LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích đặc điểm nhân vật người bà trong đoạn trích sau

 viết bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật người bà trong đoạn trích sau :

                                                          '' Bà tôi''
 Bà tôi vẫn thường hay nói với tôi: '' bà sống được ngày nào hay ngày ấy. Người già như ngọn đèn trước giỏ, không biết tắt lúc nào''
    Bữa ăn bà thường ngồi đầu nồi, lấy đũa cả đánh tơi cơm ra rồi xới. Bà xới cho bà bát cơm trên, sau mới xới cho cả nhà và cho tôi. Khi ăn, bao giờ bà cũng ăn sau. Mùa hè bà bảo là phải quạt một chút cho mát, mùa rét thì bà bảo bà phải nghỉ một tí cho đỡ mệt rồi bà mới ăn. Bà ăn rất ít, thường thì chỉ hai lưng, một lưng cơm, một miếng cháy. Trong lúc ăn, bà hay để ý đến tôi, nếu tôi có vẻ thích ăn món gì thì bà lại ít ăn món ấy. Có khi bà cần chan một ít nước dưa hoặc ăn với một vài quả cà pháo là xong bữa.

   Lại còn chỗ nằm của bà thì rất đơn giản: một miếng ván hay một cái chõng nhỏ cũng đủ để bà ngủ ngon (mặc dù bà rất tỉnh ngủ).

      Suốt những năm thơ ấu, tôi thường ngủ cạnh bà. Tôi còn nhớ là bà nằm rất ít chỗ, có khi bà chỉ nằm nghiêng suốt đêm bên lề cái phản hẹp, còn tôi thì vùng vẫy xoay xở gần hết cả phản. Khi ấy tôi cũng không hiểu là do bà tôi bé nhỏ hay là bà quen nằm hẹp như vậy.

     Bố mẹ tôi đi làm cả ngày, chỉ có bữa ăn, sáng sớm và chiều tối là đầy đủ cả gia đình. Trong bữa ăn, mẹ tôi thường trao đổi với bà về giá cả chợ búa, còn bố tôi thì thỉnh thoảng kể chuyện về cơ quan của bố tôi v.v… Hàng ngày chỉ có tôi và bà tôi là ở gần nhau và hay chuyện trò với nhau nhiều nhất. Tôi đi học một buổi, về lại quanh quẩn nhặt rau, lấy muối giúp bà, xâu kim cho bà vá quần áo. Khi ngồi khâu, bà hay kể cho tôi nghe bao nhiêu là truyện: Truyện Kiều, truyện Nhị Độ Mai… những truyện vần, bà thường thuộc từ đầu đến cuối. Có lúc bà lại kể chuyện về bố tôi, hồi bố tôi còn bé hay đau ốm như thế nào, bà đã phải nuôi bố tôi vất vả như thế nào v.v… Bà kể đi kể lại những chuyện như vậy làm tôi cũng thuộc làu đến nỗi nếu như bà kể câu trước là tôi có thể tiếp câu sau được.

     Mấy lần bố tôi bắt gặp bà đang kể chuyện cho tôi nghe, bố tôi nhăn nhó gắt bà: “Bà chỉ lẩm cẩm”. Bà tôi mỉm cười và thôi không nói nữa.

     Có hôm tôi nghe thấy bố tôi phàn nàn với mẹ tôi là: “Bà độ này lẩm cẩm quá, nói nhiều mà lại hay quên!”. Mẹ tôi công nhận: “Đúng đấy, ai lại hôm nọ bà vừa rửa bát mà quên không khoá máy nước! Ở nhà tập thể, chung đụng với nhau, người ta nói cho rát cả mặt!”

      Gia đình tôi ngày càng thêm va chạm giữa bố mẹ tôi với bà tôi. Đầu tiên là những chuyện vặt rồi qua đi, rồi lặp lại. Mỗi lần lặp lại thì chuyện càng to và càng nặng nề hơn. Đấy là một lần bà đi chợ, bị mất cắp cái phiếu thực phẩm. Mẹ tôi nói bâng quơ:

     - Thế là tháng này nhịn! Nước mắm chẳng có, thịt cá cũng chẳng có! Lấy tiền đâu ra mà mua thực phẩm chợ đen!

       - Tôi đâu muốn thế, – bà tôi nói một cách ăn năn – chẳng may thôi. Thực ra tôi cũng đã đề phòng kẻ cắp rồi, tôi vẫn giữ khư khư lấy cái túi áo để tem phiếu, ai biết đâu lúc đưa tay ra trả tiền hàng rau thì nó rút mất. Phòng kẻ ngay chứ phòng thế nào được kẻ gian.

      - Đề phòng gì! – Bố tôi day diết. – Bà thì cần giữ gìn gì cho gia đình. Bà có làm ra tiền đâu mà bà biết xót.

  Nghe vậy, bà tôi tái mặt đi rồi bỗng nổi cáu lên đùng đùng:

   - A, ra là bây giờ anh cậy làm ra tiền nên anh có quyền mắng tôi! Phải, bây giờ tôi già rồi, tôi không làm được ra tiền nữa nên anh khinh tôi. Anh có biết đâu ngày xưa tôi đã ở vậy nuôi dạy anh nên người. Biết bao nhiêu là khó nhọc.

- Ai đẻ con ra mà chả phải nuôi. – Bố tôi cãi.

- Trời cao đất dày ơi, – bà tôi khóc, – tôi không ngờ anh lại bạc như thế. Có con như thế này còn khổ tâm hơn là không có con! Thôi, từ nay anh hãy coi như anh không có mẹ. Để tôi đi đằng nào tôi đi…

Tôi nhìn bà, nhìn bố mẹ, lòng thấy sợ hãi khổ sở mà không biết làm thế nào. Tôi khóc oà lên. Cả nhà im dần. Bà ôm tôi vào lòng, lau nước mắt cho tôi, nước mắt bà lại càng ròng ròng.

  Tối hôm ấy bà trằn trọc không ngủ, tôi biết hết nhưng cứ nằm yên giả vờ ngủ. Rồi bà dậy xếp dọn đồ đạc của bà: vài bộ quần áo, một cái khăn len đã cũ mà thỉnh thoảng bà mới chít, một hộp đồ khâu (trong đó có ba cái kim, hai cuộn chỉ và nhiều vụn vá các màu), hai cái lược – một lược thưa, một lược bí. Bà xếp tất cả những thứ đó vào trong một cái túi du lịch đã cũ. Nhìn những đồ đạc ít ỏi và tầm thường của bà, tôi cứ tấm tức khóc thầm .
                                               ( Trích '' Bà tôi'' - Xuân Quỳnh)

1 trả lời
Hỏi chi tiết
415
1
0
Tiến Dũng
07/04 20:26:05
+5đ tặng
 

     Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ tài năng hiếm có của văn học Việt Nam. Nhưng tuổi thơ bà lại chẳng được như sự nghiệp. Nữ sĩ mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ, sau khi bố đi thêm bước nữa gia đình lại chẳng được ấm êm. Một tuổi thơ đầy nỗi buồn. Nhưng may mắn thay vẫn còn người bà luôn ở bên che chở, yêu thương. Và như để gửi gắm những tình cảm, những yêu thương của mình dành cho bà, Xuân Quỳnh đã viết nên truyện ngắn “Bà tôi”.

      Câu chuyện kể về người bà của nhân vật tôi. Đó là bà nội, bà lên sống với người con trai là bố của “tôi” ở thành phố. Bà vô cùng yêu thương “tôi” nhưng vì bà đã già rồi, đã lẩm cẩm mà bố mẹ của “tôi” nghĩ rằng bà gây ra biết bao phiền phức. Tủi thân bà bỏ nhà về quê bán bỏng. Tuy vậy nhưng chẳng lúc nào bà quên người cháu của bà. Khi “tôi” biết được bà đã già mà vẫn còn phải vất vả kiếm sống đã òa khóc nức nở và khi ấy người bố mới nhận ra lỗi lầm của mình mà đón bà trở về.

 Qua câu truyện, ta thấy được bà là người mẹ hết lòng vì con, người bà yêu thương cháu hết mực. Ở cái thời của bà, chiến tranh thì ác liệt, cơm chẳng đủ ăn ấy chứ đừng nói là học hành. Nhưng bà vẫn cố gắng lo cho bố “tôi” đủ cái ăn, cái mặc để khôn lớn mà có công ăn việc làm ở thành phố như bây giờ. Bà hay kể cho “ tôi” nghe bà đã vất vả nuôi nấng bố thế nào “Có lúc bà lại kể chuyện về bố tôi, hồi bố tôi còn bé hay đau ốm như thế nào, bà đã phải nuôi bố tôi vất vả như thế nào v.v… Bà kể đi kể lại những chuyện như vậy làm tôi cũng thuộc làu đến nỗi nếu như bà kể câu trước là tôi có thể tiếp câu sau được.” Bà kể rất nhiều, nhiều lần mà chẳng hề chán. Bà kể không phải vì bà muốn kể công mà đối với bà đó là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì bà đã làm trọn nghĩa vụ của một người mẹ. Bà đã nuôi nấng bố “tôi” vất vả, hi sinh biết bao để được như hôm nay. Bà hạnh phúc vì thành quả mình đã đạt được. Đó là con trai của bà đã có công ăn việc làm, đã có gia đình êm ấm, đã có đứa cháu dễ thương là “tôi”. Từ chi tiết này, độc giả có thể cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng lúc nào cũng cháy bỏng trong bà. Niềm hạnh phúc của một người phụ nữ không phải là được ăn ngon mặc đẹp hay sống nhà cao cửa rộng mà chỉ cần con cháu mình hạnh phúc, ấm no là đủ rồi. Bà hạnh phúc, bà vui vẻ, mãn nguyện vì con cháu mình đã no đủ.

Chẳng còn cái thời cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc nữa nhưng bà vẫn rất cần kiệm. Bà tiết kiệm, nhường nhịn để con cháu có thể được ăn nhiều hơn, ăn no hơn. Còn bà, bà già rồi “Bà sống được ngày nào hay ngày ấy. Người già như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào”. Bà ơi! Sao bà vất vả đến vậy. Khi trẻ thì bà vì con, lúc già vì cháu, cả cuộc đời bà biết sống cho mình lúc nào. Đức hi sinh của bà biết núi nào sánh bằng, sông nào đo được. Bà phần những gì ngon nhất cho con, cho cháu còn mình chỉ nước dưa, quả cà qua bữa. Đến giấc ngủ bà cũng nhường nhịn để cháu được say giấc tròn. Cuộc đời bà sao khổ quá, bà chẳng khi nào được nghỉ ngơi, được sống cho mình. Bà luôn thương con, thương cháu, một lòng vì con cháu. Bởi niềm vui duy nhất của bà là con cháu mà được hạnh phúc, còn bà thì sao cũng được. Bà đã già rồi vẫn lo lắng cho con cháu, phụ lo việc nhà, cái gì ngon cũng cho con cho cháu. Bà thương cháu lắm, bà chơi cùng cháu, trò chuyện với cháu, cho cháu những gì tốt nhất. Bà nuôi dưỡng tâm hồn cháu bằng những vẻ đẹp của văn chương “truyện Kiều, truyện Nhị Độ Mai… những truyện vần, bà thường thuộc từ đầu đến cuối”. Bà muốn cháu lớn lên khỏe mạnh nhưng tâm hồn cũng ấm áp và giàu lòng thương cảm nữa. Lòng của bà, tình yêu của bà thật rộng lớn và cao cả. Người phụ nữa cả cuộc đời sống vì người khác.

Yêu thương con cháu hết mực là vậy nhưng mà sao buồn quá, con lại chẳng hiểu cho bà. Vì bà già rồi, bà lẩm cẩm rồi, chậm chạp và nói nhiều quá nên khiến con cháu phiền hà. Vậy nhưng người con ấy- bố “tôi” sao lại quên nhanh thế,vì ai mà bà mới già nua vất vả, vì ai mà bà cố gắng cả đời thanh xuân, vì anh mà bà lẩm cẩm… Là vì con, vì người đàn ông đấy.Vậy mà giờ đây, chỉ vì mấy tấm tem phiếu mà đứa con bà từng đứt ruột đẻ ra, cắn rơm cắn cỏ nuôi lớn từng ngày lại mắng mỏ bà, nói bà không làm ra tiền nên chẳng biết tiếc. Những lời ấy như dao cứa vào tim can bà, những năm tháng nhọc nhằn nuôi lớn con cũng chẳng đau đớn bằng việc con chính miệng mắng mẹ. Đau đớn thay, tủi cực thay. Bà cũng một lần nữa vì con, vì cháu, vì không muốn trở thành gánh nặng mà khăn gói quả mướp trở về quê một mình tự mưu sinh khi tuổi đã gần đất xa trời. Nhưng bà vẫn thương cháu lắm, bà lo cháu ở nhà một mình chẳng no bữa cơm trưa, sợ cháu sẽ buồn khi thiếu vắng bà, sợ cháu sẽ khóc òa lên khi biết bà bỏ đi. Trước khi đi bà hết lời dỗ dành cháu, nói dối rằng mình chỉ đỉ đôi ba hôm. Cả cuộc đời bà đều phải nói dối, nói dối để hi sinh cho con cho cháu để giờ đổi lại là sự xót xa này. Dù cuộc sống xa con có vất vả đến mấy bà cũng luôn dành cho cháu những điều ngọt ngào nhất “thỉnh thoảng bà lại lên thăm tôi và lần nào cũng mang quà cho tôi, khi thì nắm táo, khi thì mấy quả ổi hoặc chùm dâu gia”. Bà thương cháu lắm và cháu cũng rất thương bà. Chính vì thế mà khi “tôi” biết tin bà phải bán bỏng ở bến tàu “tôi” đã ngay lập tức trở về nhà mà kể với cha mẹ. “Tôi” đã òa khóc nấc lên mãi cho đến khi bố đồng ý mai sẽ đón bà trở về. Có thể thấy, cuộc đời bả cả đời vất vả, hết lòng vì con, vì cháu mà đổi lại cũng thật tủi cực “Nhìn người già quả thực không ai lại hình dung được người ấy ngày xưa lại có nhan sắc! Thế mà ngày còn trẻ cụ là người có nhan sắc và nết na lắm đấy. Tội nghiệp! Biết đâu bây giờ lại khổ!”. Thật xót xa.

     Qua câu chuyện, ta có thể thấy được người bà của Xuân Quỳnh là một mẹ giàu đức hi sinh, một người mẹ hết lòng vì con, người bà hết mực yêu cháu. Nhưng cái khổ khốn nạn ấy lại đeo bám bà mãi vậy, để đến tận lúc già bà vẫn chẳng được thảnh thơi, an nhàn. Mong rằng, qua tác phẩm những người con, người cháu sẽ hiểu được sự vất vả, gian khổ mà người mẹ, người bà đã phải trải qua để cho họ được sống ấm no như hôm nay. Từ đó hiếu thảo, yêu thương và phụng dưỡng những người phụ nữ vĩ đại ấy.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư