu hiện trong đời anh nhưng thoảng lướt và bất chợt đến nỗi không bao giờ anh kịp hiểu, không bao giờ kịp níu giữ. Nó nhói lên, lóe sáng và phụt tắt như ánh sao băng.
Lần đầu tiên Kiên cảm thấy sức mạnh bí ẩn của mệnh trời soi rọi trong anh không phải là trong chiến tranh mà vào những ngày mới hòa bình khi anh tham gia đoàn thu nhặt hài cốt từ sĩ. Sức mạnh đó từng nhói lên trong anh, thôi thúc anh vượt qua bao hoàn cảnh tối tăm của đời sống thời bình, nó nuôi giữ lòng tin, lòng ham sống, tình thương yêu. Anh chưa bao giờ hiểu được, thậm chí chưa bao giờ cảm nhận nổi thiên mệnh ấy, chỉ biết nó tồn tại trong anh âm thầm bí ẩn êm ả và đau đớn một cách không thể nhận thức được. Tuy nhiên theo dần năm tháng tâm hồn anh càng ngày càng chín muồi hơn cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng huyền bí của đời mình, chí li thì cũng nắm bắt được nó, gọi được nó lên thành lời.
Vào một mùa hè cách đây đã dăm năm, trên đường lãng du, Kiên tình cờ láng qua thị trấn Nhã Nam, và cũng hoàn toàn do tình cờ thôi mà từ thị trấn anh đã rẽ vào thăm Đồi Mơ, xóm nhỏ ngày xưa. Hai mươi năm về trước, tiểu đoàn tân binh của anh đã chốt ở vùng này ba tháng trời, huấn luyện và an dưỡng, chờ ngày lên đường "đi Bê dài". Tuy nhiên dường như chưa một ngày nào của hai chục năm trường ấy đã trôi qua. Cảnh vật y nguyên như thể bị thời gian bỏ sót. Những đồi thông, đồi sim mua, đồi cỏ giành giành, cỏ đuôi chồn, những rừng dẻ, rừng bạch đàn quạnh vắng, đìu hiu, nhà cửa thưa thớt, mỗi đồi một nhà và vẫn buồn thảm không khác gì xưa. Không định trước, Kiên rời đường cái rẽ vào đường rất mỏng chìm trong cỏ vòng quanh Đồi Mơ tìm đến túp nhà của mẹ Lành, mẹ nuôi của bọn anh, ba đứa trong tổ tam tam ngày ấy.
Túp nhà vẫn đó và hệt như thuở ấy: tường đất, mái gianh, với mảnh sân hẹp và khoảng vườn um tùm cỏ. Bên thềm giữa những bụi cây hoang tàn cái giếng nước với cái ròng rọc kêu ken két vẫn đấy. Mẹ nuôi của anh đã qua đời. Bây giờ một mình một bóng sống trong túp nhà xưa ấy là Lan, con gái út của bà cụ: Chị nhận ngay ra Kiên, chị nhớ cả cái biệt hiệu "thần sầu trứ danh của anh hồi đó nữa. Vậy mà Kiên thậm chí không hề nhớ là đã từng có một cô bé nào đó sống ở đây hồi ấy. "Lúc ấy em mới chưa đầy mười ba, vẫn đang chú cháu với các anh... mới lại con gái đồng rừng xấu xí nhút nhát...", chị nói. Nhưng bây giờ trước mắt anh là một thiếu phụ mảnh dẻ, cặp mắt to đượm buồn và vẻ quyến rũ thầm lén.
Chị ứa nước mắt khi được Kiên cho hay rằng, Quang và Hùng, hai người cùng tổ tam tam với anh đều đã nằm lại trong chiến tranh. "Thời buổi ác nghiệt - Chị nói - và dài quá là dài, cuốn đi mất biết bao nhiêu là người... bao nhiêu là lượt tân binh đã về đóng ở nhà em, gọi mẹ em là mẹ, coi em là em, thế mà chỉ mỗi anh trở lại. Hai anh trai của em, các bạn học của em và cả anh ấy nhà em nữa đều lứa đàn em của các anh, đi bộ đội sau các anh bao nhiêu năm, nhưng chẳng ai thoát về được cả."
Chị đưa anh lên đồi viếng mộ bà mẹ. Sau trận mưa chiều màu cỏ xanh mướt nước trên Đồi Mơ thắm hồng ánh đỏ của ng ráng. Dưới đồi có con sông chảy lượn qua và qua những đám cỏ rậm rạp từ trên đồi có thể nhìn thấy loáng thoáng từng quãng sông uốn khúc lấp lánh ánh phản quang. Kiên thắp nhang, cúi đầu hồi lâu trước mồ bà mẹ nuôi, bất lực cố hình dung nét mặt của bà.
- Giá kể hồi đó người ta hẵng gườm gượm, báo tử lần lượt thưa ra thì có khi mẹ em vẫn còn sống được tới giờ. Không may là bấy giờ lại hòa bình a xong nhưng chuyện chết chóc họ muốn dứt khoát đâm thành ác nghiệt. Nhè cũng một ngày, buổi sáng buổi chiều mà gửi hai cái giấy báo hy sinh hai anh trai của em. Mẹ em thật như là bị xô ngã, mê thiếp đi, bằn bặt suốt ba ngày không một lần hồi tỉnh. Mẹ mất đi chẳng nói một lời, anh ạ...
Bên mồ bà cụ là nấm mộ nhỏ nhoi của con trai Lan, Lan kể, không khóc:
- Thằng cu nhà em đẻ ra nặng những gần bốn ký thế mà chỉ sống được có hai ngày. Cháu tên Việt, họ Nông. Anh ấy nhà em người Tày, quê tít đâu trên mạn ngược Hà Giang. Về đóng ở đây được có non một tháng nên chúng em nào đã kịp cưới xin, cả đến báo cáo cấp chỉ huy cũng chưa. Đi được nửa năm thì có thư về cho em, cơ mà không phải anh ấy viết, người cùng tiểu đội viết. Báo tin rằng anh ấy đã hy sinh trên dọc đường qua Lào... Thằng cu Việt con em còn trong bụng mẹ đã mồ côi cha, có nhẽ vì thế nên cháu chẳng muốn sống... Đấy, nông nỗi đời em như thế đấy anh ạ. Mỗi năm mỗi xiêu đi. Em cứ ở vậy. Quanh quẩn trong nhà ngoài đồi. Chẳng để ý tới ai, chẳng ai để ý tới, mà cũng lạ từ sau đợt đơn vị nhà em, Đồi Mơ này không có thêm đợt bộ đội nào về nữa. Rồi thì hòa bình rồi tới hôm nay, bao năm rồi...
Chị lưu anh lại tối hôm ấy. Suốt đêm. Đêm hè ngắn ngủi. Văng vẳng tiếng cuốc kêu gọi ngoài xa, mé rừng. Và rì rẩm bên kia đồi dòng sông trôi. Hôm sau Kiên ra đi từ sáng sớm. Lan tiễn anh qua đồi Họ đi bên nhau, lặng lẽ. Mặt trời đang lên, sương vã dần. Sau một đêm gương mặt Lan gầy đi, thâm quầng.
- Đã có lần em định đi kinh tế mới bỏ hẳn đất này vào Nam sinh cơ lập nghiệp - Lan nói, giọng buồn buồn - Nhưng không dứt lòng mà đi nổi. Trên kia, hai bà cháu nằm đấy... với lại chẳng hiểu sao em lại cứ nán chờ, chờ mãi, chẳng biết là chờ gì, chờ ai. Không lẽ là chờ đợi chính anh?
Kiên không thốt nổi nên lời, mắt nhìn tránh đi. Chả hiểu sao em lại nhận ngay ra anh. So với hồi ấy nom anh khác hẳn... Mới lại hồi ấy em còn nhỏ oắt. Hay, anh là tình đầu của em mà em không hay. Kiên gượng cười, lòng thắt lại. Gần tới đường cái, anh dừng bước. Nắm nhẹ một bàn tay của Lan anh nâng lên, cúi xuống, áp môi, chầm chậm hôn rất lâu.
- Em ở lại, bình yên sống, đừng buồn nhé, em mến thương! Đừng nghĩ xấu về anh.
Âu yếm, Lan vuốt vuốt vai áo anh và hôn lên mái tóc của anh đã điểm bạc.
- Đừng bận về em. Đời anh rộng mở, hãy đi và hãy sống cho thỏa... còn em, em sẽ nuôi con nuôi, sẽ sống bình yên. Giá kể có được với anh... nhưng không, thì cũng gì mà buồn. Coi như cả anh cả em, ta một lần được trở về với hồi trước, khi tất cả người thân yêu còn sống... Còn nói ví dụ, tức là em cũng cứ nói phòng thế, bỗng dưng một ngày nào anh gặp cảnh ngộ không may, thấy đã hết ngả để đi tiếp thì xin anh hãy nhớ ngay rằng, dù sao cũng còn một nơi, cũng còn một người...Đồi Mơ đây là nơi anh đã lên đường chiến đấu lập nghiệp, mai sau nếu anh muốn cũng sẽ là một nơi, một chốn anh về.
Kiên ôm lấy Lan, riết vào ngực.
- Thôi anh đi đi kẻo muộn. Em sẽ nhớ anh mãi. Còn anh đừng quên hẳn em nhé, anh thân yêu tình cờ của em!
Những bãi cỏ ven đường đã ngập nắng. Bóng Kiên ngả dài. Anh bước đi, đẩu cúi xuống. Bầu trời mùa hạ cao xanh, buồn bã. Khi anh ngoảnh lại, Lan còn đứng đó trông theo. Nhưng một lần nữa, anh ngoái nhìn, bóng Lan đã khuất sau đồi. Mấy năm sau, một chiều nọ, cũng đang hè, trên đường từ biên giới trở về Hà Nội, chiếc com măng ca chở Kiên và nhóm phóng viên trong tòa soạn chạy chéo qua ngả Bắc Giang, miền bán sơn địa nhấp nhô đồi gò, khe lũng và những vạt rừng thưa. Trong xe dần dần chỉ còn Kiên thức cùng người lái. Gió lướt dài mát rượi. Hai bên đường từ các khe ngòi um tùm hơi đất mềm mại lan ra, toàn bộ không gian đất trời tĩnh lặng một khối lam chiều hoang vắng.
Trong lòng Kiên chợt thấy nao lên một nỗi buồn đơn giản, xót xa choáng ngợp. Phải, chính là ở đây. "Vẫn còn một nơi, vẫn còn một người!! - Lời ước hẹn buồn bã và vô vọng ngày nào vẳng lên gợi cho anh nhớ rằng cuộc đời mình thế là đã hết rồi, đã hết cả chút dư âm cuối cùng. Bao nhiêu quãng đời yêu dấu với bao người thân yêu nay đều đã biệt tăm tích mà anh chẳng hề lưu giữ được gì, đã để phí hoài tất cả. Có thể nói rằng trong nhiều năm qua anh đã sống mà chẳng hề ngoái nhìn lại. Không có dịp và cũng chẳng có nhu cầu, ngày tháng công việc cứ xô trào lên che lấp hết. Giờ thì đã muộn mất rồi. Anh nhắm mắt lại và một cảm giác nghén nghẹn lìm lịm lặng lẽ dìm tim anh xuống. Tuy nhiên không phải là niềm tuyệt vọng...
Chiều hôm ây, thật kỳ lạ, kỷ niệm về Đồi Mơ, về mối tình đầu vô danh đêm ven đồi năm nào trỗi dậy trên đường xa đã đồng thời làm tỉnh lại trong anh ý thức về một thiên mệnh đầy thôi thúc. Thôi thúc một cách tha thiết và u buồn. Đời anh rộng mở: hãy đi và hãy sống...
Đấy, cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sững đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ, Kiên nghĩ. Mặc dù cố nhiên chiến tranh không hề là như vậy. Chiến tranh...
Nhưng vì sao anh lại chọn đề tài chiến tranh và vì sao nhất thiết phải là đề tài ấy? Trong chiến tranh, cuộc sống của anh, của bao người khác thật kinh khủng, thậm chí khó có thể bảo đấy là cuộc sống nói gì đến sự tìm kiếm những sắc thái nghệ thuật trong cuộc sống đó. Và chính anh chứ chẳng phải ai khác cho đến tận ngày hôm nay vẫn không tài nào bước vào rạp chiếu bóng để xem những bộ phim trong đó người ta nhè đầu nhau mà khạc đạn. Không những thế văn chương về chiến tranh, tất nhiên là văn chương của người khác, anh hết sức tránh đọc. Thú thật là anh cực kỳ khiếp hãi những thiên truyện ấy. Thế nhưng bản thân anh thì lại thế, một mực sống chết viết mãi không chán những súng nổ bom rơi, những mùa khô mùa mưa, rồi quân địch, quân ta. Anh không thể viết khác, mai sau ví dụ có viết khác đi thì cũng là bởi vì thâm tâm luôn muốn viết về chiến tranh sao cho khác trước.
Đôi khi cũng toan một hướng mới nào đó nhưng ngòi bút lại chẳng tuân theo. Như là khi bắt đẩu cuốn tiểu thuyết đầu tay này Kiên đã dự định một cốt chuyện hậu chiến và vì thế chương thứ nhất anh viết về những người đi thu hài cốt tử sĩ, những người lính sắp giải ngũ để trở về với đời thường. Song một cách không thể cưỡng lại, các trang bản thảo dựng dậy hết cái chết này qua cái chết khác, dần dần đi sâu mãi vào những cánh rừng nguyên thủy của chiến tranh, lặng lẽ nhóm lên mãi cái lò lửa tàn khốc ấy của ký ức. Vậy mà thực ra anh có thể viết bao nhiêu chuyện có lẽ chẳng dính dấp gì tới trận mạc, bởi vì cũng như mọi người ngày nay anh nhìn cuộc đời đâu phải chỉ từ mặt cửa duy nhất nào đó.
Chẳng hạn về thời thơ ấu, thời thơ ấu vô cùng hạnh phúc và vô cùng buồn đau trước chiến tranh còn rất nhiều kỷ niệm chưa phai nhòa, anh nghĩ là mình hoàn toàn có thể viết với niềm tuyệt hứng "... Tôi sinh ra và lớn lên... cha tôi mẹ tôi lúc sinh thời...!, đại khái thế. Mà tại sao không viết về cuộc đời của cha và cả về thế hệ của Người nữa, một thế hệ vĩ đại và bi thảm, đầy những hoài bão và đầy những không tưởng, mang nặng những phẩm chất và những tình cảm cao quý mà ngày nay đã bị thế hệ của anh làm cho vĩnh viễn mai một. Cứ mỗi lần nghĩ lại tuổi thơ, nhớ đến cha bao giờ Kiên cũng cảm thấy ân hận, dường như anh đã yêu thương, tôn kính cha chưa đủ mức một người con, anh đã biết quá ít, hầu như không biết gì cả những năm tháng cuộc đời cha.
Anh đã chẳng nhớ gì mấy nữa về tấn bi kịch gia đình, không biết vì sao cha mẹ lại chia tay, không biết rằng cha mẹ đã đau khổ như thế nào. Về mẹ thì anh càng ít hơn... Và lạ lùng là anh lại rất nhớ người chồng sau của mẹ, một nhà thơ tiền chiến đã ẩn danh và đã về già Kiên đã một lần và chỉ một lần duy nhất đến thăm ông ở ngôi nhà nhỏ gần Chém có cửa sổ nhìn ra đê sông Hồng. Mùa đông ấy anh vừa mười bảy tuổi, cha thì mới qua đời, còn mẹ thì mất từ mấy năm trước đấy hơn năm năm rồi.
Trước ngày nhập ngũ, Kiên đến để từ biệt dượng. ấn tượng thật khó quên. Ngôi nhà xám xịt, cũ kỹ. Những ngọn gió lạnh lẽo vô định làm nghiêng ngả ngọn phi lao nhô lên sau mái nhà nằm lọt giữa khu vườn thê lương trơ trụi chiều đông. Cảnh sinh hoạt trong nhà nghèo nàn lộ liễu. Bàn thờ bụi bặm, tấm hình mẹ lồng trong khung kính rạn nứt. Chiếc giường ọp ẹp. Bàn làm việc bừa bộn sách vở, ly chén. Cuộc sống độc thân rời rã, đắp đổi qua ngày của dượng làm anh mủi lòng. Nhưng bản thân dượng cố giữ một phong độ trái ngược với tình cảnh. Tóc bạc trắng, lưng hơi còng, rõ ràng là đang rộc đi vì một chứng bệnh nào đó, tay run run, mắt mờ, trang phục tàn cũ nhưng không luộm thuộm và ông cư xử với anh một cách thân mật, hào hứng mà lịch thiệp.
Ông pha trà ngon mời anh, dưa thuốc cho anh hút, nhìn anh với vẻ buồn buồn, và nói với anh bằng giọng hết sức dịu dàng:
- Thế có nghĩa là con sẽ ra đi đánh trận? Không phải là ta muốn cản con đâu, ta đã già mà con thì còn trẻ, ngăn chí con làm sao nổi, chỉ muốn con thật thấu hiểu lòng mình. Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ... Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy. Với lại, con ạ, mẹ con, cha con và cả ta nữa chỉ có mình con ở lại trên đời nên ta mong con hãy sống và hãy trở về. Cuộc đời còn rất dài với bao nhiêu hạnh phúc và lạc thú phải hưởng của con kia có ai sống hộ cho con được bây giờ?
Ngạc nhiên và không đồng tình nhưng Kiên cảm thấy tin cậy những lời lẽ của dượng. Anh tự thấy gần gũi với suy nghĩ của ông mặc dù không hoàn toàn hiểu. Anh cảm nhận ở ông một trí tuệ sâu sắc, đa dạng với một tâm hồn lãng mạn và nhiệt thành theo lối tình cảm chủ nghĩa thời xưa, mơ mộng ngọt ngào, giàu nhạy cảm nhưng dường như rất ngây thơ, thiếu thiết thực và vô bổ, thậm chí lầm lạc. Và bất chợt anh hiểu được rằng vì sao mẹ đã từ bỏ cha con anh để đến với người đàn ông tâm tình yếu đuối này. Suốt chiều anh ngồi bên ông trong căn phòng mà trước đây mẹ đã từng sống và đã qua đời.
Và buổi chiều mùa đông ấy đã trở thành hầu như kỷ niệm duy nhất của anh về người mẹ mặc dù trong kỷ niệm đó không hề thoáng lên hình bóng của bà. Còn dượng, sau khi đọc cho anh nghe mấy câu thơ về tình yêu ông đã sáng tác từ thời trai trẻ, liền lấy đàn ghi ta treo trên tường xuống rồi bắt đầu hát bằng giọng trầm một bài hát của Văn Cao mà ông bảo ngày xưa mẹ anh hằng ưa thích. Bài hát chầm chậm, buồn buồn gợi nhớ những người thân yêu đã khuất, tiên cảm những ngày mai bất hạnh song lại như khuyên nhủ đừng nên vô vọng, đừng mãi mãi sầu thương, đừng nhiều lời than tiếc vì như thế chẳng ích gì mà hãy sống, hãy sống... Vào bộ đội, khi còn sống ở Nhã Nam, Kiên đã viết thư cho dượng, nhưng không nhận được hồi âm.
Mười năm sau sống trở về anh đi tìm nhưng chỉ được biết rằng dượng đã mất từ lâu. Còn ngôi nhà nọ thì không ai nhớ đã bị san đi từ bao giờ. Một con người như thế đấy và một câu chuyện như thế và còn bao nhiêu chuyện khác, bao nhiêu người khác nữa trong đời anh. Những người thân quen và những người xa lạ, đã chết hoặc còn sống, những chuyện cầm chắc là có thật lẫn những chuyện chẳng rõ thực hư.
Có lần, một người đàn ông lạ mặt và không chịu xưng tên đã đến tìm Kiên ở tòa soạn đề nghị được thông qua anh hiến cho văn học nước nhà mối tình của hai vợ chồng ông ta, "Chỉ cần đồng chí hư cấu một cái tên cho tôi và một cái tên cho bà nó nhà tôi, còn xin là cứ giữ nguyên tất cả. Vâng, xúc động và bi thảm lắm ạ", ông ta bảo thế. Nhạt nhẽo, vớ vẩn và mất thì giờ, có lẽ thế thật, song bản thân lòng tự tin của ông ta, nhất là cái ước muốn có món quà phi thường để tặng bà vợ đau yếu nhân kỷ mềm ba mươi năm lễ thành hôn chẳng phải một chuyện tuyệt vời hay sao? Nói chung bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được một điều gì đấy để viết một cái gì đấy về bất kỳ ai đấy chẳng phải là như thế đó sao? Bởi vì, từ cuộc sững phức tạp ẩn đằng sau vẻ bình thường dung dị, định hình cho được một nét dù là cực nhỏ nhưng thực sự đáng ghi lại, đấy quả là một trời những khả năng sáng tạo mở về muôn hướng.
Chẳng hạn, Kiên nghĩ, tại sao lại không viết tiểu thuyết về cái cộng đồng kỳ thú những người hàng xóm ở tầng trên, tầng dưới và ở chung tầng với anh trong ngôi nhà này? Có thể nói rằng, thật là một bản hòa tấu của những khuôn mặt và những cuộc đời. Những chuyện - tuyệt nực cười cũng có mà cũng có những nỗi buồn đau xé lòng diễn ra hàng ngày, hàng ngày chung đụng, chen chúc sống quần tụ trong ngôi nhà nhiều hộ này.
Nhất là vào những buổi tối mùa hè mất điện nóng như hầm phải ra sân ngồi hóng gió tới khuya, hoặc những khi cùng bà con chầu chực trước cái vòi máy nước độc nhất cho cả ba tầng tứ mùa khốn khổ khốn nạn tóc tách từng giọt, còn thiếu chuyện gì nữa về đời sống trong nhà ngoài phường mà Kiên chưa được nghe.
Người ta kể chuyện rằng bà giáo Thủy ở tầng một góa chồng từ ngoài dôi mươi, ở vậy nuôi con suốt bấy nhiêu năm giời, nay sắp sửa về hưu và cũng sắp sửa có cháu ngoại rồi, bỗng dưng phải lòng ông Tư bán sách ở đầu phố, cả hai ông bà đều cố giấu nhưng giấu nổi ai bởi giữa họ rõ ràng là tình yêu chứ có phải là tình gì mà che giấu nổi, hẳn hoi là sẽ chuốc lấy khổ. Hay như chuyện nhà Cường ở tầng ba, bữa nọ anh chồng rượu vào lên cơn hùng hổ toan dạy vợ, không ngờ trông gà hóa cuốc nhè ngay đầu bà mẹ đẻ ra mình mà hạ đo ván.
Mới đây nhất là chuyện ông Tánh tầng hai, đại úy quân nhu về vườn, do quá nghèo khổ, gia đình lại lục đục băm bổ đay nghiến nhau từng bát cơm, sinh quẫn ông toan tự tử một lần bằng thừng, một lần bằng thuốc trừ sâu nhưng đều bị người ta phát giác cứu sống. ấy vậy mà tình cảnh của ông đại úy vẫn còn khá so với nông nỗi bà cụ Sen mù lòa góa bụa, mẹ của hai liệt sĩ bị vợ chồng anh cháu họ lập mưu cướp mất nhà và đẩy cụ vào nằm chết trong sở điên Trâu Quỳ. Mà anh cháu họ của cụ không chỉ giàu có, anh còn thông minh tài cán, tính tình xởi lởi, tốt nghiệp đại học kinh tài, hay đi nước ngoài, biết hai ngoại ngữ.
Mỗi khi đi làm về anh thường ăn thật no, nghỉ ngơi thoải mái hơn người rồi sau đó trên mình bận pizama anh ngồi trước cửa sổ Ơï lên liên hồi và ngáp to để vơi sầu. Chị vợ anh làm gì đó ở tòa án, một con người trang trọng, đuồn đuỗn, môi luôn mím chặt, chưa hề ban cho ai một lời chào hỏi gọi là. Trong khi đó thì Bảo, con của ông bà Bình bác sĩ ở tầng ba, vốn là một "trừ" có thâm niên cao ở Hỏa Lò, mới vừa được ân xá hồi đầu năm, lại nhanh chóng được bà con trong căn nhà cảm thông, thương mến. Phạm tội giết người lãnh án tử hình, hạ xuống chung thân, ngồi đã ngót hai chục năm rồi nhưng nom Bảo không có vẻ gì là một phần tử như vậy, trái lại con đường zê-rô dằng dặc suốt thời trai trẻ tạo ra cho Bảo một dáng dấp chay tịnh như thể vẻ chay tịnh của một đời chân tu.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra tù, con người nguy hiểm này đã làm cho bà con dân phố phải ngạc nhiên trước tâm tính dịu hiền, tấm lòng chân thực trong sáng, ngây thơ và khắc khổ thể hiện ở từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói của anh. Chỉ có điều nom Bảo quá buồn. Đôi mắt buồn. Nụ cười hiền hậu cũng buồn khôn xiết, buồn đến nỗi mỗi khi bắt gặp nụ cười ấy ai nấy không khỏi thấy lòng mình se lại. Nghĩa là, chỉ riêng một khúc cực ngắn chảy qua một ngôi nhà này mà dòng sông cuộc sống đá thác ghềnh đã ngoắt ngạo và đã là muôn vẻ như vậy rồi.
Bao nhiêu chuyện đời. Bao nhiêu cuộc đời. Lũ trẻ sinh sôi ra như nấm sau trận mưa, lớn lên và trưởng thành, người lớn thì già đi, từng năm hao dần từng tuổi. Cuộc đời của các thế bệ tựa hồ những đợt sóng. Cuối mùa hạ vừa rồi, "cố" Dụ - người thợ cạo vĩ đại của Hà thành đã qua đời, thọ chín mươi bảy tuổi. CỐ là cụ già cuối cùng của thời trước chiến tranh, khi Kiên còn bé, đã sống được tới ngày nay. Cả Ngọc hoàng lẫn Diêm vương nhất định không cho ta rốn nốt ba năm cho tròn một thế kỷ của riêng ta - Giọng đã mất âm sắc, hơi thở phều phào mà cố vẫn gượng nói riêng khi Kiên vào thăm - Những chuyện đời hay nhất ta còn chưa kể... nhưng anh cháu nhà văn hãy gắng dựng lên vì ta một vở "người thợ cạo thành Hà Nội" nhé... Từ dưới đó ta sẽ lần lên xem công diễn...
CỐ hành nghề tóc tai từ thuở người đàn ông Hà Nội còn trĩu sau ót cái búi tóc cổ lỗ của tổ tiên, và cố tự hào nói: dưới bàn tay của ta một vạn ba lượt mái đầu và bộ mặt đã được mỹ hóa, từ xù xì, thô lậu thành đẹp đẽ, thơm tho như tảng đá được điêu khắc thành con người. Trước chiến tranh, con cháu và cả các chắt của cố đều quây quần chật ních xung quanh cố, và dù không ai theo nghề tông đơ dao kéo song tất cả đều nhiễm bệnh thợ cạo, đều giống cố ở nét xởi lởi hay chuyện, hay tán dóc pha trò, hay lam hay làm, lập thành một đại gia hiền lành, vui vẻ và hơi buồn cười.
Edit / Delete Sửa bài viết Quick reply to this message Trả lời Trả lời kèm Trích dẫn Trả lời kèm Trích dẫn Promote to Article Blog this Post
13-06-2013, 11:48 AM #8
songsong songsong Đang Ngoại tuyến
Thiếu Úy
songsong's Avatar Ngày tham gia
Nov 2011
Bài viết
53
Blog Entries
28
Trong hồi ức tuổi thơ của Kiên có lẽ không thể thiếu âm điệu giòn tan của chiếc kéo diệu kỳ trong tay cố, không thể thiếu các giai thoại cố kể và giai điệu ngang phè của La Mác-xây-e cố hát bằng tiếng Tây bồi. Đối với Kiên vang vọng lâu bền nhất của cuộc sống đã qua là tiếng rì rầm của cuộc đời thường chứ tuyệt nhiên không phải là tiếng rền động của các biến cố thời chiến, mặc dù cái đời thường xa xưa ấy đã bị bão tố lật trời của chiến tranh quét sạch. Như là gia đình cố Dụ xưa đông vui thế mà sau chiến tranh cố như là người đàn ông duy nhất. Như là gia đình ông Huynh có ba con tử trận, như là Sinh, thương binh cột sống, bán thân bất toại... Nhưng tất cả những gì bị chiến tranh nghiền nát thì dư âm lại bền lâu, bền lâu hơn tất cả các tàn tích của chiến tranh và chinh biến.
Bao bạn bè đồng lứa với Kiên trong chung cư đã ra đi mà không trở về song ngôi nhà vẫn đây, hình bóng của họ vẫn đấy. Đời sống của những người hy sinh còn vương hình bóng trên gương mặt của các thế hệ sau. Kiên nhớ tới Hạnh, người phụ nữ độc thân từng sống trong căn phòng nhỏ sát chân cầu thang mà bây giờ thuộc gia đình ông Sự. Chẳng hiểu vì sao giờ đây ở nhà này ít người còn nhớ tới Hạnh, càng không mấy ai nhớ nổi rằng Hạnh đã rời khỏi nhà này từ năm nào và đi đâu? Vì sao mà đi?
Hạnh hơn tuổi Kiên, hơn chừng nào chẳng biết. Chỉ biết khi anh còn oắt con thì đám đàn ông trong phố đã nhiều tay bê bết cuộc đời vì Hạnh. Người ta ẩu đả nhau vì cô. Bọn trai bên số chẵn đánh nhau chí chết với bên số lẻ để có thể tiếp cận cửa phòng Hạnh. Mỗi lần thấy cô đi qua với dáng mềm mại trẻ trung đung đưa toàn thân, õng ẹo uể oải thì các bậc nam nhi trong phố đều nhất loạt đứng sững, dán mắt nhìn theo, người thì với vẻ si ngốc, người thì cặp mắt rực lóe lên như sắp văng ra những tàn lửa thèm khát. Các bà các chị thì vừa ghét vừa sợ.
"Đồ đĩ?" Họ chửi sau lưng Hạnh - ĐỒ giăng hà? Con ma chài! Song cả sự thù ghét lẫn cả lòng say mê của mọi người đối với Hạnh, Kiên thấy đều phi lý. Cậu thấy Hạnh là một người hàng xóm như những người khác, "Chào chị ạ!, gặp Hạnh, Kiên lễ phép chào. "Chào chú em, ngoan quá?", Hạnh đáp, chỉ thiếu điều xoa đẩu cậu. Ngày tết chị mừng tuổi Kiên như lì xì bất cứ đứa bé nào trong chung cư. Những đồng năm hào loạt soạt mới tinh với lời chúc học giỏi. "Chúc cậu em học hành tấn tới... Năm nay ra dáng lắm rồi. Nhưng coi chừng chỉ giỏi giang cơ bắp thôi là thành đồ ngốc đấy nhé, cậu em?".
Nhưng rồi cũng đến lúc Hạnh phải đổi cách xưng hô, khi ấy Kiên đang học lớp mười, mười bảy tuổi. Thời gian đó chiến tranh đã ngấp nghé. Thăng Long vẫn phi chiến địa song đã có sơ tán, có đào hầm, nghe còi báo động và phải mặc áo sẫm màu. Hôm ấy, buổi trưa, vừa đi học về, đang ngồi ăn cơm, Kiên thấy Hạnh hé cửa ló đẩu vào nói:
- Này chú em, chiều nay xuống giúp chị một cái tăng xê nhé. Chị muốn có sẵn một cái trong giường để đêm có còi khỏi phải chạy ra đường. Có được không?
- Vâng, rồi em sẽ xuống.
Đấy là lần đầu tiên Kiên vào buồng của người đàn bà trẻ tuổi độc thân ấy. Phòng nhỏ, bài trí giản dị nhưng đẹp và gợi cảm. Kiên muốn khuyên chị không nên phá mất vẻ hài hòa trong phòng nhưng cậu tặc lưỡi ở góc buồng phía chân giường đơn của Hạnh, cậu nạy lên chừng chục viên gạch hoa rồi dùng xà beng chọc thủng móng nhà. Sau đó dùng cuốc chim và xẻng. Từng tý đá, tý gạch một, moi dần lên. Hạnh dọn một bữa cơm tối rất ngon có cả bia chai để thết Kiên. Cơm xong, chẳng nói năng gì, cảm thấy lúng túng lạ, Kiên hì hục đào tiếp ngay. Mất điện phải thắp đèn dầu. Kiên đào, còn Hạnh thì xách các xô đất đá ra đổ ở góc vườn sau. Hai chị em làm, im lặng, lầm lùi.
- Có lẽ được rồi chị ạ, - Kiên nói, thở dốc - Lút ngực em thì có lẽ chị quá cằm rồi. Có khi là sâu quá cũng nên.
- ừ, thôi thôi. Nhưng để chị xuống thử xem đã. Có khi còn phải nhờ em xẻ hộ cho mấy bậc để lên xuống cho nhanh.
Bình thường nhìn Hạnh không thấp hơn Kiên nhưng khi cùng đứng dưới hố cá nhân trong căn phòng mập mờ sáng tối để thử độ sâu thì chị chỉ cao đến cằm cậu bé, vóc người mảnh mai của chị như lọt thỏm vào thân hình chẳng ngờ lại cao lớn, vạm vỡ và đàn ông đến thế của cậu. Cảm nhận được điều đó, vừa chạm chân xuống đáy hố, Hạnh như bất giác rùng mình và hớt hải toan co mình vọt trở lên miệng hố. Nhưng hố quá sâu, và hơn nữa do lòng hố quá hẹp nên cái rùng mình của Hạnh như luồng điện truyền vụt sang Kiên. Toàn thân đột ngột sững sờ như thể điện giật, cứng lại trong một nỗi tê dại mà trong đời cậu cho đến khi đó chưa từng cảm thấy bao giờ, Kiên thở hực lên. Lần đầu tiên cậu cảm thấy không phải bằng mắt mà bằng cả thính giác sự sát kề bên mình một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây ngây của đôi vai, của cặp vú mát rượi mồ hôi dưới lần áo mỏng.
Ngờ nghệch và rối loạn, run lên vì choáng xốc Kiên chụp lấy Hạnh, choàng ôm, hung dại hôn lên cổ, lên vai. Hạnh âm thầm vùng quậy, chống tay vào ngực Kiên cố ẩy ra. Vụng về, Kiên ấn hai vai Hạnh, ép vào bờ đá. Cúc áo đứt phựt, và vải bị rách xoạc ra như thể một làn roi quất dọc lưng Kiên.
Kinh hoàng cậu sực tỉnh, lập tức thả Hạnh ra và đu người vọt lên miệng hố, toan chạy. Chiếc đèn dầu đổ nghiêng vụt tắt.
- Kiên? - Hạnh gọi khẽ, hớt hải - Chạy đi đâu... Sao lại thế. Cho mình lên với.
Run rẩy, Kiên cúi xuống xốc vai Hạnh kéo nhấc lên. Cái áo mỏng vừa bị rách toạc lại rách thêm. Hạnh quàng tay lên cổ Kiên, thì thầm hổn hển:
- Hẵng lên trên nhà một lát... rồi trở xuống đây. Mình sẽ... Mình cần nói với Kiên điều này...
Kiên trở lên phòng. Tắm táp, thay quần áo, nhưng không dám xuống. Song không ngủ được, trằn trọc.
Tảng sáng bất ngờ cậu ra khỏi phòng, đi chân không, rón rén bước xuống cầu thang, rón rén bước tới bên cửa buồng Hạnh. Áp mặt vào cánh cửa gỗ, cậu đứng lặng, trống ngực nện thùm thùm, không dám gõ. Nhưng... chợt cậu nghe thấy rất nhẹ tiếng chân bước trong phòng, rồi dường như cái móc cài cửa được nhấc lên thật khẽ. Nín thở. Kiên cảm nhận thân mình Hạnh đang áp nhẹ vào bên kia lần cửa gỗ. Run run, cậu để tay lên nắm đấm bằng sứ. Nhưng nhiều giây, rồi có lẽ nhiều phút đã qua, vẫn tịnh không một tiếng động cả ở bên trong lẫn bên ngoài cánh cửa.
Đột nhiên Kiên buông tay khỏi nắm đấm, bước lùi một bước rồi ngoắt người vụt chạy lên cầu thang, xô về phòng, vật xuống giường. Nhưng, thế là từ đấy Kiên tránh giáp mặt Hạnh. Khi chạm nhau không thể nào lánh mặt thì cúi gầm xuống cậu lí nhí: "Chị..." Hạnh nhìn, khẽ đáp: "Chào em", và luôn luôn như thể muốn nói thêm nữa một điều gì mà rồi không bao giờ nói.
Một thời gian sau, khi Kiên nhập ngũ thì Hạnh đã vào Thanh niên xung phong và đã đi sâu vào Khu Bốn từ nhiều tuần trước. Ngày Kiên trở về, buồng chị đã có người khác ở. Chiếc hố sâu đào ngày nọ tất nhiên chẳng còn mảy may dấu vết trên nền gạch hoa. Bỗng dưng một nỗi buồn làm Kiên chìm ngập vào trong thời thơ ấu "...rồi trở xuống đây. Mình sẽ... Mình cần nói với Kiên điều này... ".
Mãi mãi trong lòng Kiên lưu giữ thầm lặng một tình cảm biết ơn đầy tha thiết và ngậm ngùi đối với chị. Mãi mãi ấy là niềm nuối tiếc và là một nỗi đau mất mát lớn. Vậy mà tuyệt nhiên chưa bao giờ Kiên định rằng sẽ viết một cái gì đấy về kỷ niệm này. Và còn bao nhiêu kỷ niệm khác nữa, bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận suốt đời anh không thể quên song cũng sẽ suốt đời anh không thể viết được lên thành truyện. Không bao giờ có thể, thực thế, dù là trong kiếp này hay là kiếp sau...
Thở dài, Kiên áp mặt vào tấm kính cửa lạnh ngắt, nặng nề đưa mắt nhìn sâu vào ngoài đêm. Chẳng nhìn thấy gì nhiều lắm. Cây bằng lăng trước nhà ngọn dâng cao lên quá cửa sổ buồng anh, cành lá ướt nhóng nhánh xòe che các ô kính.
Dưới đường, những ngọn đèn khuya sáng rải thành một rẻo rời rạc nhòa mờ luồn trong lưới mưa đan, chạy xa hút về khoảng trống của hồ nước ở cuối phố. Bên kia lòng đường bóng đêm lay động theo những vòm cây tối đen làm hiện lên dập dờn những mái nhà, nhọn và tù. Suốt dọc phố hầu như không còn một khuôn cửa sáng đèn, không một bóng xe cộ cũng tịnh không một bóng bộ hành.
Vào lúc không giờ này thành phố yên ắng đến độ tưởng chừng như có thể nghe thấy cả tiếng mây trôi và tưởng chừng như cõi thực đã lui khỏi thế giới nhường lại cõi trống không cho hằng hà miên man những ảo giác. Hà Nội của anh mỗi giờ mỗi vẻ khác nhau nhưng Hà Nội nhất vẫn là Hà Nội giờ khuya, Hà Nội mưa rơi, Hà Nội như chính lúc này đây khi mà các đường phố trở nên gần như hoang vu ướt át và cô quạnh, lạnh lẽo, da diết buồn.
Hồi xưa, ngủ rừng với tiếng mưa sa trên vòm lá nhiều tầng không hiểu sao Kiên đặc biệt hay nằm mơ thấy Hà Nội mùa đông những đêm tối trời, suốt đêm gió thổi, mưa rơi, lá rụng. Bây giờ như để đáp lời những giấc mơ thùa ấy, khi đêm xuống đứng bên cửa sổ lặng nhìn màn mưa giăng mờ mặt phố anh thường bất giác mường tượng ra trước mắt cảnh rừng mưa âm vang mênh mang buồn của những đại ngàn năm xưa vươn qua biển mái nhà nhấp nhô, tràn lên tiếng rì rầm của phố xá canh khuya, dội tới triền miên như sóng vỗ, như ký ức xô bờ...
Năm ấy, Kiên nhớ, ở Hà Nội xuất hiện một mùa xuân giả. Ban ngày nắng hửng trời quang, không gian thoáng đãng êm ả tựa như đã là trời của tháng tư, tháng năm rồi vậy. Các hàng cây trụi lá mùa đông đã xanh rì lá mới, không còn chút nào vẻ tiêu điều. Trong công viên bừng rộ hoa nở và các loài chim di trú lại trở về gây tổ dưới những mái nhà. Thế nhưng thời tiết thì kì thực là còn lâu mới vượt qua nổi khúc quanh tăm tối nhất trên con đường hầm. Và cứ khoảng xế chiều là da trời lại xám ngăn ngắt. Gió lạnh lùa dọc phố, mưa phùn lại bắt đầu rơi, lại nỗi nao buồn. Phương đã bỏ ra đi từ đầu mùa đông.
Không có tin tức gì cả, chẳng thư từ gì hết như thể là nàng đã quyết một đi không trở lại. Cửa giả bên buồng nàng im lìm khóa trái, có vẻ như sẽ không bao giờ còn mở ra nữa. ấy là lần đầu tiên kể từ ngày gặp lại nhau sau chiến tranh Phương đã dứt khỏi anh mà đi theo kiểu như thế, đột ngột, đau đớn và độc địa như thế. Kiên rộc đi. Nhìn vào gương mà giật mình: tóc tai râu na, hốc mắt, gò má, những nếp nhăn, vẻ suy tàn...
Ngay cả giọng nói cũng như lạc khác đi, như thể lại một lần nữa vỡ giọng, nằng nặng buồn phiền. Cái nhìn của anh làm nản lòng người. Một cái nhìn chằm chằm mà chẳng nhìn gì cả, trống rỗng, vô cảm... mà vì sao cơ chứ, diều gì đã xảy ra, duyên do nào?
Bấy giờ, tuồng như chán ngấy nền học vấn, Kiên thôi không đến lớp nghe giảng nữa, lặng lẽ và vô cớ kết liễu mất của mình cuộc đời sinh viên suôn sẻ. Sách vở chẳng buồn đụng tới. Báo chí không đọc, mọi nhẽ đời đều để buông xuôi, sống hoàn toàn là được không hay chớ. Dửng dưng, Ơ hờ, thu mình trong vỏ, chẳng chơi bời giao du, chẳng thiết tha tâm tình trò chuyện cùng ai. Và mặc kệ rằng luôn luôn cạn tiền liên miên anh cần rượu. Thuốc lá đốt không ngừng. Và dù hết sức kém chịu rét, dạo đấy anh bắt đầu ham đi lang thang trong khuya, rất ít ngủ. Những giấc ngủ nặng trịch như bị đổ chì.
Trong mơ thi thoảng mới chợt thoáng thấy Phương còn thường thì anh chỉ rặt mộng thấy những chuyện điên rồ, những điều dễ sợ biến tướng của mềm cô đơn và nỗi đa sầu. Đôi khi là những ác mộng rợn người, kinh khủng như những liều thuốc độc. Vô vàn những ám ảnh từ những đời nảo đời nào trong chiến tranh tưởng rằng đã phải yên ngủ từ lâu như thể được truyền phép ma mà hùa theo nhau thức cả dậy. Tâm hồn mỗi ngày một thêm hoang phế, tranh tối tranh sáng, vật vờ toàn những hồn ma bóng quỷ.
Vào những đêm xuân giá rét ấy những cô hồn thân thuộc lên tiếng thì thầm trò chuyện với anh, lên tiếng rên rỉ và thở dài. Các tử thần xanh tái lỗ chỗ vết đạn cúi xuống như muốn soi bóng vào giấc ngủ của anh. Đã bao đêm như thế, Kiên choàng tỉnh bắt gặp mình không phải đang ở trên giường mà vật vã, dụi do dưới sàn nhà nước mắt ướt mặt, run lên vì lạnh, vì khiếp đảm, vì tê dại trong lòng một mềm thương thân não nùng và vô duyên cớ. ở ngoài cửa sổ gió bấc rít dài. Mưa vỗ ràn rát trên mái hiên. Hơi ẩm trong phòng quánh lại. Kiên quờ tay tìm công tắc điện nhưng những đêm ấy thường là cả đến ngọn đèn cũng không còn tinh lục mà sáng lên nổi.
Anh đã gắng quên Phương, đã cố hết sức. Chỉ dở là không tài nào quên nổi và dở nhất là vẫn cứ âm thầm mong ngóng. Tất nhiên, anh biết, tất cả rồi sẽ trôi qua, không có gì có thể là vĩnh cửu trong thế giới ngày nay, kể cả tình yêu và kể cả nỗi buồn trong lòng một người đã đứng tuổi rồi như anh. Và anh cũng biết những giằn vặt những khổ sở của mình là nhỏ bé xiết bao, vô nghĩa nữa, chẳng khác nào tà khói mong manh trong bầu trời cuộc sống.
Người ta kể rằng, trong mùa xuân năm ấy, một đêm nọ, từ quán rượu ra Kiên đã dắt theo về phòng một ả "cà phê xanh" một trong những hồ ly tinh nổi tiếng nhất của suốt rẻo bờ Thuyền Quang và Bẩy Mẫu. Nhưng suốt đêm anh ả chẳng ngủ nghê, họ bảo thế, không làm tình, chỉ cùng nhau uống rượu, cùng nhau trong sự hòa hợp đến mê mụ... Đêm ấy lạnh ngang đêm đại hàn. Kiên đi bộ qua hồ Ha le. Trong bóng tối dưới vòm cây gạo ở góc hồ, một cặp đang giằng co nhau. Gã đàn ông thình lình rút từ lưng quần ra một con dao găm lưỡi mỏng, sáng lạnh người. Không đâu hấp tấp nhảy xô vào can thiệp, Kiên đấm gã nọ lộn úp mặt xuống rãnh cùng, rồi chặn một chiếc xích lô lại, kéo đại cô gái nhào lên xe với mình và thúc ông xế già phóng tạt đi trước khi cảnh sát ập tới.
- Anh giai biết em gái là đứa thế nào không mà dám mời vào vòm?
Khi anh bật đèn trong phòng lên, cô bé nhoẻn cười dọa. Mới mười chín tuổi là cùng, nhỏ nhắn, ngang tàng nhưng xanh xao phờ phạc, cô ăn mặc phong phanh và rõ ràng là bị đói.
- Anh giai ra đòn siêu thật. Chưởng ấy phải mấy ngàn tuy rằng đánh trộm. Đêm nay coi như anh khỏi phải chi gì thêm...
Cô không nói nổi hết câu. Dù sao thì cũng không thể không nhận ra nhau. CÔ tái người đi, vai so lại run rẩy. Cũng cả vì đói và rét quá nữa. Kiên lục chạn. Chỉ còn nửa nồi cơm nguội với chút mỡ. Anh châm bếp dầu lên, rang cơm. ăn xong, cô bé uống trà, hút tàn một điếu thuốc rồi lẳng lặng tới bên giường từ từ cởi quần áo, vừa cởi vừa xo ro, cười gượng gạo, nửa hoang mang nửa như thẹn thùng. Khi cô cúi xuống để lột manh áo lót qua đầu, mảnh lưng ốm yếu trắng xanh của cô sởn gai ốc và trồi lên từng đốt sống, nom rõ mồn một, có thể đếm được. Liếc Kiên một cách e lệ, cười cười một cách nhợt nhạt và nhút nhát, cô bé ruồi mình vào chăn bông, miệng thốt rên trong khoái cảm ấm áp đê mê thư giãn.
Đoạn cô thiếp đi. Khi chợt mở mắt cô lạ lùng thấy Kiên vẫn ngồi bên bàn hút thuốc.
- Em hút mấy, anh...!
Kiên châm một điếu đưa cô và ngồi xuống ở bên giường. Thời gian tích tắc lặng trôi, cả hai cùng im lặng, im lặng chịu dựng nỗi oái oăm bất hạnh. Kiên chẳng nhớ nổi tên cô và cô, hẳn rằng cũng vậy. Mà cũng chẳng biết nói gì, nói gì cũng chạm đau, cũng khía vào lòng cái nhục nhã, cái ê chề và báng hổ của tình cảnh này. Nhưng ký ức đã dần dần xích họ lại. Ký ức chung về Vĩnh, người anh trai của cô bé và là người bạn cùng trung đội trinh sát với Kiên thuở nào, đã nằm lại ở chân đèo Ma Đơ Rắc.
Ký ức về một buổi chiều mùa hè sau chiến tranh khi Kiên mang một số di vật của Vĩnh đến thăm gia đình cô. Cái xóm nhỏ ven thành phố nhưng mà đói nghèo thảm hại nổi lên giữa một vùng dở đầm lầy dở bãi rác. Lũ trẻ ốm o rách rưới. Đàn chó bẩn thỉu chạy rông. Ruồi muỗi chuột bọ, mùi hôi thối kinh hồn và những ngọn gió cực kỳ tanh tưởi. Dân xóm nửa phần đi ăn mày, nửa phần chuyên nghiệp bới rác nhặt giấy vụn và chạy đồ ăn cắp. Nhà của gia đình Vĩnh cũng như mọi nhà khác trong xóm, nhếch nhác, tối tăm, chằng đụp, vá víu, nhớt nhát.
Cô bé này khi đó mới chừng mười lăm tuổi nước mắt lưng tròng, thút thít, sụt sịt dỡ các thứ trong chiếc ba lô cóc bẹp dúm của Vĩnh ra cho bà mẹ mù lòa rờ rẫm vuốt ve. Một bộ quần áo lính tàng nát. Chiếc mũ tai bèo. Con dao xếp. Cái bát sắt. Cây sáo trúc đã nứt toác. Cuốn sổ tay. Khi Kiên cáo từ, bà cụ đưa tay khô gầy rờ rờ lên má anh và nói như để an ủi anh:
- Biết làm sao được hả con... Mọi sự đều có "duy vật" cả. Em nó không về nhưng các con về!
- Mẹ, mất ngay trong năm ấy. Em cũng bỏ đi, thôi nghề rác từ năm ấy. Mà bây giờ cũng chẳng còn Xóm Rác, chỉ còn bãi rác...
Cô bé bắt đầu kể, và Kiên cũng bắt đầu kể. Những kỷ mềm buồn ngắt. Mãi đến tảng sáng thì như giật mình sực nhớ, cô nàng giở hé chăn ra và kéo kéo tay Kiên, miệng cười yếu ớt Đời ơi là đời!
- Không, - Kiên nói - Đừng...
- Nhưng... Anh đã đánh nhau vì em.
Kiên lắc đầu. Hôm ấy có sẵn bao nhiêu tiền, Kiên dốc hết cho cô. Anh cộng thêm vào món tiền một bộ năm vé xổ số mới mua. Cô bé bật cười, hì hì. Anh tiễn cô đi một đoạn phố. Đến bên hồ Thuyền Quang dừng lại, cô bảo:
- Thôi. Anh lặn đi. Em cũng lặn đây. Không đời nó thấy nó lại chửi anh. Em sẽ nhớ anh mãi. Anh thật buồn cười.
- ừ, Kiên bảo, nắm nhẹ tay cô - Em đi nhé!
Anh định nói thêm nữa nhưng chẳng biết nói gì. Chẳng cần phải nhắc đến Vĩnh. CÔ bé rút tay ra và quay đi. Kiên nhìn theo, khô cằn, già nua, bất lực và tầm thường biết bao cuộc đời anh những năm tháng này. Anh chẳng biết dùng đời anh vào chuyện gì nữa. Việc học hành, sự thành đạt, đường tiến thân tất tật những gì mà khi từ chiến tranh trở về anh coi là trong bỗng chốc trở thành bèo bọt cả. Nhưng một kế sinh nhai tắm tạm anh cũng chẳng màng. Vẫn sống đấy, tồn tại, vẫn có mặt nhưng sâu xa về mặt tinh thần thì Kiên đã đầu hàng rồi trước cái không gì cả của cuộc đời và số phận.
Ấy vậy mà chính lúc bấy giờ, trong mùa xuân đấy, đâu đâu cũng sôi sục bầu không khí hừng hực chủ nghĩa anh hùng và nhiệt tình ái quốc. Chiến tranh đến nơi rồi, sắp có những bước ngoặt và những đột biến cho mọi cuộc đời. Những người tưởng rằng biết rõ Kiên đều khuyên anh nên tái ngũ. Binh nghiệp ở Việt Nam mình là muôn năm, người lính luôn luôn là có giá, họ bảo thế. ở ngoài phố, trên tàu điện, trên xe buýt, trước các quầy hàng, trong công sở, trong tiệm cắt tóc và cả những nơi bàn trà, quán nhậu thiên hạ mê mải với rặt những tin thời sự súng đạn. Có cảm giác là ngay cả những cặp ôm nhau bên Hồ Tây trong gió mưa rét mướt cũng không khỏi thủ thỉ sự tình hai biên giới.
Đêm đêm, trên tàu tốc hành quân lính không ngừng trẩy qua thành phố. Xe tăng, đại bác nhiều cơ man xếp dọc các toa sàn, còn trong các toa đen thì đầy nghẹt bộ đội. Từ các cửa toa mùi mồ hôi lính quen thuộc phả xuống. Mùi của gian khổ, của tuổi trẻ trĩu nặng lửa đạn, đói rét, sương gió. "Cảnh tượng y hệt mười lăm năm về trước, thuở 64, 65 đầu thời đánh Mỹ - Những ông thị dân sang trọng tấm tắc. Dĩ nhiên là so với thời đó bây giờ ta mạnh hơn, hùng tráng và chắc thắng hơn gấp bội lần".
Có lẽ là như thế thật. Kiên cũng chẳng biết nữa. Anh do dự. Đã đành là đánh nhau thì phải đánh nhau thôi một khi không còn cách nào khác, nhưng dù sao thì... Trai đất Việt thực ra không ham chiến trận lắm đâu như người ta hay đồn, hăng chiến phải nói là mấy ông trí thức tuổi sồn sồn bụng to chân ngắn. Còn với dân chúng, cơn binh lửa v rồi đã đủ đau thấu tới ngàn năm.
Tuy nhiên nói vậy chứ cũng chẳng biết là thế nào. Có thể là bởi vì đối với Kiên muôn thuở chỉ có duy nhất một cuộc chiến tranh kia, một cuộc chiến tranh chẳng những mãi mãi đè nặng, mãi mãi ám ảnh mà về thực chất nó còn là nguyên nhân của mọi khúc đoạn và nông nỗi của đời anh, kể cả hạnh phúc, kể cả đau khổ, niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và oán hờn.
Với anh ấy là cuộc chiến tranh cuối cùng. Và dù sao mặc lòng sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ sống mãi trong tâm hồn Kiên trước tiên là như một lời trăn trối. Kiên hiểu rất rõ rằng sứ mệnh của cuộc đời anh là đến một ngày nào đấy phải nói lên được nội dung của lời trăn trối ấy, cho dù bản thân việc nhận thức ra được lời trăn trối đó chẳng mang lại gì nhiều nhặn cho đời sống hiện tại.
Có thể nói rằng chính trong mùa xuân năm ấy, khi mà đất nước một lần nữa lại mấp mé bên bờ chiến tranh, Kiên đã trải qua những ngày bể dâu của tâm hồn mình. Một cái gì đấy vô cùng lớn lao và vô cùng trọng đại mà anh chưa hoàn toàn hiểu, chưa đủ năng lực dể gỏi đích danh tên điều ấy lên đã đồng thời a sụp đổ vừa được tái sinh trong toàn bộ con người anh. Có thể đó là tình yêu, là tin lành, là sự thú nhận chân lý?
Và chính trong mùa xuân chiến tranh ấy, một đêm giá rét anh đã viết nên thiên truyện đầu tay. Kiên nhớ, đêm ấy dưới tầng một. Trần Sinh, người bạn học của anh và Phương, đang hấp hối. Sau một thời gian dài nằm viện, Sinh được đưa về nhà để chờ chết. Giờ chết đã điểm rồi: mà thần chết lại lần chần. Đã hơn hai ngày hôn mê mà người bệnh chưa ngừng thở. Đi bộ đội sau Kiên nhưng bị thương nên Sinh giải ngũ trước. Thời gian đầu thấy nói Sinh chẳng có vẻ gì là phế binh. Anh đã định cưới vợ. Nhưng dần dần từ chân trái lan sang chân phải rồi nửa người Sinh bị liệt.
Dạo Kiên mới về, Sinh còn chống gậy nhúc nhắc được, sau phải đành nằm bẹp. Các bác sĩ lấy làm lạ không hiểu vì sao cái vết thương cột sống kinh khủng ấy không lượm Sinh ngay trong chiến tranh mà nấn ná lâu thế mới giáng họa. Y học bó tay, họ bảo thế, càng chữa chạy càng khổ sở và người thân càng điêu linh vì hầu hạ phục dịch. Ròng rã như thế đã bốn năm giời. BỐ mẹ Sinh đã qua đời. Người anh trai có gia đình. Phòng họ ở tầng một, sâu cuối hành lang, tối tăm, ẩm thấp, cửa sổ hướng trực diện nhà vệ sinh. Kiên đẩy cửa bước vào. Trong buồng mờ tối. Hai đứa bé và một người đàn bà hom hem - chị dâu của Sinh, đang ngồi giữa nền nhà hí húi cắt dán những hộp bìa các tông gia công cho xí nghiệp bánh kẹo. Không ai ngẩng lên.
- Anh ấy thế nào rồi? - Kiên khẽ hỏi.
- Vẫn thế, còn thở - Bà chị dâu ngán ngẩm đáp - Ai đến thăm cũng chịu chú ấy giỏi kéo dài.
Nói đoạn chị thở dài đánh sượt. Người ốm nằm trên một chiếc chõng tre kê giúi trong xó. Kiên lại gần. Mùi hôi thối lợm giọng. Chăn chiếu bẩn thỉu. Đầu Sinh trụi hết tóc, đen sạm, quắt queo như cái gộc cây. Mũi dẹt lét chỉ còn cái sống mảnh như lưỡi dao. Môi má chẳng thấy, chỉ thấy hai hàm răng và hai hố mắt, không rõ nhắm hay mở. Kiên cúi xuống, hỏi:
- Nhận ra mình không Sinh?
Vẫn nhận ra đấy. Chị dâu nói chõ tới, cơ mà chả nói nổi, còn hơi nữa đâu mà nói.
- Có ăn uống được gì không?
- Vẫn, nhưng lại tự tháo ra hết. Vậy mà vẫn cứ gượng. Khổ lắm thay!
Kiên ngồi xuống chiếc ghế bên chõng. Chẳng biết nói gì. Ngồi mười lăm, hai mươi phút. Nhìn kỹ mới thấy tấm chăn chiên nâng hạ chút ít theo một thứ nhịp thở nào đó. Trong phòng im ắng. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng bà chị dâu lẩm bẩm gì đấy. Huấn, ông anh trai của Sinh nằm ngáy trên gác xép, chếch bên trên chỗ Sinh. Khổ thân Sinh, nhà thơ của lớp 10A, đáng thương thay. Hồi hè, có lần Kiên vào bệnh viện thăm Sinh.
Bấy giờ hy vọng khỏi đã lụi hẳn nhưng Sinh còn cử động được đôi chút, còn có thể ngồi xe đẩy và đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Khác với nhiều người mắc phải nan y cầm chắc sẽ chết, Sinh không tự dối mình về tình trạng vô phương của bản thân, song anh không rên rỉ, than thân trách phận, luôn luôn anh cố gắng để không làm rầu lòng người đến thăm, không tìm cách trút sang bạn nỗi bất hạnh của mình.
Khuôn mặt xanh lướt cố rạng rỡ, anh cố mỉm cười, và dịu dàng,.với giọng nói yếu ớt, anh khơi mạch chuyện vãn, chủ động kéo Kiên vào những mẩu hồi ức học trò, những kỷ niệm về các cô bạn học, các thầy cô giáo, những ký ức lảng xa cảnh ngộ của anh. Rồi với vẻ chăm chú hết mức, ngạc nhiên, say mê, hiếu kỳ, đầy tin tưởng, anh làm như thể hoàn toàn bị lôi cuốn vào những chuyện Kiên kể. Gật gù, nhướn cao cặp lông mày, anh thẩm thì: "Thế kia à? Tuyệt thật... Thú vị nhỉ... Oà, cô ấy là như vậy đấy, đáng yêu thật... à,mình nhớ ra rồi, chà, chuyện đó mới thực là nhộn...".
Kiên đẩy chiếc xe lăn đưa Sinh ra vãn cảnh khu vườn hoa của bệnh viện. Chiều hè yên ả, không khí thoáng đãng. Những tia xiên khoai màu hồng chiếu dài lên thảm cỏ xanh um. Kiên dừng xe dưới một cây bồ đề.
- Nắng chia nửa bãi chiều rồi... vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu... Đấy, thơ thế mới là thơ chứ, - Sinh mỉm cười, mắt nheo nheo - vậy mà mình đây đã từng ôm mộng thành nhà thơ cơ đấy. Đi lính ấy mà, mình định bụng sẽ trở thành Lê Anh Xuân, tạc vào thế kỷ. Đấy ước mơ thế đấy... Còn hồi trước nữa thì thú thực mình đã làm khối thơ tình tặng Phương, chỉ hãi cậu biết cậu đấm cho thì khốn."
Rồi cả hai cùng im lặng. Chẳng phải nói gì nữa. Hai người bạn thân thời niên thiếu, sau những năm dài trận mạc giờ đây trong hai cảnh ngộ ngồi bên nhau, thầm lặng nói với nhau bằng nỗi lòng, cùng nhau trầm tư nhớ lại những chuyện xa lắc, những ngày xưa kia.
Kiên đưa Sinh về giường rồi cáo từ. Anh ôm lấy vai Sinh, hôn lên đôi má gầy hóp, hạnh như đồng của bạn.
- Thỉnh thoảng vào với mình nhé, Kiên ơi... thỉnh thoảng nhé - Thương thân, bi thiết nín mãi trong lòng, không còn gượng nổi nữa, Sinh bật nức lên, nghẹn ngào - Lắm lúc nghĩ cay cực khôn cùng. Ước gì có cách nào tự chết ngay cho chóng cuộc đời. Thân phận những thằng bị thương như mình bị chiến tranh đoạt mất tự do có khác nào thân phận nô lệ...
Kiên đưa tay bưng mặt, và không chịu đựng nổi anh bật đứng dậy bước vội ra khỏi căn buồng nửa nhà mồ, không kịp chào cả bà chị dâu của Sinh. Trở lên phòng không cởi áo bông, Kiên nằm ngửa xuống giường, gác đôi giày đen lấm bùn lên chiếu. Vòng tay dưới gáy anh trừng trừng nhìn lên trần nhà nẻ rạn, vàng. Lặng lẽ nước mắt ứa ra, nóng rực và đau nhói. Đi đâu bây giờ? Làm gì bây giờ?
Anh bật ho như thể buột rên lên nỗi day dứt giằn vặt, khó hiểu, ám mãi trong lòng. Kể ra thì sau chiến tranh anh đã từng có được cảm giác hạnh phúc, chí ít thì cũng là ấn tượng hạnh phúc của ngày trở về. Hơn ba ngày đêm rong ruổi dọc đường sắt Xuyên Việt vào cuối mùa thu năm 76 ấy có thể ví như là chút niềm vui vớt vát cuối cùng của đời bộ đội. Tuy nhiên nhớ lại cứ thấy đau đau trong lòng thế nào ấy. Trên tàu Thống Nhất chuyến ấy toàn là thương phế binh và lính về vườn. Ba lô ken dày trên giá, võng chăng dọc ngang lòng toa biến đoàn tàu thành một bãi khách.
Thoạt đầu, tâm trạng chung phải nói là khá chua chát. Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi nhưng đến một chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn giành cho bộ đội. Cảnh chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì lại một thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba lô tuồng như người ta cho rằng một núi của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác...
Tại các ga mà đoàn tàu dừng bánh các loa phóng thanh oang oang trút vào tai đám lính đui què mẻ sứt mắt trắng môi thâm này hàng lô xích xông những lời dạy bảo trớ trêu nhất đời nào chống cầu an, chống đạn bọc lường, chống thói đam mê các tàn tích của xã hội phồn vinh giả tạo và nào là cần đặc biệt chống tư tưởng công thần?
Nhưng anh em công thần biết an ủi nhau, biết biến tất cả những sự khó chịu thành chuyện đùa, thành lời giễu cợt, thành chuyện tiếu lâm để cười. Và khi hai bên đường sắt bắt đầu những quang cảnh thân yêu của đồng bằng sông Hồng thì ai ai nấy như bơi trong niềm hạnh phúc. Bao nhiêu ước mơ đã đào sâu chôn chặt giờ đây thỏa sức cất lên thành lời. Mê mải trong lòng mỗi người những dự định tươi hồng phi lý về cuộc sống bắt đầu từ đây của nền hòa bình vĩnh viễn. Ngày cuối cùng trên tàu, Kiên làm thân được với Hiền, chiến sĩ của mặt trận khu 9 đi B từ năm 66, quê Nam Định, gái chợ Rồng nhưng giọng nói đã ăn đậm chất Hà Tiên.
Đêm, Kiên bế Hiền sang bên võng mình. Và suốt đêm, trong nhịp tàu dồn dập lắc lư, mặc kệ rằng xung quanh lính tráng đùa cợt trêu chọc, hai người thoải mái ôm xiết lấy nhau mà ngủ, cùng nhau nói mê, thỉnh thoảng thức dậy càng ôm chặt nhau, thỏa sức hôn hít nhau, sống gấp lên với nhau những cây số cuối cùng còn vương lại của tuổi thanh xuân chiến hào. Khi tàu dừng ở Nam Định, Kiên dìu Hiền xuống sân ga. Anh chực bỏ chuyến tàu để đưa Hiền về nhà. Hiền cười gạt đi:
- Thôi mà. Cho thành tro mọi chuyện đi. Vương vấn làm gì. Mà anh cũng cần phải về gấp xem cửa nhà, xem còn gì không cho ngày mai sống tiếp chứ. Với xem xem liệu có còn ai đó chờ đợi mình không? Biết đâu đấy
- Nhưng, sẽ gặp lại nhau chứ?
- Đời hòa bình biết nông sâu thế nào mà lường, anh. Có phải là còn chiến tranh, còn trong bộ đội đâu mà bảo rằng sẽ một điều gì. Thôi, mai rày có nhớ nhau thì cứ cậy vào run rủi...
Một mình Hiền quay đi, khó nhọc lết tới cửa ga. Hai vai cô tỳ lên hai chiếc nạng gỗ. Thân hình mềm mại hơi lệch nghiêng, phướn lên, cô đu người tới trước từng đoạn, bả vai nhô cao. Gần khuất sau cổng kiểm soát đông nghịt người, Hiền chợt ngoái đầu lại chăm chú nhìn Kiên lần cuối. Đôi mắt đen trong sáng nhưng sâu thẳm nỗi buồn và tâm trạng tan hoang bi đát. Cô loạng choạng, lúng túng cất một bàn tay lên vẫy vẫy Kiên, gượng một nụ cười, rồi quả quyết quay đi biến mất.
Từ đấy về tới Hà Nội đầu tàu như không ngừng hân hoan thúc lên hồi còi reo vui lanh lảnh: Hạnh phúc, hạnh phúc... Và các đầu dập nối toa rầm rầm nhắc lại:
Hạnh phúc, hạnh phúc... Càng về tới gần Hà Nội đầu óc Kiên càng thêm choáng váng, đê mê một cơn sốt nhẹ nhàng, tim đập rộn lên bởi bao dự cảm mơ hồ, dịu ngọt và khó tin. Xúc cảm bình yên làm mắt anh mờ lệ. Khi từ ga Hàng Cỏ về đến nhà thì trời đã tối khuya.
Phố phường im ắng. Anh bước vào trong sân. Ngôi nhà tối sẫm. Các gia đình có lẽ đã ngủ cả nhưng cánh cửa đầu cầu thang không hiểu hôm ấy sao không cài then như để hé đấy chờ anh về. Đúng là không ai chờ đợi anh, không ai cả, Kiên biết... nhưng biết đâu đấy! Kiên bước lên cầu thang lòng thắt lại trong linh cảm về một sự bất ngờ đang lặng nín đón rình anh. Dưới ánh sáng của ngọn đèn vàng vọt, hành lang mờ tối cánh cửa căn phòng của cha con anh vẫn nguyên màu nâu thùa xưa, vẫn tấm biển đồng nhỏ khắc tên cha anh. Mờ mịt, chao đảo, Kiên đứng cơ hồ không vững, hai tay mỗi lúc một run. Hạnh phúc và nước mắt thầm lặng dào tuôn.
Chợt có tiếng cửa kẹt mở. Từ căn hộ giáp phòng anh một người phụ nữ thân hình dong dỏng, bận chiếc áo ngủ sáng màu bước nhẹ ra hành lang. Nàng nhìn anh. Một tiếng kêu câm lặng trong ánh mắt. Kiên rùng mình. Toàn thể cảm giác của anh như thể bị xô nghiêng đi. Năm tháng rất dài lâu của đời người vụt thu lại trong chớp mắt này. Nàng bứt khỏi ngưỡng cửa, ngả người, bước lướt tới. Kiên hơi cúi xuống. Rất nhanh, mềm mại, tuyệt trần, hai cánh tay nàng choàng quấn lấy cổ anh.
- Kiên!
- Phương... Em!
Mười năm trời ấy một cái hôn dài. Cái hôn bất tuyệt thấu vào tim, cái hôn mà mãi mãi mỗi người trong họ còn phải nhớ bởi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cả hai còn được hưởng một cái gì tột đỉnh cuộc đời đến như thế nữa. Nàng khẽ cọ má vào môi anh, rồi lặng lẽ áp mặt vào ngực áo bộ đội thô ráp của anh.
- Phương ơi... Vậy mà, - Kiên thì thào - Mười năm qua anh nghĩ em không còn sống.
- Vậy ra... chúng mình đã thành luồn ma trong nhau... bởi e ai cũng nghĩ thế... Nhưng, thôi thế là từ nay không bao giờ chúng mình rời xa nhau nữa, phải không em?
Tuy nhiên không hiểu sao ngay lúc đó, anh đã cảm thấy những xung động rối ren giữa niềm hạnh phúc vô bờ lẫn cùng sự hoang mang bấn loạn từ tấm thân yêu kiều trong vòng tay của mình. Anh cắn răng lại, anh nghe dường như có những bước chân rón rén nào đó và có một ai đó đang chứng kiến anh với Phương gặp gỡ nhau. Phương mở cúc áo. Chiếc chìa khóa của phòng anh đính vào sợi dây chuyền, lấp lánh như một cây thập ác nhỏ trên ngực nàng để hở. Mắt mờ đi, Kiên mở khóa và đẩy cửa ra. Bầu không khí trong căn phòng đã nhiều năm trời hầu như thường xuyên khép kín ùa ra, bao bọc lấy anh như làn hơi thở cuối cùng của cuộc đời yêu dấu xa xưa.
Đột nhiên, Kiên chộp lấy khuỷu tay Phương, như thể chực dùng sức du nàng vào trong cửa. Anh đã thoáng thấy một bóng người đứng ở bên trong cánh cửa phòng Phương hé mở. Gương mặt Phương trắng bệch, cái nhìn như lả đi. Nàng bước theo anh. Nhưng chỉ một bước thôi, một giây thôi, Kiên cảm thấy Phương đang trì ngón phân xuống ngưỡng cửa. Anh buông nàng ra. Cúi xuống, anh nhặt cái ba lô ở ngạch cửa rồi một mình bước vào phòng. Khép cửa lại.
Chao ôi! Như vậy đấy: Hoà bình, hạnh phúc, ánh huy hoàng của chiến thắng, ấn tượng êm dịu của ngày trở về niềm tin đầy đắc thắng về tương lai... Tội nghiệp thằng bé. Mỗi lần nhớ lại đêm đầu tiên của cuộc đời mới sau chiến tranh lòng dạ anh đau nhói, chua xót, không thể rên lên.
Kiên vùng bật dậy, không ngừng đi đi lại lại trong phòng. Cuộc chiến tranh thần thánh rốt cuộc đã bù đắp những mất mát anh đã phải chịu bằng một thứ đời sống như ngày hôm nay đây. Sau cuộc chiến tranh ấy chẳng còn gì nữa cả trong đời anh. Chỉ còn những mộng mị hảo huyền.
Sau cuộc chiến tranh ấy anh dường như chẳng còn ở trong một "kênh" với mọi người. Càng ngày Kiên càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này. Thẫn thờ, anh ngồi xuống ghế. Bao nhiêu hình ảnh dồn dập kế tiếp nhau. Không. Cứ nói rằng số phận không cho một lời mách bảo nào sau khi chiến tranh kết thúc, song, cái đêm đầu tiên ấy chẳng là lời mách bảo hay sao? Nhưng cả anh và cả Phương đều đã cưỡng lại. Để làm gì cơ chứ?
Ngay đêm hôm ấy, Phương sang lại với anh. Người đàn ông mà nàng đang chung sống và đã định với nàng một lễ cưới bỏ ra đi lập tức. Mù quáng biết chừng nào, anh và Phương?
Dù đã dầm mình trong rượu, dù đã hàng trăm lần tự cầu xin lòng mình hãy lặng yên đi cho, thì trong tâm trí anh vẫn không ngừng nhói đau những hồi tưởng tan nát về thời gian sống cùng nhau sau chiến tranh của anh và Phương.
Mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát. Cuộc chung sống làm đổ bể tâm hồn nhau và cuộc đời nhau mới chấm dứt cách đây không lâu. Trong một cuộc xô xát ở quán rượu Kiên đã đánh trọng thương một người tình cũ của Phương. Từ đồn công an, nơi mà người ta tưởng anh là thằng điên, Kiên mò về gặp Phương. Anh chẳng nói được gì hết, chỉ trào nước mắt. Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn.
- Phương nói với anh khi bỏ ra đi - Không phải là hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi... Như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng em là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh. Phải không Kiên?
Khi Phương bỏ đi, Kiên không cản. Anh cũng nghĩ là nên như thế. Song có thái độ cứng rắn trong chốc lát là chuyện dễ, duy trì được thái độ đó khó hơn nhiều. Một tuần, hai tuần, rồi hàng tháng đã trôi qua. Anh không thể đến nổi trường đại học. Không biết ngồi thế nào, nằm thế nào, nhìn về đâu, đi về đâu. Một khi có tiếng giầy cao gót lên cầu thang, tim anh ngừng đập. Giờ này qua giờ khác anh đứng bên cửa sổ mắt nhìn đăm đăm xuống đường. Đi dọc phố chốc chốc anh ngoái đầu nhìn lại đằng sau với nỗi hồi hộp lố bịch nhất đời. Và đôi khi giữa đêm, lòng tràn tuyệt vọng anh nấc lên, nước mắt giàn giụa, phải thúc mặt vào gối cho đến kỳ ngạt thở...
Anh biết chỉ có biện pháp duy nhất để thoát khỏi tình trạng yếm thế thê thảm này là Phương trở về, là anh lại được nhìn thấy nàng, để lại cùng nhau lặp lại nỗi thống khổ...
Trong phòng ẩm ướt, dường như càng lúc càng lạnh hơn. Gió cào trên ô cửa. Trên bàn, một ấm trà đã pha mà chẳng uống nguội lạnh, mấy cuốn sách, một tập giấy, cây bút, lọ mực, cái gạt tàn và bình hoa với mấy bông hồng đã nguội ngắt hương thơm. Và, chính một đêm như thế vào mùa xuân năm ấy anh đã cảm nhận được thiên mệnh của đời mình: sống ngược trở lại, lần tìm trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu. Tất nhiên anh chưa nghĩ ngay rằng đấy là một thiên mệnh, anh nghĩ đấy là một lối thoát.
Kể lại, viết lại làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa. Đó là con đường cứu rỗi của anh. Kiên nghĩ. Nhưng cho đến tận bây giờ và có thể là mãi mãi Kiên cũng không thể cắt nghĩa được vì sao mà vào cái đêm lạnh giá ấy, đứng trước cửa sổ nhìn màn mưa mỏng đang chầm chậm tràn ngang qua bầu không khí xanh xám run rẩy, uốn ngả theo chiều gió đông bắc, lòng đăm đắm nhớ tới Phương, anh lại chợt nhìn thấy mùa mưa Cánh Bắc, nhìn thấy Ngọc Bơ Rẫy, truông Gọi Hồn. Vì sao? Lại gương mặt của từng anh em trong trung đội hiện lên. Và phép mầu nào ngay sau đấy đã đẩy lùi thời gian về xa hơn, dựng lại trước mắt anh trận đánh ghê rợn đã xóa sổ tiểu đoàn 27 của anh?
Không khí trong căn phòng này khi đấy thật kỳ lạ, như thể bị hút vào trường hấp dẫn của quá khứ: cũng rung lên, xô giật, đập thình thình vì sóng xung kích của hàng trăm trái đạn pháo dội cấp tập xuống lòng truông Gọi Hồn. Và tường vách căn phòng rầm rầm rung lên trong tiếng động cơ máy bay bổ nhào. Kiên giật mình bật lùi khỏi cửa sổ.
Hồn phách xiêu lạc, ý thức mờ mịt, lú lẫn, mê mẩn Kiên đi đi lại lại, ký ức lóe chớp. Loạng choạng ngồi xuống bên bàn, mộ t cách máy móc anh cầm lấy bút, và thay vì viết thư, anh viết một cái gì hoàn toàn khác. Suốt đêm ấy, đến sáng, giữa mớ đồ đạc và bàn ghế tồi tàn, giữa bốn bức tường tróc lở, những sách những báo chồng đống trên sàn nhà bụi bặm, nứt nẻ, những vỏ chai lăn lóc, cái tủ đầy gián, chiếc giường xiên vẹo bừa bãi chăn màn xơ xác anh đã viết một mạch trọn vẹn với thần hứng không bao giờ còn có lại - thiên truyện đầu tiên trong đời, làm sống dậy một cách đặc biệt tàn nhẫn trận tử chiến truông Gọi Hồn với những diễn biến nặng nề của nó và số phận bi thảm của tiểu đoàn anh.
Tay mỏi tê, run lên, tim như rách dần, cả hai buồng phổi nghẹt khói thuốc, miệng khô đắng, cổ tắc lại nấc, anh cắm đầu viết. Quanh anh, tiếng kêu, tiếng la hét đau đớn, tiếng đạn ríu rít sát mang tai, tiếng gầm giật dội của những chùm rốc két dọt từ trực thăng xuống. Các nhân vật của anh cứ nối nhau gục ngã. Và cho tới lúc nhân vật chính, một trong những người trụ lại đoạn hậu cho cuộc rút lui đã hóa thành một đống giẻ nát nhừ vắt mình trên bờ công sự mà chết thì ngày xuân trên thành phố đã vào đến góc tối nhất trong phòng. Tác giả đã cạn sức. Chếnh choáng, anh lần ra khỏi nhà, lê bước trên vỉa hè, xiên đảo, mê tơi như thể một cô hồn lang thang đi phơi nắng. Khối cảm giác nóng bỏng căng nhức hồi đêm dẫu dịu dần nhưng tâm trạng Kiên hình như không thể bình quân lại được nữa. Anh có cảm giác giống như khi bị thương mất nhiều máu, ngất đi, vừa hồi tỉnh lại ngay trên bãi chiến trường.
Thế giới trước mắt anh cơ hồ đã đổi khác. Chỉ sau một đêm thôi nhưng là một đêm kỳ ảo chóng vánh dài dặc mà giờ đây... đường Nguyễn Du sắc nét và trang nhã của anh, hồ Thuyền Quang trong lành êm ả và thân thuộc từ tấm bé không còn hẳn như ngày hôm qua nữa. Cả tâm hồn của anh, anh cũng không còn nhận ra nổi.
Và bầu trời buổi sớm và những cụm mây lững thững trôi từ miền đông bắc quang đều như nhuộm một sắc màu khác biệt. Những nóc nhà vốn xám xỉn, lóng lánh trong màn nắng mai nom như vừa được vớt lên từ dưới nước. Suốt cả ngày chủ nhật hôm ấy, như thành người ngây, Kiên lang thang trong phố. Một niềm vui buồn thảm tựa như một buổi bình minh pha trộn ánh hoàng hôn soi chiếu những suy nghĩ của Kiên.
Toàn bộ cuộc sống bấy lâu nay được rọi sáng trong luồng tâm tưởng ngược chiều thời gian. Những mối bận tâm, những niềm đau khổ, những xót xa cay đắng trong lòng những năm gần đây đã trở nên tầm thường, nhợt nhạt và lúc đó Kiên nghĩ, chúng chẳng còn nghĩa lý gì đối với mình. Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện. Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh.
Buổi chiều vào công viên, anh đi dọc theo những lối sỏi hai bên um tùm cỏ và hoa, bước qua những bụi cây đọng nước tìm tới một ghế đá bỏ trống gần nơi trai gái đang tình tự, và ngồi im cả giờ nghe gió thầm thổi qua hồ. Con người nội tâm trong anh cô quạnh, âu sầu không hề cảm thấy gió lạnh chiều tà, lặng lẽ đưa mắt nhìn vượt khỏi tầm mắt, vươn tới cõi xa xăm bên ngoài biên giới của tư duy, đạt đến cõi hòa đồng người sống và người chết, hạnh phúc và khổ đau, hồi ức và ước mơ. Mênh mang trời nước. Mênh mang hương sặc mùa xuân tươi sáng đượm sầu xao xuyến truyền lan theo sóng hồ. Và, trên vùng không gian tinh thần ấy Kiên thấy hiện lên rõ một cách bí ẩn, khó giải thích một đoạn đời, một phong cảnh, một hình ảnh, một gương mặt mà đã từ lâu rồi anh quên lãng.
Và sau đó lại những đoạn đời khác, những kỷ niệm khác, lần lượt kế tiếp nhau, âm thầm chậm rãi duyệt lại quá khứ... ký ức về một trưa mùa khô rực rỡ nắng, hoa nở đầy trong những khoảnh rừng thưa... Ký ức một ngày mưa gian truân bên bờ Sa Thầy vào rừng hái măng đào củ... những bờ suối, bãi lau, buôn nhỏ hoang tàn... những gương mặt đàn bà mến thương xa lạ gợi niềm nhớ nhung âu yếm... mềm đau của mối tình... Ký ức xa vời, trập trùng và lặng lẽ, khắc nghiệt và thẳm sâu như rừng như núi trong lòng anh chiều ấy, một chiều xuân lạnh lẽo sáng trong bên lề trống không của trời nước một mầu làm cho tâm hồn từ đấy không còn có thể dừng mắt ở điểm nào nữa trên cõi không cùng của quá khứ.
Đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại là trong tôi lập tức ký ức tự nó xoay mình lui về theo lối cũ, gạt toàn bộ cõi đời thực hôm nay ra rìa cỏ. Biết bao kỷ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu lòng đã nhủ lòng là phải gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên tưởng tuồng như là không đâu nảy sinh một cách khôn lường từ muôn vàn những chi tiết tầm thường, rời rạc và vô vị nhất có thể có trong chuỗi bất tận ngày qua ngày nhạt thếch, buồn tẻ và êm đềm đến phát ốm này.
Cách đây không lâu trong mơ tôi đã trở lại với truông Gọi Hồn. Dòng suối, con đường mòn, những tràng trống và những bìa rừng xưa lấp loáng nắng pha mưa. Và xa xa ở trời Tây Nam bốn mỏm cao màu rêu đá của Ngọc Bơ Rẫy sừng sững. Từ bức sơn thủy tĩnh lặng ấy giấc mơ lần mở từng trang. Suốt đêm tôi sống lại với cuộc đời của trung đội trinh sát, từng ngày một, từng kỷ niệm một, từng người một, lần lượt từ từ rành rọt như những thước phim quay chậm. Và cảnh chót là cảnh ven suối, toàn trung đội tập hợp trước nấm mồ của Thịnh "con", vào buổi chiều trước lúc nhổ neo rời Cánh Bắc.
- Thịnh ơi, nằm lại nhé với đại ngàn thân yêu. Bọn mình ra đi để bước vào trận mới - văng vẳng tôi nghe giọng nói của chính mình chiều hôm xưa ấy, thay mặt toàn trung đội nói lời từ biệt hương hồn Thịnh - từ lòng sâu đất ẩm xin bạn thân yêu hãy nghe thấu lời anh em vĩnh biệt. Xin hãy chứng giám và phù hộ cho anh em tung hoành trong đồn bốt quân địch hoàn thành nhiệm vụ. Xin hãy lắng nghe tiếng súng anh em rửa thù cho bạn rồi đây sẽ rung chuyển đất trời...".
Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi thương tiếc và cay đắng ngậm ngùi. Một đêm khác, cũng trong mơ, tôi nhìn thấy truông Gọi Hồn và mơ thấy Hòa, cô giao liên xinh tươi, người Hải Hậu đã hy sinh vào thuở tối tăm mù mịt năm 68, và lần gặp gỡ trong mơ này hầu như là lần duy nhất chúng tôi thoáng bóng nhau sau ngần ấy năm trời người còn kẻ mất. Trong màn sương mù đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hòa thấp thoáng, xa vời nhưng với một tình yêu, một niềm đắm say và cảm giác gần gũi da diết mà ngay hồi đó tôi không hề cảm thấy.
Hồi đó chỉ có nỗi sợ hãi, sự bất lực đầy nhục nhã, cảm giác chiến bại và trạng thái rã rời tuyệt vọng. Suốt đêm tôi trôi dạt trong bể khổ thời Mậu Thân. Khi tỉnh dậy thì ngoài cửa sổ trời đã tảng sáng, và lưu ảnh cuối cùng đọng trong tâm trí là cảnh tượng đau thương rùng rợn ấy:
Hòa gục ngã giữa tráng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng giật, nặng nề hộc rống lên... Toàn thân tôi lạnh giá nhưng đẫm mồ hôi, cổ họng đau rát vì mê hoảng la hét, môi rớm máu, cúc áo ngủ đứt tung, ngực bị móng tay cào xoạc da. Và trái tim tôi run rẩy nhói đau, hồi hộp đập dồn như treo trên đầu sợi chỉ.
Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia thử hỏi đã bao năm ròng?
Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối rữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi "Xáo Thịt" la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72. Tử khí xộc lên từ vỉa hè nồng nặc đến nỗi tôi phải vội đưa tay lên bịt mũi như kẻ hóa rồ trước mắt người qua đường. Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang. Thót người lại trên giường tôi nín thở đợi một trái hỏa tiễn từ tàu rà phụt xuống. "Chéo-éo-éo... Đoành!" Và tôi không thể nào bình tâm nổi trước cảnh bọn lính Mỹ mặc áo giáp đang gào lên xung trận trên màn ảnh truyền hình.
Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Y chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá. Tôi chóng mặt choáng hồn đi vì niềm hưng phấn man rợ khi bật sống dậy trước mắt một trận cận chiến bằng báng súng và lưỡi lê. Và trống ngực nện thùm thùm, tôi nhìn chằm chằm vào các góc tối cầu thang nơi các hồn ma rách nát thường vẫn hiện hình, ôm theo những vết thương đỏ lòm, toác hoác. Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng.
Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. Và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng. Tuy nhiên, mặc dù rất đỗi mù quáng tôi vẫn không thể không biết rằng không thể trông đợi gì vào những điều nhớ lại, rằng từ lâu đã không còn gì nữa cả, tất cả đã tắt hẳn và mất hút một cách không thương tiếc.
Tôi cũng không thể không hiểu rằng ngôi sao chiếu mệnh của thời tôi đã vĩnh viễn lụi tắt. Vinh quang của cái thời đã qua ấy dầu rằng tột đỉnh nhưng chỉ một sớm một chiều. Hào quang choáng ngợp buổi đầu sau chiến tranh đã chóng vánh mai một trong từng thân phận. Những người đã chết đã chết cả rồi, người được sống tiếp tục sống song những khát vọng nồng cháy từng là cứu cánh của cả một thời, từng soi rọi cho chúng tôi nội dung lịch sử, thiên chức và vận hội của thế hệ mình, rủi thay đã không thể thành ngay hiện thực cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến như chúng tôi hằng tưởng. Đến bây giờ, đến lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến?
Và như thế là đằng đẵng bao nhiêu năm trời rồi trôi qua? Mười năm. Rồi mười một. Rồi mười hai, mười ba năm. Ngay cả cái tuổi bốn mươi ngày nào xa lạ và khó tin biết mấy cũng chỉ còn lại nốt mùa đông này. Từ chân trời dĩ vãng ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do như là niềm tiếc nuối không nguôi cứ mãi hoài thổi mãi qua thành phố, qua làng mạc, và trong đời tôi.
Kiên buông bút, đưa tay tắt ngọn đèn bàn khẽ ẩy ghế ra đứng dậy, lặng lẽ đến bên cửa sổ. Trong phòng rất lạnh nhưng anh thấy tức thở, oi bức, khó chịu như thể đang trước một cơn giông giữa một đêm hè. Cảm giác không toại nguyện đắng ngắt. Dường như cứ càng nhích gần tới thì ngòi bút của anh càng chệch xa khỏi cốt lõi của điều cần đạt tới trong tác phẩm.
Mỗi buổi tối, trước khi ngồi vào bàn giở bản thảo ra bao giờ Kiên cũng gắng chuẩn bị cho mình một tâm trạng thích hợp - anh cố tách bạch từng cảm xúc, cố định hình các vấn đề phức tạp như là phác sẵn ra trong đầu từng trang và từng trường đoạn cần phải viết xong trong thời gian nhất định. Đại để nhân vật của anh sẽ làm gì, nói gì, sẽ gặp những cảnh huống nào đều phải có tính trước. Thế nhưng thường thường đà viết đã cuốn trôi đi hết mọi dự định hoặc xáo trộn lên làm mất trình tự và mạch lạc mà Kiên mong muốn. Khi đọc lướt lại bản thảo, anh ngỡ ngàng và kinh hãi thấy điều mà mình vừa khẳng định ở trang trước đã bị phủ định ở trang này. Và các nhân vật của anh không ngừng tự mâu thuẫn.
Tuồng như càng trăn trở anh càng trượt nhanh khỏi vấn đề làm anh trăn trở. Nhiều đêm ngồi bên bàn viết anh miệt mài theo đuổi một ý tưởng nào đó, bám theo nó từng dòng, từng trang vật vã với nó, dằn vặt đầu óc bởi nó, để rồi rốt cuộc chợt nhận thấy rằng hóa ra là nói chung mình chẳng có một ý tưởng nào cả, hoặc giả có thì ý tưởng ấy vẫn là một cái gì hoàn toàn mờ mịt, vẫn nằm ở ngoài bản thảo, ở ngoài tầm với của tâm hồn anh, tuồng như nó còn lạc sâu trong miền bất khả trì của cõi lòng, miền của những bí quyết và năng lực tinh thần có thể là bẩm sinh song rất có thể chẳng bao giờ bộc lộ, mãi mãi chỉ là tiềm ẩn.
Anh viết ra dường như chỉ để mà hủy. Nỗi xót xa tiếc rẻ công sức và tâm lực bị phí hoài cùng nỗi lo sợ mãi mãi giẫm chân tại chỗ không thắng nổi bệnh cầu toàn đầy oan nghiệt. Gạch, xóa, gạch, xóa, và xé, xé sạch, rồi lại cặm cụi viết, nhích dần từng chữ như thể một gã i tờ đang học đánh vần. Nhưng dù sao Kiên cũng chưa bao giờ sẵn sàng đón nhận cái khả năng là mình chẳng hề có chút tài năng nào, thậm chí cả năng khiếu cũng không. Anh tuyệt vọng nhưng không khi nào là hoàn toàn tuyệt vọng. Anh viết, anh chờ đợi, rồi lại viết, lại chờ đợi, nôn nóng, căng thẳng, đầy những kích động thái quá của nội tâm, sống một mình với những cảm xúc của mình, anh lao động, lao động không ngừng và già đi trông thấy. Có lẽ chỉ nhờ mềm tin kỳ quái vào bản thân mà Kiên vẫn đứng ng sau chừng ấy thất bại, vẫn kiên trì nuôi giữ cái linh cảm về những thành quả sẽ tới với quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tuy nhiên từ khi bắt tay vào tiểu thuyết tâm trạng Kiên như mấp mé bờ vực. Bên cạnh niềm hy vọng và lòng tin vào thiên chức của mình, anh như luôn ngờ vực sự sáng suốt của chính mình. Anh không còn dám chắc vào bản ngã trong anh nữa. Mặc dù hết trang này sang trang khác, chương này sang chương khác, song càng viết Kiên càng âm thầm nhận thấy rằng, tuồng như không phải là anh mà là một cái gì đấy đối lập, thậm chí thù nghịch với anh đang viết, đang không ngừng vi phạm, không ngừng lật ngược tất cả những giáo điều cùng tất cả những tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất của anh.
Và hoàn toàn không cưỡng nổi, mỗi ngày Kiên một dấn mình thêm vào vòng xoáy của nghịch lý hiểm nghèo ấy của bút pháp. Ngay từ chương đẩu tiên cuốn tiểu thuyết của anh đã buông lơi cốt truyện truyền thống, không gian và thời gian tự ý khuấy đảo không kể gì đến tính hợp lý, bố cục bấn loạn, dòng đời các nhân vật bị phó mặc cho ngẫu hứng. Trong từng chương một Kiên viết về chiến tranh một cách rất tùy ý như thể ấy là một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể đó là cuộc chiến của riêng anh. Và cứ thế, nửa điên rồ Kiên lao vào chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình, một cách đơn độc, phi hiện thực, một cách cay đắng, đầy rẫy va vấp và lầm lạc.
Thế nhưng dẫu có biết mười mươi là rồi sẽ đại bại Kiên cũng chẳng sao dừng được. Sau những truyện ngắn và những truyện a, giờ đây cuốn tiểu thuyết dầu tay cực kỳ bấp bênh và còn vô cùng dang dở này như là một cuộc phiêu lưu cuối cùng trong cả cuộc đời làm lính của anh, đồng thời cũng là một sự thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự sinh tồn của anh không chỉ trên tư cách là một người cầm bút. Sự nghiệp bút nghiên đã đưa thẳng Kiên tới bờ cao dốc đứng của cuộc sống, không còn cách gì lẩn tránh hoặc lần lữa, cũng không hề có một phép màu, một cứu cánh nào...
Nhưng trên tất cả mọi lý do, thú thật còn phải kể tới một ý tưởng lạ lùng đã ăn vào Kiên từ nhiều năm. Ngấm ngầm anh tin mình tồn tại ở đời này với một thiên mệnh vô danh, thiêng liêng và cao cả, song tuyệt đối bí ẩn. Chính bởi thiên mệnh ấy mà anh có một tuổi thơ như thế, một tuổi hoa mền, một thời chiến trận như thế và tóm lại một cuộc sống như đã sống suất bốn chục năm qua với những đau khổ và hạnh phúc như thế. Cũng vì mang trong đời một định mệnh huyền cơ nào đấy nên anh mới có thể sống sót qua cuộc chiến tranh với những hoàn cảnh mà bình thường ra không thể có cơ hội thoát chết. ánh sáng trong suốt và hình bóng vô hình của một thiên mệnh như thế thực ra đã từng biểu hiện trong đời anh nhưng thoảng lướt và bất chợt đến nỗi không bao giờ anh kịp hiểu, không bao giờ kịp níu giữ. Nó nhói lên, lóe sáng và phụt tắt như ánh sao băng.
Lần đầu tiên Kiên cảm thấy sức mạnh bí ẩn của mệnh trời soi rọi trong anh không phải là trong chiến tranh mà vào những ngày mới hòa bình khi anh tham gia đoàn thu nhặt hài cốt từ sĩ. Sức mạnh đó từng nhói lên trong anh, thôi thúc anh vượt qua bao hoàn cảnh tối tăm của đời sống thời bình, nó nuôi giữ lòng tin, lòng ham sống, tình thương yêu. Anh chưa bao giờ hiểu được, thậm chí chưa bao giờ cảm nhận nổi thiên mệnh ấy, chỉ biết nó tồn tại trong anh âm thầm bí ẩn êm ả và đau đớn một cách không thể nhận thức được. Tuy nhiên theo dần năm tháng tâm hồn anh càng ngày càng chín muồi hơn cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng huyền bí của đời mình, chí li thì cũng nắm bắt được nó, gọi được nó lên thành lời.
Vào một mùa hè cách đây đã dăm năm, trên đường lãng du, Kiên tình cờ láng qua thị trấn Nhã Nam, và cũng hoàn toàn do tình cờ thôi mà từ thị trấn anh đã rẽ vào thăm Đồi Mơ, xóm nhỏ ngày xưa. Hai mươi năm về trước, tiểu đoàn tân binh của anh đã chốt ở vùng này ba tháng trời, huấn luyện và an dưỡng, chờ ngày lên đường "đi Bê dài". Tuy nhiên dường như chưa một ngày nào của hai chục năm trường ấy đã trôi qua. Cảnh vật y nguyên như thể bị thời gian bỏ sót. Những đồi thông, đồi sim mua, đồi cỏ giành giành, cỏ đuôi chồn, những rừng dẻ, rừng bạch đàn quạnh vắng, đìu hiu, nhà cửa thưa thớt, mỗi đồi một nhà và vẫn buồn thảm không khác gì xưa. Không định trước, Kiên rời đường cái rẽ vào đường rất mỏng chìm trong cỏ vòng quanh Đồi Mơ tìm đến túp nhà của mẹ Lành, mẹ nuôi của bọn anh, ba đứa trong tổ tam tam ngày ấy.
Túp nhà vẫn đó và hệt như thuở ấy: tường đất, mái gianh, với mảnh sân hẹp và khoảng vườn um tùm cỏ. Bên thềm giữa những bụi cây hoang tàn cái giếng nước với cái ròng rọc kêu ken két vẫn đấy. Mẹ nuôi của anh đã qua đời. Bây giờ một mình một bóng sống trong túp nhà xưa ấy là Lan, con gái út của bà cụ: Chị nhận ngay ra Kiên, chị nhớ cả cái biệt hiệu "thần sầu trứ danh của anh hồi đó nữa. Vậy mà Kiên thậm chí không hề nhớ là đã từng có một cô bé nào đó sống ở đây hồi ấy. "Lúc ấy em mới chưa đầy mười ba, vẫn đang chú cháu với các anh... mới lại con gái đồng rừng xấu xí nhút nhát...", chị nói. Nhưng bây giờ trước mắt anh là một thiếu phụ mảnh dẻ, cặp mắt to đượm buồn và vẻ quyến rũ thầm lén.
Chị ứa nước mắt khi được Kiên cho hay rằng, Quang và Hùng, hai người cùng tổ tam tam với anh đều đã nằm lại trong chiến tranh. "Thời buổi ác nghiệt - Chị nói - và dài quá là dài, cuốn đi mất biết bao nhiêu là người... bao nhiêu là lượt tân binh đã về đóng ở nhà em, gọi mẹ em là mẹ, coi em là em, thế mà chỉ mỗi anh trở lại. Hai anh trai của em, các bạn học của em và cả anh ấy nhà em nữa đều lứa đàn em của các anh, đi bộ đội sau các anh bao nhiêu năm, nhưng chẳng ai thoát về được cả."
Chị đưa anh lên đồi viếng mộ bà mẹ. Sau trận mưa chiều màu cỏ xanh mướt nước trên Đồi Mơ thắm hồng ánh đỏ của ng ráng. Dưới đồi có con sông chảy lượn qua và qua những đám cỏ rậm rạp từ trên đồi có thể nhìn thấy loáng thoáng từng quãng sông uốn khúc lấp lánh ánh phản quang. Kiên thắp nhang, cúi đầu hồi lâu trước mồ bà mẹ nuôi, bất lực cố hình dung nét mặt của bà.
- Giá kể hồi đó người ta hẵng gườm gượm, báo tử lần lượt thưa ra thì có khi mẹ em vẫn còn sống được tới giờ. Không may là bấy giờ lại hòa bình a xong nhưng chuyện chết chóc họ muốn dứt khoát đâm thành ác nghiệt. Nhè cũng một ngày, buổi sáng buổi chiều mà gửi hai cái giấy báo hy sinh hai anh trai của em. Mẹ em thật như là bị xô ngã, mê thiếp đi, bằn bặt suốt ba ngày không một lần hồi tỉnh. Mẹ mất đi chẳng nói một lời, anh ạ...
Bên mồ bà cụ là nấm mộ nhỏ nhoi của con trai Lan, Lan kể, không khóc:
- Thằng cu nhà em đẻ ra nặng những gần bốn ký thế mà chỉ sống được có hai ngày. Cháu tên Việt, họ Nông. Anh ấy nhà em người Tày, quê tít đâu trên mạn ngược Hà Giang. Về đóng ở đây được có non một tháng nên chúng em nào đã kịp cưới xin, cả đến báo cáo cấp chỉ huy cũng chưa. Đi được nửa năm thì có thư về cho em, cơ mà không phải anh ấy viết, người cùng tiểu đội viết. Báo tin rằng anh ấy đã hy sinh trên dọc đường qua Lào... Thằng cu Việt con em còn trong bụng mẹ đã mồ côi cha, có nhẽ vì thế nên cháu chẳng muốn sống... Đấy, nông nỗi đời em như thế đấy anh ạ. Mỗi năm mỗi xiêu đi. Em cứ ở vậy. Quanh quẩn trong nhà ngoài đồi. Chẳng để ý tới ai, chẳng ai để ý tới, mà cũng lạ từ sau đợt đơn vị nhà em, Đồi Mơ này không có thêm đợt bộ đội nào về nữa. Rồi thì hòa bình rồi tới hôm nay, bao năm rồi...
Chị lưu anh lại tối hôm ấy. Suốt đêm. Đêm hè ngắn ngủi. Văng vẳng tiếng cuốc kêu gọi ngoài xa, mé rừng. Và rì rẩm bên kia đồi dòng sông trôi. Hôm sau Kiên ra đi từ sáng sớm. Lan tiễn anh qua đồi Họ đi bên nhau, lặng lẽ. Mặt trời đang lên, sương vã dần. Sau một đêm gương mặt Lan gầy đi, thâm quầng.
- Đã có lần em định đi kinh tế mới bỏ hẳn đất này vào Nam sinh cơ lập nghiệp - Lan nói, giọng buồn buồn - Nhưng không dứt lòng mà đi nổi. Trên kia, hai bà cháu nằm đấy... với lại chẳng hiểu sao em lại cứ nán chờ, chờ mãi, chẳng biết là chờ gì, chờ ai. Không lẽ là chờ đợi chính anh?
Kiên không thốt nổi nên lời, mắt nhìn tránh đi. Chả hiểu sao em lại nhận ngay ra anh. So với hồi ấy nom anh khác hẳn... Mới lại hồi ấy em còn nhỏ oắt. Hay, anh là tình đầu của em mà em không hay. Kiên gượng cười, lòng thắt lại. Gần tới đường cái, anh dừng bước. Nắm nhẹ một bàn tay của Lan anh nâng lên, cúi xuống, áp môi, chầm chậm hôn rất lâu.
- Em ở lại, bình yên sống, đừng buồn nhé, em mến thương! Đừng nghĩ xấu về anh.
Âu yếm, Lan vuốt vuốt vai áo anh và hôn lên mái tóc của anh đã điểm bạc.
- Đừng bận về em. Đời anh rộng mở, hãy đi và hãy sống cho thỏa... còn em, em sẽ nuôi con nuôi, sẽ sống bình yên. Giá kể có được với anh... nhưng không, thì cũng gì mà buồn. Coi như cả anh cả em, ta một lần được trở về với hồi trước, khi tất cả người thân yêu còn sống... Còn nói ví dụ, tức là em cũng cứ nói phòng thế, bỗng dưng một ngày nào anh gặp cảnh ngộ không may, thấy đã hết ngả để đi tiếp thì xin anh hãy nhớ ngay rằng, dù sao cũng còn một nơi, cũng còn một người...Đồi Mơ đây là nơi anh đã lên đường chiến đấu lập nghiệp, mai sau nếu anh muốn cũng sẽ là một nơi, một chốn anh về.
Kiên ôm lấy Lan, riết vào ngực.
- Thôi anh đi đi kẻo muộn. Em sẽ nhớ anh mãi. Còn anh đừng quên hẳn em nhé, anh thân yêu tình cờ của em!
Những bãi cỏ ven đường đã ngập nắng. Bóng Kiên ngả dài. Anh bước đi, đẩu cúi xuống. Bầu trời mùa hạ cao xanh, buồn bã. Khi anh ngoảnh lại, Lan còn đứng đó trông theo. Nhưng một lần nữa, anh ngoái nhìn, bóng Lan đã khuất sau đồi. Mấy năm sau, một chiều nọ, cũng đang hè, trên đường từ biên giới trở về Hà Nội, chiếc com măng ca chở Kiên và nhóm phóng viên trong tòa soạn chạy chéo qua ngả Bắc Giang, miền bán sơn địa nhấp nhô đồi gò, khe lũng và những vạt rừng thưa. Trong xe dần dần chỉ còn Kiên thức cùng người lái. Gió lướt dài mát rượi. Hai bên đường từ các khe ngòi um tùm hơi đất mềm mại lan ra, toàn bộ không gian đất trời tĩnh lặng một khối lam chiều hoang vắng.
Trong lòng Kiên chợt thấy nao lên một nỗi buồn đơn giản, xót xa choáng ngợp. Phải, chính là ở đây. "Vẫn còn một nơi, vẫn còn một người!! - Lời ước hẹn buồn bã và vô vọng ngày nào vẳng lên gợi cho anh nhớ rằng cuộc đời mình thế là đã hết rồi, đã hết cả chút dư âm cuối cùng. Bao nhiêu quãng đời yêu dấu với bao người thân yêu nay đều đã biệt tăm tích mà anh chẳng hề lưu giữ được gì, đã để phí hoài tất cả. Có thể nói rằng trong nhiều năm qua anh đã sống mà chẳng hề ngoái nhìn lại. Không có dịp và cũng chẳng có nhu cầu, ngày tháng công việc cứ xô trào lên che lấp hết. Giờ thì đã muộn mất rồi. Anh nhắm mắt lại và một cảm giác nghén nghẹn lìm lịm lặng lẽ dìm tim anh xuống. Tuy nhiên không phải là niềm tuyệt vọng...
Chiều hôm ây, thật kỳ lạ, kỷ niệm về Đồi Mơ, về mối tình đầu vô danh đêm ven đồi năm nào trỗi dậy trên đường xa đã đồng thời làm tỉnh lại trong anh ý thức về một thiên mệnh đầy thôi thúc. Thôi thúc một cách tha thiết và u buồn. Đời anh rộng mở: hãy đi và hãy sống...
Đấy, cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sững đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ, Kiên nghĩ. Mặc dù cố nhiên chiến tranh không hề là như vậy. Chiến tranh...
Nhưng vì sao anh lại chọn đề tài chiến tranh và vì sao nhất thiết phải là đề tài ấy? Trong chiến tranh, cuộc sống của anh, của bao người khác thật kinh khủng, thậm chí khó có thể bảo đấy là cuộc sống nói gì đến sự tìm kiếm những sắc thái nghệ thuật trong cuộc sống đó. Và chính anh chứ chẳng phải ai khác cho đến tận ngày hôm nay vẫn không tài nào bước vào rạp chiếu bóng để xem những bộ phim trong đó người ta nhè đầu nhau mà khạc đạn. Không những thế văn chương về chiến tranh, tất nhiên là văn chương của người khác, anh hết sức tránh đọc. Thú thật là anh cực kỳ khiếp hãi những thiên truyện ấy. Thế nhưng bản thân anh thì lại thế, một mực sống chết viết mãi không chán những súng nổ bom rơi, những mùa khô mùa mưa, rồi quân địch, quân ta. Anh không thể viết khác, mai sau ví dụ có viết khác đi thì cũng là bởi vì thâm tâm luôn muốn viết về chiến tranh sao cho khác trước.
Đôi khi cũng toan một hướng mới nào đó nhưng ngòi bút lại chẳng tuân theo. Như là khi bắt đẩu cuốn tiểu thuyết đầu tay này Kiên đã dự định một cốt chuyện hậu chiến và vì thế chương thứ nhất anh viết về những người đi thu hài cốt tử sĩ, những người lính sắp giải ngũ để trở về với đời thường. Song một cách không thể cưỡng lại, các trang bản thảo dựng dậy hết cái chết này qua cái chết khác, dần dần đi sâu mãi vào những cánh rừng nguyên thủy của chiến tranh, lặng lẽ nhóm lên mãi cái lò lửa tàn khốc ấy của ký ức. Vậy mà thực ra anh có thể viết bao nhiêu chuyện có lẽ chẳng dính dấp gì tới trận mạc, bởi vì cũng như mọi người ngày nay anh nhìn cuộc đời đâu phải chỉ từ mặt cửa duy nhất nào đó.
Chẳng hạn về thời thơ ấu, thời thơ ấu vô cùng hạnh phúc và vô cùng buồn đau trước chiến tranh còn rất nhiều kỷ niệm chưa phai nhòa, anh nghĩ là mình hoàn toàn có thể viết với niềm tuyệt hứng "... Tôi sinh ra và lớn lên... cha tôi mẹ tôi lúc sinh thời...!, đại khái thế. Mà tại sao không viết về cuộc đời của cha và cả về thế hệ của Người nữa, một thế hệ vĩ đại và bi thảm, đầy những hoài bão và đầy những không tưởng, mang nặng những phẩm chất và những tình cảm cao quý mà ngày nay đã bị thế hệ của anh làm cho vĩnh viễn mai một. Cứ mỗi lần nghĩ lại tuổi thơ, nhớ đến cha bao giờ Kiên cũng cảm thấy ân hận, dường như anh đã yêu thương, tôn kính cha chưa đủ mức một người con, anh đã biết quá ít, hầu như không biết gì cả những năm tháng cuộc đời cha.
Anh đã chẳng nhớ gì mấy nữa về tấn bi kịch gia đình, không biết vì sao cha mẹ lại chia tay, không biết rằng cha mẹ đã đau khổ như thế nào. Về mẹ thì anh càng ít hơn... Và lạ lùng là anh lại rất nhớ người chồng sau của mẹ, một nhà thơ tiền chiến đã ẩn danh và đã về già Kiên đã một lần và chỉ một lần duy nhất đến thăm ông ở ngôi nhà nhỏ gần Chém có cửa sổ nhìn ra đê sông Hồng. Mùa đông ấy anh vừa mười bảy tuổi, cha thì mới qua đời, còn mẹ thì mất từ mấy năm trước đấy hơn năm năm rồi.
Trước ngày nhập ngũ, Kiên đến để từ biệt dượng. ấn tượng thật khó quên. Ngôi nhà xám xịt, cũ kỹ. Những ngọn gió lạnh lẽo vô định làm nghiêng ngả ngọn phi lao nhô lên sau mái nhà nằm lọt giữa khu vườn thê lương trơ trụi chiều đông. Cảnh sinh hoạt trong nhà nghèo nàn lộ liễu. Bàn thờ bụi bặm, tấm hình mẹ lồng trong khung kính rạn nứt. Chiếc giường ọp ẹp. Bàn làm việc bừa bộn sách vở, ly chén. Cuộc sống độc thân rời rã, đắp đổi qua ngày của dượng làm anh mủi lòng. Nhưng bản thân dượng cố giữ một phong độ trái ngược với tình cảnh. Tóc bạc trắng, lưng hơi còng, rõ ràng là đang rộc đi vì một chứng bệnh nào đó, tay run run, mắt mờ, trang phục tàn cũ nhưng không luộm thuộm và ông cư xử với anh một cách thân mật, hào hứng mà lịch thiệp.
Ông pha trà ngon mời anh, dưa thuốc cho anh hút, nhìn anh với vẻ buồn buồn, và nói với anh bằng giọng hết sức dịu dàng:
- Thế có nghĩa là con sẽ ra đi đánh trận? Không phải là ta muốn cản con đâu, ta đã già mà con thì còn trẻ, ngăn chí con làm sao nổi, chỉ muốn con thật thấu hiểu lòng mình. Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ... Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy. Với lại, con ạ, mẹ con, cha con và cả ta nữa chỉ có mình con ở lại trên đời nên ta mong con hãy sống và hãy trở về. Cuộc đời còn rất dài với bao nhiêu hạnh phúc và lạc thú phải hưởng của con kia có ai sống hộ cho con được bây giờ?
Ngạc nhiên và không đồng tình nhưng Kiên cảm thấy tin cậy những lời lẽ của dượng. Anh tự thấy gần gũi với suy nghĩ của ông mặc dù không hoàn toàn hiểu. Anh cảm nhận ở ông một trí tuệ sâu sắc, đa dạng với một tâm hồn lãng mạn và nhiệt thành theo lối tình cảm chủ nghĩa thời xưa, mơ mộng ngọt ngào, giàu nhạy cảm nhưng dường như rất ngây thơ, thiếu thiết thực và vô bổ, thậm chí lầm lạc. Và bất chợt anh hiểu được rằng vì sao mẹ đã từ bỏ cha con anh để đến với người đàn ông tâm tình yếu đuối này. Suốt chiều anh ngồi bên ông trong căn phòng mà trước đây mẹ đã từng sống và đã qua đời.
Và buổi chiều mùa đông ấy đã trở thành hầu như kỷ niệm duy nhất của anh về người mẹ mặc dù trong kỷ niệm đó không hề thoáng lên hình bóng của bà. Còn dượng, sau khi đọc cho anh nghe mấy câu thơ về tình yêu ông đã sáng tác từ thời trai trẻ, liền lấy đàn ghi ta treo trên tường xuống rồi bắt đầu hát bằng giọng trầm một bài hát của Văn Cao mà ông bảo ngày xưa mẹ anh hằng ưa thích. Bài hát chầm chậm, buồn buồn gợi nhớ những người thân yêu đã khuất, tiên cảm những ngày mai bất hạnh song lại như khuyên nhủ đừng nên vô vọng, đừng mãi mãi sầu thương, đừng nhiều lời than tiếc vì như thế chẳng ích gì mà hãy sống, hãy sống... Vào bộ đội, khi còn sống ở Nhã Nam, Kiên đã viết thư cho dượng, nhưng không nhận được hồi âm.
Mười năm sau sống trở về anh đi tìm nhưng chỉ được biết rằng dượng đã mất từ lâu. Còn ngôi nhà nọ thì không ai nhớ đã bị san đi từ bao giờ. Một con người như thế đấy và một câu chuyện như thế và còn bao nhiêu chuyện khác, bao nhiêu người khác nữa trong đời anh. Những người thân quen và những người xa lạ, đã chết hoặc còn sống, những chuyện cầm chắc là có thật lẫn những chuyện chẳng rõ thực hư.
Có lần, một người đàn ông lạ mặt và không chịu xưng tên đã đến tìm Kiên ở tòa soạn đề nghị được thông qua anh hiến cho văn học nước nhà mối tình của hai vợ chồng ông ta, "Chỉ cần đồng chí hư cấu một cái tên cho tôi và một cái tên cho bà nó nhà tôi, còn xin là cứ giữ nguyên tất cả. Vâng, xúc động và bi thảm lắm ạ", ông ta bảo thế. Nhạt nhẽo, vớ vẩn và mất thì giờ, có lẽ thế thật, song bản thân lòng tự tin của ông ta, nhất là cái ước muốn có món quà phi thường để tặng bà vợ đau yếu nhân kỷ mềm ba mươi năm lễ thành hôn chẳng phải một chuyện tuyệt vời hay sao? Nói chung bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được một điều gì đấy để viết một cái gì đấy về bất kỳ ai đấy chẳng phải là như thế đó sao? Bởi vì, từ cuộc sững phức tạp ẩn đằng sau vẻ bình thường dung dị, định hình cho được một nét dù là cực nhỏ nhưng thực sự đáng ghi lại, đấy quả là một trời những khả năng sáng tạo mở về muôn hướng.
Chẳng hạn, Kiên nghĩ, tại sao lại không viết tiểu thuyết về cái cộng đồng kỳ thú những người hàng xóm ở tầng trên, tầng dưới và ở chung tầng với anh trong ngôi nhà này? Có thể nói rằng, thật là một bản hòa tấu của những khuôn mặt và những cuộc đời. Những chuyện - tuyệt nực cười cũng có mà cũng có những nỗi buồn đau xé lòng diễn ra hàng ngày, hàng ngày chung đụng, chen chúc sống quần tụ trong ngôi nhà nhiều hộ này.
Nhất là vào những buổi tối mùa hè mất điện nóng như hầm phải ra sân ngồi hóng gió tới khuya, hoặc những khi cùng bà con chầu chực trước cái vòi máy nước độc nhất cho cả ba tầng tứ mùa khốn khổ khốn nạn tóc tách từng giọt, còn thiếu chuyện gì nữa về đời sống trong nhà ngoài phường mà Kiên chưa được nghe.
Người ta kể chuyện rằng bà giáo Thủy ở tầng một góa chồng từ ngoài dôi mươi, ở vậy nuôi con suốt bấy nhiêu năm giời, nay sắp sửa về hưu và cũng sắp sửa có cháu ngoại rồi, bỗng dưng phải lòng ông Tư bán sách ở đầu phố, cả hai ông bà đều cố giấu nhưng giấu nổi ai bởi giữa họ rõ ràng là tình yêu chứ có phải là tình gì mà che giấu nổi, hẳn hoi là sẽ chuốc lấy khổ. Hay như chuyện nhà Cường ở tầng ba, bữa nọ anh chồng rượu vào lên cơn hùng hổ toan dạy vợ, không ngờ trông gà hóa cuốc nhè ngay đầu bà mẹ đẻ ra mình mà hạ đo ván.
Mới đây nhất là chuyện ông Tánh tầng hai, đại úy quân nhu về vườn, do quá nghèo khổ, gia đình lại lục đục băm bổ đay nghiến nhau từng bát cơm, sinh quẫn ông toan tự tử một lần bằng thừng, một lần bằng thuốc trừ sâu nhưng đều bị người ta phát giác cứu sống. ấy vậy mà tình cảnh của ông đại úy vẫn còn khá so với nông nỗi bà cụ Sen mù lòa góa bụa, mẹ của hai liệt sĩ bị vợ chồng anh cháu họ lập mưu cướp mất nhà và đẩy cụ vào nằm chết trong sở điên Trâu Quỳ. Mà anh cháu họ của cụ không chỉ giàu có, anh còn thông minh tài cán, tính tình xởi lởi, tốt nghiệp đại học kinh tài, hay đi nước ngoài, biết hai ngoại ngữ.
Mỗi khi đi làm về anh thường ăn thật no, nghỉ ngơi thoải mái hơn người rồi sau đó trên mình bận pizama anh ngồi trước cửa sổ Ơï lên liên hồi và ngáp to để vơi sầu. Chị vợ anh làm gì đó ở tòa án, một con người trang trọng, đuồn đuỗn, môi luôn mím chặt, chưa hề ban cho ai một lời chào hỏi gọi là. Trong khi đó thì Bảo, con của ông bà Bình bác sĩ ở tầng ba, vốn là một "trừ" có thâm niên cao ở Hỏa Lò, mới vừa được ân xá hồi đầu năm, lại nhanh chóng được bà con trong căn nhà cảm thông, thương mến. Phạm tội giết người lãnh án tử hình, hạ xuống chung thân, ngồi đã ngót hai chục năm rồi nhưng nom Bảo không có vẻ gì là một phần tử như vậy, trái lại con đường zê-rô dằng dặc suốt thời trai trẻ tạo ra cho Bảo một dáng dấp chay tịnh như thể vẻ chay tịnh của một đời chân tu.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra tù, con người nguy hiểm này đã làm cho bà con dân phố phải ngạc nhiên trước tâm tính dịu hiền, tấm lòng chân thực trong sáng, ngây thơ và khắc khổ thể hiện ở từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói của anh. Chỉ có điều nom Bảo quá buồn. Đôi mắt buồn. Nụ cười hiền hậu cũng buồn khôn xiết, buồn đến nỗi mỗi khi bắt gặp nụ cười ấy ai nấy không khỏi thấy lòng mình se lại. Nghĩa là, chỉ riêng một khúc cực ngắn chảy qua một ngôi nhà này mà dòng sông cuộc sống đá thác ghềnh đã ngoắt ngạo và đã là muôn vẻ như vậy rồi.
Bao nhiêu chuyện đời. Bao nhiêu cuộc đời. Lũ trẻ sinh sôi ra như nấm sau trận mưa, lớn lên và trưởng thành, người lớn thì già đi, từng năm hao dần từng tuổi. Cuộc đời của các thế bệ tựa hồ những đợt sóng. Cuối mùa hạ vừa rồi, "cố" Dụ - người thợ cạo vĩ đại của Hà thành đã qua đời, thọ chín mươi bảy tuổi. CỐ là cụ già cuối cùng của thời trước chiến tranh, khi Kiên còn bé, đã sống được tới ngày nay. Cả Ngọc hoàng lẫn Diêm vương nhất định không cho ta rốn nốt ba năm cho tròn một thế kỷ của riêng ta - Giọng đã mất âm sắc, hơi thở phều phào mà cố vẫn gượng nói riêng khi Kiên vào thăm - Những chuyện đời hay nhất ta còn chưa kể... nhưng anh cháu nhà văn hãy gắng dựng lên vì ta một vở "người thợ cạo thành Hà Nội" nhé... Từ dưới đó ta sẽ lần lên xem công diễn...
CỐ hành nghề tóc tai từ thuở người đàn ông Hà Nội còn trĩu sau ót cái búi tóc cổ lỗ của tổ tiên, và cố tự hào nói: dưới bàn tay của ta một vạn ba lượt mái đầu và bộ mặt đã được mỹ hóa, từ xù xì, thô lậu thành đẹp đẽ, thơm tho như tảng đá được điêu khắc thành con người. Trước chiến tranh, con cháu và cả các chắt của cố đều quây quần chật ních xung quanh cố, và dù không ai theo nghề tông đơ dao kéo song tất cả đều nhiễm bệnh thợ cạo, đều giống cố ở nét xởi lởi hay chuyện, hay tán dóc pha trò, hay lam hay làm, lập thành một đại gia hiền lành, vui vẻ và hơi buồn cười.
Edit / Delete Sửa bài viết Quick reply to this message Trả lời Trả lời kèm Trích dẫn Trả lời kèm Trích dẫn Promote to Article Blog this Post
13-06-2013, 11:48 AM #8
songsong songsong Đang Ngoại tuyến
Thiếu Úy
songsong's Avatar Ngày tham gia
Nov 2011
Bài viết
53
Blog Entries
28
Trong hồi ức tuổi thơ của Kiên có lẽ không thể thiếu âm điệu giòn tan của chiếc kéo diệu kỳ trong tay cố, không thể thiếu các giai thoại cố kể và giai điệu ngang phè của La Mác-xây-e cố hát bằng tiếng Tây bồi. Đối với Kiên vang vọng lâu bền nhất của cuộc sống đã qua là tiếng rì rầm của cuộc đời thường chứ tuyệt nhiên không phải là tiếng rền động của các biến cố thời chiến, mặc dù cái đời thường xa xưa ấy đã bị bão tố lật trời của chiến tranh quét sạch. Như là gia đình cố Dụ xưa đông vui thế mà sau chiến tranh cố như là người đàn ông duy nhất. Như là gia đình ông Huynh có ba con tử trận, như là Sinh, thương binh cột sống, bán thân bất toại... Nhưng tất cả những gì bị chiến tranh nghiền nát thì dư âm lại bền lâu, bền lâu hơn tất cả các tàn tích của chiến tranh và chinh biến.
Bao bạn bè đồng lứa với Kiên trong chung cư đã ra đi mà không trở về song ngôi nhà vẫn đây, hình bóng của họ vẫn đấy. Đời sống của những người hy sinh còn vương hình bóng trên gương mặt của các thế hệ sau. Kiên nhớ tới Hạnh, người phụ nữ độc thân từng sống trong căn phòng nhỏ sát chân cầu thang mà bây giờ thuộc gia đình ông Sự. Chẳng hiểu vì sao giờ đây ở nhà này ít người còn nhớ tới Hạnh, càng không mấy ai nhớ nổi rằng Hạnh đã rời khỏi nhà này từ năm nào và đi đâu? Vì sao mà đi?
Hạnh hơn tuổi Kiên, hơn chừng nào chẳng biết. Chỉ biết khi anh còn oắt con thì đám đàn ông trong phố đã nhiều tay bê bết cuộc đời vì Hạnh. Người ta ẩu đả nhau vì cô. Bọn trai bên số chẵn đánh nhau chí chết với bên số lẻ để có thể tiếp cận cửa phòng Hạnh. Mỗi lần thấy cô đi qua với dáng mềm mại trẻ trung đung đưa toàn thân, õng ẹo uể oải thì các bậc nam nhi trong phố đều nhất loạt đứng sững, dán mắt nhìn theo, người thì với vẻ si ngốc, người thì cặp mắt rực lóe lên như sắp văng ra những tàn lửa thèm khát. Các bà các chị thì vừa ghét vừa sợ.
"Đồ đĩ?" Họ chửi sau lưng Hạnh - ĐỒ giăng hà? Con ma chài! Song cả sự thù ghét lẫn cả lòng say mê của mọi người đối với Hạnh, Kiên thấy đều phi lý. Cậu thấy Hạnh là một người hàng xóm như những người khác, "Chào chị ạ!, gặp Hạnh, Kiên lễ phép chào. "Chào chú em, ngoan quá?", Hạnh đáp, chỉ thiếu điều xoa đẩu cậu. Ngày tết chị mừng tuổi Kiên như lì xì bất cứ đứa bé nào trong chung cư. Những đồng năm hào loạt soạt mới tinh với lời chúc học giỏi. "Chúc cậu em học hành tấn tới... Năm nay ra dáng lắm rồi. Nhưng coi chừng chỉ giỏi giang cơ bắp thôi là thành đồ ngốc đấy nhé, cậu em?".
Nhưng rồi cũng đến lúc Hạnh phải đổi cách xưng hô, khi ấy Kiên đang học lớp mười, mười bảy tuổi. Thời gian đó chiến tranh đã ngấp nghé. Thăng Long vẫn phi chiến địa song đã có sơ tán, có đào hầm, nghe còi báo động và phải mặc áo sẫm màu. Hôm ấy, buổi trưa, vừa đi học về, đang ngồi ăn cơm, Kiên thấy Hạnh hé cửa ló đẩu vào nói:
- Này chú em, chiều nay xuống giúp chị một cái tăng xê nhé. Chị muốn có sẵn một cái trong giường để đêm có còi khỏi phải chạy ra đường. Có được không?
- Vâng, rồi em sẽ xuống.
Đấy là lần đầu tiên Kiên vào buồng của người đàn bà trẻ tuổi độc thân ấy. Phòng nhỏ, bài trí giản dị nhưng đẹp và gợi cảm. Kiên muốn khuyên chị không nên phá mất vẻ hài hòa trong phòng nhưng cậu tặc lưỡi ở góc buồng phía chân giường đơn của Hạnh, cậu nạy lên chừng chục viên gạch hoa rồi dùng xà beng chọc thủng móng nhà. Sau đó dùng cuốc chim và xẻng. Từng tý đá, tý gạch một, moi dần lên. Hạnh dọn một bữa cơm tối rất ngon có cả bia chai để thết Kiên. Cơm xong, chẳng nói năng gì, cảm thấy lúng túng lạ, Kiên hì hục đào tiếp ngay. Mất điện phải thắp đèn dầu. Kiên đào, còn Hạnh thì xách các xô đất đá ra đổ ở góc vườn sau. Hai chị em làm, im lặng, lầm lùi.
- Có lẽ được rồi chị ạ, - Kiên nói, thở dốc - Lút ngực em thì có lẽ chị quá cằm rồi. Có khi là sâu quá cũng nên.
- ừ, thôi thôi. Nhưng để chị xuống thử xem đã. Có khi còn phải nhờ em xẻ hộ cho mấy bậc để lên xuống cho nhanh.
Bình thường nhìn Hạnh không thấp hơn Kiên nhưng khi cùng đứng dưới hố cá nhân trong căn phòng mập mờ sáng tối để thử độ sâu thì chị chỉ cao đến cằm cậu bé, vóc người mảnh mai của chị như lọt thỏm vào thân hình chẳng ngờ lại cao lớn, vạm vỡ và đàn ông đến thế của cậu. Cảm nhận được điều đó, vừa chạm chân xuống đáy hố, Hạnh như bất giác rùng mình và hớt hải toan co mình vọt trở lên miệng hố. Nhưng hố quá sâu, và hơn nữa do lòng hố quá hẹp nên cái rùng mình của Hạnh như luồng điện truyền vụt sang Kiên. Toàn thân đột ngột sững sờ như thể điện giật, cứng lại trong một nỗi tê dại mà trong đời cậu cho đến khi đó chưa từng cảm thấy bao giờ, Kiên thở hực lên. Lần đầu tiên cậu cảm thấy không phải bằng mắt mà bằng cả thính giác sự sát kề bên mình một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây ngây của đôi vai, của cặp vú mát rượi mồ hôi dưới lần áo mỏng.
Ngờ nghệch và rối loạn, run lên vì choáng xốc Kiên chụp lấy Hạnh, choàng ôm, hung dại hôn lên cổ, lên vai. Hạnh âm thầm vùng quậy, chống tay vào ngực Kiên cố ẩy ra. Vụng về, Kiên ấn hai vai Hạnh, ép vào bờ đá. Cúc áo đứt phựt, và vải bị rách xoạc ra như thể một làn roi quất dọc lưng Kiên.
Kinh hoàng cậu sực tỉnh, lập tức thả Hạnh ra và đu người vọt lên miệng hố, toan chạy. Chiếc đèn dầu đổ nghiêng vụt tắt.
- Kiên? - Hạnh gọi khẽ, hớt hải - Chạy đi đâu... Sao lại thế. Cho mình lên với.
Run rẩy, Kiên cúi xuống xốc vai Hạnh kéo nhấc lên. Cái áo mỏng vừa bị rách toạc lại rách thêm. Hạnh quàng tay lên cổ Kiên, thì thầm hổn hển:
- Hẵng lên trên nhà một lát... rồi trở xuống đây. Mình sẽ... Mình cần nói với Kiên điều này...
Kiên trở lên phòng. Tắm táp, thay quần áo, nhưng không dám xuống. Song không ngủ được, trằn trọc.
Tảng sáng bất ngờ cậu ra khỏi phòng, đi chân không, rón rén bước xuống cầu thang, rón rén bước tới bên cửa buồng Hạnh. Áp mặt vào cánh cửa gỗ, cậu đứng lặng, trống ngực nện thùm thùm, không dám gõ. Nhưng... chợt cậu nghe thấy rất nhẹ tiếng chân bước trong phòng, rồi dường như cái móc cài cửa được nhấc lên thật khẽ. Nín thở. Kiên cảm nhận thân mình Hạnh đang áp nhẹ vào bên kia lần cửa gỗ. Run run, cậu để tay lên nắm đấm bằng sứ. Nhưng nhiều giây, rồi có lẽ nhiều phút đã qua, vẫn tịnh không một tiếng động cả ở bên trong lẫn bên ngoài cánh cửa.
Đột nhiên Kiên buông tay khỏi nắm đấm, bước lùi một bước rồi ngoắt người vụt chạy lên cầu thang, xô về phòng, vật xuống giường. Nhưng, thế là từ đấy Kiên tránh giáp mặt Hạnh. Khi chạm nhau không thể nào lánh mặt thì cúi gầm xuống cậu lí nhí: "Chị..." Hạnh nhìn, khẽ đáp: "Chào em", và luôn luôn như thể muốn nói thêm nữa một điều gì mà rồi không bao giờ nói.
Một thời gian sau, khi Kiên nhập ngũ thì Hạnh đã vào Thanh niên xung phong và đã đi sâu vào Khu Bốn từ nhiều tuần trước. Ngày Kiên trở về, buồng chị đã có người khác ở. Chiếc hố sâu đào ngày nọ tất nhiên chẳng còn mảy may dấu vết trên nền gạch hoa. Bỗng dưng một nỗi buồn làm Kiên chìm ngập vào trong thời thơ ấu "...rồi trở xuống đây. Mình sẽ... Mình cần nói với Kiên điều này... ".
Mãi mãi trong lòng Kiên lưu giữ thầm lặng một tình cảm biết ơn đầy tha thiết và ngậm ngùi đối với chị. Mãi mãi ấy là niềm nuối tiếc và là một nỗi đau mất mát lớn. Vậy mà tuyệt nhiên chưa bao giờ Kiên định rằng sẽ viết một cái gì đấy về kỷ niệm này. Và còn bao nhiêu kỷ niệm khác nữa, bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận suốt đời anh không thể quên song cũng sẽ suốt đời anh không thể viết được lên thành truyện. Không bao giờ có thể, thực thế, dù là trong kiếp này hay là kiếp sau...
Thở dài, Kiên áp mặt vào tấm kính cửa lạnh ngắt, nặng nề đưa mắt nhìn sâu vào ngoài đêm. Chẳng nhìn thấy gì nhiều lắm. Cây bằng lăng trước nhà ngọn dâng cao lên quá cửa sổ buồng anh, cành lá ướt nhóng nhánh xòe che các ô kính.
Dưới đường, những ngọn đèn khuya sáng rải thành một rẻo rời rạc nhòa mờ luồn trong lưới mưa đan, chạy xa hút về khoảng trống của hồ nước ở cuối phố. Bên kia lòng đường bóng đêm lay động theo những vòm cây tối đen làm hiện lên dập dờn những mái nhà, nhọn và tù. Suốt dọc phố hầu như không còn một khuôn cửa sáng đèn, không một bóng xe cộ cũng tịnh không một bóng bộ hành.
Vào lúc không giờ này thành phố yên ắng đến độ tưởng chừng như có thể nghe thấy cả tiếng mây trôi và tưởng chừng như cõi thực đã lui khỏi thế giới nhường lại cõi trống không cho hằng hà miên man những ảo giác. Hà Nội của anh mỗi giờ mỗi vẻ khác nhau nhưng Hà Nội nhất vẫn là Hà Nội giờ khuya, Hà Nội mưa rơi, Hà Nội như chính lúc này đây khi mà các đường phố trở nên gần như hoang vu ướt át và cô quạnh, lạnh lẽo, da diết buồn.
Hồi xưa, ngủ rừng với tiếng mưa sa trên vòm lá nhiều tầng không hiểu sao Kiên đặc biệt hay nằm mơ thấy Hà Nội mùa đông những đêm tối trời, suốt đêm gió thổi, mưa rơi, lá rụng. Bây giờ như để đáp lời những giấc mơ thùa ấy, khi đêm xuống đứng bên cửa sổ lặng nhìn màn mưa giăng mờ mặt phố anh thường bất giác mường tượng ra trước mắt cảnh rừng mưa âm vang mênh mang buồn của những đại ngàn năm xưa vươn qua biển mái nhà nhấp nhô, tràn lên tiếng rì rầm của phố xá canh khuya, dội tới triền miên như sóng vỗ, như ký ức xô bờ...
Năm ấy, Kiên nhớ, ở Hà Nội xuất hiện một mùa xuân giả. Ban ngày nắng hửng trời quang, không gian thoáng đãng êm ả tựa như đã là trời của tháng tư, tháng năm rồi vậy. Các hàng cây trụi lá mùa đông đã xanh rì lá mới, không còn chút nào vẻ tiêu điều. Trong công viên bừng rộ hoa nở và các loài chim di trú lại trở về gây tổ dưới những mái nhà. Thế nhưng thời tiết thì kì thực là còn lâu mới vượt qua nổi khúc quanh tăm tối nhất trên con đường hầm. Và cứ khoảng xế chiều là da trời lại xám ngăn ngắt. Gió lạnh lùa dọc phố, mưa phùn lại bắt đầu rơi, lại nỗi nao buồn. Phương đã bỏ ra đi từ đầu mùa đông.
Không có tin tức gì cả, chẳng thư từ gì hết như thể là nàng đã quyết một đi không trở lại. Cửa giả bên buồng nàng im lìm khóa trái, có vẻ như sẽ không bao giờ còn mở ra nữa. ấy là lần đầu tiên kể từ ngày gặp lại nhau sau chiến tranh Phương đã dứt khỏi anh mà đi theo kiểu như thế, đột ngột, đau đớn và độc địa như thế. Kiên rộc đi. Nhìn vào gương mà giật mình: tóc tai râu na, hốc mắt, gò má, những nếp nhăn, vẻ suy tàn...
Ngay cả giọng nói cũng như lạc khác đi, như thể lại một lần nữa vỡ giọng, nằng nặng buồn phiền. Cái nhìn của anh làm nản lòng người. Một cái nhìn chằm chằm mà chẳng nhìn gì cả, trống rỗng, vô cảm... mà vì sao cơ chứ, diều gì đã xảy ra, duyên do nào?
Bấy giờ, tuồng như chán ngấy nền học vấn, Kiên thôi không đến lớp nghe giảng nữa, lặng lẽ và vô cớ kết liễu mất của mình cuộc đời sinh viên suôn sẻ. Sách vở chẳng buồn đụng tới. Báo chí không đọc, mọi nhẽ đời đều để buông xuôi, sống hoàn toàn là được không hay chớ. Dửng dưng, Ơ hờ, thu mình trong vỏ, chẳng chơi bời giao du, chẳng thiết tha tâm tình trò chuyện cùng ai. Và mặc kệ rằng luôn luôn cạn tiền liên miên anh cần rượu. Thuốc lá đốt không ngừng. Và dù hết sức kém chịu rét, dạo đấy anh bắt đầu ham đi lang thang trong khuya, rất ít ngủ. Những giấc ngủ nặng trịch như bị đổ chì.
Trong mơ thi thoảng mới chợt thoáng thấy Phương còn thường thì anh chỉ rặt mộng thấy những chuyện điên rồ, những điều dễ sợ biến tướng của mềm cô đơn và nỗi đa sầu. Đôi khi là những ác mộng rợn người, kinh khủng như những liều thuốc độc. Vô vàn những ám ảnh từ những đời nảo đời nào trong chiến tranh tưởng rằng đã phải yên ngủ từ lâu như thể được truyền phép ma mà hùa theo nhau thức cả dậy. Tâm hồn mỗi ngày một thêm hoang phế, tranh tối tranh sáng, vật vờ toàn những hồn ma bóng quỷ.
Vào những đêm xuân giá rét ấy những cô hồn thân thuộc lên tiếng thì thầm trò chuyện với anh, lên tiếng rên rỉ và thở dài. Các tử thần xanh tái lỗ chỗ vết đạn cúi xuống như muốn soi bóng vào giấc ngủ của anh. Đã bao đêm như thế, Kiên choàng tỉnh bắt gặp mình không phải đang ở trên giường mà vật vã, dụi do dưới sàn nhà nước mắt ướt mặt, run lên vì lạnh, vì khiếp đảm, vì tê dại trong lòng một mềm thương thân não nùng và vô duyên cớ. ở ngoài cửa sổ gió bấc rít dài. Mưa vỗ ràn rát trên mái hiên. Hơi ẩm trong phòng quánh lại. Kiên quờ tay tìm công tắc điện nhưng những đêm ấy thường là cả đến ngọn đèn cũng không còn tinh lục mà sáng lên nổi.
Anh đã gắng quên Phương, đã cố hết sức. Chỉ dở là không tài nào quên nổi và dở nhất là vẫn cứ âm thầm mong ngóng. Tất nhiên, anh biết, tất cả rồi sẽ trôi qua, không có gì có thể là vĩnh cửu trong thế giới ngày nay, kể cả tình yêu và kể cả nỗi buồn trong lòng một người đã đứng tuổi rồi như anh. Và anh cũng biết những giằn vặt những khổ sở của mình là nhỏ bé xiết bao, vô nghĩa nữa, chẳng khác nào tà khói mong manh trong bầu trời cuộc sống.
Người ta kể rằng, trong mùa xuân năm ấy, một đêm nọ, từ quán rượu ra Kiên đã dắt theo về phòng một ả "cà phê xanh" một trong những hồ ly tinh nổi tiếng nhất của suốt rẻo bờ Thuyền Quang và Bẩy Mẫu. Nhưng suốt đêm anh ả chẳng ngủ nghê, họ bảo thế, không làm tình, chỉ cùng nhau uống rượu, cùng nhau trong sự hòa hợp đến mê mụ... Đêm ấy lạnh ngang đêm đại hàn. Kiên đi bộ qua hồ Ha le. Trong bóng tối dưới vòm cây gạo ở góc hồ, một cặp đang giằng co nhau. Gã đàn ông thình lình rút từ lưng quần ra một con dao găm lưỡi mỏng, sáng lạnh người. Không đâu hấp tấp nhảy xô vào can thiệp, Kiên đấm gã nọ lộn úp mặt xuống rãnh cùng, rồi chặn một chiếc xích lô lại, kéo đại cô gái nhào lên xe với mình và thúc ông xế già phóng tạt đi trước khi cảnh sát ập tới.
- Anh giai biết em gái là đứa thế nào không mà dám mời vào vòm?
Khi anh bật đèn trong phòng lên, cô bé nhoẻn cười dọa. Mới mười chín tuổi là cùng, nhỏ nhắn, ngang tàng nhưng xanh xao phờ phạc, cô ăn mặc phong phanh và rõ ràng là bị đói.
- Anh giai ra đòn siêu thật. Chưởng ấy phải mấy ngàn tuy rằng đánh trộm. Đêm nay coi như anh khỏi phải chi gì thêm...
Cô không nói nổi hết câu. Dù sao thì cũng không thể không nhận ra nhau. CÔ tái người đi, vai so lại run rẩy. Cũng cả vì đói và rét quá nữa. Kiên lục chạn. Chỉ còn nửa nồi cơm nguội với chút mỡ. Anh châm bếp dầu lên, rang cơm. ăn xong, cô bé uống trà, hút tàn một điếu thuốc rồi lẳng lặng tới bên giường từ từ cởi quần áo, vừa cởi vừa xo ro, cười gượng gạo, nửa hoang mang nửa như thẹn thùng. Khi cô cúi xuống để lột manh áo lót qua đầu, mảnh lưng ốm yếu trắng xanh của cô sởn gai ốc và trồi lên từng đốt sống, nom rõ mồn một, có thể đếm được. Liếc Kiên một cách e lệ, cười cười một cách nhợt nhạt và nhút nhát, cô bé ruồi mình vào chăn bông, miệng thốt rên trong khoái cảm ấm áp đê mê thư giãn.
Đoạn cô thiếp đi. Khi chợt mở mắt cô lạ lùng thấy Kiên vẫn ngồi bên bàn hút thuốc.
- Em hút mấy, anh...!
Kiên châm một điếu đưa cô và ngồi xuống ở bên giường. Thời gian tích tắc lặng trôi, cả hai cùng im lặng, im lặng chịu dựng nỗi oái oăm bất hạnh. Kiên chẳng nhớ nổi tên cô và cô, hẳn rằng cũng vậy. Mà cũng chẳng biết nói gì, nói gì cũng chạm đau, cũng khía vào lòng cái nhục nhã, cái ê chề và báng hổ của tình cảnh này. Nhưng ký ức đã dần dần xích họ lại. Ký ức chung về Vĩnh, người anh trai của cô bé và là người bạn cùng trung đội trinh sát với Kiên thuở nào, đã nằm lại ở chân đèo Ma Đơ Rắc.
Ký ức về một buổi chiều mùa hè sau chiến tranh khi Kiên mang một số di vật của Vĩnh đến thăm gia đình cô. Cái xóm nhỏ ven thành phố nhưng mà đói nghèo thảm hại nổi lên giữa một vùng dở đầm lầy dở bãi rác. Lũ trẻ ốm o rách rưới. Đàn chó bẩn thỉu chạy rông. Ruồi muỗi chuột bọ, mùi hôi thối kinh hồn và những ngọn gió cực kỳ tanh tưởi. Dân xóm nửa phần đi ăn mày, nửa phần chuyên nghiệp bới rác nhặt giấy vụn và chạy đồ ăn cắp. Nhà của gia đình Vĩnh cũng như mọi nhà khác trong xóm, nhếch nhác, tối tăm, chằng đụp, vá víu, nhớt nhát.
Cô bé này khi đó mới chừng mười lăm tuổi nước mắt lưng tròng, thút thít, sụt sịt dỡ các thứ trong chiếc ba lô cóc bẹp dúm của Vĩnh ra cho bà mẹ mù lòa rờ rẫm vuốt ve. Một bộ quần áo lính tàng nát. Chiếc mũ tai bèo. Con dao xếp. Cái bát sắt. Cây sáo trúc đã nứt toác. Cuốn sổ tay. Khi Kiên cáo từ, bà cụ đưa tay khô gầy rờ rờ lên má anh và nói như để an ủi anh:
- Biết làm sao được hả con... Mọi sự đều có "duy vật" cả. Em nó không về nhưng các con về!
- Mẹ, mất ngay trong năm ấy. Em cũng bỏ đi, thôi nghề rác từ năm ấy. Mà bây giờ cũng chẳng còn Xóm Rác, chỉ còn bãi rác...
Cô bé bắt đầu kể, và Kiên cũng bắt đầu kể. Những kỷ mềm buồn ngắt. Mãi đến tảng sáng thì như giật mình sực nhớ, cô nàng giở hé chăn ra và kéo kéo tay Kiên, miệng cười yếu ớt Đời ơi là đời!
- Không, - Kiên nói - Đừng...
- Nhưng... Anh đã đánh nhau vì em.
Kiên lắc đầu. Hôm ấy có sẵn bao nhiêu tiền, Kiên dốc hết cho cô. Anh cộng thêm vào món tiền một bộ năm vé xổ số mới mua. Cô bé bật cười, hì hì. Anh tiễn cô đi một đoạn phố. Đến bên hồ Thuyền Quang dừng lại, cô bảo:
- Thôi. Anh lặn đi. Em cũng lặn đây. Không đời nó thấy nó lại chửi anh. Em sẽ nhớ anh mãi. Anh thật buồn cười.
- ừ, Kiên bảo, nắm nhẹ tay cô - Em đi nhé!
Anh định nói thêm nữa nhưng chẳng biết nói gì. Chẳng cần phải nhắc đến Vĩnh. CÔ bé rút tay ra và quay đi. Kiên nhìn theo, khô cằn, già nua, bất lực và tầm thường biết bao cuộc đời anh những năm tháng này. Anh chẳng biết dùng đời anh vào chuyện gì nữa. Việc học hành, sự thành đạt, đường tiến thân tất tật những gì mà khi từ chiến tranh trở về anh coi là trong bỗng chốc trở thành bèo bọt cả. Nhưng một kế sinh nhai tắm tạm anh cũng chẳng màng. Vẫn sống đấy, tồn tại, vẫn có mặt nhưng sâu xa về mặt tinh thần thì Kiên đã đầu hàng rồi trước cái không gì cả của cuộc đời và số phận.
Ấy vậy mà chính lúc bấy giờ, trong mùa xuân đấy, đâu đâu cũng sôi sục bầu không khí hừng hực chủ nghĩa anh hùng và nhiệt tình ái quốc. Chiến tranh đến nơi rồi, sắp có những bước ngoặt và những đột biến cho mọi cuộc đời. Những người tưởng rằng biết rõ Kiên đều khuyên anh nên tái ngũ. Binh nghiệp ở Việt Nam mình là muôn năm, người lính luôn luôn là có giá, họ bảo thế. ở ngoài phố, trên tàu điện, trên xe buýt, trước các quầy hàng, trong công sở, trong tiệm cắt tóc và cả những nơi bàn trà, quán nhậu thiên hạ mê mải với rặt những tin thời sự súng đạn. Có cảm giác là ngay cả những cặp ôm nhau bên Hồ Tây trong gió mưa rét mướt cũng không khỏi thủ thỉ sự tình hai biên giới.
Đêm đêm, trên tàu tốc hành quân lính không ngừng trẩy qua thành phố. Xe tăng, đại bác nhiều cơ man xếp dọc các toa sàn, còn trong các toa đen thì đầy nghẹt bộ đội. Từ các cửa toa mùi mồ hôi lính quen thuộc phả xuống. Mùi của gian khổ, của tuổi trẻ trĩu nặng lửa đạn, đói rét, sương gió. "Cảnh tượng y hệt mười lăm năm về trước, thuở 64, 65 đầu thời đánh Mỹ - Những ông thị dân sang trọng tấm tắc. Dĩ nhiên là so với thời đó bây giờ ta mạnh hơn, hùng tráng và chắc thắng hơn gấp bội lần".
Có lẽ là như thế thật. Kiên cũng chẳng biết nữa. Anh do dự. Đã đành là đánh nhau thì phải đánh nhau thôi một khi không còn cách nào khác, nhưng dù sao thì... Trai đất Việt thực ra không ham chiến trận lắm đâu như người ta hay đồn, hăng chiến phải nói là mấy ông trí thức tuổi sồn sồn bụng to chân ngắn. Còn với dân chúng, cơn binh lửa v rồi đã đủ đau thấu tới ngàn năm.
Tuy nhiên nói vậy chứ cũng chẳng biết là thế nào. Có thể là bởi vì đối với Kiên muôn thuở chỉ có duy nhất một cuộc chiến tranh kia, một cuộc chiến tranh chẳng những mãi mãi đè nặng, mãi mãi ám ảnh mà về thực chất nó còn là nguyên nhân của mọi khúc đoạn và nông nỗi của đời anh, kể cả hạnh phúc, kể cả đau khổ, niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và oán hờn.
Với anh ấy là cuộc chiến tranh cuối cùng. Và dù sao mặc lòng sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ sống mãi trong tâm hồn Kiên trước tiên là như một lời trăn trối. Kiên hiểu rất rõ rằng sứ mệnh của cuộc đời anh là đến một ngày nào đấy phải nói lên được nội dung của lời trăn trối ấy, cho dù bản thân việc nhận thức ra được lời trăn trối đó chẳng mang lại gì nhiều nhặn cho đời sống hiện tại.
Có thể nói rằng chính trong mùa xuân năm ấy, khi mà đất nước một lần nữa lại mấp mé bên bờ chiến tranh, Kiên đã trải qua những ngày bể dâu của tâm hồn mình. Một cái gì đấy vô cùng lớn lao và vô cùng trọng đại mà anh chưa hoàn toàn hiểu, chưa đủ năng lực dể gỏi đích danh tên điều ấy lên đã đồng thời a sụp đổ vừa được tái sinh trong toàn bộ con người anh. Có thể đó là tình yêu, là tin lành, là sự thú nhận chân lý?
Và chính trong mùa xuân chiến tranh ấy, một đêm giá rét anh đã viết nên thiên truyện đầu tay. Kiên nhớ, đêm ấy dưới tầng một. Trần Sinh, người bạn học của anh và Phương, đang hấp hối. Sau một thời gian dài nằm viện, Sinh được đưa về nhà để chờ chết. Giờ chết đã điểm rồi: mà thần chết lại lần chần. Đã hơn hai ngày hôn mê mà người bệnh chưa ngừng thở. Đi bộ đội sau Kiên nhưng bị thương nên Sinh giải ngũ trước. Thời gian đầu thấy nói Sinh chẳng có vẻ gì là phế binh. Anh đã định cưới vợ. Nhưng dần dần từ chân trái lan sang chân phải rồi nửa người Sinh bị liệt.
Dạo Kiên mới về, Sinh còn chống gậy nhúc nhắc được, sau phải đành nằm bẹp. Các bác sĩ lấy làm lạ không hiểu vì sao cái vết thương cột sống kinh khủng ấy không lượm Sinh ngay trong chiến tranh mà nấn ná lâu thế mới giáng họa. Y học bó tay, họ bảo thế, càng chữa chạy càng khổ sở và người thân càng điêu linh vì hầu hạ phục dịch. Ròng rã như thế đã bốn năm giời. BỐ mẹ Sinh đã qua đời. Người anh trai có gia đình. Phòng họ ở tầng một, sâu cuối hành lang, tối tăm, ẩm thấp, cửa sổ hướng trực diện nhà vệ sinh. Kiên đẩy cửa bước vào. Trong buồng mờ tối. Hai đứa bé và một người đàn bà hom hem - chị dâu của Sinh, đang ngồi giữa nền nhà hí húi cắt dán những hộp bìa các tông gia công cho xí nghiệp bánh kẹo. Không ai ngẩng lên.
- Anh ấy thế nào rồi? - Kiên khẽ hỏi.
- Vẫn thế, còn thở - Bà chị dâu ngán ngẩm đáp - Ai đến thăm cũng chịu chú ấy giỏi kéo dài.
Nói đoạn chị thở dài đánh sượt. Người ốm nằm trên một chiếc chõng tre kê giúi trong xó. Kiên lại gần. Mùi hôi thối lợm giọng. Chăn chiếu bẩn thỉu. Đầu Sinh trụi hết tóc, đen sạm, quắt queo như cái gộc cây. Mũi dẹt lét chỉ còn cái sống mảnh như lưỡi dao. Môi má chẳng thấy, chỉ thấy hai hàm răng và hai hố mắt, không rõ nhắm hay mở. Kiên cúi xuống, hỏi:
- Nhận ra mình không Sinh?
Vẫn nhận ra đấy. Chị dâu nói chõ tới, cơ mà chả nói nổi, còn hơi nữa đâu mà nói.
- Có ăn uống được gì không?
- Vẫn, nhưng lại tự tháo ra hết. Vậy mà vẫn cứ gượng. Khổ lắm thay!
Kiên ngồi xuống chiếc ghế bên chõng. Chẳng biết nói gì. Ngồi mười lăm, hai mươi phút. Nhìn kỹ mới thấy tấm chăn chiên nâng hạ chút ít theo một thứ nhịp thở nào đó. Trong phòng im ắng. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng bà chị dâu lẩm bẩm gì đấy. Huấn, ông anh trai của Sinh nằm ngáy trên gác xép, chếch bên trên chỗ Sinh. Khổ thân Sinh, nhà thơ của lớp 10A, đáng thương thay. Hồi hè, có lần Kiên vào bệnh viện thăm Sinh.
Bấy giờ hy vọng khỏi đã lụi hẳn nhưng Sinh còn cử động được đôi chút, còn có thể ngồi xe đẩy và đầu óc hoàn toàn tỉnh táo. Khác với nhiều người mắc phải nan y cầm chắc sẽ chết, Sinh không tự dối mình về tình trạng vô phương của bản thân, song anh không rên rỉ, than thân trách phận, luôn luôn anh cố gắng để không làm rầu lòng người đến thăm, không tìm cách trút sang bạn nỗi bất hạnh của mình.
Khuôn mặt xanh lướt cố rạng rỡ, anh cố mỉm cười, và dịu dàng,.với giọng nói yếu ớt, anh khơi mạch chuyện vãn, chủ động kéo Kiên vào những mẩu hồi ức học trò, những kỷ niệm về các cô bạn học, các thầy cô giáo, những ký ức lảng xa cảnh ngộ của anh. Rồi với vẻ chăm chú hết mức, ngạc nhiên, say mê, hiếu kỳ, đầy tin tưởng, anh làm như thể hoàn toàn bị lôi cuốn vào những chuyện Kiên kể. Gật gù, nhướn cao cặp lông mày, anh thẩm thì: "Thế kia à? Tuyệt thật... Thú vị nhỉ... Oà, cô ấy là như vậy đấy, đáng yêu thật... à,mình nhớ ra rồi, chà, chuyện đó mới thực là nhộn...".
Kiên đẩy chiếc xe lăn đưa Sinh ra vãn cảnh khu vườn hoa của bệnh viện. Chiều hè yên ả, không khí thoáng đãng. Những tia xiên khoai màu hồng chiếu dài lên thảm cỏ xanh um. Kiên dừng xe dưới một cây bồ đề.
- Nắng chia nửa bãi chiều rồi... vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu... Đấy, thơ thế mới là thơ chứ, - Sinh mỉm cười, mắt nheo nheo - vậy mà mình đây đã từng ôm mộng thành nhà thơ cơ đấy. Đi lính ấy mà, mình định bụng sẽ trở thành Lê Anh Xuân, tạc vào thế kỷ. Đấy ước mơ thế đấy... Còn hồi trước nữa thì thú thực mình đã làm khối thơ tình tặng Phương, chỉ hãi cậu biết cậu đấm cho thì khốn."
Rồi cả hai cùng im lặng. Chẳng phải nói gì nữa. Hai người bạn thân thời niên thiếu, sau những năm dài trận mạc giờ đây trong hai cảnh ngộ ngồi bên nhau, thầm lặng nói với nhau bằng nỗi lòng, cùng nhau trầm tư nhớ lại những chuyện xa lắc, những ngày xưa kia.
Kiên đưa Sinh về giường rồi cáo từ. Anh ôm lấy vai Sinh, hôn lên đôi má gầy hóp, hạnh như đồng của bạn.
- Thỉnh thoảng vào với mình nhé, Kiên ơi... thỉnh thoảng nhé - Thương thân, bi thiết nín mãi trong lòng, không còn gượng nổi nữa, Sinh bật nức lên, nghẹn ngào - Lắm lúc nghĩ cay cực khôn cùng. Ước gì có cách nào tự chết ngay cho chóng cuộc đời. Thân phận những thằng bị thương như mình bị chiến tranh đoạt mất tự do có khác nào thân phận nô lệ...
Kiên đưa tay bưng mặt, và không chịu đựng nổi anh bật đứng dậy bước vội ra khỏi căn buồng nửa nhà mồ, không kịp chào cả bà chị dâu của Sinh. Trở lên phòng không cởi áo bông, Kiên nằm ngửa xuống giường, gác đôi giày đen lấm bùn lên chiếu. Vòng tay dưới gáy anh trừng trừng nhìn lên trần nhà nẻ rạn, vàng. Lặng lẽ nước mắt ứa ra, nóng rực và đau nhói. Đi đâu bây giờ? Làm gì bây giờ?
Anh bật ho như thể buột rên lên nỗi day dứt giằn vặt, khó hiểu, ám mãi trong lòng. Kể ra thì sau chiến tranh anh đã từng có được cảm giác hạnh phúc, chí ít thì cũng là ấn tượng hạnh phúc của ngày trở về. Hơn ba ngày đêm rong ruổi dọc đường sắt Xuyên Việt vào cuối mùa thu năm 76 ấy có thể ví như là chút niềm vui vớt vát cuối cùng của đời bộ đội. Tuy nhiên nhớ lại cứ thấy đau đau trong lòng thế nào ấy. Trên tàu Thống Nhất chuyến ấy toàn là thương phế binh và lính về vườn. Ba lô ken dày trên giá, võng chăng dọc ngang lòng toa biến đoàn tàu thành một bãi khách.
Thoạt đầu, tâm trạng chung phải nói là khá chua chát. Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi nhưng đến một chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn giành cho bộ đội. Cảnh chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì lại một thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba lô tuồng như người ta cho rằng một núi của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác...
Tại các ga mà đoàn tàu dừng bánh các loa phóng thanh oang oang trút vào tai đám lính đui què mẻ sứt mắt trắng môi thâm này hàng lô xích xông những lời dạy bảo trớ trêu nhất đời nào chống cầu an, chống đạn bọc lường, chống thói đam mê các tàn tích của xã hội phồn vinh giả tạo và nào là cần đặc biệt chống tư tưởng công thần?
Nhưng anh em công thần biết an ủi nhau, biết biến tất cả những sự khó chịu thành chuyện đùa, thành lời giễu cợt, thành chuyện tiếu lâm để cười. Và khi hai bên đường sắt bắt đầu những quang cảnh thân yêu của đồng bằng sông Hồng thì ai ai nấy như bơi trong niềm hạnh phúc. Bao nhiêu ước mơ đã đào sâu chôn chặt giờ đây thỏa sức cất lên thành lời. Mê mải trong lòng mỗi người những dự định tươi hồng phi lý về cuộc sống bắt đầu từ đây của nền hòa bình vĩnh viễn. Ngày cuối cùng trên tàu, Kiên làm thân được với Hiền, chiến sĩ của mặt trận khu 9 đi B từ năm 66, quê Nam Định, gái chợ Rồng nhưng giọng nói đã ăn đậm chất Hà Tiên.
Đêm, Kiên bế Hiền sang bên võng mình. Và suốt đêm, trong nhịp tàu dồn dập lắc lư, mặc kệ rằng xung quanh lính tráng đùa cợt trêu chọc, hai người thoải mái ôm xiết lấy nhau mà ngủ, cùng nhau nói mê, thỉnh thoảng thức dậy càng ôm chặt nhau, thỏa sức hôn hít nhau, sống gấp lên với nhau những cây số cuối cùng còn vương lại của tuổi thanh xuân chiến hào. Khi tàu dừng ở Nam Định, Kiên dìu Hiền xuống sân ga. Anh chực bỏ chuyến tàu để đưa Hiền về nhà. Hiền cười gạt đi:
- Thôi mà. Cho thành tro mọi chuyện đi. Vương vấn làm gì. Mà anh cũng cần phải về gấp xem cửa nhà, xem còn gì không cho ngày mai sống tiếp chứ. Với xem xem liệu có còn ai đó chờ đợi mình không? Biết đâu đấy
- Nhưng, sẽ gặp lại nhau chứ?
- Đời hòa bình biết nông sâu thế nào mà lường, anh. Có phải là còn chiến tranh, còn trong bộ đội đâu mà bảo rằng sẽ một điều gì. Thôi, mai rày có nhớ nhau thì cứ cậy vào run rủi...
Một mình Hiền quay đi, khó nhọc lết tới cửa ga. Hai vai cô tỳ lên hai chiếc nạng gỗ. Thân hình mềm mại hơi lệch nghiêng, phướn lên, cô đu người tới trước từng đoạn, bả vai nhô cao. Gần khuất sau cổng kiểm soát đông nghịt người, Hiền chợt ngoái đầu lại chăm chú nhìn Kiên lần cuối. Đôi mắt đen trong sáng nhưng sâu thẳm nỗi buồn và tâm trạng tan hoang bi đát. Cô loạng choạng, lúng túng cất một bàn tay lên vẫy vẫy Kiên, gượng một nụ cười, rồi quả quyết quay đi biến mất.
Từ đấy về tới Hà Nội đầu tàu như không ngừng hân hoan thúc lên hồi còi reo vui lanh lảnh: Hạnh phúc, hạnh phúc... Và các đầu dập nối toa rầm rầm nhắc lại:
Hạnh phúc, hạnh phúc... Càng về tới gần Hà Nội đầu óc Kiên càng thêm choáng váng, đê mê một cơn sốt nhẹ nhàng, tim đập rộn lên bởi bao dự cảm mơ hồ, dịu ngọt và khó tin. Xúc cảm bình yên làm mắt anh mờ lệ. Khi từ ga Hàng Cỏ về đến nhà thì trời đã tối khuya.
Phố phường im ắng. Anh bước vào trong sân. Ngôi nhà tối sẫm. Các gia đình có lẽ đã ngủ cả nhưng cánh cửa đầu cầu thang không hiểu hôm ấy sao không cài then như để hé đấy chờ anh về. Đúng là không ai chờ đợi anh, không ai cả, Kiên biết... nhưng biết đâu đấy! Kiên bước lên cầu thang lòng thắt lại trong linh cảm về một sự bất ngờ đang lặng nín đón rình anh. Dưới ánh sáng của ngọn đèn vàng vọt, hành lang mờ tối cánh cửa căn phòng của cha con anh vẫn nguyên màu nâu thùa xưa, vẫn tấm biển đồng nhỏ khắc tên cha anh. Mờ mịt, chao đảo, Kiên đứng cơ hồ không vững, hai tay mỗi lúc một run. Hạnh phúc và nước mắt thầm lặng dào tuôn.
Chợt có tiếng cửa kẹt mở. Từ căn hộ giáp phòng anh một người phụ nữ thân hình dong dỏng, bận chiếc áo ngủ sáng màu bước nhẹ ra hành lang. Nàng nhìn anh. Một tiếng kêu câm lặng trong ánh mắt. Kiên rùng mình. Toàn thể cảm giác của anh như thể bị xô nghiêng đi. Năm tháng rất dài lâu của đời người vụt thu lại trong chớp mắt này. Nàng bứt khỏi ngưỡng cửa, ngả người, bước lướt tới. Kiên hơi cúi xuống. Rất nhanh, mềm mại, tuyệt trần, hai cánh tay nàng choàng quấn lấy cổ anh.
- Kiên!
- Phương... Em!
Mười năm trời ấy một cái hôn dài. Cái hôn bất tuyệt thấu vào tim, cái hôn mà mãi mãi mỗi người trong họ còn phải nhớ bởi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cả hai còn được hưởng một cái gì tột đỉnh cuộc đời đến như thế nữa. Nàng khẽ cọ má vào môi anh, rồi lặng lẽ áp mặt vào ngực áo bộ đội thô ráp của anh.
- Phương ơi... Vậy mà, - Kiên thì thào - Mười năm qua anh nghĩ em không còn sống.
- Vậy ra... chúng mình đã thành luồn ma trong nhau... bởi e ai cũng nghĩ thế... Nhưng, thôi thế là từ nay không bao giờ chúng mình rời xa nhau nữa, phải không em?
Tuy nhiên không hiểu sao ngay lúc đó, anh đã cảm thấy những xung động rối ren giữa niềm hạnh phúc vô bờ lẫn cùng sự hoang mang bấn loạn từ tấm thân yêu kiều trong vòng tay của mình. Anh cắn răng lại, anh nghe dường như có những bước chân rón rén nào đó và có một ai đó đang chứng kiến anh với Phương gặp gỡ nhau. Phương mở cúc áo. Chiếc chìa khóa của phòng anh đính vào sợi dây chuyền, lấp lánh như một cây thập ác nhỏ trên ngực nàng để hở. Mắt mờ đi, Kiên mở khóa và đẩy cửa ra. Bầu không khí trong căn phòng đã nhiều năm trời hầu như thường xuyên khép kín ùa ra, bao bọc lấy anh như làn hơi thở cuối cùng của cuộc đời yêu dấu xa xưa.
Đột nhiên, Kiên chộp lấy khuỷu tay Phương, như thể chực dùng sức du nàng vào trong cửa. Anh đã thoáng thấy một bóng người đứng ở bên trong cánh cửa phòng Phương hé mở. Gương mặt Phương trắng bệch, cái nhìn như lả đi. Nàng bước theo anh. Nhưng chỉ một bước thôi, một giây thôi, Kiên cảm thấy Phương đang trì ngón phân xuống ngưỡng cửa. Anh buông nàng ra. Cúi xuống, anh nhặt cái ba lô ở ngạch cửa rồi một mình bước vào phòng. Khép cửa lại.
Chao ôi! Như vậy đấy: Hoà bình, hạnh phúc, ánh huy hoàng của chiến thắng, ấn tượng êm dịu của ngày trở về niềm tin đầy đắc thắng về tương lai... Tội nghiệp thằng bé. Mỗi lần nhớ lại đêm đầu tiên của cuộc đời mới sau chiến tranh lòng dạ anh đau nhói, chua xót, không thể rên lên.
Kiên vùng bật dậy, không ngừng đi đi lại lại trong phòng. Cuộc chiến tranh thần thánh rốt cuộc đã bù đắp những mất mát anh đã phải chịu bằng một thứ đời sống như ngày hôm nay đây. Sau cuộc chiến tranh ấy chẳng còn gì nữa cả trong đời anh. Chỉ còn những mộng mị hảo huyền.
Sau cuộc chiến tranh ấy anh dường như chẳng còn ở trong một "kênh" với mọi người. Càng ngày Kiên càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này. Thẫn thờ, anh ngồi xuống ghế. Bao nhiêu hình ảnh dồn dập kế tiếp nhau. Không. Cứ nói rằng số phận không cho một lời mách bảo nào sau khi chiến tranh kết thúc, song, cái đêm đầu tiên ấy chẳng là lời mách bảo hay sao? Nhưng cả anh và cả Phương đều đã cưỡng lại. Để làm gì cơ chứ?
Ngay đêm hôm ấy, Phương sang lại với anh. Người đàn ông mà nàng đang chung sống và đã định với nàng một lễ cưới bỏ ra đi lập tức. Mù quáng biết chừng nào, anh và Phương?
Dù đã dầm mình trong rượu, dù đã hàng trăm lần tự cầu xin lòng mình hãy lặng yên đi cho, thì trong tâm trí anh vẫn không ngừng nhói đau những hồi tưởng tan nát về thời gian sống cùng nhau sau chiến tranh của anh và Phương.
Mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát. Cuộc chung sống làm đổ bể tâm hồn nhau và cuộc đời nhau mới chấm dứt cách đây không lâu. Trong một cuộc xô xát ở quán rượu Kiên đã đánh trọng thương một người tình cũ của Phương. Từ đồn công an, nơi mà người ta tưởng anh là thằng điên, Kiên mò về gặp Phương. Anh chẳng nói được gì hết, chỉ trào nước mắt. Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn.
- Phương nói với anh khi bỏ ra đi - Không phải là hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi... Như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng em là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh. Phải không Kiên?
Khi Phương bỏ đi, Kiên không cản. Anh cũng nghĩ là nên như thế. Song có thái độ cứng rắn trong chốc lát là chuyện dễ, duy trì được thái độ đó khó hơn nhiều. Một tuần, hai tuần, rồi hàng tháng đã trôi qua. Anh không thể đến nổi trường đại học. Không biết ngồi thế nào, nằm thế nào, nhìn về đâu, đi về đâu. Một khi có tiếng giầy cao gót lên cầu thang, tim anh ngừng đập. Giờ này qua giờ khác anh đứng bên cửa sổ mắt nhìn đăm đăm xuống đường. Đi dọc phố chốc chốc anh ngoái đầu nhìn lại đằng sau với nỗi hồi hộp lố bịch nhất đời. Và đôi khi giữa đêm, lòng tràn tuyệt vọng anh nấc lên, nước mắt giàn giụa, phải thúc mặt vào gối cho đến kỳ ngạt thở...
Anh biết chỉ có biện pháp duy nhất để thoát khỏi tình trạng yếm thế thê thảm này là Phương trở về, là anh lại được nhìn thấy nàng, để lại cùng nhau lặp lại nỗi thống khổ...
Trong phòng ẩm ướt, dường như càng lúc càng lạnh hơn. Gió cào trên ô cửa. Trên bàn, một ấm trà đã pha mà chẳng uống nguội lạnh, mấy cuốn sách, một tập giấy, cây bút, lọ mực, cái gạt tàn và bình hoa với mấy bông hồng đã nguội ngắt hương thơm. Và, chính một đêm như thế vào mùa xuân năm ấy anh đã cảm nhận được thiên mệnh của đời mình: sống ngược trở lại, lần tìm trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu. Tất nhiên anh chưa nghĩ ngay rằng đấy là một thiên mệnh, anh nghĩ đấy là một lối thoát.
Kể lại, viết lại làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa. Đó là con đường cứu rỗi của anh. Kiên nghĩ. Nhưng cho đến tận bây giờ và có thể là mãi mãi Kiên cũng không thể cắt nghĩa được vì sao mà vào cái đêm lạnh giá ấy, đứng trước cửa sổ nhìn màn mưa mỏng đang chầm chậm tràn ngang qua bầu không khí xanh xám run rẩy, uốn ngả theo chiều gió đông bắc, lòng đăm đắm nhớ tới Phương, anh lại chợt nhìn thấy mùa mưa Cánh Bắc, nhìn thấy Ngọc Bơ Rẫy, truông Gọi Hồn. Vì sao? Lại gương mặt của từng anh em trong trung đội hiện lên. Và phép mầu nào ngay sau đấy đã đẩy lùi thời gian về xa hơn, dựng lại trước mắt anh trận đánh ghê rợn đã xóa sổ tiểu đoàn 27 của anh?
Không khí trong căn phòng này khi đấy thật kỳ lạ, như thể bị hút vào trường hấp dẫn của quá khứ: cũng rung lên, xô giật, đập thình thình vì sóng xung kích của hàng trăm trái đạn pháo dội cấp tập xuống lòng truông Gọi Hồn. Và tường vách căn phòng rầm rầm rung lên trong tiếng động cơ máy bay bổ nhào. Kiên giật mình bật lùi khỏi cửa sổ.
Hồn phách xiêu lạc, ý thức mờ mịt, lú lẫn, mê mẩn Kiên đi đi lại lại, ký ức lóe chớp. Loạng choạng ngồi xuống bên bàn, mộ t cách máy móc anh cầm lấy bút, và thay vì viết thư, anh viết một cái gì hoàn toàn khác. Suốt đêm ấy, đến sáng, giữa mớ đồ đạc và bàn ghế tồi tàn, giữa bốn bức tường tróc lở, những sách những báo chồng đống trên sàn nhà bụi bặm, nứt nẻ, những vỏ chai lăn lóc, cái tủ đầy gián, chiếc giường xiên vẹo bừa bãi chăn màn xơ xác anh đã viết một mạch trọn vẹn với thần hứng không bao giờ còn có lại - thiên truyện đầu tiên trong đời, làm sống dậy một cách đặc biệt tàn nhẫn trận tử chiến truông Gọi Hồn với những diễn biến nặng nề của nó và số phận bi thảm của tiểu đoàn anh.
Tay mỏi tê, run lên, tim như rách dần, cả hai buồng phổi nghẹt khói thuốc, miệng khô đắng, cổ tắc lại nấc, anh cắm đầu viết. Quanh anh, tiếng kêu, tiếng la hét đau đớn, tiếng đạn ríu rít sát mang tai, tiếng gầm giật dội của những chùm rốc két dọt từ trực thăng xuống. Các nhân vật của anh cứ nối nhau gục ngã. Và cho tới lúc nhân vật chính, một trong những người trụ lại đoạn hậu cho cuộc rút lui đã hóa thành một đống giẻ nát nhừ vắt mình trên bờ công sự mà chết thì ngày xuân trên thành phố đã vào đến góc tối nhất trong phòng. Tác giả đã cạn sức. Chếnh choáng, anh lần ra khỏi nhà, lê bước trên vỉa hè, xiên đảo, mê tơi như thể một cô hồn lang thang đi phơi nắng. Khối cảm giác nóng bỏng căng nhức hồi đêm dẫu dịu dần nhưng tâm trạng Kiên hình như không thể bình quân lại được nữa. Anh có cảm giác giống như khi bị thương mất nhiều máu, ngất đi, vừa hồi tỉnh lại ngay trên bãi chiến trường.
Thế giới trước mắt anh cơ hồ đã đổi khác. Chỉ sau một đêm thôi nhưng là một đêm kỳ ảo chóng vánh dài dặc mà giờ đây... đường Nguyễn Du sắc nét và trang nhã của anh, hồ Thuyền Quang trong lành êm ả và thân thuộc từ tấm bé không còn hẳn như ngày hôm qua nữa. Cả tâm hồn của anh, anh cũng không còn nhận ra nổi.
Và bầu trời buổi sớm và những cụm mây lững thững trôi từ miền đông bắc quang đều như nhuộm một sắc màu khác biệt. Những nóc nhà vốn xám xỉn, lóng lánh trong màn nắng mai nom như vừa được vớt lên từ dưới nước. Suốt cả ngày chủ nhật hôm ấy, như thành người ngây, Kiên lang thang trong phố. Một niềm vui buồn thảm tựa như một buổi bình minh pha trộn ánh hoàng hôn soi chiếu những suy nghĩ của Kiên.
Toàn bộ cuộc sống bấy lâu nay được rọi sáng trong luồng tâm tưởng ngược chiều thời gian. Những mối bận tâm, những niềm đau khổ, những xót xa cay đắng trong lòng những năm gần đây đã trở nên tầm thường, nhợt nhạt và lúc đó Kiên nghĩ, chúng chẳng còn nghĩa lý gì đối với mình. Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện. Có vẻ như anh đã tìm ra cuộc đời mới của mình: đấy chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh.
Buổi chiều vào công viên, anh đi dọc theo những lối sỏi hai bên um tùm cỏ và hoa, bước qua những bụi cây đọng nước tìm tới một ghế đá bỏ trống gần nơi trai gái đang tình tự, và ngồi im cả giờ nghe gió thầm thổi qua hồ. Con người nội tâm trong anh cô quạnh, âu sầu không hề cảm thấy gió lạnh chiều tà, lặng lẽ đưa mắt nhìn vượt khỏi tầm mắt, vươn tới cõi xa xăm bên ngoài biên giới của tư duy, đạt đến cõi hòa đồng người sống và người chết, hạnh phúc và khổ đau, hồi ức và ước mơ. Mênh mang trời nước. Mênh mang hương sặc mùa xuân tươi sáng đượm sầu xao xuyến truyền lan theo sóng hồ. Và, trên vùng không gian tinh thần ấy Kiên thấy hiện lên rõ một cách bí ẩn, khó giải thích một đoạn đời, một phong cảnh, một hình ảnh, một gương mặt mà đã từ lâu rồi anh quên lãng.
Và sau đó lại những đoạn đời khác, những kỷ niệm khác, lần lượt kế tiếp nhau, âm thầm chậm rãi duyệt lại quá khứ... ký ức về một trưa mùa khô rực rỡ nắng, hoa nở đầy trong những khoảnh rừng thưa... Ký ức một ngày mưa gian truân bên bờ Sa Thầy vào rừng hái măng đào củ... những bờ suối, bãi lau, buôn nhỏ hoang tàn... những gương mặt đàn bà mến thương xa lạ gợi niềm nhớ nhung âu yếm... mềm đau của mối tình... Ký ức xa vời, trập trùng và lặng lẽ, khắc nghiệt và thẳm sâu như rừng như núi trong lòng anh chiều ấy, một chiều xuân lạnh lẽo sáng trong bên lề trống không của trời nước một mầu làm cho tâm hồn từ đấy không còn có thể dừng mắt ở điểm nào nữa trên cõi không cùng của quá khứ.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!