Trong nền văn học trung đại Việt Nam, bên cạnh những nhà thơ nam tiêu biểu thì vẫn xuất hiện những nhà văn nữ đầy tài năng, mang đến văn chương một hồn thơ mới, đầy độc đáo, mang đậm dấu ấn, phong cách của những người phụ nữ nói chung, điều mà trước đó chưa từng xuất hiện trong văn học. Một trong những gương mặt nữ sĩ tiêu biểu đó, không thể không kể đến Bà Huyện Thanh Quan. Để hiểu hơn về phong cách thơ văn cũng như những tư tưởng của đạo của bà, ta đi tìm hiểu tác phẩm thơ “Qua đèo ngang”.
“Qua đèo ngang” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là khi tác giả vào Huế để nhận chức, phải xa quê hương, gia đình nên đã thể hiện khá rõ nét trong tác phẩm này tình yêu quê hương đất nước; cùng với đó là bức tranh thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ mà không kém phần tươi đẹp, nơi mà nhà thơ dừng chân nghỉ lấy sức cho cuộc hành trình dài. Trước hết, mở đầu bức tranh thơ, nhà thơ đã gợi mở ra khung cảnh, nơi nhà thơ nghỉ dừng chân:
“Bước đến Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa”.
Không gian được Bà Huyện Thanh Quan nhắc đến ở đây chính là không gian của buổi chiều tà, khi ánh sáng dần tắt, nhường chỗ lại cho màn đêm bao phủ. Đây cũng là lúc mà nhà thơ nghỉ dừng chân trong cuộc hành trình dài. Không gian chiều tà thường là không gian của thương nhớ, bởi đây là khoảng thời gian gợi nhắc người ta mạnh mẽ nhất về quê nhà, đánh động vào tình cảm sâu thẳm nhưng yếu mềm nhất trong mỗi con người. Vì vậy mà trong các tác phẩm văn chương xưa nay, nhắc đến chiều tà thì người ta thường liên tưởng ngay đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Ở đây, Bà Huyện Thanh Quan cũng vậy, đứng ở nơi rừng núi hoang vu, trong khung cảnh chiều tà thì không tránh khỏi cảm giác mơ hồ buồn. “Cỏ cây chen đá lá chen hoa” một hình ảnh đầy độc đáo, đặc biệt. Nó gợi cho người đọc liên tưởng đến sự đông đúc, hội tụ giao thoa của những sự vật trong tự nhiên, trên những phiến đá quần tụ những hoa, những lá, sự um tùm, tươi tốt này mở ra không gian hoang sơ của núi rừng. Nhưng ở một góc độ nào đó, ta lại thấy sự tươi tốt, quần tụ của cảnh vật lại mơ hồ gợi nhắc con người tới tình cảnh lẻ loi, cô đơn của thực tại, khi một mình phải rời quê hương, người thân bạn bè để tha phương nơi đất khách.
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Nếu như không gian của rừng núi, nơi nhà thơ nghỉ chân gợi ra cái mơ hồ buồn, thì khi chứng kiến khung cảnh làng quê, con người ở xa xa kia càng làm đậm đặc, rõ nét hơn nỗi nhớ ấy. “Lom khom dưới núi tiều vài chú”, phía dưới chân núi là hình ảnh của những người tiều phu đang vội vã trở về nhà khi mặt trời dần lặn, một ngày sắp kết thúc. Hình ảnh “lom khom” gợi cho ta hình ảnh của những người tiều phu đang không lưng gồng trên vai mình những gánh củi nặng, thành quả của một ngày dài lao động. Tuy điểm nhìn khá xa, nhà thơ cũng không nhìn rõ nhưng qua câu thơ người đọc lại cảm nhận được cái gấp gáp của những bước chân, niềm vui nho nhỏ ẩn hiện đâu đó trên khuôn mặt của những người tiều phu, vì họ đã kết thúc một ngày lao động mệt mỏi, và giờ đây họ được trở về nhà xum vầy bên mái ấm của mình.
“Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, khi nhà thơ hướng tầm mắt ra phía xa kia, hình ảnh mà nhà thơ đón nhận, đó là hình ảnh của những ngôi nhà thấp thoáng. Hình ảnh con người, sự sống ẩn hiện đâu đó xung quanh đây gợi ra cái ấm áp của tình thân,niềm vui của sự xum vầy, đối nghịch với tình cảnh hiện tại của nhà thơ, đơn độc nơi đất khách với một nỗi niềm da diết, khắc khoải:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Qua những khung cảnh thiên nhiên,khung cảnh của cuộc sống thường nhật đã gợi ra nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết trong lòng Bà Huyện Thanh Quan. Nỗi nhớ ấy đã được nhà thơ khái quát qua hai câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”, trước hết, đối tượng của nỗi nhớ ấy chính là nỗi nhớ, tình yêu dành cho đất nước. Đây là khoảng thời gian đầy đặc biệt, đất nước loạn li, chia cắt, vì vậy mà ta có thể phần nào hiểu được nỗi niềm thương nhớ của Bà Huyện Thanh Quan về một đất nước hòa bình,thống nhất, yên vui. “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”,từ nỗi nhớ da diết đến đau thắt lòng khi nghĩ về đất nước thì khi nhìn lại, nhà thơ lại ôm nỗi niềm đầy tính chất cá nhân, đó chính là nỗi nhớ nhà.
“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”.
Dù sầu muộn với những nguồn cảm xúc, suy tư phức tạp, nhưng với tâm hồn đầy tinh tế, nhạy cảm của người thi sĩ thì Bà Huyện Thanh Quan vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của non sông gấm vóc của quê hương, nơi tác giả dừng chân đây tuy có vẻ hoang sơ, tịch mịch nhưng chính trong cái tĩnh mịch ấy lại càng làm tôn lên vẻ đẹp hùng vĩ, bát ngát của không gian núi rừng. Và những phiền muộn, những nỗi nhớ da diết đến đứt lòng ấy Bà Huyện Thanh Quan không thể dãi bày cùng ai mà chỉ có thể ôm ấp suy tư trong chính mình, giữ riêng cho mình “Một mảnh tình riêng ta với ta”
Bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan vừa gợi ra một bức tranh rừng núi hoang sơ, hùng vĩ; vừa gợi ra khung cảnh cuộc sống thường nhật đơn sơ, giản dị nhưng quá đỗi ấm áp. Nhưng cái nền khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống ấy chính là cơ sở để người thi sĩ bộc lộ những nỗi niềm, tình cảm riêng tư, đó là tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu da diết của người xa quê, đơn độc nơi đất khách quê người.