Hai vẻ đẹp (Nhất Linh)

133 lượt xem

Anh phải luôn luôn tụ nhủ rằng đời người có thể đẹp đẽ hơn; đời của anh và đời của những người khác.
André Gide
I
Doãn cầm cốc cà phê nguội, uống một hơi cạn, rồi đứng dậy xin phép mẹ nuôi và bà khách về phòng ngủ.
Bà Thượng nhìn cốc cà phê bảo Doãn:
- Đêm con cần ngủ mà cứ uống mãi cà phê vào.
Rồi bà quay lại phía bà khách, tiếp theo:
- Ấy cháu cả ngày chỉ vẽ. Mà sao thích vẽ thế. Từ độ ở Tây về vẽ có đến hàng trăm bức tranh, không biết thế nào là chán...
Bà khách mỉm cười hỏi đùa Doãn:
- Ông cử luật có muốn lấy vợ, để tôi làm mối cho một cô thật xinh. Về tha hô mà vẽ.
Lan, Tuyết và Dung cũng cất tiếng cười lên một loạt. Tuyết nói:
- Để trước mắt anh con một người thật đẹp, anh con vẽ một lúc thành người xấu như ma lem.
Dung tiếp luôn:
- Mà càng vẽ lại càng xấu hơn. Càng vẽ càng không giống. Lâu dần trông không ra hình người nữa, thành ra một hộp bánh bích qui.
Lan kết luận:
- Nhiều khi anh con vẽ một cái hộp bánh bích qui lại thành một cô gái tuyệt đẹp.
Tuy đã nghe ba cô em gái nói những câu đùa ấy không biết bao nhiêu lượt, mà Doãn cũng cất tiếng cười thẳng thắng đáp lại. Chàng không giận ai bao giờ và không bao giờ để tâm đến những lời bình phẩm của mọi người xung quanh. Chàng cho vẽ tranh là một sự cần thiết cho tâm hồn chàng, chứ không phải để lấy tiếng khen.
Doãn bước sang phòng bên và khóa trái cửa lại. Phòng của chàng là một cái buồng rộng chia làm hai ngăn; một ngăn để ngủ, còn một ngăn làm xưởng vẽ. Mỗi lần vào đấy, Doãn thấy người khoan khoái như con cá ở trong chậu được thả xuống nước ao. Trong buồng, cái gì Doãn cũng trang hoàng, xếp đặt lấy; từ cái giường ngủ, cái tủ áo, bộ bàn ghế tối tân, cho đến bức thảm dệt kiểu Tàu, các thứ đồ dùng bất cứ lớn, nhỏ đều do chàng tự chế lấy kiểu.
Trên tường, trên bàn, ở góc nhà, chỗ nào cũng có tranh. Thỉnh thoảng, nể lời anh em, chàng đem những bức tranh đó về Hà Nội trưng bày một vài hôm. Nhưng chàng không cần bán, vì chàng đã giàu.
Trước kia, những tranh của chàng gửi sang Pháp bán rất chạy; hơn một năm trời, chàng có tới gần chục vạn bạc tranh, và số tiền đó, chàng đem gửi cả bà mẹ nuôi để tậu ruộng trong làng.
Doãn ngã lưng trên giường, quặt hai bàn tay ra phía sau đầu làm gối, đưa mắt ngắm bức tranh sơn vẽ dở để dựa vào tường. Chàng cau mày tỏ ý không bằng lòng, lắc đầu nói một mình:
- Hỏng cả! Nếu vài hôm nữa không mưa to thì đành quẳng nó một chỗ.
Bức tranh ấy chàng mới vẽ hôm kia. Khi ngồi trước giá vẽ, chàng say đắm vẽ màu tươi mát của lá cây, mái nhà, nước ao, về cái vẻ đẹp của thứ ánh sáng trong mát, một buổi sớm tạnh ráo sau một đêm mưa.
Trong hai giờ đồng hồ, chàng hồi hộp vẽ ngấu, vẽ nghiến như người đương đói vớ được bát cơm gạo tám thơm; tuy vẽ hết sức mau mà chàng cũng không kịp ghi lên vải những màu đẹp đẽ và mong manh ấy, đành phải bỏ dở bức tranh.
Chàng quên không nghĩ đến hơn trăm mẫu ruộng của chàng hiện bị úng thủy, chỉ ao ước đêm nay mưa thật to để mai lại có được thứ ánh sáng chàng mong mỏi. Chàng nhìn bức tranh và tưởng tượng đến những màu ở ngoài cảnh thật, ngầm nghĩ:
- Tại mình còn kém lắm. Một nghìn phần chưa đúng một phần.
Doãn đưa mắt ngắm một bức tranh khác; bức tranh vẽ một người đàn bà cởi trần, quần lĩnh vén lên gần đầu gối, để hở cả quần trắng trong, ngồi cạnh mấy cái cốc sâm-banh đầy rượu và ba quả dưa chuột.
Chàng không hề để ý đến sự vô lý của bức vẽ, và chỉ để ý đến những màu, nhất là màu đen của chiếc quần lĩnh bên cạnh màu trắng và màu da thịt người; những màu đó chàng thấy nó hòa hợp, đăng đối nhau và mỗi lần nhìn đến, chàng có cái khoan khoái như được nghe một điệu đàn du dương bằng hình sắc. Thấy bức tranh đặt nghiêng, Doãn đứng dậy lấy mấy cuốn sách cũ kê đệm xuống dưới. Biết là khó ngủ, chàng cầm một cuốn sách về giường nằm để xem trong khi đợi giấc. Chàng giở mấy trang sách, lẩm bẩm:
- Không biết quyển tiểu thuyết này ở đâu lạc loài đến?
Doãn chỉ mua toàn sách về mỹ thuật và khi còn ở bên Pháp, muốn chìu bà Thượng, chàng phải học luật thì chàng chỉ mua toàn sách luật, ngoài ra không để y đến một thứ sách gì khác.
Chàng vứt cuốn truyện xuống dưới thảm chân giường. Nằm yên một lúc, vẫn không thấy buồn ngủ, bất giác Doãn giơ tay với cuốn truyện, vươn vai một cái rồi cúi nhẩm đọc trang đầu.... Đồng hồ điểm ba tiếng. Doãn vẫn còn ngồi trên giường cố đọc hết quyển truyện.
Đã lâu, chàng không thức khuya nên vừa đọc vừa để ý đến các thứ tiếng ở ngoài: tiếng dế lẫn với tiếng nhái, tiếng tre lắc rắc và tiếng tù và thổi xa xa.
Chàng có cái cảm tưởng rằng nơi chàng ngồi với những trang sách trắng xóa dưới ánh đèn là một cái cù lao sáng nổi lềnh bềnh ở giữa một khoảng tối tăm vô hạn.
II
Đợi gần hai tháng trời mới lại có một đêm mưa to vả một buổi sáng tạnh ráo.
Doãn lim dim mắt nhìn cái mái nhà gió đêm qua thổi bay từng mảng để hở cả rui tre. Chàng toan chữa lại bức tranh, nhưng sau lại thôi, vì chàng cho thế là vẽ vụn vặt quá. Những cái mái nhà thủng làm chàng lo sợ; nếu mai kia họ đem dạ mới lợp lại, màu mái nhà đổi khác thì bức tranh của chàng đành vứt đi. Chàng cúi xuống vẽ thật mau. Được một lúc chàng tự nhiên mỉm cười vì một cái ý ngộ nghĩnh thoáng hiện trong óc.
- Mình chỉ cốt vẽ, muốn cho người ta ở nhà dột mãi, không cho người ta lợp lại mái nhà nữa.
Rồi chàng buồn rầu tự hỏi không biết làm sao họ lại có thể sống trong cái nhà đó được. Mấy mảng bè rau rút màu xanh già, mùa thu rắc hoa vàng lấm tấm, lại càng làm tăng vẻ bẩn thỉu của vũng ao tù, nước đen đặc những váng vá sặc mùi bùn. Ngay bên cạnh chỗ chàng ngồi là một đống phân phủ bùn kíp và những đám rác đầy ruôi nhặng; từng dòng nước vàng từ từ chảy về phía ao bên những đám cỏ xanh, ngọn lên cao vút; non tươi, khỏe mạnh.
Một đứa bé con trần truồng, đi ra cầu ao, bụng to và hai chân lẳng khẳng trông tựa một con nhái dựng đứng. Nét mặt Doãn bỗng tươi hẳn lên: chàng thấy bức tranh của mình như thiếu cái gì, nay có màu hung của da thịt đứa bé vào, các màu khác trông hoạt động hẳn lên; chàng sung sướng pha màu và điểm mấy nét thật khéo vào bức tranh. Khi chàng phác gần xong hình đứa bé có một người đàn bà đi ra, tay cầm cái gáo. Người đàn bà kéo đứa bé ngồi xuống, rồi múc nước ao dội lên đầu và cầm lấy tay kỳ ghẻ. Đứa bé vừa phủi nước trên mặt vừa kêu rét, khiến người đàn bà quát lên:
- Người bẩn như ma thế này mà không chịu tắm à? Phải tắm cho sạch chứ. Bẩn không ai chịu được.
Câu nói của người đàn bà làm Doãn nghĩ đến thứ nước dùng để tấm cho sạch và mỉm cười, lắc đầu.
Vẽ xong đứa bé, chàng lúi húi vờn lại nền trời và chữa lại màu mấy đám mây bay sau ngọn tre, cố diễn được cái ánh sáng rất trong tự phía đông chiếu đến. Vẽ được một lúc, tuy mắt chàng vẫn nhìn vào bức tranh nhưng trong trí chàng thấy hiện ra những cảnh ở đâu đâu, những cảnh đời do trí tưởng tượng của chàng tô tạo nên, dựa theo những cái chàng đã được thấy lẫn lộn ở bên Pháp, ở trên màn ảnh, ở trong báo, sách. Những cảnh hiện trong trí chàng khác hẳn cái cảnh trước mắt, chàng đương cố ghi lên vải, đó là những cảnh đời sáng sủa mà nội khắp mọi người ở chung quanh, chỉ có chàng, có mình chàng là trông thấy. Nhưng chàng thấy nó cao xa, không bao giờ có thể thành sự thật được, khác nào những đám mây kia đương hờ hững bay trên trời, xán lạn, sạch sẽ quá không có liên quan gì đến cái cảnh nhà tranh tiều tụy, ao tù bẩn thỉu ở dưới này.
Bỗng chàng sực tỉnh, nhận thấy mình đương ngừng bút và tự trách mình đãng trí quên cả vẽ. Đã mấy tháng nay rồi, chàng không có cái bình tĩnh như độ trước nữa. Doãn nhớ lại hôm đọc cuốn truyện thức đến ba giờ sáng, nhưng chàng không biết rõ rằng vì cuốn truyện đó, vì những cuốn sách chàng mua đọc về sau hay là tự nhiên không tránh được, có ngày chàng phải thế, phải băn khoăn không tin hẳn ở cái nghệ thuật của mình nữa.
- Hôm nay cháu thấy ông phải nghĩ nhiều rồi mới vẽ, nên nét bút nhiều chỗ tài tình.
Tiếng nói làm Doãn giật mình lên, ngạc nhiên.
Người con trai mặt rỗ ngày nào cũng ra xem vẽ, đứng đây lúc nào chàng không biết, Doãn mỉm cười vì thay có người vô công rỗi nghề đến nỗi ra đứng hàng giờ quên cả mỏi chân để xem vẽ một bức tranh mà không tài nào hiểu được vẻ đẹp. Người mặt rỗ thấy Doãn mỉm cười, ý hẳn cho là Doãn biểu đồng tình, liền nói tiếp:
- Đứa bé chưa có mắt con chắc ông còn đợi vì chưa phải giờ điểm nhỡn.
Doãn không thể nhịn cười được:
- Bác này cũng khá đấy. Biết xem tranh. Chắc bác có học chữ Nho.
Người mặt rỗ lộ vẻ sung sướng, đáp:
- Bẩm không, cháu theo đòi chữ Tây. Cháu đỗ tốt nghiệp được ba năm nay...
- Dễ thường trong làng chỉ có bác đỗ Tây học đấy nhỉ?
- Bẩm vâng... trừ nhà cụ lớn ra.
Doãn mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Thế là trong làng có hai nhà thông thái thì một nhà bận vẽ, còn một nhà bận xem vẽ.
Doãn đứng dậy gấp ghế vả giá vẽ lại. Người rỗ mặt nói:
- Cháu cũng phải ra đình họp việc làng.
- Bàn việc gì đấy?
- Bẩm bàn việc sửa lại đường làng và đào cái giếng. Mãi hôm nay mới mời được thầy địa lý về tìm chỗ đào cho khỏi động.
Doãn lững thững xách tranh và giá vẽ theo con đường lầy bùn trở về nhà, trí vẫn quanh quẩn nghĩ đến anh chàng Tây học rỗ mặt. Chàng lẩm bẩm:
- Không hiểu cái học của anh chàng dùng để làm gì?
Chàng không ngờ hoàn cảnh thay đổi người ta mau như vậy; chàng không thể nào tưởng tượng được rằng một cậu học trò lớp nhất mới sau có ba năm đã biến thành một anh kỳ mục vớ vẩn, ngu tối hình như cả đời chưa bao giờ cầm đến cuốn sách. Doãn khó chịu vì chàng không thể rời bỏ được cái cảm tưởng vô lý rằng anh chàng rỗ mặt đó là cái bóng của chàng in trong chiếc gương để nhìn vào đấy chàng sẽ nhận thấy rõ hình dáng chàng. Doãn cũng thấy cái học của mình vô dụng như cái học của người kia; gác một bên bao nhiêu cái biết, đắm đuôi mê man với nghệ thuật để lấy một cái khoái chật hẹp, ích kỷ về tinh thần, chàng thấy chàng không khác gì cậu học trò vô tâm kia, cả ngày không biết làm gì, ra đứng xem vẽ tranh để mua vui cho qua thì giờ.
Doãn buồn bã lạ thường. Chàng rẽ vào nghỉ trong một cái quán, đặt bức tranh ở góc tường, và đứng lui ra xa ngắm lại. Chàng thấy các màu hỏng hết, lắc đầu chán nản.
Nhưng chính cái chán về nghệ thuật ấy đã an ủi Doãn trong lúc băn khoăn: lòng ích kỹ bao giờ cũng mạnh, xui chàng bo bo giữ lấy cái thú vẽ là cái thú độc nhất của đời chàng. Doãn vẫn như không muốn nhận có sự thay đổi đương náo động trong tâm hồn nên tìm cớ giảng giải cái bứt rứt của mình:
- Mình chán nản không yên tâm, có lẽ vì độ này mình vẽ không ra hồn, hỏng luôn.
III
Biết là có phiên chợ, Doãn dậy sớm ra ngồi ở hàng nước đầu làng để đón những người gồng gánh đi qua. Chàng cần lấy dáng điệu một bọn người gánh hàng, vì chàng đương làm dở một bức tranh phong sơn vẽ cảnh chợ nhà quê.
Doãn vẽ đã mỏi cả tay mà vẫn còn muốn vẽ. Giở cuốn sổ tay xem lại, chàng thấy nhiều dáng rất linh động. Nhưng chàng vẫn nhận thấy nó sai hẳn sự thực; người ở trang giấy đẹp đẽ, sạch sẽ khác xa những người thật xấu xí, bẩn thỉu, tiều tụy đi diễn qua trước mắt chàng từ sáng đến giờ. Thấy một bọn người đi ngang, Doãn lại cắm đầu phác họa; mê mãi với những hình; những nét hoạt động trước mắt, Doãn lại quên được một lúc không nghĩ ngợi lôi thôi.
Thấy vẽ tranh hỏng mãi, Doãn đã hai tháng nay ở lì trong xưởng vẽ, làm mấy bức bình phong bằng sơn Việt Nam. Từ việc tô nét vẽ lên gỗ, bôi son, rắc vàng đến việc ngồi mài sơn cho lên nước, nhất nhất chàng đều làm lấy cả. Chàng không muốn bắt chước nhiều họa sĩ khác để thợ làm thay mình: Chàng cho thế là mua pháo mượn người đốt. Làm chỉ cốt lấy thích cho mình, nên có người nhà giàu đã trả tới bốn trăm bạc một bức bình phong nhỏ mà chàng còn ngần ngại chưa bán. Nhưng cái cớ chính khiến chàng không muốn bán là thấy người nhà giàu không hiểu một tí gì về nghệ thuật, mua bức bình phong chỉ cốt để khoe sang với mọi người. Chàng không muốn bức sơn của chàng dùng vào việc đó.
Doãn cầm bát chè tươi uống một hớp rồi mỉm cười chua chát. Vẽ tranh cho bọn nhà giàu, chàng thấy không khác gì những bọn thợ ngày xưa hết lòng, hết sức ngồi chạm trổ rất công phu tỉ mỉ những đầu rồng cánh phượng chỉ cốt làm đẹp mắt các bậc vua chúa, còn thân phận khốn khó của mình thì không bao giờ nghĩ tới, không bao giờ tìm cách làm cho đời mình đẹp đẽ hơn lên. Nhưng Doãn cho mình hơn bọn thợ ngày xưa vì chàng có học, chàng hiểu. Nghĩ đến đó, Doãn lẩm bẩm:
- Cần gì hiểu với không hiểu, chỉ biết rằng công việc của mình giống hệt công việc của họ. Họ vì thích làm đẹp mắt người trên còn mình vì lòng thích nghệ thuật, cái thích có khác nghĩa; nhưng công việc đều ngu muội như nhau.
Bên vệ đường, một người ăn mày vừa ngồi xổm vừa lê chân đi miệng xuýt xoa kêu khóc. Trong dáng dấp hay hay, có vẻ đặc biệt Việt Nam, Doãn toan phác để cho vào bức sơn vẽ cảnh chợ song chàng lại thôi vì thấy ngượng tay.
Doãn vứt một xu vào giá người ăn mày, bảo im không được kêu, nhưng chỉ một lúc sau, khi người ăn mày đã đi khuất sau lũy tre, tiếng kêu khóc lại thấy rền rĩ, tha thiết.
Tiếng người ăn mày, Doãn nghe như một lời than não nùng tự thời vãng xa xăm cứa chàng đưa lại. Cái xã hội nghèo khổ của chàng hồi thuờ bé, hơn hai mươi năm qua, chàng lại thấy nó hiện y nguyên trước mặt. Chàng tưởng như cảnh vật không thay đổi chút nào và có lẽ không bao giờ thay đổi nữa. Đổi khác trước họa chăng chỉ có một mình chàng.
Một người đàn bà gánh vàng mã và mũ thổ công đi lại. Doãn mở to mắt chăm chú nhìn, cảm động; nhưng lúc đó chàng không phải là một nhà họa sĩ hồi hộp khi được ngắm những hình sắc đẹp nữa. Chàng chỉ là một người ngây ngất vì thấy một cảnh nhìn đã quen mắt hơn hai mươi năm trước, nay hiện ra, như sống lại. Người đàn bà cúi chào Doãn. Doãn mỉm cười nói:
- Kìa, bác Trạch.
Người đàn bà sung sương lộ ra mặt, đáp:
- Quan còn nhớ đến tên tôi kia à?
Đã nhiều lần Doãn gặp những người đàn bà láng giềng nghèo của chàng ngày trước; nhưng chỉ lần này là chàng để ý và nhớ lại tên. Chàng bảo người đàn bà vào ngồi ở hàng nước và hỏi xa gần, nhắc đến những chuyện ngày xưa, có lúc cảm động, chàng tự hỏi:
- Sao lại chỉ có mình là đổi khác trước?
Chàng hối hận rằng vì nhờ có bà Thượng đem về làm con nuôi, chàng đã một mình trốn tránh được cái nơi nghèo khổ mà đáng lẽ chàng phải sống. Nhờ có trí thông minh, cậu bé mồ côi cha mẹ, mặc quần áo nâu vải, đan lờ đem ra chợ bán để khỏi chết đói, nay đã trở nên một người có học thức, sống một đời sung sướng sang trọng.
Ngồi đối diện với người đàn bà là bạn của mẹ chàng, nét mặt tiều tụy, quần áo rách rưới, trong bao nhiêu năm vẫn vất vả kéo dài cái đời khốn khó, nghĩ đến cảnh đời không đáng sống của mẹ chàng ngày trước, của hết thảy những người chung quanh chàng, Doãn thấy tâm hồn rung động, rạo rực về một mối thương man mác. Trong phút đó, chàng đã nhận thấy rõ rệt cái trống rỗng ghê gớm của đời chàng mà lòng yêu nghệ thuật dẫu đắm đuối đến đâu cũng không sao che lấp được.
Bác Trạch cầm nón đứng dậy nói:
- Xin phép quan, tôi phải ra chợ thu nhập tiền nong để vào nộp cụ. Tôi nhờ vả cụ nhiều quá nên không dám chây lười, phải cố cầm bán đi mà trả, lần này còn lần khác. Nếu không đủ, quan làm ơn nói giùm họ.
Doãn nói:
- Bác thiếu bao nhiêu?
- Bẩm năm chục.
Doãn sửng sốt. Bác Trạch nhận thấy vẻ ngạc nhiên trên nét mặt Doãn, liền giảng giải:
- Thường thường tôi chỉ đến nhờ cụ năm ba đồng để lấy tiền buôn bán. Lần này nợ nhiều như thế là vì hồi năm ngoái, thầy cháu mất, phải cần mấy chục bạc đưa ma. Giá độ ấy cụ không thương mà giúp cho thì thật không biết xoay sở thế nào.
Doãn đã toan cất tiếng trách bác Trạch vay tiền để tiêu một cách vô lý, nhưng chàng cho là việc đã qua rồi; chàng định chốc nữa về xem sổ nợ để xin mẹ nuôi cho bác Trạch số tiền lời, chỉ đòi lại số tiền gốc thôi.
Sắp về đến cổng nhà, Doãn phải đi thong thả lại vì chợ họp đã đông. Chàng cúi đầu đi rẽ qua dãy lều bán chuối để ra phía sau chợ theo đường tắt về nhà như người đi trốn. Mỗi lần nhìn những người nhà quê nhem nhuốc ngồi bệt xuống đất, bên những đống rác hôi hám, hàng bán lèo tèo mấy thức quà vặt bẩn thỉu, đầy cát bụi, và mỗi lần ngửi thấy mùi quần áo, mùi mồ hôi người lẫn với trăm nghìn thứ mùi khác ở các hàng xông lên, Doãn có cái cảm tưởng khó chịu về sự bất di dịch của xã hội quê, bao giờ cũng khốn nạn, cũng nghèo xơ xác như bao giờ. Chàng thấy cảnh ấy hai mươi năm trước cũng vậy; chàng buồn bã đoán rằng mấy mươi năm sau nữa rồi cũng thế này thôi, không có chút hy vọng gì về sự thay đổi hoàn toàn và kịch liệt như một trận gió mạnh nổi lên thổi sạch hết bụi cát, rác rơm.
Doãn so sánh túp nhà lụp sụp, tối tăm ở hai bên vệ đường với những mái nhà gạch cụ Thượng đỏ tươi lẫn sau chùm lá hoàng lan phơi phới ánh sáng. Bên trong bức tường cao, ngọn cắm đầy mảnh chai vỡ, là một thế giới khác, biệt lập và sự nghèo khổ, bẩn thỉu hình như đến bức tường là ngưng hẳn lại.
Lúc đó Doãn thấy cái nghệ thuật của chàng không khác gì bức tường cao kín kia bấy lâu đã che khuất mắt chàng không cho nhìn thấy những cảnh tiều tụy ở bên ngoài. Chỉ ít lâu nay, chàng mới mở mắt nhìn, nhưng không phải tìm cảnh để vẽ như trước; Doãn nhận thấy nghệ thuật của chàng như bức tường lở dần dần, mỗi ngày lại để lộ ra trước mắt chàng thêm một mẫu phong cảnh, tuy xấu xí nhưng một lần đã in vào trí não thì không tài nào xóa bỏ được nữa.
Khi vào đến sân, nhìn những bọn người đi rải rác khắp nơi đợi vay thóc vay tiền, Doãn có cái cảm tưởng rằng sự nghèo khó đã theo chàng ùa vào trong nhà. Màu quần áo họ, thảm đạm như màu đất, trái ngược hẳn với màu vàng sáng chói của giá lộ bộ, của những chữ đại tự trên hoành phi, với màu trắng xanh cùa mấy chiếc thống lớn đặt trước thềm.
Doãn trông thấy có cả bác Trạch ngồi đợi ở một góc nhà. Bà Thượng đứng trên hiên thấy Doãn về liền mỉm cười nói:
- Quan cử về xem sổ hộ. Thư ký hôm nay lên tỉnh vắng.
Lần đâu Doãn để ý đến và khó chịu vì lời xưng hô kiểu cách của mẹ nuôi. Lúc vào ngồi ở bàn, thấy mấy người đứng cạnh khúm núm chắp tay sợ hãi, Doãn cau may nhìn họ tỏ vẻ tức bực. Chàng ngẫm nghĩ:
- Họ sợ hãi mình thì lạ thật. Hay là vì họ cho mình là con nhà quyền quý, lại biết luật nên có thể trị họ được... Nhưng sao họ lại chỉ nghĩ đến việc mình có thể hại họ, trị họ.
Nể lời bà Thượng và đã trót hứa với bác Trạch lúc nãy nên Doãn đành cố ngồi lại, giở sổ xem. Chàng gọi tên một người nhà quê, bảo đứng lại gần rồi lẩm nhấm đọc:
- Ngày 12 tháng 4 năm ngoái lấy bốn thùng thóc với năm đồng bạc, ngày mùng 4 tháng 7 vay bốn đồng nữa, tháng tám trả năm đồng, tháng chạp lại vay một chục tiêu về việc làng. Thành tất cả bây giờ phải trả mười bốn đồng bạc với bốn thùng thóc.
Có tiếng vịt kêu. Doãn nhìn xuống thấy dưới chân người nhà quê, bên cạnh mấy thùng thóc, có đặt một cái lồng lớn trong có bốn con vịt.
Doãn hỏi:
- Đem vịt đi đâu thế này?
Người nhả quê vừa đặt tiền vừa xuýt xoa nói:
- Chúng con lòng thành mong cụ lớn và quan nhận cho.
Doãn gắt:
- Tiền và thóc nợ thì tôi nhận, còn vịt thì đem về ngay.
Người nhà quê ngạc nhiên, nhưng sợ hãi vì câu nói gắt cùa Doãn không dám khẩn khoản, vội xách lồng vịt lùi ra, có vẻ tủi thân. Doãn không để ý đến, cặm cụi giở sổ đọc, trong lòng hơi vui, vì thấy nhà mình đã giúp cho bao nhiêu người túng thiếu được nhờ. Ngẫm nghĩ một lát, Doãn mở cuốn sổ xuất, đối chiếu với cuốn sổ nhập. Chàng lặng người ngồi yên, mắt mở to nhìn vào trang giấy không để ý đến những tiếng ồn ào chung quanh, không để ý đến mấy người đứng cạnh bàn đương đợi. Không phải chàng ngạc nhiên vì số lãi nặng, cũng không phải chàng ngạc nhiên vì thấy mẹ nuôi cho dân vay để lấy lãi tuy nhà đã giàu, tiêu không hết của. Chàng bâng khuâng như người vừa ra khỏi một giấc mộng, lờ mờ được thấy chút ánh sáng lọt vào buồng tối.
Chàng nhận thấy rằng tiền bạc ăn học cùa chàng trong bao năm là tiền của những người nhà quê đói khổ ngồi kia, hay tiền của những người nhà quê ở những nơi khác, chỗ cha nuôi chàng làm quan. Trước kia chàng cũng biết thế rồi, nhưng chàng không để tâm nghĩ đến và nhất là không lúc nào chàng đã cảm thấu sự khốn nạn của điều đó mãnh liệt, sâu xa bằng lúc này.
Lúc nãy khi đến cổng, chàng cho bức tường cao vây chung quanh nhà là để ngăn cản những người nghèo khổ; ai ngờ đâu chính những ngưởi nghèo khổ đó đã van lạy xin vào để bị bóc lột mà vẫn thản nhiên không biết. Doãn ngửng lên, nhìn qua những người nhà quê một loạt, và thấy họ có vẻ những người chịu ơn nhà chàng nhiều lắm, hình như ơn ấy họ cho là dầy nặng, họ còn phải kiếm các thức ngon lành, nhịn ăn đem đến biếu tạ ơn, tạ ơn người đã hại họ.
Bà Thượng lại gần nói:
- Anh không đọc sổ cho người ta. Để người ta đợi mãi, tan chợ mất.
Doãn quay vào và ngơ ngẩn ngắm nét mặt của bà Thượng; lạ thay chàng thấy nét mặt của bà Thượng lúc đó như nhiễm đầy vỏ phúc hậu, dịu dàng. Đã trong bao nhiêu năm, bà làm hại bao nhiêu người mà bà vẫn hồn nhiên không biết.
Doãn cắn đầu bút chì ngẫm nghĩ và thoáng một lúc chàng đã tìm được một nhẽ lý cùa những sự trái ngược ấy.
Chàng nhớ lại đêm đọc cuốn truyện, nhớ lại cái cảm tưởng rằng nơi chàng ngồi đọc sách là một cái cù lao sáng nổi lềnh bềnh ở giữa một khoảng tối tăm vô hạn. Tất cả những người chung quanh chàng lúc đó, từ mẹ nuôi chàng cho đến những người nhà quê ngồi kia, như bị chìm đắm vào trong đêm tối; họ đã quen đi rồi, mà từ xưa tới nay không có một người nào bảo cho họ biết tình cảnh của họ. Doãn lấy làm lạ rằng đến ngay như chàng cũng đã bao lâu ở trong đêm tối tăm đó mà không ngờ gì cả.
Tiếng còi ô-tô ở xa đưa lại khiến Doãn mừng rỡ đứng lên nói:
- Chắc thư ký đã về.
Thấy tâm trí bối rồi, Doản muốn được yên tĩnh để nghĩ ngợi. Chàng lại gần bà Thượng, nói giúp hộ bác Trạch, rồi đi rẽ xuống sân toan về phòng. Vừa lúc đó, một cái ô-tô hòm kiểu mới tiến vào trong sân, bóng loáng như một con bọ cánh cam khổng lồ. Mấy người nhà quê sợ hãi, chạy tạt ra hai bên, rồi khúc khích cười, vui vẻ đưa mắt nhìn Lan, Tuyết và Dung ở trên xe bước xuống. Doãn tưởng như vừa thấy ba cô tiên xán lạn ở trên bồng lai bước xuống cõi trần thảm đạm. Chàng để ý đến những người nhà quê và thay họ khi nhìn không mảy may lộ chút thèm thuồng hay đau đớn vì so sánh hai cảnh khác nhau. Họ cũng như chàng, nhìn Lan, Tuyết và Dung như nhìn thấy cô tiên lộng lẫy ở trong tranh không có liên lạc gì đến cái đời lầm bụi của họ.
Doãn mỉm cười:
- Giá mà họ biết rằng ba cô em mình được sang, đẹp và sống nhàn rỗi là nhờ họ, nhờ ở cái số tiền lãi bao nhiêu năm súc tích lại!
Trong lúc chàng nghĩ, tiếng một người nhà quê kêu xin năn nỉ với bà Thượng éo le lọt vào tai chàng như làm tăng sự cay chua của ý nghĩ:
- Xin cụ lớn rủ lòng thương cho khất lại số tiền lời đó. Cụ lớn bắt trâu thì chúng con xin chịu, nhưng xin cụ lớn đoái tưởng đến vợ chồng, con cái chúng con sống chết ở tay cụ lớn mà rộng lòng thương cho.
Xuống xe sau ba cô em chàng là Bảng và bà nghị Tuệ thân sinh ra Bảng. Tuyết thấy Doãn nhìn về phía ô-tô mà không chào bà nghị, liền cất tiếng cười nói đùa:
- Anh tôi lại mải ngắm vẽ. Nhưng xin đừng vẽ chúng tôi đấy.
Doãn giật mình, chạy ra bắt tay Bảng và cúi chào bà nghị, Lan nhí nhảnh nói:
- Bác nghị trách anh mãi đấy. Bác bảo anh không biết việc gì khác, chỉ biết cắm đầu vẽ, không được tích sự gì cả. Bác bảo anh phải đi chơi để mở mắt ra. Anh đừng giận em nhé, vì em chỉ nhắc lại lời của bác... nguyên văn. Cam đoan không thêm bớt một chữ.
Doãn cười nhạt nói:
- Anh cũng sắp mở mắt. Hiện giờ mới mở hé thôi. Cũng tạm đủ nhìn.
Bảng ôn tồn bảo Doãn:
- Độ này tôi thấy chú gầy lắm. Chú phải liệu làm việc có chừng thôi. Nên đi chơi luôn cho giải trí.
Doãn đáp:
- Làm việc có bao giờ yếu người đi. Chỉ yếu khi nào mình lo nghĩ.
Doãn biết rằng Bảng không tài nào hiểu được sự lo nghĩ của chàng, nên nói tránh đi cho Bảng khỏi hỏi lôi thôi:
- Nhưng mà tôi lại không lo nghĩ gì cả. Bao giờ tôi cũng vui vẻ.
Nói vậy nhưng lúc đó Doãn có cái cảm tưởng như một người ở trên bờ vừa bước xuống chiếc thuyền con bập bềnh, đương ngả nghiêng giơ hai tay tìm chỗ víu cho khỏi ngã mà chưa tìm thấy. Nhìn Bảng đứng vững chải chống hai tay vào cạnh sườn, nét mặt hồng hào, tóc bôi dầu bóng mượt, hình như suốt đời không bao giờ phải suy nghĩ, bứt rứt, Doãn lấy làm thèm; chàng thầm ước được như Bảng, người mà chàng vẫn khinh xưa nay. Giờ chàng mới biết rằng trước kia hồi chàng còn bình tĩnh cắm cúi vẽ tranh, chàng không có quyền gì khinh Bảng cả. Chàng lẩm bẩm:
- Mình phải tìm cách thoát ra khỏi bước này.
Bỗng tự nhiên, thoáng trong một lúc, Doãn thấy yên trong dạ. Chàng nhìn thấy ngọn cau in như cắt hình lên nên trời không vẩn mây; cái cảnh điềm nhiên của cây cỏ tự nghìn vạn năm vừa khiến chàng tự trách mình gàn dở và không đâu chuốc lấy những nỗi băn khoăn vô nghĩa. Chàng thấy dân quê trong bao lâu cũng hồn nhiên sống như cây cỏ và cái ý tưởng so sánh dân quê với cây cỏ ấy an ủi được chàng trong giây lát.
Nhân lúc bà Thượng chạy ra rối rít hỏi chuyện bà Nghị và Bảng, Doãn yên lặng bước lên hiên về phòng. Mỗi lần gặp bất cứ việc gì khó chịu, hễ vào tới xướng vẽ đóng cửa lại, là Doãn thấy trong người nhẹ nhàng ngay, quên được hết mọi sự. Lần này chàng cũng cố quên, nhung không thể được vì cái phiền muộn nó ở trong thâm tâm chàng nảy ra chứ không phải ở ngoài đưa đến.
Doãn ngồi chống khuỷu tay xuống đầu gối, hai bàn tay ép lấy hai bên má như người bị lạnh, lông mày dương cao làm da trán nhăn thành mấy nép, mắt mở to vơ vẩn nhìn những bức tranh treo trên tường.
Những bức tranh ấy vẻ đủ khắp các cảnh quê chàng gặp ở trong làng và ở các vùng lân cận. Những thứ ánh sáng đẹp đẽ, những màu diễm lệ trong mấy năm trời chàng đã tốn bao công phu ghi được trên vải, coi đó là cái khoái độc nhất của đời chàng, nay không làm rung động lòng chàng nữa. Cùng với cái mộng của chàng, vẻ kỳ ảo cùa những màu trong tranh đã tan đi chỉ còn lại những hình dáng khô khan, trơ trẻn lại làm Doãn lại nhớ tới cảnh thực bên ngoài. Cảm tưởng của chàng lúc đó không khác gì cảm tưởng của chàng khi đứng xem người ta vớt bèo trên ao; mảnh bèo xanh đẹp như một bức thảm gấm đã mất đi và để lộ ra màu đen bẩn của nước ao tù.
Có tiếng động ở bên xưởng vẽ, Doãn đứng dậy chạy sang. Người con gái quê làm kiểu mẫu cho chàng, như mọi ngày đã ngồi đó ngoan ngoãn đợi chàng sang vẽ.
Doãn nói:
- Hôm nay cho chị nghỉ. Tôi hơi mệt.
Chàng quay ra để người con gái thay áo và nghĩ đến bao nhiêu sự khó khăn chàng đã phải vượt qua, bao nhiêu công phu luyện tập mới có được một người con gái biết ngồi làm mẫu. Lần này là lần đầu có người ngồi làm kiểu sẵn sàng, trời có đủ ánh sáng mà chàng không thiết vẽ.
Đợi cho người con gái đi rồi, Doãn lấy ra một tấm bình phong đã khô sơn, đặt lên bàn, rấp nước và lấy than mài. Chàng không nghĩ ngợi, tay đưa đi đưa lại miếng than như cái máy; mỗi lần chàng té nước vào chỗ mài thì những nét bạc lại lộ ra lấp lánh. Nhà cửa và cây cối dần dần thành hình trên nền sơn đen như cảnh vật ở trong một thế giới mộng. Chỉ được một lúc, Doãn lại thấy những ý nghĩ lan man đến quấy rối. Nhìn cái cảnh đời đẹp đẽ, sạch sẽ hiện ở dưới bàn tay đen những than của chàng, Doãn lại nghĩ đến một câu văn đã đọc trong sách. Chàng lẩm bẩm nhắc lại:
- Lúc nào anh cũng phải tự nhủ rằng đời có thể đẹp hơn lên được, đời của anh, đời của những người khác.
Doãn vừa mài vừa ngẫm nghĩ. Chàng thấy đời chàng sống bấy lâu thật đẹp đẽ, nhưng đó chỉ là một cái đẹp ảo mộng, như một làn mây mỏng hơi có trận gió là tan ngay. Nghĩ đến ông Thượng, bà Thượng, đến nhà cửa, ruộng nương, nghĩ đến thứ tiền của đã giúp chàng đi học, Doãn cũng như nhà văn nọ không muốn nhận cái đời đầy đủ, sung sướng xây trên sự thiếu thốn của người khác.
Doãn giật mình vội gạt nước nhìn: trong lúc đãng trí, chàng đã quá tay mài mất một nét vẽ. Chàng chép miệng rồi lại đều đều đưa miếng than để trí theo đuổi cái ý tưởng đương bỏ dở.
Chàng tự nhủ:
- Nhưng mình không làm thiệt hại đến ai, mình có quyền sung sướng được không?
Trước kia chàng đã sung sướng, nhưng chàng sung sướng một cách vô tri vô thức, đến nay đã sực tỉnh, đã hiểu biết; nếu cái sung sướng ấy không vững thì tất nó không thật, không chính đáng. Chàng mang máng thấy cần phải tìm một cách sống khác, một quan niệm khác về hạnh phúc có thể đem ra đời với những cảnh thực đau đớn bên ngoài mà không rung chuyển. Một khi đã nghĩ đến, chàng không thể khư khư ôm lấy cái thú chật hẹp của chàng trước kia được nữa; hạnh phúc của chàng từ nay đã thấy rõ rệt rằng nó phải có liên lạc với hạnh phúc của những người chung quanh; đời chàng, đời một người dân đã nhờ sự may mắn được sáng sủa, cần phải ăn nhịp với đời đám dân quê tối tăm, bạn cũ của chàng. Sự nhịp nhàng ấy cần cho hạnh phúc đời chàng cũng như sự hòa hợp của các màu cần cho vẻ đẹp những bức tranh chàng vẽ.
IV
Ăn đã gần xong bữa, Doãn buồn rầu nhìn mâm cơm đầy cao lương mỹ vị mà không ai đả động tới. Chàng vừa ăn vừa cúi mặt xuống vì chàng không muốn để Vĩnh ngượng mỗi khi chàng nhìn thẳng vào mặt Vĩnh. Từ ngày Vĩnh xin ra làm Tri huyện hai người ít khi gặp nhau, nên Vĩnh đối với Doãn cũng gần thành một người xa lạ, Doãn không thể nào tưởng tượng được rằng người mặc quần áo ta, đội khăn tề chỉnh, cổ áo viền sợi dây đỏ trước mặt chàng lúc đó, trước kia đã nhiều lần cùng chàng vừa hát nghêu ngao vừa nện mạnh gót giày trên các đường phố ở Pa-ri những đêm mưa tuyết. Cùng đỗ cử nhân luật một năm, cùng về nước một chuyến tàu, Vĩnh lo xin ra Tri huyện, con Doãn thì ở yên nhà quê, miệt mài với nghề vẽ. Hôm nay Vĩnh về để nói cho mẹ biết rõ việc dân kiện chàng vừa mới xảy ra.
Bà Thượng chỉ món chim hầm, âu yếm bảo Vĩnh:
- Con ăn đi chứ.
Vĩnh gắp lấy lệ cho mẹ bằng lòng. Doãn để ý thấy Vĩnh chan nước rau, ăn mấy miếng cá, và rồi lua cho hết bát cơm. Cơm tuy trắng, tuy mềm dẻo nhưng lúc đó đối với Vĩnh cũng khô ran, khó nuốt như cơm gạo đỏ của bọn dân nghèo. Doãn thấy bà Thượng khi gặp biến lại yêu con hơn lúc thường; từ khi biết tin, bà chỉ lo tìm cách cho con thoát khỏi bước khó khăn, chứ không hề tự hỏi tại sao con bà đã thừa tiền, lại còn ăn hối lộ. Bà chỉ thỉnh thoảng than phiền cùng Doãn:
- Tao đã bảo nó năm nay năm hạn phải nên cẩn thận, nó cứ không thèm nghe.
Ăn xong, Doãn và Vĩnh cùng bước sang bên xưởng vẽ, Vĩnh khép cửa lại hỏi Doãn:
- Tôi cần ít tiền, anh có thể cho vay được không?
Doãn mở tủ lấy ra tập phiếu nói:
- Chú lấy bao nhiêu để tôi ký.
Vĩnh cầm tờ phiêu tay run run, khiến Doãn động lòng thương hại. Đột ngột, chàng nói với Vĩnh:
- Nên tính trước những sự có thể xảy ra được. Nếu chú phải cách thì làm sao?
Vĩnh đáp giọng quả quyết:
- Không thể nào xảy ra thế được. Nhưng nếu xảy ra thì...
Vĩnh cau mày ngừng một lát rồi tiếp theo:
- Nếu cách nào làm cho tôi khỏi mất danh giá thì tôi dùng cách đó.
Doãn biết là Vĩnh định nói đến cách tự tử. Chàng hỏi Vĩnh như chàng tự hỏi mình:
- Vì cớ gì?
Vĩnh nói:
- Tôi còn mặt mũi nào nữa!
- Nhưng nếu là một việc xấu thì đằng nào cũng xấu rồi cơ mà.
Nói câu ấy vì Doãn đã tin chắc ngay từ lúc biết chuyện rằng Vinh thật có lỗi, bị kiện không phải là oan. Vĩnh sửng sốt. Doãn vội phân trần:
- Chú đừng giận tôi. Tôi biết chú lắm. Tôi hiểu cái đau khổ của chú hơn ai hết, hiểu hơn cả anh em ruột thịt. Hơn mười năm trời cùng học cạnh nhau.
Thật tình Doãn chỉ thương em chứ không khinh, vì chàng biết Vĩnh là một người rất tốt; Vĩnh thành ra như vậy chỉ vì đã sống một cách sai lạc, hay nói cho đúng hơn, không bao giờ nghĩ đến việc tìm cách sống.
Vĩnh đưa mắt nhìn qua những bức tranh mà chàng không tài nào hiểu được vẻ đẹp. Chàng bảo Doãn:
- Chỉ anh là sung sướng, không lo không nghĩ, cả ngày mê mệt với tranh ảnh. Giá tôi cũng thích vẽ như anh.
Doãn lại phía cửa sổ, cạnh chỗ Vĩnh đứng, rồi hai tay chống cằm nhìn ra ngoài vườn thong thả nói:
- Chúng mình sống phơ phất... sống như vậy khong thể nói đến sung sướng được; nếu đó chỉ là cái sung sướng trong giấc mê, lúc tỉnh là tan mất ngay.
Doãn ngửng lên nhìn vẻ mặt bơ phờ cùa Vĩnh và trong trí so sánh lo nghĩ của chàng trong mấy tháng nay với cái lo nghĩ của Vĩnh. Hai cái lo thật khác nhau xa. Chàng cảm động nói:
- Chú không thể ngờ rằng mấy tháng nay tôi đã khổ sở đến bực nào. Tôi không thể thích vẽ như trước được nữa, cái thích độc nhất trong đời tôi.
Vĩnh có vẻ không hiểu, Doãn nói, giọng tha thiết:
- Chú thứ nghĩ lại xem. Chú, dầu chú bị tù tội cũng không sao, nhưng tôi, nếu tôi không qua khỏi bước này, thì tôi không hiểu tôi sống, tôi sống đây để làm gì?
Hai người lúc đó cũng nhìn ra phía hàng rào ở cuối vườn. Qua lũy tre, một đám khói xanh tỏa lên mấy nóc nhà tranh lụp sụp đứng thu hình dựa vào nhau như có vẻ sợ hãi. Nhìn ngọn lửa vàng lập lòe sau lá cây, Doãn nghĩ đến mấy miếng cà Vĩnh vừa ăn cho trôi bát cơm trắng và những đĩa cà héo đen của người làm ruộng suốt đời ăn cho trôi cơm lấy sức làm việc. Quanh năm vất vả, hết nắng thiêu lại đến gió buốt, mà họ không có chút hy vọng gì thoát khỏi cái đời lầm than của họ. Họ không bao giờ nghĩ đến điều đó nữa. Suốt ngày còng lưng nơi bùn lầy nước đọng, đêm về chui rúc trong những gian nhà tối tăm, chiếu hôi, giường bẩn, cảnh đời như thế lúc nào cũng ở trước mắt chàng mà sao trước kia chàng không nom thấy, thờ ơ đi tìm những vẻ đẹp mỉa mai của hình sắc. Doãn nghĩ đến những ổ rơm bẩn thỉu, những đứa trẻ gầy còm ốm yếu, cố sống cầm hơi chờ khi lớn để kéo dài mãi cái đời nhem nhuốc của ông cha.
Doãn mang máng như sắp nghĩ ra một điều rất quan trọng trong đời mình. Vì có Vĩnh đứng bên cạnh nên chàng không muốn cố tìm.
- Lát nữa ta sẽ đi chơi và nghĩ cho kỹ hơn.
Nhìn lại Vĩnh, tự nhiên chàng đem lòng khinh rẻ, chứ không thương nữa. Chàng lẩm bẩm trong miệng bằng tiếng Pháp:
- Tàn nhẩn mà không ngờ mình tàn nhẫn.
Chàng không biết đó là câu để mắng Vĩnh hay là để tự mắng mình. Tuy thấy Vĩnh cũng nhìn một nơi nhưng chàng biết là cảnh ấy không gợi trong óc Vĩnh cùng những ý tưởng như chàng. Chàng cất tiếng nói to cho Vĩnh nghe thấy.
- Chúng mình phải mở mắt nhìn. Tuy đau đớn thật, nhưng lúc cần thì phải biết đau đớn.
Chàng thấy Vĩnh tuy đứng cạnh nhưng đã xa chàng lắm. Người bạn học của chàng, người đã cùng chàng chung một văn hóa, một ngày một xa chàng mãi. Chàng biết rằng nói với Vĩnh là vô ích. Muốn cho Vĩnh thay đổi thì Vĩnh cũng phải cảm thấy như chàng. Doãn đi lại phía bàn rút điếu thuốc lá hút.
- Nhưng để làm gì? Đến mình đây, mình cũng chưa tìm nổi cách cứu được mình, nữa là.
Bà Thượng mở cửa hỏi:
- Hai anh em bàn gì trong đó?
Rồi bà bảo Vĩnh:
- Con ra đi thôi. Ô-tô đã về đón kia rồi.
Đợi cho Vĩnh ra khỏi, Doãn cởi áo ngoài, ngồi dạm nét vẽ lên trên gỗ. Chỉ được một lúc, chàng vứt bút chì, vứt tẩy, đứng dậy đi đi lại lại trong phòng. Chàng ra hiên đứng nhìn trời cho khỏi nhức đầu rồi hai tay đút túi quần, đi qua vườn mở cổng sau ra đường làng.
Vài cái lá tre khô rơi ngay trước mặt Doãn, gió bấc thổi lũy tre kêu lắc rắc. Mùi bèo mới vớt ở ao lên để cạnh đường đi gợi trí nhớ Doãn tới thuở bé, nhớ lại mẹ chàng, người mẹ mà chàng không nhớ rõ mặt, nhưng tin chắc rằng đã sống một đời khổ sở cho đến lúc chết. Trong chiếc nhà tranh gần đây, vẫn có tiếng xay thóc và tiếng ru em như năm xưa...
Không lúc nào Doãn cảm thấy thân mình trơ trọi và đời mình quạnh hiu bằng lúc đó. Bao nhiêu người yêu của chàng, cha mẹ, anh em, đều lần lượt theo nhau khuất dần; nghệ thuật, người bạn cuối cùng bấy lâu vẫn an ủi chàng cũng bỏ đi nốt để chàng lại một mình chơ vơ. Chàng không hiểu còn cái gì, cái gì nữa giữ chàng sống ở đời... Doãn khoanh tay ôm chặt lấy vai như người lạnh; hai con mắt chàng mở to nhìn - Một chiếc lá tre khô từ trên cao rơi thẳng xuống nước; Doãn nhìn chiếc lá tre theo gió trôi trên mặt ao, lắc đầu lẩm bẩm:
- Thế nào mình cũng phải tìm một thứ khác thay vào!
Chàng nghĩ đến những họa sĩ bạn của chàng và cho mình có cái óc hơi khác thường. Tự nhiên mất lòng yêu nghệ thuật mất hết bình tĩnh trong tâm hồn mà không có ích lợi gì. Chàng đoán có lẽ tại ở nhà quê lâu ngày, bị hoàn cảnh ám ảnh.
- Có lẽ ta phải lên Hà Nội. May ra có thể lại yên tâm làm việc được.
Cái ý tưởng đi trốn ấy khiến Doãn mỉm cười, vì chàng cho là vô ích. Chàng cần tìm một lý tưởng để nó đem lại cho chàng sự bình tĩnh trong tâm hồn, nhưng cái bình tĩnh ấy phải chắc chắn ở vào hoàn cảnh nào cũng không mất được.
Doãn thấy mình không có quyền đi trốn, chàng phải sống ở đây, chàng phải giam mình trong cái đời bẩn thỉu kia như giam mình trong vũng bùn lầy; chính những nỗi khổ của người chung quanh sẽ đem lại cho chàng cái lẽ để mà sống. Nhìn những lũy tre các làng ở chân trời không bao giờ thay đổi hình dáng, nghĩ đến đời của đám dân trong bao nhiêu năm đóng nguyên một chỗ như vũng nước tù, Doãn nhớ lại điều chàng nhận thấy hôm giở sổ cho vay nợ: họ khổ sở vì phải chịu sống mãi trong đêm tối vì không có ai soi sáng họ, dạy họ biết một cách sống khác, gợi họ mơ ước một cảnh đời đẹp đẽ hơn. Doãn càng thấy rõ cái vô lý của công việc chàng bấy lâu; mê man đi tìm những thứ ánh sáng huyền ảo trên các nóc tranh, không bao giờ tưởng quá tới sự thực thảm đạm: những cuộc đời tối tăm trong các gian nhà tối tăm. Nghệ thuật mục đích để tìm cái đẹp, làm cho người đẹp đẽ hơn lúc đó đối với chàng chỉ là một sụ mỉa mai đau đớn!
Doãn đi rẽ sang con đường nhỏ để lên trên đê. Một người đàn ông đương cày một thửa ruộng và hai đứa bé đóng khố đứng dưới lạch nước lẫn sau hàng cói lơ thơ làm chàng nghĩ đến một bức tranh vẽ cũng cảnh ấy gửi bày ờ Hà Nội. Chàng lại nhớ tới câu khôi hài chua chát của một người bạn nói với chàng khi ngắm bức tranh:
- Vật nhỏ mọn, đê tiện thế kia, thật không đáng cho người ta để tâm thương đến.
Nhưng hồi đó chàng không hiểu; bức tranh đối với chàng chỉ là một vẻ đẹp, ngoài ra không có ý nghĩa gì khác. Doãn lẩm bẩm:
- Đẹp thiếu gì cái đẹp... Sao mình lại chỉ yêu có mỗi cái đẹp về hình sắc.
Doãn tự nhiên thấy trong lòng mình man mác; chàng biết là sắp tìm ra được cách sống thế nào để có thể hòa hợp được hai sự trái ngược nhau: lòng yêu nghệ thuật và lòng trắc ẩn trước những cái đau khổ ở bên ngoải.
Doãn giơ tay hất bờm tóc gió thổi xõa xuống che khuất một bên mắt. Chàng nhìn ra phía sông, thở mạnh và lắc đầu như thể xua đuổi hết những lo nghĩ rối loạn trong óc và để sẵn sàng đón tiếp những ý tưởng quang đãng nó như sắp ở xa theo gió đưa lại.
Doãn đi rẽ sang qua đê cũ lượn sát bờ sông để ra chỗ "bụi tre một" cạnh một cái bến đò bỏ không. Chàng ngồi xuống một mô cỏ, ngay chỗ mà hồi còn bé đã nhiều lần chàng ngồi đợi mẹ đi chợ qua đó về. Cũng như hai mươi năm xưa, bên làn nước gợn sóng lăn tăn, xác những con vờ vướng ở ngọn cỏ phất phơ trước gió chiều...
Doãn táy máy rứt một cây cỏ đưa lên miệng nhai lá. Mùi đất ở rễ cỏ chàng tưởng như một mùi thơm của thời quá vãng còn vương lại, để chàng nghĩ đến cái ý nghĩa của quê hương. Doãn thấy mình đã bao lâu nay sống ở giữa chốn quê mà đối với quê như một người xa lạ; bây giờ chính những cảnh nhem nhuốc của quê hương đã kích thích chàng, xui giục chàng quay về với quê hương và mong mỏi cho quê hương trở nên đẹp đẽ. Đời của đám dân quê đã bao lâu bị chàng thờ ơ, lạnh nhạt, bỏ quên như xác những con vờ bên kia sông, từ nay chàng sẽ săn sóc tới.
Thoáng một lúc chàng thấy hiện ra, trên những làng xóm ngủ yên, in bóng xuống các ruộng nước trắng rải rác ở chân trời, những cảnh đẹp khác hẳn những cảnh đẹp chàng vẫn phô diễn trong tranh: đó là những cảnh đời đẹp đẽ sáng sủa mà mấy tháng trước đây chàng có lần tưởng đến, nhưng cho là không bao giờ thành được sự thực. Doãn ngẫm nghĩ.
- Ta phải hết lòng đi tìm cái đẹp ấy cho người khác cũng như là bấy lâu ta đi tìm cái đẹp về hình sắc để ghi trên vải lụa.
Ý nghĩ ấy làm chàng vui vẻ vì nó thỏa được lòng yêu nghệ thuật cố hữu của chàng.
- Trong công việc tô tạo vẻ đẹp của đời người, ta sẽ khoan khoái và lòng ta cũng rung động một cách êm ái như trong khi tìm những màu hòa hợp để vẽ nên tranh... Cảnh đời đẹp đẽ của dân quê đối với ta cũng là một bức tranh đẹp.
Doãn ngồi không dám động đậy sợ những điều chàng mới nhận ra như con chim còn nhút nhát bay vụt mất.
Mấy ngôi sao chiều yếu ớt mới mọc ở chân trời mờ sương lúc ẩn lúc hiện. Nghĩ đến cái sung sướng bắt đầu nhóm trong lòng Doãn lẩm bẩm:
- Ước gì lòng ta cứ mãi mãi được như thế này.
Chang mỉm cười vì nghĩ đến rằng mình giàu có, sang trọng ai cũng tưởng như vậy là đủ sung sướng, không ngờ đâu hạnh phúc của cả đời mình lại dựa vào một cái vô hình, mỏng manh không có giá trị gì đối với mọi người.
Doãn đi vòng ra phía chỗ đê về cổng trước. Lúc đó trời xâm xẩm tối. Hai dãy nhà bên đường đã đóng cửa gần hết: thỉnh thoảng qua phên giậu thấp thoáng ánh đèn.
Bóng tối nặng nề như đè các mái tranh thấp sát xuống đất; cảnh tượng thảm đạm mọi ngày trông càng thảm đạm hơn, nhưng Doãn, chiều hôm nay, nhìn đến không còn buồn nản một cách khó chịu nữa. Chàng có cảm tưởng là lạ rằng vừa đi du lịch ở một nơi rất xa nay trở về quê, thấy cảnh vật có vẻ thân yêu chàng và đón mừng chàng như đón một người bạn cũ. Lúc đi ngang qua túp nhà Doãn ở trước, nay lại tồi tàn hơn xưa, hình như trong bóng tối mờ mờ. Doãn thấy mẹ chàng ăn mặc theo lối một người dân nghèo, đứng ở cổng có vẻ mong đợi chàng đã lâu. Doãn tưởng trông thấy mẹ mỉm cười mừng rỡ, mừng rằng nay chàng lại biết đoái hoài tới những người bạn hèn cũ, chìm đắm trong tối tăm; bên tai, Doãn nghe văng vẳng như có tiếng hỏi dịu dàng âu yếm:
- Con đã về?
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×