Lạc quan trước hết là yêu đời, xem đời là đáng sống, cho dù trên đường đời gặp phải lắm cảnh éo le, phiền muộn và gian truân, hoặc phải đụng lắm điều hèn nhát, ti tiện, phản trắc. Những cái tiêu cực ấy, đối với người lạc quan, chỉ là những chướng ngại cần bước qua để xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn, xứng đáng với tình người.
Lạc quan cũng là tin tưởng vào sức bản thân mình có thể đạt được những mục tiêu chính đáng mình đặt ra, mặc dầu có thể thất bại nhiều phen; là tin vào sức người, có thể nắm dược vận mạng của người, chứ không phải cúi đầu cam chịu số kiếp bị quvết định sẵn từ đâu đâu; là tin vào hướng tiến lên của lịch sử nhân loại, tới độc lập, tự do, hạnh phúc của các dân tộc, chớ không phải luẩn quẩn trong cái vòng cứ thoát khỏi chế độ áp bức bóc lột này thì lại lọt vào chế độ áp bức bóc lột khác mãi mãi không thôi.
Lạc quan không phải là mang mắt kiếng hồng để trông vào mọi vật, mọi người, thấv cái gì cũng tươi đẹp. Mang mắt kiếng hồng là chủ quan, là tự dối mình, cũng là dối người. Nguồn gốc của lạc quan không thể ở chỗ dối mình, dối người mà phải ở chỗ thấy rõ, thấy đúng sự thật khách quan, cho dầu sự thật đó đen tối như thế nào di nữa. Trong sự thật đó, nếu quả chỉ có đcn tối, không có cách nào cho nổ lực chủ quan làm sáng tỏ lên được, thì tất nhiên ta cũng phải thừa nhận như vậy, và tìm cách bày keo khác, sau khi rút kinh nghiệm.
Lạc quan không có nghĩa là nơi nào, lúc nào cũng thấy hay. Nhưng, nếu trong chỗ đen tối thật mà thấy được một ánh sáng đằng xa thì vẫn còn có cơ sở cho tư tưởng lạc quan. Chính là trong những tình thế khó khăn thì chủ nghĩa lạc quan mới phát huy tác dụng to lớn nhất; nó đỡ dậy những té ngã; nó khích lệ những ai nản lòng; nó củng cố lòng tin ở nơi nào lòng tin dao động; nó tìm thấy và chỉ ra cái ánh sáng của hi vọng trong bóng đêm của đau khổ.
Trong tư tưởng lạc quan có một lòng tin mãnh liệt. Nhưng lòng tin đó không phải là một sự tin tưởng có tính chất tôn giáo, mà là một sự tin tưởng có tính chất khoa học, nghĩa là có căn cứ thực tế, dựa trên suy lí chắc chắn và kinh nghiệm lịch sử.
Người bi quan, hê đụng một thất bại, một khó khăn thôi, thì tinh thần rời rã, buông trôi, tiêu cực, chịu thua, ngay cả trước khi chiến đấu. Không thể có anh hùng nghĩa khí ở chỗ bi quan. Trái lại, lạc quan là gốc lớn của tinh thần chiến đấu, chiến đấu với khí phách của người chiến thắng, hay ít ra là với khí phách của người dọn đường cho sự chiến thắng.