Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong câu chuyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

7 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
791
0
2
Xu ẳng Xu ẳng
02/06/2019 20:51:38
Tình cảm gia đình là một đề tài quan trọng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khai thác mảng đề tài này, Nguyễn Quang Sáng đã có một số tác phẩm đặc sắc như "Chiếc lược ngà", "Bông cẩm thạch",.. Trong đó, "Chiếc lược ngà" tạo được nhiều ấn tượng hơn cả. Một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm là nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật chính - nhân vật bé Thu - một cô bé cá tính, đáng yêu và có tình yêu ba tha thiết.
"Chiếc lược ngà" ra đời năm 1966 rồi được đưa vào tập truyện cùng tên (Chiếc lược ngà) của Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện được xây dựng trên một tình huống hiểu lầm tạo nhiều bất ngờ cảm động: Anh Sáu đi kháng chiến chống Pháp từ khi đứa con duy nhất của anh chưa đầy một tuổi. Từ đó hai ba con chưa hề gặp lại nhau, cho đến khi kháng chiến kết thúc, anh trở vể, đứa con gái tám tuổi không chịu nhận ba. Trong ba ngày ở nhà, bằng đủ mọi cách mà con bé vẫn không chịu gọi lấy một tiếng ba. Đến lúc phải ra đi nhận nhiệm vụ mới, bé Thu mới gọi anh bằng ba. Thật bất ngờ. Thì ra, nó không chịu nhận ba là vì vết thẹo trên má đã khiến anh không còn giống như trong bức ảnh chụp ngày cưới. Con bé chỉ gọi ba khi bà ngoại giải thích cho nó rõ điều này. Giây phút anh nghe được tiếng gọi mà anh chờ đợi đã bao năm ấy cũng là lúc cha con xa nhau. Anh Sáu hứa sẽ mang về tặng con một cây lược. Những ngày chiến đấu trong rừng, anh Sáu cặm cụi làm chiếc lược bằng ngà cho con gái. Chiếc lược đã làm xong nhưng chưa kịp trao cho con gái thì anh hi sinh.
Nhân vật cô bé tám tuổi ấy là Thu, mới có tám tuổi nhưng cô đã bướng bỉnh, gan góc và rất có cá tính. Trong tâm hồn trẻ thơ của bé Thu, chỉ có duy nhất hình ảnh một người ba mà nó biết qua bức ảnh chụp với má ngày cưới. Nó nhất quyết không chịu nhận ông Sáu là ba dù cả nhà - trong đó có bà nội - thừa nhận điều đó. Họ đón ông với tất cả tấm lòng chân thành, yêu thương của con người Nam Bộ. Chẳng những thế, ông còn vô cùng xúc động khi gặp nó. Nhưng bỏ qua tất cả, Thu vẫn hét lên sợ hãi khi ông Sáu lập cập đến với nó và lắp bắp gọi: "Thu! Ba đây con...". Có điều đó bởi Thu thấy ba nó trong bức ảnh không hề có vết thẹo trên má còn người cứ gọi nó là con, bắt nó gọi bằng ba bây giờ lại có vết thẹo dài trên má.
Không chỉ vậy, qua nhiều chi tiết miêu tả hành động của bé Thu Nguyễn Quang Sáng vừa thể hiện được tính cách đặc biệt của cô bé vừa tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Khi mẹ yêu cầu "mời ba vô ăn cơm", Thu gọi "trổng" "vô ăn cơm". Nồi cơm sôi, không tự chắt được con bé nhất quyết không chịu gọi ba để được giúp đỡ. Nó tìm mọi cách chăt nước không cần nhờ vả. Đặc biệt, tính cách rắn rỏi, ngang bướng vô cùng trẻ con của Thu được thể hiện qua chi tiết bé hất đổ cả chén cơm khi anh Sáu gắp cho nó cái trứng cá. Bị ba đánh, tưởng đâu "con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm, hoặc sẽ chạy vụt đi. Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm.". Đành rằng trẻ con chỉ tin vào những gì chúng thấy, đành rằng bé Thu không thể biết được sự ác nghiệt của bom đạn là thế nào, và nó có cách suy nghĩ theo kiểu trẻ con của nó, nhưng phải thừa nhận rằng cô bé này có một cá tính mạnh mẽ. Sự bướng bỉnh, gan góc đến kì lạ cùa bé Thu đã trở thành tiền đề để sau này trở thành lòng dũng cảm, sự lanh lợi của cô giao liên Thu.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, Thu cùng "Chiếc lược ngà" sẽ nằm lẫn vào vô vàn tác phẩm khác viết cho thiếu nhi. Điều khiến nhân vật cùng tác phẩm đi xa hơn trong lòng người đọc là ở chỗ bé Thu có một tình yêu ba nồng nàn, tha thiết.
Cô bé không nhận ba bởi cô hiểu nhầm về vết sẹo trên mặt ba. Cô đã nghĩ rằng "người ta" mang đến cho mình một người "ba giả"! Và vì thế, Thu càng phản đối quyết liệt người "ba giả" ấy bao nhiêu càng thể hiện cô bé yêu ba mình bấy nhiêu. Cái tình yêu ấy thật sâu sắc: nó chỉ có một, không thể chia sẻ cho bất kì ai khác, ngay cả khi đó là người được tất cả mọi người thừa nhận là ba của nó, là người yêu thương và quan tâm đến nó rất chân thành.
Khi biết rằng ông Sáu là ba thật của mình, và vết sẹo trên mặt ông là do thằng Mĩ gây nên, buổi sáng cuối cùng trong những ngày phép của ba "Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa của và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó, vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sẩm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa. " Không hiểu con bé "nghĩ ngợi sâu xa" điều gì, chỉ biết rằng khi ông Sáu buồn rầu quay lại nhìn nó - không dám lại gần sợ nó lại bỏ chạy như lần trước - nói: "Ba đi nghe con" thì nó bất ngờ lao đến thét lên: Ba., a... a...ba! Rồi ôm chặt lấy ông nức nở "Con không cho ba đi". Đến đây, người đọc mới vỡ lẽ ra rằng Thu thèm được gọi ba như thế nào. "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.". Bé Thu là đứa trẻ giàu tình cảm. Thái độ của bé Thu với ba bây giờ trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà. Song, trái ngược mà vẫn nhất quán. Vì quá yêu ba, quá khao khát được có ba nên khi nhận định không phải ba nó thì nó nhất định không chịu nhận, nhất định không gọi "ba" lấy một tiếng. Cho nên, khi tiếng gọi như xé kia cất lên ta thấy nó thiêng liêng vô cùng. Tiếng gọi ấy càng trở nên thiêng liêng, quý giá bởi đón chờ nó là cả tấm lòng cao đẹp, thương yêu con vô hạn của người cha.
Trong quá trình thể hiện diễn biến tâm lí nhân vật bé Thu có một chi tiết vô cùng quan trọng: chi tiết cái thẹo. Chính cái thẹo là nguyên nhân gây ra những hiểu lầm trong tình cảm của cha con mà Thu dành cho ba. Cái thẹo là vết thương mà giặc Mĩ gây ra cho ba Thu. Sự chia cắt gia đình không chỉ riêng gia đình bé Thu mà còn hàng triệu gia đình người Việt cũng là do giặc Mĩ gây ra. Thấu hiểu sâu sắc điều đó, sau này, Thu đã trở thành một nữ giao liên dũng cảm, can đảm. Cô đã quyết tâm tiếp bước con đường cha cô đã đi để đánh đuổi kẻ thù của gia đình, kẻ thù của dân tộc.
Xây dựng nhân vật bé Thu - một cô bé bướng bỉnh, cá tính nhưng có tình cảm yêu ba tha thiết cảm động - Nguyễn Quang Sáng đã tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ bởi vậy nhà văn đã tạo nên được một nhân vật trẻ thơ thực sự sống động gây nhiều niềm xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm đã tạo nên một tình huống hiểu lầm độc đáo mà chi tiết quan trọng nhất là chi tiết cái thẹo. Chi tiết này có giá trị giống như một "cái bóng" trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ hay "chiếc lá cuối cùng" trong truyện ngắn cùng tên của Ô Hen-ri,...
Nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc bởi một tính cách đặc biệt khó có thể nhầm lẫn. Nhân vật này đã góp phần tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm. Và vì vậy, cùng với tác phẩm, nhân vật bé Thu đã giành được một vị trí riêng trong lòng độc giả yêu truyện ngắn Việt Nam.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Ori
02/06/2019 20:52:48
Một cô bé Thu ương bướng, ngang ngạnh. Một cô giao liên thông minh gan dạ. Đó là tất cả những gì tôi yêu mến, khâm phục ở Thu. Những phẩm chất đó đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết rất hay, rất cảm động trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Câu chuyện mà mỗi lần đọc lên trong tôi lại trào dâng những cảm xúc mãnh liệt nhất.
Từ nhỏ Thu đã không được ba nựng nịu, không được ba ôm ấp chiều chuộng nhưng trong trái tim ngây thơ của Thu vẫn in đậm hình bóng người ba thân yêu qua những lần xem hình ba chụp. Ba - đó là cả một chuỗi dài nhớ nhung không bao giờ nguôi trong Thu. Vậy mà cô bé lại không chịu nhận ba trong lần ba về phép. Những ngày ở nhà mặc cho ông Sáu vỗ về, Thu vẫn lạnh nhạt coi ông Sáu chẳng bằng người dưng, tình huống gay cấn khiến tôi đọc lên cứ hồi hộp, tâm trạng tôi cũng như bác Ba tin rằng Thu sẽ phải chịu thua, phải gọi ông Sáu bằng "Ba", nhưng không, cái tính bướng bỉnh, gan lì của Thu càng về cuối truyện càng lộ rõ.
Em kiên quyết không chịu nhận ba. Em đã hành động không phải với ông Sáu: hất cái trứng ông gắp cho tung tóe cả mâm, Ba đã đánh Thu, tuy vậy em không khóc, lẳng lặng bỏ sang nhà ngoại. Em đang dỗi đấy, bằng chứng là em cố tình khua dây lòi tói rổn rảng. Đủ thấy em ương ngạnh biết bao. Tôi vẫn tự hỏi: Tại sao Thu cố chấp vậy, không tin rằng đó là ba mình khi mà cả bác Ba, cả mẹ - những người mà Thu tin tưởng nhất đều khẳng định đó là ba Thu. Những thắc mắc ấy đã dẫn tôi đọc tiếp câu chuyện. Khi được ngoại giải thích vết thẹo của ba, Thu lăn lộn, thở dài trên giường như người lớn. Chắc Thu phải suy nghĩ mông lung lắm, ân hận lắm. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ rằng: Thu không nhận ba chỉ vì một vết thẹo. Lí do thật trẻ con quá phải không các bạn? Tôi không hề trách Thu bởi tôi hiểu Thu ương bướng, không chịu nhận ba cũng chỉ vì Thu rất yêu ba, Thu không nghĩ đó là ba mình. Em chỉ muốn dành tình cảm cho người ba thân yêu mà hình ảnh vẫn khác sâu trong trái tim nhỏ bé của mình. Đó chính là đỉnh cao của tình yêu thương. Tình cảm của Thu dành cho ba sâu sắc quá, cảm động quá các bạn nhỉ? Khi chợt nhận ra thì đã muộn, ông Sáu lại phải chia tay mọi người vào chiến trường.
Thật bất ngờ, lúc đó tình cha con như trỗi dậy, tiếng "ba" thân thương mà tận giờ phút ấy Thu mới thốt ra được. Tiếng "ba" như xé đi sự im lặng, xé cả ruột gan mọi người. Thu như sự không giữ được ba, bấu chặt lấy ba mà hôn lên má, hôn lên cả vết thẹo đã từng làm Thu sợ. Đọc đến đây tôi xúc động đến nghẹn ngào. Tình cảm đó như ngọn lửa đang bùng cháy trong tâm hồn Thu, lúc này em yêu ba hơn bao giờ hết. Bây giờ bé Thu mới ngoan ngoãn làm sao, khác với bé Thu trước đây quá! Một lần nữa Thu lại phai xa ba. Thấm thoắt Thu đã lớn, rồi bất ngờ có tin báo ba đã mất. Đau khổ đến tột cùng, em xin má đi giao liên. Thu muốn trả thù cho ba. Tình cảm của Thu vói ba thật ấm nồng thiêng liêng quá. Trong thời kháng chiến chống Mĩ Tố Hữu có viết:
Tuốt gươm không chịu sống quỳ
Tuổi xanh chẳng tiếc sá chi bạc đầu
Lớp cha trước, lớp con sau
Đủ thành đồng chí chung câu quân hành
Những vần thơ ca ngợi lớp trẻ thật hào hùng! Nay tôi lại gặp cái hào hùng anh dũng ấy ở chính cô giao liên - bé Thu ngày xưa. Nguyễn Quang Sáng viết: Cô có cái mũi thính để có thể ngửi thấy đâu là thằng Tây, đâu là ngụy. Có thật thế không nhỉ? Hay là ông khâm phục cái tài cái trí của cô rồi nói và viết vậy? Còn tôi, tôi không chỉ yêu quý khâm phục cô vì cái tài trí mà còn khâm phục cô vì lòng gan dạ, yêu Tổ Quốc. Khi bác Ba gặp và trao cho cô cái lược ngà mà người ba đã khuất của mình để lại, đôi mắt Thu tròn to hơn, xúc động hơn, ngực phập phồng. Tôi hiểu Thu đang xúc động lắm, sung sướng lắm, giọt lệ vỡ ra tràn đầy mi mắt. Thu khóc, Thu đã khóc bởi quá bất ngờ. Biết bác Ba nói dối nhưng tôi tin rằng Thu không trách bác và coi bác như một người ba thứ hai của mình, người ba đã mang lại cho cô niềm vui mà cô đã tìm kiếm mười năm trời.
Càng đọc tác phẩm, tôi càng thấy đáng yêu làm sao một bé Thu hồn nhiên bướng bỉnh, một cô giao liên dũng cảm, thông minh. Và cảm động thay tình cha con ấm nồng sâu nặng của hai thế hệ cùng đi trên một con đường cách mạng.
1
0
MONSTER
02/06/2019 20:53:49
Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm, đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng Ba, hay khi hất cái trứng mà anh Sáu cho xuống, cuối cùng khi anh Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị anh Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi thái quá, song thiết nghĩ chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. Trong tâm trí bé Thu chỉ có duy nhất hình ảnh của một người "cha chụp chung trong bức ảnh với má". Người cha ấy, không giống anh Sáu, không phải bởi thời gian đã làm anh Sáu già đi mà do cái thẹo trên má. Vết thẹo, dấu tích của chiến tranh đã hằn sâu làm hiến dạng khuôn mặt anh Sáu. Có lẽ trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thế biết đến sự khốc liệt của bom lửa đạn, biết đến cái cay xè của mùi thuốc súng và sự khắc nghiệt của cuộc sống người chiến sĩ. Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiều sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô giao liên giải phỏng sau này.
Nhưng xét cho cùng, cô bé ấy có bướng bỉnh, gan góc, tình cảm có sâu sắc, mạnh mẽ thế nào thì Thu vẫn chỉ là một đứa trẻ mới 8 tuổi, với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Nhà văn tỏ ra rất am hiểu tâm lí của trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến và trân trọng một cách đẹp đẽ thiêng liêng những tâm tư tình cảm vô giá ấy. Khi bị ba đánh, bé Thu "cầm đũa gắp lại cái trứng cá để vào chén rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm" Có cảm giác bé Thu sợ anh Sáu sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt trong chính tâm tư của mình? Hay bé Thu dường như lờ mờ nhận ra mình có lỗi? Lại một loạt hành động tiếp theo "Xuống bến nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn rang, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông". Bé Thu bỏ đi lúc bữa cơm nhưng lại có ý tạo tiếng động gây sự chú ý. Có lẽ cô bé muốn mọi người trong nhà biết bé sắp đi, mà chạy ra vỗ về, dỗ dành. Có một sự đối lập trong những hành động của bé Thu, giữa một bên là sự cứng cỏi, già giặn hơn tuổi, nhưng ở khía cạnh khác cô bé vẫn mong được yêu quý vỗ về. Trong khi "Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không chịu về", cái cá tính cố chấp một cách trẻ con của bé Thu được tác giả khắc họa vừa gần gũi, vừa tinh tế.
Ở đoạn cuối, khi mà bé Thu nhận ra cha, thật khó để phủ nhận bé Thu là đứa bé giàu tình cảm. Tình cha con trong Thu giữ gìn bấy lâu nay, giờ trỗi dậy, vào cái giây phút mà cha con phải tạm biệt nhau. Có ai ngờ một cô bé không được gặp cha từ năm 1 tuổi vẫn luôn vun đắp một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt với cha mình, dù người cha ấy chưa hề bồng bế nó, cưng nựng nó, săn sóc, chăm lo cho nó, làm cho nó một món đồ chơi kể từ khi nó bắt đầu làm quen với cuộc sống. Nó gần như chưa có chút ấn tượng nào về cha, song chắc không ít lần nó đã tự tưởng tượng hình ảnh người cha nó tài giỏi nhường nào, cao lớn nhường nào, có vòng tay rộng để ôm nó vào lòng ra sao? Tình cảm mãnh liệt trong nó ngăn không cho nó nhận một người đàn ông lạ kia làm bố. Khi đến ngày anh Sáu phải đi, con bé cứng cỏi mạnh mẽ ngày hôm nào lại "như thể bị bỏ rơi, lúc đứng ở góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người vây quanh ba nó, dường như nó thèm khát cái sự ấm áp của tình cảm gia đình, nó cũng muốn chạy lại và ôm hôn cha nó lắm chứ, nhưng lại có cái gì chặn ngang cổ họng nó, làm nó cứ đứng nguyên ở đấy, ước mong cha nó sẽ nhận ra sự có mặt của nó". Và rồi đến khi cha nó chào nó trước khi đi, có cảm giác mọi tình cảm trong lòng bé Thu bỗng trào dâng. Nó không nén nổi tình cảm như trước đây nữa, nó bỗng kêu hét lên Ba..., vừa kêu vừa chạy xô đến nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa. Tiếng kêu Ba từ sâu thẳm trái tim bé Thu, tiếng gọi mà ba nó đã dùng mọi cách để ép nó gọi trong mấy ngày qua, tiếng gọi ba gần gũi lần đầu tiên trong đời nó như thể nó là đứa trẻ mới bi bô tập nói, tiếng gọi mà ba nó tha thiết được nghe một lần. Bao nhiêu mơ ước, khao khát như muốn vỡ òa ra trong một tiếng gọi cha. Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba nó bật khóc mà còn mang một giá trị thiêng liêng với nó. Lần đầu tiên nó cảm nhận mơ hồ về niềm sung sướng của một đứa con có cha. Dường như bé Thu đã lớn lên trong đầu óc non nớt của nó. Ngòi bút nhà văn khẳng định một nhân vật giàu tình cảm, có cá tính mạnh mẽ, kiên quyết nhưng vẫn hồn nhiên, ngây thơ: Nhân vật bé Thu.
1
1
doan man
02/06/2019 21:45:57
Từ lâu, tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được đánh gúa cao trong giới văn học. Nó gây ấn tượng bởi cái cách nhà văn xây dựng cốt truyện, xây dựng hệ thống nhân vật. Tác phẩm là đỉnh điểm cao về tình phụ tử - một đề tài chưa được nhiều nhà văn khai thác. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện thấm đẫm nước mắt giữa ông Sáu và bé Thu - con gái của ông Sáu. Câu chuyện trong tác phẩm sẽ không hay nếu thiếu đi nhân vật ông Sáu và càng không thể đến cao trào nếu thiếu đi nhân vật bé Thu. Nếu nói rằng cả tác phẩm là một cơ thể thì bé thu chính là linh hồn trong cơ thể ấy.
Bé Thu là một em bé phải chịu biết bao đau thương trpng chiến tranh, gợi lên trong lòng người đọc niềm xót xa, thương cảm mãnh liệt. Và bé Thu cũng chính là hình ảnh đại diện cho những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc ấy. Thu sinh ra chưa đầy một tuổi thì đã phải xa cha, lúc ấy em còn quá nhỏ để có thể ý thức được đây là cha mình, để có thể ghi nhớ hình ảnh của người cha trong tâm trí. Chính vì lẽ đó mà đến tận năm 8 tuổi, Thu cũng chỉ biết mặt ông Sáu qua tấm ảnh chụp chung với má. Tuổi thơ của Thu là một tuổi thơ sống thiếu tình cha. Dù ở nhà , mẹ em có thể đảm tốt mọi công việc của đàn ông nhưng vị trí người cha trong trai tim bé bỏng của Thu vẫn còn bỡ ngỡ. Em chưa thực sự có cái nhìn chân thành về người cha của mình . Sống thiếu cha nghĩa là Thu đã trải qua một tuổi trẻ rất bất hạnh rất thiếu thốn tình yêu thương từ người cha. Từ nhỏ cho đến khi 8 tuổi, trong Thu chỉ có một khát khao cháy bỏng, khát khao được gặp cha. Nhưng éo le thay, khi cha trở về, mang theo vết sẹo trên mặt từ chiến trường trở về khiến em không thể nhận ra đây là cha của mình. Người đàn ông mang vết sẹo này không giống với người cha mà suốt 8 năm qua thu trông ngóng, đó cũng là điều khiến Thu không nhận ra cha của mình. Bất hạnh thay, chiến tranh đã khiến ông Sáu phải chịu nững nỗi đau về thể xác nhưng nỗi đau ấy có là gì so với việc đứa con gái duy nhất không chịu nhận mình là cha. Giây phút mà Thu gọi tiếng "ba" , tất cả như ngưng đọng rồi vỡ òa trong tiếng nức nở của em. Ông trời như muốn trêu đùa với lòng người, khi Thu nhận ra cha thì đó cũng là lúc ông Sáu phải ra chiến trường làm nhiệm vụ để rồi tiếng gọi "ba" trong vội vã, nức nở của thu cũng là tiếng gọi cuối cùng mà cha nó có thể nghe. Lần gặp mặt ấy cũng là lần cuối cùng hai cha con có thể đoàn tụ. Thật sự bé Thu thiệt thòi, thiếu thốn rất nhiều nhưng tình cảm yêu thương mà đáng lẽ ra một đứa trẻ phải được hưởng.
Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm của người cha nhưng ở em lại sáng ngời bao vẻ đẹp đáng trân trọng, để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng . Không thể nào quên Thu là một em bé đáo để, bướng bỉnh, có cá tính rất mạnh mẽ. giây phút đầu tiên gặp ông Sáu, Thu sững sờ , hốt hoảng, không thể nhận ra cha mình. Nó sợ hãi thét lên "Má! Má!" rồi chạy vụt đi . những ngày ông Sáu ở nhà dù ông có cố gắng gần con như thế nào thì Thu cũng tìm cách đẩy ông Sáu ra xa. Mặc dù ông Sáu đã đẩy Thu vào những tình huống khó khăn nhất nhưng em vẫn bướng bỉnh không chịu gọi ông Sáu là cha. Trong ba ngày nghỉ phép lúc nào Thu cũng tỏ thái độ chống đối lại ông Sáu mà đỉnh điểm đó chính là sự việc ông Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén Bé Thu rồi em lấy đũa hất văng trứng ca ra khỏi bát tung tóe cả mâm cơm. Đến lúc này, cơn giận của ông Sáu bỗng bùng phát , không kịp suy nghĩ, ông đã vung tay đánh vào mông của bé Thu, những tưởng Thu sẽ khóc, Nhưng không, một lần nữa cái tính bướng bỉnh, cứng đầu của Thu lại trỗi dậy, nó bỏ bát cơm xuống, chạy ra bến, nhảu lên xuồng, nó còn cố ý khua dây tòi tói thật to để cho ông Sáu biết. Chiều hôm ấy, mẹ Thu sang dỗ thế nào em cũng không về. Qua đó ta lại thấy được tình yêu thương cha sâu sắc mãnh liệt của Thu khi chưa biết được nguyên nhân của vết thẹo thì em nhất quyết không nhận cha. Bởi trong tim Thu chỉ có duy nhất một người cha,đó là người đã chụp chung với mẹ trong tấm ảnh, đó chính là người cha mà nó mong chờ, đợi, tôn thờ, kính trọng. Điều này lại làm người đọc thêm xót xa, một cô bé 8 tuổi chưa được một lần gặp cha, chỉ biết cha qua tấm ảnh sơ sài để rồi khi gặp được cha, chính em lại không nhận ra đấy chính là người cha mình hằng mong nhớ. Khi được bà ngoại giải thích về vết sẹo trên mặt , tình cha con trong Thu bỗng bùng chảy mãnh liệt. giây phút chia tay, Thu bỗng thốt lên "Ba...a...a" Tiếng gọi ba thiêng liêng chan chưa cảm xúc, chỉ để gọi cho người cha của riêng mình mà Thu đã kìm nén suốt 8 năm trời. Nay lại có thể thôt ra . tiếng gọi xé tan sự im lặng của mọi người, xé tan sự đau khổ của ông Sáu, nghe thật xót xa, cùng với tiếng ba xé lòng ấy là những hành động vội vã có phần sợ hãi. Thu sợ ba phải đi chiến trường không thể quay trở lại . Thu muốn ông Sáu ở nhà với em. Những cái hôn thấm đậm tình thương mà bé Thu dành cho cha như phần nào xoa dịu những việc mà nó đã làm suốt 3 ngày qua đối với người cha đáng kính của nó. Tất cả những nhớ nhung, những tình cảm suốt 8 năm qua của cha con như được gói gọn trong giây phút này, trong chi tiết này. Tuy Thu bướng bỉnh, cứng đầu nhưng em cũng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, không nhận cha vì cha khác tấm ảnh chụp chung với mẹ vì ông Sáu có vết sẹp trên mặt. Qủa thực , ở đâu đó trong Thu vẫn rất trẻ con, khi từ biệt ông Sáu Thu đã nhờ ông mua cho mình một cây lược, đó như là lời hứa ông Sáu sẽ trở về, nhưng ông Sáu đã chẳng thực hiện được lời hứa ấy.
Qua tác phẩm, ta còn nhớ đến Thu là một cô bé có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc . Vì yêu nước, sau này khi lớn lên, Thu cũng đã trở thành một cô giáo viên dũng cảm, bước tiếp con đường à ông Sáu đã chọ, con đường cứu nước... Việc trở thành cô giáo viên cũng vì cha, nhiều tình yêu thương dành cho cha, muốn đánh đuổi quân giặc để trả thù cho cha.
1
0
Quỳnh Anh Đỗ
03/06/2019 08:14:19
Có những trang viết khiến người đọc rơi nước mắt khi chứng kiến những dằng xé, đau đớn và cả nước mắt. Có những nhân vật dù chỉ được vẽ qua nét bút của tác giả nhưng có sức ám ảnh. Nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà' của Nguyễn quang sáng là một hình tượng luôn khiến người đọc xúc động mạnh khi lật giở từng trang viết của tác giả.
"Chiếc lược ngà" được sáng tác năm 1966, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, nhiều cam go. Ông Sáu lên đường ra chiến trận khi bé Thu chưa tròn một tuổi, nhưng khi ông trở về thăm con thì bé đã lớn và nhất quyết không nhận ba. Những day dứt, sự dằng xé, nước mắt, tủi hờn, mâu thuẫn nội tâm trong một đứa bé đã khiến cho cốt truyện được đẩy đến cao trào. Ba ngày ở cạnh ba nhưng bé Thu nhất quyết không chịu nhận, chỉ khi nghe bà ngoại kể về vết thẹo trên gương mặt ba thì lúc đó bé mới ôm chặt ông Sáu, không cho đi. Tình cảm cha con vỡ òa, cảm xúc trong lòng người đọc cứ thế tan chảy.
Mặc dù mới lên 8 tuổi nhưng bé Thu được xây dựng rất sắc nét, cá tính mạnh, bướng bỉnh. Trong tâm trí của bé Thu chỉ có một tấm hình duy nhất của ba chụp với má vào ngày cưới. Đó là những gì nó có để gìn giữ và đợi chờ ba trở về. Khi ông Sáu nhất quyết gọi "Thu! Ba đây con" thì bé vẫn nhất quyết không chịu nhận, cự tuyệt một cách thẳng thừng. Ông Sáu luôn dành tình cảm yêu thương chân thành và sâu sắc nhất cho bé Thu nhưng ông nhận lại là sự lạnh lùng, xa lánh. Chỉ bởi về vết thẹo dài trên mặt, chỉ vì chiến tranh, vì những tàn khốc mà nó đã gây ra. Cá tính mạnh của một cô bé 8 tuổi được Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất sắc nét và táo bạo. Qua đó giúp người đọc hình dung được sự kiên định, vững chắc trong trái tim con người Nam Bộ.
Sự bướng bỉnh, lạnh lùng của bé Thu dành cho ông Sáu còn thể hiện qua cử chỉ và lời nói. Khi mẹ bảo mởi ba vô ăn cơm thì nó chỉ nói cộc lốc "vô ăn cơm". Đặc biệt qua chi tiết chắt nước ở nồi cơm ra, bé Thu không chắt được nhưng nhất quyết không để cho ông Sáu chắt. Bướng bỉnh, lạnh lùng, hờ hửng đã khiến cho ông Sáu đau lòng. Cao trào của tính cách bé Thu thể hiện qua bữa cơm, khi ông Sáu gắp cho bé Thu cái trứng cá vào bát, bé hất đổ cả chén cơm. Ông Sáu đánh đòn, và tất cả mọi người cứ tưởng Thu sẽ giẫy nẩy lên và bỏ đi, nhưng không, "Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm".
Suy nghĩ đã thôi thúc, đẩy thành hành động quyết liệt, khước từ mọi tình cảm và yêu thương của ba dành cho mình. Vì với bé Thu, đó không phải là ba. Có lẽ chính cá tính mạng, sự ngang bướng như thế này đã thôi thúc cô trở thành cô giao liên kiên cường trong cuộc kháng chiến về sau.
Nguyễn quang sáng không chỉ dừng lại ở việc miêu tả tâm lí nhân vật của một đứa trẻ lên 8 mà lấy tính cách đó làm tiền để cho tình yêu thương ba tha thiết và mãnh liệt như thế nào. Suốt 3 ngày ở cạnh ba nhưng bé Thu nhất quyết không nhận ba, chỉ đến khi nghe bà ngoại kể về vết thẹo trên mặt ba do chiến tranh gây nên thì lúc đó bé thu mới vỡ òa. Gương mặt nó buồn rầu như nghĩ ngợi gì, khi ông Sáu lên đường ra trận, không dám lại gần vì sợ nó lại giãy nảy như lần trước. Chỉ dám nói rằng "Ba đi nghe con" nặng nề, đau đớn, dằn vặt của một người ba nhưng không làm cách nào để thuyết phục con gái.
Lúc ấy một cảnh tượng xúc động diễn ra. Nó khóc thét lên "ba", tiếng "ba" như vỡ òa, trào ra từ tận trong tim mà nó đã dồn nén bao nhiêu năm qua. Tiếng "ba" đó như khiến người đọc nghẹn đắng ở cổ họng, cho một tình yêu bền bỉ và sâu nặng. Tiếng kêu của bé Thu như "tiếng xé, xé tan không khí tĩnh lặng, xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa". Bao nhiêu năm rồi, bé Thu vẫn luôn khát khao được gặp ba, được gọi tiếng ba. Tình cảm của bé Thu hoàn toàn đối lập với những ngày ông Sáu còn ở đây. Đó chính là niềm khao khát, tình yêu ba tha thiết.
Sự ngang tàng, bướng bỉnh và tình yêu ba tha thiết là đặc điểm hội tụ để bé Thu có thể xác định cho mình con đường đi trong tương lai, sẽ nối bước cha, đánh đuổi kẻ thù xâm lược
Như vậy việc xây dựng nhân vật bé Thu với những tính cách, tâm tư tình cảm đã khiến người đọc thêm xúc động về tình phụ nữ, tình cảm thiêng liêng nhất. Qua đó, tác giả còn muốn lên án, tố cáo chiến tranh đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh nước mất nhà tan.
0
0
(•‿•)
03/06/2019 12:28:50
Từ lâu, tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được đánh gúa cao trong giới văn học. Nó gây ấn tượng bởi cái cách nhà văn xây dựng cốt truyện, xây dựng hệ thống nhân vật. Tác phẩm là đỉnh điểm cao về tình phụ tử – một đề tài chưa được nhiều nhà văn khai thác. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện thấm đẫm nước mắt giữa ông Sáu và bé Thu – con gái của ông Sáu. Câu chuyện trong tác phẩm sẽ không hay nếu thiếu đi nhân vật ông Sáu và càng không thể đến cao trào nếu thiếu đi nhân vật bé Thu. Nếu nói rằng cả tác phẩm là một cơ thể thì bé thu chính là linh hồn trong cơ thể ấy.
Bé Thu là một em bé phải chịu biết bao đau thương trpng chiến tranh, gợi lên trong lòng người đọc niềm xót xa, thương cảm mãnh liệt. Và bé Thu cũng chính là hình ảnh đại diện cho những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc ấy. Thu sinh ra chưa đầy một tuổi thì đã phải xa cha, lúc ấy em còn quá nhỏ để có thể ý thức được đây là cha mình, để có thể ghi nhớ hình ảnh của người cha trong tâm trí. Chính vì lẽ đó mà đến tận năm 8 tuổi, Thu cũng chỉ biết mặt ông Sáu qua tấm ảnh chụp chung với má. Tuổi thơ của Thu là một tuổi thơ sống thiếu tình cha. Dù ở nhà , mẹ em có thể đảm tốt mọi công việc của đàn ông nhưng vị trí người cha trong trai tim bé bỏng của Thu vẫn còn bỡ ngỡ. Em chưa thực sự có cái nhìn chân thành về người cha của mình . Sống thiếu cha nghĩa là Thu đã trải qua một tuổi trẻ rất bất hạnh rất thiếu thốn tình yêu thương từ người cha. Từ nhỏ cho đến khi 8 tuổi, trong Thu chỉ có một khát khao cháy bỏng, khát khao được gặp cha. Nhưng éo le thay, khi cha trở về, mang theo vết sẹo trên mặt từ chiến trường trở về khiến em không thể nhận ra đây là cha của mình. Người đàn ông mang vết sẹo này không giống với người cha mà suốt 8 năm qua thu trông ngóng, đó cũng là điều khiến Thu không nhận ra cha của mình. Bất hạnh thay, chiến tranh đã khiến ông Sáu phải chịu nững nỗi đau về thể xác nhưng nỗi đau ấy có là gì so với việc đứa con gái duy nhất không chịu nhận mình là cha. Giây phút mà Thu gọi tiếng “ba” , tất cả như ngưng đọng rồi vỡ òa trong tiếng nức nở của em. Ông trời như muốn trêu đùa với lòng người, khi Thu nhận ra cha thì đó cũng là lúc ông Sáu phải ra chiến trường làm nhiệm vụ để rồi tiếng gọi “ba” trong vội vã, nức nở của thu cũng là tiếng gọi cuối cùng mà cha nó có thể nghe. Lần gặp mặt ấy cũng là lần cuối cùng hai cha con có thể đoàn tụ. Thật sự bé Thu thiệt thòi, thiếu thốn rất nhiều nhưng tình cảm yêu thương mà đáng lẽ ra một đứa trẻ phải được hưởng.
Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm của người cha nhưng ở em lại sáng ngời bao vẻ đẹp đáng trân trọng, để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng . Không thể nào quên Thu là một em bé đáo để, bướng bỉnh, có cá tính rất mạnh mẽ. giây phút đầu tiên gặp ông Sáu, Thu sững sờ , hốt hoảng, không thể nhận ra cha mình. Nó sợ hãi thét lên “Má! Má!” rồi chạy vụt đi . những ngày ông Sáu ở nhà dù ông có cố gắng gần con như thế nào thì Thu cũng tìm cách đẩy ông Sáu ra xa. Mặc dù ông Sáu đã đẩy Thu vào những tình huống khó khăn nhất nhưng em vẫn bướng bỉnh không chịu gọi ông Sáu là cha. Trong ba ngày nghỉ phép lúc nào Thu cũng tỏ thái độ chống đối lại ông Sáu mà đỉnh điểm đó chính là sự việc ông Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén Bé Thu rồi em lấy đũa hất văng trứng ca ra khỏi bát tung tóe cả mâm cơm. Đến lúc này, cơn giận của ông Sáu bỗng bùng phát , không kịp suy nghĩ, ông đã vung tay đánh vào mông của bé Thu, những tưởng Thu sẽ khóc, Nhưng không, một lần nữa cái tính bướng bỉnh, cứng đầu của Thu lại trỗi dậy, nó bỏ bát cơm xuống, chạy ra bến, nhảu lên xuồng, nó còn cố ý khua dây tòi tói thật to để cho ông Sáu biết. Chiều hôm ấy, mẹ Thu sang dỗ thế nào em cũng không về. Qua đó ta lại thấy được tình yêu thương cha sâu sắc mãnh liệt của Thu khi chưa biết được nguyên nhân của vết thẹo thì em nhất quyết không nhận cha. Bởi trong tim Thu chỉ có duy nhất một người cha,đó là người đã chụp chung với mẹ trong tấm ảnh, đó chính là người cha mà nó mong chờ, đợi, tôn thờ, kính trọng. Điều này lại làm người đọc thêm xót xa, một cô bé 8 tuổi chưa được một lần gặp cha, chỉ biết cha qua tấm ảnh sơ sài để rồi khi gặp được cha, chính em lại không nhận ra đấy chính là người cha mình hằng mong nhớ. Khi được bà ngoại giải thích về vết sẹo trên mặt , tình cha con trong Thu bỗng bùng chảy mãnh liệt. giây phút chia tay, Thu bỗng thốt lên “Ba…a…a” Tiếng gọi ba thiêng liêng chan chưa cảm xúc, chỉ để gọi cho người cha của riêng mình mà Thu đã kìm nén suốt 8 năm trời. Nay lại có thể thôt ra . tiếng gọi xé tan sự im lặng của mọi người, xé tan sự đau khổ của ông Sáu, nghe thật xót xa, cùng với tiếng ba xé lòng ấy là những hành động vội vã có phần sợ hãi. Thu sợ ba phải đi chiến trường không thể quay trở lại . Thu muốn ông Sáu ở nhà với em. Những cái hôn thấm đậm tình thương mà bé Thu dành cho cha như phần nào xoa dịu những việc mà nó đã làm suốt 3 ngày qua đối với người cha đáng kính của nó. Tất cả những nhớ nhung, những tình cảm suốt 8 năm qua của cha con như được gói gọn trong giây phút này, trong chi tiết này. Tuy Thu bướng bỉnh, cứng đầu nhưng em cũng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, không nhận cha vì cha khác tấm ảnh chụp chung với mẹ vì ông Sáu có vết sẹp trên mặt. Qủa thực , ở đâu đó trong Thu vẫn rất trẻ con, khi từ biệt ông Sáu Thu đã nhờ ông mua cho mình một cây lược, đó như là lời hứa ông Sáu sẽ trở về, nhưng ông Sáu đã chẳng thực hiện được lời hứa ấy.
Qua tác phẩm, ta còn nhớ đến Thu là một cô bé có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc . Vì yêu nước, sau này khi lớn lên, Thu cũng đã trở thành một cô giáo viên dũng cảm, bước tiếp con đường à ông Sáu đã chọ, con đường cứu nước… Việc trở thành cô giáo viên cũng vì cha, nhiều tình yêu thương dành cho cha, muốn đánh đuổi quân giặc để trả thù cho cha.
0
0
(•‿•)
03/06/2019 12:30:41
Tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện đề tài về mối quan hệ phụ tử trong gia đình trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ bị chia cắt, vô cùng xúc động, để lại trong lòng người đọc những cảm xúc không thể nào quên.
Tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng nói về nhân vật bé Thu một cô bé còn rất nhỏ chỉ chừng bảy tám tuổi nhưng lại có nội tâm vô cùng phức tạp sâu sắc. Một bé có cá tính gai góc, và có một tính cách của người kiên định, nhưng có tình cảm phong phú.
Nhà văn đã xây dựng tình huống truyện vô cùng thông minh và độc đáo khi để cho bé Thu được gặp cha của mình trong một hoàn cảnh vô cùng éo le. Bé Thu từ khi sinh ra cho tới giờ chưa từng gặp cha mình lần nào. Cô bé chỉ nhìn thấy ba trong bức ảnh cưới của ba mẹ hình màu đen trắng loang lổ vệt thời gian. Bởi anh Sau là một chiến sĩ, một người lính bộ đội cụ Hồ anh đi tham gia chiến đấu khi Thu còn quá nhỏ. Con bé chỉ ở với mẹ và bà ngoại mà thôi. Bé Thu thèm có ba lắm, nó luôn mong muốn được gặp ba của mình.
Rồi ngày mà bé Thu mong muốn cũng đã tới, anh Sáu được nghỉ phép ba ngày về thăm nhà sau khi anh lập được chiến công lớn ở chiến trường. Khi về nhà vừa nhìn thấy con gái anh đã vội vàng ôm chầm lấy nó. Nhưng đáp lại sự ân cần vồ vập của anh thì con bé lại hoàn toàn xa lánh và vô cảm với ba của mình. Bởi nó không nghĩ anh Sáu là ba của nó, bởi những vết sẹo xấu xí trên khuôn mặt anh.
Trong những ngày nghỉ phép ở nhà anh Sáu luôn tìm cách để gần gũi con gái được nhiều hơn, nhưng con bé Thu là một cô bé vô cùng cá tính, ngương ngạnh nó nhất định không chịu nhận ông Sáu là ba. Khi má bảo kêu ba vào ăn cơm, thì con bé cá tính chỉ ra ngoài và nói trống không "Vô ăn cơm". Nó cương quyết không chịu nhận anh Sáu là ba của mình, dù trong thâm tâm bé Thu luôn thèm khát có ba, cần tình cảm yêu thương của một người ba từ trong sâu thẳm trái tim mình. Luôn ao ước được nằm trong lòng của ba, được ba an ủi dỗ dành.
Nguyên nhân sâu xa khiến nó không nhận anh Sáu là ba bởi những vết sẹo trên khuôn mặt anh, trông anh không còn giống người ba trong ảnh mà nó thường thấy. Con bé còn quá ngây thơ nó không thể biết được rằng anh đã hy sinh nhan sắc, sức khỏe của mình trong những trận đánh trong bom rơi đạn nổ. Nó chỉ biết nhìn anh Sáu hiện tại không giống ba nó ở trong bức hình kia nên nó cương quyết không kêu anh bằng ba, không nhận anh là ba của mình.
Nhân vật bé Thu là một cô bé còn nhỏ tuổi đang ở cái tuổi ngây thơ nhất nhưng tính cách của cô bé thật sự rất gai góc khiến người đọc vô cùng ấn tượng. Tác giả Nguyễn Quang Sáng đã vô cùng thành công khi xây dựng thành công nhân vật bé Thu với nhiều tính cách vừa đáng yêu vừa đáng giận, với những cung bậc cảm xúc vô cùng khác nhau.
Ông Sáu là một người chiến sĩ anh dũng là người hy sinh vì dân vì nước, nhưng con bé ngây thơ không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của những vết sẹo kia. Chỉ cho tới khi trong bữa cơm ông Sáu thương con gắp cho con miếng trứng cá to nhất, ngon nhất vào bát của nó. Nhưng con bé từ chối tình cảm đó, nó gạt tay ông Sáu khiến cho miếng trứng cá rơi xuống đất, vì quá giận con không biết trân trọng đồ ăn khi đất nước mình còn nhiều khó khăn. Ông Sáu đã đánh con mấy cái vào mông khiến cho con bé giận.
Nó không khóc mà bỏ bữa chạy ra sông lấy thuyền chèo sang bên nhà ngoại của mình. Tối đó cái Thu không về nhà nó ngủ lại bên nhà ngoại. Nhưng cũng nhờ tối đó mà nó hiểu được nguyên nhân của những vết sẹo trên khuôn mặt ba của mình. Do đâu mà có, và ông Sáu hiện tại với ông Sáu trong bức ảnh cưới của ba mẹ hoàn toàn là một người.
Khi nghe ngoại kể về những chiến công của ba, rồi những khó khăn gian khổ mà ba nó phải trải qua trong chiến tranh. Bé Thu đã khóc, những giọt nước mắt thương xót, ân hận vì thái độ không đúng của mình với ba trong những ngày qua. Thông qua chi tiết này ta thấy bé Thu là một cô bé vô cùng sâu sắc, có nội tâm phong phú biết yêu thương những người thân của mình.
Ngày ông Sáu phải lên đường ông nghẹn ngào chia tay bé Thu "Ba đi nghe con" con bé òa khóc nức nở ôm chầm lấy ba của mình mà nói "Không cho ba đi đâu. Ba phải ở nhà với con" trong giây phút chia ly này tình cảm cha con vỡ òa trong tâm hồn ngây thơ của bé Thu. Nó hiện nguyên hình là một cô bé ngây thơ trong sáng luôn thèm khát tình cảm của người cha.
Qua những tình tiết diễn biến tâm lý của bé Thu ta thấy cô bé vô cùng giàu tình cảm, nội tâm sâu sắc, tính cách gai góc, nhưng lại có những yếu đối, ngây thơ trong tâm hồn của mình. Bởi cô bé luôn mong muốn có ba cho mình, một tình cảm thương yêu.
Tình cảm của Thu dành cho ba là tình cảm sâu sắc của một đứa trẻ luôn khao khát có ba, muốn được hưởng hạnh phúc gia đình. Thông qua tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng thể hiện nỗi đau của chiến tranh khi chia cắt tình cảm gia đình, khiến bao gia đình sinh ly tử biệt.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×