ĐOẠN VĂN
Lương tâm là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân trong mối quan hệ với người khác và xã hội. Lương tâm tồn tại ở hai dạng: lương tâm thanh thản và lương tâm cắn rứt. Lương tâm dù ở trạng thái nào cũng có ý nghĩa đối với cá nhân. Lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nhờ đó con người nhận biết điều lành điều dữ. Đồng thời lương tâm không chỉ giúp cho con người hành động để chu toàn bổn phận làm người của mình mà còn giúp mọi người tuân theo chỉ thị của lương tâm. Sống có lương tâm giúp con người biết làm điều thiện, tránh xa điều ác, biết cảm thông, chia sẻ hơn là thù ghét, đố kị, biết nhường nhịn hơn là ganh đua, biết phân biệt lẽ đúng – sai, phải – trái và mong muốn được làm điều tốt đẹp cho người khác. Sống có lương tâm giúp con người tu dưỡng đạo đức, sống chân thiện và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ra cộng đồng. Để trở thành người có lương tâm, chúng ta cần phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, thói theo quan niệm tiến bộ. Lương tâm mỗi người không bao giờ bị cắn rứt khi không làm điều gì sai trái và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bản thân một cách tự nguyện. Sống có lương tâm là biết sống vì người khác, biết nhường nhịn lẫn nhau, liên tục bồi dưỡng những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ giữa người với người sẽ giúp lương tâm được bình yên và có được cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc đời. Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trong suốt quá trình hành động. Lương tâm là vô giá. Làm người, có thể đánh mất tất cả nhưng không bao giờ được để mất lương tâm.