Theo đánh giá của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các loài chim di cư là một trong số những loài chim bị đe dọa nhất. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, chức năng của hệ sinh thái mà còn có thể thổi bùng dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.Một trong những loài bị đe dọa nhất trong khu vực là loài rẽ mỏ thìa, loài này sử dụng các vùng đất ngập nước ở Việt Nam vào mùa di cư. Bên cạnh đó, các loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa… cũng đang trong tình trạng báo động.Để bảo vệ những loài chim này, các nước đã ký kết các Công ước về bảo tồn các loài di cư (CMS), Hiệp định Chim biển Di cư Phi châu Á (AEWA)… cùng với đó là hàng chục tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có bảo tồn các loài chim di cư với những tên gọi khác nhau. Từ năm 2006, một số nước đã cam kết hưởng ứng Chiến dịch Ngày chim di cư thế giới được diễn ra hàng năm nhằm nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về bảo tồn các loài chim di cư. Tổ chức Ngày chim di cư thế giới còn đưa ra bản đồ đường bay của các loài chim, kêu gọi xây dựng các điểm đỗ an toàn để những đàn chim di cư có thể hạ cánh nghỉ ngơi trên hành trình vạn dặm.