Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích hình ảnh người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

1 trả lời
Hỏi chi tiết
446
1
0
Nguyễn Nhật Thúy ...
15/04/2019 11:25:50
Bằng ngòi bút độc đáo, uyên bác, tài hoa, cùng lòng yêu thiên nhiên sâu sắc và những khám phá mới mẻ trong chuyến đi trải nghiệm thực tế ngược dòng Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã viết nên những trang bút ký đặc sắc, tái hiện một cách độc đáo vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng được ví như bản trường ca bất tận rừng già của sông Đà. Song song với hình tượng con sông Đà vừa dữ dội vừa dịu dàng ấy, là hình ảnh người lái đò sông Đà can trường, dũng cảm, độc hành đưa con đò mưu sinh chiến đấu với con sông Đà vừa hung hiểm vừa xinh đẹp.
Nguyễn Tuân đã có nhận xét ban đầu như thế này “Cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một kẻ thù số một”. Để thấy rằng cuộc sống mưu sinh trên dòng sông hùng vĩ kiêu ngạo ấy phải vất vả, gian lao biết mấy, có lẽ là nơi chỉ giành cho những chàng trai lực lưỡng trẻ khỏe, đủ can đảm mà chiến đấu với con sông mang tâm tình bất định “lúc van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”, như một con thú với tiếng rống “như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa…”. Ấy thế mà chẳng như chúng ta hằng tưởng tượng, người lái đò ấy lại là một ông lão, phải, là một ông lão đã tầm bảy mươi, ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, với bao người là độ tuổi được an hưởng tuổi già, chứ chẳng phải lênh đênh kiếm kế mưu sinh trên sóng nước hiểm trở. Nguyễn Tuân đã xây dựng một hình tượng người lái đò đầy xuất sắc với hai vai trò nổi bật, vừa là một chiến sĩ can trường trên mặt trận sông nước với vũ khí duy nhất là mái chèo, vừa là một người nghệ sĩ tài hoa hằng ngày vẫn viết nên bản những bản hùng ca tuyệt đẹp về sức mạnh của những con người lao động. Theo Nguyễn Tuân, ông lái đò đã xuôi ngược trên sông Đà không dưới trăm lần, trong đó đã có tới 60 lần ông cầm lái chính. Hình ảnh ông lái đò Lai Châu hiện lên với một vẻ ngoài đầy phong sương, cơ thể in hằn mùi sông nước, gắn liền với nghề nghiệp của ông “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,…” đặc biệt trên ngực ông có nhiều “củ nâu” đó là vết tích của những ngày tháng chiến đấu vật lộn với sông Đà, mà Nguyễn Tuân đã dí dỏm ví nó như là “những huân chương lao động siêu hạng”. Ông lái đò không phải là người an phận ngược lại ông thích đương đầu với hiểm nguy, khó khăn, với những pha hành động gay cấn, thế nên ông thích đi qua những ghềnh thác khó nhằn của con sông Đà, ông bảo rằng: “Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ”. Dù tuổi đã cao, nhưng ông luôn mang một tâm hồn trẻ khỏe, hiếu chiến, bản tính mạnh mẽ, can trường, niềm tin yêu cuộc sống, cùng sự gắn bó với nghề nghiệp và con sông Đà hùng vĩ, công việc của ông nghiễm nhiên trở thành niềm đam mê bất diệt, là niềm vui trong cuộc sống lao động vốn vất vả của ông. Chỉ bằng những nét khái quát như vậy, hình ảnh ông lái đò của Nguyễn Tuân đã để lại một dấu ấn sâu sắc, ấn tượng trong lòng độc giả. Sông Đà trong lòng ông lái đò như một bản thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc lòng, thuộc đến “từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng”, sự tài hoa, tỉ mẩn ấy được tác giả ví như “đóng đanh vào lòng”. Ông lái đò cũng nắm vững “binh pháp của thần sông thần núi”, như một vị tướng tài vận dụng xuất sắc binh pháp Tôn Tử “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, lại cũng như một người nghệ sĩ chuyên nghiệp nắm rõ cái mặt trận nghệ thuật đầy cam go của mà ông đã theo đuổi gần hết đời người. Trong cuộc chiến không cân sức, giữa người lái đò lẻ loi, cùng con sông Đà hung bạo, nguy hiểm, ông lái đò như một người hùng cưỡi chiến mã, tay vung gươm vượt qua kẻ địch, như chiến thần Triệu Vân của Tam Quốc, đơn thương độc mã phá vòng vây quân thù, chỉ khác mỗi điều mặt trận của ông là mênh mông sóng nước.
Trên cái mặt trận hung hiểm, trèo thác vượt ghềnh ấy, đòi hỏi người chiến sĩ phải cực kỳ dũng cảm và bình tĩnh để ứng phó với mọi sự biến đổi khôn lường, giảo hoạt của con sông, bởi chỉ sơ sẩy một chút thôi thì đến mạng cũng chẳng còn, nói gì đến chuyện làm một người nghệ sĩ tài hoa trên con sông Đà nghệ thuật. Nguyễn Tuân đã đặt cho những khó khăn, cửa ải mà ông lái đò phải vượt qua một cái tên rất “nhà binh” và cũng đầy tính nghệ thuật là “trùng vi thạch trận”. Ông lái đò đã xuất sắc lần lượt vượt qua những cửa ải hung hiểm ấy một cách điêu luyện, mặc dù có những lúc đã bị thương, nhưng nỗi đau đớn ấy chẳng thấm vào đâu so với việc bị mất mạng. Bằng kinh nghiệm dày dạn và lòng dũng cảm, một tinh thần vững chãi cùng lòng tự tin đã “nắm chắc binh pháp của thần sông thần núi”, cũng hiểu rõ phải chống trả, tránh né làm sao để qua được ải đầu tiên, ông lái đò bước vào “trùng vi thạch trận thứ nhất” đầy căng thẳng. Có những lúc trúng đòn hiểm, đau đớn đến “mặt méo bệch đi”, nhưng ông làm sao dám buông lỏng, chỉ cố nhịn đau mà “kẹp chặt lấy cuống lái”, bình tĩnh vượt qua trùng vi thạch trận thứ nhất, thế là qua được một ải. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, ở trùng vi thạch trận thứ hai ông lập tức thay đổi chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, không cho con sông Đà có một cơ hội phải kích nào. Vòng thứ hai này có phần hung hiểm hơn trước khi “tăng thêm nhiều cửa tử để lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch sang bờ hữu ngạn”. Thế nhưng cái bẫy đó cũng chẳng qua nổi con mắt tinh tường của ông lái đò, bởi ông đã nắm chắc “quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Ông ví lái đò qua khúc này như “cưỡi hổ phải cưỡi tới cùng”, phải nắm đúng cái “bờm sóng” , rồi cứ thế “phóng nhanh vào cửa sinh, lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Ngặt thay lại có một bọn đá định lôi con thuyền vào tập đoàn cửa tử, thì ông đò “vẫn nhớ mặt bọn này”, bọn thác đá vẫn không ngừng khiêu khích, nhưng chúng chỉ như đang làm trò hề trước mặt ông đò, bởi ông đã tự tin “tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên chặt đôi mà mở đường tiến”. Thế là xong nốt ải thứ hai, nhanh và chuẩn xác. Nói nghe thì dễ đấy, nhưng có mấy ai đủ bình tĩnh và tay chèo điêu luyện để nhằm trúng vào cửa sinh như ông lái đò Lai Châu? Còn một ải cuối nữa, ải này “ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ỏ chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác”, mới nghe đã thấy khó khăn đủ bề, nhưng ông đò rất mạnh dạn “phóng thẳng thuyền, chọc thủng giữa cửa đó” ,“thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”. Vậy là qua hết cả ba ải, mà ải nào cũng nguy hiểm vô cùng, con sông lại trở về với vẻ thanh bình, lặng lẽ.
Đọc hết đoạn vượt thác đầy cam go, gay cấn của ông lái đò Lai Châu, ta cứ cảm tưởng mình vừa coi một bộ phim hành động nghẹt thở, hồi hộp đến từng phút giây, mà ông lái đò chính là nhân vật chính. Hình ảnh người lao động anh hùng, hằng ngày chiến đấu vật lộn với thiên nhiên trong nguy hiểm trùng trùng đã làm nổi bật lên vẻ đẹp và sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ và kiêu ngạo. Đây là một cuộc chiến không cân sức, nhưng bằng sự thông minh, gan dạ, kiên cường bất khuất, con người lao động đã chế ngự, vượt lên trên cái sự khiêu khích, hằn học của thiên nhiên. Hình tượng ông lái đò được tác giả xây dựng trên hai vai trò, vừa là người chiến sĩ anh hùng, quả cảm, vừa là người nghệ sĩ tài ba đã viết nên một bản hùng ca tuyệt đẹp về cuộc sống lao động, về nghệ thuật chèo lái trên con sông Đà rộng lớn. Nguyễn Tuân có một quan điểm nghệ thuật đầy mới mẻ, có phần tương đồng với một số tác giả như Nam Cao hay Nguyễn Huy Tưởng, ông cho rằng nghệ thuật không phải chỉ là những người nghệ sĩ với những hình tượng thơ mộng, mơ hồ cao xa như mây-trăng, gió-núi, mà người làm nghệ thuật còn là những người lao động, vốn đã nhuần nhuyễn, đạt đỉnh cao điêu luyện trong chính nghề nghiệp của mình thì cũng là người làm nghệ thuật chân chính, thứ nghệ thuật ấy chính là nghệ thuật trong lao động. Bởi trong những con người ấy chất chứa cả một niềm đam mê sâu sắc, niềm tin yêu, luôn tìm cách sáng tạo, đột phá, tạo ra những cung đường mới mẻ cho nghề nghiệp của mình.
Hình tượng người lái đò sông Đà được xây dựng rất thành công qua ngòi bút độc đáo và sáng tạo của Nguyễn Tuân. Trong hơi thở văn chương ấy, nhà văn đã khẳng định được tài năng và sức mạnh cường đại của con người, cuộc chiến không cân sức giữa con người lao động và thiên nhiên kỳ bí vốn có nhiều cam go, vất vả. Nhưng bằng sự thông minh, sáng tạo, đức tính kiên cường, tỉ mỉ vốn ăn sâu vào máu của những người lao động, họ đã chiến thắng một cách huy hoàng, vẻ vang nhất, trở thành người nghệ sĩ tài ba trên chính mặt trận tìm kế sinh nhai của mình.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 12 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k