Lạnh lùng - Phần I: Chương 2 (Nhất Linh)

114 lượt xem
Bà Án vào buồng thấy con dâu đang ngồi ở đầu giường xoay mặt vào trong. Bà lên tiếng gọi:
- Kìa mợ Tú không ra cho các thím ấy ăn cơm.
Nhung vẫn yên lặng không đáp. Nhìn kỹ biết là con dâu đương ngồi khóc, bà Án thấy mình cũng rươm rướm nước mắt. Nhưng bà khóc chẳng qua vì cái khóc đối với đàn bà rất hay lây, chứ không vì thương con dâu, hay vì nhằm ngày giỗ, bà động lòng nhớ đến con. Những lúc ấy thì bà cần phải nói gắt gỏng để che ngượng:
- Thôi ra thôi, mợ.
Nhung lấy gương soi quấn lại tóc. Nàng rút khăn lau vội nước mắt, và có ý lau qua loa để cho mọi người nhìn nàng còn biết là nàng vừa mới khóc.
Lúc nàng đi ngang qua buồng khách, những người đang ăn cỗ với em chồng nàng đứng dậy chào. Mắt hoa lên, tuy toàn là bạn thân của chồng nàng, thường ngày vẫn đến chơi nhà, mà nàng không nhận ra một ai, nàng chỉ biết những người ngồi đó là những người đàn ông trẻ tuổi, đang chăm chú nhìn mình. Nàng nóng bừng mặt, ngượng nghịu chào lại, rồi cúi đầu đi sát bên tường. Có một điều không biết tại sao nàng chắc chắn tuy nàng chưa kịp nhìn khắp mặt là trong số những người ấy, không có ông giáo.
Mấy người em dâu và em họ Nhung với lũ trẻ đã ngồi xúm quanh mâm cổ, Phương, em ruột Nhung, đăm đăm nhìn chị đi vào rồi cất tiếng nói:
- Chị tôi lại nhớ anh ấy rồi. Khóc đỏ cả mắt lên thế kia...
Hòa em dâu nàng, tươi cười tiếp theo:
-... và đỏ cả má.
Hòa nói thế là muốn nhắc mọi người để ý đến đôi má đánh phấn hồng rất nhẹ của Nhung. Sau mấy năm, Nhung mới bắt đầu đánh phấn vài hôm nay, nhưng đánh rất ít, cốt không cho ai nhận thấy. Nghe Hòa nói vậy, nàng chột dạ và hơi ngượng, nàng khó chịu vì thấy không một cử chỉ cỏn con nào của mình là không có người để ý đến, nhưng nàng vừa khó chịu, vừa có cái vui nhận thấy trong vẻ mắt các chị em nhìn nàng, cái ý khen phục và thèm muốn nhan sắc của mình. Nàng tưởng như ai cũng muốn nói:
- Trông chị Nhung hãy còn xuân lắm...
Nhung cúi đầu so đũa trong khi các chị em nói chuyện ồn ào. Ai cũng có vẻ mặt vui tươi và cũng sung sướng được dịp hội họp đông đủ. Tuy là ngày giỗ chồng nàng, mà Nhung không thấy ai nhớ đến nữa, chính ngay nàng cũng vậy, gặp ngày giỗ thì nàng theo bổn phận một nàng dâu làm cỗ bàn và cúng lễ cũng như mọi ngày giỗ khác.
Thấy chị em giục, nàng cầm đũa gắp lấy lệ. Tuy đói, nhưng nàng ăn không thấy ngon. Nàng cũng không dựa vào câu chuyện của mọi người bàn về việc nhà cửa, chồng con. Càng những ngày nhà có việc, mọi người về đông đúc, Nhung cảm thấy mình lẻ loi, những lúc ấy, nhân dịp nhà đông không ai để ý đến mình, nàng thường lánh ra một nơi vắng như một người buồn mà cứ thích yên lặng ôm ấp lấy cái buồn của mình không muốn để ai khuyên giải.
Bỗng nàng ngừng đũa lắng tai. Ở phòng bên có người nói đến tên ông giáo. Nhung nghe kỹ thì ra tiếng Thường, bạn của em chồng nàng:
- Sao bây giờ mà không thấy Nghĩa về.
Tiếng một người khác tiếp theo:
- Hay là rớt, sợ xấu hổ không dám về.
Tuy mới là lời dự đoán, nhưng Nhung đã thấy mừng, vì lời dự đoán Nghĩa rất hợp ý mong mỏi ngấm ngầm của nàng. Từ hôm Nghĩa đi thi, nàng lấy làm khó chịu và vẫn thầm trách Nghĩa nghĩ đến sự thi cử để tìm cách rời bỏ nhà này, tuy nàng vẫn biết rằng trách ông giáo như vậy là vô nghĩa lý.
Hòa nghe buồng bên nói chuyện ông giáo chưa về nên bảo Nhung:
- Ông Nghĩa chưa về, nhưng không biết nhà tôi có mời các ông ấy ăn cơm trước không? Ông Nghĩa về ăn cơm sau cũng được.
Nhung thẫn thờ đáp:
- Họ đương ăn bên ấy. Đợi làm gì?
Thấy mọi người nói đến Nghĩa là một cách coi thường, nàng cũng cố làm ra như vậy. Vừa lúc đó Nghĩa đi ngang qua ngoài hiên, Hòa vui vẻ nói:
- Kìa! Ông Nghĩa đã về, vừa nói đến ông ấy xong...
Câu nói tự nhiên của Hòa như diễn hộ Nhung cái mừng thấy Nghĩa về. Nàng thì nàng không thể nào thốt ra được một câu như thế. Nghĩa quay đầu lại và tình cờ nhìn vào chỗ Nhung ngồi.
Nhung thấy cái cảm giác lẻ loi biến đâu mất. Nhìn các chị em ngồi quanh mâm nói chuyện vui vẻ, không nghĩ gì đến cái ý nghĩa của một bữa cỗ giỗ, Nhung không thấy làm lạ nữa, cho là một sự tự nhiên, tự nhiên như cái vui trở lại trong tâm hồn nàng lúc đó, song Nhung vẫn giữ vẻ mặt hơi buồn. Nàng đưa bát cơm lên miệng, nhưng không và vội, lắng tai nghe tiếng nói chuyện ở buồng bên:
- Thế nào, rớt hay đỗ?
Tiếng trả lời nói rất khẽ, Nhung không nghe rõ.
Hòa hỏi Nhung:
- Thế nào, chị tôi ăn đi chứ. Ngồi nghĩ gì vậy...
Thoa, một người chị em bạn nói tiếp:
- Hay lại nghĩ đến anh ấy đấy...
Nhung khó chịu. Nàng muốn quên hẳn người cũ, nhưng một câu nói, một cử chỉ của nàng là một người đàn bà góa đáng kính phục vì không lúc nào không thương tiếc chồng.
Nàng đương trầm ngâm với cái ý tưởng chua cay ấy, thì ở buồng bên, Thường vừa cười vừa nói:
- Thế nào anh Nghĩa? Rớt mà vui thế kia ư? Hay nói dối chúng tôi đấy?
Nghĩa cũng cười theo:
- Rớt mới đáng cười chứ. Nếu tôi đỗ người ta bổ lên mạn ngược, thì hết cả ở đây với các anh, hết cả vui vẻ.
Nhung thấy Nghĩa nói câu ấy, giọng cao hơn giọng nói lúc thường. Nàng đoán:
- Có lẽ định bụng để cho mình nghe thấy chăng?
Nàng mỉm cười, hai con mắt mơ màng nhìn ra ngoài vườn, nàng ngẫm nghĩ đến cái sung sướng riêng của mình.
o O o
Buổi chiều, bên một cái bàn phủ khăn trắng để giữa sân, Nhung ngồi gọt táo cho con ăn. Em chồng nàng ngồi cạnh, hai tay chống vào cằm, ngửa mặt nhìn lên, vớ vẩn đếm những ngôi sao bắt đầu mọc trên nền trời sáng. Nhung ngừng tay hỏi em cho có chuyện:
- Chú Lịch không đi chơi với ông ấy à?
Lịch thấy vợ ở trong nhà đi ra, mỉm cười bảo chị dâu:
- Nhà tôi giữ riệt, đi đâu được.
Hòa lườm chồng, rồi nũng nịu ngồi sát bên cạnh.
- Đi đâu thì cũng chẳng bằng ở nhà.
Ba người lại ngồi yên lặng. Sau những giờ đông đúc, mệt mỏi vì tiếp khách, dọn cỗ, người nào cũng lấy làm dễ chịu được trở lại cái đời bình tĩnh ngày thường.
Dưới sân gạch, một con chuồn chuồn ớt bay vòng quanh rồi đậu ngay gần bàn, Giao rời mẹ, rón rén ra bắt, nhưng cứ gần đến nơi thì con chuồn lại bay chỗ khác, Lịch cười xòa, nói:
- Giao đuổi nó làm gì? Bắt thế nào được nó.
Hòa nói tiếp:
- Khéo, kẻo đi bắt chuồn lại vồ được ếch đây, chú Giao ạ.
Nhung ngắm nhìn phong cảnh quanh nhà, phong cảnh không bao giờ thay đổi, trong bao năm nàng nhìn đã quen mắt, nàng thuộc đến cả hình dáng từng cây mọc ở trong vườn, hay lộ sau các mái nhà, các bức tường. Những mảnh trời và những làn mây phớt hồng trôi nhẹ sau những thân cây cau trắng, nàng nhìn thấy có vẻ thân mật như một người bạn quen từ lâu, mây tuy mỗi lúc một khác nhưng nàng tưởng như chiều nào cũng giống như chiều nào, cũng vẫn những đám mây hôm qua bay nguyên ở góc trời cũ: hình ảnh cuộc đời bằng phẳng của nàng êm ả, nhẹ nhàng trôi theo ngày tháng.
Xa nữa, trên mấy nóc nhà tranh, ngọn một rặng nhãn, lá xanh đen in lên nền trời: chỗ ấy là nhà của cha mẹ nàng. Nhà nàng và nhà chồng nàng đời đời an nghiệp ở đây, trừ mấy năm đi học xa, còn từ bé nàng sống trong cái xã hội nhỏ như con cá cả đời sống trong một cái ao con, chung quanh toàn người quen thuộc và yêu trọng nàng. Nàng lấy ông Tú vì hai nhà quen thân với nhau, vì đó là một sự rất tự nhiên, phải thế. Nàng không hề nghĩ ngợi gì và không bao giờ tưởng đến ý nghĩa của ái tình.
Ông Tú mất đi, nàng vẫn ao ước được yên ổn mãi mãi với nhà chồng, được luôn luôn sống gần gũi bố mẹ đẻ và nuôi con cho thành người... Sự mong mỏi sống như vậy trước kia nàng tưởng dễ dàng lắm.
Nhung tự hỏi thầm:
- Nhung bây giờ?...
Nghĩ đến Nghĩa, đến cái cảm giác mới mẻ của một thứ ái tình bắt đầu nhóm trong lòng, Nhung lo sợ. Nàng đoán thấy hạnh phúc đợi chờ nàng, mà nàng không dám tìm đến cái hạnh phúc đó. Nàng cúi nhìn con nàng vẫn cứ cặm cụi rình bắt con chuồn chuồn, không biết rằng chẳng bao giờ bắt nổi nó.
Muốn tránh mối lo sợ về mai sau, Nhung đành tự lừa dối mình, chỉ nghĩ những phút thần tiên của hiện tại. Nàng cho rằng không bao giờ có sự thay đổi. Nàng tưởng tượng Nghĩa suốt đời ở cạnh nàng, rồi hai người cứ yêu nhau một cách kín đáo như bây giờ, mãi mãi. Nàng cho là có thể như thế được lắm. Cái ý tưởng ấy đã làm cho nàng bình tĩnh trong tâm hồn, vì nó vừa giúp nàng quên cái lo sợ về một sự thay đổi mãnh liệt, nó vừa thỏa được lòng khát khao tình ái của nàng.
Lịch nhác thấy Nghĩa đứng hên kia đường hoa bèn lên tiếng gọi:
- Anh Nghĩa sang đây ăn lê, táo.
Bên bàn còn mỗi cái ghế để không ngay cạnh chỗ Nhung, Nghĩa ngồi vào ghế và cố giữ vẻ tự nhiên, chàng với điếu thuốc lá, nhưng không hút vội, tay cầm bao diêm táy máy nhấc lên lại bỏ rơi xuống bàn.
Không ai nói câu gì, vì câu chuyện đáng nói nhất lúc đó là câu chuyện Nghĩa rớt mà ai cũng tránh không muốn đả động tới, sợ Nghĩa buồn.
Nhung gọi con lại, cúi đầu ve vuốt tóc con. Nàng nhấc mũi giầy lên ấn xuống, muốn đứng dậy đi ngay chỗ khác, nhưng vẫn ngồi yên đầy. Tuy lúc đó, Nghĩa đương nhìn bao diêm mà nàng tưởng như Nghĩa nhìn nàng. Nhung không dám cử động chân tay sợ người ta nhận rõ cái bối rối của mình, nhưng nàng cũng không muốn ngồi yên, vì càng ngồi yên, Nhung càng thấy mình không có vẻ tự nhiên và càng khó giữ nổi những ngón tay nàng rung trên nền áo.
Hòa hỏi vẩn vơ:
- Chiều hôm nay thế nào mà không có gió.
Nghĩa nói:
- Có gió hơi hơi. Cứ nhìn cây đề thì biết ngay.
Nhung ngẩn nhìn ra phía cây đề, một cây đề cao lớn mọc ở cạnh ao. Nghĩa nói tiếp:
- Ngọn các cây khác yên tăm tắp, chỉ có một mình cây đề là rung động.
Lịch nói:
- Anh Nghĩa nhận xét cũng khá đúng.
Nhung cho rằng vì Nghĩa đoán được cái cảm động của nàng, nên nói một câu có ngụ ý để ám chỉ nàng.
Giao nghển cổ giơ tay với quả lê để ngay cạnh bàn, quả lê rơi lăn xuống gạch. Nhung nghiêng mình với theo, nhưng Nghĩa nhanh chân chạy ra cầm lấy quả lê trước. Nhung ngập ngừng nói:
- Xin ông.
Nghĩa vừa đặt quả lê vào lòng bàn tay Nhung vừa nhìn đăm đăm vào hai mắt nàng, và cố ý để yên bàn tay lâu một chút.
Nửa vì cúi xuống với quả lê, nửa vì hổ thẹn, Nhung thấy nóng bừng hai bên má. Nàng bối rối mắng con:
- Thế là giập mất quả lê, chú mình hết ăn. Thôi để mợ cất đi cho Giao hết táy máy.
Nàng lấy cớ cất đĩa quả để đứng dậy đi ra chỗ khác. Nàng vội vào buồng mình và đến trước cái gương tủ đứng. Có một lẽ Nhung không muốn tự thú vì nàng sợ mình thẹn với mình, là nàng muốn vào buồng soi gương xem vẻ mặt nàng lúc đó ra sao. Nàng mím môi, nhìn vào hai con mắt mình trong gương, đứng yên lặng một lúc ngắm nghía, rồi thong thả đưa tay sửa lại mái tóc. Nhung có cái sung sướng, ngây thơ nghĩ đến rằng Nghĩa đã nhìn nàng trong một lúc nàng có nét mặt xinh đẹp khác thường.
Bỗng nàng lắng tay nghe tiếng bà Án nói chuyện với ai ở buồng khách. Nghe được một lúc, nàng cau mày khó chịu, bà Án đương khoe nàng với một người khách lạ. Lần này cũng như bao nhiêu lần trước, nàng lại nghe thấy cũng những câu khen ấy, hình như bà Án đã thuộc lòng hễ động ai nhắc đến con trai và con dâu là đem ra kể lể.
Bà khách - mà Nhung nghe tiếng chưa đoán ra được là ai - thỉnh thoảng lại chêm vào một câu:
- Ồ, quý hóa quá! Thật là nhà tốt phúc.
Yên lặng một lúc lâu rồi bà khách hỏi:
- Mợ ấy cũng người làng này?
Bà Án đáp:
- Vâng, mợ cháu con cụ Nghè Kinh, chắc cụ có quen.
- Có, tôi hơi quen, quen từ độ ông cụ còn ở trên Bắc, nhưng tôi không biết mặt những người con.
Bà Án lên tiếng gọi:
- Mợ Tú.
Nhung biết là mẹ chồng gọi đến để bà khách xem mặt. Nàng rón rén đi thật nhẹ ra ngoài hiên cho xa, rồi mới khẽ "dạ" một tiếng và làm bộ tự nhiên đi vào. Thấy bà khách, nàng nghiêng mình chắp tay chào rất có lễ phép, kính cẩn ra vẻ một con nhà nề nếp. Bà Án dịu dàng bảo Nhung:
- Con vào lấy chai chè ướp sen để pha nước cụ xơi.
Nhung đáp:
- Thưa mẹ, con lấy thứ chè ướp hoa sen sao nhà. Thứ ấy ngát.
Nhung nói với mẹ chồng làm như không biết bà khách đương nhìn mình, ngắm nghía mình. Nàng tưởng nàng lúc đó như một thứ hoa quý trong nhà, hễ có khách đến đem ra khoe cho khách thưởng ngoạn để lấy tiếng khen. Tuy vậy, Nhung cũng thấy dễ chịu mỗi lần được người ta ngỏ ý kính phục: những lời khen tuy đã nhàm nhưng vẫn làm thỏa được lòng tự cao của Nhung về nhân phẩm mình.
Nàng dọn ấm chén vội vàng, trong lòng thầm mong Lịch và Nghĩa còn ngồi nói chuyện ở đó. Nhưng lúc ra đến nơi thì chỉ còn trơ cái bàn phủ khăn trắng và mấy cái ghế bỏ không.
Nắng đã tắt hẳn. Ánh sáng trời chiều êm dịu tỏa mờ trên cây sân gạch. Nhung đứng dựa vào cột nhà. Nhìn mấy cái ghế không nàng thấy buồn bã lạ thường, cái buồn vô cớ tự nhiên đến. Nào có gì đâu mà nàng như mang máng tiếc rằng vừa bỏ qua những giây phút đáng sống nhất trong đời, nàng như ngẩn ngơ thấy một vật gì rất quý mất đi không phương vớt lại được nữa.
Nhung ra sân. Nhìn về phía ao, nàng thấy hai vợ chồng Lịch và Nghĩa đương đứng ngắm hoa sen.
Hòa giơ tay chỉ trỏ rồi nàng nghiêng mình về phía Nghĩa, cười cười nói nói với Nghĩa một cách rất tự nhiên. Nhung ao ước được như Hòa. Nàng muốn chạy ra ngay bờ ao sen với ba người, nhưng không dám, vì nàng thấy cử chỉ ấy không tự nhiên lúc nào.
Nhung đứng tựa vào bàn yên lặng ngắm bóng ba người in nổi bật lên giải sen lốm đốm hoa trắng. Gió chiều đưa lại thơm ngát mùi hoa.
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×