Tấm lòng vàng - Chương 4: Phân vân (Nguyễn Công Hoan)
Phương Như | Chat Online | |
13/07/2019 11:33:32 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
63 lượt xem
- * Tấm lòng vàng - Chương 5: Hối hận (Nguyễn Công Hoan) (Văn học trong nước)
- * Tấm lòng vàng - Chương 6: Tháng ngày qua (Nguyễn Công Hoan) (Văn học trong nước)
- * Tấm lòng vàng - Chương 3: Lúc vẻ vang (Nguyễn Công Hoan) (Văn học trong nước)
- * Tấm lòng vàng - Chương 2: Ai? (Nguyễn Công Hoan) (Văn học trong nước)
Rồi tháng nào Đức cũng thấy có ba tờ giấy bạc gài ở trong vở.
Đức đã hết sức chịu khó dò xem ai là người có bụng tốt, nhưng không tài nào biết được. Bởi vì đến tháng thứ ba, Đức tưởng như tháng thứ hai chắc rằng đến tận hôm Đức phải trả tiền trọ mới có món ấy, thì Đức định đến hôm ấy mới để ý. Ai ngờ Đức lại nhận được tiền ngay từ mười hôm trước. Rồi những tháng sau, ngày vui mừng ấy cũng cứ thất thường như thế, nên Đức đành chịu không thể biết người bí mật ấy là ai.
Đức thi kỳ nào cũng được ngồi đầu. Cuối năm, Đức đỗ Sơ học Yếu lược dễ như chơi. Cả hội đồng chấm thi đều khen ngợi.
Đức lại được phần thưởng nhiều sách lắm.
Rồi những năm học sau, Đức được lên lớp nhì, lớp nhất. Mà chỗ ngồi đầu, không ai tranh nổi Đức nữa.
Tuy Đức không học các lớp dưới, nhưng không bao giờ coi các thầy giáo cũ như người ngoài. Trái lại, Đức vẫn có lòng lẩn quẩn nhớ các lớp trước là những nơi tháng tháng Đức tự nhiên thấy được món tiền nó cứu đỡ Đức.
Nhưng thầy giáo Chính và thầy giáo Tuệ hiện nay không dạy Đức nữa, thì Đức nhận thấy các thầy có ý lạnh lùng với Đức. Thỉnh thoảng, Đức có lại thăm các thầy, thì các thầy chỉ hỏi dăm ba câu, rồi khuyên bảo Đức nên chăm chỉ mà thôi. Đức biết rằng các thầy đều bạn công việc soạn bài và chấm bài, nên không dám lấy làm khó chịu...
Nhưng thực ra, Đức cũng đồng ý với anh em, khen tử tế nhất thầy giáo Tuệ, nhì đến thầy giáo Nhượng, thứ ba đến thay giáo Lợi. Còn thầy Cư, thầy Chính thì hay phạt, và một vài khi quá nghiêm khắc với học trò.
Có một lần ông Thanh tra Tây đến trường xem qua loa các lớp, rồi khám lớp Đức học. Lúc ấy đang vào giờ tập đọc chữ Pháp. Gần tan học, ông Thanh tra hỏi thầy giáo xem người học trò nào ngồi đầu lớp. Thầy giáo trỏ vào Đức và bắt đứng dậy. Đức khoanh tay lễ phép nhìn ông Thanh tra.
Ông này hỏi bằng tiếng Pháp một câu khó trả lời quá.
Đức ngẫm nghĩ một lát, rồi đáp. Bỗng cả ông Thanh tra lẫn thầy giáo cùng trông nhau cười ngặt nghẹo. Anh em ngơ ngác nhìn nhau. Đức thấy bối rối, sượng sùng quá. Một lát, ông Thanh tra hỏi:
- Ai dạy anh như thế?
- Bẩm, con còn nhớ rằng năm con học thầy Chính, thầy có giảng như thế, và con đã biên vào sổ tay.
Ông Thanh tra lắc đầu, nói:
- Chắc rằng anh biên lầm, rồi về nhà anh mở sổ ra xem lại, hay anh nhớ chữ nọ ra chữ kia, không biết chừng.
Rồi ông giảng nghĩa cho cả lớp nghe.
Đến tan học, Đức lục chồng sách cũ, lấy quyền sổ khi còn học lớp Sơ đẳng. Đức mở từng trang, dò tìm, thì ra quả nhiên đúng như lời ông Thanh tra nói, Đức đã nhớ sai. Rồi cười một mình mãi...
Năm Đức học lớp nhất, được thầy giáo rất chăm chỉ. Ba tháng trước kỳ thi, thầy bắt anh em cứ ngày thứ năm thì ra trường buổi sáng, để tập thi. Nhiều bận thầy ra bài rất khó, nhưng Đức làm rất dễ đàng. Kết cục, hơn mười tuần lễ, thi kỳ nào Đức cũng được nhiều nốt nhất.
Một hôm, giờ ra chơi, thầy gọi Đức vào lớp, nhân có đông đủ các thầy giáo, thầy giở các bài của Đức ra khoe. Các thầy xem bài Đức, gật gù, nói:
- Anh này chắc đỗ lắm.
Đức vui sướng, đứng im. Bỗng ông giáo Cư nói:
- Nhưng học tài thi phận, biết đâu!
Ông giáo Chính cũng bảo:
- Phải, khen anh ấy lắm, rồi lúc ra thi, anh ấy lại coi thường.
Đức nhìn hai thầy, tuy không dám tỏ ý khó chịu, nhưng rất không bằng lòng. Đức tin rằng mình vừa chăm chỉ, vừa cẩn thận, sức học lại hơn cả anh em, thì thi mười phần chắc đỗ cả mười, nếu mình thi hỏng thì trường này đỗ ai?
Từ hôm ấy, Đức càng chăm học, chăm đến nỗi quên cả thì giờ, không để ý dò xét người hảo tâm.
Hơn ba năm nay, Đức không phải lo đến nỗi đói khát, nhiều lúc nghĩ ngợi đến người ân nhân bí mật mà cảm động rớt nước mắt. Đức ước ao được trông thấy cái bàn tay quý hóa ấy tháng tháng vẫn gài giấy bạc vào trong vở, Đức quyết chạy đến, nắm cho chặt và ôm ghì lấy người mà hôn, mà khóc và làm gì nữa cho tỏ hết nỗi lòng biết ơn?
Dò xét chán, Đức lại đoán. Đức đoán có lẽ là một người nào giàu có trong phố Huyện này, hay làm phúc, đã cứu vớt Đức chăng? Nhưng nào ai thấu tình cảnh của Đức mà sẵn lòng như thế?
Hay là quan Huyện? Đức suy nghĩ đến mười hôm về ông này. Nhưng quyết lại là sai, vì Đức thường trộm nghe người ta kêu ông Huyện ác...
"Phải - Đức nghĩ - ông ấy... có lẽ nào lại cho ta tiền bao giờ?"
Thành ra trong ngần ấy tháng trời, Đức đành phân vân, bỏ dở bài tính đố khó ấy lại.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Tags: Tấm lòng vàng - Chương 4: Phân vân (Nguyễn Công Hoan),Tấm lòng vàng - Chương 4: Phân vân,Nguyễn Công Hoan
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!