Trong bài “Viếng lăng Bác”, ngoại cảnh chỉ được miêu tả chấm phá vài nét, còn chủ yếu tác giả bộc lộ tâm trạng, cảm xúc yêu thương, ngưỡng mộ của mình đối với chủ tịch Hồ Chí Minh” ví như trong khổ thơ thứ nhất(1) :
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Khi đến trước lăng, tác giả chỉ tả chấm phá có mỗi hàng tre bên lăng : hàng tre ẩn hiện trong sương bát ngát, màu xanh xanh, đứng thẳng hàng(2). Tả ít gợi nhiều, tình cảm của tác giả bộc lộ ngay câu đầu “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” chỉ gỏn gọn như một lời thông báo nhưng lại gợi ra tâm trạng xúc động của người con từ chiến trường miền Nam sau bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng Bác(3). Cách dùng đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân thương, cách nói giảm, nói tránh: từ “thăm” ( Đến chơi để tỏ tìnhthân, sự quan tâm) thay cho từ “viếng” ( Đến trước linh cữu hoặc lăng mộ để tỏ lòngthương tiếc), giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, ngụ ý Bác Hồ còn sống mãi trong tâm tưởng của mọi người(4). Hình ảnh hàng tre vừa tả thực vừa mang tính chất ẩn dụ tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc (5). Hàng tre ẩn hiện trong sương gợi không gian rộng mà thiêng liêng (6). “Ôi!” là từ cảm thán, biểu thị niềm xúc động tự hào trước hình ảnh hàng tre, chính là lòng tự hào dân tộc mình vừa chiến thắng oanh liệt(7). Từ đó tác giả có những suy ngẫm sâu sắc: Hàng tre là hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê, đất nước Việt Nam, đã thành một biểu tượng của dân tộc(8). Màu tre xanh mang biểu tượng của tâm hồn thanh cao, hiền hoà (“xanh xanh Việt Nam) nhưng cũng mang sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc ta “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” (9). Hình ảnh đẹp của hàng tre - dân tộc càng đẹp hơn khi quây quần về đây, bên Người, canh cho giấc ngủ của Người được bình yên vĩnh hằng(10).
Chú thích : Câu 4 là câu sử dụng thành phần biệt lập phụ chú.