- Nhân vật “tôi”:
+ Là đứa con gái còn nhỏ tuổi nhưng giàu tình cảm, hiểu chuyện và rất thương những người thân trong gia đình của mình. Biết mẹ bỏ cha con mình đi lên phố, và nghe cha nói: “Mẹ chúng mày đã chết rồi. Từ nay tao cấm chị em mày yêu nhắc tới mẹ. Đứa nào nhắc tới, tao giết.” em chỉ: “nằm ôm đứa em trai sáu tuổi và lặng lẽ khóc.”
+ Yêu thương em và dỗ dành em một cách khéo léo: - Mẹ đang ở thành phố. Mẹ sẽ về”.
+ Em thương cha và lo lắng, quan tâm đến cha: “Tôi lấy chăn đắp cho cha và ngồi nhìn cha mà khóc. ... tôi chong đèn chờ cha.”; “Tôi giằng lấy chai rượu từ tay cha tôi và nói như gào:
- Cha không được uống rượu. Cha không được uống.”.
+ Bị rơi vào hoàn cảnh bất hạnh do người lớn gây ra, nhưng em không than phiền, oán trách cha mẹ: “Cũng vào năm đó, tôi phải bỏ học. Suốt ngày tôi lo việc giặt giũ, cơm nước cho cha tôi với đứa em.”.
+ Cũng như bao đứa trẻ khác, “tôi” ao ước được sống trong một mái ấm gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Bởi vậy nên: “tôi mơ thấy những ngày hạnh phúc của gia đình tôi. Những bữa cơm tối đầm ấm. Mẹ tôi luôn gắp thức ăn cho cha con tôi. Rồi tôi mơ thấy mẹ tôi từ thành phố trở về. Cha tôi ra tận đầu thị trấn đón mẹ. Mẹ tôi gục mặt vào ngực cha tôi khóc mãi.”.
+ Mặc dù bị cha đánh nhưng không kháng cự bởi “tôi” biết cha vô cùng đau buồn, tức giận, hận mẹ đã phụ tình cha đi theo người đàn ông khác, bỏ cha con “tôi”: “Nghe cha khóc, tôi không thể nào bỏ chạy được. Tôi nghiến răng, quỳ trên nền nhà chịu trận đòn của cha. Đến khuya, khi cha tôi đã ngủ mê mệt vì rượu, tôi mới lặng lẽ thu dọn những mảnh chai vỡ.”. Hay, khi mẹ về đón hai chị em lên phố ở với mẹ, ngay trong giấc mơ “tôi” cũng rất lo lắng, thương cha của mình: “Tôi thao thức mãi không ngủ được vì nhớ cha tôi sẽ thế nào khi chiều đi làm về không thấy chúng tôi.”. Khi phải ở trong tình thế căng thẳng phải có sự lựa chọn đớn đau, thì trong lòng “tôi” vẫn trào dâng tình yêu thương cha: “Lúc đó tôi nghe thấy cha tôi ho. Và hiện lên trong ký ức tôi những buổi tối cha tôi nằm co quắp trên nền nhà vì say rượu. Và trong tâm trí tôi vang lên giọng cha tôi: “Tay con làm sao thế kia?”. Lúc đó tôi cắn môi kìm tiếng nấc”. Cuối cùng, “tôi” đã đi đến quyết định theo cha về quê: “- Cho chúng con về quê.”. Chúng ta thật cảm phục trước tình yêu của “tôi” dành cho cha.
+ Nỗi đau chồng chất nỗi đau, và trong một tình huống không thể giấu cha:”Nhưng đến một lần cái cán chổi đánh trúng khớp cổ tay tôi. Cổ tay tôi bị bong gân sưng vù. Tôi không thể nào giấu cha được.” . Và rồi, trong tột cùng của đau đớn: “tôi càng khóc to. Tôi khóc không phải vì đau đớn. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì cái giọng xót xa của cha tôi...- Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa.”.
+“Tôi” cảm nhận được tình yêu thương của cha dành cho mình và thấu hiểu được nỗi đau đang trào dâng trong tâm hồn cha khi biết sự thật chính cha là người làm cho con gái mình chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần: “Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng “u... u” kéo dài trên đầu tôi bất tận.”.
+ Chính tình yêu thương cha và tấm lòng nhân hậu của “tôi” đã giúp người cha bừng tỉnh trong cơn say: “Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng....Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.”. Được sống trong vòng tay ấm áp của cha, được cha thì thầm nói những lời yêu thương, bao nhiêu nỗi đau, tủi cực trong “tôi” dường như tan biến hết: “Tôi dụi mặt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết.”