Chốn vắng - Chương 11 (Dương Thu Hương)
Phương Như | Chat Online | |
12/07/2019 07:11:56 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
174 lượt xem
- * Chốn vắng - Chương 12 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 13 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 10 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
- * Chốn vắng - Chương 9 (Dương Thu Hương) (Văn học trong nước)
Xá đang chuẩn bị đồ lề cùng đám thợ sơn tràng lên rú. Anh ta mặc mỗi chiếc quần đùi lại săn hai ống lên tận bẹn ngồi rửa cưa. Tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi vắt chiếc khăn mặt bông nhọ nhem. Lúc Bôn đứng trước ngõ Xá vẫn cắm cúi miết con giũa, tiếng thép cọ vào thép nghe ghê tai. Anh phải gọi bốn năm tiếng liền Xá mới dừng tay lại:
- Chờ tôi ra mở cổng.
Ðặt chiếc giũa vào hộp dụng cụ, Xá rút khăn lau ngực lau lưng rồi mới ra mở cổng cho Bôn:
- Cô Soan này lạ thật... Ðã bảo sáng nay người ta ở nhà, đừng khóa cổng, vậy mà nhót một cái đã bấm luôn ổ khóa vào... Rõ đúng là cái giống đàn bà đái không qua ngọn cỏ, nghĩ không dài hơn sợi tóc...
- Sinh ra cái khóa là để đi khóa về mở, anh nói gì lạ thế?
- Nhưng sáng nay đứng lên ngồi xuống cả thảy năm lần rồi, hết mẹ nó thời gian. Ðầu tiên thằng cu lớn quay về lấy cuốn vở bỏ quên. Lần thứ hai ông tướng lại quay về xin tiền góp cho nhà trường tổ chức đi tham quan thành phố. Lần thứ ba thứ tư hai ông hàng xóm sang xin đinh với xin vịt dầu thắp. Lần thứ năm là Bình kều...
- Bình kều hả? Ðã mấy lần tôi định sang cậu ta chơi mà chưa đi nổi... Bình khỏe không?
- Vẫn nhì nhằng.
- Nghe đâu cậu ta làm ăn khấm khá lắm...
- Cũng khá hơn tôi đôi chút. Nhưng từ Tết đến giờ toàn gặp rủi ro, tích được đồng nào cũng tẩu tán hết rồi. Trước hết ông bố vợ bỗng dưng lăn đùng ra chết. Cô Lãm là con một, Bình lại ở rể nên phải cõng toàn bộ chi phí đám tang. Họ nhà ấy to nhất làng, nên cậu ta phải làm trên một trăm hai mươi mâm mới đủ. Rồi bây giờ cô vợ lại sưng lách. Vừa sưng lách vừa mang thai tháng thứ năm. Bình lo méo mặt. Sáng nay nó mò đến đây, tôi cạn tiền phải bảo cô Soan cho nó mượn cái nhẫn cưới đem bán đưa cô Lãm xuống viện thành phố...
Bôn tái tê. Con tàu hy vọng của anh chìm xuống. Ðêm qua anh dự tính vay một mớ tiền của Bình. Tuy lâu ngày không gặp nhau nhưng Bôn biết tình bạn của họ không lay chuyển. Hai người cùng học một lớp suốt sáu năm trung học, cùng là vần B, họ được xếp chung một bàn và hầu như ở bên nhau trong mọi công việc của nhà trường. Nếu đi cắm trại, họ cùng ở ban tổ chức. Có sinh hoạt ngoại khóa, hai người cùng ở tổ Vật Lý và tổ hướng dẫn sinh trong phòng thí nghiệm. Những đêm liên hoan văn nghệ, cả hai cùng ở nhóm ngâm thơ, Bình có giọng ngâm ngọt ngào, còn anh đệm đàn bầu hoặc thổi sáo theo... Vào cái thời mộng mơ ấy, cả hai đều quyết chí thi cho được tấm bằng đại học và làm cuộc đổi đời dời chốn sơn dã về thành phố. Với họ, điều ấy cũng không quá xa vời, hai người cùng là học sinh loại giỏi. Bình chỉ kém riêng môn Văn, thường nhờ anh chữa bài giúp. Biết bao kỷ niệm se sắt đã gắn bó tuổi thiếu niên của họ. Bình thường chia cho anh nắm xôi buổi sáng, hoặc những đùm khoai dẻo mà chị ruột gói ghém cho. Bôn không quên vị khoai ngọt bùi ấy, vào những năm niên thiếu khốn khó của anh, không có Bình chưa chắc anh đã theo nổi ngần ấy năm ăn học. Tiền của anh kiếm được chỉ đủ mua giấy bút và những món chi dùng tối thiểu.
Anh không đủ gạo nấu ăn sáng, cũng không đủ sức mua cá mắm hoặc các thức ăn khác cho bữa cơm học trò nghèo... Tất thảy những thứ đó do Bình bù đắp. Cái gã cao kều ấy là kẻ hảo tâm bẩm sinh, cậu ta giúp tất cả những ai có thể giúp được với vẻ an nhiên không tính toán dường như đó là phận sự của kẻ làm người. Ðám học trò giàu sang trong huyện do đó phải nể vì. Hai kẻ mơ mộng ấy đã bỏ giấc mơ dở dang cùng một ngày, cùng một ngày tòng quân nhưng lại phiên chế về hai đơn vị. Bình ở cùng đơn vị với Xá. Dạo anh về, Bình nhắn Xá nói với anh rằng cậu ta đang bấn bíu, ngày nào đó rảnh rỗi sẽ sang thăm và sắm bữa tiệc mừng... Anh những tưởng Bình mắc công việc dở dang, ai dè cậu ta đang lâm vào cơn khốn khó:
Ta vẫn ngỡ có thể níu lấy áo trang nghĩa hiệp thuở xưa. Ai ngờ cậu ta cũng sảy chân vào cảnh đắm tầu... Ðây mới chính là ngõ cụt.
Bôn thấy cơn gió lạnh chạy dọc sống lưng anh, dù trời đang nóng. Trên tấm ngực trần của Xá, những giọt mồ hôi lớn bằng hạt đỗ đen đầy quanh hai núm vú. Có một cái tên nảy lên: Già Ðọt... Nhưng anh nhìn thấy trước cái quả hy vọng cuối cùng kia cũng thối. Người đàn bà xuân sắc từ hơn năm mươi năm trước chẳng thể nào có một kho vàng để cất giấu đến giờ. Bà cưu mang mẹ con Tá, những người có liên quan huyết mạch vì đám trẻ ấy chỉ cần miếng ăn cho qua ngày, hạt cơm cõng củ khoai, gắp rau kèm lát sắn. Vậy mà anh đã mơ tưởng gây dựng cơ đồ nhờ những đồng tiền của bà lão gần đất xa trời...
Ta là kẻ mơ mộng hão huyền vô tích sự.
Xá chột ngẩng mặt lên, con mắt lành xoi mói:
- Ngồi xuống đi... Làm gì mà đứng đần thối ra như vậy?
Bôn giật thót, nhưng tâm trí vẫn còn tê dại. Anh vơ chiếc ghế đẩu ở góc sân ngồi. Nhà Xá có đến hàng chục chiếc ghế đẩu các cỡ và các kiểu. Ðúng như người ta bảo: Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ. Kẻ làm nghề sơn tràng và nghề mộc chỉ lãi ở những mảnh gỗ thừa thẹo.
- Ngồi đấy...
Xá nói tiếp, giọng to như quát vào tai anh:
- Ngồi đấy... Tôi phải rửa nốt con cưa mẹ...
Bôn chưa kịp nói gì Xá bỗng dừng tay nhìn chòng chọc vào mặt anh.
Lần này cái nhìn đó kéo dài, khoan xoáy vào một điểm nào đó trên mặt Bôn khiến anh bỗng dưng nóng bừng hai tai. Con mắt lành của Xá hấp háy, hấp háy rồi đột nhiên Xá hạ giọng thì thào:
- Sao?.. Ấy rồi phải không?
Bôn hiểu ý Xá, nhưng chưa biết trả lời ra sao. Hai thái dương anh cũng nóng rực lên.
Xá lại hỏi tiếp:
- Có làm ăn được không?
- Cũng tàm tạm.
- Tàm tạm là thế nào. Tôi với cậu là chỗ mặn tình, tôi mới hỏi.
- Nó có lên được không?
- Ðược vừa phải.
- Kim trỏ số 3 à?
- Không hẳn thế.
- Thì sao?
- Tôi cũng chẳng hiểu.
Xá trợn mắt, không còn thì thầm mà quát toang toác lên:
- Vớ vẩn... Ðừng ú ớ con mẹ... Trông điệu bộ của cậu tôi biết là hỏng rồi.
Ðôi mày anh ta cau lại. Rồi cũng chẳng rửa nốt con cưa mẹ, Xá quẳng chiếc dũa vào hòm dụng cụ, đứng lên:
- Này, chuyện nghiêm chỉnh đấy, không đùa được đâu... Tôi nói vậy cậu có hiểu không đấy?
Nói xong, không chờ Bôn trả lời, Xá đi tới góc nhà, móc túi áo lấy hộp thuốc lá sợi đem vấn. Anh tìm một chiếc ghế khác, ngồi đối diện với Bôn:
- Cậu có hút không?
- Có.
Xá đưa hộp thuốc cho Bôn rồi cúi xuống, lăn điếu thuốc của mình:
- Tôi đã nói với cậu rồi... Cái nghề đàn ông đàn bà, phải mê nhau mới ăn ở được với nhau.
- Tôi yêu Miên... Tôi không yêu ai ngoài người đàn bà ấy.
- Phải. Nhưng còn cô Miên... Vấn đề là ở chỗ ấy. Có tình yêu hai phía mới thành vợ thành chồng. Tôi nói thế này cậu đừng giận. Ngủ với con đàn bà chẳng yêu mình thì thà cứ tìm lỗ né cáy còn hơn.
- Chúng tôi đã từng là vợ chồng. Mối tình đầu của tôi cũng là tình đầu của Miên... Cần phải có thời gian để tìm lại...
Xá rít mấy hơi thuốc liền, rồi hỏi:
- Cậu đã gặp tay Hoan chưa?
- Chưa. Anh ta xuống thành phố. Chủ Nhật mới lên nhà bà Huyên thăm con chốc lát rồi lại đi...
- Cậu không đến nhà bà dì Miên hay sao?
- Trừ phi Miên có việc bảo tôi phải đến.
- Thế thì cũng phải... Bà ta chẳng ưa cậu... Mà cậu cũng chẳng mến chuộng gì bà lão đỏng đảnh ấy... Nhưng theo tôi, ít nhất cũng một lần cậu nên gặp tay Hoan.
- Tại sao tôi phải gặp anh ta? Chẳng để làm gì hết... Anh ta có phần anh ta và tôi có phần tôi.
Trán Xá nhăn lại. Anh ta ném đầu mẩu thuốc ra vườn rồi lại vớ hộp thuốc cuốn luôn điếu khác.
- Này Bôn, lời nói thẳng vốn khó nghe nhưng hôm nay cậu hãy gắng mà nghe cho đến đầu đến đũa. Tôi với cậu chẳng phải anh em họ mạc nhưng chúng ta có cái tình gắn bó còn mặn mà hơn thế. Bởi vậy tôi thấy có trách nhiệm phải nói cho cậu biết rõ mọi ngả nông sâu của cuộc đời. Ngày xưa đi học, cậu vẫn thường giải toán cho tôi, sao
bây giờ cậu không biết cách giải bài toán chính của số phận?
Hiện tình, cậu đang cưỡi trên lưng cọp. Trèo lên lưng cọp không hẳn dễ, nhưng xuống đất còn khó gấp vạn lần... Thông minh như cậu hẳn biết vì lẽ gì cô Miên từ bỏ tòa ngang dãy dọc của cô ấy để về rúc trong gian buồng lợp gianh của cậu. Người đàn bà trọng danh dự lắm mới làm nổi cái sự ép mình như vậy. Gặp kẻ khác tôi đoan chắc cậu chỉ có nước xách bị rời khỏi cửa nhà cô ta... Nhưng mọi sự trên đời đều có giới hạn. Cô ta không thể vì nghĩa cử mà sống với cậu cho đến lúc tóc bạc răng long. Tôi nói rồi, chuyện gối chăn phải yêu mê nhau mới nên hồn... Muốn đánh trận phải nhìn rõ mặt đối thủ... Tại sao cậu không thử tìm cách gặp Hoan, dù chỉ một lần?
Mặt Bôn nóng bừng bừng, và anh nghe trong tai mình có tiếng ù ù như ai xay lúa:
- Tôi chẳng hoài hơi làm cái điều ngu ngốc ấy... Tôi không định đấu gươm với anh ta và bây giờ không còn là thế kỉ mười lăm, mười sáu...
- Vậy, cậu cứ nhắm mắt nhảy ào xuống sông, không lường nông sâu, chẳng dò nước ấm hay lạnh?
Bôn không trả lời.
Xá cũng không gặng thêm nữa. Hai người ngồi phun khói trong im lặng. Những mẩu đầu thuốc tiếp nối nhau quẳng ra vườn. Trời mỗi lúc càng thêm nóng và thi thoảng Xá lại vớ tấm khăn bông lau bộ ngực vạm vỡ lẫn tấm lưng trần của anh ta. Bôn không nhìn nhưng anh biết anh thèm muốn những bắp thịt nổi vồng trên khuôn ngực gã sơn tràng, thèm muốn gương mặt cười cợt chung thân như mặt thằng hề nhưng lúc nào cũng ngời lên ánh sáng của thiện tâm và hạnh phúc. Tiếng chim vườn chốc lát lại rót vào không gian, khiến vòm trời như cao hơn và màu lơ kia trong veo trong vắt. Bao nhiêu giây phút trôi qua, Bôn không nhớ. Nhưng sau đó rất lâu Xá cất tiếng thở dài và hỏi:
- Này Bôn, cậu biết tỉnh ta vừa thành lập nông trường chứ?
- Không, tôi không đọc báo.
- Nông trường đó ở cách đây ngót một trăm cây, tên gọi Bình Minh.
Nó được lập ra để hứng đám con gái phục vụ chiến tranh giờ đã quá lứa không còn tuổi lấy chồng, trở lại quê hương cũng bẽ bàng mà tìm công việc nơi thành phố càng khó khăn. Ở đó, họ trồng dứa và trồng tiêu như quê ta... Tay Liệu bạn hẩu của tôi chuyên ngành về làm trưởng phòng hành chính. Cậu có thể đến đó, sinh sống sẽ dễ dàng hơn tự kiếm vốn vỡ khu đồi xã chia cho cậu ở đây. Nông trường này vẫn còn được nhà nước bao cấp và đám cán bộ quản trị hưởng lương theo thang lương quy định... Ðất ấy chắc hợp với cảnh neo đơn của cậu. Ðiều chủ yếu là ở Bình Minh cậu có thể chọn trong số hơn hai trăm cô thanh niên xung phong quá lứa một người vừa ý về làm vợ.
- Anh nói lạ lùng... Gia đình tôi ở đây... Quê hương tôi ở đây...
Xá cười khẩy, lắc đầu:
- Quê hương chỉ có ý nghĩa khi tìm được một mái ấm... Thế nên ở nơi nào ta tìm được một mái ấm, nơi ấy là quê hương... Còn gia đình cậu là bà Tá hay cô Miên?
Bôn không trả lời, Xá nói tiếp:
- Gia đình cậu nghĩa là cô Miên, tôi nói thế cậu không phản đối chứ? Hãy nghĩ cho cạn lẽ, đã chắc gì cô Miên yêu cậu, cảm thông với cậu hơn một cô thanh niên xung phong quá lứa lỡ thì đang ngong ngóng chờ một thằng đàn ông nào rờ mó tới? Chỉ những kẻ cùng cảnh ngộ mới có thể thương nhau đến đầu đến đũa. Chúng ta đã từng là lính. Tất thảy những thằng lính ra khỏi cuộc chiến tranh đều phải nộp thuế, đều phải để lại vật gì đó làm lễ tế thần... Như tôi chẳng hạn, mảnh bom nhỏ bằng mảy trấu cũng móc ra một con mắt. Như thế, tôi đã nộp xong xuất thuế của mình... Còn cậu...
- Tôi cũng ngần ấy năm lưu lạc, anh xem...
Xá lại lắc đầu:
- Chưa đủ đâu, người anh hùng ạ... Tôi thấy như là chưa đủ xuất...
- Dạo này anh ăn nói lạ lùng...
- Ờ... Cũng có thể tôi trở thành thằng gàn trước tuổi...
Lúc đó, Soan từ ngoài cổng đon đả bước vào. Chị cắp một thúng đầy những na lẫn ổi. Người đàn bà trẻ tuy không đẹp nhưng tươi tắn, mặn mà. Cũng như chồng gương mặt chị lúc nào cũng ngời lên ánh sáng của sự mãn nguyện lẫn thiện tâm:
- A, chào chú rể mới... Sao, anh đón nàng về dinh có vui không?
Bôn chưa kịp đáp Xá đã nạt nộ:
- Cái cô này đa sự... Ðã bảo đừng khóa cổng mà cứ quen tay. Làm người ta đứng lên ngồi xuống gãy cả gối đây này...
- Ðấy, anh Bôn xem... Ra trận là lính mà về với vợ con là tướng, hách chẳng ai bằng.
Nói xong chị cười. Chiếc răng khểnh làm nụ cười rạng rỡ hẳn lên. Chị ngước mắt nhìn chồng vừa thần phục vừa riễu cợt:
- Hung hăng thế mà hồi lên cái nhọt ở mông, em nặn cho kêu rống lên như con bò bị chọc tiết, quá đứa trẻ lên ba...
Xá bảo:
- Da thịt người chứ có phải sẹo gỗ đâu mà không đau? Thử rơi vào cô xem... Cô không khóc hu hu tôi cứ bé bằng con kiến.
Soan chọn mấy quả na chín cây và vài quả ổi bỏ vào đĩa:
- Thôi thôi, em chẳng hơi sức đâu mà đấu khẩu với anh. Từ thuở lọt lòng đến giờ anh có chịu thua ai nhời nào đâu? Chẳng cứ bạn hữu, xóm giềng mà ngay cả cô dì chú bác, những bậc bề trên trong họ... Nào, anh Bôn ăn đi. Xem ổi vườn nhà em có ngọt bằng ổi bên vườn nhà anh không?
Bôn cắn trái ổi, lưỡi ngọt dạ chẳng ngọt. Ổi nhà anh còi cọc không được trái chín nào. Quả mới ương ương lũ con Tá đã hái ăn sạch. Những đứa trẻ thả rông như loài thú hoang, không tới lớp mẫu giáo, cũng chẳng học vỡ lòng tha lôi nhau hết vườn nọ tới đồi kia, lăn lê từ lối mòn này sang ngả đường khác... Bao năm khu vườn bỏ mặc cho kiến bọ, các loài sâu và các loài chim. Từ khi anh về, anh đã trồng ở đó một luống cây hương nhu và vài khóm hoa riềng dại. Vì chúng là thứ cây không ăn được nên lũ con Tá để yên. Nhưng đất cằn, ngay những hương nhu cũng không lớn được, mấy khóm riềng dại không trổ hoa còn người đàn bà anh yêu lạnh lùng như khí núi... Phải, Xá nói đúng, cái giống đàn ông đàn bà phải mê nhau mới ăn ở được. Cứ nhìn cảnh nhà Xá đủ biết, vợ anh ta mê anh ta đến thế nào. Mặc dù đã được nghe kể nhiều lần về cuộc tình
giữa Xá chột với cô Soan, Bôn vẫn không hình dung nổi người đàn bà hiền lành đon đả vừa lựa những trái ổi chín mời anh lại có thể táo tợn đến nhường ấy...
Dạo Xá phục viên, chẳng có trong tay thứ gì ngoài vài bộ quân phục và món tiền còm đủ làm vài mâm cơm rau dưa mừng ngày đoàn tụ. Cha mẹ Xá đã chết từ lâu những năm anh còn ở chiến trường ngôi nhà hương hỏa ông anh chiếm, thêm bà chị dâu mặt lúc nào cũng nặng như chì nên Xá ở nhờ nhà ông chú ruột, và bữa cơm đoàn tụ được làm tại nơi đó. Vài ngày sau, gã trai đã vác đồ nghề sơn tràng lên rú, bắt đầu lại cuộc sống sơn dân. Bất đồ, Xá gặp Soan hái củi. Họ yêu nhau tức khắc, theo đúng kiểu người đời vẫn gọi: Ái tình sét đánh. Thời con gái, Soan cũng không đẹp nhưng duyên
dáng, mặn mà, khối người để ý. Trong số đó, có gã anh trai họ đằng mẹ của cô. Anh ta không thật giàu nhưng cũng có ngôi nhà ba tầng dưới thành phố, dẫu một tầng chỉ rộng mười sáu thước vuông nhưng cũng đàng hoàng mở được cửa hàng đại lý ngũ cốc và nhờ đó lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Anh ta hơn Xá hai tuổi nhưng khôn ngoan từng trải, lại có cả một chiến thuật mua chuộc đám họ hàng, xóm giềng nên cầm chắc phần thắng trong tay. Cưỡi chiếc xe mới dán nguyên tem về làng, nhưng bất kỳ gặp ông già bà cả nào anh ta cũng xuống xe, cúi chào lễ độ. Sau đó anh ta tới hỏi thăm từng nhà, bắt đầu từ ông trưởng tộc xuống đến các ông trưởng chi, nội lẫn ngoại, không quên đem theo quà bánh để đặt lên bàn thờ, thắp nén hương khấn vái tổ tiên. Ông trưởng tộc được một gói trà ướp sen với hộp bánh nướng hảo hạng, ông trưởng chi được gói trà ướp nhài với phong bánh quy, rồi các bà láng giềng được khăn len quàng cổ, trẻ con được kẹo hồng và kẹo cam... Thứ nào cũng gói bọc tinh tươm bằng giấy bóng màu rực rỡ... Tiếng khen râm ran không ngớt từ trong nhà ra ngoài ngõ:
- Cô Soan vớ được tấm chồng, đáng công trang điểm má hồng răng đen... Sau này tha hồ nhờ cậy...
- Trai thời nay chẳng thấy ai thông thái như anh Khiền. Còn trẻ thế mà thuộc làu làu lịch sử... Bữa trước lại chơi, anh ta đọc vanh vách cụ tổ nhà tôi đỗ bảng nhỡn năm nào, tháng nào, cùng thời với ai... Mình bạc trắng đầu cũng không biết rõ tổ tiên mình
đến thế...
- Anh ta có chữ, lại sẵn tiền, hào hiệp với xóm giềng làng nước, con cái Soan lấy được tấm chồng như thế ngang lên cõi tiên...
Bố mẹ cô Soan, khỏi phải nói, sướng lăn lóc. Họ hớn hở chờ ngày "đám cưới to nhất làng nhì xứ" được thực hiện:
- Con xem xem, trong làng ngoài nước không ai không ca ngợi anh Khiền... Người đức hạnh như thế, nhất nhất sau này sẽ thủy chung. Con lấy anh ta sẽ được đổi đời, sau này ăn trắng mặc trơn chẳng đầu tắt mặt tối như dân xóm Núi...
Soan lắc đầu nguây nguẩy:
- Con không lấy ai cả, con không lấy ai hết... Con ở nhà với bố mẹ...
Nhưng không ngày nào cô không gặp Xá. Hai người chết mê chết mệt với nhau. Bố Soan bắt được họ ngồi tự tình ven đồi liền tát cho cô hai cái nảy đom đóm mắt rồi dẫn về, trói ở cột chuồng trâu một đêm một ngày liền cho biết phép nhà... Ðám bạn Xá chạy tới, vừa an ủi vừa khuyên:
- Ðối phương mạnh quá Xá ơi, cậu lấm lưng mất. Tính trước đi là vừa...
- Nếu quả tình không cứu vãn được, hãy ra tay trước. Cậu phải tuyên bố bỏ cô ta để khỏi mang tiếng là kẻ bị đá đít... Khiền tuy giàu sang, lắm tiền của lại nguyên vẹn cả hai con mắt nhưng hắn sẽ bị đo ván một khi cậu tuyên bố bỏ cô Soan. Như thế, trước mắt thiên hạ, hắn là kẻ hứng của thừa...
Xá bối rối. Anh chưa biết tính cách nào. Anh yêu Soan, nhưng xem ra đó là mối tình vô vọng. Cuộc so đo không ngang sức. Anh, gã lính về vườn, không cắc bạc trong tay, cửa nhà không, nương vườn chưa có. Xã cũng đã chia cho anh khu đồi nhưng chưa có tiền mướn thợ vỡ đất trồng cọc và mua giống tiêu. Anh dự tính phải sau hai
mùa sơn tràng mới lo nổi số tiền ấy...
Vào lúc anh bấn loạn Soan chạy đến, mặt mày sưng đỏ muỗi cắn, nước mắt lấm lem. Cô bảo anh rằng cô phải rống lên đến nỗi bố mẹ xấu hổ với láng giềng đành cởi trói. Rồi cô giục:
- Anh phải cưới em ngay... Phải cưới ngay tắp lự.
Xá gặng hỏi:
- Vậy... ra Soan không yêu anh ta chút nào chứ?
- Không... không...
Soan gào thật to đến nỗi ông chú ở trong nhà phải ló đầu ra nhìn.
Lúc ấy, hai người ngồi nói chuyện bên rặng dâm bụt trước ngõ.
Soan gào lên rồi quắc mắt nhìn Xá:
- Em đối với anh mặn tình như thế mà anh dám hỏi câu ấy... Vậy anh coi em là kẻ ăn ở hai lòng?
Xá sợ, vội thanh minh:
- Không, tôi không dám... Chẳng qua là vì...
Anh không dám nói với Soan một cách thành thật những ý nghĩa của mình, càng không dám nói tới những lời khuyên của đám bạn. Soan bảo:
- Em không bao giờ yêu cái lão hói đầu ấy, không bao giờ em ngủ với lão hói đầu ấy, dù nó giàu vô thiên lủng.
Xá hỏi:
- Nhưng anh biết làm sao bây giờ? Anh yêu em nhưng anh không dám cãi lộn hoặc đánh nhau với bố em vì làm như thế chúng ta sẽ trở thành những đứa con bất hiếu.
Soan đáp, không chút chần chừ:
- Chúng mình phải ngủ với nhau ngay, ngay tức khắc... Em mà chửa ra, bố mẹ mới hết ép gả cho lão Khiền. Thằng cha ấy đã chuẩn bị mười tám mâm ăn hỏi vào tháng sau...
Lúc đó, anh đang ở nhờ nhà ông chú ruột. Nhà rộng nhưng không có buồng riêng. Hai đứa con trai ông chú tuy trẻ đều đã cưới vợ, chiếm giữ hai căn buồng đầu hồi. Ông chú với anh ở ba gian nhà giữa. Gian chính đặt bàn thờ, ông và Xá mỗi người ngủ mỗi gian
bên. Ba gian đều rộng rênh nhưng nhìn thông thống sang nhau. Và họ chẳng thể làm ăn được trong cái không gian ấy:
- Khó quá...
Anh than thở:
- Anh định kiếm mớ tiền rồi mới dựng nhà... Ðất xã đã chia nhưng phải có tiền mua gỗ mua gạch mới có thể tính chuyện...
Soan giãy nảy:
- Chờ đến lúc ấy thì hỏng hết chuyện... Mình phải ngủ với nhau ngay đêm nay, đêm mai, đêm ngày kia... Em nhất định phải có thai mới nên được duyên kiếp...
Hai người nghĩ ngợi một giây rồi Soan quyết định:
- Anh vào lấy vải nhựa ra đây.
Xá vào nhà và sau đó quay ra với chiếc ca-pốt của lính Mỹ, chiến lợi phẩm anh thường dùng những lúc lên rừng. Họ cùng nhau qua thung lũng, qua mấy dải đồi trồng dứa lên tới những con dốc mọc đầy cây dâm dương hoắc. Ở đó, họ ngồi chờ mặt trời lặn, chờ
khoảnh khắc thiêng liêng để bóng tối bao phủ rừng núi đồi nương làng xóm, thả thứ sương mù đen như mực cho ánh mắt tò mò tọc mạch của thế gian không thể rọi tới...
- Thế nào, ăn được chứ hả?
Xá cất tiếng.
Bôn giật mình vội đáp:
- Ngọt... Ngọt thật.
Xá bảo:
- Vườn của cậu phải cải tạo. Phải cải tạo hoàn toàn. Tôi nói vậy nghĩa là cậu phải đốn hết cây, đào hết gốc, đem làm củi tất tật. Rồi xới xáo lại, ủ phân trộn nhuyễn với đất và trong một thời gian dài cho đất nghỉ ngơi, bổ dưỡng mới được tính đến chuyện trồng cây khác.
- Tôi hiểu.
Bôn đáp. Trong lúc tim anh rên rỉ:
Gã đàn ông kia sung sướng thật... Gã tính mọi chuyện dễ ợt như vẽ lên lòng tay. Bởi gã có được một người đàn bà yêu gã đến thế, tận tình đến thế, hy sinh vì gã đến thế... Có được tình yêu, người đàn ông sẽ có cả thế gian.
Bôn biết rằng khởi đầu Xá cũng là kẻ trắng tay. Ngay đám cưới Soan anh ta cũng không làm nổi. Chính là Soan, người đàn bà táo tợn kia lo toan chuyện đó. Soan có thai, cô ra ngay trạm xá khám và tuyên bố với gia đình. Cô bảo bố mẹ rằng chính cô ta nhẹ dạ nên bây giờ họ phải đứng ra gánh vác chuyện cưới xin nếu không muốn mất mặt với láng giềng. Nếu ông bà đứng ra tác tạo cho đôi lứa, sẽ được thêm một đứa con. Xá là gã trai siêng năng tốt bụng, ăn ở hậu hĩ với anh cũng chẳng sợ thiệt thòi. Bằng không, cô vác bụng theo anh ta, ông bà sẽ mất đi chính đứa con ruột thịt, mất công mang nặng đẻ đau... Sau rốt, lời lẽ của đứa con gái táo tợn đã đánh ngã hai bậc phụ mẫu. Chính bố mẹ Soan đứng lên dựng rạp, lo hơn một trăm mâm cỗ cưới cho hai người. Soan đẻ con trai. Xá làm ăn khấm khá hẳn lên, số anh ta như diều gặp gió và rồi đúng như Soan dự đoán, anh ta trở thành đứa con rể hiếu thuận nhất làng...
- Thế nào, cậu vẫn giữ ý định làm nương tiêu chứ?
Xá lại hỏi.
- Phải, tôi muốn trồng tiêu, vì chẳng có nghề sơn tràng như anh.
Bôn trả lời.
- Không ít vốn đâu.
Xá bảo. Bôn im lặng. Anh lại thấy con tầu đang chìm xuống biển bùn và nỗi ê chề tràn ngập.
Xá gặng hỏi:
- Cậu nhất quyết ở lại Xóm Núi.
- Tôi ở lại.
Bôn đáp. Sau khi ngập ngừng vài giây, anh nói thêm:
- Tôi yêu Miên...
Anh biết rằng lẽ ra anh phải nói:
Tôi yêu người đàn bà đó dẫu cô ta không còn yêu tôi nữa.
Nhưng tôi đã đặt hết cuộc đời tôi vào mối duyên này giống con bạc khát nước cuộc toàn bộ gia sản vào ván bài sau chót... Tôi không thể ra đi. Tôi không còn hơi sức để ra đi. Người đàn bà đó hút hồn tôi. Chẳng ai thay thế được Miên. Chẳng da thịt nào trắng như da thịt ấy, chẳng đôi mắt nào long lanh hơn đôi mắt ấy, chẳng mái tóc nào óng ả hơn mái tóc ấy... Cô ta đã từng là của tôi... Rồi một ngày tôi sẽ tìm lại được hạnh phúc, miễn là tôi kiên nhẫn.
Nhưng anh không đủ can đảm nói thật, dù là đối với Xá, người bạn tận tụy, kẻ bảo trợ tự nguyện cho anh. Xá nín thinh. Anh ta vớ một quả na chín, bửa đôi, ăn hết sạch, đoạn buông tiếng thở dài:
- Thôi được... Nếu cậu đã quyết... Nhưng muốn thế, trước hết cậu phải đi chữa bệnh. Mồm cậu thối bỏ mẹ, tôi ngồi xa thế này còn không chịu được huống chi đàn bà?
Soan lườm chồng:
- Cái lão dở hơi này, ăn nói lỗ mãng thế hả?
Ðoạn chị quay sang nói với Bôn:
- Anh đừng chấp... Chồng em lắm lúc y hệt thằng khùng... Chẳng cứ với anh, ngay với bố mẹ em nhiều khi ăn nói cũng láo liên như thế...
Nói xong, chị liền vội vã đi vào bếp, bỏ lại thúng na lẫn ổi chọn dở dang. Chờ Soan vào hẳn trong bếp, Xá nói tiếp:
- Nếu cậu quyết sống lâu dài với cô Miên, phải chữa bằng được bệnh hôi mồm, còn những việc khác sẽ tính sau. Mai, tôi đưa cậu xuống viện thành phố. Dưới đó, tôi cũng có ông bác làm nghề bốc thuốc bắc. Ta sẽ đến cả hai nơi xem sao... Có bệnh phải vái tứ phương. Giờ cậu về xoay lấy ít tiền, tôi chỉ còn hai ngày nữa thôi. Sáng sớm ngày mốt, đám sơn tràng chúng tôi làm lễ và ngược rú.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!