Tình nhỏ làm sao quên - Chương 4 (Đoàn Thạch Biền)
Phương Như | Chat Online | |
15/07/2019 09:07:40 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
75 lượt xem
- * Tình nhỏ làm sao quên - Chương 5 (Đoàn Thạch Biền) (Văn học trong nước)
- * Tình nhỏ làm sao quên - Chương 6 (Đoàn Thạch Biền) (Văn học trong nước)
- * Tình nhỏ làm sao quên - Chương 3 (Đoàn Thạch Biền) (Văn học trong nước)
- * Tnhf nhỏ làm sao quên - Chương 2 (Đoàn Thạch Biền) (Văn học trong nước)
Tôi khuấy đều hộp sơn màu trắng rồi nhúng cọ, quẹt thử một vệt lên hàng rào gỗ. Màu sơn còn quá nhạt, tôi đổ thêm một chút sơn đen vào hộp sơn rồi lại khuấy đều. Hàng rào làm bằng gỗ thông sơn trắng sẽ được dựng trên sân khấu ở màn đầu của vở kịch.
Tôi làm việc một mình ở cuối hậu trường, được ngăn cách với sân khấu bởi một tấm màn màu xám. Tôi nghe có tiếng những người đang tập kịch và thỉnh thoảng có tiếng Đăng xen vào chỉ dẫn. Đáng lẽ tôi ngồi ở hàng ghế khán giả để xem các bạn tập dượt. Nhưng tôi tránh xung đột ý kiến với Đăng về những hành động của các nhân vật.
Một vở kịch khi trình diễn trên sân khấu, quyền hành không còn của tác giả mà của đạo diễn. Tôi biết vậy nhưng tránh sao khỏi đưa ra những ý kiến bênh vực cho nhân vật của mình đã sáng tạo ra, đang bị đạo diễn "sáng tạo" lại.
Ở hậu trường có một cánh cửa mở ra ngoài. Nắng buổi chiều hắt vào in một hình chữ nhật màu vàng đậm trên nền xi măng. Hình chữ nhật đó càng lúc càng thu nhỏ lại rồi biến mất lúc nào tôi không hay biết. Đang sơn dở dang hàng rào gỗ, tôi nghe có tiếng Đăng nói:
- Tạm ngưng đi. Tôi muốn giới thiệu cậu với các diễn viên.
Tôi quay lại hỏi Đăng:
- Họ tập xong rồi à?
- Màn một tạm xong. Họ đang chuẩn bị về.
Tôi đứng dậy lấy khăn thấm dầu hôi lau sạch những vết sơn dính trên tay. Tôi hỏi:
- Trông được không?
Đăng nhìn hàng rào gỗ còn ướt sơn, cười nói:
- Chính tay "tác giả" sơn, vậy khỏi sợ sai với kịch bản.
Tôi châm một điếu thuốc rồi theo Đăng bước lên tam cấp ra sân khấu. Có năm người đang đứng uống nước giải khát quanh một cái bàn nhỏ. Tôi nhận ra một người quen là Trung, người trông coi ánh sáng. Tôi đã có dịp nói chuyện với anh vài lần, còn bốn người kia hoàn toàn xa lạ đây là buổi tập dượt sơ khởi, các diễn viên chưa hóa trang nên tôi không hiểu người nào đóng vai nào trong vở kịch của tôi.
Đăng giới thiệu tôi là tác giả vở kịch rồi lần lượt giới thiệu những người kia. Người thanh niên cao có đôi mắt sắc, tên Huân. Người thanh niên nhỏ con có bộ râu rậm, tên Tường. Cô gái tóc dài có khuôn mặt hơi gầy, tên Liên và khi Đăng chỉ tay giới thiệu cô gái cắt tóc ngắn, mặc áo dài vàng thì nàng xua tay:
- Anh Đăng khỏi giới thiệu. Em biết ông ấy từ lâu rồi.
Đăng ngạc nhiên hỏi lại:
- Biết từ lâu rồi?
Cô gái gật đầu, liếc nhìn tôi:
- Phải. Cách đây năm năm rồi. Đúng không ông Trịnh?
Tôi nhìn sững cô gái rồi nói:
- Xin lỗi, tôi...
- Tôi là Hạnh, em anh Tuấn.
Tôi bật tiếng kêu:
- A! Tôi nhớ ra rồi. Hạnh thay đổi nhiều quá, tôi nhận không ra.
Cô gái cười nhếch môi:
- Không phải tại Hạnh thay đổi mà tại trí nhớ anh thay đổi. Nó không còn "tốt" như xưa.
Cả bọn bật cười. Đăng nói:
- Thôi chúng ta về. Chiều mai tập tiếp. Các bạn nhớ đến đúng 2 giờ.
Anh quay sang hỏi tôi:
- Cậu cùng về với tôi chứ?
- Cậu định bắt tôi đi bộ à?
- Tôi sợ cậu tình nguyện đi bộ.
- Còn lâu.
Chúng tôi đi ra khỏi hậu trường. Bên ngoài lá thông kêu vo vo và nắng còn vàng ửng trên đỉnh một ngọn đồi phía xa. Tôi và Đăng đi xe Vespa. Bốn người kia đi hai xe Honda, còn Hạnh đi bộ. Khi Đăng nổ máy xe, tôi vỗ vai anh nói:
- Thôi để tôi đi bộ.
Đăng mỉm cười, lắc đầu rồi rồ ga cho xe phóng đi. Tôi bước thật nhanh đuổi theo Hạnh đang đi trên lề đường lởm chởm đá sỏi. Có một bụi hoa marguerite trắng mọc lẻ loi ngoài hàng rào một ngôi nhà bên đường. Tôi dừng lại, hái một bông rồi đem đến tặng Hạnh:
- Xin lỗi, lúc nãy tôi thật tình không nhớ.
Hạnh vừa bước đi vừa xoay xoay đóa hoa màu trắng trong tay.
- Anh biết hoa marguerite có ý nghĩa gì không?
- Tôi vốn dốt về các loại hoa.
- Vậy tại sao anh tặng Hạnh bông hoa này?
- Tôi nghĩ nó sẽ đẹp hơn khi được Hạnh cầm trong tay.
Hạnh cười nhếch môi, chắc đấy là thói quen của nàng chứ nàng không có ý giễu cợt:
- Anh "nịnh đầm" giỏi lắm. Chẳng bù khi xưa miệng câm như hến.
- Đấy cũng là nhờ Hạnh đã gợi ý cho tôi nói.
Chúng tôi đi bộ một đoạn đường dài. Buổi chiều xuống thấp dần. Trước khi leo lên một con dốc, tôi mời Hạnh vào ngồi nghỉ chân ở một quán kem. Tôi muốn có một chỗ ngồi để trò chuyên thoải mái, đồng thời tôi vừa nghe loáng thoáng từ trong quán vẳng ra bản nhạc Joe le taxi của cô bé Vanesse Paradis.
Ở Saigon lên đây gần hai tháng, tôi ít có dịp được nghe nhạc trẻ. Nhưng qua báo chí tôi được biết Vanessa Paradis lại vừa đoạt giải Cesar dành cho nữ diễn viên nhiều triển vọng. Em đã thành công rực rỡ ở tuổi 17, tôi muốn nghe lại bài hát đầu tiên của em ở tuổi 15. Tôi đã hơn em 10 tuổi, vậy mà tôi vẫn chưa làm được cái "bước đầu ngoạn mục" như em.
Người phục vụ bưng ra một ly kem dâu, một ly cafe đá, một đĩa bánh ngọt đặt lên trên mặt bàn mica trắng. Hạnh cầm muỗng khuấy ly cafe đá trong khi tôi vẫn mãi lắng nghe bài ca.
- Anh đang nhớ lại một kỷ niệm?
Tôi giật mình, trả lời:
- Hạnh có nhớ lần Tuấn chiêu đãi chúng ta đi ăn kem Bạch Đằng ở Saigon? Hôm ấy chúng ta cũng đã ăn kem dâu.
Hạnh gõ gõ chiếc muỗng vào miệng ly kem của tôi:
- Anh hãy quên đi những ly kem kỷ niệm. Chúng đã tan hết rồi. Anh xem ly kem của anh chiều nay cũng sắp tan.
Tôi ngượng ngùng cầm muỗng xúc kem ăn rồi hỏi:
- Tuấn bây giờ ra sao?
- Anh Tuấn đã lập gia đình và có một cháu trai vừa đầy năm. Hiện anh đang sống ở Nha Trang.
- Ồ! Vậy mà Tuấn không báo tin mừng cho tôi biết.
- Biết anh ở đâu mà báo tin? Nhiều người còn đồn anh đã vượt biên.
Tôi bật cười làm miếng kem lạnh buốt trơn tuột vào cổ họng:
- Ước gì người ta đồn tôi đã có vợ rồi cho khỏe. Thật ra vì sinh kế tôi phải đi nhiều nơi để kiếm ăn. Còn Hạnh sao lưu lạc lên đây?
- Gia đình em đã chuyển về Nha Trang. Em lên đây để học đại học đã hai năm và ở trọ nhà bà dì.
- Khi còn ở Saigon, tôi và Tuấn thường đi xem kịch. Chưa bao giờ tôi thấy Hạnh cùng đi, vậy Hạnh đã "mê" kịch từ lúc nào?
Hạnh uống một ngụm cafe đá rồi lắc lắc mái tóc ngắn:
- Từ khi em lên đây. Thành phố này lạnh quá. Em muốn "đóng kịch" cho ấm người. Đóng kịch ở ngoài đời riết thành quen, khi anh Đăng mời lên sân khấu đóng kịch, em thấy cũng dễ dàng thôi. Không cần phải có mối "đam mê lớn" người ta mới đóng kịch được.
Tôi nhíu mày nhìn Hạnh. Đôi mắt nàng mở to nhìn những đám mây trắng mỏng bay là là trên những chòm cây thông bên ngoài cửa sổ. Chắc Hạnh đã gặp chuyện gì buồn phiền khiến nàng phải nói ra những lời chua chát. Năm năm trước, tôi nhớ khi đến nhà Tuấn chơi, Hạnh thường đùa nghịch giấu đôi giày của tôi để ở trước cửa rồi bắt tôi chuộc lại bằng những bịch kẹo hay những ly chè. Tuấn phải la rầy em trong khi em cứ ôm bụng cười nắc nẻ. Vậy mà bây giờ...
Tôi muốn hỏi Hạnh cho rõ chuyện nhưng nghĩ chưa phải lúc. Đâu phải khi nào người ta cũng dễ dàng giải bày tâm sự. Tôi lấy một chiếc bánh ngọt có phủ lớp kem dầy mời Hạnh. Nàng lắc đầu:
- Cám ơn. Em không thích ăn ngọt.
- Tôi nhớ hồi xưa Hạnh rất thích ăn kẹo và chè mà.
- Đầu óc anh thật lạ. Chỉ nhớ những đồ ăn xưa còn người xưa thì lại quên.
Tôi cười:
- Cái gì vào bụng tôi, tôi khó quên.
- Còn vào tim anh?
- Thì tôi chết. May mắn thay chưa có cái gì "găm" vào tim tôi.
- Anh nói thật hay đóng kịch đấy?
- Hạnh hãy tin tôi đi. Tôi viết kịch để được đóng kịch trên sân khấu, khỏi phải đóng kịch ngoài đời.
- Em ráng tin anh là một người sống vô tư. Có lẽ nhờ vậy mà năm năm qua, anh chẳng già thêm.
- Còn tôi tin chắc chắn em đã trưởng thành hơn xưa.
Hạnh cười, nâng cao ly cafe đá:
- Già hơn xưa thì đúng hơn. Lên đây anh ở đâu?
Tôi nói địa chỉ cho Hạnh biết. Nàng bỏ ly cafe xuống bàn, trợn mắt hỏi:
- Anh dám ở ngôi nhà ma đó à?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Em cũng biết ngôi nhà đó có ma?
- Khi em mới lên đây ở vài tháng thì vụ ông chủ nhà tự tử xảy ra. Thành phố này nhỏ, mọi người đều biết. Chính vì vậy mà ngôi nhà đó bán không được.
- Em đã vào trong ngôi nhà đó lần nào chưa?
- Em chỉ đi ngang qua chứ chưa có dịp vào bên trong.
- Vậy tại sao em biết nơi đó có ma?
- Người ta đồn như vậy.
- Lại tin đồn thất thiệt. Tôi ở đó cả tháng có thấy gì đâu. Không tin hôm nào em thử đến đó chơi.
- Ai mà dám đến đó chơi.
- Nơi tôi ở, em cũng không dám đến thăm?
- Anh đã ở thì lại là chuyện khác. Nhưng anh có thật lòng mong em đến thăm?
- Em nghi ngờ nhiều quá. Điều đó có thể giúp người ta khôn hơn nhưng cũng già đi.
- Được rồi. Sẽ có ngày "em đến thăm anh một chiều mưa".
Tôi cười, nói thêm:
- "Và quên đường về".
Hạnh lại cười nhếch môi.
- Đời không giống như một bài hát mà giống như một vở kịch. Điều đó chắc anh rành hơn em.
- Đúng. Trong những bài hát không có những món ăn. Còn bây giờ thì tôi đang đói bụng. Tôi mời em cùng đi ăn cơm tối.
Đèn trong quán bật sáng. Hai chúng tôi đứng dậy bước ra ngoài. Bóng tối đã lẩn khuất ở dưới thung lũng thấp. Gió thổi mạnh ở phía sau lưng giúp chúng tôi bước đi nhanh hơn. Hạnh giữ lọn tóc khỏi bay vào mắt rồi quay sang tôi, hỏi:
- Ở ngôi nhà đó anh có gặp...
- Gặp ma à? Tôi đã nói không có mà.
- Không. Em muốn hỏi anh có gặp con nhỏ "mát".
Tôi dừng bước, hỏi:
- Con nhỏ "mát" là ai vậy?
- Con ông chủ đó.
- Em có biết cô bé ấy không?
- Em được người ta chỉ cho thấy một lần khi nó đi lang thang trên đồi cù. Phải công nhận con nhỏ trông rất đẹp. Chỉ tội nó "mát".
Tôi lầm bầm trong miệng vái trời đấy không phải là cô bé tôi đã gặp bên bờ hồ.
Tôi làm việc một mình ở cuối hậu trường, được ngăn cách với sân khấu bởi một tấm màn màu xám. Tôi nghe có tiếng những người đang tập kịch và thỉnh thoảng có tiếng Đăng xen vào chỉ dẫn. Đáng lẽ tôi ngồi ở hàng ghế khán giả để xem các bạn tập dượt. Nhưng tôi tránh xung đột ý kiến với Đăng về những hành động của các nhân vật.
Một vở kịch khi trình diễn trên sân khấu, quyền hành không còn của tác giả mà của đạo diễn. Tôi biết vậy nhưng tránh sao khỏi đưa ra những ý kiến bênh vực cho nhân vật của mình đã sáng tạo ra, đang bị đạo diễn "sáng tạo" lại.
Ở hậu trường có một cánh cửa mở ra ngoài. Nắng buổi chiều hắt vào in một hình chữ nhật màu vàng đậm trên nền xi măng. Hình chữ nhật đó càng lúc càng thu nhỏ lại rồi biến mất lúc nào tôi không hay biết. Đang sơn dở dang hàng rào gỗ, tôi nghe có tiếng Đăng nói:
- Tạm ngưng đi. Tôi muốn giới thiệu cậu với các diễn viên.
Tôi quay lại hỏi Đăng:
- Họ tập xong rồi à?
- Màn một tạm xong. Họ đang chuẩn bị về.
Tôi đứng dậy lấy khăn thấm dầu hôi lau sạch những vết sơn dính trên tay. Tôi hỏi:
- Trông được không?
Đăng nhìn hàng rào gỗ còn ướt sơn, cười nói:
- Chính tay "tác giả" sơn, vậy khỏi sợ sai với kịch bản.
Tôi châm một điếu thuốc rồi theo Đăng bước lên tam cấp ra sân khấu. Có năm người đang đứng uống nước giải khát quanh một cái bàn nhỏ. Tôi nhận ra một người quen là Trung, người trông coi ánh sáng. Tôi đã có dịp nói chuyện với anh vài lần, còn bốn người kia hoàn toàn xa lạ đây là buổi tập dượt sơ khởi, các diễn viên chưa hóa trang nên tôi không hiểu người nào đóng vai nào trong vở kịch của tôi.
Đăng giới thiệu tôi là tác giả vở kịch rồi lần lượt giới thiệu những người kia. Người thanh niên cao có đôi mắt sắc, tên Huân. Người thanh niên nhỏ con có bộ râu rậm, tên Tường. Cô gái tóc dài có khuôn mặt hơi gầy, tên Liên và khi Đăng chỉ tay giới thiệu cô gái cắt tóc ngắn, mặc áo dài vàng thì nàng xua tay:
- Anh Đăng khỏi giới thiệu. Em biết ông ấy từ lâu rồi.
Đăng ngạc nhiên hỏi lại:
- Biết từ lâu rồi?
Cô gái gật đầu, liếc nhìn tôi:
- Phải. Cách đây năm năm rồi. Đúng không ông Trịnh?
Tôi nhìn sững cô gái rồi nói:
- Xin lỗi, tôi...
- Tôi là Hạnh, em anh Tuấn.
Tôi bật tiếng kêu:
- A! Tôi nhớ ra rồi. Hạnh thay đổi nhiều quá, tôi nhận không ra.
Cô gái cười nhếch môi:
- Không phải tại Hạnh thay đổi mà tại trí nhớ anh thay đổi. Nó không còn "tốt" như xưa.
Cả bọn bật cười. Đăng nói:
- Thôi chúng ta về. Chiều mai tập tiếp. Các bạn nhớ đến đúng 2 giờ.
Anh quay sang hỏi tôi:
- Cậu cùng về với tôi chứ?
- Cậu định bắt tôi đi bộ à?
- Tôi sợ cậu tình nguyện đi bộ.
- Còn lâu.
Chúng tôi đi ra khỏi hậu trường. Bên ngoài lá thông kêu vo vo và nắng còn vàng ửng trên đỉnh một ngọn đồi phía xa. Tôi và Đăng đi xe Vespa. Bốn người kia đi hai xe Honda, còn Hạnh đi bộ. Khi Đăng nổ máy xe, tôi vỗ vai anh nói:
- Thôi để tôi đi bộ.
Đăng mỉm cười, lắc đầu rồi rồ ga cho xe phóng đi. Tôi bước thật nhanh đuổi theo Hạnh đang đi trên lề đường lởm chởm đá sỏi. Có một bụi hoa marguerite trắng mọc lẻ loi ngoài hàng rào một ngôi nhà bên đường. Tôi dừng lại, hái một bông rồi đem đến tặng Hạnh:
- Xin lỗi, lúc nãy tôi thật tình không nhớ.
Hạnh vừa bước đi vừa xoay xoay đóa hoa màu trắng trong tay.
- Anh biết hoa marguerite có ý nghĩa gì không?
- Tôi vốn dốt về các loại hoa.
- Vậy tại sao anh tặng Hạnh bông hoa này?
- Tôi nghĩ nó sẽ đẹp hơn khi được Hạnh cầm trong tay.
Hạnh cười nhếch môi, chắc đấy là thói quen của nàng chứ nàng không có ý giễu cợt:
- Anh "nịnh đầm" giỏi lắm. Chẳng bù khi xưa miệng câm như hến.
- Đấy cũng là nhờ Hạnh đã gợi ý cho tôi nói.
Chúng tôi đi bộ một đoạn đường dài. Buổi chiều xuống thấp dần. Trước khi leo lên một con dốc, tôi mời Hạnh vào ngồi nghỉ chân ở một quán kem. Tôi muốn có một chỗ ngồi để trò chuyên thoải mái, đồng thời tôi vừa nghe loáng thoáng từ trong quán vẳng ra bản nhạc Joe le taxi của cô bé Vanesse Paradis.
Ở Saigon lên đây gần hai tháng, tôi ít có dịp được nghe nhạc trẻ. Nhưng qua báo chí tôi được biết Vanessa Paradis lại vừa đoạt giải Cesar dành cho nữ diễn viên nhiều triển vọng. Em đã thành công rực rỡ ở tuổi 17, tôi muốn nghe lại bài hát đầu tiên của em ở tuổi 15. Tôi đã hơn em 10 tuổi, vậy mà tôi vẫn chưa làm được cái "bước đầu ngoạn mục" như em.
Người phục vụ bưng ra một ly kem dâu, một ly cafe đá, một đĩa bánh ngọt đặt lên trên mặt bàn mica trắng. Hạnh cầm muỗng khuấy ly cafe đá trong khi tôi vẫn mãi lắng nghe bài ca.
- Anh đang nhớ lại một kỷ niệm?
Tôi giật mình, trả lời:
- Hạnh có nhớ lần Tuấn chiêu đãi chúng ta đi ăn kem Bạch Đằng ở Saigon? Hôm ấy chúng ta cũng đã ăn kem dâu.
Hạnh gõ gõ chiếc muỗng vào miệng ly kem của tôi:
- Anh hãy quên đi những ly kem kỷ niệm. Chúng đã tan hết rồi. Anh xem ly kem của anh chiều nay cũng sắp tan.
Tôi ngượng ngùng cầm muỗng xúc kem ăn rồi hỏi:
- Tuấn bây giờ ra sao?
- Anh Tuấn đã lập gia đình và có một cháu trai vừa đầy năm. Hiện anh đang sống ở Nha Trang.
- Ồ! Vậy mà Tuấn không báo tin mừng cho tôi biết.
- Biết anh ở đâu mà báo tin? Nhiều người còn đồn anh đã vượt biên.
Tôi bật cười làm miếng kem lạnh buốt trơn tuột vào cổ họng:
- Ước gì người ta đồn tôi đã có vợ rồi cho khỏe. Thật ra vì sinh kế tôi phải đi nhiều nơi để kiếm ăn. Còn Hạnh sao lưu lạc lên đây?
- Gia đình em đã chuyển về Nha Trang. Em lên đây để học đại học đã hai năm và ở trọ nhà bà dì.
- Khi còn ở Saigon, tôi và Tuấn thường đi xem kịch. Chưa bao giờ tôi thấy Hạnh cùng đi, vậy Hạnh đã "mê" kịch từ lúc nào?
Hạnh uống một ngụm cafe đá rồi lắc lắc mái tóc ngắn:
- Từ khi em lên đây. Thành phố này lạnh quá. Em muốn "đóng kịch" cho ấm người. Đóng kịch ở ngoài đời riết thành quen, khi anh Đăng mời lên sân khấu đóng kịch, em thấy cũng dễ dàng thôi. Không cần phải có mối "đam mê lớn" người ta mới đóng kịch được.
Tôi nhíu mày nhìn Hạnh. Đôi mắt nàng mở to nhìn những đám mây trắng mỏng bay là là trên những chòm cây thông bên ngoài cửa sổ. Chắc Hạnh đã gặp chuyện gì buồn phiền khiến nàng phải nói ra những lời chua chát. Năm năm trước, tôi nhớ khi đến nhà Tuấn chơi, Hạnh thường đùa nghịch giấu đôi giày của tôi để ở trước cửa rồi bắt tôi chuộc lại bằng những bịch kẹo hay những ly chè. Tuấn phải la rầy em trong khi em cứ ôm bụng cười nắc nẻ. Vậy mà bây giờ...
Tôi muốn hỏi Hạnh cho rõ chuyện nhưng nghĩ chưa phải lúc. Đâu phải khi nào người ta cũng dễ dàng giải bày tâm sự. Tôi lấy một chiếc bánh ngọt có phủ lớp kem dầy mời Hạnh. Nàng lắc đầu:
- Cám ơn. Em không thích ăn ngọt.
- Tôi nhớ hồi xưa Hạnh rất thích ăn kẹo và chè mà.
- Đầu óc anh thật lạ. Chỉ nhớ những đồ ăn xưa còn người xưa thì lại quên.
Tôi cười:
- Cái gì vào bụng tôi, tôi khó quên.
- Còn vào tim anh?
- Thì tôi chết. May mắn thay chưa có cái gì "găm" vào tim tôi.
- Anh nói thật hay đóng kịch đấy?
- Hạnh hãy tin tôi đi. Tôi viết kịch để được đóng kịch trên sân khấu, khỏi phải đóng kịch ngoài đời.
- Em ráng tin anh là một người sống vô tư. Có lẽ nhờ vậy mà năm năm qua, anh chẳng già thêm.
- Còn tôi tin chắc chắn em đã trưởng thành hơn xưa.
Hạnh cười, nâng cao ly cafe đá:
- Già hơn xưa thì đúng hơn. Lên đây anh ở đâu?
Tôi nói địa chỉ cho Hạnh biết. Nàng bỏ ly cafe xuống bàn, trợn mắt hỏi:
- Anh dám ở ngôi nhà ma đó à?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Em cũng biết ngôi nhà đó có ma?
- Khi em mới lên đây ở vài tháng thì vụ ông chủ nhà tự tử xảy ra. Thành phố này nhỏ, mọi người đều biết. Chính vì vậy mà ngôi nhà đó bán không được.
- Em đã vào trong ngôi nhà đó lần nào chưa?
- Em chỉ đi ngang qua chứ chưa có dịp vào bên trong.
- Vậy tại sao em biết nơi đó có ma?
- Người ta đồn như vậy.
- Lại tin đồn thất thiệt. Tôi ở đó cả tháng có thấy gì đâu. Không tin hôm nào em thử đến đó chơi.
- Ai mà dám đến đó chơi.
- Nơi tôi ở, em cũng không dám đến thăm?
- Anh đã ở thì lại là chuyện khác. Nhưng anh có thật lòng mong em đến thăm?
- Em nghi ngờ nhiều quá. Điều đó có thể giúp người ta khôn hơn nhưng cũng già đi.
- Được rồi. Sẽ có ngày "em đến thăm anh một chiều mưa".
Tôi cười, nói thêm:
- "Và quên đường về".
Hạnh lại cười nhếch môi.
- Đời không giống như một bài hát mà giống như một vở kịch. Điều đó chắc anh rành hơn em.
- Đúng. Trong những bài hát không có những món ăn. Còn bây giờ thì tôi đang đói bụng. Tôi mời em cùng đi ăn cơm tối.
Đèn trong quán bật sáng. Hai chúng tôi đứng dậy bước ra ngoài. Bóng tối đã lẩn khuất ở dưới thung lũng thấp. Gió thổi mạnh ở phía sau lưng giúp chúng tôi bước đi nhanh hơn. Hạnh giữ lọn tóc khỏi bay vào mắt rồi quay sang tôi, hỏi:
- Ở ngôi nhà đó anh có gặp...
- Gặp ma à? Tôi đã nói không có mà.
- Không. Em muốn hỏi anh có gặp con nhỏ "mát".
Tôi dừng bước, hỏi:
- Con nhỏ "mát" là ai vậy?
- Con ông chủ đó.
- Em có biết cô bé ấy không?
- Em được người ta chỉ cho thấy một lần khi nó đi lang thang trên đồi cù. Phải công nhận con nhỏ trông rất đẹp. Chỉ tội nó "mát".
Tôi lầm bầm trong miệng vái trời đấy không phải là cô bé tôi đã gặp bên bờ hồ.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Tags: Tình nhỏ làm sao quên - Chương 4 (Đoàn Thạch Biền),Tình nhỏ làm sao quên - Chương 4,Đoàn Thạch Biền
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!