Tắt lửa lòng - Chương 9: Thôi, từ nay... (Nguyễn Công Hoan)

151 lượt xem
Đến nhà ngang Điệp mời Lan ngồi, và nói ngay:
- Tôi gặp cô bây giờ thực là một dịp may cho tôi được thổ lộ hết tâm sự. Tôi xin kể cô nghe đầu đuôi câu chuyện, mong rằng cô thấu nỗi khổ tâm cho tối,
Lan lạnh lùng không đáp, Điệp tiếp:
- Ông nhà và đẻ tôi vì quá tin lời ông Chánh án, đến nỗi trách mắng tôi những điều mà tôi nghe phải đứt từng khúc ruột, cho nên tôi không dám mong cô tin tôi, miễn là cô rõ chuyện cho, ấy là tôi được hả dạ.
Lan nhăn mặt, đáp:
- Cậu nói mau lên, đừng giáo đầu dài nữa.
- Vâng. Nguyên hốm thi, tôi suýt bị hỏng về…
- Về điện học, phải, tôi đã biết rồi.
- Vâng, rồi tôi được đỗ, tôi bèn đến cảm ơn ông Phủ Trần. Tôi tới phủ, thì vừa mới trống hầu chiều, ông Phủ bận việc, chưa tiếp tôi, cho tôi xuống nhằ khách. Lúc ấy, lo ló ở chỗ thủng bức vách rõ ràng có một cái mặt nhìn tôi, khi tôi biết, thì tôi thấy tiếng giầy chạy. Đó, Thuý Liễu con ông Phủ đấy. Thuý Liễu lên nhà tư, gảy đàn, đọc tiểu thuyết, rồi nằm ngủ ở hiên đến tận tan hầu, nghe tiếng trống mới vùng dậy.
Trong khi tôi phải ngồi chờ ba giờ đồng hồ, tôi nóng ruột quá, đã bực tức cái lối bệ vệ của các quan, cho nên khi thấy ông Phủ, tôi đem lòng ác cảm. Nhưng ngờ đâu ông ấy tiếp tôi một cách rất tử tế, cho tôi lên nhà tư, gọi tôi bằng cháu và xưng là chú. Hôm ấy ông Phủ khuyên tôi bỏ giáo học, và xin đi thư ký lục sự vì ông ấy sẽ được thăng Chánh án, và vận động cho tôi làm việc dưới quỳên ông. Thật tôi không ngờ đâu ông ấy rắp tâm chăng lưới để chụp tôi. Mới hôm qua, có một việc xảy ra trong dinh, tôi mới rõ ông ấy là độc ác, và mới hiểu bụng dạ sâu sắc của ông ấy.
- Việc gì?
- Nào có gì là quan hệ đâu! Chỉ có một thằng tù, khi nó xe cát vào trong dinh, không hiểu nó ăn cắp gì, hay hỗn hào gì với ông ấy hoặc với cô con gái rượu, mà ông ấy đùng đùng thịnh nộ, gọi dây nói cho ông Cẩm cấm chỉ nó không được vãng lai vào dinh, rồi lại làm tờ bẩm rất đanh thép, vu cho nó vào dinh ăn cắp. Có lẽ thằng ấy phải ra tòa xử một lượt nữa, mà phen này ắt bị án nặng, phải phát vãng lên thượng du.
- Thế nào là đanh thép?
- Ông ấy tự thảo giấy lấy và gửi lấy, nên tôi không được đọc. Ấy là tôi thấy anh em bên tòa Sứ nói chuyện lại như thế, họ khen ông Chánh án giỏi việc. Cho nên việc của ông tôi quyết là ông ấy dự định đã lâu, đâu vào đấy cả, mà bây giờ đến nỗi tôi đang mắc vào tròng nên khó gỡ.
Lan trước làm mặt lãnh đạm, sau lờ đờ con mắt nhìn xuống để chú ý vào lời Điệp, đến đó, nàng nhìn thẳng vào chàng và hỏi:
- Trong khi cùng ông Phủ nói chuyện, cậu có để ý đến câu gì quan trọng không?
- Không, chỉ có việc xin đi thư ký lục sự là quan trọng, còn thì ông hỏi thăm nom nhà cửa.
- Hỏi thăm thế nào?
- Hỏi thăm đẻ tôi, và hỏi tôi bao nhiêu tuổi. À, ông ấy còn hỏi đùa là có vợ chưa.
- Thế cậu trả lời sao?
- Tôi cứ thực thưa rằng tôi hăm mốt, và chưa có vợ.
- Ông ấy bảo thế nào?
- Ông ấy không bảo gì cả. À, quên, phải rồi, có, có; thấy tôi nói hăm mốt tuổi, ông ấy bảo ngay rằng tôi hơn Thuý Liễu hai tuổi.
- Cậu nói nốt đi.
- Rồi tôi về bẩm đẻ tôi và ông nhà.
- Tôi biết rồi, gì nữa.
- Vì ông Phủ dặn tôi nên đến tận nơi mà trả lời chứ đừng viết thư, nên tôi lại phải đi lần thứ hai, tức là lần có đêm tôi ngủ với Thuý Liễu.
Lan đang ngồi im, cựa mạnh một cái, sa sầm nét mặt, hỏi:
- Tại làm sao?
- Hôm ấy ông Phủ vui vẻ quá, ngài ép tôi uống rượu.
- Quên, trong khi chờ ông Phủ, cậu có trông thấy cô gì ấy không?
- Không biết Thuý Liễu có trông thấy tôi hay không, chứ tôi thì không gặp; vả mãi đến tan hầu tôi mới vào phủ, vì tôi không muốn phải chờ như lần trước, nên tôi đi chơi ngoài phố.
- Trong khi nói chuyện, ông Phủ có đả động gì đến Thuý Liễu nữa không?
Điệp nghĩ rồi nói:
- Không, đích rằng không.
- Thế nào nữa?
- Tôi có biết uống rượu đâu, nhưng ông ấy cứ bắt uống. Tôi nhắp một tí, thấy choáng váng trong người. Rồi lúc vui chuyện, tôi quên đi, và nể nên uống mãi, uống mãi, đến nỗi bất tỉnh nhân sự.
- Cậu nói chuyện với ông Phủ những gì?
- Cũng có chuyện công danh mà thôi, còn sau những gì tôi không nhớ, vì tôi say quá, nhưng chắc rằng chẳng có chi đáng chú ý. Tôi gục xuống bàn, thế rồi chẳng biết tự tôi đi ngủ hay ai khênh tôi đi ngủ, sáng hôm sau, tôi thấy tôi nằm với Thuý Liễu một giường. Tôi thề rằng chỗ này tôi không nói dối.
Lan chống tay vào cằm, đăm đăm con mắt:
- Cậu cứ nói đi.
- Lúc mở mắt dậy, tôi thấy đã trưa lắm rồi. Tôi bị Thuý Liễu gối đầu lên cánh tay tôi, sái bại hẳn đi. Tôi lo quá, nhưng vào lúc khó khăn thế này thì nằm lì cũng chết, nhưng dậy ngay càng chết; tôi đắn đo mãi, nên quyết định cứ giả cách ngủ, để nằm gan, chờ cho Thuý Liễu dậy trước, tôi mới dậy sau, vờ như không biết gì cả. Nhưng mãi, Thuý Liễu không dậy, mà một lúc, tôi thấy ông Phủ vào trong buồng…
Lan nhìn Điệp.
- Nhưng rồi ông ấy lẳng lặng đi ra.
- Thế bao giờ Thuý Liễu mới dậy?
- Mãi đến hơn chín giờ. Tôi dậy, tự lấy làm ngượng, nhưng cố làm mặt tự nhiên. Tan hầu ông Phủ xuống nhà tư, thấy tôi thì lãnh đạm hẳn đi, và tìm những câu xa xôi để trách móc.
- Sao ông ấy lại để yên cậu lúc bắt được ở trong buồng?
- Tôi không hiểu.
- Thế rồi ông ấy có gắt mắng cậu không?
- Không! Thế tôi mới khó chịu, không rõ ý ông ấy ra sao cả. Ông ấy lại còn gọi lũ nhà đầy tớ lên, tìm kiếm ra tội, và đuổi suốt lượt ngay trước mặt tôi. Ăn cơm xong, tôi xin về, ông ấy lạnh lùng đưa cái thư gởi về cho đẻ tôi. Tôi bóc thư ra xem trước, thì thấy ông ấy khuyên đẻ tôi nên nghĩ đến chữ duyên của tôi, và hứa sẽ cũng giúp tôi như đã hết lòng về công danh của tôi. Tôi biết rằng ông ấy lầm, tưởng tôi có tình với Thuý Liễu, nên bảo ý đẻ tôi nếu tôi có xin lấy Thuý Liễu thì ông ấy gả cho. Tôi xé thư đi, về nhà không dám nói với ai cả, mà một mình ngày đêm lo lắng, chắc thế nào cuộc nhân duyên của cô cùng tôi cũng bị ngăn trở.
Điệp thở dài. Lan cũng thở dài.
- Đến hôm tôi đi làm, ông Chánh án nhờ ông Cả Tòng bắn tin gọi gả, rồi chính ông ấy cũng hỏi tôi, nhưng tôi nhất định chối từ.
Lan lại làm như nghe chuyện không can thiệp đến mình, nói:
- Nếu cậu đã làm hại người ta, thì cậu nên cứu người ta, thế là nhân từ.
Điệp nhăn nhó nói:
- Khốn nạn thân tôi, tôi có lòng dạ nào nghĩ đến ai nữa mà làm hại! Nếu cô hiểu bụng cho tôi, chắc cô không nói câu ấy. Từ ngày tôi gặp cô, được cô tỏ cho tôi biết ý cô quyết định, vì tôi như bị thu hết tâm hồn…
Lan lắc đầu, xua tay, nói:
- Cậu nói hết chuyện ấy đi, lâu lắm rồi.
- Ai ở ngoài cũng tưởng tôi làm hại danh dự Thuý Liễu; vì vậy mà sau khi tôi về, có lẽ Thuý Liễu bị xỉ vả một trận kịch liệt, nên quyết tình quyên sinh, mà gửi cho tôi bức thư.
- Bức thư thế nào.
- Trong thư, Thuý Liễu xin tôi một điều là minh oan cho, vì chỉ một mình tôi hiểu Thuý Liễu, và yêu cầu tôi trả lời. Tôi nghĩ hối hận vì tôi vô tình đến nỗi Thuý Liễu phải hủy hoại một đời, nên tôi trả lời Thuý Liễu bằng bức thư ban nãy ông đọc. Tôi chỉ lạ một điều là sao cái thư ấy lại lạc được vào tay ông Chánh án.
Lan gật gù nói:
- Cái đó không lấy gì làm lạ.
Điệp thấy Lan có ý băn khoăn, chứ không lãnh đạm như ban nãy, vui vẻ hỏi:
- Cô đoán tại sao?
Lan đổi ngay nét mặt lạnh lùng, đáp:
- Tại thư của Thuý Liễu vào tay ông ấy nên ông ấy bóc ra chứ sao?
Điệp thở dài, nói nốt:
- Tôi chối từ lời ông Chánh án, ông ấy gắt, bảo tôi về nói chuyện với đẻ tôi. Ông ấy thấy tôi nói đã đính hôn cùng cô, thì đe dọa, dọa cả tôi, dọa cả ông nhà nữa.
Lan cười, cái cười chua chát.
- Rồi ông ấy về tọt đây nói chuyện trước cùng ông nhà với đẻ tôi cho nên bây giờ tôi mới bị hắt hủi như thế này.
Nói đến đó, Điệp bưng mặt khóc. Hai mắt Lan cũng mọng mọng những lệ mà nhìn lên xà nhà. Điệp nói:
- Cô ơi, nếu cô biết bụng cho tôi…
Lan nghiêm ngay nét mặt lại nói:
- Thôi, thì cũng đành vậy chứ sao?
- Cô có tin tôi không?
Lan thở dài không đáp.
- Cô có yêu, có thương tôi nữa không?
Lan lắc đầu, nói:
- Bây giờ tôi không có quyền mà cậu cũng không nên hỏi tôi câu ấy nữa.
Điệp lại ràn rụa nước mắt, Lan cứ lạnh lùng như không, nói:
- Cậu quên tôi đi.
Điệp cựa mạnh kinh ngạc, đáp:
- Không thể. Cô không nên quá ác thế. Trái tim tôi như sắt đá, nhưng từ thuở bé đã khắc ba chữ Nguyễn Thị Lan càng ngày càng sâu, bây giờ phải mài đi mới sạch nhẵn và có thể khắc được chứ khác. Nhưng mà, cô ơi, như thế thì nó bị thương.
Nói đến đấy, Điệp bưng mặt nức nở không ra tiếng, Lan cảm động quá, quay đi, lấy vạt áo chùi nước mắt. Một lúc Điệp ngẩng đầu, hỏi Lan:
- Cô có giận tôi không?
Lan lại cố nghiêm nói:
- Tôi cũng không có quyền.
- Tôi không thể yêu được ai nữa, tâm hồn tôi đã gởi cô từ lâu rồi.
Lan lắc đầu, nói:
- Tôi nào dám giữ?
Điệp càng thấy Lan nói mát, càng như đứt từng khúc ruột. Lan nói:
- Nếu cậu muốn yên thân, thì cậu nên kết duyên cùng Thuý Liễu.
- Tôi yên thân sao được, mà nếu lấy Thuý Liễu để được yên thân, sao tôi ích kỷ như thế được?
- Không phải là ích kỷ, vì cậu làm yên cả gia đình tôi. Cậu hy sinh chữ duyên mà báo đáp thày tôi ở chỗ đó. Rồi tôi quên cậu; tôi quên cậu rồi.
- Cô có thể tàn nhẫn với tôi thế được à?
- Tôi không lấy cậu nữa, cậu không kết duyên với Thuý Liễu mặc dầu.
Điệp thổn thức:
- Thế thì chỉ còn một mình tôi đi trên đường đời hiu quạnh, tôi sống với ai?
Lan vẫn lạnh lẽo cười lạt.
- Mặc kệ cậu.
Nghe câu nói như sét đánh ngang tai, Điệp trợn mắt lên nhìn Lan một cách giận dứ, khiến Lan tự nhiên đổi ngay ra nét mặt dịu dàng. Nhưng rất nhanh, Lan lại làm ngay nghiêm nghị mà nói một câu để nuôi cái giận dữ đã mất:
- Tôi mặc kệ cậu thật.
Nghe câu nhắc lại, Điệp như bị tiếng sét lần thứ hai mất cả tinh thần; chàng phải ôm lấy ngực. Bỗng Lan không giấu được cảm tình thật nữa, thốt nhiên nức nở khóc:
- Nước mắt này của tôi bây giờ đối với cậu nó vô giá trị lắm, tôi không tội gì mà giữ nó nữa, tôi cứ cho nó tuôn hết ra.
Nhưng chỉ một tí thôi, Lan nín hẳn, lấy vạt áo chùi cho khô mắt. Điệp bị giọt lệ của Lan nói thấm đến tận đáy lòng, nhăn nhó, bứt rứt, nói:
- Cô Lan ơi! Từ hôm mười sáu tháng năm đến giờ, không ngày nào, không giờ nào, không phút nào là tôi không nghĩ đến cô. Óc tôi bị ái tình nó chiếm mất quá nửa, đến nỗi tôi chểnh mảng hết cả các công việc khác. Lúc nào tôi cũng hình như có cô ở trước mặt, mà những lời nói việc làm cũng đều nghĩ, như bị ảnh hưởng của bệnh tương tư. Nói tóm lại, tôi sống vì cô, tôi ước mong công danh cũng vì cô, mà trong trí tôi, cũng vì cô mà tôi có bao nhiêu ý định tốt đẹp về tương lai…
Lan đang nghe một cách cảm động, bỗng như tỉnh lại, sực nhớ đến điều gì, đứng phắt dậy vừa đi vừa quay lại, nói:
- Tôi cảm ơn cậu, nhưng cậu quên tôi đi, cậu đừng yêu tôi nữa. Thôi, từ nay…
Nói đến đấy, Lan thấy nghẹn lời, quay mặt đi rảo cẳng bước thẳng ra cửa, ra cổng, rồi về. Điệp đứng dậy trông theo, ngây người ra, không hiểu tại làm sao Lan dứt đứt câu chuyện một cách đột ngột thế.
Điệp không rõ bụng Lan với mình ra sao, sao lại có cái thái độ lạnh lùng nhưng lại chứa chan vẻ đằm thắm làm vậy? Lúc nghiêm, lúc khóc, vậy thì Lan có tin chàng mà thương hại tình cảnh chàng chăng?
Hay Lan nghe ông Chánh án mà giận dữ chàng? Nhưng giận hay thương, Điệp cũng không còn hi vọng gì nữa.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo