Bến không chồng - Chương 16 (Dương Hướng)

136 lượt xem

Dạo này căn hậu cung từ đường họ Nguyễn lại đầy ắp hương hoa thơm ngát. Người mà thường xuyên tối đến thắp hương khấn vái là thím Xeng. Trông thím thật khắc khổ, cặp mắt u tối hoảng loạn. Thím nhìn hai mẹ con Hạnh bằng ánh mắt xét nét. Hạnh hỏi mẹ chồng, sao thím Xeng lại vậy. Mẹ bảo mỗi câu "Thím ấy sám hối". Hạnh nghĩ thím quá lo về gia đình. Ông Xung vừa khỏi bệnh điên thì thằng con lớn nhà thím Xeng lại ngã xuống hố vôi mới tôi bỏng rộp từ chân đến cổ phải đi cấp cứu ở bệnh viện huyện. Thằng con lớn của thím Xeng vừa ở bệnh viện veef thì chú Xeng lăn ra ốm. Căn bệnh của chú Xeng cũng thật lạ - Bệnh sợ người. Chú Xeng suốt ngày nằm lỳ trên giường chẳng nói chẳng rằng mắt mở thao láo nhìn trừng trừng lên trần nhà, hễ có người bước vào chú lại hoảng hốt quay mặt vào tường. Đã mấy đêm mọi người đi họp đội sản xuất về khuya phải hoảng hốt bỏ chạy vì bỗng dưng đất cát từ trong vườn nhà chú Xeng ném ra rào rào. Nhiều người lại nghi cho ông Xung. Ông Xung chửi "Mẹ chúng mày, ông đã khỏi điên, già như ông lại thèm đùa kiểu con nít vậy a". Lại đến chuyện nhà bà Kha có vườn chuối xanh tốt vậy, chỉ qua một đêm kẻ nào đã lẻn vào chém nát. Lại chuyện cái bể nước nhà chú Ngôn vừa xây xong qua một đêm đã bị kẻ nào đạp đổ thành đống gạch vỡ. Sáng ra bà Kha nhìn vườn chuối, bà tru tréo: "Cha bố thằng nào sấp mặt hại tao. Tao ăn hiền ở lành mà bỗng dưng nó phá...". Thím Ngôn thấy bà Kha chửi cũng nhảy ra sân la lối "Tao biết rồi, biết rõ cái mặt nó rồi. Tao nguyền rủa ba đời nhà nó ốm dần ốm mòn. Nó hại tao thì có trời trị tội nó. Cả nhà nó sẽ điên" Lời bóng gió của thím Ngôn, cả làng ai cũng hiểu thím ám chỉ chửi gia đình ông Xung. Ai cũng biết vậy nhưng không nỡ nói ra. Cảnh thím Xeng xiêu niêu ai chả mủi lòng.
Hai mẹ con Hạnh vừa ăn cơm tối xong thì thím Xeng đội mâm quả vào.
- Hôm nay mồng một, em vừa sắp mâm quả sang lễ tổ. Thím Xeng nói rồi long tong đội mâm quả vào trong hậu cung từ đường họ. Thím thắp nén hương, miệng lầm rầm khấn vái. Cứ nghe những lời khấn vái của thím Xeng, Hạnh hiểu bố chồng Hạnh đã được phong quan chức gì to lắm dưới âm phủ. Chính vì cái chết đột tử nên vong hồn ông mới linh thiêng có quyền phán quyết mọi số phận người đang sống trong họ Nguyễn.
Thím Xeng đang lầm rầm khấn trong hậu cung thì Dâu dẫn Thắm xộc vào buồng Hạnh. Thắm đổ sụp xuống giường khóc thút thít.
- Nín đi đừng làm nũng nữa. Dâu nói. Sướng lắm thì khổ nhiều em ạ. Mày cứ đẻ đi, thằng thọt nó không nhận thì tao nhận. Tao sẽ làm bố đứa trẻ. Tao đang muốn đẻ mà chẳng được đẻ. Dâu cười phá lên. Hạnh ơi mày thấy tao làm đàn ông được không? Mọi người chả bảo tao giống đàn ông là gì. Kiểu này anh Hiệp mày không về thì tao cũng hoá đàn ông luôn. Dâu giơ tay giơ chân khua khoắng lung tung rồi ôm ghì lấy cái Thắm. Nếu ai có hỏi đứa trẻ trong bụng mày của ai thì mày cứ khai là của tao. Ha ha, của thằng Dâu. Tao ngủ với mày ba lần ở gốc cây chuối hý hý.. há.. há...
Dâu càng tếu, Thắm càng khóc to hơn, Dâu kéo Hạnh ra ngoài bảo:
- Tối nay mày cho nó ngủ với mày một tối. Khổ con bé mới hai chục tuổi đầu mà phải chịu nhục nhã thế đấy. Tao đã hết lời khuyên can bố mẹ nó để cho nó về ở bên ấy nhưng ông bà ấy lại đùng đùng nổi giận. Ông ấy vác gậy đuổi nó về nhà chồng. Nó lại bảo từ cái mặt thằng thọt thợ ảnh. Trong lúc bụng mang dạ chửa không ai an ủi nó, lỡ nó nhảy xuống sông thì khổ.
Bà Khiên và thím Xeng từ trong hậu cung bước ra thấy Thắm khóc, bà Khiên bảo:
- Mày vào lạy tổ, mày sẽ hết đau khổ.
- Đúng đấy cháu ạ. Thím Xeng nói và kéo Thắm ngồi dậy. Nhờ phúc đức tổ tiên cứu vớt linh hồn tội lỗi của cháu. Cháu sẽ được sống thanh thản...
Hạnh kéo chăn đắp cho Thắm. Đêm cuối thu nghe lành lạnh, có Thắm nằm bên, Hạnh vẫn thấy cô đơn. Ngày mai làng Đông có đám cưới anh Ngốc lấy cô Lùn. HÌnh ảnh anh Ngốc ngây ngô với cô Lùn thấp tè cứ hiện lên trong tâm trí Hạnh như một bức tranh rõ khôi hài. Thời buổi này cứ như anh Ngốc với cô Lùn lại hạnh phúc. Thắm đã thôi khóc nhưng vẫn trằn trọc không ngủ.
- Có đúng mày đã ngủ với anh chàng pháo thủ? Hạnh hỏi.
- Chị Hạnh! Thắm ôm ghì lấy Hạnh. Có lẽ trên đời này chỉ có mỗi mình chị hiểu được em. Em chẳng dám giấu chị. Đúng hôm đi thồ rơm về, lão thọt lão ấy đánh em một trận quá thể. Em không dám về nhà, sợ bố mẹ em buồn. Em đi lang thang ra bờ sông chẳng hiểu thế nào em lại đi thẳng ra cống Linh. Lúc ấy em chẳng thiết sống nữa. Đúng lúc em nảy ra ý định nhảy xuống cống Linh cho xong đời thì bỗng dưng em lại nghĩ đến anh ấy - Anh chàng pháo thủ đấy. Đêm hôm ấy em đã mò vào trận địa gặp anh ấy và thế là hết.
- Mày đã phản bội chồng mày?
- Chồng con gì hạng ấy.
- Mày đã nói thật với bố mẹ mày chuyện anh chàng pháo thủ chưa?
- Có mà bố mẹ em giết.
- Thôi ngủ đi, đừng khóc nữa để rồi tao lựa nói với bố mẹ mày sau.
Hạnh ôm lấy Thắm, đặt nhẹ bàn tay lên bụng nó. Bụng Thắm tròn đầy ấm nóng có một sự sống bé nhỏ đang mấp máy trong đó. Hạnh bỗng thấy khao khát có với Nghĩa một đứa con...
Một buổi sáng rực rỡ. Thắm kiễng chân cố vươn cái bụng nặng nề tỳ lên mặt bể múc nước rửa mặt.
- Để đấy, tao múc cho.
Hạnh chạy lại múc nước vào chậu cho Thắm. Thắm ngồi thụp xuống, hai tay vớt nước lên mặt rồi kéo vạt áo lau.
- Khỉ ạ để tao lấy khăn cho mà rửa.
- Chả cần đâu. Thắm đưa ngón tay út ngoáy lỗ mũi, miệng nhoẻn cười, nghiêng nghiêng mặt nhìn Hạnh. Em phải rèn cho quen. Đời cũng chẳng biết thế nào đâu chị ạ. Em nghĩ ngày mới cười không thiếu thứ gì, nào xà phòng, nước hoa, dầu chải tóc, khăn tắm, khăn mặt, áo nọ quần kia, coóc xê, quần lót đủ màu, trắng hồng xanh đỏ. Nó còn mò vào tận nhà tắm kỳ lưng cho em. Vừa kỳ lưng nó vừa mâm mê hôn hít làm tình. Lúc ấy em nghĩ vớ được anh chồng đa tình như nó cũng sướng đời. Miệng nó cứ ngọt xớt "Nàng tiên cá của anh, chim hoạ mi của anh". Cha nó, được đúng ba bảy hai mốt ngày em bắt quả tang nó làm tình với con tình nhân của nó dưới phố huyện trong phòng rửa ảnh. Em nghe nó nói với con tình nhân cũng y những lời nó nói với em.
Thắm thoáng đỏ mặt đứng dậy đưa tay xoa bụng:
- Cũng may đứa bé trong bụng này không phải con nó.
Bà Khiên ngồi trước mâm cơm đợi Hạnh và Thắm. Nhìn cái bụng nặng nề của cái Thắm bà lo ngại:
- Cháu đã sắm sửa gì cho đứa nhỏ rồi?
- Chưa bà ạ, cháu cứ mặc kệ, muốn đến đâu thì đến.
- Không được đâu. Bà Khiên thở dài. Đẻ con so là cần phải chuẩn bị kiêng khem cho tốt chứ không là khổ đấy con ạ. Con gái còn đầu xanh tuổi trẻ mà đã phiêu lưu như mày tao hãi quá.
o O o
Lâu nay Hạnh sợ cái bến tắm. Không phải Hạnh sợ ba ba thuồng luồng hay con ma mặt đỏ ở đầu cánh mả Rốt mà chỉ sợ chính ở sự gợi cảm của dòng sông...sợ cái "Bến không chồng"...
Hạnh vác cuốc nhảy xuống đám ruộng mới khai phá cạnh bờ sông xáo lại một lượt cho nhuyễn. Trên bến sông, bọn trẻ đã gọi nhau ra về. Giá mà Nghĩa viêt cho Hạnh một là thư như anh chàng pháo thủ viết cho cái Thắm. Hay chỉ cần anh viết mỗi một câu "Anh còn sống" thế cũng đủ sướng. Đã tám năm nay Hạnh nhận ra mình sống bằng những kỷ niệm với Nghĩa nhiều hơn là chờ đợi ở tương lai. Những hy vọng ngày một mỏng manh vô vọng. Vừa xới vừa dẫm, đất đã nhuyễn tơi. Hạnh chạy vào bãi ao cắt một bó mầm khoai mang ra cấy. Mặt trời đã lên, còn sót lại chút ráng đỏ quạch. Vầng trăng hiện ra nhuốm vàng mọi cảnh vật. Bến sông mênh mông. Hạnh lội xuống bến không chồng rửa chân, lòng ngẩn ngơ nhìn mặt trăng loang loáng dưới nước. Hạnh thấy mình như lạc vào thế giới mông lung sâu thăm thẳm của những câu chuyện huyền thoại xa xưa...Bến Vắng. Nỗi buồn cô liêu. Một tiếc nuối thoáng qua. Một thời xuân sắc và những phút ái ân với Nghĩa bỗng trỗi dậy. Đầu óc Hạnh căng ra rung lên ngây ngất trong hoang tưởng. Hạnh lao ra dòng nước mát lạnh sóng sanh bóng trăng. Cơ thể lâu ngày khô héo bỗng rạo rực ngập tràn hưng phấn. Hạnh vùng vẫy, quẫy đạp trong ham muốn làm tình với nước. Và mãi như thế, Hạnh thấy mình đang chìm dần, chìm dần như thể có con ba ba thuồng luồng đang lôi tuột xuống đáy sông. Hạnh hoảng loạn chới với cố nhoài lên bãi cát. Tay vẫn giữ khư khư bộ quần áo sũng nước, Hạnh lao lên bến chạy dọc bờ sông. Hạnh chạy mãi chạy mãi...
Hạnh chợt đứng sững lại khi nhận ra vạt cỏ bằng nơi chia tay với Nghĩa lần cuối. Hạnh để nguyên thân thể trần truồng nằm lăn ra bãi cỏ. Bầu trời đầy sao lung linh và vầng trăng đơn độc lửng lơ trên nền trời xanh ngắt trong đêm. Hạnh nhìn mãi nhìn mãi vào vầng trăng, bất chợt Hạnh rùng mình hoảng hốt thấy vầng trăng cứ lớn dần và to phình ra, đỏ lừ như mặt con ma ở đầu cánh mả Rốt chuyên săn phụ nữ goá chồng. Hạnh cố giãy giụa trong tuyệt vọng. Mặt trăng mà Hạnh tưởng con ma mặt đỏ đang sà xuống thấp dần, thấp dần sát mặt Hạnh. Nó thè lè chiếc lưỡi đỏ lừ liếm lên khắp thân thể Hạnh. Hạnh cảm nhận rõ ràng con ma mặt đỏ đang làm tình với mình.
Hạnh bừng tỉnh, nhận ra luồng ánh sáng chói loà làm loá cả mắt. Đó là ông mặt trời đang rọi những tia nắng sớm trên cánh đồng và dòng sông đang loang loáng trôi qua Bến không chồng. Hoảng hốt thấy mình trần truồng nằm trên vạt cỏ, Hạnh vùng dậy mặc quần áo rồi cắm đầu chạy về làng. Chạy tới cầu Đá Bác, Hạnh nhìn thấy anh Ngốc đang nhũng nhẵng quẩy đôi quang gánh đi hót phân trâu. Anh Ngốc chợt đứng sững lại khi nhìn thấy Hạnh quần áo ướt sũng.
Hạnh chạy một mạch về nhà mẹ đẻ thay quần áo rồi nằm vật ra giường.
- Mày làm sao thế hả Hạnh? Mẹ Hạnh hỏi và sờ vào trán con gái. Trời ơi, mày lần mò đi đâu về mà sốt hầm hập thế này hả.
Mẹ Hạnh vôi đi tìm lá nhọ nồi giã đắp vào trán Hạnh. Trong cơn sốt cao Hạnh nói mê sảng thấy mình bị con ma mặt đỏ hiếp. Bà Khiên bảo Hạnh bị ma ám. Mẹ Hạnh tin là Hạnh bị cảm thương hàn. Chú Vạn mắng bà Khiên:
- Chỉ tại chị cúng khấn suốt ngày làm mê hoặc con bé. Cả nhà thím Xeng nữa, cứ đồng bóng có ngày tôi lôi cổ lên uỷ ban.
Chú Vạn doạ các bà thế nhưng trong thâm tâm chú lại tin là con Hạnh chỉ có nhớ thằng Nghĩa. Lại mấy cái bệnh tư tưởng của đàn bà.
o O o
Phải gió cái con gà trống của chú Vạn hay đạp mái con gà nhà mụ Hơn.
Từ ngày thằng Tốn đi bộ đội, mụ Hơn được thể khiêu khích Vạn. Vạn biết thừa mụ ta nỡm mình nên dè chừng. Cũng tại mụ gạ gẫm Vạn không được nên tìm cách trêu tức. Tối nào hứng lên, mụ Hơn lại vác chiếc chõng tre ra sân nằm tênh hênh vén quần lên khoe cặp đùi trắng lốp. Nguyễn Vạn chứ thằng khác thì cắn câu mụ ngay từ phút đầu. Mẹ ta giống như con mèo cái nhà mụ mỗi lần ngấy đực nó lại rượt trên mái nhà gào rống lên từng cơn. Mỗi lần có tiếng mèo gào, mụ Hơn lại giả vờ tức, nhảy lên đập cửa gọi Vạn.
- Bác Vạn ơi dậy lấy cây sào mà đập cho nó một trận để nó chừa đi. Nghe nó gào thế ai mà chịu được.
Nguyễn Vạn ngó qua khe cửa, thấy mụ Hơn ăn mặc hớ hênh đứng thở dài thườn thợt. Vạn mà mở cửa thì mụ ta nuốt sống. Hết chuyện con mèo lại đến chuyện gà. Sáng ra Vạn mở cửa chuồng, con gà trống nhà Vạn lại phóng tới con gà mái nhà mụ Hơn, nó xoè cánh lượn quanh rồi nhảy phốc lên ả gà mái. Chưa chi ả gà mái đã dệt xuống chịu đực một cách thèm khát. Đúng là cái giống nhà mụ Hơn.
Nhác trông thấy Nguyễn Vạn, mụ Hơn lu loa:
- Ôi bác Vạn ơi, bác trông kìa, con gà nhà bác nó "huỷ hoại" con gà nhà em - Mụ Hơn khẽ cười khung khúc lấy tay che miệng.
- Có giống gà của chị nó làm hại con gà của tôi. Rõ dơ! Nguyễn Vạn vùng vằng nói.
- Ấy ấy, bác lại giận em đấy à? Mụ Hơn ngọt xớt. Em đùa bác tý cho vui. Chả lẽ em với bác ngày nào cũng trông thấy nhau mà cứ lầm lầm lì lì thui thủi đếch có lấy một chút thanh thản ngọt ngào. Em nghĩ, đến như giống vật chúng còn tìm cách vui thú, mình là con người mà lại không nói với nhau được lời vui vẻ.
- Ai cấm nhà chị vui thú - Vạn gắt - Chị thích vui thú chị cứ việc đi mà vui thú.
- Bác cứ nói ngang phè! Ấy là em nói bác với em í chứ. Bác với em cứ như mặt trăng mặt trời chán bỏ mẹ. Bác thừa hiểu tầm tuổi em bây giờ có mà vui thú với ma. Có muốn cũng chẳng có ma nào ngó ngàng tới. Ở làng này gái tân kia còn ế đầy ra đấy.
Mụ Hơn vung ra sân nắm thóc, đàn gà nhao vào mổ tới tấp, kể cả con gà trống của Nguyễn Vạn.
- Đấy bác thấy đấy, cùng một mảnh sân gạch...những con gà nó có phân biệt nhà em với nhà bác đâu. Mụ Hơn nhìn Nguyễn Vạn cười. Em hỏi thật bác, sống một mình bác thấy có buồn không?
- Cái chị này chỉ hỏi vớ vẩn.
- Em thì em chả buồn, nhưng mỗi lần nhìn cảnh nhà Lang, em lại nghĩ đến phận mình. Nhà Lang mấy năm nay cứ sòn sòn năm một. Chiều đến cứ nhìn ông ấy bắt tụi trẻ trần truồng đứng xếp hàng ở cầu ao lấy gầu té nước tắm cho tụi trẻ mà thèm. Chả bù cho nhà em có mỗi một thằng Tốn bây giờ cũng lại đi bộ đội.
- Thằng Tốn được đi bộ đội là may cho nhà chị. Chị không thấy vinh dự sao?
- Ấy là em cũng nói vậy. Mụ Hơn xoa dịu. Hôm nó đi em chả động viên nó là gì. Bác thấy tình hình này sắp hoà bình chưa? Em mong ngày hoà bình, thằng Tốn về, em đã ngắm cho nó con bé Hoa nhà Đào, bác thấy có được không?
Nguyễn Vạn buồn cho tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lạc hậu của mụ Hơn lúc nào cũng lo tính riêng tư. Nhưng dù sao mụ Hơn bây giờ cũng là mẹ bộ đội, cũng cần phải giáo dục dần dần cho mụ.
- Chị Hơn này. Vạn nói - Chị muốn thằng Tốn tiến bộ, chị phải bỏ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa...
Mụ Hơn thấy Nguyễn Vạn bữa nay bỗng dưng lại mát tính hẳn, liền vắn véo:
- Bác cứ dạy, em tiếp thu, em nghĩ ở hiền gặp lành, trời có mắt đấy. Sống đức độ như nhà bác Khiên chết xuống âm phủ vẫn sướng. Bác biết không ông Khiên bây giờ được làm quan to.
- Mấy người hồi này chỉ có mê tín.
- Bác không tin sao? Ông Khiên không linh thiêng sao bắt được ông Xung phải thú nhận tội đốt từ đường, chú Xeng phải thú tội lấy trộm tiền của ông Khiên?
- Ông Xung đốt từ đường? Vạn túm lấy tay mụ Hơn. Có thật là ông Xung đốt từ đường?
- Thật hay không sao không đi mà hỏi ông ấy. Mụ hơn nói, cái họ Nguyễn nhà ông rõ lắm kẻ kỳ quặc.
Nguyễn Vạn tập tễnh đến thẳng nhà ông Xung. "Lão Xung đốt từ đường. Lão Xung".
Đầu Vạn rối tinh rối mù bước vào sân, ông Xung đang ngồi chẻ nan đan rá, chú Xeng lom khom cạp rổ bên cối đá thủng.
- Vạn đấy à? Tôi tưởng anh không thèm đến cái nhà này nữa. Ông Xung điềm tĩnh nhìn Vạn châm chọc.
- Tôi vẫn phải đến chứ! Vạn nói. Hôm nay tôi đến để hỏi ông xem kẻ nào đã đốt từ đường họ?
Nguyễn Vạn khoái chí về câu đối đáp cực kỳ sáng suốt của mình. Ông Xung trừng mắt nhìn Nguyễn Vạn, tay cầm chiếc dùi đập "chát" xuống đất.
- Mày là cái thớ gì ở họ Nguyễn mà có quyền hạch sách tao hả?
- Tôi là Nguyễn Văn Vạn, xã đội trưởng. Vạn nghiêm giọng.
- À, mày nhân danh chính quyền? Ông Xung vẫn thản nhiên. Tao! Chính tao đốt đấy. Tao không thú tội trước chính quyền mà tao đã thú tội trước cụ tổ, trước linh hồn ôn Khiên.
- Tại sao ông đốt từ đường họ? Nguyễn Vạn vẫn hỏi giọng quan toà.
- Tại sao ư? Hừ... tại cái thời buổi bấy giờ nó đảo điên điên đảo. Ông Xung liệng cái rá đang đan dở xuống đất. Giọng ông phẫn uất. Lúc ấy tao chỉ muốn thiêu đốt cả cái thế giới nay. Tao căm thù thằng nào bắt giam tao, căm thù kẻ nào bắn thằng Xèng thằng Xình nhà tao. Tao không có tội. Tao chỉ là thằng buôn lợn. Thằng Xèng thằng xình nhà tao nó chỉ muốn bắt mấy con cá dưới sông lại bảo nó ném mìn phá hoại công Linh. Mẹ cha cái thằng nào biết và miếng cơm vào miệng lại đi phá cống Linh.
Ông Xung thanh minh một hồi rồi bỗng tu lên khóc.
Nguyễn Vạn vội quay sang chú Xeng:
- Có đúng là anh đã lấy số tiền của ông Khiên ở chân cây đèn?
- Chính tôi lấy. Tôi tình cờ thấy gói tiền ở chân cây đèn, khi vào quét dọn bàn thờ tổ.
Chú Xeng cầm tay Vạn kéo vào trong nhà.
- Tôi van anh, hãy để ông tôi sống yên ổn ở những ngày cuối đời. Ông tôi có tội đốt từ đường, trời đã đày, cụ tổ đã phạt ông tôi bao nhiêu năm. Ông tôi đã thành thực thú tội, trời đã tha, cụ tổ đã cứu ông tôi khỏi điên, giờ anh lại định làm gì nữa? Anh muốn bắt, hãy bắt tôi đây này. Ôi! Bao nhiêu năm nay cảnh gia đình tôi tan nát, ông tôi điên khùng, thằng con tôi ngã vào thùng vôi tưởng chết và tôi thì bị cụ tổ đày đoạ, tôi có tôi với ông Khiên. Khi thằng con tôi gặp hạn, đêm nằm nhắm mắt lại thấy rõ hình bóng ông Khiên hiện về. Ông Khiên bảo tôi " Mày là thằng ăn cắp, mày không thú tội con mày sẽ chết". Tôi hoảng quá giục nhà tôi sắm lễ sang từ đưòng tạ tội. Anh thấy đấy, thằng con tôi đã qua khỏi, lương tâm tôi thấy thanh thản.
- Anh nói toàn chuyện nhảm nhí - Nguyễn Vạn phủi quần ra về.
- Anh Vạn! Tôi nói thật...anh hãy tha thứ.
Nguyễn Vạn tập tễnh sang bà Khiên. Nhà vắng ngắt, mùi hương trong hậu cung từ đường toả ra thơm ngát, Nguyễn Vạn tập tễnh sang nhà chị Nhân. Bà Khiên và chị Nhân đang ngồi bên giường Hạnh. Hạnh nằm thượt trên giường, da xanh rớt, khẽ mở cặp mắt u tối nhìn Nguyễn Vạn.
- Các chị hãy để cho nó yên. Vạn nói. Sảy ra những việc tầy đình mà các chị giấu tôi.
- Tôi giấu chú chuyện gì? Bà Khiên hỏi.
- Có đúng là ông Xung đã thú tội đốt từ đường và tay Xeng ăn cắp tiền của chị?
- Tôi không biết. Bà Khiên nói. Tối hôm ấy bỗng dưng tôi thấy ông Xung vào hậu cung thắp hương và quỳ sụp xuống lạy, miệng lắp bắp "Con có tội, con là kẻ đã đốt từ đường... Con có tội..."Lúc đầu tôi ngỡ là ông Xung vẫn còn điên khùng nên không tin. Từ cái lần ấy tôi thấy ông ấy khỏi hẳn cái bệnh điên. Kể cũng lạ. Rồi lại đến cái thằng lớn nhà chú Xeng ngã xuống thùng vôi, chú Xeng bỗng dưng lại mắc cái bệnh y như bệnh ông Xung. Rồi một hôm lại thấy thím Xeng đùng đùng đội lễ đến khấn vái và đưa cho tôi ít tiền lạy van tôi nhận. Thím Xeng đã nói hết với tôi chuyện chú Xeng đã trót lấy số tiền của bố thằng Nghĩa, ông ấy giấu dưới chân cây đèn. Lúc ấy tôi chả còn hiểu thực hư ra sao, nghĩ hoàn cảnh nhà chú thím ấy thế ai lại nỡ lấy số tiền ấy. Thím ấy bảo "Bác không lấy, em sắm tiền, vàng và quần áo cho bác trai".
Xưa nay Nguyễn Vạn không tin vào thần thánh, chả lẽ những chuyện này lại là thực? Bà Khiên về, Vạn bảo chị Nhân ra nhà ngoài nói khẽ.
- Chị đừng tin chuyện nhảm. Con Hạnh, không có ma quỷ nào ám hết. Bệnh nó là bệnh tương tư. Nó nhớ thằng Nghĩa.
Nguyễn Vạn ngó quanh nhà, tránh ánh mắt u buồn của chị Nhân. Từ cái đêm mang cá rô về đây, Vạn thấy bứt rứt như có lỗi với con Hạnh. May là chưa xảy ra chuyện gì. Cũng chỉ tại mấy con cá rô lóc. Vạn thấy cần phải giữ mình giống như những cô gái giữ tiết hạnh vậy. Giữa hai người đàn bà, chị Nhân và mụ Hơn thì chị Nhân là thứ trái cấm nguy hiểm, còn mụ Hơn như một loài hoa có mùi hương quyến rũ đáng sợ như độc dược, Vạn không cho phép mình sa ngã để làm gương cho kẻ khác. Giữa thời buổi đàn bà con gái xa chồng cứ đầy ra đấy. Mình mà mắc thì mấy thằng máu mê ở làng này nó làm loạn....
Trên đường từ nhà chị Nhân về, Vạn cứ nghĩ miên man. Ra tới cầu Đá Bạc, Vạn phanh ngực áo đón làn gío từ Bến không chồng thổi lên mát rượi.
Vừa đi Vạn vừa nghĩ cả làng Đông này ai cũng nghĩ được như Vạn thì đâu đến nỗi lắm chuyện rắc rối. Vạn thấy giận lão Xung quá, giận cả mẹ thằng Nghĩa, giận cả chị Nhân, giận con Hạnh. Như Vạn, nửa đời rồi Vạn đâu có nghĩ đến bản thân mình. Vạn đi ngang qua ngõ nhà Thới chủ nhiệm, nghe tiếng cười nói oang oang lẫn tiếng đục gỗ chan chát. A, nhà Thới hôm nay cất nhà. Vạn thập thễnh bước vào sân đứng chắp tay sau đít, mắt quan sát đám cất nhà náo động cả xóm thôn. Thấy Vạn mọi người đều hướng cặp mắt nhìn Vạn chằm chặp. Vạn cứ đứng sững giữa sân nhà Thới chủ nhiệm, nghiêng người kiêu hãnh. Mọi người đon đả mời chú Vạn, mời bác Vạn, mời ông Vạn xơi nước. Chủ nhiệm Thới vội vã tụt từ trên nóc nhà xuống nhanh nhảu chạy tới nắm chặt cổ tay Vạn:
- Em mời bác ngồi xơi nước!
- Mặc tôi! Cặp mắt Vạn bỗng vằn đỏ lên. Anh Thới ạ, anh không xứng đáng làm chủ nhiệm. Dân tình đang nước sôi lửa bỏng anh lại tính chuyện làm nhà riêng cho mình. Anh hư hỏng mất rồi anh Thới ạ!
Vạn nói rồi quay ngoắt người lập cập bước ra ngõ. Mẹ kiếp, không lo đánh giặc thì ổ rơm cũng không có mà nằm. Ngữ ấy cứ phải tống ra mặt trận cho nếm mùi bom đạn.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×