Ngày xuân nhớ chén trà quê

Chu Hồng Đông | Chat Online
30/01/2018 16:38:59
453 lượt xem

"Bác Đoàn Lâm ơi!, bác Đoàn Lâm có nhà không?!". Tôi cất tiếng gọi. Sau chừng hai phút, một người đàn ông gần đã gần 70 ra mở cổng đón tôi vào nhà. Đó là bác Đoàn Lâm, một nhà giáo hưu trí cùng xóm với tôi. Vậy là đã 5 năm rồi, tôi về cái tỉnh vùng cao này công tác - Lạng Sơn, những ngày cuối năm rét tê tái. Tôi biết bác Đoàn Lâm từ ngày đầu lên mảnh đất địa đầu này công tác. Tôi và bác cùng quê Thái Nguyên, nhà tôi ở thành phố còn bác ở một huyện phía Nam tỉnh, Phổ Yên. Ngày tốt nghiệp Đại học, với ý trí bay bổng, tang bồng của tuổi trẻ tôi đã chọn mảnh đất vùng cao này để lập nghiệp. Những ngày đầu xa quê nhớ lắm, rồi cũng quen. Ngày đặt chân tới đây, qua tìm hiểu, tôi biết ở khu xóm tôi đang sống cũng có một bác quê gốc ở Thái Nguyên. Bác về Lạng Sơn làm nhà giáo và giờ đã nghỉ hưu, một mình sống trong căn nhà cấp 4 cuối xóm. Hai bác cháu cùng quê, cùng mang trong mình một nhiệt huyết giống nhau là được mang cái chữ đến với đồng bào vùng cao. Chỉ có điều, bác đã về hưu gần chục năm rồi, còn tôi thì mới gắn bó với mảnh đất này gần 5 năm.

Ngày xuân nhớ chén trà quê

"Bác ăn tối chưa?" Tôi quan tâm hỏi bác.

"Bác ăn qua loa rồi cháu ạ, cháu vào đây cho đỡ lạnh. Để bác pha ấm trà  ..." Bác Đoàn Lâm ân cần đáp.

Biết mỗi lần tôi đến nhà chơi, ngoài để hỏi thăm sức khỏe "ông giáo già" sẽ là tiện để xin bác chén nước chè xanh cho vơi nỗi nhớ quê. Nói rồi, bác lấy trong tủ ra một hộp chè Tân Cương mầu đỏ, rất mới, bác khoe đứa cháu ở quê gửi lên cho ông uống Tết. Bác cẩn thận mở hộp trà, bỏ ba nhúm trà khô vào ấm, rót xíu nước ấm tráng trà, rồi lại bỏ thêm nước vào ấm, chờ trà chín. Xa quê lâu rồi nhưng cái vị trà quê thì không làm sao bác quên được. Thi thoảng có người về Thái Nguyên, bác lại gửi mua hộ mấy cân chè, giữ uống dần trong năm. Đó là một phần lý do những lúc thư nhàn, sau khi xem xong bài vở, tôi thường ghé nhà bác. Vừa để học học từ bác những kinh nghiệm sư phạm ở một vùng núi cao mà đại đa số học sinh không phải là người Kinh nói tiếng Việt còn chưa dõi, vừa để xin bác chén trà xanh đúng điệu.

"Ở đâu cũng có trà nhưng cái vị Trà đậm, ngọt hậu thì chắc chỉ có trà Thái Nguyên quê mình cháu ạ". Giọng bác Đoàn Lâm trầm trầm kể. Rồi trà cũng chín, tôi rót ra chén để cùng bác ngồi tâm sự. Nước nóng, chén trà đang tỏa ra một mùi hương cốm thanh nhẹ, phủ khắp không gian hai bác cháu đang ngồi. "Năm nay cháu tình nguyện ở lại Trường trực Tết không về quê bác ạ". Năm năm xa nhà nhưng Tết này là Tết đầu tiên tôi không về Thái Nguyên ăn tết với gia đình. Nhớ Tết ở thành phố đông vui lắm, nhớ chợ hoa ở Quảng Trường năm nào cũng rợp những sắc mầu, nhớ bữa cơm chiều tất niên quây quần bên gia đình, nhớ ngày mùng 1 Tết đi chùa cùng mẹ, nhớ mẹ cháu mỗi lần vẫn dạy "con là nhà giáo, ở đâu cần cái chữ thì con nên đến nơi đó con à". Còn bác, bác lại đang hồi tưởng về kể tôi nghe về Tết quê. Người quê nghèo nhưng sống thật thà tình cảm, Tết ở quê có tục đi chúc tết các nhà trong làng, đến nhà nào cũng dọn cơm, mời rượu, ba ngày Tết là những ngày ở quê như có hội, "đông và vui cháu ạ" bác Đoàn Lâm kể lại ...

Trong cái se sắt lạnh những ngày cuối năm của vùng núi đá vôi, hai bác cháu bên chén trà ấm cùng nhớ về quê cũ, trà ngấm, mỗi chén vơi đi một ký ức nào đó về những mùa Tết đã qua ở quê nhà lại ùa về trong trí nhớ của hai bác cháu. Thế mà cũng gần nửa đêm rồi, tôi xin phép bác về lại nhà và hẹn bác sáng mai cùng vào bản chọn một cành đào về trưng Tết. Hoa Bích Đào ở đây được bà con trồng tự nhiên và không bán. Vui với chủ gia đình đôi ba chén rượu là đã xin được một cành đào đỏ thắm về chơi Tết rồi, vùng cao cũng có những nét riêng như thế để đón xuân về ... Bác vui vẻ nhận lời sáng mai cùng vào bản. Vậy là một mùa Xuân, mùa Tết đã về với hai bác cháu, chỉ cần có vậy, một chút trà quê, một cành Bích đào, chút rượu, thịt, bánh chưng xanh là đã đủ vị của tết rồi. Xuân xa nhà ở một nơi mà núi đá vôi và rừng quanh năm bao phủ nhưng quê nhà đã thấy gần hơn quanh một ấm trà. Thái Nguyên ơi ta hẹn một ngày về hội ngộ, hẹn cùng ai đi chợ hoa ngày tết, hẹn đi dâng hương chùa Phủ Liễn, chẩy hội Đền Đuổm, Lồng Tồng. Hẹn về với mẹ bởi mẹ là quê hương, quê hương là hồn Trà Việt.

Chu Hồng Đông

Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi ý kiến bình luận tại đây:
Gửi ý kiến bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Gửi bài đăng ký tham gia Cuộc Thi Viết trên Lazi.vn tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi bài đăng ký dự thi
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư