Lá ngọc cành vàng - Chương 14: Chén thuốc rửa nhục (Nguyễn Công Hoan)

77 lượt xem

Mấy hôm nay, ông Phủ không ra công đường nữa. Nhục lắm, ông chẳng muốn trông thấy một ai. Tuy việc Nga có mang, ông bà không dám lộ cho ngoài biết, vậy mà ông cũng tưởng như ai ai cũng rõ cả đầu đuôi rồi. Ngày nào cũng vậy, suốt từ sáng đến tối, các cửa nhà tư đều đóng kín. Người nhà, lính tráng thì thào với nhau là quan se mình. Nhưng kỳ thực, tuy ông Phủ nằm bẹp dí trên giường thật, song ông không ốm. Ông không ốm, mà ông vẫn rên. Đó là ông thở dài, rên rỉ.
Cái buồn bực, cái đau đớn cho ông mấy ngày hôm nay tốn bao nhiêu nước mắt. Ông nghĩ đến ông cha, cực lòng, ông chỉ muốn thác cho rồi. Còn gì ái ngại cho bằng một người đã già lại mếu máo, khóc lóc! Mấy bữa cơm, ông bỏ hẳn. Ông khấn trời cho ông được ốm, để sớm về chầu tổ tiên.
Nhưng mà thương hại thay, ông chẳng được ốm thật. Ngày nào ông cũng trông thấy mặt con gái ông. Cái hình ảnh đứa con chửa hoang, chỉ tổ thêm nhắc cho ông bao nhiêu nỗi đứt ruột.
Từ hôm ông Tham về phủ đem cái tin sét đánh ấy, ông Phủ bắt Nga ở nhà. Song ông cấm chỉ không cho Nga được dàn mặt.
Ông giận em, giận con và đay nghiến vợ. Ông như phát điên, đến nỗi không nghĩ được cách gì trừng phạt tội nhân cho đích đáng. Cho nên ông chỉ nhầu gan ruột về nghĩ mà tin rằng nhà ông đã đến lúc hết phúc rồi.
Buồng Nga ở ngay cạnh buồng ông nằm nên thường nàng ra vào và bị cha sỉ nhục luôn. Thấy cha đau đớn vì mình, Nga cũng chỉ muốn chết. Một đàng thất hiếu với mẹ cha, một đàng thất vọng về tình duyên, nay cố nhiên đã lỡ bước, nàng quyết không sao trọn vẹn được mặt nào.
Bởi vậy, trông Nga càng tiều tụy. Những lúc nghĩ thấm thía, nàng chỉ còn cách nằm vắt tay lên trán mà khóc thầm. Hiện nay, Chi được nghỉ hè về nhà, nhưng tuy hai người gang tấc mà thật là quan hà. Nga muốn nhắn cho Chi biết tin mình một tí, song không có dịp, vả cũng không thể có dịp.
Những lúc nghe cha rên rỉ ở buồng bên cạnh, Nga lại chạy ra xun xoe đứng bên. Nhưng ông Phủ hồ thấy mặt con, thì nhăn mặt, xua tay, tựa như nhìn thấy một vật nhơ bẩn. Ông van lơn nói:
- Tao lạy mày, mày tránh ra. Mày tha cho tao. Mày đừng giết tao. Mày dàn mặt tao, tao trông thấy mày, thì tao chết mất!
Nga nghe lời nói, như bị nhát dao đâm vào ruột vào gan. Nàng cho đời mình quạnh hiu quá. Ở giữa gia đình mà nàng cô độc lạ lùng. Ông Tham không dám về phủ nữa. Mà chỉ có chú, họa may mới có thể về hùa với nàng và khuyên can cha được mà thôi. Ấy là nói thế, chứ chắc gì cha Nga đã nghe theo. Nhưng giá ông Tham có dám năng đi về, thì dù ông Phủ chẳng cho nàng được kết hôn với Chi, song nàng cũng hình như được người bênh vực, và biết đâu, cha nàng cũng đỡ giận, đỡ ghét một chút.
Vả lại, mẹ nàng lại đi vắng. Nàng không hiểu là đi đâu cả. Cứ nàng đoán, thì là bà về nhà quê, vì chắc là cũng đau đớn không kém gì ông, nên không muốn lộ cho mọi người biết là trong nhà có xảy ra việc quan trọng đến nỗi cả mọi người nằm bệt như ốm.
Mẹ Nga tuy không nghiêm khắc quá như cha, nhưng đến nỗi nước này, dù người nhân từ đến đâu, cũng không thể tha thứ được.
Bởi vậy, Nga càng thương cha mẹ. Nhưng thương cha mẹ bao nhiêu, nàng lại thương Chi bấy nhiêu. Thật ra nàng chẳng hối tí nào. Nàng chỉ oán cái gia thế và cái lòng câu nệ nhút nhát của bọn con ông cháu cha. Vì có nó mà cha nàng phải làm nô lệ cho cái luân lý vô nghĩa. Vì có nó mà cha nàng khinh miệt hết cả hạng người nghèo hèn. Vì có nó mà, than ôi! Tình duyên của nàng đến nỗi ngang ngửa, một đời dở dang.
Rồi Nga hồi tưởng lại những ngày vui vẻ cùng Chi. Thương hại thay, lúc nào Chi cũng tỏ ra là hèn nhát, sợ hãi, cam chịu phận thấp hèn. Cả đến dạo Nga điên gần khỏi, thấy Chi hết lòng trông nom săn sóc thì chính Nga khơi mào cho Chi khỏi e lệ rụt rè. Chính nàng đã khêu gợi, giục giã Chi mạnh bạo tiến lên con đường tình để cùng nàng thỏa mãn thú nhục dục.
Mà sở dĩ nàng dám cả gan như thế, là do lòng nàng đã cảm lòng Chi quá, đến nỗi quên cả việc xảy ra bất ngờ.
Vả lại, nguyên nhân chỉ bởi Nga coi Chi là người, cũng là người như Nga, hơn nữa, Chi lại có những đức tính và tư tưởng hơn người. Thế thì giai cấp không thể thắng cái lòng trọng nhân cách người của Nga được.
Những lúc nghĩ đến cha, Nga thấy cha như cái trở lực kéo Nga lại là đặt Nga ngồi vào khuôn khổ cũ. Song đến khi đứng trước ái tình, nàng không còn thấy một sức nào có thể ngăn cản được lòng. Vì vậy nàng mạnh bạo đạp đổ giai cấp đi.
Thành ra bây giờ, hiếu chẳng xong, tình chẳng vẹn, cũ không dứt, mới không xong. Nga như bị đẩy cả ra ngoài bốn cái vòng, vòng tình, vòng hiếu, vòng cũ, vòng mới. Thật là một chiếc thuyền nan bị sóng gió tứ tung.
Nga mong gặp mẹ để khóc lóc, kể lể, gợi nỗi từ tâm, may mà mẹ thương tình được phận nào thì nhờ phận ấy. Rồi dần dần Nga xin mẹ nói với cha cho nàng được lấy Chi, vì đã trót thì phải trét. Nhưng mẹ Nga đi vắng mãi chẳng về.
Một hôm, Nga đánh bạo, rón rén đến cạnh cha, ngó dòm vào giường. Nàng thấy cha lim dim ngủ, nằm quay vào trong, mặt mũi hốc hác hẳn đi. Nàng cảm động lắm, thở dài một tiếng rất mạnh.
Ông Phủ mở choàng mắt, chợt giật nẩy mình. Chắc ông không ngờ chỉ được quên đời một lát để sống lại bằng tưởng tượng những ngày đáng tiếc đã qua, mà lúc mở mắt ra, ông lại thấy ngay cái nhục nhã của gia đình sừng sững ở trước mặt.
Nga nhăn nhó, thưa:
- Bẩm thầy, me con bao giờ về ạ?
Ông Phủ nhắm mắt, không đáp.
- Bẩm thầy, me con bao giờ về ạ?
Bỗng ông nhổm phắt dậy, trừng trừng nhìn Nga, và nghiến răng:
- Nga, mày bêu riếu cha mẹ, làm nhục ông bà ông vải!
Nga cúi mặt. Hai dòng nước mắt giàn giụa như mưa.
- Chú Tham giết tao, giết cả thanh giá của gia đình. Mày làm đến nỗi tao không mặt mũi nào dám trông thấy người khác nữa. Bây giờ mày nghĩ thế nào?
Nga vẫn cúi mặt, không đáp. Vì Nga không dám trả lời thật điều Nga nghĩ.
- Mày nghĩ thế nào? Con bất hiếu kia... Mày không trả lời phải không? Đáng lẽ tao đem mày trôi sông. Đáng lẽ tao cho mày một phát đạn...
Nga nức lên, ôm mặt thổn thức khóc.
- Bẩm thầy, con tưởng con đã trót đi như thế này thì...
- Phải, mày trót! Giá mày có mang với những đứa con nhà sang trọng, thôi thì tao cũng nhắm mắt nhắm mũi gả tống gả tháo mày để che mắt thế gian. Nhưng mày đổ đốn với con con mẹ hàng xôi chè ở phố phủ? Xôi chè! Phố phủ!
Ông dằn bốn tiếng sau cùng, rồi hu hu lên khóc, và nằm vật xuống. Rồi ông hổn hển nói:
- Nếu tao biết tao đẻ ra mày để tao thấy cái nhục nhã này, thì thà tao bóp mũi mày chết ngay từ ngày lọt lòng cho xong!
Nga cảm động quá, đến nỗi rợn tóc gáy. Ông Phủ lại tiếp:
- Mày rồi khổ suốt đời con ạ. Cá không ăn muối cá ươn. Phương ngôn nói chẳng câu nào sai cả. Rồi mày chỉ suốt đời lấy lẽ người ta mà thôi, chứ đứa nào dại mà rước đến cái thứ mày nữa!
Nghe đến tiếng lấy lẽ, Nga ngẩng phắt đầu nhìn cha, vì nàng không hiểu cha nghĩ thế nào. Ông Phủ bảo:
- Rồi chiều nay, me mày về, thì tao bảo gì mày không được trái lời.
- Dạ.
Đáp xong, Nga phân vân. Có lẽ đó là một việc quan trọng. Nàng lo sợ lắm.
Chiều hôm ấy, quả nhiên bà Phủ về. Nga ra đón chào, mà không vui vẻ được. Nga nhận vẻ mặt mẹ thấy tươi tỉnh, chứ không tiều tụy quá như hôm nọ thì mừng thầm. Nhưng mà Nga không được hỏi chuyện riêng mẹ câu gì, vì cha nàng đã đuổi nàng vào trong buồng. Nàng cố ý tò mò, lắng tai nghe, thì thấy cha mẹ thì thào với nhau những gì lâu lắm. Rồi một lúc, trong nhà có mùi khói củi. Nàng ngó ra, thấy mẹ đương lúi húi dóm cái hỏa lò, mà bên cạnh đặt một siêu thuốc. Nàng yên chí rằng thuốc bổ của cha. Nàng đắn đo, rồi chạy ra, làm đỡ mẹ, nhưng cha nàng quắc mắt lên, trỏ tay quát:
- Đi vào! Không việc gì đến mày.
Len lén, Nga thở dài đi vào. Rồi cảm vì nỗi bị cha mẹ ruồng bỏ, nàng nằm trên giường, thút thít khóc.
Một lát sau, Nga nghe tiếng giày lại gần, nàng ngẩng đầu dậy, thì mẹ nàng đã ngồi bên cạnh. Nàng biết chắc mẹ sắp nói cho nghe việc gì đây. Quả vậy.
- Thầy me tuy giận con, nhưng vẫn thương con lắm, con ạ. Con trẻ người non dạ, chỉ tại chú Tham xui dại, nên mới bị lầm lẫn như thế này, đến nỗi con khổ một đời.
Nga thở dài:
- Bẩm me, chỉ tại con, chứ chú con vô tội. Me đừng đổ oan cho chú con.
- Lấy nó, thì không đời nào thầy me cho phép con đâu. Con đừng mong hão huyền nữa.
Như bị sét đánh ngang tai, Nga phải chống tay xuống chiếu cho khỏi ngã. Bà Phủ tiếp:
- Thế này thì con còn thể nào lấy được người tử tế. Ai người ta lấy con làm vợ cái con cột nữa. Mà cái đời làm lẽ, khổ nhục trăm phần, con ạ. Nhưng mà...
Đến đây, bà Phủ động lòng, lấy vạt áo lau nước mắt.
- Bẩm me, thế thì con quyết xin cô độc suốt đời.
- Không ở vậy được. Vả nói vậy thôi... chứ con không đến nỗi phải làm lẽ đâu. Thầy me phải tính cho con được bằng người mới được. Rồi có ông Huyện, ông Phủ nào góa vợ, thì thầy me cùng cố đánh tiếng để người ta biết mà hỏi con làm kế. Vậy thì con cũng có thể làm nên được bà nọ bà kia, danh giá, con ạ.
Nga lắc đầu, như ghê sợ những câu nói của mẹ.
- Thế nhưng mà, úi chà! Khổ quá! Nếu người ta thấy con có con riêng, thì khó lòng!...
Rồi bà để cho Nga ngẫm nghĩ một lúc. Trong khi ấy, Nga chẳng ngẫm nghĩ gì, nàng chỉ có mong cho mẹ nói nốt.
- Cho nên thầy me định bịt hẳn chuyện này đi. Chốc nữa, me cho con uống thuốc thì con uống nhé.
Nga sửng sốt, hỏi:
- Bẩm me, thuốc gì?
Bà Phủ ghé tai, nói nhỏ:
- Cho cái thai nó ra, con ạ.
Nga rùng mình, nhìn mẹ, kinh ngạc. Nga run lên, không ngờ đâu cha mẹ mình lại đang tay làm một việc đại ác, vì không muốn cho con kết hôn với một người chẳng được đăng đối về gia thế.
Đánh liều, Nga nói:
- Bẩm me, con tưởng thế thì không hợp với nhân đạo.
Bà Phủ giằn dỗi:
- Thế thì mặc xác cô! Cô không muốn hay thì cô liệu hồn. Tôi bảo cô thì cô phải nghe. Cô phải biết cha mẹ cô khổ nhục về cô, tôi phải thân hành đi lấy thuốc cho cô, lại thân hành sắc cho cô. Cô không nghe, đã có thầy cô trị tội.
- Bẩm me...
Nói đến đây, Nga nghẹn lời, bật khóc. Bà Phủ đay nghiến.
- Đó là một chén thuốc rửa nhục, nghe chưa? Rồi mày ễnh ruột ra! Mày bêu riếu cha mẹ họ hàng. Mày báo hiếu thế à? Rồi người ngoài người ta đào bới xới trộn mả ông mả cha lên có hiểu không? Nhân đạo với chả nhân đức gì!
Nga lau nước mắt, nằm vật xuống giường. Bà Phủ giận quá, đi ra.
Từ lúc ấy, Nga thấy lạnh toát người, như bị sốt rét. Trời ơi! Chén thuốc rửa nhục! Nàng không hiểu sao cha mẹ lại bắt nàng làm những việc ghê gớm đến thế. Có nên nghe hay không? Nàng lo sợ và thương hại cha mẹ. Rồi, bị bao nhiêu nỗi thất vọng giày vò, nàng lấy bút giấy, nhất quyết viết thư cho Chi:
Anh Chi,
Em lấy làm đau đớn mà nói với anh rằng quyết em không thể nào trọn kiếp với anh được. Chẳng hay anh có thể tưởng tượng được cái cảnh thương tâm trong gia đình em từ khi thầy me em biết tin em có mang với anh không?
Bụng thầy me em như sắt đá không thể lay chuyển được, anh ạ.
Đã ngót một tuần lễ nay, em không dám dàn mặt thầy em lâu. Mà thầy em thì như bị ốm, suốt ngày nằm dí.
Bây giờ me em bắt em uống thuốc thôi thai! Có khổ nhục không, anh?
Trời đất ơi! Mấy ngày hôm nay, em chỉ sống bằng nước mắt, em chắc anh nghe thấy tin này, cũng phải rùng mình kinh sợ như em! Thì ra thầy em muốn dắt em vào vòng luân lý, lại phải mưu làm một việc vô nhân đạo.
Em hiện nay bất lực. Đành bó tay chịu chết một bề, không biết làm thế nào được. Viết thư cho anh, mà hở những lời oán trách cha mẹ, em biết đã làm một điều lỗi, nhưng đến lúc này, em than thở cùng ai?
Vậy thì gặp anh, em quyết không thể được nữa. Một là em sống, hai là em chết. Song em sống cũng như chết. Vì sống, tất thầy me em lại tìm những nơi quyền quý mà gả cho xứng đáng với con cháu nhà.
Cho nên thư này, anh coi như bức thư cuối cùng, như bức thư tuyệt mệnh. Coi đời ái tình của đôi ta, không ngờ nó chết yểu. Thì em xin anh cũng coi em như đã chết với ái tình. Nhưng mà anh Chi của em ơi! Đời em như thế là đủ. Em được anh yêu quý, em được là vợ anh bấy nhiêu ngày, dù em có chết cũng không ân hận tí nào nữa.
Em không muốn gợi lòng thương của anh, mà khóc lóc, hoặc dùng những lời thảm thương trong thư này, vì em đã sai ước cùng anh. Vậy em chúc anh cứ sống vui vẻ, mà quên hẳn em đi.
Còn như em, em quả quyết đến tận cuối cùng để đạt hy vọng riêng được chút nào hay chút nấy. Anh đọc thư này, nếu không thấy cảm động, thì anh nên yên chí rằng em anh vẫn còn can đảm. Em anh can đảm để chịu cái khổ nhục của một nạn nhân của tư tưởng giai cấp trong gia đình chuyên chế, của một người lênh đênh giữa bể mà biết bao phong trào mạnh mẽ đã gây nên những ngọn sóng cồn.
Vĩnh quyết anh,
Nga
Viết xong, Nga gọi Sen, cho một hào, và khẽ bảo:
- Mày giấu diếm bức thư này cho kỹ, rồi có lúc nào ra phố, thì đưa cho anh Chi con bác đồ Sơn nhé.
Sen vâng. Nhưng nó vừa ra khỏi buồng, thì một tiếng quát làm Nga rụng rời:
- Sen!
Nga run như cầy sấy. Bà Phủ hỏi:
- Cô bảo gì mày?
- Dạ bẩm bà lớn, không ạ.
Nhưng đã biết rõ cả, bà lấy phất trần vụt nó một cái, quắc mắt nói:
- Con này man trá, muốn sống thì đưa cái thư đây.
Nga lạnh toát cả người. Sen đưa thư cho mẹ Nga rồi sợ hãi đi ra. Bà Phủ chạy thốc đến giường ông Phủ chu chéo:
- Trời đất ơi! Ông thử đọc xem nó nói với nhau những gì! Ra con Nga nhà này ghê gớm thực!
Nga rụng rời chân tay, mê lên. Nang ôm đầu, trống ngực thình thình, rồi lên giường nằm thẳng cẳng như chết...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×