LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Chốn vắng - Chương 28 (Dương Thu Hương)

116 lượt xem
Rồi một cơn mưa bụi là là bay tới. Từ chân trời phía Ðông nó mang theo hơi ẩm lẫn bóng mờ của những cơn giông hiếm hoi sầu muộn mùa Xuân. Giữa các lớp bụi xiên xiên trắng như sữa, len lỏi sương mù của một mùa Ðông xa vắng, một mùa Ðông trong cõi hoang kỉ niệm và trong những hồi ức đã chết cóng dưới tro bụi thời gian.
Ở bệnh viện tỉnh, người đi lại tấp nập. Dân chúng đau ốm liên miên vào dịp này. Lịch âm ghi ngày Kinh trập - ngày sâu nở. Trước phòng khám bệnh người xếp dãy dài. Bóng áo trắng lượn quanh các khu điều dưỡng, lướt dọc các hành lang. Phía sau viện, nhà xác chất đầy, từ đó thì thoảng một cỗ xe tang lăn ra con đường phía sau chở một linh hồn về cõi vĩnh hằng.
Trời này hút thuốc lá thơm thật tuyệt.
Từ sáng tới giờ Hoan đã hút hết già nửa bao Dulhil. Khói thuốc tỏa ra bay khỏi hành lang phòng chờ, nơi anh đứng, và tan lẫn vào mưa bụi. Anh ngửa mặt nhìn theo làn khói màu trắng đục của sương mù kia khiến tâm hồn anh khắc khoải hơn.
Sáng nay người ta đã đưa Miên lên bàn mổ. Bác sĩ quyết định lấy thai ra vì sợ Miên không đủ sức sinh đứa bé một cách bình thường. Hôm qua, sau khi băng lại vết thương cho Miên, họ đã kiểm tra huyết áp và các chỉ số khác. Sức khỏe của chị suy giảm không nhiều nhưng cũng không đảm bảo cho một cuộc sinh nở. Và họ đã thực thi các biện pháp cần thiết để an thai cho tới sáng nay. Miên rất bình tĩnh. Bất kỳ lúc nào có mặt anh chị cũng gắng nở một nụ cười. Nụ cười đó muốn nói:
- Không có chuyện gì đáng ngại, anh yên tâm.
Nhưng Hoan không yên tâm được. Người đàn bà đó là nửa cuộc đời anh, và nếu mất đi nửa ấy, nửa kia sẽ bất toàn.
Anh đã làm tất thảy những gì có thể làm được. Từ bác sĩ trưởng viện, trưởng khoa xuống tới đám y tá phụ mổ và y tá phụ trách giường bệnh, kể cả bà hộ lý già, một mụ đàn bà mặt rỗ thô bỉ thường vòi vĩnh trắng trợn... Tất thảy đều đã nhận được thù lao trước một cách hậu hĩnh... Nhưng anh vẫn không hoàn toàn yên tâm. Bởi sự nghiệm sinh đã dạy anh những nỗ lực của con người nhiều lắm cũng chỉ quyết định một nửa sự thành công. Phân nửa kia thuộc về một lực lượng huyền bí khác. Anh không quen cúng vái, không biết khấn các thần linh, anh chỉ thắp hương trước bàn thờ cha mẹ, cầu mong người đàn ông mảnh khảnh ngày xưa từng che chở anh trong cõi dương trần sẽ tiếp tục chở che anh khi ông đã ở dưới cõi âm. Sau đó, anh không biết làm gì hơn là đốt thuốc. Ðốt thuốc liên tục như mất trí, không còn ngửi thấy mùi thuốc, không cảm thấy hơi lửa nóng trên đầu ngón tay.
Trời vẫn mưa. Mưa bay. Những nhành mai trắng nơi khuôn viên nhòa trong bụi nước. Hoan nghĩ tới một lưỡi dao, thứ kim khí bén nhọn sẽ rạch làn da Miên, những thớ thịt đứt rời, máu chảy:
Em sẽ phải gánh chịu đau đớn một mình, và tôi bất lực không cách nào chia sẻ. Vậy mà em vẫn cười, cười như một đứa bé nhởn nhơ ở ngoài cuộc. Em vẫn khích lệ tôi, gã đàn ông khỏe mạnh cao và nặng gấp đôi em...
Anh tưởng bụi nước bay nhòa mắt. Những khóm mai gần như chìm lấy trong mưa. Chiều qua, Miên bảo:
- Em cụt mất hai ngón tay rồi. Mãi mãi không còn bàn tay lành lặn cũ... Anh còn yêu em không?
Anh nói:
- Bao giờ em cũng là người đẹp nhất với anh, em là người của anh, người anh yêu mãi mãi.
Chị nhìn anh với đôi mắt rầu rĩ:
- Anh có thể gặp nhiều người đàn bà khác, trẻ hơn và đẹp hơn em.
Hoan lắc đầu:
- Chúng ta đã qua thử thách. Chúng ta đã từng xa nhau và biết rõ những gì xảy ra trong quãng thời gian xa cách đó.
Chị muốn nói gì thêm nữa nhưng người y tá đã tới lấy chiếc cặp nhiệt độ. Câu chuyện dừng lại vì sau đó người ta yêu cầu anh đi ra cho Miên ăn chiều và nghỉ ngơi. Chị cần một giấc ngủ sâu trước ca mổ. Hoan nhớ lại cuộc đối thoại. Anh không hiểu vì sao trước phút hiểm nghèo Miên chẳng hề lo tới sinh mạng chính chị hay của đứa con trai mà chỉ băn khoăn vì hai ngón tay cụt và e sợ tình yêu của anh không còn nữa. Ðiều đó, cũng giống như chị đã xóa tội sát nhân cho Bôn bằng cách nhận lỗi táy mách nghịch súng, một thứ bịa đặt ngốc nghếch đến trẻ con cũng không tin nổi. Vậy mà tất cả đã phải lặng im nghe chị nói, lặng im chấp thuận sự dối trá ấy, trước tiên là anh kẻ bị sát hại, sau đó tới chủ tịch xã đại diện chính quyền rồi ông trưởng phường, vị trưởng lão trong nghề săn Xóm Núi... Tất cả. Không ai dám bẻ lại thứ lý lẽ ngô nghê của người đàn bà:
Người đàn bà là một thế giới bí ẩn. Không sao hiểu nổi. Họ không để tâm tới sự hợp lý theo lẽ thường mà nghe theo sự chỉ bảo của con tim. Và vì thế chẳng bao giờ đàn ông theo kịp... có lẽ người đàn bà sáng suốt hơn đàn ông chính ở nơi u tối nhất trong tâm hồn họ, nơi lý trí không làm việc và sự linh cảm giương lên những cần ăng-ten vô ảnh vô hình nhưng hữu năng.
Hoan nghĩ. Anh lần mối sự việc: Bôn tới nhà Xá chột mượn súng, anh chàng này đưa súng cho bạn mượn một cách sốt sắng rồi cưỡi xe máy xuống chợ huyện mua đồ ăn cho vợ. Lát sau, cô Soan thức dậy vô tình hỏi chuyện thằng cu lớn mới biết sự việc. Người đàn bà vừa đẻ dậy ấy ngửi ra mùi nguy hiểm, không kịp chải tóc bịt khăn chạy xổ đến báo tin cho Miên. Rồi Miên, cũng chẳng kịp thay xống áo chẳng kịp gọi ông Lư đã chạy tắt qua các nương tiêu, nương cà-phê để kịp đón bắt Bôn và chụp lấy cây súng vào khoảnh khắc nó sắp sửa ghim một viên đạn vào đầu anh. Không chút dữ kiện nào để đoán biết sự thật, ngoại trừ sự linh cảm. Vì lý do nào mà hai người đàn bà ở những hoàn cảnh rất khác nhau kia có cùng một suy đoán, một ý nghĩ? Anh không hiểu nổi. Nhưng anh biết Miên sẵn lòng hy sinh chính sinh mạng của chị để cứu sống anh. Và vì lẽ đó, anh đã chiều theo bất cứ ý muốn nào của chị:
Em muốn tôi tha bổng cho Bôn, tôi sẵn sàng tuân lệnh em như một tín đồ tuân theo giáo chủ... Nhưng liệu em có hiểu rằng điều đó sẽ nuôi dưỡng lâu dài mối hiểm họa, và cuộc sống tương lai của chúng ta bị đặt trong trạng thái bất toàn?
Chị đã nắm chặt tay anh, làn môi nhợt khẽ nhếch lên thì thầm:
- Bỏ qua chuyện này đi anh... Vì em, xin anh hãy bỏ qua...
Nếu như tôi không bỏ qua chuyện này, chính quyền sẽ thi hành phận sự. Bôn phải vào tù nếu anh ta được coi như một người bình thường, trong trường hợp thứ hai, anh ta sẽ bị nhốt vào bệnh viện dành riêng cho những con bệnh thần kinh, Hoan biết quá rõ những bệnh viện loại ấy. Nơi đó, con bệnh bị nhốt như cầm thú trong những căn phòng có các song sắt lớn rào chắn, họ ngủ trên những bậc thềm xi-măng rải chiếu, ăn trong những chiếc bát nhựa lớn và cơm canh đổ lẫn lộn như một thứ cám lợn. Các con bệnh khác phái thường lén lút quan hệ dục tình khi họ mang thai người ta phải trói lại để trục cái thai đó ra vì e đứa trẻ ra đời cũng sẽ mất trí hoặc tiên thiên bất túc.
Ở đó bệnh nhân rất hãn hữu được chữa khỏi. Thường họ nặng thêm lên và xét về phương diện thực tiễn, các viện tâm thần chỉ là những trại giam để cách ly người bệnh với xã hội, để hạn chế ảnh hưởng của họ. Trong cái không gian tù túng ấy, họ hành hạ những người thầy thuốc và đám nhân viên có nhiệm vụ coi sóc họ rồi lại bị chính đám người ấy hành hạ trở lại. Những con người khốn khổ, buộc phải lãnh công việc vừa hiểm nguy vừa buồn chán nhưng lại lãnh một đồng lương tồi tàn đến mức lòng từ thiện bị thui chột trong tâm hồn họ trở thành liều độc dược đầy đọa chính bản thân họ và đám người bất hạnh chịu sự coi giữ của họ. Giữ những bức tường thô bỉ, bẩn thỉu sơn quét lem nhem các cửa sổ và cửa chính đều kết song sắt như chuồng giam thú dữ, những cơn điên bị kích thích theo chiều hướng tồi tệ càng ngày càng tái phát dày đặc hơn, những hành vi phá hoại hoặc gây tội ác càng ngày càng tăng thêm sự man rợ khốc liệt, và tất thảy mau chóng đưa người bệnh tới cái chết.
Anh biết rất rõ điều này. Miên biết rõ cũng như anh. Dù Bôn ngồi tù hay bị nhốt trong viện tâm thần anh ta cũng sẽ đi đến nghĩa địa một cách chóng vánh. Bởi thế, Miên đã tìm cách gỡ tội cho Bôn.
Hành động ấy bởi lương tâm hay do chút ái tình rơi sót? Ta đã không nỡ hỏi Miên và sẽ chẳng bao giờ đủ can đảm hỏi Miên điều ấy...
Hoan bất giác thở dài. Anh rút tiếp điếu thuốc khác. Người đàn ông ngồi đối diện phía bên kia hành lang lục trong túi áo một điếu thuốc Hoa Mai Ðà Lạt nhàu nát vuốt cho thẳng rồi tới gần Hoan xin lửa:
- Anh cũng chờ vợ đẻ như tôi?
Người đàn ông gợi chuyện, anh ta có một chiếc răng khểnh nên hàm răng ố khói thuốc chợt mang chút duyên thầm.
Hoan gật đầu hỏi lại:
- Anh tới đây lần đầu?
- Không.
Anh ta đáp tức khắc, đoạn rít mấy hơi thuốc liền rồi mới nói tiếp:
- Ðây là bản tình ca thứ hai, người anh em ạ.
Bản tình ca thứ hai, anh ta lãng mạn thật. Trông bộ dạng như xã trưởng miền núi, vậy mà ăn nói văn hoa ra trò...
Hoan lặng lẽ mỉm cười, búng tàn thuốc ra ngoài trời. Người đàn ông kia cũng cười, và nói tiếp:
- Anh cười tôi ngót ngét năm mươi còn ăn nói lẳng lơ, có đúng không?
Dứt câu, anh ta phá ra cười, giọng cười ròn rã nửa ngạo nghễ nửa chua chát. Lúc đó Hoan mới thấy những nếp nhăn trên hai gò má và nơi đuôi mắt người nói chuyện. Anh ta tới tuổi năm mươi thật. Tóc hai bên thái dương và mang tai đã ngả muối tiêu. Hết cơn cười, anh ta cao giọng đọc một câu thơ hài hước quen thuộc, rõ ra điệu thách thức:
- Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn
Chính chuyên thì cũng chẳng son mà thờ...
Cổ nhân đã dạy rồi, chúng ta chẳng sáng tạo được gì thêm... Mà nói cho chính xác, cứ sống được như người xưa dạy cũng đã bạc tóc.
Hoan bắt đầu có thiện cảm với anh ta. Sau cái vẻ chuyện trò bả lả, sau cái cười cao ngạo kia có cái gì đó giống như sự cay đắng, giống như một lời than, giống như sự trách móc hờn oán số phận. Hoan bảo:
- Anh nói hay lắm.
- Không phải tôi nói hay mà cuộc đời này lắm chuyện hay. Anh ta đáp.
Hoan cười:
- Vậy thì anh nói đi... Tôi đang cần giết thời gian và anh cũng vậy. Vợ anh đã vào phòng hộ sinh chưa?
- Không. Vợ tôi đang chờ lên bàn mổ. Viện chỉ có một phòng phẫu thôi. Hiện một sản phụ khác đang nằm trong đó. Nghe nói đấy là một người đàn bà rất đẹp và có cuộc đời tình ái ly kỳ.
Tôi và em, chúng ta bắt đầu trở thành những nhân vật để người đời đàm tiếu rồi đấy...
Hoan nghĩ với một chút chua chát, hai mang tai và cổ nóng lên. Nhưng anh vờ nhìn người nói chuyện với cặp mắt ngạc nhiên:
- Thế à? Chuyện gì mà ly kỳ như vậy?
Ngay lúc đó, bà hộ lý rỗ mặt chạy lặc lè tới:
- Này ông, bà nhà đẻ con trai. Thằng bé hai cân bảy kháu khỉnh ra trò... Nhưng bây giờ ông chưa vào được. Bác sĩ gây mê hồi sức đang làm việc. Con ông được đưa xuống phòng kính rồi.
- Cảm ơn bà.
Hoan nói. Bà ta quay lưng đi, vẻ thỏa mãn như đã trả xong món tiền hậu hĩnh nhận của anh chiều qua. Người đàn ông tóc muối tiêu nhìn Hoan:
- Vậy chính anh là người trong chuyện? Xin lỗi, tôi không ngờ.
- Anh không cần xin lỗi. Chuyện lạ nào chẳng kích thích trí tò mò. Ðó cũng là sự thường tình...
- Không...
Người đàn ông chợt gằn giọng:
- Không, không... Ðó là chuyện thường tình nhưng cũng chẳng thường tình. Trí tò mò không vô tội như anh nói. Bởi nó luôn đi kèm những định kiến và sự ác độc. Nhiều khi nó giết chết một con người, một tình yêu, phá nát một gia đình mà không phải đứng trước vành móng ngựa, không phải ngồi tù, cũng không có cái mặt dầy để thế gian phỉ nhổ... Cái gọi là trí tò mò, là dư luận, là lời đàm tiếu của đám đông thường vô ảnh vô hình nhưng khủng khiếp. Tôi đã từng là nạn nhân của chúng. Tôi đã từng là nhân vật trong một câu chuyện ly kỳ như anh ngày hôm nay... Vì thế, tôi thành thật xin lỗi anh...
Anh ta nói với vẻ nghiêm trang bất thường và những nếp nhăn khắc khổ hiện lên hai bên mép. Cặp mắt anh bỗng dưng mờ tối, vầng trán cau lại và cả gương mặt như xỉn lại, sạm đi khiến vẻ già nua tàn héo hiện hình. Hoan lúng túng. Anh không có thói quen tâm sự, chia sẻ tâm tình với ai, nhất là với một người vừa quen biết. Anh cũng không có tài an ủi hay khích lệ kẻ khác. Cái người đàn ông cợt cười lúc trước bỗng biến thành kẻ sầu muộn cay độc khiến anh bối rối thêm. Ấp úng mãi, anh mới cất nổi lời:
- Thôi, thôi... Chẳng có điều gì quan trọng đâu... Cái quan trọng là...
May mắn cho anh chính lúc đó bà hộ lý xuất hiện ở cuối hành lang, giơ tay vẫy. Hoan bảo:
- Tôi phải đi...
Anh ta tiếp luôn:
- Vợ anh xong xuôi rồi hả? Vậy thì đến lượt vợ tôi... Tôi cũng phải đi.
Nói rồi anh ta theo Hoan rảo bước tới phòng mổ và phòng hồi sức hậu phẫu. Bà hộ lý đưa Hoan vào căn phòng dành riêng cho Miên. Một phòng nhỏ xíu cỡ tám thước vuông kê hai chiếc giường sắt sơn trắng có đệm với một bàn nhỏ ở giữa. Các sản phụ khác phải nằm chung, cứ tám đến mười hai người trong một buồng. Anh đã trả một khoản viện phí khá lớn để Miên được xếp một mình trong gian phòng tám thước vuông này. Bà hộ lý chỉ:
- Ðêm nay ông có thể nằm lại đây để trông bà nhà.
- Cảm ơn...
Anh đáp và bước lại nơi Miên nằm với đứa con trai. Chị thiêm thiếp ngủ. Thằng bé nằm cạnh mẹ, bọc trong lớp tã trắng giống một cái kén lớn. Nó mở hé mắt nhìn Hoan. Một cái nhìn điềm tĩnh, bình thản, đầy tình bạn hữu:
- Cậu đấy à? Cậu chờ tớ có lâu lắm không? Ðừng lo lắng, tớ chẳng đến nỗi nào và mẹ Miên cũng vậy. Mẹ con tớ đều là những kẻ rắn mặt, mạng số rất cao...
Con trai nói thầm vào tai anh như thế. Nói xong nó nhếch mép như muốn cười. Cái nhếch mép đầy ngạo nghễ. Cặp mi nhỏ chớp chớp. Cách chớp mắt đó cũng mang dáng vẻ của kẻ trưởng thành. Hoan sững sờ. Ðứa bé hoàn toàn khác anh trai nó. Ngày sinh cu Hạnh, anh cũng đã vào chào đứa con ngay lúc nó rời phòng hộ sinh, và anh đã gặp một đứa bé sơ sinh như mọi đứa trẻ sơ sinh khác. Cu Hạnh nặng ba cân sáu da mặt đỏ ửng, có những nếp nhăn nhỏ trên trán, mũi lốm đốm trắng vì thai già ngày, nhưng cái nhìn và mọi cử chỉ của nó đều là cái nhìn và cử chỉ của một đứa trẻ lọt lòng, ngỡ ngàng, non nớt thậm chí hơi ngờ ngẩn... Còn thằng bé này, dù là thai đẻ non, nó có vẻ như một cụ già thu nhỏ, vẻ như tất thảy cuộc sống ở thế gian này nó đã thuộc lòng và giờ đây nó quay lại để sống thêm một lần thứ hai, gặp lại những gương mặt từng quen biết, đi lại những ngả đường đã mòn nhẵn gót chân, nhìn lại những phong cảnh không còn gì mới lạ...
- Chưa thấy đứa bé nào bảy tháng tuổi mà già dặn như con trai ông. Vừa lọt qua cửa sinh nó đã hét lên như còi. Xuống phòng thở ô-xy chưa đầy nửa tiếng nó đã quẫy như cá chuối... Thằng này lớn lên có trời trị...
Bà hộ lý cất tiếng sau lưng Hoan. Anh quay lại:
- Những đứa trẻ khác bảy tháng thường nặng bao nhiêu? Tôi sợ thằng bé này nhỏ quá...
- Không đâu. Những đứa trẻ đẻ non như con ông thường chỉ nặng hai cân mốt, hai cân hai. Nhiều lắm mới nổi hai cân rưỡi. Thằng bé này là vô địch. Không chỉ vì trọng lượng mà còn vì nó cứng cỏi khác thường.
Bà hộ lý đáp, chừng như sợ Hoan còn nghi ngại bà ta nói thêm trước lúc đi ra:
- Tôi làm việc ở đây ngót hai mươi lăm năm. Tôi không nói để lấy lòng ông đâu.
Hoan cúi xuống ngửi mùi da thịt đứa trẻ. Nó cũng thơm như da thịt cu Hạnh ngày trước. Mũi Hoan chạm vào mặt thằng bé, hơi thở ấm và nhẹ của nó phả một chút lay động bên má anh. Từ nơi đó, nỗi xao xuyến lan tỏa:
Con của cha, dẫu sao con cũng đã có mặt trên cõi đời. Và sự hiện diện của con đem lại cho ta sức mạnh. Con không chỉ là đứa con trai, con chính là bạn, là kẻ đồng hành, là người ta được quyền nương tựa. Bởi con đã ra đời trong nghịch cảnh, giống trái chín giữa mùa giông bão, con biết bám chặt thân cành biết đùa cợt với gió mưa...
Thằng bé vẫn nhìn anh, cái nhìn đầy vẻ hài lòng. Hoan đưa ngón tay út nhẹ nhàng rờ quanh khuôn mặt nhỏ xíu của nó, vờn qua hai gờ lông mày, chạy dọc theo sống mũi xuống bờ môi trên. Thằng bé hoàn toàn giống anh, giống như bản sao. Tất thảy mọi đường nét. Ðiều này cũng khác với cu Hạnh, bởi cu Hạnh là sự hòa trộn giữa hai gương mặt, hai làn da và hai mầu tóc. Hoan nhớ hồi có thai được bốn tháng, Miên bảo anh:
- Thằng bé này sẽ giống anh như lột.
Hoan hỏi:
- Sao em biết được?
- Em biết, vì em là mẹ nó.
Chị đáp gọn lỏn và sau đó bắt tay vào việc gì đó khiến anh không thể hỏi thêm. Một ngày khác chị lại bảo:
- Em sẽ đặt tên con là Hùng.
- Tại sao?
- Em thích thế.
- Ðừng làm anh hùng, anh hùng chẳng sung sướng đâu em.
- Nhưng đứa bé này phải đặt tên là Hùng. Không anh hùng, làm sao nó chào đời?
- Em không muốn con mình sung sướng hay sao?
- Em muốn... Nhưng mỗi người một phận. Ngày mình có thai cu Hạnh khác... Và giờ đây...
Miên không nói hết câu nhưng anh hiểu rõ điều chị muốn nói:
Vậy giờ đây ta sẽ đặt tên con là Hùng, đúng ý muốn của mẹ con. Và như vậy, chính con sẽ là cột trụ người phải gánh vác gia đình dòng tộc khi con trưởng thành...
Thằng bé chớp chớp mắt rồi lại nhìn anh, vẫn cái nhìn bình thản, an nhiên cũ. Vì hai tay còn bị bó chặt trong lớp tã hệt như cái bọc kén trắng tinh nên nó chỉ còn lại duy nhất phương tiện biểu cảm là gương mặt. Hoan ngạc nhiên vì từng đường nét, từng thớ thịt nhỏ xíu mong manh trên gương mặt ấy lại có thể truyền cảm một cách tinh vi nhạy bén đến thế. Hoặc vì anh quá xúc động nên hoang tưởng, hoặc vì nó là một trẻ sơ sinh phi phàm nên ý nghĩ của anh vừa chấm hết, hai mép nhỏ xíu đỏ hồng của nó nhích lên nhích xuống mấy lượt và đôi mắt vừa ngạo nghễ vừa vui tươi của nó cất tiếng:
Yên tâm đi hỡi anh bạn khổng lồ, tớ biết phận của tớ rồi. Mai đây tớ sẽ gánh tất tật những gánh nặng đời trút lên vai tớ. Hãy an hưởng hạnh phúc cho đến tận ngày bạc tóc răng long...
Mắt nó lại chớp. Cái chớp mắt ấy thay cho lời nói cuối, tràn ngập niềm tin và khoan dung...
Không lẽ mình điên. Hoặc mình tưởng tượng ra mọi sự?
Hoan kinh ngạc thầm hỏi. Nhưng rồi một tiếng nói khác cất lên:
Cứ cho là tưởng tượng đi, thứ tưởng tượng đó không mảy may xúc phạm đến sự thật. Bởi trong suốt quãng thời gian đã sống ta chưa từng rơi vào cơn rối loạn và trạng thái hoang tưởng. Rõ ràng những ý nghĩ bột phát trong ta là do nó gợi lên. Con trai ta, cái gã trượng phu tí hon này...
Một niềm kiêu hãnh ào tới, ngập tràn tâm hồn người cha và bỗng dưng nó khiến anh cay xè con mắt. Hoan chợt xấu hổ với chính mình. Anh lấy chiếc chăn len nhỏ chặn thêm cho đứa con dù người ta đã đặt nó nằm phía bên trong Miên, sát mé tường. Xong rồi, anh khép cánh cửa phòng ra hành lang. Ở đó, tìm một góc vắng anh tiếp tục đốt thuốc. Thuốc lá... cái thứ thói quen phiền toái này bỗng trở nên phương tiện hữu hiệu giúp anh giải thoát những cơn bối rối. Ngoài trời mưa bụi vẫn bay. Hoan đưa mắt tìm khóm mai, chúng đã chìm ngập dưới bụi nước. Dọc hành lang những y tá hộ lý và người nhà bệnh nhân lẫn người nhà sản phụ vẫn đi lại, mỗi người theo đuổi công việc và mục đích của mình. Hoan nhìn vào mặt họ, chợt nhận ra con người thật cô đơn. Mặt đất đông đúc, xã hội loài người không khác bao nhiêu xã hội loài kiến nhưng loài kiến sung sướng hơn họ bởi chúng
không cần chia sẻ tâm tình. Con người khốn khổ hơn con kiến vì suốt cuộc đời của họ, họ không thoát khỏi ước muốn tìm thấy kẻ đồng hành, cuộc tìm kiếm đó thường là cuộc tìm kiếm vô vọng:
Con chính là kẻ đồng hành của cha, con trai yêu dấu...
Anh nghĩ, với một niềm hạnh phúc lạ lùng, một hạnh phúc không chờ đón khiến con tim ngây ngất. Nào ai ngờ cái thằng bé tí ti kia lại gợi nên nơi anh cảm thức kỳ diệu ấy. Anh trai nó chỉ là một đứa con, kêu gọi nơi người cha sự chở che và tình âu yếm. Cái thằng bé này ngược lại, nó đã bước vọt qua cái ngưỡng đó, nó gợi nơi anh cảm thức kẻ đồng hành và ngay từ cái nhìn đầu tiên, nó che chở, nó dìu đỡ anh...
Hành lang chợt nhốn nháo:
- Nào, dẹp ra, dẹp ra cho xe đi.... Mọi người dẹp ra...
Tiếng quát của một người đàn ông vang lên, Hoan quay lại: từ phía đầu hành lang bốn y tá đẩy cỗ xe chuyển bệnh nhân tới phòng mổ. Trong bốn người ấy, y tá nam duy nhất luôn mồm hét:
- Dẹp ra, dẹp ra cho chúng tôi nhờ...
Sau xe, một người béo lùn mặc bờ-lu chụp mũ trắng bước đủng đỉnh. Hoan nhận ra ông ta. Ðó là một trong hai bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất bệnh viện, người ta đã mách Hoan khi anh lo ca mổ cho vợ mình. Người số một là ông già ngót sáu mươi, cao gầy, tóc cắt trụi, râu cạo nhẵn, gương mặt đầy cao ngạo. Ông bác sĩ béo lùn này chính là nhân vật số hai. Hẳn ông ta nhận mổ cho vợ người đàn ông tóc hoa râm đã nói chuyện với anh lúc trước:
Trông bộ dạng túng bấn như vậy, làm sao anh ta đủ tiền phong bao cho cả đám người trong bệnh viện này?
Một khi người nhà bệnh nhân không lo đủ các thủ tục tài chánh, thân nhân họ ắt rơi vào vòng quay đen đủi, phần nhiều sẽ được dùng làm ca thử nghiệm cho tay nghề của đám bác sĩ mới ra trường hoặc của các thực tập sinh. Ðồng tiền quan trọng thật, không trách nhân gian điên đảo vì nó...
Chiếc xe lăn qua mặt Hoan, ông bác sĩ béo lùn đưa mắt nhìn anh hờ hững. Hoan mỉm cười. Tối qua khi anh tới nhà riêng ông ta, bộ mặt tròn vo kia đã nở ra, cặp môi đầy nhục cảm cười nụ cười thân thiện khi anh đặt món quà sang trọng lên mặt chiếc tủ chè. Vợ ông ta, một người đàn bà lùn tròn quay như chồng bưng tới trước mặt anh tách chè pha vội và sau khi lên tiếng mời anh uống trà bằng một giọng quá ư mềm mỏng cũng nở nụ cười đầy tình thân mến...
Ðó là cuộc đời...
Hoan búng tàn thuốc nghĩ tới người đàn ông tóc muối tiêu. Những lời lẽ văn hoa chua chát, điệu cười khinh mạn và cay độc, làn da tàn héo phong trần... Tất thảy ẩn giấu một bí mật nào đó, một nỗi buồn đã quá quen thuộc với nhân gian nhưng họ vẫn không sao chịu thấu:
Anh ta là ai nhỉ? Cái gã đàn ông có tâm hồn dịu dàng đã nhầu nát. Ta đoan chắc như vậy...
Hoan không phải chờ lâu. Gã đàn ông anh vừa đoan chắc có tâm hồn dịu dàng đã nhầu nát đó đang tiến đến trước mặt anh, sau cỗ xe chừng mươi thước. Ði sau anh ta quãng mươi thước là bà hộ lý mặt rỗ, tay vung vẩy một cái túi nhỏ bằng plastic lòe loẹt. Người đàn ông chăm chắm nhìn vào tấm lưng của ông bác sĩ béo lùn, anh ta đi qua mặt Hoan mà không nhìn thấy anh. Vẻ căng thẳng hiện lên từng nét nhăn nhỏ quanh mép, trên gò má. Hai món tóc bên thái dương bị vò rối, xác xơ. Chiếc sơ-mi nhàu nát lòi ra khỏi thắt lưng quần, hẳn anh ta đã qua đêm trên chiếc ghế băng hẹp kê dọc hành lang:
Tội nghiệp...
Anh nghĩ, và không hiểu vì sao gã đàn ông vừa quen biết kia gợi cho anh một hình ảnh thật sắc nét thật tiêu biểu về kiếp người. Bà hộ lý đã tới trước mặt anh, nở nụ cười cầu tài nhàm chán:
- Ông không chờ bà nhà tỉnh giấc hay sao?
Hoan lắc đầu:
- Tôi muốn vợ tôi được ngủ.
Bà nặc nô hỏi tiếp:
- Thằng bé vẫn thức chơi một mình à?
Hoan bảo:
- Có lẽ lúc này nó ngủ rồi.
Bà ta lắc đầu:
- Không đâu. Nó đã ngủ đẫy giấc. Mấy cô dưới phòng kính bảo con trai ông ít ngủ hơn trẻ sơ sinh khác, nó tỉnh như ông già.
Hoan ậm ờ, nhìn những múi thịt nhúc nhích trên bộ mặt phàm tục của mụ già, và bỗng dưng, anh không ghìm được cơn tò mò, một thói xấu trước đây chưa từng có:
- Này...
- Ông hỏi gì cơ?
- Vợ người đàn ông gày gò mặc áo xám kia sắp lên bàn mổ?
- Phải. Xương hông cô ta hẹp quá và huyết áp thấp dưới chỉ số bình thường. Ðẻ lần đầu mà khốn khổ như vậy.
- Họ là người ở đâu tới đây?
Mụ nặc nô bỗng giương đôi mắt tròn xoe nhìn Hoan:
- Ông không biết gì sao? Ông ta là thầy giáo Thông, thầy dạy Lịch Sử giỏi nhất trường cấp ba thành phố.
- Tôi không biết. Có lẽ ông ta tới đây sau năm tôi đã nhận bằng tốt nghiệp.
- Phải, phải...
Mụ già gật đầu lia lịa rồi tiếp tục mở máy:
- Ông ta dạy Sử, vợ dạy Sinh Vật. Họ từ ngoài Bắc chuyển vào trước năm chiến tranh. Hai người có ba con trai. Họ được nhà trường và học sinh rất trọng nể vì dạy giỏi. Nghe đâu có lần đích thân bí thư tỉnh tới tặng quà... Rồi sau năm giải phóng miền Nam, ông ta bỗng dưng bị một con học sinh bỏ bùa chài. Ông ta nhất định bỏ vợ con đi theo nó. Con bé kia cũng vậy, bố mẹ anh em chửi rủa đánh như bổ củi nhưng dứt khoát không chịu bỏ ông ta... Ðấy, kết cục là như thế: Ông ta bị buộc thôi việc phải rời thành phố đến huyện Sơn Quảng làm nghề nhuộm quần áo. Cô vợ đẻ khó nên mới thuê xe về. Ngu dại quá. Ðang là người sang cả được trọng vọng bỗng dưng trở thành đồ tiểu tốt vô danh, rách như tổ đỉa...
Nói tới đó bà ta chìa cái túi plastic cho Hoan xem:
- Ðây, anh ta dúi cái gói bánh chó nhà này vào tay tôi. Chẳng nhẽ lại quẳng ra vỉa hè?
Hoan nhìn bộ mặt cong cớn và tàn nhẫn đó, mỉm cười, nhớ câu nói cửa miệng của ông giáo Huy:
- Ðời là thế...
Ðời là thế,... đời là thế...
Bỗng dưng lời nói đó lặp đi lặp lại trong óc não anh. Bầu trời bên ngoài như mịt mù hơn, rộng rênh và lạnh lẽo. Khóm mã vĩ đỏ trồng ven hành lang được mưa rửa sạch bóng từng chiếc lá giống thứ cây cảnh làm bằng gốm đỏ. Màu đỏ của nó không sưởi ấm không gian mà ngược lại, chút lửa giả hiệu kia gợi nên cảm giác bất an cho cuộc đời.
Nếu tôi không tuân lệnh em, nếu tôi đẩy Bôn vào một nhà tù hoặc một viện tâm thần? Hẳn lương tâm em sẽ bị dầy vò và đó là chất độc dược hủy hoại tình yêu của chúng ta, hủy hoại cuộc sống chung phía trước...
Tôi tuân lệnh em, tương lai chúng ta đặt trong thách thức hiểm nghèo.
Vậy hạnh phúc chỉ là một món hàng trong tiệm cầm đồ, người ta phải chuộc nó bằng một nỗi khổ đau chọn lựa. Cũng giống như trước kia, tôi chấp thuận nhục nhã đặt chân tới ổ điếm để tránh cơn hành hạ dục tình. Giờ tôi chọn sự bất an để khỏi đương đầu với mặc cảm tội lỗi. Ðến hôm nay tôi mới hiểu con người mơ tưởng và tìm kiếm sự hoàn thiện chính bởi nó khuyết diện trên cõi đời...
Hoan đốt điếu thuốc khác và đột nhiên một giả thuyết nảy sinh:
Nếu Miên là người hành động quyết liệt chỉ để bảo vệ lợi ích và cuộc sống bản thân? Nếu chị không yêu cầu anh tha thứ cho Bôn mà thúc giục anh tống người đàn ông khốn khổ kia vào tù hoặc vào viện tâm thần, diệt trừ tới gốc rễ mối hiểm họa cho cuộc sống lứa đôi của họ, liệu anh có còn yêu mê chị như giờ đây hay không?
Hoan không biết. Cũng không giám trả lời. Anh hiểu lòng người quanh co, tình đời oái oăm và bất trắc. Tất cả những gì từng trải nghiệm đã dạy anh như thế. Anh biết anh thuần phục Miên bởi người đàn bà nhỏ bé ấy đầy sức mạnh. Chị chỉ nghe theo lương tri mình và sẵn sàng trả giá điều đã chọn. Anh cũng biết con người có thể vượt được ngục tù trên cõi đất, nhưng không thể vượt được ngục tù trong tâm hồn mình. Họ có thể đạp đổ mọi pháp đình trần thế nhưng sẽ không bao giờ đạp được pháp đình do chính họ xây cất trong tim. Anh biết. Anh biết rất rõ. Nhưng từ cõi sâu kín trong anh, vẫn vọng vang một lời than câm nín:
Vì sao, và vì sao?
Anh nhìn thấy một chân trời mong manh trong cơn mưa bụi bên ngoài, nơi đường phân cắt giữa cái sống và cái chết hạnh phúc và bất hạnh của con người vừa đủ như sợi tơ nhện phập phồng trước gió. Phải chăng vì sự bất an mà con người cô đơn sợ hãi và họ có nhu cầu thường trực tìm kiếm kẻ đồng hành?
Vậy ta đã có trong tay cái vưu vật mọi người thèm muốn. Con trai ơi, hãy mau khôn lớn, bởi chính cha sẽ tạo ra lịch sử của con, con hoàn toàn thuộc về cha, con không có nợ nần trong quá vãng. Con sẽ đồng hành với cha tới lúc xuống mồ...
Anh tưởng chừng chỉ vài ba tuần lễ nữa thằng bé đã lên năm, lên bảy. Anh sẽ đặt nó ngồi trước yên xe máy, trong chiếc ghế mây. Hai cha con sẽ cùng đi thăm các nương vườn, cùng xuống thành phố vào các quán cà-phê và các tiệm ăn lớn. Anh sẽ đặt nó ngồi đối diện với anh, sẽ chuyện trò với nó như với người bạn tâm tình ngang tuổi tác và nghiệm sinh, tin cậy và bình đẳng hơn bất cứ mối quan hệ nào từng có:
Không phải cha đối xử bình đẳng với con mà chính con tự giành lấy quyền bình đẳng ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên... Con không chỉ là kẻ đồng hành lý tưởng mà còn là đấng nam nhi mạnh mẽ chở che ta. Chính con, người chở che chứ không phải kẻ cần che chở...
Hoan bất chợt thấy anh nhỏ dại, nhỏ dại, mềm yếu bên cạnh đứa con trai bé tí ti kia, đứa trẻ đẻ thiếu tháng nặng hai cân bảy. Anh thấy anh vững tin, được che chở và được an ủi khi nó có mặt trên cõi đời. Rồi mơ màng, anh tưởng thấy gã anh hùng tí hon kia đang cùng anh cưỡi xe máy phóng đi khắp nơi. Mái tóc mềm của nó cọ vào cằm anh, mùi thơm thơ dại từ da thịt tóc tơ nó tỏa lên làm anh ngây ngất. Anh thấy bàn tay bé xíu của nó giơ lên, xoa cái cằm đầy râu của mình... Anh ném đót thuốc, mỉm cười và trở lại căn phòng tám thước vuông, nơi kẻ bảo trợ cho anh vừa ra đời. Nụ cười sung sướng không rời khỏi môi anh, anh bước qua hành lang mà chẳng để tâm tới những cặp mắt tò mò nghi hoặc đuổi theo mình...
Vào lúc đó, ở Xóm Núi, Bôn cũng đang cười sung sướng. Mưa giăng trên nghĩa địa. Mưa che phủ, vây bọc anh. Không ánh mắt tọc mạch của lũ trẻ, không những lời hỏi thăm ấm ớ nhạt nhẽo của mấy gã chăn dê chăn bò. Một mình anh, yên tĩnh và thanh thản.
Nước lạnh thấm vào tóc, vào da thật dễ chịu. Nước dập tắt ngọn lửa cuồng nộ thường bốc cháy phần phật và gào rú trong anh bất cứ lúc nào nó muốn, không thể kiểm soát. Lớp bụi nước trắng bay là là xiên nghiêng kia đẹp làm sao, nó gợi nhớ cơn mưa thời trai trẻ, gợi tiếng cười rúc rích của đám thiếu nữ với dải đồi long lanh sương. Có một loài cỏ giống cỏ lau tên gọi cỏ đuôi chồn, bông cỏ trông như triệu triệu hạt mưa bụi trắng tinh kết lại. Ước gì anh được là mưa. Anh chảy trên lá cỏ trên khóe môi, giữa hai bầu vú đàn bà, chảy qua rốn xuống tận nơi thầm kín của họ. Ước gì anh vẫn còn trai trẻ chơi trò nhảy tưng tưng, vừa nhảy vừa lấy tay gãy con giống dựng ngược như gãy dây đàn, cái trò bọn lính động cỡn thường chơi vào thời kỳ được nghỉ chờ chiến dịch mới. Ước gì anh có phép lạ nhảy một bước lên tới ngọn cây cao và đong đưa trên đó như con diều... Nhưng ước với ao làm gì, thứ trò vớ vẩn. Tiểu đội trưởng đã đến đây từ lúc nào chẳng rõ, đứng sau lưng anh. Bôn cười ngượng nghịu:
- Em hay nghĩ ấm ớ... Toàn những chuyện chẳng ra gì.
Tiểu đội trưởng ngồi xuống bên anh, nói:
- Mưa đẹp quá... Hệt mưa xuân ngoài Bắc.
Bôn hỏi:
- Quê anh cũng có mưa bụi như ở đây?
Tiểu đội trưởng gật đầu:
- Như đây và còn đẹp hơn ở đây. Ngoài Bắc trời rét, mưa nhẹ bổng phất phới bay trên các khuôn viên các vườn đào. Cứ lên Quảng Bá, Nhật Tân là sa lầy vào cánh đồng hoa đào, không tìm được lối ra.
Nói đoạn anh im lặng, vẻ xa xăm. Hẳn anh ấy đang mơ những vườn đào Nhật Tân, Quảng Bá.
Bôn không dám hỏi gì thêm, chỉ đưa tay quàng qua lưng tiểu đội trưởng. Lát sau, anh ấy bảo:
- Cậu còn thuốc không? Trời này hút một điếu thuốc thật tuyệt.
Bôn móc túi:
- Em còn cả bao nguyên.
Anh đưa cho tiểu đội trưởng. Những ngón tay xương xẩu trong suốt của anh ấy gỡ một cách khéo léo lớp giấy bọc ngoài rồi xé góc bao:
- Cậu rút trước đi.
- Em không dám, nhường anh.
- Lễ phép cái con khỉ. Rút ra mau kẻo mưa làm ẩm thuốc bây giờ. Nào, được chưa? Lấy bật lửa ra... Ðược, chờ tôi bỏ mũ xuống che đã...
Tiểu đội trưởng ngả mũ xuống che cho Bôn châm lửa. Sau đó, tới lượt anh.
Anh ấy châm lửa với cùng một động tác như xưa, đầu nghiêng nghiêng bàn tay áp lên vành mũ...
Bôn thầm nghĩ. Người chết không bao giờ thay đổi thói quen kể cả những cử chỉ sinh hoạt nhỏ nhặt. Ngọn lửa vọt lên trên những ngón tay trong suốt, lơ lửng, nửa trắng bạc nửa xanh, lắt leo giữa lớp bụi mưa và hơi gió thoảng.
- Ðược chưa anh?
- Ðược rồi. Tắt lửa đi... À, cho tôi cái bật lửa này. Thỉnh thoảng muốn hút thuốc lại phải đi xin lửa.
- Anh cầm lấy mà dùng.
Bôn đáp và tiếp tục nhìn tiểu đội trưởng.
Anh ấy nhét chiếc bật lửa vào túi quần cũng với cùng một động tác cũ.
Sau khi thả chiếc bật lửa, anh giơ tay vuốt thẳng mép túi. Chiếc quần của tiểu đội trưởng mỏng tang như dệt bằng sợi dứa ma, thứ dứa dại chỉ mọc ngoài nghĩa địa. Bôn định hỏi tiểu đội trưởng vì sao không mặc quân phục mới nhưng anh chưa kịp lên tiếng tiểu đội trưởng đã nghiêng đầu lắng nghe rồi hỏi:
- Lạ thật, trời đang mưa bụi sao vẫn nghe tiếng gió hú?
- Dạ, có lẽ gió hú trong vực vọng về.
- Ờ, nghe như gió hú trên đồi A46 ở Chiềng Khan... Cậu nhớ cái chốt đó chứ?
- Dạ, em nhớ.
- Tôi vẫn thường quay lại đấy.
- Tiểu đội trưởng nhớ buổi tối thui bò dưới chân đồi không?
- Nhớ. Cậu Quang phệ làm món nước tương chấm thịt bò thui ngon tuyệt. Cậu ấy chết sau tôi hai năm rưỡi, xương vẫn ở chiến trường K.
- Quang phệ tử tế với em lắm. Lần nào trực bếp nó cũng dành cho em miếng cháy to tướng. Còn cậu Thiều, Thiều dân Thái bình, tiểu đội trưởng nhớ không?
- Nhớ.
- Hôm thủ trưởng lữ đoàn xuống ủy lạo anh em, đang nói chuyện nó tương phát rắm đánh bủm...
Hai người cùng bật cười. Bôn nhìn gương mặt tiểu đội trưởng kề sát bên anh. Làn da trong suốt, không đám nốt ruồi tụ như quần đảo trên gò má trái, không vết sẹo trứng cá nơi cằm, cũng không món tóc mai dài rậm thường uốn cong dưới trái tai...
Gương mặt tan loãng, không lông mày lông mi, miệng cười không bờ môi chỉ rõ hai hàm răng trắng...
Nhưng có hề chi? Chẳng hề chi? Ðó vẫn là gương mặt gần gũi nhất với anh, thuộc về anh, cùng anh.
Phía sau gương mặt ấy, những nương tiêu nương cà-phê những xóm làng nhấp nhô cao thấp và xa hơn nữa giải đồng lúa hẹp nối tới miền cát ven biển phía Ðông, tất cả với anh giờ đây là hoang mạc là chốn vắng.
Một cõi không người.
Ngày 23 tháng 11 năm 1998
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư