Nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân là đại diện tiêu biểu cho người nông dân yêu nước trong xã hội xưa. Dưới ngòi bút của Kim Lân, hình ảnh ông Hai hiện lên sống động với tình yêu làng, yêu nước tha thiết và tấm lòng gắn bó với cách mạng. Những diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe cải chính đã thể hiện rõ điều đó. Nếu như trong biến cố khi nghe làng mình theo giặc ông đau đớn, tủi hổ bao nhiêu thì khi nghe được tin đồn sai sự thật về làng mình từ ông chủ tịch xã thì ông lại vui mừng, hả hê bấy nhiêu. Trái tim và tâm hồn của người nông dân ấy như được hồi sinh một lần nữa. Thoạt tiên là những thay đổi trên nét mặt: "Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên". Rồi đến những hành động, lời nói, tất cả đều xuất phát từ sự vui sướng đến tột cùng của lão nông dân. Ông mua bánh về cho các con, rồi lật đật đi khắp nơi khoe với mọi người cái tin ấy: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! ..Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả." Nhà mất, đáng lẽ ra ông Hai phải buồn chứ? Nhưng không, trong người nông dân tội nghiệp ấy đang là niềm vui khi thoát khỏi những ý nghĩ không hay về làng mình, danh dự của làng được hồi sinh, còn điều gì tuyệt vời hơn thế? Chính cái tin ấy đã khẳng định lòng trung thành của ông, người chợ Dầu với kháng chiến, với cách mạng. Bằng ngòi bút sắc sảo trong việc khắc hoạ nội tâm nhân vật, Kim Lân một lần nữa đã mang đến cho người đọc những trang văn đẹp về người nông dân Việt, họ chân chất, thật thà, chung thủy với cội nguồn, cách mạng.