Chốn vắng - Chương 9 (Dương Thu Hương)
Phương Như | Chat Online | |
12/07/2019 07:11:19 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
197 lượt xem
- * Chốn vắng - Chương 10 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 11 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 8 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 7 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
Miên... Miên ngồi xuống đây.
Bôn đặt bị cỏ vào góc buồng, đoạn lấy chiếc may-ô cũ lau lại mặt ghế. Cặp ghế gỗ của già Ðọt cho, cùng chiếc bàn cũ từ thuở cha mẹ anh còn sống vừa được chàng Xá chột sửa lại mộng và thay cặp chân mới. Nước gỗ mun đen vá đôi chân trắng lốp trông như con lừa khoang vừa buồn cười vừa vui mắt. Bôn xin Xá chiếc bình đất nung anh ta ném lăn lóc trong xó bếp đem về cọ rửa sạch, đặt lên bàn, cắm vào đó mấy bông hoa riềng đỏ lẫn mấy cành thạch thảo khiến gian buồng tưng bừng rạng rỡ hẳn lên. Ngày trước, tiểu đội trưởng dạy:
Dân quê các cậu cứ lấy câu ăn chắc mặc bền mà dọa thiên hạ. Người ta cần no cơm ấm cật thật. Nhưng cũng còn cần nhiều thứ khác. Con hổ, con hươu, loài chồn, loài khỉ cũng tự tạo cho chúng được no và ấm dù chúng không cấy lúa dệt vải như người. Con người là loài khác, vì thế phải biết cần những thứ khác thú vật.
Bôn thầm cám ơn người đã chết bởi nhờ vài cành hoa riềng đỏ với mấy bông thạch thảo li ti tím kia mà gian buồng của anh bớt đi vẻ lạnh lẽo, nghèo nàn. Anh tự hài lòng với mình:
Rồi ta sẽ cắm hoa ngày ngày, ta sẽ trồng một luống hoa trong vườn nhà và bẻ hoa trang hoa cúc dại trên đồi. Ta sẽ trang trí căn buồng này cho xứng với cuộc sống mới. Ta còn trẻ và ta có thời gian.
Và lúc nghĩ điều đó, anh không khỏi thoáng qua niềm kiêu hãnh thầm nghĩ: Anh bằng tuổi Miên, trẻ hơn người đàn ông kia bảy tuổi. Tạo hóa cho anh gần một thập kỷ để anh chiếm lĩnh lại những gì đã mất và xây đắp những gì muốn xây đắp. Ấy là ưu thế độc nhất anh có thể tìm được cho mình.
- Miên ngồi xuống cho đỡ mỏi.
Bôn nhắc lại lần thứ hai, vẻ như chủ nhà mời khách hơn là chồng nói với vợ. Chẳng hiểu sao, mỗi lần định há miệng định gọi Miên là em anh vẫn cứng lưỡi lại. Một nỗi rụt rè, một thoáng nghi hoặc nào đó khiến anh không thể xác lập được cách xưng hô... Mười bốn năm trước, Miên đã thắp hương thề trước cây phượng già rằng sau hôn lễ chị sẽ gọi Bôn là anh. Giờ đây, cây phượng nhân chứng cho lời thề năm xưa vẫn còn, vẫn đâm bông đỏ rực nhưng anh đã mất niềm tự tin ngày ấy... Họ bằng tuổi nhau, đó là sự đã rồi, nhưng còn lẽ khác, anh không dám cắt nghĩa...
- Khát nước không Miên?
- Em không khát.
- Ðể tôi đặt chiếc hòm của Miên lên kệ gỗ.
- Ðược rồi.
- Miên ngồi đây.
- Dạ.
- Tôi đón Miên sáng sớm để thiên hạ khỏi tò mò thóc mách.
- Dạ.
- Dù sao... thì cũng đã hơn mười bốn năm, chúng ta phải bắt đầu lại cuộc sống.
- Dạ.
- Tôi biết Miên rất có tình với tôi. Ở đằng kia, Miên sống rất giàu... và rất đầy đủ.
- Cũng không sao.
- Nhưng chúng ta còn trẻ, chúng ta có thể làm giàu với đôi tay mình.
-...
- Tôi rất yêu Miên.
-...
- Tôi muốn... tôi muốn chúng ta... như ngày xưa...
Nói tới đó, thốt nhiên anh tắc họng...
Như ngày xưa...
Lời ước ấy khiến anh trào nước mắt. Ngày xưa, anh không có gì ngoài tuổi trẻ, sức trẻ và tình mê say người con gái kiều diễm nhất vùng. Nhưng bây giờ cô ấy đã trở thành người đàn bà cao lớn hơn, lộng lẫy hơn, quyến rũ hơn... giàu sang và xa lạ hơn cả ngàn lần. Sao cô ấy không nói gì ngoài những tiếng: Dạ điểm nhịp và sự lặng im? Anh biết đó là tiếng đáp làm vì, là thứ lời không nghĩa. Miên ngồi yên trên ghế, đưa mắt nhìn gian buồng. Chẳng có gì đáng kể nhưng anh đã xây tường ngăn, có liếp chắn bên trên, để cuộc sống lứa đôi của họ hoàn toàn biệt lập với mẹ con Tá. Cánh cửa gỗ đã được thay và bạn anh, Xá chột đã dốc cả lọ vẹc-ni của anh để đánh bóng. Bôn cũng đã mua ổ khóa. Xá chột lại cho anh tiền mua chiếc giường đôi mới gắn hộp gỗ ở đầu giường. Ðấy là chỗ cho Miên cất gương lược kim chỉ, những thứ đồ vặt vãnh của đàn bà và anh dự tính họ sẽ chụp ảnh chung lồng kính đặt trong đó. Chiếu trải giường mới tinh, cuối giường là chiếc màn nguyên nước hồ và tấm chăn in những bông thược dược. Tất cả sự cố gắng của anh, tình yêu, niềm trìu mến và những đồng tiền dành dụm sau một cuộc chiến. Liệu chị có hiểu được điều đó không?
- Tôi đun nước Miên uống nhé?
- Em không khát. Nếu khát em sẽ đun... Chị Tá với lũ trẻ đâu?
- Chị ấy đưa lũ trẻ sang nhà già Ðọt từ chiều qua, mai mới về.
- Chúng ta sẽ nấu chung căn bếp với mẹ con chị ấy phải không?
- Ừ, trước mắt ta tạm dùng chung căn bếp cũ. Sau này làm ăn khấm khá...
Miên đứng dậy đi lại góc buồng, lật nắp chiếc chum sành:
- Gạo vẫn đựng trong chiếc chum này phải không anh?
- Ừ, sao Miên biết?
- Vì mùi gạo mới mà mùi chum đầy mốc bụi. Sao anh không lau sạch chum trước khi đổ gạo vào?
- Tôi vội... tôi quên...
Bôn lúng túng. Trong mọi sự chuẩn bị để đón Miên về anh đã quên rằng Miên rất sạch. Chị không chịu được sự bẩn thỉu và coi đó như một đặc tính chung ai ai cũng phải chấp nhận. Khi về làng, Bôn mới biết rằng sau khi anh nhập ngũ, Miên đã trở về dì Huyên, ngay không giây phút chần chừ. Chị không chịu được gia đình Tá, không chỉ sự dơ dáy trong tâm tính mà cả sự bẩn thỉu toát ra đầu tóc, quần áo, da thịt người chị ruột của anh. Bôn nhìn Miên, hai tai nóng bừng. Chị vẫn đứng quay nghiêng lại phía anh cúi đầu nhìn vào chum gạo. Chiếc chum đó, họ đã đựng gạo hồi cưới nhau. Mười bốn năm qua, nó vẫn còn. Dạo chiến tranh, người ta lăn mọi thứ chum vại xuống hố hoặc xuống ao. Hết thời bom đạn, họ lại móc chúng lên. Những thứ đồ đất nung này thiên niên vạn cửu như khí cụ bằng đá của người nguyên thủy.
Bôn không chỉ coi nó là một kỉ niệm của cha mẹ anh để lại mà cũng là kỉ vật từng chứng kiến những ngày ái ân của họ trước kia... Nhưng với Miên, có lẽ đó chỉ là thứ đồ cóc cáy, xoàng xĩnh và hết sức bẩn thỉu.
Tại sao ta không lau rửa cho đàng hoàng trước khi đổ gạo. Ta thật vô tích sự...
Anh thầm chửi rủa mình khi nhìn đôi mày Miên cau lại trên tinh mũi. Anh vội nói:
- Ðể anh... để tôi lau lại. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ có năm cân gạo thôi...
Miên không đáp, chị lẳng lặng vần chum gạo ra giữa căn buồng rồi gọi:
- Anh tìm cái thúng đem ra đây.
Bôn lao sang buồng Tá, đổ mớ quần áo của lũ trẻ ra mới tìm được chiếc thúng lành. Anh đem trở lại. Miên đổ gạo ra thúng. Bôn nhìn hai tay Miên vốc gạo, thầm nghĩ:
Số gạo kia không đủ ăn một tuần. Sau đó ta sẽ sống bằng cách nào đây? Ta đã tiêu đến đồng bạc cuối cùng. Vài tờ giấy lẻ sót lại trong túi chỉ đủ mua hai gói thuốc lá. Nhưng không thể không mua gạch sửa lại gian buồng, không thể không mua đôi chiếu mới và sắm chăn màn mới. Ðó là những món chi tiêu bắt buộc. Ðể làm đẹp lòng Miên. Có Miên, rồi ta sẽ có tất cả. Ta sẽ vay tiền Xá chột, Bình kều hay già Ðọt để làm vốn canh tác và sống trong thời gian trước mắt. Mọi thứ sẽ toan tính sau...
Miên gọi:
- Nào anh vét nốt gạo ra.
- Tôi làm ngay đây. Xong rồi.
- Anh vần chum ra sân phơi cho hết mọt. Khi nào chum nóng rẫy, mọt mới chết hết được. Sau đó hãy lấy giẻ lau.
- Ðược rồi.
- Phải sàng sảy lại chỗ gạo này... nhà chị Tá có sàng sảy không?
- Có... Hình như có. Miên để tôi đi tìm.
Anh xuống bếp, không muốn Miên phải thò tay đụng đến mớ gia tài mục nát của Tá. Quả nhiên, anh bới toát mồ hôi mà không tìm được cái dần hoặc cái sàng nào nguyên vẹn. Tất thảy đều đã hư hỏng, không tuột vành cũng gẫy nan. Bôn cảm thấy ánh mắt Miên đang nhìn anh ẩn chứa sự khinh bỉ. Anh biết sự khinh bỉ ấy không chỉ riêng Miên có. Cả làng này, đàn ông lẫn đàn bà đều khinh bỉ người chị ruột của anh. Nhưng riêng sự khinh bỉ của Miên khiến anh đau và nhục. Hai mang tai nóng ran lên, anh quay lại, lắp bắp:
- Miên chờ tí... tôi sang hàng xóm mượn.
Lát sau, Bôn quay về, thấy Miên đang cặm cụi nhặt những hạt thóc và sạn lẫn trong gạo. Chị lặng thinh đỡ bộ dần sàng trong tay anh, bắt đầu làm công việc của người đàn bà xứ quê một cách nhẫn nại. Anh đứng nhìn chị ngỡ như mơ...
Người đàn bà đang ngồi sàn gạo trước hiên kia là vợ anh, là người đàn bà của anh người anh yêu mê, ngưỡng vọng đã ở dưới mái tranh này, bằng xương bằng thịt, món tóc tơ trước trán, cái gáy trắng hồng hở ra dưới búi tóc gài cây trâm sừng, da thịt nõn nà như chẳng phải da thịt người mà thịt da tiên nữ. Từ nơi chị ngồi đến chiếc giường đôi mới kia chỉ vài bước chân. Những bông hoa thược dược sẽ trả lại cho anh tuổi trẻ đã mất. Ðêm nay họ sẽ cùng nhau. Ðêm nay, anh sẽ uống thỏa thuê cơn khát mười bốn năm ròng.
- Gạo nhiều sạn quá.
Chị cất tiếng đột ngột khiến Bôn giật mình. Anh cười:
- Tôi đàn ông, đàn ang chỉ mua được thứ gạo ấy thôi. Từ rày về sau Miên sẽ mua.
Nhưng ta lấy đâu ra tiền cho Miên mua gạo và đi chợ? Không lẽ vay mãi Xá chột? Cậu ấy chẳng giàu có là bao, lại ba đứa con lóc nhóc. Xá đã tặng mình cặp chân ghế lẫn cánh cửa, cho vay tiền mua chiếc giường đôi, sao phiền nhiễu thêm được. Ngoài Xá chột, còn có thể trông cậy vào ai? Chính quyền ư? Sự giúp đỡ tới đó là chấm dứt, xã còn cả đống gia đình thương binh liệt sĩ, đồng tiền bố thí bao giờ cũng là vốc tiền xu. Ta còn có thể hỏi già Ðọt, người đã bao dung mẹ con Tá ngần ấy năm ròng. Nghe nói hồi trẻ bà có nhan sắc và rất phong tình, khối đàn ông mê mẩn cho tiền bạc. Ta cũng có thể đến hỏi Bình kều... Dẫu sao cũng phải có tiền để sống. Ngày mai, không lẽ ăn cơm với muối rang, con gà nhép kia kho mặc cũng chỉ được hai bữa...
Bôn đưa mắt liếc con gà nhép trong lồng, chỉ độ bảy tám lạng thịt, luộc lên khéo không đầy một đĩa, nhưng anh sẽ bảo Miên rang mặn để ăn cho đủ một ngày. Con gà ấy không phải anh mua là gà nhà Xá. Cô Soan, cô vợ thơm thảo của Xá đã vào vườn bắt cho anh để "làm bữa cơm đón nàng về dinh..." sau khi phàn nàn "rủi cho bác quá, hơn hai chục con gà tơ vừa thịt hết cho bố cháu, tẩm bổ trước khi lên rừng. Chỉ còn lại mụ mái già với hai con nhép..." Giá như Soan không lo chuyện đó, anh cũng đành cười trừ và đón Miên bằng bữa cơm rau suông.
Vậy mà bữa ta về. Miên đã bưng lên một mâm thịnh soạn...
Anh nhớ lại chiếc mâm đồng đầy tú ụ đồ ăn thức uống chị đã đặt trước mặt anh, vào đêm anh trở về. Mâm thức ăn đó được đặt trên bàn, dưới ánh sáng của năm ngọn nến. Ðó là một không gian khác, không gian ấy không thuộc về anh. Nhưng giờ đây, chị đã chấp nhận quay về, như vậy chị sẽ phải hòa nhập với cuộc sống mới, và thở hít trong không gian của chính anh.
Em là người đàn bà của tôi, sống dưới mái nhà của tôi, trong vòng tay của tôi...
Cái tiếng dõng dạc đầy xác tín ấy cất lên trong anh, âm vang của từng lời dội vào óc não đường gân thớ thịt trên thân xác anh và anh bỗng cảm thấy mình lớn mạnh lạ thường, oai nghiêm lạ thường. Anh đi đi lại lại trước hiên, trong khi Miên không ngừng tay sàng gạo. Ngước nhìn những ngọn soan đung đưa trong vòm trời anh bắt đầu mơ đến những nương tiêu của mình trong tương lai. Anh đã quyết không trồng cà-phê, khoảnh đất xã chia cho, anh sẽ vỡ nương và trồng tiêu hoàn toàn dù rằng tiền đầu tư vào nương tiêu sẽ nhiều hơn.
Ngả nào ta cũng phải vay tiền làm vốn ban đầu, nếu quyết định sai, sau này có hối cũng muộn...
Miên đã sàng xong mớ gạo, ngẩng lên hỏi:
- Cái giếng nhà mình còn nhiều nước không anh?
- Còn, nước sẵn lắm.
- Nước sạch không?
- Nước trong, nước rất trong... à tôi chưa kiểm tra lại nhưng mọi người vẫn dùng. Tôi cũng đã nhờ người dựng cho Miên cái nhà tắm cạnh giếng. Miên có xem qua không?
- Thôi, đằng nào nấu cơm xong, em cũng phải tắm.
Chị phủi quần áo, đoạn xếp đống dần sàng gọn ghẽ:
- Anh mang trả người ta, đồ dùng như chân tay không thể phiền nhiễu hàng xóm.
Lúc anh mang mớ dần sàng đi, Miên bê thúng gạo vào buồng. Anh định bụng khi quay về sẽ hôn chị một nụ hôn dài cho bõ những ngày chờ đợi. Nhưng khi Bôn quay về, Miên đã đứng trước hiên, trong tư thế sẵn sàng lao vào một công việc mới.
- Bát đĩa để đâu? Em mang đi rửa lại.
Bôn tiu nghỉu. Anh bắt đầu hiểu rằng Miên cố ý lảng tránh anh và chị sẽ nghĩ ra đủ thứ công việc để không còn khoảng thời gian rảnh rỗi.
Ðược cô ranh ma lắm. Nhưng sớm hay muộn rồi mặt trời cũng xuống núi, đêm sẽ tới và chẳng còn lý do nào để lảng tránh tôi. Cô đã là người đàn bà của tôi và cô sẽ là người đàn bà của tôi, có đất trời chứng giám...
Anh thầm nghĩ vậy và dõng dạc đáp:
- Bát đĩa tôi chưa mua được. Mình hãy dùng tạm bát đĩa nhà chị Tá.
- Không, trước hay sau cũng phải có đồ dùng riêng, bát đĩa riêng, không nên dây dưa phiền hà người khác. Bây giờ anh rẩy cỏ vườn, em ra cửa hàng của xã mua vài thứ lặt vặt.
- Không cần. Chị em trong nhà, mượn tạm vài hôm đã sao?
- Em không muốn ăn vay ở mượn.
Chị đáp lại, giọng vắn tắt và lạnh lùng.
Bôn buộc phải xẵng giọng:
- Nhưng tôi chưa lo kịp tiền. Có đồng nào đổ vào chuyện sửa nhà với sắm giường chiếu mới. Ấy là chưa kể đến...
Chút nữa anh nói: Chưa kể đến món tiền nợ Xá... và những thứ cậu ta đã cho... nhưng anh đã kịp cắn lại lời. Nói hết ra ê chề quá. Anh không đủ muối mặt và anh biết rằng phận người đàn ông phải gánh vác chuyện chi tiêu trong gia đình.
Miên đứng như trời trồng trước hiên, chị đưa mắt nhìn anh thong thả buông từng lời:
- Chúng ta sẽ bắt đầu cuộc sống thế nào đây? Không xoong nồi, bát đĩa, không củi đuốc đèn dầu, chỉ mấy cân gạo trắng.
Mỗi lời chị buông ra như một sợi dây cột chặt vào cổ anh khiến anh ngạt thở. Bôn thấy mắt mờ đi và anh đáp hối hả:
- Em đừng lo. Bạn tôi ở làng bên, cùng giải ngũ một lượt với Xá đã hứa cho tôi mượn tiền, đủ sắm nông cụ và mướn thợ làm nương tiêu... nhưng tôi bận thu xếp nhà cửa đón em nên chưa có thời gian đi lấy...
Nói xong, mồ hôi Bôn vã đầy gáy:
Sao ta lại nói khoác như vậy? Chỉ còn hai nơi bấu víu: già Ðọt và Bình kều. Hai nơi đó chưa nơi nào chắc chắn. Lỡ Bình không thật giàu như đám lính về vườn đồn thổi, làm sao ta có thể vay được một món tiền lớn như vậy? Rồi ta sẽ phải kiếm cách dối quanh? Bắt đầu bằng một lời khoác lác, sau đó trở thành kẻ dối trá. Và có thể phải dấn thân vào trò lừa đảo, đó là con dốc nhiều kẻ đã trượt qua...
Càng nghĩ, anh càng hoảng loạn. Mồ hôi không chỉ vã ra nơi gáy mà toát đầy lưng. Anh không có thói quen nói khoác hay nói dối. Ðây là lần đầu. Chính anh cũng không hiểu vì sao những lời lẽ dối trá vừa tuột khỏi đầu lưỡi mình trơn như bôi mỡ. Giá anh có muốn cũng không thể ghìm giữ nổi. Bôn đưa mắt nhìn vợ xem nét mặt chị biểu lộ gì? Chị tin anh và hy vọng vào tương lai mà anh đã tưởng tượng ra? Hoặc chị biết tỏng anh là kẻ dối trá không hổ thẹn và chị giấu đi sự khinh bỉ ngầm ẩn? Nhưng chị đang nhìn đâu đó, chẳng tin cũng chẳng ngờ, chị đang phiêu diêu trong cõi riêng của chị. Ðiều đó khiến anh đau đớn nhưng lúc này nó cứu gỡ anh khỏi cơn khốn khó. Mắt chị đang lướt hờ hững trên bờ dậu nhà hàng xóm, nơi những dây tơ hồng vàng ươm leo rối rít trên những bụi cúc tần, còn những khóm cúc tần cố vươn lên những túm lá non phất phơ màu ngọc thạch phủ phấn trắng bạc. Dường như vẻ đẹp e dè và mong manh đó đang gợi cho Miên những kỷ niệm những suy tưởng chỉ riêng chị biết. Và anh hiểu rằng anh đứng ngoài cái thế giới chị đang chìm đắm. Nhưng anh không thể làm gì để đổi thay. Anh đứng im lặng, chờ. Sau một khoảnh khắc dài, Miên đưa tay vén món tóc mai một cách lơ đãng và nói:
- Anh sang nhà dì Huyên mượn cho em chục bát. Lấy loại bát Hải Dương.
Anh hiểu đó là mệnh lệnh. Miên không muốn dây dưa chung đụng với Tá. Chị ghê sợ sự dơ dáy. Anh đưa mắt liếc chiếc chạn gỗ đã mục ải, long nan mà mấy mẹ con Tá vẫn dùng úp bát. Chạn thấp lè tè ba gang tay, bất cứ con gà nào cũng có thể nhảy lên ỉa, bất cứ con chó, con lợn rông nào cũng có thể sục mõm vào. Lũ bát đĩa úp trong đó càng thảm hại hơn. Lẫn lộn nào bát sứ mẻ, bát sắt móp, cái sơn trắng, cái sơn xanh, cái nào nước men cũng ghẻ lở... ấy là mớ của cải cùng khốn gom nhặt từ mọi xó xỉnh đem về...
Miên có lý. Cô ấy không thể ăn cơm bằng thứ bát bẩn thỉu đó. Cô ấy đã quen với một cuộc sống đàng hoàng...
Anh tự thuyết phục mình. Bởi ngày họ cưới nhau, Miên cũng đã đem về nhà anh thứ bát đũa chị quen dùng và tấm chăn chị đang đắp. Nhưng ngày đó họ còn trẻ, họ đang yêu và trước mắt họ là chiến tranh. Cuộc chia ly phía trước xóa mờ mọi ranh giới, trùm phủ lên mọi cách biệt và dồn ép không gian lẫn thời gian trong ánh chớp ngắn ngủi của thứ tình ái thuở ban đầu... năm tháng đã qua và giờ đây anh có dịp hồi tỉnh, có dịp nhìn lại những gì từng trải nghiệm.
Không chỉ chiến tranh mà cuộc sống cũng phân ly con người. Sự phân ly trong chiến tranh khốc liệt và được giải quyết bằng vũ khí... sự phân ly trong đời thường khốc liệt không kém nhưng người ta không thể xử lý bằng đạn hoặc lưỡi lê...
Bôn nghĩ. Nhưng anh không dám nghĩ tiếp. Bởi anh biết rằng, nếu anh nghĩ tiếp, đi đến tận cùng sự việc cũng có nghĩa là đi đến tử địa của chính mình.
- Anh nhớ mượn thêm một cặp bát lớn để đựng canh.
Miên lên tiếng khiến anh giật mình. Bôn nhảy khỏi cơn suy tưởng và nhìn vào mặt vợ:
- Ðược rồi, tôi sẽ sang dì Huyên mượn bát. Miên còn cần gì nữa?
Chị vẫn nhìn rặng cúc tần, nói:
- Anh lấy thêm năm chiếc đĩa sứ Hải Dương. Ðừng ngại, của dì cũng như của em, dì không tiếc đâu...
- Tôi đi đây.
- Anh cũng đem về đây chiếc chạn bát đúc bằng nhựa. Chính em đã mua cho dì hai chiếc. Hãy nói dì san bớt một nửa...
Bôn đi rồi, Miên vào buồng mở chiếc hòm gỗ lấy bọc tiền mà Hoan đã gói ghém cho chị. Chị mở lớp ni-lông gói ra. Ðồng tiền được gói chặt như cục gạch, thuần giấy bạc lớn mà Miên dư biết rằng một gã trai làng làm cật lực một vụ cũng chỉ kiếm được vài ba tờ. Rõ là một tài sản lớn chứ không phải món tiền tùy thân. Hoan đã đoán định trước mọi điều, và lo trước cho chị. Miên nhớ lại thái độ gàn bướng của chị, vẻ mềm mỏng nhưng cương quyết của Hoan và hiểu rằng không có anh, chị sẽ rơi vào một hang sâu không lối thoát. Anh đối với chị hơn cả một người chồng, một người yêu, và một người cha cộng lại. Và có lẽ suốt cuộc đời của chị, chị sẽ chẳng bao giờ bước khỏi cái bóng của anh, người đàn ông khổng lồ và dịu dàng nhất cõi đời.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!