Nàng Tô Thị xứ Lạng cũng như người đàn bà vô danh hóa đá đỉnh đèo trên một khúc ruột miền trung, từ xa xưa đã hóa thân trong những suy tưởng của người đời về lòng trung chinh của người phụ nữ Việt trong cảnh binh đao giặc dã và chia ly diễn ra triền miên dễ có đến ba phần tư lịch sử đất nước, kể từ thời vua Hùng lập quốc Văn Lang!
Bài thơ Vọng Phu của nhà thơ Chế Lan Viên chỉ là góp thêm một " ý tưởng thơ" vào dòng suy tưởng hữu thủy vô chung của người Việt:
Đầu nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng Phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông.
Quả là như vậy. Nàng Vọng Phu huyền thoại, nàng Vọng Phu dân gian, nàng Tô Thị xứ Lạng cùng cơ man người vợ chờ chồng trong cuộc đời thực, khi đất nước lâm vào vòng binh đao khói lửa, thù hận ,chia lìa nào có khác gì nhau ở nỗi đau buồn vọng phu họ mang trong tâm suốt cả một đời người . Nàng Vọng Phu thời "Tùng tùng trống đánh ngũ liên - Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa" không khác gì hàng triệu nàng Tô Thị thời "đêm nam ngày bắc" hay "đêm bắc ngày nam" đã trải nghiệm và chiêm nghiệm suốt một phần tư thế kỷ 20. Nỗi đời, như không ít độc giả phụ nữ châu Âu đọc cuốn sách dịch "Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc" ra đời hơn nửa thế kỷ trước đã thốt lên kinh ngạc, kính phục đấy nhưng không sao hình dung được, không sao hiểu nổi chỉ riêng chi tiết "rất con người": người đàn bà sống "không chồng" mười mấy năm... Nỗi đời thật "vô tiền khoáng hậu" đâu đã mất trong ký ức biết bao bà mẹ Việt anh hùng, biết bao người phụ nữ Việt trung hậu đảm đang việc nhà việc nước, dù thời gian "nước chảy qua cầu" đã trên dưới nửa thế kỷ và biết bao nhiêu người trong số họ đã về cõi thiên thu! Chinh phụ ngâm không phải khúc ngâm mang nỗi sầu nhân thế của một thời nào, "Nỗi khổ này đâu của riêng ai "!