Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
ô Hoài có rất nhiều tác phẩm viết về con người và vùng đất Tây Bắc, trong đó Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất. Vợ chồng A Phủ viết về đôi vợ chồng người H’Mông, về cuộc sống và số phận con người đất Hồng Ngài dưới ách thống trị của cường quyền và thần quyền. Trong tác phẩm này, nhà văn Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị- người phụ nữ bất hạnh bị buộc trở thành người con dâu trừ nợ nhà thống lí.
Theo chân nhà văn bước vào tác phẩm, ta bước vào cuộc sống của Mi – một người con gái của dân tộc H’Mông nơi đây. Mị trước khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra có một cuộc sống rất yên bình như những người con gái khác. Mị xinh đẹp, có tài thổi sáo được nhiều chàng trai ngưỡng mộ. Mị còn là một người con hiếu thảo, một cô gái giỏi lao động.
Nhà Mị nghèo, cha mẹ ngày xưa lấy nhau phải vay bạc của nhà thống lý Pá Tra. Đến khi mẹ cô chết, nợ vẫn chưa trả được, vậy nên, Mị đã thay cha mẹ gánh việc nương rẫy để trả nợ cho nhà thống lý. Cô quả là một người con rất hiếu thảo!
Thế nhưng, mỗi năm “phải trả một nương ngô cho người ta” mà bao nhiêu năm vẫn chưa hết nợ, thống lí Pá Tra đã bảo với cha Mị rằng:”cho tao đứa con gái này về làm dâu, thì tao xoá hết nợ cho” và rồi xảy ra sự việc A Sử đến giả làm người yêu Mị bắt Mị về nhà hắn. Mị trở thành “con dâu gạt nợ” của nhà thống lí và bắt đầu những chuỗi ngày khổ cực, đày đọa cả thể xác và tinh thần.
Sau đêm hôm ấy, Mị chính thức trở thành con dâu nhà thống lý Pá Tra. Mang danh là con dâu nhà giàu thế nhưng cuộc sống của Mị lại chẳng khác gì kẻ tôi tớ, cả năm cả tháng Mị phải làm quần quật như con trâu con ngựa trong nhà. Mị phải làm việc không ngơi tay “Tết xong lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tưới sợi”, “con ngựa con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả ngày lẫn đêm”.
Mị sống trong nhà thống lý bị tước đoạt sự tự do, tước đoạt của niềm vui, tình yêu và hạnh phúc của đời Mị. Nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần đã khiến Mị trở nên tê liệt, trở nên chai lì cảm xúc, trở thành một cái xác không hồn “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa”, “Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi”.
Cực khổ là thế, bị đàn áp, áp bức đến tê liệt là thế, những tưởng tất cả khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Mị đã bị vùi dập, dập tắt hết. Nhưng không, cái sức sống ấy nó ẩn mình tiềm tàng trong con người Mị và chợt bùng cháy lên thật mạnh mẽ trong đêm tình mùa xuân và trong đêm Mị giải cứu A Phủ.
Khi tiếng sáo gọi bạn trong đêm hội mùa xuân Hồng Ngài cất lên cùng với tiếng người cười nói, tiếng kèn, tiếng pao, lòng Mị đã dập dìu. Mị uống rượu để được say, để được quên đi nhưng “lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Tiếng sáo ấy như đánh thức cái khát khao tự do đang ngủ vùi trong sâu thẳm Mị sống dậy để Mị chợt thấy “phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước”. Mị nhận ra rằng “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
Đây là khát vọng sống và sự phản kháng đầu tiên của Mị từ khi bước chân vào nhà thống lý. Mị muốn được tự do, muốn được giải thoát “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”.
Khát vọng sống, khát vọng tự do cứ theo tiếng sáo dập dìu bay đến bên Mị “trong đầu Mị đang dập dờn tiếng sáo”, và Mị muốn được ra ngoài, muốn được đi chơi như “bao nhiêu người có chồng” khác. Vậy nên, “Mị quấn tóc lại. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách” để chuẩn bị đi chơi.
Ý thức cuộc sống đã trở về với Mị rồi! Khao khát sống, tự do, vui tươi bùng cháy mạnh mẽ trong lòng Mị. Dù bị A Sử bắt đứng trói cột không cho đi chơi, nhưng tâm hồn cô đã thoát lên, đi theo những tiếng sáo gọi bạn rồi “Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, mị nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi”.
Thế nhưng, sau đêm tình đó, Mị lại trở về những ngày trước, lại sống vô hồn, lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”. Liệu có ai nghĩ rằng Mị sẽ có ngày vùng lên mà thoát khỏi sự áp bức, thoát khỏi địa ngục trần gian này chăng?
Sự kiện A Phủ đánh mất bò, bị đánh rồi bị trói đứng vào cột làm xôn xao cả bản. Thế nhưng, điều đó dường như chẳng làm ảnh hưởng gì tới Mi và cuộc sống của cô. Cô vẫn lầm lũi như thế, “thản nhiên thổi lửa, hơ tay” như mọi ngày. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết ở đấy, cũng thế thôi”. Mị không có xúc cảm, không còn thương xót cho một con người đau khổ, đáng thương như thế bởi cảm xúc trong cô đã chai lì, đã tê liệt rồi!
Thế nhưng, cảm xúc trong Mị chợt ùa về chỉ khi Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ. Mị chợt nhớ về đêm tình năm trước, khi cô cũng bị A Sử bắt trói đứng như thế “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”. Một cảm giác thương xót chợt len lỏi cháy lên trong lòng cô. Mị thương cảm cho số phận của A Phủ, cô đồng cảm bởi cô biết sự đau đớn mà A Phủ đang phải trải qua.
Mị thương cảm cho A Phủ, cô miên man trong dòng nghĩ ngợi, cô nghĩ A Phủ biết đâu có thể trốn được và thống lí Pá Tra sẽ cho rằng cô là người thả A Phủ đi rồi “Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy”. Nỗi sợ hãi bùng lên trong lòng cô, thế nhưng, sự thương xót và đồng cảm đã chiến thắng sự sợ hãi, cô “rón rén bước lại”, “rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”, “gỡ hết dây trói trên người A Phủ” và “thì thào được một tiếng: Đi đi”. Mị đã giải thoát cho A Phủ, cho một con người bị áp bức như Mị được trở lại với tự do.
Thế nhưng, khi nghe tiếng bước chân của A Phủ “quật sức vùng lên, chạy”, “mị đứng lặng trong bóng tối”. Khát vọng sống chợt bùng lên mạnh mẽ trong lòng cô, thôi thúc bước chân cô chạy “băng đi” theo A Phủ. Mị sợ cái chết, Mị muốn được sống, Mị muốn được tự do và hạnh phúc, vậy nên Mị đã băng theo A Phủ và “thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: A Phủ cho … ở đây chết mất”.
Mị đã chạy thoát khỏi địa ngục trần gian giam cầm thể xác và tâm hồn Mị, thoát khỏi những áp bức nô lệ của những kẻ cầm quyền. Hai con người đau khổ dìu nhau bước đi trong bóng tối, băng qua rừng trong đêm lạnh. Hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ của Mị, cũng là hành động cắt dây trói giải thoát cho chính bản thân mình của cô, thoát khỏi kiếp sống đày đọa, khổ cực. Chính khát vọng sống, tự do đã giúp cô làm được điều đó.
Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật Mị, đặc biệt là khi miêu tả những diễn biến tâm lý phức tạp của cô. Ông đã dẫn dắt cho người đọc thấy tâm lý của Mị từ những ngày cô còn được tự do đến khi bị đày đọa trong nhà thống lý rồi đến khi vùng lên giải thoát cho bản thân. Tất cả đều được miêu tả rất xuất sắc. Ông còn tái hiện được những phong tục của con người ở vùng núi Tây Bắc rất chân thực.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |