Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại độc lập cho nhân dân vùng Tĩnh Hải quân nhưng sau đó chưa lâu thì bị tướng Kiều Công Tiễn giết hại, âm mưu đoạt chức Tiết độ sứ. Nhận được tin dữ cha vợ bị tên giặc giết hại, Ngô Quyền tập hợp quân lính đem quân ra Bắc đánh tên nghịch tặc vì tội phản chủ. Nghe tin Ngô Quyền sắp đem quân ra đánh, Kiều Công Tiễn sợ hãi, chạy sang cầu cứu quân Nam Hán. Không bỏ lỡ cơ hội này, vua Nam Hán nhanh chóng tập binh lực lượng, giao cho con trai thứ chin là Hoằng Thao đem quân sang xâm lược một lần nữa.
Nhận được tin Hoằng Thao đem quân sang đánh, sau khi tập hợp các đạo quân chính nghĩa, Ngô Quyền mang quân tiến ra thành Đại La giết chết Kiều Công Tiễn – kẻ đã “cõng rắn cắn gà nhà”, rước giặc xâm lược bờ cõi nước ta. Ông nói rằng:
- Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.
Các tướng lĩnh nghe theo chiến lược của Ngô Quyền, cho là phải lắm. Vừa lợi dụng được lòng hiếu chiến và non nớt của tướng địch, lại vừa có thể dựa vào sức mạnh thiên nhiên, thật không gì có thể tốt hơn được nữa!
Ngô Quyền nhanh chóng cho lính chặt những cây gỗ lớn nhất, chờ đến khi đêm xuống mới bắt đầu vát nhọn đầu, bọc sắt, chờ ngày ra trận. Bởi vậy mà mật thám quân thù không hề hay biết, chúng cứ ung dung tiến tới bờ cõi nước ta với thái độ ngông nghênh ngạo mạn.
Vào một ngày cuối đông năm 938, tại cửa sông Bạch Đằng, chiến thuyền của quân địch đã tới sát cửa sông. Hoằng Thao vừa đi vừa thét lớn:
- Giao Chỉ bé nhỏ này, chỉ một tay ta là ôm được tất!
Ngô Quyền cho lính bơi thuyền nhẹ ra khiêu khích. Giặc hối hả bắn cung, tốt gươm sáng loáng, ta vờ thua lui về phía thượng lưu. Thấy quân sĩ ta chỉ có thuyền nhỏ, quân lại ít, giặc tưởng có thể dễ dàng ăn tươi nuốt sống nên hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền lại cho quân lùi sâu hơn nữa. Hoằng Thao hung hăng cho quân lính tiến theo, âm mưu giết sạch hết binh sĩ của ta nhưng không thể ngờ rằng hắn đã sa vào bẫy quân ta giăng sẵn! Chiều đã ngả, triều cường bắt đầu rút xuống rất nhanh. Thuyền giặc lớn nên bị mắc cạn, rơi vào thế “Tiến thoái lưỡng nan”, tiến không được mà lui cũng chẳng xong. Lúc này, Ngô Quyền mới hạ lệnh binh sĩ từ hai bên tả hữu sông Bạch Đằng sông ra đánh. Hoằng Thao hét lên:
- Binh sĩ đâu, tiến lên giành lấy đất Giao Chỉ cho ta!
Nhưng thuyền giặc sao có thể tiến thêm được nữa! Quân ta bơi thuyền nhỏ, xông ra tấn công kẻ thù dữ dội. Thuyền lớn của quân địch bị cọc đâm thủng hết, từng tên giặc lần lượt giơ kiếm đầu hàng. Quân Nam Hán thua chạy, còn Hoằng Thao đã tử trận cùng với nửa đám quân sĩ từ lúc nào. Thuyền giặc bốc cháy ngùn ngụt trên dòng sông Bạch Đằng, tiếng reo hò vang dội của quân sĩ ta vang lên. Đó là cái giá phải trả cho những kẻ đi cướp nước!
Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng ở biên giới, nghe tin con là Hoằng Thao đã tử trận bèn khóc thương rồi cho quân lui về. Từ ấy, nước Nam Hán không còn ôm mộng xâm lược nước ta nữa. Còn về phần Ngô Quyền, sau chiến thắng rực rỡ trên sông Bạch Đằng năm 938, trận thủy chiến oanh liệt của dân tộc ta, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô, đóng quân ở thành Cổ Loa.
Người đời còn nhắc tên vua Ngô Quyền với trận thủy chiến trên sông ấy mãi. Người ta nói rằng đó vừa là một vị tướng tài ba, lại là người am hiểu địa hình của đất nước, xứng đáng trở thành người đứng đầu cho một chính quyền còn non trẻ bấy giờ.