Tắt lửa lòng - Chương 3: Sự tình cờ (Nguyễn Công Hoan)

107 lượt xem
Từ khi Điệp đưa thư cho Lan tới nay, đã năm hôm rồi, nhưng vẫn chưa nhận được thư phúc đáp. Ngày nào mượn nhật báo chàng cũng mở ra và thử soi lên ánh sáng trước xem có gì không, song lần nào cũng mất hy vọng. Điệp áy náy, hay là Lan không biết tờ báo hôm nọ có "nhân"?
Hai bận ông Tú gọi sang chơi, Điệp cũng không trông thấy Lan. Song vì chàng cố ý không muốn gặp mặt Lan, nên bận nào chàng cũng nhìn thẳng hoặc cúi đầu nom xuống.
Nhưng ai đối với ai kia, khi thấy sự im lặng mới có thể cứng mãi được. Chứ Điệp đối với Lan thì chàng ân hận ngay, vì đã xử với người yêu quá tàn nhẫn. Nên càng bặt tin tức, Điệp càng thấy không an tâm. Người ta bảo yêu nhau là làm khổ cho nhau, thực đúng.
Một hôm Điệp tự nhiên thấy nóng ruột, ngồi đâu, đứng đâu cũng không yên. Cơm chiều xong, độ năm giờ, chàng thơ thẩn ra cầu đầu làng chơi, rồi cứ theo lối bờ sông rảo bước đi mãi.
Vầng ô còn cao, ánh sáng đương đậm. Cụm hoa bèo tím, theo dòng nước bạc, chạy thi với những đám mây trắng rung rinh, in trên mặt sông Lam. Bốn năm cò bợ lấp loáng, sà xuống những thửa ruộng bùn lầy, rồi vỗ cánh lên, là là mặt đất bay về phía rặng đồi xa tít. Bên sườn đồi, một dãy thông bò từ chân lên ngọn, khẳng khiu, lòe xòe, làm dịu hẳn một góc trời nhoáng như tấm gương.
Bốn bề tĩnh mịch như ru khí nghĩ vẩn vơ, Điệp đưa chân đi; chẳng để ý đến gì cả.
Bỗng từ đằng xa, có một người đi lại. Điệp nhìn mãi lấy làm ngờ ngợ. Người ấy đi gần đến, thì chàng trông kỹ, dưới vành nón chúp, quả không sai cái miệng với cái cằm Lan.
Điệp sung sướng, trông trước trông sau, không thấy có người, bèn hăm hở như ông tướng cầm quân sắp ra trận, chàng quyết có dịp cầm Lan lại mà giảng nghĩa cho Lan cái ý nghĩa trong thư. Tài diễn thuyết ở trong trường mọi khi, Điệp cần phải giở hết ra để dụ Lan nghe và theo ý kiến của mình cầu cho Lan được hạnh phúc, Điệp sắp sẵn thứ tự câu nói...
Nhưng Lan đi càng gần, Điệp đã thấy trống ngực càng mạnh, mất hẳn một nửa can đảm. Rồi Điệp thấy trong người nó thế nào ấy, như có một cái gì ngấm vào, buồn buồn theo khắp các dây thần kinh, Điệp run lên...
Lan đi sắp đến nơi, Điệp đứng sững lại, nhìn vào nàng chậm chọc. Chàng thấy mắt Lan trũng, có quầng thâm thâm, Lan trông thẳng...
Lan đi qua trước mặt Điệp, hai má đỏ ửng, hơi nhếch tí mép. Điệp như bị điện giật, tự nhiên rủn cả người. Rồi có cái gì đè lên ngực, lên cổ, Điệp quên phăng hết cả, quên cả từ tiếng chào, là mào câu chuyện!
Rồi Lan đi vụt qua. Thôi! Thế là hết! Chả ai nói với ai một tiếng nào!
Nhưng chẳng lẽ ông tướng Điệp ban nãy toan hùng hổ thế mà chưa chi đã chịu nổi hiệu kèn thu quân?
Điệp bèn quay lại nhìn theo Lan, run run, nóng rực cả người, không biết làm thế nào cho Lan đứng lại được! Lúc Lan đi qua đến hơn mười bước, Điệp mới nghĩ ra là phải gọi, bèn ấp úng nói:
- Cô Lan!
Hai tiếng "Cô Lan", từ thuở bé đến bây giờ Điệp mới gọi thật là lần thứ nhất, nên cứ nói to mà cứ nghẹn ngào, không được rõ lắm. Lan nghe thấy, nhưng còn bốn năm bước nữa mới dừng chân quay lại nhìn Điệp. Đứng độ ba giây đồng hồ, Lan lại đi...
Cái tiếng đầu tiên Điệp đã cho ra thoát, thì những câu sau cũng thông thường, nên Điệp rảo cẳng theo Lan, và gọi nữa:
- Cô Lan! tôi hỏi...
Lan nghe gọi, cũng như lần trước, đi thêm vài bước nữa mới quay lại. Nhưng lần này chỉ độ ba bước thôi. Nàng nhìn trước nhìn sau. Lúc ấy Điệp đã theo gần tới.
Lan trông thấy Điệp bỗng tái mét mặt, luống cuống chớp luôn mắt đến mười bận, rồi cúi đầu ngượng nghịu hai tay sờ soạng mà không biết vớ lấy cái gì...
Điệp đứng trước mặt Lan, sửng sốt, hai người nhìn nhau, im lặng đến nửa phút...
Điệp cố gắng mới nói được những tiếng chính, mà không sao chắp được vào câu cho gọn gàng:
- Thưa cô, cái thư trong báo?
Lan cất giọng run run đáp:
- Vâng ạ!
- Cô trả lời chưa?
- Không ạ!
- Tại làm sao? Cô nghĩ thế nào?
- Không ạ!
Từ lúc ấy, Điệp thấy hơi quen quen, nên thu lại được tâm hồn vì đã nói nổi những câu dài hơn trước. Nghe Lan đáp nhát gừng, Điệp nhìn thẳng Lan bằng con mắt nằn nì, khiến Lan phải chao liệng ngay hai con ngươi mà trông xuống đất...
- Cô Lan!
- Dạ!
Tiếng thưa như thoảng ngoài môi, Lan liếc nhìn Điệp một cái rồi lại trông xuống, lấy tay vê tà áo.
- Cô có thể đứng đây tôi hỏi câu chuyện trong mười phút không?
Lan nhìn bốn bên, đáp:
- Thưa cậu, lâu quá không tiện.
- Năm phút vậy!
Lan ngần ngừ, trông thẳng cái gò trước mặt và nói:
- Cũng không tiện!
Điệp hiểu ý, trỏ nói nói:
- Vậy mời cô lại cái gò này, ta đứng lấp sang bên kia, không sợ ai trông thấy.
Lan hai má bỗng hây hây, run run đáp:
- Vâng, mời cậu đi trước.
Điệp vén quần bước theo bờ ruộng, Lan đi sau. Hai người ngậm miệng, nhưng trong óc cùng phải luẩn quẩn nghĩ vào bài, như học trò thi kỳ vấn đáp, phải tính đủ thì giờ để nói cho hết. Đến chỗ khuất, Điệp ngồi phệt xuống thảm cỏ, và mỉm cười mời Lan:
- Cô ngồi xuống đây.
Lan cất nón, né mình, vén áo, cùng ngồi phệt. Từ thuở bé đến giờ Điệp mới được ngồi cạnh một người yêu khác máu và khác giống, nên lại thấy nao nao trong lòng. Chắc Lan cũng chẳng được tự nhiên như ngồi bên cạnh bạn gái. Hai người ngồi im lặng một lúc lâu, tuy chẳng nhìn nhau, nhưng hai trái tim đập theo một nhịp. Độ năm phút, Lan giục:
- Cậu nói gì?
- Cái thư hôm nọ, cô có đọc kỹ không?
Lan không trả lời, móc túi lấy ra tờ giấy đã nhàu và bóng những mồ hôi, nói:
- Đây, sao tôi không đọc kỹ?
- Vậy cô có hiểu bụng cho tôi không?
Lan thấy Điệp nghiêm sắc mặt, bèn không trả lời, co chân lên, tựa cằm vào đầu gối, tay rứt cái cỏ gà. Điệp lại hỏi:
- Vậy có hiểu bụng cho tôi không?
- Tôi hiểu lắm, nhưng...
Đến tiếng "nhưng" thì Lan ngắc lại, không nói được nữa, mà một giọt nước mắt rơi xuống ngọn cỏ. Rồi Lan ôm mặt nức nở khóc.
- Nhưng... nhưng cậu ác quá.
- Cô Lan ơi!
- Cậu không hiểu bụng tôi!
Câu nói từ đáy lòng nọ thấm thía đáy lòng kia, khiếp Điệp thổn thức, cũng không cầm được lệ. Bốn dòng châu lã chã, chan hòa như làm trôi cả tư tưởng oán hận. Một lát, Điệp lau nước mắt, tủm tỉm nói:
- Tôi không muốn cô khổ.
- Tôi không muốn cậu khổ một mình.
- Tôi không muốn cô phải khổ vì tôi.
- Thế nào là khổ?
- Khổ là không được sung sướng!
- Thế nào là được sung sướng?
- Được sung sướng là không phải khổ!
Nghe câu nói giằng co như kéo cưa, bỗng hai người cùng bật cười, tình tứ nhìn nhau, cái buồn bây giờ thật tiêu tan hết. Lan nhìn Điệp, vui vẻ nói:
- Cậu gàn quá! Cậu cho tôi là hạng người thế nào?
- Cô là một người..., cô cho phép tôi dùng chữ đúng, cô là một người đáng yêu, đáng quý, đáng ơn của tôi suốt đời.
- Vậy mà chưa chi cậu đã ghét, đã khinh, đã phụ tôi?
Bị ba phát đạn, Điệp nghẹn lời, lúng túng không đáp được.
- Cậu phải biết, nếu tôi coi việc tiền tài hơn cậu, nếu tôi coi tiền tài làm ra hạnh phúc, thì không khi nào tôi xử với cậu như thế. Tôi tiếc rằng tôi đã trả lời cậu, chứ tôi tưởng cái quầng thâm mắt này cũng đủ bằng vạn lời biện bạch.
Điệp hối hận, nói:
- Cô Lan, cô tha lỗi cho tôi!
Lan nhìn Điệp, mỉm cười bằng cái cười đại lượng. Điệp thở một cái mạnh, như muốn hắt cả cái hơi nặng nề đang chứa chất trong ngực, rồi nói:
- Vậy thì... cô Lan có yêu tôi không?
- Tôi tưởng có hay không, cậu xét thì biết.
Điệp vui vẻ nói:
- Tôi muốn cô trả lời rõ kia!
Lan lườm Điệp:
- Tôi không nói!
- Thế thì không yêu chứ gì!
- Tôi không biết! Gớm!
- Cô Lan ơi! Tôi không ngờ đâu tôi bị biết bao nỗi đau lòng, mà được phút này hởi dạ. Tôi không ngờ đâu tôi bị cả vũ trụ chán ghét, mà được một cô yêu quý. Tôi không ngờ đâu tôi chán ghét cả vũ trụ, mà tôi yêu quý một mình cô.
Lan nhìn xuống nói:
- Vậy cái thư này, cậu đang tâm mà đưa cho tôi?
Điệp giật lấy, xé nhỏ tinh, rồi ném tung ra trước gió. Mảnh giấy trắng bay liệng như đàn bướm bám cả vào áo, vào đầu Điệp và Lan, Lan nói:
- Cậu khổ nữa tôi cũng không quản, cậu trượt mãi tôi cũng không cần. Ái tình nên để trên danh lợi.
Điệp vui sướng ngẩng mặt lên trời, thở dài.
- Chết chửa, cậu Điệp, mấy cái năm phút rồi?
Hai người cùng cười, trông lên mặt trời đã chìm được nửa vành, mấy con cò trắng đã liệng về bụi tre. Gió chiều đã hây hây thổi. Rồi câu chuyện càng nồng, thì giờ càng đi chóng.
- Cô Lan ạ, tôi đọc các sách, tôi thích cái cảnh này lắm. Tôi muốn cô cùng tôi, ước gì ta hóa ra hai người chăn chiên, yêu nhau, thỉnh thoảng gặp nhau, rủ nhau ra sườn đồi, dưới bóng cây mà trò chuyện, kể lể những câu tình tứ mộc mạc, mong mỏi những điều hy vọng thực thà...
- Cậu lãng mạn quá.
- Thú lắm cô ạ, còn gì thích cho bằng hai đứa ấy yêu nhau bằng cái tình tự nhiên như cảnh vật của tạo hóa, rồi một đôi khi, chúng đưa nhau lên ngọn đồi cao, đứng nhìn xuống dưới, thì tôi tưởng thần tiên cũng đến thế mà thôi. Quanh mình đã không có người đời, mà lại được thở riêng một bầu không khí, thật là chẳng bận chút trần ai!
Lan cười, trả lời:
- Cái tưởng tượng bao giờ cũng êm đềm thú vị hơn sự thực. Cậu cứ thế, không trách cậu thi hỏng cũng phải!
- Phải thế mới được. Sống một cách mơ hồ mới thấy cái sung sướng, mà việc đời ta chỉ biết qua loa. Nếu ngày sau tôi lấy cô, tôi sẽ ở một trái đồi riêng, làm nhà tận trên đỉnh cao chót; trên sườn đồi, ta sẽ trồng các thứ rau đủ để ăn quanh năm. Tôi muốn rằng ta không xuống đến chân đồi nữa, mà cũng đừng ai lên quấy rối mình làm gì. Chỉ có cô với tôi, ta sống bằng cái đời ái tình hơn cái đời vật chất.
- Cậu có tư tưởng lạ quá, mà cậu nói những câu nói không hiểu được. Chắc cậu học chỉ chuyên tiếng Pháp nên nói tiếng ta, cậu dùng nhiều chữ không đúng.
- Không đúng thì thôi nhưng cô có thích như thế không?
- Hai người riêng một thế giới, thì sao không thích. Nhưng riêng thế nào được? Cậu khó tính quá.
Điệp và Lan nói chuyện hồi lâu nữa, bỗng Lan giật mình, trỏ:
- Chết chửa! Cậu có trông thấy cái gì đấy kia không?
Điệp nhìn theo tay, hỏi lại:
- Cái gì?
- Ai nhìn ta đấy kia? Thành ra tôi ở đây mấy mươi cái năm phút rồi nhỉ?
Chị Hằng đỏ ửng ta to như chiếc mâm, cứ dần dần ở rặng trê nghểnh mặt lên mãi. Lan đứng dậy, nói:
- Thôi, cậu cho tôi về kẻo chị Hằng trông thấy!
Điệp thở dài, dài và buồn như cái ngân nga của tiếng chuông chùa đằng xa đưa lại. Lúc ấy đã nhá nhem tối, nhưng bốn mắt sáng quắc nhìn nhau không chớp. Điệp bùi ngùi đứng dậy. Lan nói:
- Tôi chúc cho cậu được vạn sự may.
- Vâng xin cô nhớ hôm nay là mười sáu tháng năm ngày đáng kỷ niệm!
- Tôi đi nhé!
- Gượm! tôi còn câu gì nói nữa không nhỉ!? Sao thì giờ đi chóng thế?
- Rồi thì giờ sau này cậu sẽ chẳng phải phàn nàn, nó sẽ là cả riêng cậu cùng tôi. Cậu còn gì dặn tôi không?
- Vậy phải đợi đến bao giờ mới được tình cờ này nữa?
- Lâu nay cậu gặp tôi, quyết không phải là sự tình cờ, sẽ là dự định sẵn...
- Ai định được?
- Sự định sẵn của cha mẹ chứ ai?
Điệp thất vọng. Lan nói:
- Tôi đi nhé?
- Vâng, nhưng...
- Thôi, để dành, nói cả thì hết mất. Tôi có nhiều chuyện nhưng chưa nói được câu nào.
- Tôi cũng vậy. Thôi, đợi ngày ấy tôi sẽ thổ lộ hết. Mà không biết có thể nào hết được chuyện của chúng mình không nhỉ?
- Vâng có một câu chuyện quan trọng, nhưng tôi chưa có thì giờ nói, tôi cũng phải đợi vậy. Tôi đi nhé!
- Vâng!
Lan mỉm cười chào Điệp. Điệp mỉm cười chào Lan. Lan đi. Điệp ngây người trông theo... Lan nhìn lại... Điệp cố nhìn theo... Tà áo bay bay, dáng ai tha thướt... lờ mờ... thấp thoáng... Màu áo nguyệt bạch lẩn hút vào trong bóng trăng xanh...
Giun dế đùn ra những giọng sầu!...
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×