Tấm lòng vàng - Chương 2: Ai? (Nguyễn Công Hoan)

54 lượt xem
Buổi học chiều hôm ấy, Đức lại làm cho anh em trong lớp phải một phen nhịn cười không được: Đức lại không thuộc bài.
Ai nấy đều tròng trọc nhìn Đức và sắp sẵn miệng để cười.
Cạnh bàn thầy, Đức đứng khoanh tay, mặt tái xanh, ấp a ấp úng mãi:
- Thấy người i-a hoạn nạn thì i-a thương.
I-a thấy i-a người tàn tật i-a lại càng trông i-a nom.
Người ngồi bàn đầu khẽ nhắc Đức, nhưng thầy gõ thước vào bàn, nói:
- Im!
Mọi bận, muốn chế nhạo những anh lười biếng, thầy hay bắt chước bộ dạng lúng túng lúc không thuộc bài. Thầy vớ hòn phấn, thầy vân vê khuy áo nách, thầy trợn mắt nhìn lên trên trần, thì học trò phải cười nôn ruột.
Trái lại, lần này thầy cứ ngồi nghiêm chỉnh, chẳng nói chẳng rằng, nên mọi người im lặng và đều yên trí rằng vua Zéro lại được ăn trứng của thầy.
Vậy mà lạ quá, thầy thấy Đức đứng ngay như tượng gỗ, lại không hề nói năng một câu nào. Thầy nhìn Đức ra ý chán nản, rồi đặt bút xuống bàn, thở dài và hỏi cả lớp:
- Như thế này thì đáng sửa phạt bằng cách gì?
Anh em nhao nhao nói:
- Thưa thầy, đáng Zéro ạ.
- Thưa thầy, phạt quỳ ạ.
Nghe xong, thầy nhìn Đức, lắc đầu cười lạt, bảo:
- Nhưng mà... mời anh về chỗ!
Thấy cách sửa phạt ngọt ngào này còn đau đớn bằng mấy con Zéro, bằng mấy mươi lần chép phạt, bằng mấy mươi buổi quỳ, bằng mấy giờ nghe mắng, Đức cúi đầu, lủi thủi về chỗ, mặt đỏ như gấc. Rồi, nhớ lại câu thầy hẹn lúc sáng, Đức tủi thân gục đầu xuống bản.
- Thưa thầy, anh Đức khóc ạ.
Nghe tiếng anh Chi mách, Đức vội vàng lau nước mắt, ngẩng mặt lên. Đức thấy bạn bè anh nào cũng có ý giễu cợt mình, lại thấy thầy giáo ghét bỏ, hờ hững thì lấy làm oán trách cả mọi người.
Đến giờ chơi, Đức cố ý ra sau cùng để mong thầy gọi, và được nghe xem thầy trừng phạt những gì, nhưng mà không, thầy thu xếp sách vở, rồi cũng ra đứng ở hè, nói chuyện với thầy giáo lớp khác.
Đức đứng yên một chỗ, lắng tai nghe, thấy thầy giáo đang phàn nàn về mình và nói rất to với các thầy giáo khác:
- Nó lại không thuộc bài! Nhưng ai hơi đâu mà phạt!
Đức tái mét mặt, rùn cả mình.
Bỗng anh Thi chạy đến, bảo:
- Kìa anh Đức, các thầy gọi.
Đức sợ hãi, thong thả lại chỗ các thầy đứng. Vừa đến nơi, ông giáo Chính như gớm mặt Đức, không nói gì cả, lững thững đi về lớp.
Đức thấy vậy, càng tủi thân. Anh em bạn xúm quây xung quanh, lại làm cho Đức bối rối thêm nữa.
Ông giáo Tuệ ôn tồn khuyên bảo:
- Anh không thuộc bài, thầy giáo không bằng lòng đâu. Phải chăm học như năm ngoái mới được chứ!
Đức khoanh tay, nhìn xuống, không nói gì. Đức không nói gì, vì Đức cho rằng nếu kể lại cho các thầy biết cái cảnh nhà mình, tất anh em bạn nghe thấy, họ sẽ chế nhạo, và, dù các thầy có biết, mình cũng không được ích gì hơn.
Thầy giáo trỏ tay ra đường, nói:
- Kìa anh trông, cái xe kia chất nặng những bồ cùng đẫy, người phu xe gò lưng cố miết không được một bước...
Bỗng, học trò kéo cả ra bờ rào, reo!
- A, thằng ăn cắp!
Thầy giáo lại bảo:
- Anh nhìn kia, thằng ăn cắp, người ta trói nó, giải nó về huyện. Anh có thấy người lính đi cạnh nó, tay cầm cái roi mây hay không?
- Thưa, có ạ.
Ngay lúc ấy, có chiếc ô-tô ù ù đi tới bốp còi inh ỏi. Các người gồng gánh đi giữa đường luống cuống chạy tán loạn, người đâm sang bên trái, người dồ sang bên phải. Chiếc xe vội hãm máy lại. Người tài xế thò cổ ra chửi rủa cục cằn.
Thầy giáo nói:
- Suýt nữa thì có người bị chẹt.
Rồi thầy lại nhìn Đức, ôn tồn nói:
- Bên mình anh bao nhiêu gương to tầy liếp. Người phu xe phải sống một cách vất vả. Thằng ăn cắp phải làm những cách đê nhục. Bác nhà quê, vì ngờ nghệch quá, đến nỗi suýt bị thiệt thân, vậy anh có biết những người ấy vì sao phải khổ sở như thế không?
Khe khẽ, Đức đáp:
- Bẩm thầy, vì họ không có học.
Thầy gật đầu:
- Phải rồi, những người ấy rất đáng thương. Nhưng anh có biết vì sao họ không học?
Ngẫm nghĩ một lúc, Đức ngậm ngùi, trả lời:
- Bẩm thầy vì họ nghèo.
Các thầy nhìn Đức, có ý cảm động về câu nói bất ngờ.
Ông giáo Tuệ lại nói:
- Tình cảnh anh thế nào, sáng nay thầy giáo vừa nói chuyện cả. Nhưng anh không nên lấy cớ rằng nghèo mà xao lãng sự học. Anh chẳng thấy ngày xưa, có người vừa kiếm củi vừa học, lại buổi tối không có đèn thì bắt đom đóm bỏ vào trong quả trứng để lấy ánh sáng hay sao? Không nên bỏ phí tuổi trẻ, rồi lúc lớn lên lại tiếc. Thôi, đi chơi.
Đức chào các thầy, len lén ra góc sân.
- Ê, Đức nặng đực, động đứng đọc bài là đực mặt ra.
Rồi tiếng cười, tiẽng vỗ tay đồn dập.
Nhưng ông giáo Nhượng xua tay, mắng:
- Im! Không được thế. Đi chơi cả!
Ngẫm nghĩ lời thầy Tuệ, Đút như thấy rõ cái đời khốn nạn của mình về sau. Làm thế nào được? Đức thông minh, có chí, nhưng không được học. Về đến nhà, Đức còn bao nhiêu công việc, có lúc nào rảnh để nhìn đến sách vở nhà trường. Thế thì ngày sau, tất Đức phải hèn hạ, phải kéo xe, phải ăn cắp, hoặc phải ngờ nghệch.
Đức nhìn vào lớp, thấy các thầy nói chuyện vui vẻ. Ở sân, các anh em chạy nhảy, cười đùa. Riêng mình đứng tiu nghĩu một nơi. Đức tiu nghỉu vì đã làm thiếu bổn phận.
Bỗng ba tiếng trống học. Đức cùng anh em sắp hàng vào.
Đức ngồi ở chỗ, chán ngán quá. Đức thấy quanh mình, cả từ thầy giáo đến bạn bè không ai thương hại tình cảnh Đức cả.
Mà nhất là thầy, thầy đã hất hủi đứa trẻ mồ côi nghèo khổ.
Hết giờ thể thao, Đức vội vàng mặc quần áo để về. Hết lo việc trường, lại nghĩ đến việc nhà, Đức sợ.
Đến nhà, Đức cất sách, cởi cái áo thâm ngoài ra, rồi đi đón bà chủ.
Nhưng vừa đến cửa, Đức đã thấy bà chủ về tới nơi. Bà nhìn Đức, nghiến răng, nói:
- Tao chờ được mày nữa thì vừa. Thật là toi cơm! Còn đi nghịch phải không? Mai có nẻo thì bước!
Rồi bà đặt gánh, tìm chiếc roi, vụt lấy vụt để vào lưng Đức và kể lể:
- Mấy tháng cơm mày không trả được, bà chỉ đánh cho sướng tay thôi.
Đức đau quá, nhưng không dám khóc, mà cũng không dám cãi.
Lúc cho lợn ăn, Đức ngồi ở cạnh chuồng, vừa mở quyển vở được vài tờ toan học, bỗng đánh đét vào lưng, Đức lại bị một roi đau quắn:
- Mày chăm học vừa vừa chứ. Mày không nghiêng cái lon thì nó ăn thế nào. Muốn chăm học thì bước, tao không hoài cơm!
Rồi bà phăm phăm vật Đức ngã xuống, vụt túi bụi.
Bỗng bên hàng rào có tiếng can:
- Bà Phó ơi! Thôi, bà đừng đánh nó, tội nghiệp!
Đức nghe rõ tiếng bà cả Tài. Một lát, bà cả Tài lại nói:
- Tối hôm nay, bà cho tôi nhờ thằng Đức sang giã hộ cối gạo. Độ đến cuối trống hai nhé.
Bà chủ đáp một cách phũ phàng:
- Bà để cho đến tối. Nó còn phải gánh đất. Chả sai nó cho bõ cũng dại.
Đức nghe, lấy làm đau đớn lắm.
Dọn dẹp và làm công việc ở nhà xong. Đức thu quyền vở vào trong bụng, xin bà chủ sang nhà bà cả Tài.
Đến nơi, bà cả Tài đặt vào gan bàn tay Đức một xu, và dịu dàng nói:
- Tôi thấy bà ấy đánh anh, tôi thương hại quá, nên mới vờ mượn anh sang đây. Đây, tôi thuê anh đồng xu này, anh giã giúp tôi cối gạo nhé.
Đức lắc đầu, đáp:
- Bà cho cháu mua xu dầu tây và cho cháu mượn cái đèn, cháu vừa làm giúp bà, vừa học.
- Thế ở nhà, anh không được học à?
- Bà tính còn lúc nào cầm được đến quyển sách!
Ngậm ngùi, bà Tài bảo:
- Anh trọ học chứ có phải đi ở đâu mà để bà ấy sai và đánh như đày tớ thế?
Đức cười lạt, đáp:
- Vì mấy tháng nay, cháu không có tiền trả bà ấy.
- Thế à? Thế thì làm thế nào?
Đức ngẫm nghĩ, càng quyết định xin thôi học. Một đứa trẻ con như sức Đức, không thể vừa làm đày tớ, vừa làm học trò. Đức cần phải sống, thì cách kiếm cơm ngay bây giờ, không gì hơn là đi ở để đổi lấy bát cơm nuôi thân, Đức đáp:
- Cháu muốn xin thôi học, vì đi học mà lười thì thầy giáo và anh em ghét lắm.
Rồi Đức kể cho bà Tài nghe những câu chế nhạo của bạn. Bà cả Tài ra ý thương hại, bảo:
- Anh sang đây ở với tôi, tôi nuôi cho, anh sẽ có thì giờ mà học. Bỏ phí tuổi trẻ không nên, anh ạ. Hay là từ mai, tôi nói thác với bà chủ anh cho anh sang đây giã gạo hộ tôi, tôi sẽ cho anh mượn đèn mà học.
Bà cả Tài lấy chiếc đèn hoa kỳ, đưa Đức. Đức đặt quyển vở trên phản, rồi xuống bếp thổi lửa để châm đèn.
Bà cả Tài đổ gạo vào cối xong, dặn:
- Anh chịu khó cẩn thận, tôi đi đằng này một tí nhé.
Đức tìm chỗ để đèn cho vừa tầm mắt, rồi chân thì dận cối, tay thì giở vở, nhưng chán ngán lạ thường. Thấy bà cả Tài tử tế, Đức cũng biết vậy, chứ chắc đâu bụng bà ấy có thực tốt không. Đức quyết định hôm sau xin bỏ học. Nhưng Đức muốn học các bài cho thật thuộc, để thầy giáo và bạn bè đừng khinh mình, rồi hãy xin thôi. Thấy sắp được xa lánh bọn anh em thâm độc, sắp khỏi phải trông thấy thầy giáo lúc nào cũng nghiêm khắc, chỉ rình phạt, rình mắng, rình khuyên bảo những câu không làm cho Đức được no lòng, Đức sung sướng, nhẹ nhõm cả người. Rồi nghĩ ngợi. Đức thấy tủi thân, giận thầy, ghét bạn và thù bà chủ.
Trong khi óc đang vơ vẩn, Đức lần lần giờ từng tờ trong quyển vở. Mỗi bài học lại nhắc cho Đức những buổi phải phạt, những câu mắng. Đức như trông thấy thầy giáo ở trước mặt, Đức khó chịu lắm.
Bỗng Đức dừng tay lại, kinh ngạc, Đức trợn to mắt ra, ghé vở vào tận ngọn đèn. Đức mừng rú lên, bâng khuâng, tưởng như mình vừa chiêm bao thấy một chuyện thần tiên huyền hoặc. Rồi Đức rơm rớm nước mắt. Đó là chuyện thực.
Ba tờ giấy bạc một đồng gài chéo trong sách, bay lật trước luồng hơi thở nóng hôi hổi của Đức. Đức rủn cả người, trống ngực đánh mạnh. Thổn thức đến nỗi không đận được cối nữa, Đức gập quyển vở, ôm vào ngực mà thở dài.
Đối với Đức, ai là người đã có tấm lòng vàng? Đức cố nghĩ mãi. Bà cả Tài chăng? Thầy giáo Tuệ chăng? Anh bạn nào chăng? Hay là ai? Thế thì ai? Ai được?
Bụng Đức rối beng! Nhưng ai thì ai. Đức hãy lấy món này để trả tiền trọ cho bà chủ đã...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư