Chốn vắng - Chương 8 (Dương Thu Hương)
Phương Như | Chat Online | |
12/07/2019 07:11:01 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
111 lượt xem
- * Chốn vắng - Chương 9 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 10 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 7 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 6 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
Vào những ngày cuối cùng họ chung sống, không người khách nào lai vãng. Kể cả những ông láng giềng nghiện trà và thích đánh cờ trên sân thượng nhà họ. Hoan vốn hiếu khách, không lúc trong nhà không có trữ trà ngon, các loại bánh để đưa trà và kẹo cho trẻ nhỏ. Khắp miền, chẳng ai thường xuyên đi đến các thành phố lớn như anh nên đồ thực phẩm dùng trong nhà anh sang trọng bậc nhất. Khi Hoan ở nhà, trừ những ngày mưa bão, không chiều nào vắng khách. Tuần lễ này, mọi người đều biến mất. Ngay khi lỡ gặp anh ở ngoài đường, họ cũng cất tiếng chào hối hả rồi rẽ sang lối khác. Sáng sớm, dì Huyên sang đón cu Hạnh và giữ nó cho tới trời tối mịt mới cõng trả Miên. Tất cả đối đãi với cặp vợ chồng trẻ như đối với tử tù trước giờ hành quyết. Anh hiểu rằng tuần lễ trăng mật muộn mằn này là bữa cơm thịnh soạn trước lúc họ phải rơi đầu. Thế nhưng Miên vẫn có một số việc phải làm trong những giây phút hiếm hoi ấy, khiến anh cảm thấy thời gian như bị đánh cắp. Một ngày, anh phải đưa chị đi mua vải mới, loại trang phục "thích hợp với hoàn cảnh mới" như chị nói. Miên may một lúc ba bộ đồ đen, hai bộ màu xanh dương. Chị cũng mua vài chiếc áo len dệt và một chiếc áo bông kiểu bà già, tất cả đều đen. Gương lược cũ lẫn mớ kẹp tóc rất đẹp anh mua cho chị ở các thành phố, cả những giải lụa màu và những dây thun buộc tóc, chị xếp lại nguyên vẹn trong chiếc hộp sơn mài. Rồi chị mua một chiếc lược sừng nhỏ với vài chiếc kẹp tóc rẻ tiền ngay trong cửa hiệu bán dầu hỏa, muối mắm cùng những thứ lặt vặt của xã. Và chị xếp tất cả vào chiếc hòm gỗ nhỏ, bằng thứ gỗ bộp, có nẹp nhôm to tướng với hàng mũ đinh thô bỉ quét sơ sài lượt véc-ni.
Hoan hỏi:
- Em có hai chiếc va-ly cơ mà... sao không đem một chiếc theo?
Chị đáp:
- Kệ em.
Vẻ mặt lì lợm của chị khiến anh không dám hỏi thêm. Khi những phút cáu bẳn đột ngột như vậy qua đi, vợ anh trở nên dịu dàng hơn bao giờ hết, không phải thứ dịu dàng của người đàn bà an nhiên trong hạnh phúc mà thứ dịu dàng đắm đuối rồ dại của kẻ sắp bị đuổi khỏi thiên đàng. Hàng giờ liền trong thâu đêm, chị vuốt ve không mỏi món tóc trước trán anh, vành tai anh, những sợi lông trên ngực anh, mụn ruồi sau gáy anh, phía trên đốt sống cổ. Ðôi khi chị nằm ép mình hàng giờ liền như con thằn lằn ép mình trong kẽ đá khiến anh tưởng chị ngủ nhưng bất thần chị len lén đưa tay quơ khăn lau nước mắt anh rờ mặt gối thấy ướt đầm. Những đêm ấy, tiếng gà rót từng canh, canh nọ gọi canh kia càng về sáng càng vội vã tới lúc bên ngoài trời chuyển sắc, sương trắng lặng tan và ánh lê minh nở dần trên nõn lá:
- Hoan, sau này anh có nhớ em không?
- Anh nhớ em từ bây giờ...
- Nhưng rồi anh sẽ quên... dần dà anh sẽ quên...
- Thế em cũng sẽ dần dà quên anh chứ?
- Không, không bao giờ...
- Vậy tại sao lại tin chắc điều đó ở nơi anh?
- Vì rằng... vì rằng...
Câu hỏi không tìm được hồi âm nhưng cứ lặp đi lặp lại một cách rồ dại mỗi đêm và khi ánh nắng rọi qua song cửa chiếu tới nơi họ nằm cả hai cùng choàng dậy. Hoan đi ra khép hai cánh cửa sổ:
- Quỷ thật, loại rèm này đẹp thật nhưng vô tích sự... biết thế mình mua thứ sẫm màu...
Anh lẩm bẩm khi kéo các tấm rèm lại, hình ren thêu nổi bật trong ánh ngày. Anh đã mua chúng cho cuộc sống yên vui xưa, không để cho cái tuần lễ trăng mật độc địa này, khoảng thời gian mà anh cầu mong mặt trời đừng bao giờ mọc.
- Em đi đâu?
- Em chạy sang nhà dì Huyên một lát.
- Em sang làm gì?
- Em nhờ dì thuê lũ trẻ hàng xóm lên núi cắt thạch trinh hương. Anh cứ nằm nghỉ thêm, chỉ mười phút sau em quay lại.
Thạch trinh hương là loài dương xỉ trên núi đá, lá dài nhọn như hoa lúa, thứ cây dành riêng cho những kẻ tu hành. Người ta cắt cỏ về phơi khô ém trong bồ, mỗi lần tắm lấy một nắm thả vào nồi nước đun sôi vài khắc là được. Thứ nước tắm nấu bằng thạch trinh hương là thứ nước tẩy trần, mùi hương ấy dành cho những ai từ bỏ cuộc sống dục tình và chốn đông vui để ẩn mình trên những đỉnh núi cheo leo, những am cỏ hoặc những ngôi chùa u tịch... vậy mà vợ anh tầm nó về phơi. Lẽ nào chị biết trước cuộc sống chung của chị và người chồng cũ là một cuộc cộng sinh không tình ái hay chị quyết sống với anh ta cuộc sống nữ tu dù thân xác bị trói buộc? Hoan không dám hỏi Miên vì rất có thể chị lại nổi khùng và đáp lại bằng cái điệp khúc chị vừa sáng tạo ra trong mấy ngày vừa qua: Kệ em!
Trưa hôm sau hơn một chục đứa trẻ gánh thạch trinh hương về, rải đầy ngõ lẫn sân khiến ngôi nhà họ giống như xưởng nhồi nệm cỏ. Từ bếp lên nhà, từ nhà ra ngõ giày dép đều mắc vào thứ dương xỉ thơm hắc này. Cứ hơn một giờ Miên đảo cỏ một lần, mùi nhựa cỏ bốc nửa như mùi mía lùi nửa như mùi thuốc bắc.
- Miên ơi.
- Em đây.
- Nhựa cỏ dây đầy các ngón tay em rồi... vất vả thế làm gì?
- Em cần mang cỏ theo đun nước tắm.
- Em mang xà phòng theo... tất cả là của em.
- Không.
- Những gì dưới mái nhà này là của chúng ta, chẳng riêng ai. Sao em cứ đặt bày như vậy?
- Em muốn thế.
- Ðừng muốn như vậy nữa, anh xin em.
- Không.
- Em ương bướng với anh để làm gì? Từ ngày chúng ta yêu nhau, chưa một lần anh bắt buộc em.
- Anh không bắt, nhưng em bắt buộc em.
- Em vô lý.
- Tất cả những gì có ở đây, trong ngôi nhà này là của con trai chúng ta... Nó mới chính là chủ nhân và em để lại tất cả cho nó...
Ra thế... đó là lý do khiến chị chuẩn bị cuộc ra đi giống cuộc ra đi của kẻ lưu đầy. Anh nhìn vợ thoăn thoắt chạy đi chạy lại đảo cỏ trên sân, muốn ứa nước mắt. Trò chơi cay nghiệt này của tạo hóa thật không chịu nổi.
Ðêm sau là đêm cuối cùng của họ.
Mặt trời đậu mãi trên rặng Trường Sơn không chịu lặn, và khi đã lặn những đám mây đỏ rực còn hắt sáng. Chưa chịu tắt. Hoàng hôn oi nóng, dài đặc như muốn trêu cợt hai kẻ bất hạnh. Miên không nấu cơm, giá có nấu cũng không ai nuốt nổi. Cu Hạnh ăn cơm chiều và ngủ bên dì Huyên.
- Anh có ăn cháo em bắt con gà?
- Ðừng... đừng tốn thời gian vào chuyện bếp núc.
- Anh có đói không?
- Không.
- Em nấu nồi chè đỗ xanh nhé?
- Em không làm gì hết... lại đây, chúng ta chẳng còn nhiều thời gian...
Anh nắm tay vợ, kéo xuống bên mình. Và họ nằm im lặng.
Ngoài kia, hoàng hôn đã tắt, trời tím khói chuyển sang tro sẫm. Không còn trăng và những vòm lá cam thu mình trong bóng tối. Sao Hôm cũng không mọc như mọi ngày. Căn nhà chìm trong bóng đêm. Ðêm như độc dược thấm thấu qua da thịt vào gân cốt, khiến họ bủn rủn chân tay, bải hoải tâm thần. Họ chẳng còn sức để khóc, để than thở, để ái ân. Những con sóng dục tình như ngọn triều đã rút lại để trên bờ cát rong rêu mệt mỏi. Nỗi buồn tựa loài dơi vô hình bay lượn, vỗ cánh quạt vào mặt họ khiến họ ngộp thở. Miên gối đầu lên cánh tay chồng, cả hai nằm đờ như khúc gỗ. Bóng tối mỗi lúc mỗi nặng dần trong tiếng rên rỉ của côn trùng, tiếng thạch sùng tắc lưỡi và thi thoảng tiếng chim đêm tác tác. Ðêm bước qua. Và trên lối đi, thần đêm rắc những cánh hoa bùa ngải dụ con người vào cõi mộng. Như thế, giờ lâu cặp vợ chồng mệt mỏi thiếp đi. Lúc gà gáy canh đầu họ giật mình tỉnh giấc, nhận ra họ đã bỏ bữa cơm tối và ngủ ngay không kịp mắc màn. Vài con muỗi vo ve mãn nguyện hẳn chúng đã tận dụng cơ hội hiếm hoi để kiếm một bữa no phè.
Miên ngồi lên trước:
- Em thắp đèn nhé.
- Ờ, em thắp đèn lên.
- Anh khát nước không?
- Khát, nhà mình còn nước sôi không nhỉ?
- Tối qua em chưa kịp đun.
- Ðể anh đun.
- Không, anh cứ nằm nghỉ thêm. Em sẽ đun tức thì.
- Ðược rồi. Chúng ta cùng xuống bếp.
Họ xuống bếp, nhóm lửa. Khi lửa cháy, bọt củi xèo xèo vào những đốm lửa than bắn tí tách bất chợt hai người quay lại ôm choàng lấy nhau:
- Hoan, anh có nhớ ngày làm căn bếp này không?
- Anh nhớ.
- Lúc đó, anh hứa với em điều gì?
- Ðiều gì vậy?
Hoan đưa tay nhè nhẹ vuốt lưng vợ, không hiểu vì sao chị lại nhắc anh cái kỷ niệm rực rỡ ánh lửa vào chính lúc này, lúc gà gáy canh hai và chỉ còn vài giờ nữa là chị ra đi...
Anh nhớ ánh lửa rừng rực trong căn bếp mùa Ðông năm trước, khi họ hoàn tất ngôi nhà chuẩn bị một bữa linh đình thết khách theo tục lệ: Tiệc rửa nhà. Hai vợ chồng anh đã lo mua sắm từ mấy hôm trước. Hoan nhờ người tìm một con bê béo làm món bê thui món mặn thứ nhất. Món mặn thứ hai là gà luộc lá chanh do Miên đảm nhiệm. Chị đã tầm các chuồng gà trong xóm đặt mua sẵn ba chục con gà mái tơ nhờ đám bạn gái làm. Món mặn thứ ba là cá thu khô hấp mỡ lợn với gừng do chính chị làm bởi dân Xóm Núi thèm ăn cá quanh năm bất cứ cỗ bàn hay giỗ chạp người ta cũng chọc đũa vào đĩa cá dù các loại thịt ê hề thừa mứa. Thêm nữa, Miên cũng sắm đủ thứ rau và thịt để làm thêm vài món xào và hai tô canh đặc biệt. Ðồ tráng miệng được chỉ định làm thứ bánh bột lọc, nhân đỗ xanh, dừa và vừng đen ngào nhuyễn. Những việc khó khăn nhất đã xong, đêm đó họ chỉ lo coi nồi bánh tét và đóng khuôn bánh in, thứ bánh làm bằng bột gạo nếp rang ngào đường nhân đỗ xanh nấu lẫn mứt bí, hạt dưa. Ðây là hai thứ bánh dùng chia phần cho những ai tới ăn cỗ, có chút quà cầm về cho con cháu ở nhà. Dẫu không phải món ăn chính trong bữa tiệc nhưng chẳng thể sơ suất. Ðêm ấy, Hoan đã thắp cây đèn măng-sông lớn trên chính cửa bếp, ánh sáng của nó đủ soi cho một đám cưới hoặc một cuộc họp trăm người. Lửa nấu nồi bánh tét hắt thêm khiến căn bếp sáng trưng. Bếp mới, vôi quét tường còn hăng, mọi thứ đồ gỗ sực nức mùi vẹc-ni, trông giống một phòng khách. Khác với đám nhà giàu Xóm Núi, những người thích xây năm gian nhà ở thật cao, tường dày, cột kèo thuần gỗ tứ thiết, ngói phủ nêm như ngói đình nhưng gian bếp chỉ nhỏ bằng nửa chuồng nuôi heo buồng tắm dài rộng cỡ vài sải tay lại xây cẩu thả tùng tiệm bằng những thứ vật liệu đầu thừa đuôi thẹo, Hoan xây gian bếp cũng như phòng tắm và vệ sinh bằng thứ vật liệu tốt nhất, xây cất kỹ lưỡng nhất, tốn kém nhất. Anh muốn gian bếp phải là nơi đẹp nhất sang trọng nhất và sạch sẽ nhất. Bởi đó là vương quốc của Miên. Anh không để vợ khổ sở như những người đàn bà thôn quê khác, đến bữa phải chui vào gian bếp thấp lè tè, cúi đầu chổng mông thổi lửa, nấu xong bữa cơm hai mắt nhòe nhoẹt vì khói. Anh cũng không muốn chị phải rửa ráy, tắm táp vội vàng trong căn nhà tắm sơ sài được che bằng vài tấm liếp vừa tắm vừa hốt hoảng vì sợ ai đó ghé mắt nhìn vội hoặc vị khách vô tình tìm nơi tiểu tiện lầm đường, hoặc đứa trẻ nào rình mò nhìn trộm. Những cảnh ấy quá quen thuộc nơi làng quê. Hoan là dân thành phố nên anh hiểu giá trị của tiện nghi và anh muốn người đàn bà của anh được hưởng tất thảy những gì chị đáng hưởng...
Thời trai, khi chuyến tàu ngược lên phương Bắc hú gọi anh chẳng mảy may để tâm tới chuyện áo cơm và những vấn đề thiết thực của đời sống. Anh hài lòng với số phận, chỉ mơ tưởng duy nhất thứ người đời gọi là sự nghiệp. Nhưng cái cây mộng tưởng ấy đột nhiên bị sét đánh gãy. Cuộc hôn nhân gian lận do mẹ con bà Kim Lan áp đặt khiến cuộc đời anh bẻ quặt sang ngả khác. Anh sang làng Bảo kéo vó. Anh theo học nghề buôn gỗ sau khi bị từ chối không được tòng quân. Chiến tranh xảy ra, anh cùng gia đình rời thành phố lên chân núi Trường Sơn. Trước khi chết ông giáo đột ngột gợi ý:
Này con, làm trang trại là một nghề vui. Tuy có nhọc nhằn nhưng nếu khôn ngoan biết tính toán thì nỗi cơ cực nơi sơn dã lại trở thành những thú vui chốn thị thành không mua nổi. Ở xứ ta, chưa ai làm nghề đó một cách tận tình. Thời xưa, chỉ bọn Tây mở đồn điền nhưng chúng tham quá, chúng không học được câu: Biết đủ, Biết dừng của người phương Ðông. Chúng hút mồ hôi người làm công quá sức nên trước sau cũng bại. Còn nông trường tập thể của nhà nước này là thứ trang trại không điền chủ, rắn không đầu làm sao bò nổi? Con hãy thử xem... hẳn sau này người ta phải cho mở trang trại tư nếu họ không muốn dân chết đói. Con sáng ý, có một ít kinh nghiệm buôn bán của mẹ con, có kiến thức về máy móc, có ý nguyện tự cường. Sớm hay muộn con cũng sẽ thành đạt...
Ðối với anh, mỗi lời nói thốt ra từ con người mảnh khảnh dịu dàng ấy là một huấn lệnh. Ông giáo chết chưa đầy nửa năm, anh đã lên đường tìm đất làm trang trại... và anh đã gặp Miên... anh đã thấy nửa kia của mình. May mắn là gì? Và rủi ro là gì? Nhiều lần anh nghĩ, và lần nào anh cũng thấy chúng không tách biệt rạch ròi. Sự nghiệp là gì? Cũng nhiều lần anh tự hỏi? Và anh phác họa những sơ đồ cho giải đáp: Nếu con tàu lên phương Bắc chuyển bánh suôn sẻ như mọi người dự tính, anh trở thành sinh viên đại học bách khoa. Một sinh viên giỏi có thể được giữ ở lại trường làm giáo viên phụ giảng rồi chính giảng, cũng có thể được cử đi học nước ngoài, khi trở về mang theo chứng chỉ tiến sĩ hoặc phó tiến sĩ được bổ nhiệm và nhận đồng lương theo thang bậc quy ước... rất có thể cái con người thành đạt kia sẽ phải đổi sự nghiệp trong tay bằng những năm dài tự giam mình giữa bốn bức tường phòng thí nghiệm hoặc mài đũng quần trong thư viện, bằng chỉ số cặp kính cận tăng lên đến mứa nếu bỏ kính ra anh ta sẽ hoàn toàn mù... cái kẻ thành đạt ấy hẳn không bao giờ nhìn rõ làn da thật của người đàn bà anh ta yêu vì chẳng thể đeo cặp kính dày cộm lúc làm tình, cũng có thể anh ta sẽ chẳng bao giờ đề cập đến niềm mê say ân ái vì cuộc sống mọt sách khổ sai làm gân cốt chùng nhão, và máu nguội lạnh đi. Không, cái giá đó anh không muốn trả. Sự nghiệp, giấc mơ long lanh ấy cũng giống ánh sáng hắt lên từ mảnh vỏ trai, vẻ đẹp trang trí không thể thay thế cuộc đời. Hoan biết trời đã cho anh tìm được người đàn bà của anh, anh hài lòng với số phận, anh muốn tận hưởng những nguồn vui lương thiện và lành mạnh. Những nguồn vui giản dị, thậm chí nhỏ nhặt như người đời thường gọi. Anh muốn được thấy Miên đi lại trong một gian bếp sang trọng hơn phòng khách của người khác, với những thứ đồ gia dụng thật sạch và đẹp. Anh muốn chị mặc những bộ quần áo bằng lụa mỏng đứng trước ngọn lửa bếp, với thứ ánh sáng ấy làm gương mặt chị sáng ngời, thân thể chị mềm mại và rực rỡ như lửa. Anh muốn họ thết khách quanh chiếc bàn hình bầu dục, đủ một lần cho hai mươi người. Vì thế anh đã tự vẽ kiểu và thuê người đóng bàn ăn ngay khi chưa xây móng gian bếp. Anh cũng tự mua tủ đựng bát đĩa và giá đặt các loại xoong nồi, hài lòng vì Miên sung sướng. Dù đã có một thời thơ ấu gian nan nhưng vợ anh không thích cóp tiền. Giống như anh, chị thích đãi khách, thích ngôi nhà họ tưng bừng vui vẻ và cái không khí hội hè đó làm cho cuộc sống của họ nơi Xóm Núi chẳng kém náo nhiệt so với đời sống của đám dân phố phường...
Cái buổi tối hai người vừa canh nồi bánh tét, vừa đóng khuôn bánh in như mới xảy ra hôm qua. Ánh lửa rạng rỡ, mùi thơm của nồi bánh tét đang sôi ầm ĩ trên bếp, mùi thơm của bột nếp rang của đỗ xanh ngào đường, với những lời thủ thỉ của Miên. Vào lúc nồi bánh tét đã sắp đủ độ rền, phải cời bớt lửa chị bỗng cất tiếng hỏi:
- Em đố anh mình sẽ có bao nhiêu con?
- Trời cho bao nhiêu được bấy nhiêu, đất còn rộng tha hồ lập trại.
- Sao lại trời? Có hay không do mình định chứ?
- Do mình nhưng cũng phải được trời ưng thuận.
- Anh không sợ người đời chê cười hay sao?
- Không, anh là dân thường, chẳng phải quan nha, chẳng cần chức sắc anh đẻ con theo ý muốn.
- Anh muốn bao nhiêu?
- Anh muốn đủ hai trai hai gái, ta sẽ lập thêm vài khu trại nữa và khi về già sống với đứa con út.
Hoan nói xong, đưa mắt nhìn vào mắt vợ. Miên đỏ ửng mặt, cụp đôi mi xuống cúi đầu dỗ bánh (gõ bánh in-bánh khảo cho rơi khỏi khuôn) không nói gì thêm. Dù lấy nhau đã lâu nhưng chị vẫn thường đỏ mặt trước những lời yêu đương của anh khiến anh cảm thấy chị vẫn chưa hết lớn, còn ngây ngô thiếu nữ và nỗi e thẹn dai dẳng đó khiến chị thêm phần quyến rũ. Hoan biết rằng không cứ loại đàn bà trơ trẽn như cô Kim Liên mà có vô số những kẻ khác cũng thiếu hụt cái bản tính trinh nữ trường cửu, và điều đó biến họ thành một thứ lụa nhung bị rụng hết tuyết, một loài bướm cánh bị cạo hết lớp phấn màu...
Lúc đó, anh đã nhìn chăm chắm gương mặt hồng rực của Miên rồi đưa ngón tay lên khẽ cọ vào má chị:
- Thế còn em? Em muốn bao nhiêu? Bốn, năm, sáu, bảy hay làm cả tiểu đội đủ mười hai đứa cho tiện?
Và vợ anh, mặt càng đỏ tía lia, nguây nguẩy lắc đầu:
- Em làm sao biết được? Mọi việc là tùy ở anh chứ?
Vẻ ngượng ngùng của chị khiến anh trào lên một cơn yêu không thể kìm giữ, anh vồ lấy vợ hôn ngấu nghiến và họ ái ân ngay trên sàn bếp dù chị từ chối, chống đỡ một cách yếu ớt và vô hiệu...
Sao bỗng dưng Miên nhớ lại kỷ niệm đó? Phải chăng vì họ đang ngồi trong chính không gian cũ, và chỉ vài giờ nữa họ sẽ phải chia ly... hay chị hối hận đã không kịp đẻ thêm một đứa con nữa sau đứa con trai đầu lòng? Thực ra, hai người đã trù tính tích lũy thêm tài sản chờ năm sau, khi cu Hạnh lên sáu họ sẽ cho ra đời đứa thứ hai. Cuộc sống lứa đôi đã được hoạch định trước khi sự chia lìa đổ ập xuống.. Hoan vẫn không ngừng vuốt lưng vợ, nói:
- Anh hứa với em rằng, chúng ta sẽ có đủ bốn đứa con cho đầy mâm cỗ. Lời hứa ấy vẫn còn. Anh mắc nợ em ba...
Miên bổ nhào vào lòng chồng, ôm chặt lấy anh. Mạch đập nơi ngực chị dội sang tim anh từng nhịp. Rồi tiếng nước sôi trào xuống lửa xèo xèo khiến người đàn bà bừng tỉnh. Chị gỡ tay anh:
- Nước sôi rồi, để em rót vào phích.
Gương mặt chị không vết nước mắt, trầm tĩnh, có một vẻ xa xôi mà anh không dò đoán nổi.
- Mình uống trà ở đây nhé?
- Cũng được.
- Em muốn thêm một lần nữa trong gian bếp này.
- Anh lên nhà lấy trà.
- Em thắp mấy ngọn đèn cầy lên đã.
Khi Hoan mang trà và mấy gói bánh từ nhà xuống. Miên đã tắt cây đèn dầu để thắp một giá nến đủ năm ngọn. Chị thích câu ngạn ngữ: Sống dầu đèn, chết kèn trống. Ấy là lý do khiến đám đàn bà đố kị thường gọi sau lưng chị là "Con đàn bà hoang tàng," còn anh, anh tự nhủ rằng vợ anh là người quý phái bẩm sinh. Thời thơ ấu cam khổ chẳng để lại dấu vết nào trên gương mặt trong phong thái sinh hoạt cùng dáng đi nét đứng của chị. Hồi họ mới lấy nhau, đang dang dở cuộc chiến tranh, cuộc sống vật chất vô chừng kham khổ nhưng anh thấy Miên chấp nhận sự khổ ải đó với một phong cách khác biệt mọi người. Chị chẳng than phiền, cũng không bực dọc, cũng chẳng cúi đầu lầm lũi cam chịu như vẫn sẵn sàng thú nhận rằng cuộc sống tăm tối cam khổ là lẽ đương nhiên của kiếp người. Miên có thể ngồi ăn bát khoai khô với vẻ thanh thản, nhai ngẫm ngon lành như đó chẳng phải thứ khoai ngô nấu với đậu cua mà là một món ăn hoàng tộc. Một hạt sạn nhỏ xíu, một mảy trấu lẫn trong cơm chị cũng nhằn ra bằng được và chị làm động tác đó thật ung dung, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước như loài hạc tiên luôn ngẩng cổ cao nhìn trời để tìm khoảng không gian tiền kiếp của mình.
- Anh muốn ăn chè không?
- Ăn bánh đậu cũng đủ rồi. Anh không thấy đói.
- Anh lấy loại trà nào vậy?
- Trà nhà em ướp.
Miên đi tới tủ bát đĩa, lựa chiếc đĩa sứ trắng viền chỉ vàng chuyên đựng bánh uống trà. Ðoạn chị lấy tấm khăn bông lau đĩa rồi bóc bánh, xếp vuông vắn. Xong xuôi, chị tráng ấm pha trà. Trong lúc Hoan lặng lẽ chống tay lên cằm chờ đợi:
Miên ơi, rồi em sẽ sống ra sao trong căn nhà mới, không phải nhà mà chỉ là gian buồng lợp tranh tăm tối, bên cạnh một người đàn bà bẩn thỉu buông tuồng và nghèo khổ nhất vùng. Nơi đó, làm sao có được một gian bếp tử tế cho em nấu ăn, có lẽ cũng chẳng có nhà vệ sinh và phòng tắm... tính em sạch sẽ, liệu em có chịu nổi một cuộc sống thiếu đến những điều kiện tối thiểu như vậy không?
Anh nhìn tấm khăn bông trắng muốt trên tay vợ, nhìn động tác chị gấp nó làm tư và đặt lại vị trí cũ, cách chị kéo tấm cửa kính tủ đựng bát đĩa, cách chị vén tà áo trước khi ngồi xuống ghế đối diện với anh... tất thảy đều đẹp và chua xót.
- Anh uống đi, trà đã ngấm.
- Ờ, em cũng uống đi.
- Nhài chưa thật ngấu.
- Thế cũng thơm lắm rồi. Bụi nhà nhà mình dạo này nhiều hoa không nhỉ?
- Lạ thật, hoa thơm điếc cả mũi hàng xóm mà anh không ngửi thấy ư?
- Ừ, có thể là anh quên... mà quanh năm hết hoa bưởi hoa ngâu hoa lan lại hoa nhài hoa sói... anh cũng chẳng phân biệt được. Anh không phải là người có tuổi chó nên mũi không thính lắm... bánh có ngon không?
- Ngon anh ạ, chỉ phải cái hơi đậm đường.
- Ừ, họ ngào nhiều đường để bánh lâu mốc... thế nên anh vẫn thích ăn bánh em làm hơn.
Miên im lặng. Mỗi lần anh khen, chị thường giữ im lặng. Không từ chối, không lên tiếng cám ơn, chị cúi đầu ngượng ngùng và thầm sung sướng. Ðó, chính là người đàn bà của anh. Của riêng anh. Những lúc họ làm tình, vào khoảnh khắc tột vời của đam mê chị vẫn im lặng như thế, chỉ hơi thở là dồn lên và đôi lần anh thấy cặp môi xinh xắn của chị hé ra.
Chuông đồng hồ trên nhà thong thả gõ bốn tiếng. Chuông vừa dứt, gà trong chuồng gáy ran. Hai người nhìn nhau. Hoan thấy rõ nét thê lương hiện lên trong mắt vợ:
- Em uống thêm chén trà nữa đi.
- Em uống đủ rồi.
- Em đã chuẩn bị đủ những thứ cần mang theo chưa?
- Dạ đã đủ.
- Anh kiểm tra giúp xem còn thiếu gì không nhé?
- Không cần đâu anh.
- Thôi được, nhưng có một yêu cầu.
- Yêu cầu gì vậy?
- Em hãy chấp thuận trước khi nghe anh, anh xin em.
- Không, anh nói đi đã.
- Miên, anh đã xin em rồi.
- Em không thể chấp nhận điều em chưa biết.
- Vì thế, anh mới cất tiếng xin em. Ðây là lần đầu tiên anh xin em, kể từ khi chúng ta lấy nhau.
Miên im lặng hồi lâu, rồi nói:
- Thôi được, em chấp nhận.
Hoan nắm cổ tay vợ:
- Ngôi nhà này bao giờ cũng là của em, và toàn bộ tài sản chúng ta có được cũng là của em. Em có thể về lấy chúng đi bất kể lúc nào.
Miên rút phắt cánh tay đứng dậy:
- Không được, em không thể làm như vậy được.
- Như vậy, em là người thất hứa. Em không tôn trọng danh dự của chính mình...
- Mọi chuyện khác em có thể nhân nhượng... nhưng nhà cửa và tài sản... tất thảy những thứ đó là của cu Hạnh, con trai chúng ta...
- Con trai em từ máu thịt của em mà ra. Nó còn quá nhỏ. Nếu khôn lớn, nó cũng không cam lòng nhìn mẹ đẻ của mình sống một cuộc sống khổ ải... thêm nữa, con trai em chính là con trai anh, nếu nó đủ nhẫn tâm sống sung sướng khi mẹ thiếu thốn nó không còn xứng đáng là con anh và trong trường hợp ấy anh sẽ đuổi nó ra khỏi cửa...
Giọng Hoan rắn đá và căng thẳng, khác hẳn lệ thường. Và đôi mày lưỡi kiếm của anh vếch cao hơn trên vầng trán rộng. Vẻ cứng cỏi bất chợt đó khiến Miên nhụt chí. Chị buông thõng hai cánh tay, không còn giữ được bộ mặt gan bướng. Hoan kéo tay vợ ngồi xuống và hạ giọng:
- Anh biết em yêu con, muốn hi sinh tất cả cho con, nhưng làm người phải biết cho và biết nhận. Nếu em không chấp nhận tình yêu của bố con anh, em là kẻ bạc tình... dù em không còn là vợ anh nữa, nhưng mãi mãi em vẫn là mẹ của con trai anh. Cu Hạnh không thể có một người mẹ đói khát lam lũ.
Anh đứng lên:
- Chờ anh một phút, anh quay lại bây giờ.
Anh đi lên nhà trên. Vài phút sau anh quay lại với gói vuông vắn như viên gạch nhỏ, bên ngoài bọc ni-lông và chằng bởi những sợi dây cao-su:
- Ðây là tiền anh chuẩn bị cho em mang đi. Em hãy chú ý ăn uống đầy đủ vì đàn bà đã qua sinh nở dễ xuống sức. Người ta chẳng phải thánh thần, không thể ăn hương và ngửi gió mà khỏe mạnh được. Trong trường hợp cần nữa, em hãy về nhà lấy thêm. Ở đây, mỗi tấc đất mỗi viên gạch đều có mồ hôi của em. Chúng ta có một số tài sản kha khá. Sau khi em đi rồi, anh sẽ thuê quản gia lên đây coi sóc nương trại. Anh xuống phố mở lại cửa hàng với chị Châu. Dì Huyên sẽ trông coi cu Hạnh. Anh ngừng lại một lát, rồi thêm:
- Em biết đấy, anh không thể nào ở lại đây... anh không thể...
Miên nhìn anh, bất chợt mắt chị lóe lên những tia sáng điên cuồng hoảng loạn, rồi chị gục mặt xuống hai cánh tay khóc rồ lên như đứa bé.
Sáu giờ rưỡi sáng, chuông vang lên ngoài cổng.
Miên bảo Hoan:
- Em đi đây... thôi anh đừng bước ra.
- Cũng được.
- Anh vào giường ngả lưng cho đỡ mệt.
- Cũng được. Ðể anh mang chiếc hòm cho em.
- Không, em xách được.
- Thế anh xách bị cỏ khô cho em vậy.
- Không, cỏ nhẹ bổng, chẳng ăn thua gì.
- Em làm sao xách một lần cả hai thứ?
- Em sẽ mang làm hai lượt.
- Sao em cứ thích hành hạ mình?
- Em muốn thế... kệ em...
Chị lại nổi cơn gan bướng lên. Cặp mắt sưng húp lại ửng đỏ.
- Thôi được, anh vào buồng đây.
- Em ra mở cổng.
Chị xách bị cỏ khô ra trước rồi quay vào đưa chùm chìa khóa cho anh:
- Anh giữ lấy khóa.
- Ðấy là phần của em. Nhà ta có hai chùm mà...
- Không, bây giờ em đã hết quyền giữ khóa.
Chị đặt chùm chìa khóa lên chiếc kỷ thường đặt cây đèn đêm rồi quay ngoắt lưng bước ra:
- Thôi em đi.
Anh thấy bóng chị vút qua khuôn cửa buồng trong chớp mắt. Anh nằm vật xuống giường, nghe cánh cổng quay ken két vọng vào. Không có tiếng đối thoại. Miên đã trở về với người đàn ông kia trong sự im lặng đó. Chỉ có tiếng lao xao của những đám lá tre rụng bị gió lùa, hoặc tiếng chân họ khua động hoặc chính anh tưởng tượng ra thứ âm thanh đó... Phải chăng tiếng xào xạc kia chính là vọng âm của một hạnh phúc đã ở sau lưng mà đam mê còn phía trước?
Ta sẽ sống ra sao bây giờ... ra sao, ra sao?
Hoan tự hỏi.
Và không thể tự trả lời anh chạy nhào ra sân, hối hả trèo lên cây cầu thang sân thượng. Trên cao, anh nhìn thấy người đàn bà của anh cùng người đàn ông kia đi trên đường làng. Chị xách chiếc hòm đi trước, anh ta xách bị cỏ khô theo sau, người nọ cách người kia chừng dăm bước chân. Miên nghếch mắt nhìn thẳng, cổ vươn cao, lưng dựng đứng. Trong dáng đi ấy, chị đang hướng tới cõi riêng của chị. Cõi ấy, thuộc về anh và đứa con trai. Hoan tin chắc điều ấy. Người đàn ông xách cỏ lầm lũi phía sau kia có biết điều đó chăng? Liệu anh ta có hiểu rằng anh ta sẽ phải chung sống với một người đàn bà thuộc về một cõi khác và anh ta chẳng có chỗ trong cõi ấy, hoặc anh ta tin vào khả năng chinh phục lại của bản thân?
Kẻ yếu có sức mạnh và mánh khóe riêng của họ. Sức mạnh ấy dựa trên lòng trắc ẩn của người đời. Biết đâu, mưa dầm lâu thành lụt, sự tận tụy và niềm đam mê của anh ta lại chẳng khơi được ngọn lửa trong tro tàn của mối tình đầu?
Hoan nghĩ, và bất giác lòng ghen tị chọc một mũi kim vào tim anh... mối tình đầu... bao nhiêu cuốn sách đã mô tả các trạng thái, và sức sống tiềm tàng của nó... dầu sao chăng nữa, giờ đây, người đàn ông kia cũng được sống với Miên, đàng hoàng trong tư cách ông chồng. Còn anh, anh sẽ sống ra sao? Anh biết sống làm sao?
Anh đứng nhìn theo tới lúc hai người kia khuất sau các khu vườn mút tầm mắt mới xuống thang. Ngôi nhà rộng hoang rộng huếch như anh chưa từng xây một ngôi nhà thừa không gian như thế. Anh bất chợt bắt gặp bóng mình trong gương, một gã đàn ông vậm vạp, có gương mặt ngơ ngác và dáng vẻ của một con gà chiếp lạc bầy...
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!