Ngày nay, hẳn chúng ta đều thường xuyên nghe những lời than thở như “người tốt, việc tốt càng ngày càng hiếm hoi”. Xong thực sự có phải như vậy, hay bởi cái tốt, cái thiện vẫn hàng ngày âm thầm, lặng lẽ tồn tại xung quanh, mà chúng ta đã để những ồn ào của cái xấu lấn át đi đến nỗi không nhận ra?
Làm gì để nhân rộng những điều tốt đẹp trong mỗi con người và trong toàn xã hội, đó là mục tiêu mà mạch bài này của Tuần Việt Nam hướng đến. Mời độc giả cùng đọc, suy ngẫm và thảo luận.
Có một thực tế là bây giờ có quá nhiều vụ án, quá nhiều những việc xấu, việc ác được đưa lên các tờ báo, nhất là báo mạng. Đưa những vụ án lên để chúng ta rút ra bài học cảnh giác là việc cần, đưa cái xấu, cái ác lên để chúng ta lên án, tránh xa cũng là việc cần. Nhưng nếu đưa chúng quá nhiều mà ít đưa cái tốt, cái hay, cái thiện lên thì nhiều khi lại là việc làm phản tác dụng.
Có người cho rằng thực tế bây giờ đạo đức xã hội xuống cấp, cái xấu, cái ác, cái sai nhiều thì báo chí đưa lên nhiều là điều tất nhiên. Lại cũng có người lập luận, bây giờ đưa cái tốt, cái hay, cái đẹp lên báo chắc gì người ta đã đọc, đã tin... Mà làm báo thì cần càng nhiều người đọc càng tốt.
Khi nghĩ về điều này, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện rất đẹp về con người mà chính tôi đã chứng kiến.
Cách đây chưa lâu, đọc trên một tờ báo mạng có bài viết về một học sinh lớp 11 trường PTTH Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) với tựa đề Lời xin lỗi dán trên kính xe ô tô. Trên tờ giấy đó, em học sinh viết: “Do vô tình, cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại... để cháu đền ạ, vì cháu không biết chủ ô tô là ai”. Thấy bài báo hay, tốt, tôi đưa lên Facebook của mình và rất nhanh sau đó, nhiều người chia sẻ lại, trở thành một sự kiện sôi động trên mạng xã hội, được rất nhiều người quan tâm.
Rồi những câu chuyện như anh lái xe tải cứu xe chở khách trên đèo Bảo Lộc cũng được hàng chục, hàng tram ngàn người quan tâm, theo dõi, hoan nghênh.
Một câu chuyện cũng làm tôi ấn tượng là lần đi làm từ thiện với hoa hậu Nguyễn Thiên Nga. Chúng tôi đến thăm và trao quà, sổ tiết kiệm tình nghĩa cho một anh thương binh trẻ bị thương nặng tại mặt trận biên giới phía Nam. Người nhà của anh thương binh cho biết anh bị thương cột sống, đã nằm liệt giường mấy năm nay, nhiều lần đòi chết.
Khi tôi và hoa hậu Nguyễn Thiên Nga vào chỗ anh nằm, anh liền quay mặt vào trong, không muốn nói chuyện. Nhưng chính Thiên Nga đã thuyết phục anh, kể cho anh nghe chuyện gia đình mình và chuyện cô đã phụng dưỡng một bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời, coi mẹ như mẹ ruột.
Dường như bị thuyết phục bởi sự chân thành, tình cảm, sắc đẹp của hoa hậu Nguyễn Thiên Nga, anh đã quay ra nói chuyện với chúng tôi. Sau này tôi nghe nói anh đã quyết tâm luyện tập để có thể chống nạng đi lại được trong nhà . Nhiều năm sau tôi hay tin anh đã mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện rồi lấy vợ, sinh con. Tôi đã kể chuyện này cho nhiều người nghe như một bằng chứng về sức cảm hóa từ những việc làm tốt đẹp.
Rồi mới hôm kia thôi, tôi đi taxi lên nhà vườn của mình ở Sóc Sơn. Khi gần đến sân bay Nội Bài, người lái xe đột nhiên dẹp xe vào bên đường, dừng lại và nói: xin lỗi anh, em phải... Anh mở cửa xe, chạy về phía một người phụ nữ đang nằm bên đường, tôi cũng chạy ra theo. Thì ra người phụ nữ này bị một người đi xe máy phóng quá nhanh quệt vào quang gánh làm chị ngã quỵ.
Cũng may chị chỉ bị xây xước nhẹ, trấn tĩnh một lúc chị cảm ơn chúng tôi và tiếp tục quảy đôi quang đầy cỏ khô đi vào trong làng... Tôi nói với người lái xe: Cậu khá đấy! Cậu ta cười hiền lành: Có gì đâu anh, người nào gặp cảnh ấy cũng làm vậy mà!
Những người tốt, việc tốt quanh ta không hề hiếm. Và theo dõi báo chí, mạng xã hội, tôi thấy thực ra dư luận rất quan tâm đến những tấm gương sáng, những việc làm tốt đang diễn ra hàng ngày trên đất nước.
Vì vậy, nhà báo chính là những người đầu tiên cần mở lòng để đón nhận, kịp thời phản ánh trên mặt báo và các tòa soạn báo hàng ngày nên đưa nhiều việc làm hay, những con người tốt đẹp lên mặt báo để cái tốt dần dần lấn át, đẩy lùi cái xấu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý chỉ khi chúng ta viết trung thực, khách quan, không tô vẽ, không thêm bớt, để cái tốt thực sự là cái tốt thì mới không bị phản tác dụng, “lợi bất cập hại”.